Tim thông tin blog này:

Hiển thị các bài đăng có nhãn Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Kontum. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 18 tháng 5, 2023

Nhớ thời còn nhỏ chơi ping pong ở Kontum

Hồi học Đệ nhị cấp ở trường TH Hoàng Đạo, tụi mình chơi ở mấy chỗ này:

Một là chỗ có bàn cho thuê theo giờ ở hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu (qua khỏi nhà thầy Quang dạy Anh văn. Ông chủ là một cao thủ, thỉnh thoảng mình thấy ông đánh có cú rờ ve bất ngờ cực hiểm. 

Hai là chỗ nhà lầu ở bên trái đường Lê Văn Duyệt trên ngả tư Lê Thánh Tôn xíu. Chỗ này hình như có 2 bàn. 

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Nhớ và ghi lại qua ảnh khu trung tâm TX Kontum, 1968.


Photo by Frank Moen. Không thấy ghi năm, đoán chụp vào vào cuối 1968.

Chú thích theo đánh số trong hình:
1 - Nhà lồng chợ Kontum, được khánh thành vào năm 1962.
2 - Nơi dân nhóm chợ tạm sau biến cố Mậu Thân 1968.
3 - Giếng nước khu nhà vệ sinh chợ còn lại sau khi cháy.
4 - Ba dãy chợ xây mới bằng tôn.
5 - Năm dãy kiot chính quyền xây cho thương phế binh. 
Mỗi căn chừng 3 x 3 mét, hầu hết TPB bán lại cho dân.
6 - Dãy hàng cá xây mới bằng tôn.
7 - Dãy liên kế còn gọi là phố chợ. Nguyên trước là trường iiểu học Ngô Đình Khôi.
Chính quyền giải toả xây lại lợp bằng fibro xi măng, bán cho dân.
8 - Rạp Hoa Mộc Lan sau xây dựng lại là Ciné Bình Minh của ông Lê Văn Cang.
9 - Ty Thuế vụ.
10 - Cây xăng.
11 - Gara sửa xe của ông Vọng.
12 - Quân Tiếp vụ.
13 - Chùa Huệ Hương.
14 - Cuộc Cảnh sát.
15 - Sân Tennis.
16 - Am Bà.
17 - Bến xe có dãy liên kế đối diện Sân Vận động.
18 - Sân Vận động.
19 - Dãy hàng keo bán nước giải khát.
20 - Văn phòng Thể dục thể thao.
21 - Nhà tập võ Judo.
22 - Khán đài Sân Vận động.
23 - Dãy 5 phòng học đầu tiên của trường TH Hoàng Đạo.
24 - Nhà 2 tầng của Ban Giám hiệu trường HĐ.
25 - Tịnh xá Ngọc Thọ.
26 - Trường Tiểu học Tooma Thiện.
27 - Nhà nguyện Tuyên uý Công giáo.
28 - Chùa Tỉnh Hội Kontum (Hồng Từ).
29, 30 - Trại Cải huấn.

- Lấy chợ làm trung tâm thì đường phía trên hình là Lê Thánh Tôn, phía dưới là Ngô Quyền, bên trái là Trịnh Minh Thế, bên phải là Lê Văn Duyệt.

Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

Nguồn gốc cái tên Sa Thầy.

Quan niệm của tôi là ở đâu cũng nên biết về địa danh nơi mình ở. Cần tôn trọng quá khứ lịch sử vì nó gắn liền với tiền nhân sinh sống nơi ấy. Tôi bỏ thời gian lên mạng tìm hiểu mấy lần và có hỏi vài người về nghĩa Sa Thầy, không ai biết. Cách đây vài năm có dịp đi ST chơi, tranh thủ hỏi vội một người dân tộc ở vùng này, câu trả lời, mình nghe thiếu thuyết phục.
Mới đây, trong stt trước tôi có đặt vấn đề từ lâu đã tò mò về địa danh này mà không biết hỏi ai. Âm hưởng của nó có vẻ khác với tiếng nói của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Cùng với nó là các xã có từ đầu là Sa... từ kế, đoán là tiếng Kinh (Việt), có lẽ là ghép với địa danh quê gốc dân Quảng Ngãi hay Bình Định chi đó.
Nơi có con sông cùng tên, bắt nguồn từ rặng Chư Mom Ray đổ vào sông Sê San. Gần đó có di chỉ Lung Leng kỳ bí, dân tộc nào là hậu duệ của tiền nhân đã tạo ra các hiện vật đồ đá, đất nung ấy... Và mong cộng đồng cùng tìm hiểu Sa Thầy nó có ý nghĩa thế nào?
Thì có bạn Vương Trị nhắn tin chia sẻ thông tin: Trong sách Địa lý - Dân tộc học có trích ghi chép trong sách Les Jungles Moï (Rừng người Thượng) của nhà thám hiểm người Pháp Henri Maitre, ông nhắc đến con sông Nam Sathay. Một gợi ý đầu mối tuyệt vời, làm mình sực nhớ lại đã từng xem lượt qua bản pdf. Tuy có biết ít tiếng Lào và chữ nhưng lâu ngày đã quên, không thể tìm cách dịch phỏng đoán nên đành bế tắc. Giờ hâm nóng lại.
Tôi nghĩ phải hỏi chú em quen trên mạng có thể biết vì Y-duong Buonya là người dân tộc Ê Đê, từng đi và sống mấy nước ĐNA, biết nhiều thứ tiếng, hay nghiên cứu cổ sử, thì hoạ may.
Thế là chat hỏi. Chú ấy giải thích: Trước Pháp đô hộ thì Lào, Campuchia và Tây Nguyên VN thuộc đế quốc Xiêm La. Nam Sathay của tác giả người Pháp ký âm: "Nạm" là sông, suối, nước. "Sathay" là cát. Sathray tiếng cổ của Xiêm, đời sau bỏ qua "Sa" chỉ còn nói "Thray", âm (r) người Thái nói lướt là Thay. Huyện Sa Thầy ở Kon Tum đặt tên theo sông Sa Thầy (đã Việt hoá). Tóm lại cho dễ hiểu: Sa Thầy là Sông Cát.
Thêm vài ví dụ gốc tiếng Xiêm: Bản Đon, Bản Mé Thuot, Dak Lak (Mường Lăk), Mé Kong (Sông Mẹ).
.....

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

Những vết tích của người Lào từng sống ở Đắk Lắk, Kon Tum.

(Tập hợp thông tin và nhận định).

Năm 1978, đơn vị tôi đóng quân gần Ngả 3 Đông Dương. Qua tiếp xúc với mấy dân tộc như Lào, Brâu, Tămpuôn... là người dân từ Campuchia chạy sang Kon Tum tỵ nạn, mình thật bất ngờ, lấy làm lạ khi biết họ có anh em họ hàng sinh sống ở cả ba nước ĐD. Đối với họ quốc gia này nọ là chuyện thứ yếu, họ nói nếu không có chiến tranh, phân định quốc gia thì họ qua lại biên giới trao đổi hàng hóa, dự lễ hội, cưới hỏi, thăm viếng lẫn nhau là chuyện bình thường.

Theo Nguyên Ngọc/ Diendan
Các bộ lạc ở Tây Nguyên quan hệ với “lân bang” trên vùng duyên hải phía đông chủ yếu do nhu cầu tìm muối mà Tây Nguyên hoàn toàn không có. Tây Nguyên có hai địa danh đáng chú ý: Trong tiếng Ê Đê, buôn có nghĩa là làng (Buôn Hồ, Buôn Sam, Buôn Ma Thuột…), nhưng lại có Bản Đôn ở Đắc Lắc, phía tây Buôn Ma Thuột, sâu về phía nam Tây Nguyên, gần biên giới Cămphuchia. Bản là tiếng Lào, có nghĩa là làng. Bản Đôn chính là một trạm buôn của người Lào cắm sâu vào đây từ rất xưa, đến nay kiến trúc nhà cửa trong làng vẫn còn nhiều dấu vết Lào, người dân vẫn hiểu thông thạo tiếng Lào. Đây cũng chính là vùng dân tộc Mơ Nông, rất giỏi nghề săn bắt và thuần dưỡng voi. Rất có thể chính người Lào đã truyền nghề này cho người Mơ Nông… Trong cụm núi Ngok Linh lại làng Mường Hon. Mường chắc chắn là tiếng Lào, cũng có nghĩa là làng. Đây có thể là một làng người Lào vào định cư đã lâu đời trong cụm núi lớn này, cũng có thể là vết tích của những người Lào chạy dạt vào đây do hệ quả của các cuộc chiến tranh bộ lạc ngày xưa… Rõ ràng quan hệ của người Lào với các dân tộc Tây Nguyên từ xa xưa đã khá sâu...
Khi đã chiếm được toàn bộ Đông Dương, người Pháp đã chia bán đảo này ra thành năm xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao miên. Vậy nên phân Tây Nguyên về đâu? Họ có cái mà Jacques Dournes, trong tác phẩm P’tao… của ông, gọi là “logique du découpage” (lô gích của sự phân cắt), tất nhiên là lô gích phân cắt sao cho thuận tiện hơn cả đối với sự cai trị của chính quyền thực dân. Thấy trong các “lân bang” trước nay, người Lào đã xâm nhập vào Tây Nguyên sâu hơn cả, về mặt chủng tộc cũng tương đối gần gũi, nên họ cắt Tây Nguyên về Lào. Một thời gian sau, nhận thấy thủ đô Lào đặt ở Viêng Chăn quá xa, khó với tới Tây Nguyên, đến năm 1904 Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định giao Tây Nguyên về cho triều đình Huế. Như vậy về mặt pháp lý (của chính quyền thực dân), từ năm 1904 Tây Nguyên mới chính thức thuộc về Trung Kỳ, và từ đó thuộc về Việt Nam.

Về bản Đôn (Đon) ở Đắk Lắk.
Theo Báo Đăk Lắk:
Bản Đôn là cách gọi của người Lào còn người Êđê và M'nông thì gọi là Buôn Đôn
Bản Đôn theo tiếng Lào (sắc dân chiếm đa số ở đây khi còn sơ khai) có nghĩa là "Làng Đảo" nghĩa là một ngôi làng được xây dựng trên một ốc đảo của sông Sêrepôk. Đây từng là một trong những điểm giao thương quan trọng của 3 nước Đông Dương ngày xưa trên tuyến đường sông. Người Lào khi ấy, trong lúc ngược dòng sông buôn bán, bắt gặp mảnh đất này đã bị quyến rũ và ở lại cùng người Ê Đê bản địa xây dựng lên ở đây một ngôi làng trù phú đầy bản sắc. Cư dân Bản Đôn ngày nay vẫn còn thông thạo tiếng Lào và tiếng Thái Lan, Cư dân có sự lai tạp giữa người Êđê bản địa và người Nam Lào.
Nhà sàn này được làm theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Lào, là nhà của Khun Yu Nốb. 
Dù thế hệ ông bà, những người Lào gốc chỉ còn lại đôi người nhưng anh em dòng tộc ở bên Lào mỗi khi có dịp vẫn sang Buôn Đôn chơi thăm em, thăm cháu mình và ngược lại...

Về ruộng Lào ở Kon Tum.
Theo Phêrô Minh Sơn/ Đức Mẹ Măng Đen:
Từ xa xưa, Tây Nguyên là vùng đệm, một thời là nơi giao tranh giữa các bộ tộc. Do địa hình và chủng tộc, người Lào đã có quan hệ lâu đời và sâu với các dân tộc ở Tây Nguyên: Bản Đôn ở Đăk Lăk, Mường Hon ở cụm núi Ngok Linh…đến ngày nay còn mang nhiều dấu vết của Lào.
Vùng đất Tân Điền thuộc xã Đoàn Kết nằm ở phía tây nam của thành phố Kontum, từ xa xưa đã có quan hệ khá mật thiết với người Lào. Cánh đồng Hà-Ghẹt, cánh đồng lớn nhất của tỉnh Kontum, nằm cách thành phố Kontum 5 km thuộc thôn 5 xã Đoàn Kết, hiện nay vẫn còn vết tích những “ụ gò mối” được cho là “mồ mả xưa” mà người dân nơi đây gọi là “Mả Lào” ; hoặc trong lúc cày ruộng người dân đã phát hiện nhiều hiện vật như “ghè Lào”, “ché Lào”, những “xâu hạt cườm” vốn là đồ trang sức của cư dân Lào xưa.v.v. ; hay trong các buôn làng người dân tộc trong vùng trước đây từng lưu giữ nhiều bộ chiêng Lào…
Đây có thể là một làng người Lào đến định cư đã lâu đời trong vùng bình nguyên rộng lớn này, cũng có thể là vết tích của những người Lào chạy dạt vào đây do hệ quả của các cuộc chiến tranh bộ lạc ngày xưa…Tập quán lâu đời của người Lào là canh tác lúa nước. Có thể họ cũng đã từng khai phá lợi thế của vùng đất trũng này để làm ruộng.
- Đến nửa sau thế kỷ thứ 19, khi người Pháp lập lên chế độ bảo hộ trên toàn vùng phía đông sông Mê Kông, đã thực hiện một số sửa đổi và định ra một số luật lệ về biên giới giữa Lào và Việt Nam, người Lào đã rời vùng này đi về phía Tây dãy Trường Sơn định cư như ngày nay.
Về sau, khi cư dân đến khai phá và sinh sống nơi vùng đất này, họ thường gọi nơi đây là “Ruộng Lào”.

Về xã Mường Hoong (Hon). 
Theo báo chí:
Xã nằm ở lưng chừng núi trong khu bảo tồn Ngọc Linh, thuộc huyện Đắk Glei, cực bắc tỉnh Kon Tum, giáp với Quảng Nam. Ngay cái tên "mường" cho biết tiếng thuộc ngữ hệ  Thái - Lào. Là xã có từ lâu chứ không phải các dân tộc biên giới phía Bắc di cư vào sau này. Để tránh chiến tranh giữa các bộ tộc, người Lào dắt nhau đến nơi khó khăn hiểm trở này sinh sống. Ngay nay không còn người Lào nào ở đây. 

Về huyện Sa Thầy.
Xem lại ở đây:
https://www.facebook.com/groups/kontumtown/permalink/377938170527002/
https://www.facebook.com/groups/kontumtown/posts/379243640396455/

Theo ý hiểu của tôi:
Ngày xưa các dân tộc thiểu số nói chung, du canh du cư dưới sự dìu dắt của các  già làng, tù trưởng. Khái niệm Tây Nguyên mãi sau này mới có, ngày xưa các cao nguyên mênh mông rừng núi, là vùng tự trị "chia năm xẻ bảy) do các bộ tộc kiểm soát. Hầu như không thuộc quốc gia nào, nếu có thì khi thuốc nước này, khi thuộc nước kia, bảo hộ một phần nào đó. Nếu có vương quốc thì cũng chỉ là dạng sơ khai. 
Trước và sau 1900, người Pháp khám phá, bắt đầu quản lý Tây Nguyên. Pháp thiết lập nền đô hộ mới phân định Tây Nguyên thuộc về Việt Nam. Bản đồ thì có nhưng trên thực tế rất mù mờ, khó phân định biên giới lãnh thổ cụ thể nằm ở phạm vi nào, hoàn toàn khác với ngày nay. Thời Nhà Nguyễn có bảo hộ Tây Nguyên nhưng lỏng lẻo trên danh nghĩa. Năm 1949, vua Bảo đại mới chính thức lập quy chế hành chính Hoàng triều Cương thổ.

Hình chụp lại một phần bản đồ Đông Dương thuộc P.háp vào năm 1891.



Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

KONTUM - NHỮNG NGÀY THÁNG KHÔNG QUÊN

 -------------------------------------------------------

Tháng 5 năm 1974, Cộng quân bắt đầu mở các cuộc tấn công gặm nhấm, trước hết là tràn ngập chi khu Đak Pek, Thiếu tá Vương Thế Cận, Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng mất tích. Sau đó lần lượt các chi khu Mang Buk, Tou mơ Rông và cuối cùng ngày 3 tháng 10 năm 1974 là chi khu Chương Nghĩa lọt vào tay Cộng sản. Tất cả các sĩ quan Chi khu trưởng đều mất tích, trừ Thiếu tá Thạch Lợi thoát hiểm về tới Tiểu khu Kontum.
Trước tình hình chiến sự sôi động, tất cả các đơn vị địa phương quân ở vùng phía Bắc tỉnh Kontum đã tan rã và nguyên một vùng rộng lớn hơn 2/3 lãnh thổ hoàn toàn đã mất về tay địch, Trung tá Mai Xuân Hậu cho xúc tiến và khánh thành tượng đài “Tổ Quốc Ghi Công” tại ngã ba bên nầy cầu Dak Bla, đường về thị xã Kontum để an dân. Phía dưới tượng đài có gắn bảng đồng nhỏ ghi:
“Nắng về én lượn chim tung cánh
Ghi dấu muôn đời vạn sử xanh”
Trung Tá Mai Xuân Hậu
Cuối tháng 10 năm 1974, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu và phái đoàn chính phủ VNCH sau khi kinh lý Quân đoàn II, Quân khu II đã đến thăm tỉnh lỵ Kontum vào buổi xế trưa. Quân Cán Chính tỉnh Kontum đã tiếp đón phái đoàn tại Cơ Quan Chính Quyền Tỉnh (Tòa Hành Chánh). Sau các thủ tục lễ nghi tiếp đón, duyệt dàn chào quân nhân công chức trước cổng, TT. Thiệu cùng phái đoàn gồm Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao văn Viên, Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã và một số các Tổng Bộ Trưởng đã có một buổi nói chuyện về tình hình đất nước tại hội trường Cơ Quan Chính Quyền Tỉnh.
Mở đầu buổi nói chuyện, Trung tá Mai Xuân Hậu, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Kontum đã chào mừng phái đoàn và trình bày những điểm nói chung về tình hình quân sự cũng như dân sự của tỉnh. Về mặt quân sự, thì đầu năm 1974 đến nay công việc phòng thủ diện địa rất là khó khăn hạn chế. Lãnh thổ tỉnh về phía Bắc đã hoàn toàn lọt vào tay địch, cho nên thực tế chỉ còn lại hai quận, trong đó Dakto là quận di tản nằm trên lãnh thổ của quận Châu Thành. Lực lượng nghĩa quân và địa phương quân không được yểm trợ để hoạt động tầm xa mà chỉ thu gọn cố thủ trong các ngọn đồi chung quanh quận ly. Tình hình quân sự tỉnh chỉ còn là phòng thủ Thị xã.
Về dân sự, đặc biệt là kho dự trữ gạo và nhu yếu phẩm tại tỉnh ở mức rất thấp và theo kinh nghiệm năm 1972 khi Cộng quân cắt đứt quốc lộ 14 tại đèo Chu Pao, trong vòng một tháng thì tình hình lương thực trong tỉnh đã thiếu thốn trầm trọng đến mức cạn kiệt.
Kết thúc phần trình bày, Trung tá Hậu nêu rõ những khó khăn hiện nay của tỉnh, cũng như tình hình quân sự, áp lực của địch rất nặng nề.
Tổng thống Nguyễn văn Thiệu chủ tọa buổi nói chuyện thật sinh động và đề ra các biện pháp sẽ giúp tỉnh vượt qua được các khó khăn. Tổng thống nói rằng các khó khăn của tỉnh Kontum về vấn đề lãnh thổ, cũng như tiếp liệu, cũng giống như các địa phương khác trên toàn quốc trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, Kontum luôn là địa điểm mà Cộng quân thường khởi động chiến tranh trước nhất nên sẽ được ưu tiên yểm trợ. Tổng thống hỏi kho gạo an toàn của Tỉnh có sức chứa là bao nhiêu. Trả lời: 100 tấn. Tổng thống hứa sẽ chỉ thị cho Tổng Cuộc Thực phẩm Quốc gia tăng cường 300 tấn và tỉnh cố gắng huy động mở rộng các kho chứa.
Về phương diện tiếp liệu, tỉnh phải cố gắng sử dụng tiết kiệm tối đa, ngay cả đạn dược và nhiên liệu cũng vậy vì tình hình viện trợ đã thay đổi. Tổng thống còn nói rõ là Cộng quân sẽ tấn công vào lãnh thổ do chúng ta kiểm soát vào đầu mùa khô năm tới, cho nên tất cả đều phải chuẩn bị. “Nếu chúng ta đứng vững trong cuộc tấn công sắp tới thì tình hình chính trị thế giới sẽ có chiều hướng thuận lợi cho chúng ta hơn và buộc Cộng Sản phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris.”
Kết thúc buổi nói chuyện, ông Võ văn Muồi Chủ tịch Hội đồng tỉnh, đại diện quân cán chính và đồng bào tỉnh Kontum đã ngỏ lời cám ơn Tổng thống và phái đoàn chính phủ đã quan tâm giúp đỡ tỉnh nhà có đủ điều kiện để chiến đấu và chiến thắng như trong chiến cuộc “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Ông Chủ tịch đã hứa với Tổng thống là toàn thể dân quân cán chính tỉnh Kontum sẽ quyết tâm “tử thủ” để giữ vững tuyến đầu lãnh thổ VNCH, nếu bị địch tấn công.
Trung tuần tháng 11 năm 1974, Quân đoàn II cử Đại Tá Phan Đình Hùng lên Kontum đảm nhận chức vụ Tiểu khu trưởng Tiểu khu Kontum.
Tháng 12 năm 1974, Chuẩn tướng Phan Đình Niệm, Tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh, đại diện Quân đoàn II tổ chức lễ bàn giao Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Kontum rất gọn nhẹ và nhanh chóng, không có hiệu lệnh lễ nghi quân cách, không có các nghi thức đọc diễn văn hay ban huấn từ. Đại tá Phan Đình Hùng là sĩ quan chiến đấu nhiều năm ở vùng Tây nguyên, hiện là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 và nguyên là Trung đoàn phó bị thương trong mặt trận Tân Cảnh năm 1972 được tản thương kịp thời trước khi Cộng quân tràn ngập Dakto, Tân Cành.
Trong thời gian trước Giáng Sinh năm 1974, Quân đoàn II đưa ra kế hoạch phối hợp các Liên đoàn Biệt động quân với các đơn vị Địa phương quân, Nghĩa quân thuộc Tiểu khu Kontum thành lập một Bộ Tư Lệnh chiến trường Kontum mà Đại tá Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng Biệt động quân Quân đoàn II là Tư lệnh và Đại tá Phan Đình Hùng, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng là Tư lệnh phó chịu trách nhiệm vùng lãnh thổ Kontum. Bộ Tư Lệnh đặt bản doanh ở Pleisar, cách thị xã Kontum về phía tây chừng 20Km.
Tình hình chiến sự rất yên ắng chỉ đụng độ lẻ tẻ ở xa không đáng kể, mặc dầu tin tức tình báo hằng ngày ở Tiểu khu Kontum cho biết là địch đang di chuyển và tập trung các đơn vị lớn dọc theo các hành lang biên giới. Bộ tư lệnh chiến trường Kontum dàn quân thành một vành đai rộng lớn phía tây bắc Thị xã Kontum.
So với chiến cuộc năm 1972 thì lần nầy với quân số hiện hữu cùng với sự chuẩn bị có thể nói là chu đáo và vững chắc. Lực lượng Biệt động quân là lực lượng trước đây thường trấn đóng ở các trại biên phòng cao nguyên với cấp số Tiểu đoàn (như Tiểu đoàn Biệt động quân biên phòng ở Dak Pek), sau khi giải tán các trại biên phòng, các tiểu đoàn Biệt động quân được sát nhập thành những Liên đoàn và là những lực lượng diện địa thiện chiến. Lực lượng Nhảy dù và Thủy quân lục chiến là các đơn vị trừ bị cơ động và thiện chiến trên các chiến truờng qui ước rộng lớn.
Tháng 1 năm 1975, Giáp Tết âm lịch năm Ất Mão 1975 một phái đoàn đại diện Dân Quân Cán Chính tỉnh Kontum do Đại tá Phan Đình Hùng, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng hướng dẫn đã đến Bộ Tư Lệnh Quân đoàn II ở Pleiku để chúc tết Thiếu tướng Tư lệnh Phạm văn Phú và các sĩ quan tham mưu của Quân đoàn. Nói chuyện với phái đoàn, Thiếu tướng Tư lệnh cho biết là tình hình Kontum vẫn còn yên tĩnh và hiện nay tuy địch quân đang tấn công mạnh vào các đơn vị ở phía tây Pleiku (Thanh An), nhưng cũng chưa có yếu tố rõ rệt là địch sẽ tấn công chính diện ở đâu và vào lúc nào.
“Có thể địch quân sẽ tấn công chính diện vào mặt trận Kontum trước và chúng ta cũng đã chuẩn bị sẵn sàng.” Thiếu tướng nói. Trong cuôc chiến tranh giữ gìn lãnh thổ hiện nay, địch có thể tấn công bất cứ nơi nào với mức độ tập trung quân rất lớn nên có thể đè bẹp và chiếm giữ vị trí của ta, nhưng với sự cơ động nhanh và lực lượng tăng viện kịp thời ta sẽ giành lại các vị trí bị chiếm đóng và thường thì các trận đánh phản công có hiệu quả sẽ làm cho tinh thần của binh sĩ lên cao và sau đó sẽ là những trận thắng lớn vì đã bẻ gãy được các kế hoạch chiến lược của địch. Nói chung, Thiếu tướng Tư lệnh cho biết Quân đoàn sẽ có các kế hoạch cơ động để yểm trợ cho các chiến trường khi cần thiết, Kontum sẽ là vành đai thép ở phía Bắc.
Sau khi ở Bộ Tư Lệnh Quân đoàn ra, phái đoàn được giới thiệu đi đến căn cứ Hàm Rồng, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Tiền phương Sư đoàn 23 Bộ Binh và được Chuẩn tướng Tư lệnh Lê Trung Tường tiếp đón, đồng thời dự thuyết trình về tình hình quân sự. Nói chung, mặc dù địch pháo kích dữ dội vào quận lỵ Thanh An và đang tập trung quân đông đảo dọc theo hành lang biên giới phía tây để tấn công, nhưng các lực lượng của ta đã chống trả hữu hiệu và tiêu diệt địch hoàn toàn. Phần thăm viếng căn cứ chỉ có mục đích xã giao và tạo thêm tinh thần cho phái đoàn tin rằng địch có thể sẽ mở cuộc tấn công ở nơi khác chứ không phải Kontum.
Tháng 2 năm 1975, Tổng Cuộc Thực phẩm điện cho tỉnh Kontum chuẩn bị tiếp nhận 200 tấn gạo tiếp tế được chuyển vận từ Cuộc Thực phẩm Qui Nhơn và Nha Trang. Từng đoàn xe dài, mui trần phủ vải bạt liên tiếp chở gạo lên thị xã, không khí rất là nhộn nhịp. Sau khi trưng dụng hết các kho bãi, tỉnh cấp tốc trưng dụng Hội trường của trường Trung Học Hoàng Đạo Kontum để làm kho chứa gạo an toàn.
Tâm lý dân chúng đã trải qua bao nhiêu cuộc tấn công của Cộng sản, bắt đầu từ năm 1965, 1968, 1972 đến nay mới thấy yên tâm hơn bao giờ hết với lực lượng quân đội sẵn sàng đủ sức chống trả địch quân tại địa phương, cùng với các phương tiện tiếp liệu dồi dào, gạo thóc đầy đủ. Tỉnh bắt đầu phân phối gạo cho dân chúng với giá tiếp tế và hầu như chưa có ai nghỉ đến việc di tản về Pleiku hay các tỉnh duyên hải như các lần tấn công trước đây của Cộng quân. Trung tá Biệt động quân Huỳnh văn Lộc được cử giữ chức vụ Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng chi khu Kontum (quận Châu Thành).
Dân biểu Nguyễn văn Thống (nguyên Tổng Thơ Ký Hạ Viện) đơn vị Kontum đã có buổi nói chuyện với toàn thể Quân Cán Chính tỉnh Kontum về “Tình Hình Đất Nước” ở rạp hát Thanh Bình. Sau phần trình bày những khó khăn, không thuận lợi của chính phủ VNCH trong vấn đề viện trợ Mỹ cũng như tình hình chung trên toàn quốc, Dân biểu Thống bắt đầu cuộc thảo luận về những vấn đề tại địa phương Kontum. Nói chung, các phát biểu của các hội thảo viên xoay quanh vấn đề chiến sự tại địa phương, trong đó có một câu hỏi của một giáo chức là trong trường hợp chiến sự xảy ra ác liệt như năm 1972 thì chính quyền địa phương đã có kế hoạch di tản dân chúng về các khu vực an toàn hay chưa?
Cuối tháng 2 năm 1975, một phái đoàn 5 người do Đại tá Sánh (Oánh?) hướng dẫn thuộc Phủ PTT. Đặc trách Khẩn Hoang Lập Ấp ghé tỉnh Kontum bằng Phi cơ đặc biệt VO2, phái đoàn có đến Cơ Quan Chính Quyền để thảo luận về kế hoạch KHLA của tỉnh. Sau đó, Đại tá Sánh nói sẽ duyệt xét toàn bộ chương trình tại Sài gòn và đề nghị tỉnh cử một phái đoàn gồm các cơ quan chuyên ngành có liên quan về Phủ để họp thông qua kế hoạch.
Tháng 3 năm 1975, tình hình chiến sự vẫn yên tĩnh, Cộng quân pháo kích rải rác vòng ngoài Thị xã. Ngày 5 tháng 3 địch pháo kích 2 hỏa tiễn 122 ly vào trung tâm Thị xã gần Bộ chỉ huy Tiểu khu, nhưng không có thiệt hại nhân sự và không có giao chiến trên toàn vùng lãnh thổ.
Ngày 8 tháng 3 năm 1975. Phi trường Kontum vẫn hoạt động bình thường. Đoạn đường 40km nối liền Kontum-Pleiku thông suốt (chưa có dấu hiệu xuất hiện đóng chốt của địch).
Ngày 10 tháng 3 năm 1975. Tin Cộng quân tấn chiếm Ban Mê Thuột làm dao động, xôn xao trong toàn tỉnh Kontum. Tiểu khu Kontum ra lệnh giới nghiêm. Quân nhân, công chức cấm trại 100%.
Ngày 11 tháng 3 năm 1975. Các đơn vị Biệt động quân bắt đầu di chuyển nhanh chóng về Pleiku.
Ngày 13 tháng 3 năm 1975. Tất cả lực lượng BĐQ rút khỏi Kontum an toàn, không có một trận giao tranh nào xảy ra trên tuyến đường rút quân Kontum-Pleiku cũng như trên toàn lãnh thổ Kontum.
Ngày 14 tháng 3 năm 1975. Thăng Chuẩn tướng Phạm Duy Tất.
Ngày 15 tháng 3 năm 1975. Tiểu khu Kontum không liên lạc được với Bộ tư lệnh Quân đoàn II. Quân nhân, công chức và dân chúng được tin Pleiku và Quân đoàn II chuẩn bị di tản.
Ngày 16 tháng 3 năm 1975. Cuộc di tản ở Kontum bắt đầu, quân nhân, công chức và dân chúng lũ lượt rời thị xã Kontum hướng về Pleiku. Đoàn xe Bộ chỉ huy Tiểu khu bị phục kích tại đèo Chu Pao. Đại tá Phan Đình Hùng bị trọng thương và mất tích.
Ngày 17 tháng 3 năm 1975. Thị xã Kontum hoàn toàn bỏ trống. Không một tiếng súng nổ. Cộng quân bất ngờ làm chủ tình hình trên toàn lãnh thổ Tỉnh Kontum.
Đoàn quân “di tản chiến thuật” vượt qua cầu Dak Bla xuôi Nam chiều tối ngày 16 tháng 3 năm 1975 là đoàn quân ra đi không bao giờ trở lại. Còn đâu khúc khải hoàn ca bi tráng “Kontum Kiêu Hùng”(*)
“Chu Pao ai oán hờn trong gió
Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường.”
________________________________________
(*) Về chiến trường Kontum năm 1972, địch đã tràn ngập Dakto, Tân Cảnh và trong vòng một tháng Cộng quân đã tiến quân ồ ạt về Kontum và chiếm được phân nửa Thị xã về phía Bắc. Quân ta lui về phía Nam dựa vào bờ sông Dak Bla cố thủ, chờ quân tăng viện từ Pleiku đến phản công. Ngày 31 tháng 5 năm 1972 quân ta toàn thắng, chiếm lại hoàn toàn lãnh thổ phía Bắc và tiêu diệt hoàn toàn lực lượng chiếm đóng, buộc địch phải rút lui để lại vô số thương vong và nhiều vũ khí, đạn dược. Vinh thăng tại mặt trận Chuẩn tướng Lý Tòng Bá. “Kontum Kiêu Hùng” được xướng danh từ đó.
Trần Bạch Thu
https://www.facebook.com/thu.tran.1232760/posts/3770333846335539

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Hiệu trưởng đại học kinh tế quốc dân HN coi đây mà học nè.

 Thầy dạy trung học lũ tui ở một tỉnh miền núi, đi "thị sát" ngày hội trại, nam sinh nghĩ ra cách chào thầy cô và quan khách rất ư "độc đáo".

Thầy không là hiệu trưởng, chả phải đảng viên nhưng là "tư lệnh điều binh khiển tướng" nên mang 2 cái còi, 1 còi thường và 1 còi bằng sừng con gì đó. haha.
Cảm ơn bạn
Bao Nghi
còn lưu giữ hình ảnh đẹp.



Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Kon Tum - Tiếc nhớ một thời!

(nói các bạn học cũ và những người chỉ biết vật chất là trên hết)
Ngày xưa, chúng mình có bốn nơi gần gũi gắn bó nhiều nhất, đó là: Trường Hoàng Đạo, Khu Giọt nước, Rạp xi nê và Bờ sông Dakbla.
Người nay, người ở xa về lại chốn cũ, mừng vì bộ mặt thị xã Kon Tum thay da đổi thịt, to đẹp hơn nhưng đồng thời có cảm giác hụt hẫng, luyến tiếc cái ký ức ngày xưa không còn nữa.
Đã đành thời gian không thể dừng lại, xã hội luôn phải tiến lên nhưng cái giá của nó phải đánh đổi quá lớn. Con người ngày càng xa rời môi trường thân thiên.
Liệu ngày nay, tuổi trẻ không cần nơi chạy nhảy vui chơi? Con người sống không cần hít thở khí trời đất trong lành? Không cần đắm mình tắm mát trong dòng sông quê hương? Con người sống mà không cần ký ức?
Cái hài hoà cân đối giữa con người với thiên nhiên ở đâu? Sự phát triển trong chừng mực ở đâu? Đi đâu về đâu?
Bạn ở tại thành phố quê nhà, ngoài vài nơi tôn giáo, bạn có gì tự hào giới thiêu với khách phương xa?

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Già rồi, lão khai mịa cho rồi!

Thằng Hùng Cạo là VC con nằm vùng, từ Phú Yên lên cắm vào trường Hoàng Đạo Kontum. Cảnh sát thời ấy thờ ơ chứ nhìn mặt nó là biết rặt quê mùa chả giống dân phố thị.
Bằng chứng là nó học dốt địt nhưng từng nói môn Anh văn là công cụ của đế quốc Mỹ, đả đảo ông Hiệu trưởng mến yêu đánh nó, hùa lên án máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Nhóc con mà ghê thiệt, thế mà nhà trường cũng du di.

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2020

Chiện lũ tui "coi cọp".

Nhớ lại ngày còn bé ở cái thị xã Kontum heo hút. Chỗ tui ở gọi là dãy liên kế (còn gọi là phố chợ, nghe cho oách), mặt tiền nhà là chợ, mặt hậu sau lưng giáp với rạp xi nê... Lũ nhóc trai bọn tui ngoài giờ học thích đi tắm sông, chơi đánh vụ, bắn bi, đánh đáo, tạt lon, lật hình... ngoài ra là mê xi nê. Dưới con mắt trẻ thơ là thế giới ly kỳ, hấp dẫn, thèm chảy nước miếng! Nào là phim chưởng kiếm hiệp Hongkong, cao bồi phi ngựa bắn súng, điệp viên 007 Mỹ, thần thoại Ấn độ, Kingkong Nhật...
Thỉnh thoảng, mấy ông chính quyền chiếu phim ở sân vận động cho dân coi thì thế nào hàng đầu ngồi xổm cũng có đám con nít lu xa bu giành chỗ gần nhất. Xem đâu có đã nên thường ngày coi ké phim rạp thôi.
Cái rạp này thỉnh thoảng cho thuê các đoàn về diễn cải lương, đôi khi kiêm cả đại nhạc hội. Nào Minh Cảnh, Lệ Thuỷ, Mỹ Châu... ca mùi mẫn. Có ông Trường Xuân đầu trọc lóc chuyên đóng vai quan Tàu Ô dữ tợn, gian ác. Đại nhạc hội có nhảy sexy nữa chứ, ôi rạo rực trong người. Đám con trai lớn thì leo tường rào cao, nhảy dù vào phía nhà vệ sinh rồi lẻn vô rạp. Bọn con nít đâu dám bắt chước các đại ca nên đành đứng chầu chực canh me trước cửa rạp cho đến gần hết phim, hết tuồng. Để được người gác cửa thương tình thả giàn, cả bọn ùa vào, có ghế trống thì nhào đại vô, không thì đứng coi đoạn cuối vô cùng ác liệt. Thời lũ tui lấy đâu có tiền đi xem cho đàng hoàng. Gia đình, người lớn chỉ cho vài đồng ăn uống vặt linh tinh như đá bào xi rô, gỏi đu đủ, mía ghim, bánh quế, kẹo đậu phộng... mà con nít ngày nay chê.

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Phim tư liệu xưa về Kontum

Người Kinh ở Kontum thuở sơ khai.

Trong các làng đã lập trước, nhiều chỗ nước độc địa lắm, người có chết mà không sinh ra thêm, và lắm chỗ một làng An-Nam ở giữa, còn bao nhiêu thì Mọi cả, cũng không hay gì. Như làng Phụng-sơn trên này, từ lập ra đến nay dân số 27, cứ 27; làng Ngô-trang, cách 10 năm trước nam, phụ, lão, ấu được 120, nay còn 60; làng Phước-cần ở cách làng An-Nam khác 20 cây số, dân càng ngày càng mòn chứ không thêm tên nào….

Dân số Kontum năm 1884 ước khoảng 500 người, năm 1922 – 3.067 người và 1933 – 5.000 người.
Trong ba năm (1931-1933), dân số của 10 làng tổng Tân Hương thậm chí còn giảm bởi số người chết hàng năm luôn cao hơn 1,5-2 lần so với số mới sinh.

Làng Go Mit chỉ là một loạt những ngôi lều ọp ẹp của người An Nam, chìm giữa những cây chuối, mít và xoài; con đường cái phủ cát trắng cắt ngang xóm làng làm hai và chạy dài chói chang dưới trời nắng; ở Rehai, trên phía bắc con đường, là nhà thờ của Cha bề trên lợp ngói đỏ; phía đằng kia bên phải, bót gác của dân binh sẽ được chuyển đến phía thượng lưu tòa đại lý; cũng ở phía đằng kia, trên hữu ngạn, trường học của hội truyền giáo, một ngôi nhà lớn lợp ngói có nhiều nhà phụ kèm theo

Một số người Kinh làm nghề nông (trồng lúa nước) bằng cách khai phá những vùng đất thấp, ẩm như trước cổng chùa Bác Ái ngày nay. Tuy nhiên, diện tích ruộng không nhiều. Năm 1933, thành phố chỉ có 243m2 ruộng, nên trồng lúa nước chỉ là nghề phụ.

Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Về địa danh ở Kon Tum

Mỗi địa danh đều có ý nghĩa thiêng liêng của nó. Đó là niềm tự hào và trân trọng trong đời sống văn hoá xã hội cũng như đời sống tâm linh mỗi công dân. Tên làng xã huyện tỉnh luôn được mọi người khai báo và xưng tụng với sự quý yêu trìu mến.
          Các cụ ta xưa khi quyết định đặt tên cho một vùng đất nào thường rất cẩn trọng cân nhắc kỹ càng ý nghĩa của cái tên sẽ gọi. Nó phải hàm ẩn một nghĩa lý nào đó. Có thể đấy là đặc điểm địa lý hay văn hoá là đặc điểm lịch sử hay truyền thống hoặc cũng có thể là từ cá nhân hoặc dòng họ khai canh v.v... Từ Bắc chí Nam miền xuôi lên miền ngược từ dân tộc đa số đến thiểu số... đều có truyền thống gọi tên địa danh như vậy.
          Ở Kon Tum tên làng xã cũng được đặt theo những nghĩa lý đó. Ví dụ tên làng Trung Lương (cũ) là các cụ chiết ghép cụm từ "trung quốc lương dân" mà ra. (Vì đa số bà con miền xuôi lên đây họp nhau lập làng là thành phần chống xâu thuế và áp bức của chế độ thuộc địa bỏ xứ ra đi). Tên làng Lương Khế (cũ) là do được lập từ một khế ước xin phép chiêu dân lập làng giữa ông Đặng Ngại với quan Quản đạo Phan Kế Toại. (Lúc ấy Kon Tum ở cấp Đạo chứ chưa thành Tỉnh). Các làng Võ Lâm Võ Định... (cũ) là do Quản đạo Võ Chuẩn (sau về làm Tổng đốc Quảng Nam) lập ra nên lấy họ của người sáng lập. Cũng như vậy làng Ngô Trang Ngô Thạnh trước đây đều do ông họ Ngô lập nên. Các làng Phương Nghĩa Phương Quý Phương Hoà... là họ đạo Thiên Chúa gọi theo tổ chức Giáo hội. Bây giờ tất cả các tên gọi ấy đều không được dùng nữa.
          Bà con dân tộc thiểu số bản địa ở đây như Ba-na Xê-đăng Rơ-ngao hay Jơ-rai... cũng vậy. Các Plei Kon Đak... cũng gắn liền với một trong những tiêu chí nói trên. Ví dụ làng Kon Tum vì là ở vùng có nhiều ao hồ Kon H ra vì ở vùng nhiều cây sung Kon Kơ-lor vì nhiều cây gạo Kon Hơ-ngor vì nhiều cây thông Kon Jơ-ri vì nhiều cây đa Kon Rơ-bang vì nhiều cây gòn Kon B raih vì (gần sông) nhiều cát Plei Kroong vì làng nằm giữa hai con sông (Đak Bla và Đak Pôkô) Plei Reh là làng ông Reh Đak Ui vì ở bên suối Đak Ui Plei Đon vì ở trên gò cao Plei Gơ-roi vì nằm trên lưng đồi Plei Tơnghia vì nhiều cây kơ-nia Plei Kần vì do ông Cần (lúc làm Quản đạo) lập nên Đak Phía vì nhiều rừng nứa Đak Toh (Tô) vì có suối nước nóng Đak Mut vì ở gần chỗ nước chảy hút vào khe sâu Đak Rơ-wa vì ở gần con suối có nhiều dọc môn Yang Roong vì (theo một truyền thuyết) làng được Giàng (trời thần) nuôi v.v...

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Thịt Chó Hương Giang

    Chị tôi là em dâu của chủ xưởng cưa Phước Thịnh. Xưởng cưa nằm ngay góc của hai con đường Lê Thánh Tôn và đường Phủ Mô. Mặt trước xưởng cưa xây ra hướng đường Lê Thánh Tôn. Đối diện với xưởng cưa - phía bên kia đường là đám ruộng rau muốn, ao cá và Nhà Đèn của tỉnh KonTum. Đường Phủ Mô bắt đầu từ đường Lê Thánh Tôn, chạy qua ngã tư đường Ngô Quyền đến ngã ba đường Nguyễn Huệ là cuối đường. Nơi góc ngã tư đường Phủ Mô với đường Ngô Quyền, có - "Quán Thịt Chó Hương Giang".

     Nhà chị tôi nằm trong khuôn viên của xưởng cưa, quanh xưởng cưa được rào giậu bằng: cọc sắt, dây kẽm gai cao ngang đầu. Nhà chị tôi nằm sát mé rào đường Phủ Mô, mặt nhà hướng ra đường Lê Thánh Tôn, nhưng thụt vô trong chừng ba chục thước. Trước mặt nhà chị tôi còn có một ngôi nhà khác nữa, cũng hướng ra đường Lê Thánh Tôn - [hình như có bà con sao đó với xưởng cưa Phước Thịnh?]. Nhà nầy có một cô con gái rất xinh đẹp, đang học ở trường trung học Hoàng Đạo. Mỗi khi tôi ghé nhà anh chị, buổi sáng mở cửa ra tập thể dục trước sân là thấy phía sau lưng nhà của cô ấy. Hẳn nhiên là thấy cô ấy... bởi chỉ cách nhau cái hàng rào kẽm gai... Tôi chỉ nhìn trộm chứ không dám lân la làm quen bởi cô ấy quá lộng lẫy, kiệu sa...

     Trong xưởng cưa, những chiếc xe be kéo gỗ súc về chất đầy lấp cả lối đi, đôi khi đi vô nhà phải trèo qua những súc gỗ to dài... Chị tôi xin mở một cái cổng nhỏ ra đường Phủ Mô để đi lại cho tiện nhưng xưởng cưa chưa đồng ý. Chồng của chị tôi đi theo xe be vô rừng khai thác gỗ cho xưởng cưa Phước Thịnh nhiều năm. Một buổi chiều mưa rừng, gió núi... - Chồng chị tôi chết bởi cánh quạt máy bay trực thăng của Không Lực Hoa Kỳ đang hành quân... phứt bay đầu! Thuở đó người ta thường hay nói giỡn cho vui rằng: "... bị máy bay cán chết". Quả thực là chồng chị tôi chết bởi trường hợp "tiếu lâm" đó... Từ xa xưa con đường quốc lộ 14, rừng già phủ kín ra sát mép đường... Chiến tranh càng ngày càng mở rộng, cộng quân thường hay ra đặt mìn, phục kích... Chính quyền lúc bấy giờ mới cho phát quang từ mép lộ - mỗi bên rộng ra ba mươi thước để cho máy bay trưc thăng dễ dàng đổ quân... Chồng chị tôi chết là do ngồi trên bên trên nóc xe be chở gỗ trong lúc trời mưa. Chồng chị tôi chết để lại bầy con - ba trai hai gái còn nhỏ!

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2018

Kon Tum qua các thời kỳ lịch sử

Từ một làng nhỏ của người Bana cạnh dòng sông Đăk Bla, đồng bào các dân tộc Xơ Đăng, Bana, Gia Rai, Jẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm,... đến tụ cư, sinh sống, cho đến vị thế quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của mảnh đất Tây Nguyên bao la, hùng vĩ,... mảnh đất Kon Tum đã trải qua biết bao biến động và thăng trầm với nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. Ngược dòng thời gian, tìm hiểu về những giai đoạn lịch sử mà Kon Tum đã đi qua, càng thấy trân trọng hơn ý chí, nghị lực, lòng quả cảm và sức mạnh nội lực của đất và người nơi đây trong hành trình vươn lên cùng đất nước. 

Tên gọi Kon Tum

Theo truyền thuyết của dân tộc Bana, Kon Tum ban đầu chỉ là một làng của người Bana. Thuở ấy, vùng đồng bào dân tộc Bana (nay thuộc thành phố Kon Tum) có làng người địa phương ở gần bên dòng sông Đăkbla với tên gọi Kon Trang - OR. Lúc ấy, làng Kon Trang - OR rất thịnh vượng với dân số khá đông. Bấy giờ, giữa các làng luôn gây chiến với nhau để chiếm đoạt của cải và bắt người về làm nô lệ. Hai con trai của Ja Xi - một trong số những người đứng đầu làng Kon Trang - OR tên là Jơ Rông và Uông không thích cảnh chiến tranh đã làm nhà ở riêng gần chỗ có hồ nước, cạnh dòng Đăkbla. Vùng đất này rất thuận lợi cho phương thức sống định cư, nên dần dần có nhiều người đến ở, mỗi ngày một phát triển thêm đông, lập thành làng mới có tên gọi là Kon Tum. Từ đó, Kon Tum trở thành tên gọi chính thức cho một làng mới lập của người Bana, cạnh dòng Đăkbla, nơi có nhiều hồ nước trũng. Theo tiếng Kinh, Kon Tum có nghĩa là Làng Hồ (Kon là làng, Tum là hồ, ao, bàu nước,...).

Ngôi làng của người dân tộc Brâu nằm ở ngã ba biên giới

'Bắt chồng' ở ngôi làng nằm giữa ngã 3 Đông Dương

Ngôi làng của cộng đồng người dân tộc Brâu nằm ở ngã ba biên giới, giữa 3 quốc gia Việt - Lào - Campuchia.

Nhà Rông xây dựng theo kiểu “mẹ và hai con” của người Brâu nằm ở giữa biên giới 3 nước Việt - Lào - Campuchia

Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Cuộc phiêu lưu của "Maria đệ nhất" và "Vương quốc Sedang"

"Vương quốc Sedang" - Trò bịp bợm của óc phiêu lưu thực dân

11:16 09/11/2009

Một  số nhà  nghiên cứu phương Tây đã nhiều lần nhắc đến cái gọi là "Vương quốc Sedang"  từng  tồn tại một thời gian rất ngắn (1888-1890) trong vùng cao nguyên Kon Tum. Thậm chí, tỏ ra độc lập và khách quan, họ còn xếp nó vào hàng "các vương quốc cổ" ở  Việt Nam. Thực tế thì chưa ai, chưa ở đâu và chưa khi nào cái gọi là "vương quốc" này được xác định một cách rõ ràng cả  về vị trí địa lý lẫn ranh giới lãnh thổ.

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Lịch sử cầu Đăk Bla

Cọc gỗ làm trụ cầu trên sông ĐắkB'la thời kỳ Pháp thuộc

Thứ hai - 03/04/2017 08:54
Tháng 3/2016, trong quá trình thi công nạo vét đất bồi phía bờ Tây nam sông Đăk B’la (cách cầu Đăk Bla khoảng 500m), để đắp mặt bằng cho Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla thuộc Ban quản lý các Dự án 98 tỉnh Kon Tum, công nhân lái máy múc công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Long Kon Tum đã phát hiện những cọc gỗ này.
Cọc gỗ được vùi sâu trong lớp đất cát khoảng 3 - 4m. Ngay sau khi phát hiện, người công nhân lái máy múc nghĩ là gỗ quý nên đã kéo cọc gỗ lên và chuyển về lán trại của Ban quản lý các Dự án 98 tại công trường. Sau khi có thông tin phản ánh về các cọc gỗ trên, nhận thấy đây có thể là những cọc gỗ được sử dụng làm trụ cầu bắc qua sông Đăk Bla thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng Kon Tum, nên Ban giám đốc Bảo tàng đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp đến khảo sát về 2 cọc gỗ này. Sau khi có kết quả, Bảo tàng tỉnh đã báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý các Dự án 98 bàn giao lại 2 cọc gỗ cho Bảo tàng tỉnh tiếp nhận bảo quản, nghiên cứu phục vụ công tác trưng bày.  
 
Cọc gỗ được tập kết tại lán trại Ban quản lý các Dự án 98

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

Lịch Sử Công An Kon Tum

An ninh Kon Tum góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1969-1972)

Chủ nhật, 08 Tháng 6 2014 14:50

Thắng lợi của quân và dân ta trong tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968 mở ra một bước ngoặt chiến lược, thời kỳ Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chiến lược “chiến tranh cục bộ” thất bại. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã làm đế quốc Mỹ suy yếu một bước nghiêm trọng về quân sự, tài chính và bị cô lập trên toàn thế giới. Không thể bào khác hơn, đế quốc Mỹ phải rút quân bằng việc “phi Mỹ hóa” rồi Việt Nam hóa chiến tranh” âm mưu cơ bản của chúng không phải để chấm dứt chiến tranh mà để rút bớt quân, thay màu da trên xác chết, giảm bớt chi phí chiến tranh tạo điều kiện kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược. Chiến lược “tìm diệt và “bình định” được thay thế bằng chiến lược “bình định nông thôn” với âm mưu kiểm soát đại bộ phận dân chúng, bằng mọi cách đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi nông thôn, vơ vét người và của phục vụ cho cuộc chiến tranh. Quyết định cho sự sống còn của chính quyền ngụy Sài Gòn, bình định nông thôn đã được nâng lên thành vị trí trung tâm của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Để thực hiện bằng được mục tiêu này, Mỹ đã thành lập cơ quan chỉ đạo bình định MAC – CORSS chỉ huy toàn bộ hoạt động tại miền Nam.

Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Hình thành "làng Kontum" như mốc thời gian để định giá tình hình Tây Nguyên.

Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum trong những ngày gần đây đã giới thiệu một số chuyên đề trình bày “Tính Lịch Sử của Làng Kontum”, “Kontum, Một Dịa Danh Mang Tính Dân Tộc và Tôn Giáo”.

Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum trong những ngày gần đây đã giới thiệu một số CHUYÊN ĐỀ liên quan đến lịch sử truyền giáo Giáo phận Kontum như :”Tính Lịch Sử của Làng Kontum”, “Kontum, Một Địa Danh Mang Tính Dân Tộc và Tôn Giáo”, “Đức Thánh Giám Mục Stêphanô Cuenot Thể, Thánh Tổ Phụ Giáo phận Kontum”…
Theo lời yêu cầu của một số tín hữu trong Giáo phận muốn hiểu thêm nền tảng lịch sử Địa Danh Kontum, Ban Mục Vụ Truyền thông Giáo phận xin giới thiệu bài nghiên cứu của Linh mục NGUYỄN HOÀNG SƠN có tựa đề :”HÌNH THÀNH “LÀNG KONTUM” NHƯ MỐC THỜI GIAN để định giá tình hình Tây Nguyên“. Đây là đề tài nghiên cứu để đánh dấu mừng :

♦Mừng 165 năm khởi đầu hành trình tìm đường thành công lên vùng đất dân tộc Tây Nguyên (1848-2013); 

♦ Mừng 160 năm (1853 – 2013) THỤ PHONG LINH MỤC CỦA CHA PHANXICÔ XAVIE NGUYỄN DO,

VỊ LINH MỤC MỞ ĐƯỜNG THÀNH CÔNG LÊN TRUYỀN GIÁO CHO NGƯỜI DÂN TỘC VÙNG TÂY NGUYÊN

♦ Ghi nhớ 160 năm, ngày 3 người dân tộc đầu tiên lãnh Bí tích Thánh Tẩy trở nên con Chúa (1853 – 2013); 

♦ Kỷ niệm 80 năm ngày thụ phong Giám mục Tông Tòa Đầu Tiên, Đức cha Jannin Phước  (1933 – 2013) v.v.v…

Tìm kiếm Blog này