Xưa kia miền tây Nam bộ – vùng đất u u minh minh, muỗi kêu sáo thổi – chưa có mùng. Khi đi ngủ, người ta hun khói đuổi muỗi, bù mắc và dùng bó cọng dừa “vụt” chúng. Nếu một mình trong bưng, họ ngủ “mùng nước”: trầm mình dưới sình, lấy tàu lá (ví dụ lá sen) úp lên mặt, thế là ngủ “ngon”. Rồi vài trăm năm gần đây, người dân miền tây phát minh ra “nóp”. “Nóp” được khâu từ cái “đệm” – một loại chiếu không dệt từ cói. “Đệm” được đan từ cọng “bàng”, loài cỏ dại cọng dài, dai sợi, hằng hà sa số ở miền tây.
Vật liệu: Khi cọng bàng dài hơn mét trở lên, người ta chống xuồng đi thu hoạch, mang về phơi khô rồi giã trên “thớt” (tạm gọi vậy). Thớt là một khúc gỗ to, dài chừng 2 mét hơn, mặt trên (và mặt dưới) đẽo phẳng làm mặt thớt. Cứ hai người một thớt, họ đặt bó bàng lên thớt và đứng lên trên, mỗi người một đầu, dùng chân đè bó bàng rồi dùng chày giã. Đêm đêm “tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng người ca” ngân lên khắp xóm. “Cụp cùm cum”, “cụp cùm cum”.
Đan “đệm”: Bàng giã xong trở thành vật liệu đan đệm. Người ta đan lóng đôi, lóng ba (nong đôi, nong ba) thành cái đệm. Đệm tính theo “vuông” nhưng đơn vị thương mại thì theo “mét tới” với khổ tiêu chuẩn (khoảng 2 mét). Dân miền tây nói nằm “đệm” êm hơn, mát hơn nằm chiếu cói.
Khâu “nóp”: Người ta gập đôi cái “đệm” theo chiều “tới” sao cho nửa trên (sau sẽ là "mùng") dài hơn nửa dưới (sau sẽ là “chiếu nằm”) chừng 2 tấc “tới”. Phần 2 tấc "dư" gọi là “lưỡi gà”. Họ khâu mép trên và mép dưới của 2 đầu lại, thế là thành cái “nóp” với 3 phía kín và 1 phía cửa.
Ngủ nóp: Người ta trải nóp xuống, ngậm nước phun lên nóc nóp và dùng tay phủi khắp người để xua đàn muỗi, bù mắc đang bu đặc quanh người, rồi “lăn” vô nóp. Vô trong rồi, kẻ đó gập “lưỡi gà” lại, gài vô phần “chiếu nằm” và yên giấc. Người ta giải thích phun nước cho mát, nhưng có người nói, do “đệm” đan không đều, có kẽ hở, bù mắc chui vô, nên phải phun nước để bàng nở ra bít kẽ đan.
Hồi chín năm, anh Trần Kết người Rumany (chiến sỹ quốc tế, nguyên là lính lê dương), do coi thường “nguyên lý” nên đã dìm nóp xuống nước, ý sẽ được mát hơn, không dè cọng bàng nở ra bít khít các kẽ thông thoáng. Ngợp quá, me xừ phải chui đầu ra ngoài, bị muỗi chích sưng híp mặt. Được cái cọng bàng mau khô nên khi nóp gặp mưa, người ta chỉ cần phơi một hồi là ráo. Để phần “mùng” không chạm vào mặt, họ bẻ cái que hay dùng cây “chạc tiêu chuẩn” chống phía đầu nóp.
Ngủ nóp loại “2 đệm” (nóp có phần lưỡi gà rộng bằng phần “chiếu nằm”): Sau khi “lăn” vô nóp, kẻ đó xoay nghiêng người để kéo phần lưỡi gà “đi” hết phần “chiếu nằm” rồi nghiêng người lại nằm đè lên “chiếu”. Thế là sở hữu chủ nằm trên 2 lớp đệm, êm ái gấp đôi.
Nóp đôi: Vợ chồng mới cưới ngủ nóp đôi, cho dù nằm dưới mái lá trống huơ trống hoác hay giữa trời đầy sao, thời vẫn … kín như bưng. Nếu ngủ nóp loại “2 đệm” thì cả hai phải nghiêng qua lăn lại, chí chóe một hồi mới luồn được lưỡi gà “đi” hết “chiếu”. Cực một chút nhưng … vui.
Nóp 99%: Thời Pháp thuộc đã có mùng nhưng là mặt hàng quý hiếm, dân bưng biền chỉ dám mua miếng vải mùng về chia nhau, mỗi người một miếng cỡ 2 bàn tay. Họ khoét một lỗ ở nóc nóp và “khâu thế” miếng vải mùng vào, cho đỡ ngộp.
Tính đa dụng: Nóp là mùng, là chiếu, là lều của người dân miền tây. Với người lính, nóp còn là ba lô. Sáng dậy, anh lính bỏ quân tư trang vô nóp rồi xếp-cột lại, đeo lên lưng. Anh cán bộ dân chánh cất sổ sách tài liệu vô nóp, xếp-cột lại, gọn ghẽ không thua cái cặp “sămsunai”. Trong tác chiến, bị chém sau lưng hay trúng bom đạn thì cái nóp phần nào có tác dụng như áo giáp. Rủi hy sinh trận mạc, thay vì “da ngựa bọc thây” thì nay “xài” nóp.
Thay lời kết: Nóp là một phương tiện của người nông dân nghèo mà nay đã được thay thế bằng mùng và các phương tiện khác. Có lẽ nó chỉ còn tồn tại trong kí ức những người của một thời nóp với dáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng.
Nguồn: Bantroi