Mỏ dầu Bạch Hổ: Những mũi khoan gặp dầu
TTO - Chỉ với 6 mũi khoan đầu tiên mà đã tìm thấy hai giếng dầu có khả năng thương mại, một giếng có dấu vết là sự thành công rất lớn. Tỉ lệ thành công này cao hơn cả tỉ lệ trung bình của ngành dầu khí thế giới.
Mỏ dầu Bạch Hổ: Cuộc tiếp quản tháng 5-1975
Ngay sau khi trúng thầu, các trùm dầu hỏa thế giới Pecten, Mobil, Esso, Sunningdale, Marathon lập tức bắt tay khảo sát địa vật lý. Họ cho tàu khảo sát tổng cộng 46.960km tuyến trong các lô đã trúng thầu trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam.
Khi Sài Gòn đẩy mạnh nỗ lực khai thác dầu hỏa, Trung Quốc tấn công Hoàng Sa vào đầu tháng 1-1974. Lo ngại hải quân Trung Quốc tiếp tục tiến xuống Trường Sa, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã cử các tàu chiến mạnh nhất của mình về phòng thủ Trường Sa.
Và ngay sau lớp chiến hạm phòng vệ này là các công ty dầu hỏa quốc tế đang tìm kiếm dầu khí.
Những mũi khoan đầu tiên
Nửa cuối năm 1974, Pecten tiến hành khoan 4 giếng Hồng-1X, Dừa-1X, Dừa-2X, Mía-1X bằng giàn khoan Ocean Prospecter nửa chìm (semi - submersible). Do dông bão trên Biển Đông, giữa tháng 8-1974, ống khoan mới bắt đầu được hạ xuống biển.
Báo chí Sài Gòn bám sát sự kiện này, viết nhầm giếng Hồng-1X, lô 08, thành Hồng 9 do suy diễn từ chữ số La Mã, trong khi chính xác thì 1 là số thứ tự giếng thứ nhất, còn X viết tắt từ Exploration có nghĩa thăm dò.
Cái tên Hồng 9 báo chí đặt vừa đẹp vừa may mắn, nhưng ở độ sâu 1.609m, mũi khoan của Pecten chỉ thu được ít dầu tàn dư, không đạt trữ lượng khai thác thương mại. Pecten sau đó cho biết đây là giếng khô, không có dầu công nghiệp, giàn khoan sẽ chuyển sang vị trí khác.
Riêng giếng Dừa-1X sang ngày 2-9-1974 mới được Pecten bắt đầu khoan với kế hoạch độ sâu cuối cùng khoảng 4.500m. Công việc ban đầu khá thuận lợi. Sau 3 ngày, tức ngày 5-9, mũi khoan xuống độ sâu 1.200m, ngày 19-9 xuống 3.000m. Đến ngày 10-10, mũi khoan xuống sâu tới 4.000m, chỉ còn cách đích 500m. Pecten thử vỉa thu được kết quả 2.200 thùng dầu thô/ngày và 480.000m3 khí.
Trong khi Pecten tạm trám giếng này lại, chờ tính toán khai thác, báo chí Sài Gòn giật tin nóng: Giếng Dừa 9 (thật ra là Dừa-1X) tìm thấy mỏ dầu có trữ lượng 1 tỉ thùng đủ để khai thác hơn 30 năm. Ngày 6-11-1974, giàn khoan của Pecten đến giếng Mía-1X ở lô 06. Mũi khoan đã đạt độ sâu 3.600m và tìm thấy dấu vết dầu, nhưng Pecten đã trám lại mà không thử vỉa...
Mũi khoan thứ 4 và cũng là mũi khoan cuối cùng của Pecten được thực hiện tại giếng Dừa-2X, vị trí chỉ cách giếng Dừa-1X gần 2 km - nơi đã tìm thấy 2.200 thùng dầu một ngày. Kế hoạch chi tiết của Pecten gửi về Ủy ban Quốc gia dầu hỏa VNCH khá lạc quan: sẽ khoan đến độ sâu 4.300m để thẩm lượng, chuẩn bị khai thác dầu thương mại.
Tuy nhiên, đến giữa tháng 4-1975, mũi khoan vẫn chưa hoàn thành thì Pecten phải nhổ neo di dời giàn khoan trước tình hình chiến sự ngày càng áp sát Sài Gòn. Chính phủ VNCH sụp đổ cũng có nghĩa là hợp đồng ký kết với Pecten không còn hiệu lực nữa.
Trong khi đó, ngày 20-1-1975, mũi khoan của Mobil xuống đến độ sâu 2.000m của giếng Bạch Hổ-1X trong lô 04, bể Mekong. Ngày 11-2-1975, Mobil thử vỉa ở độ sâu 3.000m, thu được 430 thùng dầu một ngày và 5.600m3 khí đồng hành. Bảy ngày sau, họ lại thử vỉa lần thứ hai và tiếp tục thu được 2.400 thùng dầu và 25.000m3 khí đồng hành.
Kết quả này được liên doanh Mobil - Kaiyo đánh giá rất triển vọng. Họ chuẩn bị các tiến trình để đi đến giai đoạn khai thác dầu khí thương mại, như khoan thêm mũi thử nghiệm kích thước mỏ, trữ lượng. Mobil dự kiến chỉ cần ba năm, tức khoảng năm 1977, họ sẽ khai thác được dầu thương mại tại mỏ này.
Niềm vui dở dang
Tin vui được gửi nhanh về Sài Gòn. Việt Tấn Xã tường thuật: "Hôm nay, 15 giờ, thứ hai, ngày 24-2-1975, tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã rời Sài Gòn đi quan sát giếng dầu Bạch Hổ-1X khoan cách Sài Gòn chừng 200 cây số về hướng đông nam trên thềm lục địa Việt Nam...
Cùng tham dự với tổng thống hôm nay có thủ tướng chính phủ Trần Thiện Khiêm, ông tổng trưởng kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng, ông tổng cuộc trưởng Dầu hỏa và khoáng sản Trần Văn Khởi và ông tổng giám đốc Mobil Vietnam Peter Gelpke".
Sau kết quả thăm dò tốt đẹp ở giếng Bạch Hổ-1X, Mobil cho dời tàu khoan Glomar IV đến khoan giếng Đại Hùng-1X ở lô số 03. Kế hoạch của Mobil thông báo với Sài Gòn là sẽ khoan đến độ sâu gần 4.000m, thời gian khoan dự kiến tối đa 2,5 tháng. Tuy nhiên, cũng như mũi khoan ở giếng Dừa-2X phải dừng giữa chừng vì hồi kết chiến cuộc, mũi khoan ở Đại Hùng-1X này chỉ xuống được độ sâu 1.819m thì dở dang.
Mobil phải đình chỉ tất cả công việc trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam giữa tình hình nóng bỏng một tuần trước ngày 30-4-1975. Glomar nhổ neo, thu ống khoan, di chuyển về cảng Singapore. Các công ty khác như Esso, Sunningdale chưa kịp khoan giếng nào và đỡ chịu thiệt hại hơn Mobil và Pecten quá nhanh chân đi trước.
Bước ngoặt lịch sử đã làm sụp đổ chính phủ VNCH ở miền Nam Việt Nam, kết thúc "giấc mơ dầu hỏa sẽ thay đồng tiền viện trợ Mỹ, để bảo vệ và phát triển miền Nam". Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn ngủi, ngành dầu hỏa Sài Gòn cũng làm được rất nhiều việc. Đặc biệt là chỉ nửa năm trước ngày 30-4-1975, sáu giếng khoan đã được thực hiện để thăm dò dầu hỏa trên thềm lục địa miền Nam.
Trong đó, giếng Bạch Hổ-1X đã tìm thấy dòng dầu thương mại và được chuẩn bị kế hoạch khai thác quy mô công nghiệp vào năm 1977. Giếng Dừa-1X cũng phát hiện dòng dầu có khả năng thương mại. Giếng Hồng-1X thì có dấu vết dầu.
"Nỗ lực rất lớn"
Theo TS Ngô Thường San - chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, Chính phủ VNCH trước năm 1975 đã có nỗ lực rất lớn trong việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên dầu khí. Họ thực hiện đúng những tiến trình bài bản từ việc ban hành đạo luật dầu hỏa để có nền tảng pháp lý, thành lập Ủy ban Quốc gia dầu hỏa điều hành công việc, và mời gọi các công ty quốc tế có năng lực mạnh tiến hành thăm dò, khai thác.
Chỉ với 6 mũi khoan đầu tiên mà đã tìm thấy hai giếng dầu có khả năng thương mại, một giếng có dấu vết là sự thành công rất lớn. Tỉ lệ thành công này cao hơn cả tỉ lệ trung bình của ngành dầu khí thế giới.
Nhưng trước đó, nhiều người Mỹ và ngoại quốc khác ở Sài Gòn đã di tản bằng đường hàng không khi phi trường Tân Sơn Nhất còn chưa tê liệt vì pháo kích.
Trong đám đông hỗn loạn đó có lãnh đạo và nhân viên của các công ty dầu hỏa Pecten, Mobil, Esso, Sunningdale... làm việc ở Sài Gòn. Trong khi đó, từ Hà Nội, các chuyên gia đã sẵn sàng cho nhiệm vụ mới.
Chuyến bay sớm vào Sài Gòn
"Đầu thập niên 1970, ngoài nỗ lực thăm dò dầu khí sớm hơn cả miền Nam, ở vùng đồng bằng sông Hồng, Hà Nội cũng theo dõi sát sao từng bước đi của ngành dầu khí Sài Gòn" - TS địa vật lý Trương Minh, một trong những trụ cột khoa học của ngành dầu khí miền Bắc và Việt Nam sau này, nhớ lại.
Bạn của ông, TS Trần Ngọc Toản, nguyên viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam, chính là người theo dõi sát sao hành trình tìm dầu của chính quyền VNCH.
Ông Toản cho biết ngay từ trước tháng 4-1975, ông đã ghi chép chi tiết hành trình thăm dò dầu khí của miền Nam cùng với những sự kiện đặc biệt. Ngoài các thông tin báo chí Sài Gòn và quốc tế đăng tải, Hà Nội còn có những nguồn tin riêng của mình.
Những hợp đồng của Sài Gòn ký với công ty dầu hỏa quốc tế, những mũi khoan xuống thềm lục địa và kết quả ra sao đều được ông theo dõi, ghi chép lại đầy đủ.
Chính vì vậy, ngay từ đầu tháng 5-1975, TS Toản đã cùng một số cán bộ công an lên chuyến bay sớm vào Sài Gòn. Nhiệm vụ của họ là nhanh chóng tiếp quản Ủy ban Quốc gia dầu hỏa và Tổng cuộc Dầu hỏa - khoáng sản Sài Gòn.
Vừa xuống phi trường, ông tìm đến ngay văn phòng Tổng cuộc Dầu hỏa - khoáng sản trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Có người đã di tản, nhưng vẫn còn người ở lại, vẫn đến văn phòng dù lúc này họ không còn nhận được chỉ thị làm việc nào từ cấp trên.
Trong số đó có kỹ sư địa chất Nguyễn Văn Vĩnh, tốt nghiệp chuyên ngành ở Đại học Dầu mỏ Texas, Hoa Kỳ. Đặc biệt, kỹ sư Vĩnh không chỉ là cuộc trưởng dầu hỏa, am hiểu tất cả vấn đề, mà còn là chứng nhân của các mũi khoan đầu tiên ở thềm lục địa.
Điều khoản bắt buộc của chính quyền Sài Gòn cũ là các công ty dầu hỏa quốc tế phải cho người Việt Nam ra làm việc, học hỏi kinh nghiệm trực tiếp trên giàn khoan. Và kỹ sư Vĩnh cùng đồng nghiệp từ Sài Gòn đã bay trực thăng ra làm việc trên cả các giàn Glomar IV lẫn Ocean Prospector của hãng Pecten, Mobil.
Đặc biệt, ngoài các tài liệu tiếp cận được chính thức từ văn phòng Tổng cuộc Dầu hỏa - khoáng sản Sài Gòn, TS Toản còn thu được một tài liệu vô cùng quý giá ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất.
Tiêu đề tập tài liệu này là "Đánh giá khả năng dầu mỏ ở thềm lục địa Việt Nam" (Evaluation of oil possibilities in offshore Vietnam). Người viết không thấy ghi tên trên tài liệu, nhưng có chuyên môn rất cao khi đánh giá chi tiết cả hai mặt thuận lợi và không thuận lợi của khả năng tìm thấy dầu ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam.
Về thuận lợi, khảo sát địa vật lý đã cho thấy thềm lục địa này có các bồn trầm tích giống như các nước khu vực đã khai thác được dầu. Các cấu tạo địa chất đã được xác định bằng đo đạc khoa học. Thực tế dấu hiệu dầu cũng tìm thấy được ngay từ giếng khoan đầu tiên Hồng-1X. Các giếng khoan tiếp theo như Dừa-1X, Bạch Hổ-1X đều thu được dòng dầu ở mức độ có thể khai thác công nghiệp.
Riêng những vấn đề không thuận lợi thì với hiểu biết đến thời điểm đó, người viết tài liệu này cho rằng phần lớn tích tụ dầu trong các bồn trũng ngoài khơi Đông Nam Á có thể không đạt giá trị thương mại cao. Các mỏ dầu, khí ngoài biển ở Đông Nam Á có kích thước nhỏ... Phần lớn đều chứa khí. Giá trị thương mại khi khai thác dòng khí này có thể không được như mong muốn khi chúng đều nằm xa ở ngoài khơi...
Lúc đó, tình hình thiếu xăng dầu nghiêm trọng, cần phải đi vay dầu ở một số nước bạn.
Bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó chủ tịch nước)
"Cơn khát" xăng dầu bắt đầu
Đến gần cuối tháng 5-1975, nhóm cán bộ dầu khí từ miền Bắc vào đã tiếp cận được toàn bộ hồ sơ dầu của Sài Gòn. Đặc biệt là đội ngũ nhân lực chuyên dụng trong đây tuy còn hạn chế về số lượng nhưng đều được đào tạo bài bản theo hệ khoa học tiên tiến của phương Tây. Một số kỹ sư như Nguyễn Văn Vĩnh, Phí Lê Sơn đều rất cần thiết cho việc tái khôi phục và phát triển ngành dầu khí miền Nam.
Vừa chấm dứt bom đạn, Việt Nam hậu chiến đối diện ngay hàng loạt vấn đề khó khăn nghiêm trọng. Toàn bộ nguồn xăng dầu khổng lồ của Mỹ viện trợ trước đây đã bị cắt hẳn. Nguồn viện trợ từ Trung Quốc cũng giảm dần rồi chấm dứt. Tình hình khó khăn đến mức như TS Ngô Thường San - chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam - kể, ngay cả các cán bộ cấp cao cũng phải đi làm bằng xe đạp. Nguồn dự trữ xăng dầu của nhiều địa phương hoàn toàn không còn nữa.
Nhiều lãnh đạo được giao nhiệm vụ "chạy" xăng dầu bằng cách duy nhất là đi vay mượn từ nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên phó chủ tịch nước - kể lại: "Gần một năm sau khi đất nước thống nhất, tôi từ bộ trưởng ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trở thành bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Lúc đó, tình hình thiếu xăng dầu nghiêm trọng, cần phải đi vay dầu ở một số nước bạn. Vì trước đó tôi có một số quan hệ với nhiều nước Bắc Phi, những nước có dầu như Algeria, Libya, Iraq nên các đồng chí lãnh đạo yêu cầu tôi đi vay dầu. Khoảng tháng 6-1976, tôi bắt đầu cuộc vận động".
Bà Bình kể đã được tổng thống Iraq tặng 400.000 tấn dầu và cho vay 1 triệu tấn với lãi suất ưu đãi. Các nước khác như Algeria, Libya cũng hứa hẹn nhưng chưa trả lời ngay.
Trước tình hình này, nhiệm vụ tự lực đè nặng lên vai ngành dầu khí trong nước.
Dầu hỏa và chính trị
Sau khi tiếp quản Tổng cuộc Dầu hỏa - khoáng sản, ngày 5-5-1975, TS Trần Ngọc Toản tìm gặp giáo sư địa chất Trần Kim Thạch. Ông hỏi tại sao giáo sư Thạch lại phát biểu trên báo chí Sài Gòn là ở miền Nam Việt Nam không có khả năng có dầu. Giáo sư Thạch trả lời: "Tôi phát biểu như vậy vì lý do chính trị".
Ý ông Thạch muốn nói rằng giai đoạn cuối 1974 đầu 1975, Mỹ đã có dấu hiệu rõ ràng rời khỏi Việt Nam. Chính quyền VNCH sẽ mất viện trợ từ Mỹ. Dầu hỏa trở thành niềm hi vọng để VNCH có nguồn lực kinh tế để xốc dậy tinh thần tướng lĩnh và binh sĩ. Khẳng định "không có dầu", ông Thạch muốn xóa đi niềm hi vọng kéo dài cuộc chiến.
6 triệu tấn xăng dầu mỗi năm - "nguồn máu" của Mỹ viện trợ cho miền Nam đứt hẳn sau tháng 4-1975. Nguồn viện trợ 2 triệu tấn mỗi năm từ Liên Xô cũng giảm hẳn.
Tình thế ngặt nghèo buộc Việt Nam phải đi vay mượn, mua nợ xăng dầu. Tuy nhiên, giải pháp "con nhà nghèo" này cũng không thể kéo dài mãi...
Nên hợp tác với ai để thăm dò, khai thác dầu khí? Một số ngả về hướng các nước bạn bè như Liên Xô, Đông Âu. Một số thì cho rằng không thể không hợp tác với phương Tây
TS NGÔ THƯỜNG SAN
Mệnh lệnh phải có dầu
Ngày 6-7-1975, Sài Gòn và miền Nam vẫn còn ngổn ngang hậu chiến, các lãnh đạo Hà Nội đã vào tổ chức một cuộc họp đặc biệt giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng dầu.
Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị yêu cầu phải cố gắng tự chủ xăng dầu, không còn cách nào khác.
Một tháng sau, ngày 6-8-1975, Bộ Chính trị ra nghị quyết 244 nhấn mạnh: Nhanh chóng hình thành một nền công nghiệp dầu - khí hoàn chỉnh, bao gồm cả thăm dò, khai thác, vận chuyển, lọc dầu, hóa dầu, cơ khí phục vụ ngành dầu...
Đến cuối tháng 2-1976, Tổng cục Dầu mỏ và khí đốt trình bày kế hoạch thăm dò và khai thác dầu khí: Đến năm 1980 sẽ thu được sản lượng dầu 3-5 triệu tấn (nhu cầu sử dụng 5 triệu tấn).
Năm 1985, sản lượng dầu thu được 17-22 triệu tấn, nhu cầu sử dụng 12-15 triệu tấn. Đến năm 1990, sản lượng dầu thu được 47-52 triệu tấn, nhu cầu sử dụng 25-30 triệu tấn.
Như vậy, theo kịch bản nào thì đến năm 1985, ngành khai thác dầu Việt Nam cũng phải có dôi dư để xuất khẩu.
Đặc biệt, năm 1976 các đánh giá trữ lượng dầu khí quốc gia khá lạc quan: "Trữ lượng dầu khí có thể thu hồi ít nhất 1 tỉ tấn, nhiều nhất có thể tới 4-5 tỉ tấn".
Mục tiêu đề ra thì rất ấn tượng, nhưng làm thế nào để đạt được? Câu hỏi cực kỳ khó. Đến thời điểm này, chương trình khai thác dầu khí của miền Bắc vẫn đang trong giai đoạn thăm dò tìm kiếm.
Miền Nam thì sau các mũi khoan của Mobil, Pecten tìm thấy dầu trên thềm lục địa đã dừng hẳn và rút lui sau tháng 4-1975. Mọi việc lại gần như ở giai đoạn bắt đầu tìm kiếm. Nhiều cuộc họp cấp cao đã được tổ chức để chọn lựa giải pháp.
TS Ngô Thường San - chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, người trong cuộc của giai đoạn khó khăn này - kể: "Nhiều ý kiến hoàn toàn khác nhau về chuyện nên hợp tác với ai để thăm dò, khai thác dầu khí.
Một số ngả về hướng các nước bạn bè như Liên Xô, Đông Âu. Một số thì cho rằng không thể không hợp tác với phương Tây, với các công ty quốc tế có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và kỹ thuật công nghệ cao".
Cuối cùng, Bộ Chính trị quyết định đồng thời làm cả hai hướng. Trên thềm lục địa miền Nam chủ yếu hợp tác với các công ty phương Tây như Anh, Pháp, Ý, Canada, Na Uy và Nhật Bản để đẩy nhanh tiến độ thăm dò, khai thác.
Trên đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, hợp tác với các nước như Liên Xô, Romania... Chủ trương này bắt nguồn từ quan điểm chính trị - kinh tế, an ninh.
Đất nước vừa chấm dứt chiến tranh, không thể để các công ty phương Tây, thậm chí có liên doanh với Mỹ, "sục sạo" trên đất liền.
Sau nhiều cân nhắc thận trọng, Bộ Chính trị quyết định cho phép tìm công ty quốc tế hợp tác khai thác dầu trên tám lô ở thềm lục địa, gồm số 01, 02, 03, 05, 06, 07, 08, 09 và giữ lại bốn lô 04, 12B, 11, 15 làm dự trữ quốc gia.
Tàu châu Âu trên biển Việt
Theo ông Ngô Thường San, chỉ trong năm 1976, các cán bộ ngoại giao và ngành dầu khí đã tiếp xúc với 17 chính phủ và công ty dầu khí quốc tế Anh, Pháp, Úc, Ý, Na Uy, Canada, Nhật, Mexico...
Riêng các công ty Mỹ từng thăm dò cho chính quyền VNCH trước 1975 cũng được tham khảo nhưng chưa thể tiếp xúc vì Việt Nam đang bị Mỹ cấm vận.
Đây là điều đáng tiếc, vì nếu các công ty Mỹ như Mobil, Pecten từng thăm dò thành công trên thềm lục địa Việt Nam trở lại sớm thì tốc độ tiến triển của ngành dầu khí trong nước có thể đã nhanh hơn.
Đặc biệt, sau nhiều cân nhắc chọn "bạn", các nhà lãnh đạo Hà Nội cũng xem xét cẩn thận phương thức hợp tác quốc tế. Các hợp đồng đặc nhượng của chính quyền Sài Gòn được nghiên cứu kỹ nhưng không chọn lựa.
Hai phương thức hợp tác khác được đặt lên bàn thảo luận: hợp đồng phân chia sản phẩm (Production sharing contract), hoặc hợp đồng dịch vụ (Service contract). Mấu chốt khó khăn nhất là phân chia lợi ích tài nguyên thế nào giữa nước chủ sở hữu và công ty đầu tư.
Để tham khảo thêm, Bộ Ngoại giao đã mời giáo sư kinh tế dầu khí gốc người Mỹ Michael Tanzer trình bày về vấn đề này. Lần đầu tiên các cán bộ miền Bắc nghe từ "Petrodollars" (đôla dầu hỏa)...
Từ tháng 4 đến đầu tháng 6-1977, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhiều cán bộ lãnh đạo ngành dầu khí đi thăm "con thoi" các nước Tây Âu như Na Uy, Pháp, Đan Mạch... Một số hiệp định, cam kết đã được thực hiện.
Họ dùng tiền vay của Pháp để mua thiết bị thí nghiệm cho Viện Dầu khí Việt Nam. Ngày 9-9-1977, Công ty Dầu mỏ và khí đốt Việt Nam, Petrovietnam ra đời để có cơ sở pháp nhân hợp tác với các công ty nước ngoài.
CGG, tức Companie Général de Géophysique, công ty của Pháp được mời khảo sát lại cấu tạo thềm lục địa phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
TS địa vật lý Trương Minh nhớ lại: Tàu khảo sát địa vật lý của Pháp khá nhỏ, phải kéo theo đốc nổi hậu cần, gặp trận bão biển tưởng bị đánh chìm.
Kỹ sư Việt theo tàu, từng học Đức về, chẳng hiểu khả năng đọc pháo hiệu bằng tiếng Đức thế nào mà bắn pháo hiệu màu xanh giữa cơn bão khủng khiếp, sau đó lại bắn tiếp pháo hiệu màu trắng vô sự giữa lúc tàu như sắp chìm.
Chịu không nổi bão tố, tàu quay về Vũng Tàu lại bị biên phòng bắt giam vì có người ngoại quốc thiếu giấy tờ.
Ngoài CGG, Công ty địa vật lý Geco của Na Uy cũng được mời khảo sát lại 21.000km tuyến trên thềm lục địa biển. Đặc biệt, các công ty dầu khí Deminex (Tây Đức), Agip (Ý), Bow Valey (Canada) đã được Việt Nam mời thăm dò, khai thác với hợp đồng chia sản phẩm.
Giai đoạn 1978-1980, họ đã khoan 12 giếng thăm dò trên các lô 06, 07, 08, 28, 29. Các mũi khoan này đã đạt đến độ sâu khoảng hơn 2.000m đến gần 4.000m, chi phí gần 90 triệu USD, nhưng không tìm thấy dầu.
Rút khỏi Việt Nam
Giữa năm 1980, các công ty phương Tây rút dần khỏi Việt Nam. Ngoài lý do bất đồng trong hợp tác với Việt Nam, còn có lý do quan trọng hơn là do sự cấm vận của Mỹ.
Đặc biệt, các hồ sơ giải mật sau này cũng cho thấy họ chịu sức ép rất lớn từ Trung Quốc, và họ buộc phải chọn lựa: Trung Quốc hay Việt Nam?
Mỏ dầu Bạch Hổ: Bắt tay với Liên Xô
Các tàu, giàn khoan khai thác dầu khí thời kỳ này thường bị tàu Trung Quốc nhòm ngó, vây quanh. Nhưng họ không dám làm gì khi thấy cờ Việt Nam treo cùng cờ Liên Xô trên tàu
Ông NGÔ THƯỜNG SANG
Tháng 4-1980, Thứ trưởng Zaisev, Bộ Công nghiệp dầu khí Liên Xô, dẫn đoàn sang Hà Nội.
Hiệp định đặc biệt
Nghiên cứu tài liệu khảo sát trước đó, họ nhận định lạc quan: trữ lượng mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng 435 triệu tấn dầu trong tổng trữ lượng toàn bộ thềm lục địa và khu vực phía Nam là 3,6 tỉ tấn dầu, 2.700 tỉ mét khối khí.
Riêng bể trũng Cửu Long, tức Mekong, trên thềm lục địa chính quyền Sài Gòn đã khảo sát trước năm 1975 đạt khoảng 1 tỉ 178 triệu tấn dầu và 3 tỉ mét khối khí...
Đánh giá này mang lại triển vọng rất tốt cho chương trình tự chủ năng lượng quốc gia thời hậu chiến. Nhưng khai thác như thế nào lại là vấn đề vô cùng phức tạp. Chính ngành dầu khí Liên Xô thời điểm đó cũng mới tiến ra biển sâu và kinh nghiệm, kỹ thuật còn kém hơn phương Tây.
Ngày 19-6-1981 tại Matxcơva, Phó thủ tướng Việt Nam Trần Quỳnh cùng Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ký hiệp định thành lập Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô.
Hiệp định gồm 27 điều, ghi: "Thành lập trên lãnh thổ Việt Nam một xí nghiệp liên doanh trên nguyên tắc ngang nhau để tiến hành thăm dò, khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam tại vùng do Việt Nam xác định với sự tham gia của các tổ chức Liên Xô".
Nguyên tắc chia lợi nhuận: "Lợi nhuận xí nghiệp liên doanh sau khi trừ các khoản theo quyết định của hội đồng để lập và bổ sung các quỹ của liên doanh và dùng vào các mục đích khác, được chia đều cho các phía tham gia liên doanh, tức 50% mỗi phía.
Lợi nhuận chia cho phía tham gia liên doanh của Liên Xô không phải chịu thuế. Dầu do liên doanh sản xuất được chia đều cho các phía tham gia, phần dầu phía Liên Xô được nhận sẽ cung cấp cho Liên Xô...".
Tài liệu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ghi lại ngay thời điểm đó đã có một số ý kiến thắc mắc về Hiệp định Việt - Xô: đem toàn bộ thềm lục địa Việt Nam để hợp tác khiến nước chủ nhà mất quyền chủ động trong việc phát triển dầu khí tương lai; không quy định thời hạn của hiệp định;
Phía Liên Xô được ghi sổ góp vốn ngay khi vật tư, thiết bị xuống tàu ở cảng Liên Xô và theo giá quốc tế, còn Việt Nam phải xây dựng xong công trình, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng mới được ghi nhận góp vốn...
Theo ông Ngô Thường San - nguyên phó tổng giám đốc thời kỳ đầu liên doanh, các nhà lãnh đạo Việt Nam không phải không thấy các "vấn đề" này của hợp đồng. Tuy nhiên, bối cảnh các công ty phương Tây rút đi, Việt Nam quá thiếu xăng dầu nên cần phải hợp tác với Liên Xô.
Đặc biệt, thời điểm đó Mỹ cấm vận gay gắt, Trung Quốc cũng tăng cường áp lực với các công ty quốc tế, Việt Nam không hợp tác với Liên Xô thì chọn ai?
Ông San kể: "Các tàu, giàn khoan khai thác dầu khí thời kỳ này thường bị tàu Trung Quốc nhòm ngó, vây quanh. Nhưng họ không dám làm gì khi thấy cờ Việt Nam treo cùng cờ Liên Xô trên tàu".
Hi vọng và lo âu
Vietsovpetro bắt tay vào việc khảo sát thềm lục địa ngay từ năm 1980. Các tàu nghiên cứu hải dương Liên Xô như Poisk, Iskatel ngược xuôi đo địa vật lý khắp Biển Đông.
TS địa vật lý Trương Minh, chứng nhân công việc này, kể: "Khi các tàu Liên Xô vào thềm lục địa thì nhiều tàu của các nước đã khảo sát rồi. Từ công ty nghiên cứu hải dương của Mỹ, Anh trước năm 1975 đến người Pháp, Na Uy giai đoạn sau.
Tuy nhiên, Liên Xô vẫn tiếp tục khảo sát. Và đội ngũ Việt Nam cũng được lợi vì được trực tiếp tham gia nhiều hơn, học hỏi được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật mới".
Để rút ngắn tiến độ, công việc khảo sát, khoan thăm dò được tập trung vào các lô 04, 05, 09,10, 11, 15, 16 bể trũng Cửu Long và Nam Côn Sơn; khu vực có các mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng mà Mobil đã khoan đầu năm 1975.
Tên Bạch Hổ được đặt từ năm 1974 theo đề nghị của Ủy ban Quốc gia dầu hỏa Việt Nam cộng hòa. Khi chuẩn bị khoan thăm dò, Mobil định tên giếng Big Bear nhưng phía Sài Gòn chọn Bạch Hổ.
Ngày 25-12-1983, Vietsovpetro khoan mũi đầu tiên từ tàu khoan Mikhain Mirchin xuống giếng Bạch Hổ - 5, bể trũng Cửu Long, liền kề vị trí giếng Bạch Hổ - 1X mà Mobil khoan thấy dầu tháng 2-1975.
Kế hoạch khoan sâu 3.500m như Công ty Mobil (Mỹ) từng làm. Nhưng Vietsovpetro chỉ khoan đến được 3.001m thì dừng vì sự cố địa chất.
Giữa tháng 5, công tác thử vỉa tìm dầu giếng khoan được chuẩn bị. Tất cả những ai tham gia cuộc tìm kiếm dầu đều hồi hộp, nhưng vẫn có niềm tin vì các nhân chứng và tài liệu thu được của Ủy ban Quốc gia dầu hỏa Sài Gòn đều khẳng định mỏ Bạch Hổ có dầu.
Các lãnh đạo Hà Nội yêu cầu báo cáo liên tục tình hình thử vỉa Bạch Hổ.
Ngày 24-5-1984, dòng dầu được tìm thấy, đuốc dầu trên tàu Mikhain bùng lên. Ban giám đốc Vietsovpetro nhận tin vui, báo liền trung ương. Các lãnh đạo reo lên vui mừng. Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bay ngay ra giàn khoan.
Lễ đốt đuốc dầu lịch sử đầu tiên được tổ chức tại Vũng Tàu...
Nhưng thật ra, những người trực tiếp trong cuộc lại vô cùng lo lắng. Ông Ngô Thường San kể lưu lượng thử giếng Bạch Hổ - 5 có 20 tấn/ngày, chỉ bằng 1/15 lưu lượng Mobil tìm thấy đầu năm 1975.
Những người trực tiếp làm nhiệm vụ thăm dò không dám nói ngược lại niềm vui chung của cả nước đang khát khao dầu, nhưng họ hiểu nếu tình trạng không cải thiện thì các mục tiêu tự chủ dầu khí quốc gia sẽ khó đạt được.
Đây cũng là năm mà sơ đồ công nghệ khai thác thử mỏ Bạch Hổ được phê duyệt, nhưng với kết quả 20 tấn dầu một ngày tìm thấy thì phê duyệt cái gì?
Từ năm 1984-1985, các nỗ lực tìm kiếm dầu ở Bạch Hổ được tiếp tục. Kỹ sư Đặng Của, vụ trưởng Vụ Khoan và khai thác dầu khí thời điểm ấy, kể lại sau giếng Bạch Hổ - 5, các giếng Bạch Hổ -1, Bạch Hổ - 4 cũng được khoan.
Cả hai giếng này đều tìm thấy dầu có khả năng thương mại, nhưng vẫn không giếng nào thu được lưu lượng như Mobil từng công bố hơn 2.000 tấn một ngày đầu năm 1975.
Giếng Bạch Hổ - 5 sau thời gian khai thác bị tụt áp suất đầu giếng. Toàn giàn khai thác MSP - 1 thu chưa được 100 tấn/ngày. Nguồn lực khổng lồ đổ vào mỏ Bạch Hổ chẳng biết bao giờ mới thu hồi được...
**************
QUỐC VIỆT
Nguồn: Tuoitre