Bạn Dư Hồng Quảng và một số bạn khuyên tôi viết một bài giới thiệu về cây Kơnia. Tôi biết có người đã ở Pleiku hàng vài chục năm nhưng cũng chưa bao giờ biết cái cây này nó mặt ngang mũi dọc thế nào dù suốt ngày ông ổng hát: Buổi (nhưng khi hát phần lớn là phải hạ về dấu... huyền) sáng em lên rẫy, thấy bóng cây Kơnia.... Thôi thì một công đôi việc, vừa viết in báo, vừa post lên đây trình bà con...
--------------------
Vốn dĩ nó là một loài cây vô danh, mọc nhiều ở Tây nguyên, có một đặc tính là chỉ mọc cô độc, rất cô độc ở các bãi đất trống. Và đây là một loại cây có sức sống rất mãnh liệt, quanh năm xanh tốt, hầu như không bao giờ thấy nó rụng lá, bất chấp khô hạn, mưa dầm. Tôi nhớ ở miền bắc cũng có một loại cây gần giống cây này (thậm chí có người nói với tôi rằng nó là một) là cây cậy, người ta hay dùng nhựa của nó để phết quạt. Cứ lặng lẽ âm thầm thế, một ngày, nó được đánh thức, bởi một nhà thơ. Tên ông là Ngọc Anh. Bài "Bóng cây kơ nia" ông sáng tác nhưng cứ đề là dân ca Tây nguyên. Nhà văn Nguyên Ngọc nói về trường hợp này: "kơ nia là một loại cây cô độc. Cho đến một ngày, có một người đến và hình như trong một lúc, một giây phút xuất thần, đánh thức nó dậy, từ trăm ngàn cây cỏ vô danh trở thành bất tử, trở thành biểu tượng của một thời chia cắt và thương nhớ Bắc Nam. Người nghệ sĩ đã đánh thức dậy, đã "sinh ra" cho chúng ta cây kơ nia là Ngọc Anh". Sau đấy Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, và ngay lập tức, cây kơ nia nổi tiếng, trở thành biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất. Rất nhiều người sau giải phóng lên Tây Nguyên câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi: Cây kơ nia nó như thế nào? chỉ cho xem một cây. Người đã ở Tây Nguyên có óc hài hước thì bảo: ông cứ ra bờ hồ Gươm ấy, đào xuống, thấy cái rễ nào dài vươn tới từ hướng nam thì đích thị là rễ cây kơ nia. Ấy là nghịch mà suy diễn từ cái câu: "rễ cây uống nước đâu? uống nước nguồn miền bắc". Cũng sau giải phóng, bạn bè chiến đấu của ông, các nhà văn nhà thơ từng ở khu năm, mới khẳng định rằng: Ông chính là tác giả thơ của bài "bóng cây kơ nia" và mấy chục bài thơ nữa mà ông ghi phía dưới là: Ngọc Anh sưu tầm và dịch.