Tim thông tin blog này:

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

Về "Khu Giọt nước" ở Kon Tum

Tạp chí  Văn hóa – Thể thao – Du lịch Kon Tum số 69 + 70 phát hành tháng 01-2013 trang 168 có in bài viết nhan đề “Công viên Giọt nước Đăk Bla – Thêm một công trình cho thành phố trẻ”. Bài viết biểu thị tinh thần tự hào và tình cảm mến yêu, gắn bó của tác giả dành cho đất Kon Tum, rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trong bài có đôi chỗ người đọc muốn trao đổi thêm với tác giả và các bạn đọc khác.
Lượt trích: “Địa điểm giọt nước Đăk Bla là nơi ém quân và đường rút quân của quân ta trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ở đây mỗi gốc cây, từng đoạn hào tự nhiên do giọt nước tạo thành đều ghi dấu chiến công của Tiểu đoàn đặc công 406 của Quân khu V  và Tiểu đoàn 304 của Tỉnh đội Kon Tum (…) Sau khi công viên hoàn thành cần dành một vị trí trang trọng cắm Bia di tích với nội dung “Khu vực này là một trong những địa điểm ém quân và đường rút quân của ta trong chiến dịch Mậu Thân 1968 khi đánh vào thị xã Kon Tum”. Nên chăng, về tên gọi: Có thể lấy tên “Công viên 406” thay cho “Công viên Giọt nước Đăk Bla” để ghi nhớ sự hy sinh to lớn của Tiểu đoàn đặc công 406 của Quân khu V. Trong 4 ngày chiến đấu ngoan cường dũng cảm trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Kon Tum (từ đêm Giao thừa đến đêm mồng 4 Tết), Tiểu đoàn đặc công 406 của Quân khu từ biên chế 120 đồng chí thì 117 đồng chí đã hy sinh, chỉ còn lại 3 đồng chí sống sót…”.
Xin trao đổi vài ý nhỏ:
          * Về lịch sử tiểu đoàn 406: Bài viết có đến 4 lần ghi: “Tiểu đoàn đặc công 406 của Quân khu V”. Xem lại sách “Lịch sử tiểu đoàn Đặc công 406 Kon Tum” (“LSTĐĐC 406 KT” – Đảng ủy – Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum – 2008), có những đoạn nói về sự ra đời của tiểu đoàn này: “Đầu năm 1960, Trung ương bổ sung cho tỉnh Kon Tum một bộ khung lực lượng Đặc công (gọi tắt là C.K.O), quân số
40 đồng chí … thuộc Trung đoàn 120 tập kết ra Bắc sau 1954 … Sau khi hành quân từ miền Bắc vào, đơn vị đứng chân ở H67 (nay là huyện Sa Thầy) để ổn định tổ chức, huấn luyện và làm quen với chiến trường. Đây là lực lượng nòng cốt của bộ đội Đặc công tỉnh sau này. Tháng 10-1961, Ban chỉ huy Tỉnh đội tuyển chọn một số thanh niên con em địa phương (chủ yếu ở H40) bổ sung vào lực lượng Đặc công C.K.O, nâng quân số của đơn vị lên 55 đồng chí và thành lập đội Đặc công C.K.O gồm 2 trung đội … Ngày 20-7-1963, tại ngả ba sông Đăk Mĩ xã Đăk Tuần H30 (nay thuộc xã Mường Hoong – Đăk Glei), đội Đặc công C.K.O được bổ sung một trung đội thuộc đại đội Trinh sát 120 của tỉnh, nâng tổng quân số lên 95 người, biên chế thành 3 trung đội và thành lập đại đội 207 ...  Quân khu quyết định thành lập tiểu đoàn Đặc công 406 trực thuộc Tỉnh đội Kon Tum, gồm 3 đại đội: 207, 208 và 209 trên cơ sở Đại đội Đặc công 207, lực lượng của trên bổ sung và điều động các đơn vị khác về. Đầu tháng 4-1967, tại khu rừng Kon Tu – Đăk Phía – H16 (nay thuộc huyện Đăk Hà) lễ thành lập tiểu đoàn Đặc công 406 đã được tổ chức…”.
- Như vậy, tiểu đoàn Đặc công 406 không phải “của Quân khu V” (Quân khu chỉ quyết định thành lập) mà hoàn toàn trực thuộc Tỉnh đội Kon Tum được phát triển từ một nhóm nhỏ ban đầu do trung ương tăng cường.
* Về chuyện “ém quân” và “đường rút quân” ở Khu Giọt nước: Sách “LSTĐĐC 406 KT” viết: “Ngày 24-01-1968, Tiểu đoàn di chuyển về tập kết ở phía đông làng Kongu, cách thị xã Kon Tum 16 – 17km về phía Bắc … Từ ngày 27 – 29 (tức 30 tết Mậu Thân) mỗi ngày Tiểu đoàn chọn 4 đồng chí cải trang thành lính ngụy và được anh Bùi Diêu – Thiếu úy cảnh sát ngụy (là cơ sở của ta) bí mật đưa vào ở trong quán Cao Nguyên, trung tâm thị xã (trong 3 ngày đưa được 12 đồng chí). Trưa ngày 29-01, các đơn vị lần lượt hành quân chiếm lĩnh. Tiểu đoàn từ vị trí tập kết vượt suối Đăk Cấm phía Bắc thị xã, theo hướng Tây Nam vượt đường 14 tại đỉnh dốc Đăk Cấm chiếm lĩnh khu vực ngả ba Phương Quý, nơi Đại đội 3 – Tiểu đoàn BB 304 làm nhiệm vụ chiếm giữ tạo bàn đạp xuất phát tiến công cho đơn vị. Đúng 0 giờ ngày 30-01-1968 (giao thừa tết Mậu Thân), theo hiệp đồng, Đại đội DKB 31 bắn cấp tập chế áp Biệt khu 24, Khu huấn luyện 40, 41 phía Bắc và Đông Bắc thị xã Kon Tum. 12 đồng chí đã vào ở quán Cao Nguyên được 2 quần chúng dùng xe chở đến trước Ty Cảnh sát và tiểu đoàn Bảo an bảo vệ Tòa hành chính, nhanh chóng nổ súng khống chế bọn địch ở đây. Các Đại đội 207, 208, 209 cải trang thành lính ngụy được các đồng chí trinh sát và đại đội trưởng dẫn đường vận động theo các trục đường tiếp cận các mục tiêu được phân công. Đại đội 207 đánh chiếm Ty cảnh sát; đại đội 208 tiến công Tỉnh đoàn Bảo an, đánh chiếm Dinh tỉnh trưởng; đại đội 209 đánh chiếm Tòa hành chính…”.
Và trong sách hồi ký “Tự chuyện đời tôi” của ông Nguyễn Tập, người được sách “LSTĐĐC 406 KT” cho biết: “Cùng đi với Tiểu đoàn có Sở chỉ huy tiền phương của Tỉnh đội, gồm các đồng chí: Nguyễn Tập – Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó Chính ủy chiến dịch; Bạch Bá Năng – Tỉnh đội trưởng; Lưu Xem – Tham mưu phó Tỉnh đội” – là người trực tiếp phụ trách trận địa nội thị, cũng viết: “Đúng như vậy, đội đặc công 12 đồng chí đi vào bằng đủ các phương tiện …  Họ ăn ở tại quán giải khát số 4 Cao Nguyên Hàng Keo … Vừa xẩm tối 29 Tết (tháng Chạp năm ấy không có ngày 30) trao lệnh xuất quân theo từng đơn vị thứ tự xa gần … Từ nơi xuất phát vượt qua sông Đăk Kấm đi về hướng tây nam, vượt đường 14 ngay đỉnh dốc nam cầu Đăk Kấm qua một đoạn, vòng về nam vượt suối Rỏ Rẻ, quành xuống đông nhập vào đường lớn trước bệnh viện Kon Tum thẳng đến quốc lộ 14, nơi đoạn cắt ngang, mỗi đơn vị rẽ lối đi theo hướng mục tiêu của đơn vị mình. D 406 hành quân theo đường Bà Triệu, có cơ sở canh tuần báo tin an toàn tiến thẳng đến Tòa hành chính tỉnh Kon Tum. C3 của 406 đi theo đường Trần Hưng Đạo về phía Tiểu khu Kon Tum. Công binh khi qua khỏi suối Rỏ Rẻ theo đường bí mật tiến về cầu Kon Tum…”.
          - Như vậy, việc “ém quân” ở khu Giọt nước là không có, và việc “rút quân” ngang qua đấy chỉ là trường hợp ngẫu nhiên, lể tẻ, chứ không ở trong kế hoạch chiến lược làm “đường rút quân”. – Ví dụ như Anh hùng A Xâu, trong lời kể có bảo đã men theo con suối khu Giọt nước để chui qua ống cống đường Phan Đình Phùng ra phía cầu Rỏ Rẻ về lại căn cứ Đăk Kấm.
* Về tên gọi “Công viên Giọt nước Đăk Bla”:  Đúng như tác bài viết đã nói, Khu Giọt nước là một di tích lịch sử – văn hóa của Kon Tum (mà lâu nay ít ai nghĩ tới), bởi – cũng như những dãy cây “dông” cổ thụ bên đầu cầu Đăk Bla – nó đã gắn liền với quá trình hưng phế của Kon Tum từ những ngày đầu thành lập đến nay. Đó là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho thị xã Kon Tum từ thuở ban đầu đến những năm giữa thập niên 70 thế kỷ XX mới thôi sử dụng vì bị ô nhiễm và bồi lấp. Từ những năm 1933-1934, trong loạt bài “Kon Tum tỉnh chí” của quan Quản đạo Võ Chuẩn in trên Nam phong tạp chí đã viết: “Hiện nay có chỗ uống nước giếng, nhưng phần nhiều họ gánh nước nơi “Giọt” (suối sau lưng Đạo). Suối ấy đã xây ba cái bể có vòi chảy để người ta đến gánh nước và xung quanh đều rào lại, cấm không cho ai được vào trong cái rừng nhỏ ấy, sợ làm cho cái “suối” phải dơ bẩn”. Sách “Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum”, tác giả Ngô Đức Đệ - một cựu tù ở Ngục Kon Tum – cũng viết: “Cả đường phố và cơ quan chỉ có 7 ngọn đèn trụ thắp dầu: 1 cái ở cửa nhà lao, 1 cái ở cửa Giám binh, 1 cái ở Tòa sứ, 1 cái ở bến đò Kon Tum, 1 cái ở nhà Phó sứ, 1 cái ở suối nước nhân dân và 1 cái ở cửa trường học”. (Ngô Đức Đệ bảo “suối nước nhân dân”, nhưng bản vẽ kèm theo ghi là “Giọt nước”, là ý nói nơi để bà con nhân dân quanh vùng sử dụng chung). Đến năm 1972 nhà văn Huỳnh Ngọc Sơn cũng lấy bối cảnh từ đấy để viết nên truyện ngắn “Khu Giọt nước” (in trên tạp chí Đối Diện - Sài Gòn) với nội dung lên án xã hội băng hoại của miền Nam lúc bấy giờ!…
Một ít trích dẫn để thấy dấu ấn của “Giọt nước” đối với lịch sử xã hội Kon Tum là rất đậm nét. (Được rào giạu cẩn thận đề phòng phá phách dơ bẩn; đêm đêm được ưu tiên có ngọn đèn sáng vừa canh phòng vừa để bà con thấy đường lấy nước; được lấy làm nguyên mẫu cho cảm xúc sáng tạo văn học, v.v…). Các tài liệu và trong dân gian xưa nay đều gọi đơn giản là “Giọt nước”, chưa hề nghe ai nói “Giọt nước Đăk Bla” bao giờ. Vả lại, từ “Bla” (Blăh) tiếng Ba-na có nghĩa hung dữ, bạo liệt, bà con dùng để chỉ cho sông mùa lũ lụt (sông Đăk Bla), trong khi Giọt nước chỉ là một con suối nhỏ hiền lành yên ả, ghép “Bla” vào, phỏng có nghĩa lý gì không? Thêm nữa, khu Giọt nước và sông Đăk Bla cách nhau chừng nửa cây số chứ có liên đới gì với nhau đâu, thì hà cớ gì lại phải gọi ghép như vậy?
Nếu có thể gọi ghép thì nên gọi “Giọt nước Đăk Rơ-bét”. Vì, theo một ghi chép (viết tay) của ông Nguyễn Hữu Phú (nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân tỉnh Kon Tum năm 1946) còn lưu trữ tại Văn khố Giáo xứ Kon Tum thì ngày xưa có một làng nhỏ Ba-na tên Đăk Rơ-bét ăn theo nguồn nước giọt của con suối nhỏ Đăk Rơ-bét ấy. Suối này theo đà đô thị hoá nên ngày nay một phần bị san lấp, một phần đã được lắp cống kín hết rồi, chỉ chảy ngầm dưới cống (đồng thời cũng là đường thoát nước sinh hoạt của thành phố Kon Tum), bắt đầu từ khoảng khuôn viên sân chùa Huệ Hương, chảy cắt qua đường Ngô Quyền, đường Hoàng Văn Thụ, đường Lê Hồng Phong, đường Hoàng Hoa Thám, đường Bùi Thị Xuân, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, song song đường Cường Để (cũ), ngang qua khu Giọt nước (đang được đề cập), qua đường Phan Đình Phùng, len giữa mặt bắc ngục Kon Tum (cũ) và mặt nam chùa Hồng Từ, vòng sau xóm “Lò Heo” ra đất ô nà làng Plei Tơ-ngia, rồi đổ về sông Đăk Bla.
Khi thành lập thị xã Kon Tum, nhà đương cục lúc bấy giờ quyết định lấy khu Giọt nước này làm nguồn nước sạch cung cấp cho toàn thị xã thì làng Đăk Rơ-bét được dời về cạnh làng Plei Tơ-ngia. Lâu ngày, hai làng dần sáp nhập làm một. Ngày nay mọi người chỉ biết làng Plei Tơ-ngia, ít ai còn biết ở đó từng có làng Đăk Rơ-bét!
- Như vậy, việc tác giả bài viết bảo: “Có thể lấy tên Công viên 406 thay cho Công viên Giọt nước Đăk Bla" hay không, có thể trả lời ngay là: Không! Còn tấm “Bia” thì cũng nên dựng, nhưng không phải nội dung như tác giả đề nghị, mà là chỉ ghi ý nghĩa, giá trị về mặt lịch sử, văn hoá của nó đối với xã hội, dân sinh trăm năm qua ở Kon Tum. Và đặc biệt không nên ghép cụm từ “Đăk Bla” vào đây!  Chỉ đơn giản là: “Công viên Giọt nước”, hoặc giả muốn gọi theo cách để “nhớ nguồn” xưa thì là “Giọt nước Đăk Rơ-bét” – nhưng cũng không cần thiết!
 Tạ Văn Sỹ

__________
Post by Th09

Tìm kiếm Blog này