Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

Trường đào tạo quân sự đầu tiên của VN:

Trường Lục quân Trung học Quảng Ngãi.

Có công rất lớn của các sĩ quan Nhật Bản sau 1945 chưa về nước, ở lại giúp huấn luyện quân sự, được gọi là "người Việt Nam mới". Và đặt nền tảng ban đầu cho thiết chế QĐNDVN sau này.
Trường tổ chức thi tuyển thanh niên cả nước. Với người Kinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở, với người dân tộc thiểu số tốt nghiệp tiểu học hoặc trình độ thấp hơn nhưng có kinh nghiệm thực tế, do đơn vị hoặc chi bộ Đảng giới thiệu. Mục tiêu đào tạo thành chỉ huy từ tiểu đội đến trung đội.
Tướng Nguyễn Sơn làm hiệu trưởng. Giảng dạy chính trị, triết học, lịch sử do các lãnh đạo người Việt, có 2 người Áo giảng môn Triêt. Huấn luyện quân sự do các giáo viên người Nhật đảm nhiệm. Dưới Hiệu trưởng là Tổng đội có các ban chuyên môn và 4 Đại đội. Tổng đội có tổng đội trưởng, phó và chính trị viên là các lãnh đạo người Việt. Mỗi đại đội có 1 giáo viên và 1 trợ giáo người Nhật. Phía người Việt có trợ lý và thông dịch viên. Giảng dạy qua ngôn ngữ Nhật, Việt và cả Trung Quốc. Giữa khoá, nhà trường tổ chức học viên đi thực tế chiến trường Nam Trung bộ...
Ngôi trường chỉ tồn tại trong vòng nửa năm (1.6 - 22.11.1946), đào tạo cấp tốc được khoảng 400 học viên cho Việt Minh. Lúc đầu trường LQTHQN dự tính chương trình đào tạo sĩ quan trong 2 năm kể cả đi thực tập. Nhưng do tình hình chiến sự diễn biến phức tạp nên trường rút ngắn thời gian và mãn khoá trước thời hạn.
Người Nhật huấn luyện cho người Việt biết về nguyên tắc tổ chức quân đội, tinh thần đồng đội, kỹ chiến thuật... Sau đó 11 giáo viên Nhật cùng rất nhiều sĩ quan binh lính khác ở VN lại tiếp tục phục vụ trong QĐNDVN. Có người tham gia quân giới sản xuất vũ khí, có người chuyển ngành... Từ 1954 đến 1960, lần lượt về nước Nhật theo chương trình nhân đạo của Chữ Thập Đỏ hai nước. Nhưng đa số đã hy sinh trong chiến đấu và vì bệnh tật...
(Sưu tầm và tóm tắt từ nhiều nguồn).
Hình Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Bìa sách Nhật... và Những người VN mới cùng gia đình hồi hương về Nhật năm 1960.

Chuyện đời thường mùa Covid19, tôi thấy gì về việc mang khẩu trang và giãn cách XH.

Chưa cần chính phủ tuyên truyền thì hầu hết người Việt đã có thói quen mang KT mỗi khi ra đường do ô nhiễm môi trường. Trong mùa dịch thì người ta quan tâm mang nó khi tiếp xúc người khác. Theo khuyến cáo của ngành y tế để hạn chế lây nhiễm là tránh sờ vào KT nhưng thực tế thì hầu hết đều lấy tay kéo lên mỗi lần nó xệ xuống.

Ở một số nơi, tiếp xúc với một số người mỗi khi đi lại như Sài Gòn, Bình Dương. Đợt đầu dịch bùng phát thì thấy ở chợ khu công nhân gần nhà, gần như 100% người bán không mang khẩu trang. Người mua thì khi vào chợ lột KH ra hoặc kéo xuống để nói. Quán nhậu, ăn uống ít người vào và người ta ngồi thưa hơn. Giản cách như quy định đâu chừng nửa tháng thì thoáng dần rồi sinh hoạt trở lại như cũ. Đợt thứ hai gần đây thì thấy đa số thờ ơ, coi như trời kêu ai nấy dạ, khu nào bị nấy lo. Ngoài chợ búa quán ăn sinh hoạt bình thường, vẫn đông người, nói năng lớn tiếng, ăn nhậu ì xèo, cụng ly côm cốp....
Đến giờ, tôi không biết biện pháp giãn cách XH có còn hiệu lực ra sao nhưng thấy đa số thờ ơ. Ngộ có ai đó lây nhiễm thì trên mạng XH la toáng rần rần nhưng sau đó chìm ngay vào quên lãng. Dịch ở nhiều nước vẫn còn đó nhưng thiên hạ không mấy người quan tâm nữa, hiếm người thể hiện xót thương, cầu mong thế giới qua khỏi đại dịch...

C.B: Mừng ngày Chúa giáng sinh

Cách đây 1953 năm, một người bình dân ra đời, tên là Giê-su.

Xét theo Kinh Thánh, thì mẹ Người là một cố nông, bị địa chủ bóc lột, ức hiếp… Bà phải ở cữ trong một cái chuồng bò, lạnh lùng, hiu quạnh.
Từ bé đến lớn, Người không có tiền của, ruộng nương, chỉ lao động mà sống.
Suốt đời, Người ra sức chống bọn phong kiến, địa chủ, tư sản mại bản.
Suốt đời, Người ra sức bênh vực dân nghèo, đứng hẳn về phía giai cấp lao động.
Suốt đời, Người ra sức tuyên truyền: yêu Tổ Quốc, yêu chính nghĩa, yêu loài người.
Không may, trong 12 cán bộ tin cậy của Người đã lọt vào tên Giu-đa. Hắn đã tham mấy đồng xu mà bán Người cho bọn phản động; cũng như bọn Giu-đa ngày nay, đội lốt tôn giáo mà phản Chúa, phản quốc, làm tay sai cho đế quốc thực dân.
Chúa Giê-su đã hy sinh, bị đóng đinh trên giá chữ thập. Song những lời Người dạy về yêu nước, bình đẳng, bác ái… thì soi sáng muôn đời. Còn loài Giu-đa cũ và mới, thì đều bị nhân dân nguyền rửa, bêu xấu muôn đời.
Đồng bào ta, lương cũng như giáo, đoàn kết kháng chiến, ủng hộ chính sách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, tức là làm đúng lời dạy của Chúa Giê-su, tức là thật thà tôn kính Chúa Giê-su. Nhân ngày kỷ niệm Chúa giáng sinh, chúng ta hoan hô đạo đức ái quốc, bình đẳng, bác ái của Chúa; và thành tâm chúc đồng bào Công Giáo nhiều phúc lành.
C. B


Hàng độc thời bao cấp: Mua 1 chiếc khăn cần có 7 chữ ký.

Châu Trà

kể: Mình có anh bạn sau ngày xuất ngũ làm công nhân xí nghiệp gỗ Hòa Khánh. Khi cưới vợ làm đơn để mua một số đồ dùng thiết yếu gởi lên giám đốc phê duyệt, trong đó có 1 chiếc khăn hiệu CON CÔNG.

(Hình sưu tầm ở bảo tàng tư nhân của bạn Trà Châu ở Đà Nẵng).
Má ơi! đếm cả thảy 7 chữ ký, gồm có:
Thủ trưởng đơn vị, Kế toán trưởng, Thủ quỹ, Thủ kho, Cung ứng vật tư. Người nhận, cuối cùng là Bảo vệ cho ra cổng.
Cảm ơn đoảng và chánh phủ đã rèn luyện tính kiên trì cho quí ông. Muốn vợ tương lai được sạch sẽ trong đêm động phòng hoa chúc, phải vậy thôi.



Tin Phật điều gì?

Tôi chuộng sự đơn giản thay vì rối rắm mơ hồ.
Là người trần mắt thịt nên tôi nghĩ khi Phật qua đời, người đời diễn giãi ra nhiều kinh sách, có thể sai lạc xa rời nguyên lý cơ bản mà Thích Ca đã đề ra. Biết ít thôi, biết nhiều chỉ tổ rách việc!
Bài tham khảo:
__________
Hãy bỏ chút thời gian để đọc một bài viết thật hay này cho đời bớt u mê lầm lạc:
1. Phật giáo là gì?
Phật giáo là một hệ thống tư tưởng có nguồn gốc từ Ấn Độ, do một người có tên Sakyamuni (Thích Ca Mâu Ni) sáng lập. Ông là một Thái tử, đã kết hôn và có con; nhưng vì cảm nghiệm thấy cuộc đời nhiều khổ đau nên đã quyết tìm con đường giải thoát. Sau 6 năm gian khổ, trải qua nhiều phương pháp thực hành khác nhau, đến năm 30 tuổi ông đã giác ngộ (thấy được chân lý của vũ trụ, nhân sinh và đạt tới hạnh phúc trọn vẹn). Sau đó, ông dành cả cuộc đời còn lại (đến 80 tuổi) để truyền đạt tư tưởng và hướng dẫn đường lối tu hành cho mọi người. Tất cả những lời giảng của ông được tập hợp lại sau đó, được gọi là Kinh Phật.
Như vậy, Phật giáo vốn KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TÔN GIÁO, nó là một hệ thống tư tưởng triết học có tính hiện sinh, dùng để áp dụng vào đời sống để tránh những lầm lạc và đạt tới mục đích cao nhất là hạnh phúc (viên mãn) bằng con đường của trí tuệ sáng suốt dựa trên nỗ lực và sự tự chủ của cá nhân mỗi người. Như thế, Phật là một ông thầy giáo – người có năng lực trí tuệ và lòng bi mẫn đã dành cả đời để giúp đỡ mọi người bằng cách “khai dân trí” cho họ.
Chùa là trường học của nhà Phật, kinh là sách giáo khoa, đệ tử là học sinh. Mỗi người đến chùa là đang thực hiện con đường học vấn theo phương pháp của nhà Phật. Tuyệt nhiên không cần cúng bái, lạy lục - nếu có lạy cũng để tỏa lòng tôn kính và biết ơn thầy minh; không cần bày ra các lễ lạt rườm rà hình thức gây lãng phí và làm mê muội nhân tâm. Ngày nay, khi khi ông thầy sáng lập đã qua đời thì công việc giáo dục ấy được trao vào tay những vị thầy chùa ( sư ). Những người Phật tử đến chùa không được biến những vị sư này thành những thần thánh, hãy chỉ coi họ là thầy giáo, và kính trọng họ như kính trọng những vị thầy giáo (nếu họ có đức hạnh). Xin nhớ rằng, họ không có quyền năng gì trong việc ban phước giáng họ cho ta cả; cái lợi ích (nếu có) thì là do sự chân thành học hỏi và kiên trì thực hành đúng phương pháp từ lòng nhiệt thành giảng dạy của thầy chùa mà có.
2. Tư tưởng Phật giáo
Nếu tính cả Kinh, Luật, Luận thì hệ thống sách vở của Phật giáo sẽ “chất cao như núi”, làm nản lòng những ai muốn bước vào tìm hiểu. Nhưng dù phức tạp và uyên áo mà trí tuệ thông thường khó có thể lãnh ngộ hết được thì Phật giáo vẫn khá sáng sủa chỉ với 4 chữ: KHỔ - TẬP – DIỆT – ĐẠO (Khổ - Tập là Nguyên nhân của khổ - Diệt là Trạng thái hết khổ - và Đạo là Con đường thực hành để đạt tới hết khổ). Đây là “4 sự thật cao quý” – hay còn gọi là 4 chân lý căn bản, và người phật giáo phải hiểu được một cách thấu triệt để ra khỏi những nỗi khổ của đời sống. Khổ đế là sự thật (chân lý) về đời sống: đời nhìn chung là khổ, từ 8 nỗi khổ căn bản cho đến trăm ngàn nỗi khổ, vô biên nỗi khổ. Những nỗi khổ này bị gây ra bởi những tập khí – thói quen sai lầm của con người cả trong hành động, nói năng, suy nghĩ, tình trạng này được gọi chung là Vô minh – không thấy được ánh sáng của sự thật nên tạo tác sai lầm. Diệt là trạng thái hết khổ - trạng thái Niết Bàn của tinh thần, khi đạt tới trạng thái này con người đồng nghĩa với giác ngộ và đạt tới niềm phúc lạc vô biên – một thứ hạnh phúc chân thật. Đạo là con đường thực hành để dẫn ra khỏi khổ đau. Nếu Tập là “tà” thì đạo là “chánh” – phải tư duy đúng đắn, thấy đúng đắn, nói năng đúng đắn, hành động đúng đắn…
Tất cả các tông phái Phật giáo (Thiền, Tịnh, Mật, Thiên thai, Duy thức…) dù có những sai biệt trong tư tưởng và đường lối thực hành nhưng vẫn không ra khỏi tư tưởng nền tảng như đã trình bày.
3. Tu Phật
Tu Phật là gì? Tu là sửa mình, sửa lại cái sai bằng cách suy nghĩ, nói năng, hành động đúng. Tụng kinh, ăn chay, niệm phật, ngồi thiền, cúng dường…sẽ không phải là tu nếu nó không lấy việc sửa mình làm mục đích. Nếu một người Phật tử làm một hành động nào đó, như ăn chay chẳng hạn, để mong được ban phước (hay được phước đức) thì đó không phải là một người Phật giáo! Cái ý muốn ấy là ý muốn của kẻ tham lam và ích kỉ, chỉ muốn đổi chác bằng cách bỏ ít để lấy nhiều; nó đồng thời là một sự mê tín khi không hiểu rằng ăn chay là cách nuôi dưỡng tình yêu thương với động vật, lòng yêu thương ấy sinh ra năng lượng tích cực và niềm hạnh phúc tự sinh khởi từ tâm ý tốt lành ấy; con người sống tốt lành, vô cầu vô dục thì trí tuệ sáng suốt, và đồng thời sẽ nhận được tình yêu thương từ mọi người mọi vật. Vì thế mà cuộc sống mỗi ngày một hạnh phúc và tốt lành hơn.
Vậy thì tu cái gì? chỉ có 3 chữ: GIỚI – ĐỊNH – TUỆ. Giới là sự ngăn giữ mình trong khuôn khổ đạo đức để không phạm vào những tội ác (giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối...); Định là làm cho tâm yên ổn lại bằng cách trụ vào 1 đối tượng nào đó (ví dụ như trụ vào hơi thở - luôn biết hơi thở vào - ra chứ không để ý nghĩ lang thang chỗ khác) để đạt tới trạng thái quân bình. Tuệ là quan sát, suy nghĩ, tư duy đúng đắn – phải thấy biết được bản chất của thế giới và đời sống một cách chân thật (thấy được sự dời đổi vô thường, thấy được bản chất của đời sống là khổ, thấy được cái “tôi” là giả...)
Tất cả mọi tông phái của Phật giáo đều là tu Định, tức làm cho tâm an trụ lại, chứ không để bị rơi vào tán loạn, rong ruổi mà đánh mất “chánh niệm”. Niệm Phật (Nam mô A Di Đà Phật) không phải là kêu tên cho Phật nghe, hay kêu Phật đến giúp (!) mà là làm cho tâm an trụ vào câu Phật hiệu này, và chỉ an trụ vào câu Phật hiệu, không để ý nghĩ lang thang. Niệm lâu ngày thì từ cái tâm lăng xăng nhảy nhót dần “thuần” lại, tức “định” lại, đạt tới “nhất tâm bất loạn”. Khi tâm định lại rồi thì trí tuệ sẽ sáng suốt, như nước lặng thì mặt trời hiện, mây tan thì mặt trăng tỏa rạng.
Xin nhớ rằng, mọi sự thực hành trong đường lối của Phật giáo là đều nhằm để khắc chế cái tâm động loạn và vô minh này. Và mọi sự “tu hành” phải lấy việc hướng nội làm tông chỉ. Hướng ngoại tìm cầu đều là đường tà. Cho nên mới có câu “Phật tại tâm” là vì thế.
Nhưng tại sao? Phật giáo giải minh rằng: Mỗi người đều vốn có trí tuệ sáng suốt viên mãn (tức là có tâm phật), nên Thích Ca mới nói “ta là Phật đã thành, các ông là phật sẽ thành”, chỉ cần nỗ lực, siêng năng đúng phương pháp thì sẽ khai mở được cái trí tuệ đang bị vùi lấp bởi vô minh kia (tham sân si) mà đạt tới trạng thái tâm sáng suốt và hạnh phúc chân thật (gọi là Niết Bàn).
Như thế, Phật giáo chuyên chở một tinh thần nhân bản sâu xa và tư tưởng tự do tiến bộ mà ở đó con người được đề cao với địa vị chưa từng có. Và những người Phật giáo phải tự tin và tự lực mà khai mở lấy cái trí tuệ vô giá đang bị chôn lấp kia chứ không phải ném cuộc đời mình cho Phật hay Bồ Tát nào cả.
Thích Ca Mâu Ni nói “tin ta mà không hiểu ta là phỉ báng ta”. Cái sự “không hiểu” này, cộng với thói tham lam cố hữu đã biến những người theo Phật giáo thành những kẻ mê tin dị đoan, biến một tư tưởng tiến bộ và đầy nhân văn thành một thứ tôn giáo mà ở đó cuộc sống của mỗi người lại bị ném ra cho những vị thầy (Phật) của mình. Phật - vị thầy giáo trí tuệ đã bị những người "theo Phật" biến thành một thần linh có khả năng ban phước giáng họa ! Họ đã không muốn trở thành con người tự chủ, tự do; mà ngược lại, từ trong vô minh, họ đã biến mình thành những nô lệ của lòng tham, biến mình thành kẻ yếu hèn và bạc nhược khi gửi gắm cuộc đời mình cho những “thế lực” bên ngoài.
Người đến với Phật giáo là để thành tựu lý tưởng tự do; trở nên sáng suốt hơn, dũng khí hơn chứ không phải để sống kiếp ăn mày nơi cửa Phật. Tình trạng mê tín mịt mù trong xã hội Việt Nam ngày nay cần phải được tẩy uế bằng cách rọi ánh sáng của chánh pháp và tiếp nhận các thành tựu của khoa học nhân loại như Phân tâm học, vật lý lượng tử... để mong cứu chuộc lấy nhân tâm.
Trách nhiệm ấy thuộc về những người quản lý, những nhà khoa học và những nhà giáo chân chính như là một cách thực hành từ bi đối với chúng sinh theo lời Phật dạy. Nhưng đồng thời, phải chữa được căn bệnh vô minh và tham lam của giới quan chức đã.
(Tây Lạc Viên - 15/2/2020).

Kỳ công xây dựng tuyến "đường sắt trên không" từ Quảng Bình qua Lào.

Vào thời đó, đấy là tuyến cáp treo dài nhất thế giới.

Tài chính, kỹ thuật do người Pháp, nhân công Việt xây dựng bằng thủ công ở vùng rừng núi. Đội ngũ Pháp-Việt bị đau ốm bệnh tật, bao gian nan cực khổ mới hoàn thành. Để đưa sản vật chủ yếu là vàng sa khoáng từ Lào về và ngược chiều đưa gạo từ Việt Nam sang. Đoạn phía Việt Nam dài 60 km từ ga Tân Ấp (xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đến đèo Mụ Giạ (cửa khẩu Cha Lo). Xe goòng phải chui qua 2 hầm còn lại kéo bằng cáp treo qua núi đồi. Hàng hoá xuất nhập qua cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh...
Ban đầu các kỹ sư của Pháp trình kế hoạch xây dựng 187km đường sắt đến Thà Khẹc, Lào. Nhưng do núi rừng hiểm trở, ngốn nhiều ngân sách nên kế hoạch xây dựng đường sắt đã phải đình đốn, thay vào đó là tuyến cáp treo.
.....

"Chủ thì có một còn công nhân hàng ngàn"

Nhớ mãi câu nói của người tiền nhiệm truyền đạt lại cho khi tôi nhận chức thay chú ấy làm quản đốc xưởng của một công ty gỗ XK khá lớn. Không sai, sâu sắc. Nhưng tôi nghĩ: ai cũng vì manh cơm manh áo thôi, ai cũng có bổn phận phải lo nhưng vì nịnh bợ lấy điểm với chủ, muốn leo cao mà bóp vắt sức lao động của anh em thì sống quá tệ. Đa phần công ty lớn không chủ trương như vậy tuy nhiên ngay cả công ty có vốn nước ngoài, chủ uỷ nhiệm cho người Việt quản lý thì vẫn có tình trạng ăn bớt ăn xén và tình trang như trên.

Ngẫm lại trong đời làm công ăn lương của mình, trải qua vài cương vị nho nhỏ có ảnh hưởng đến thu nhập của người khác. Làm thì có đúng có sai nhưng tôi luôn đặt vấn đề thu nhập của người dưới quyền lên hàng đầu. Cũng chả phải đạo đức gì mà xuất phát từ quan điểm: lợi ích của công ty và của người lao động phải luôn là một gắn bó nhau. Nó là động lực để công ty đứng vững và phát triển. Có họ thì bản thân mình mới tồn tại.
Chính vì vậy nên trong phạm vị có thể, tôi thường đạo diễn đề xuất tăng lương hay nâng mức giá khoán công việc cho anh em bên dưới. Làm thế nào để thuyết phục cấp trên nghe hợp lý, lọt lỗ tai mà phê duyệt. Biết, chủ có thể không ưng ý, bụng họ nghĩ sao thì chưa nghe ám chỉ trách trã gì.
Lần gần nhất, khoảng năm 2009, tôi làm quản đốc một công ty sx gỗ nhỏ nọ. Công ty làm ăn thua lỗ, chủ - giám đốc thì ít khi có mặt. Xem bảng lương công nhân viên thì tôi hỡi ôi, thấy nó quá thấp so với mặt bằng thị trường lao động. Chú phó giám đốc trước quản lý công ty ép công nhân sát rạt. Công ty làm hàng thành phẩm cho công ty lớn bị lỗ lã nên sử đụng lực lượng lao động rẻ tiền mà các công ty lớn gần đó dạt ra. Đa phần do tuổi nhỏ hay quá lớn, giấy tờ hồ sơ không hợp lệ, ngay cả công nhân có tay nghề cũng vậy. Gò lương để đỡ bị thâm tài chính. Mình nghĩ bụng: vậy là phi lý, không thể lâu bền.
Một mặt, tôi xốc lại tinh thần mọi người, mặt khác trực tiếp giám sát chất lượng sản phẩm vì nó là khâu yếu nhất. Đồng thời tham khảo ý kiến các tổ trưởng và kỷ thuật xưởng ra soát xem xét lại lương từng người có phù hợp với năng lực của họ chưa? Thế là mỗi tháng, tôi đệ trình với chủ tăng lương một ít cho 1/3 quân số. Nhích dần lên... Như vậy chỉ trong vòng 3 tháng, đã giải quyết tăng lương gần như toàn bộ công nhân.
Thế, kết quả công việc ra sao? - Tài chính lên dần từng bước, từ âm đến tháng thứ ba dừng lại. Tháng thứ tư huề vốn. Tháng thứ năm bắt đầu có lãi một ít. Xưởng hoạt động đi vào nền nếp hơn, chất lượng sản phẩm cải thiện rõ rệt... Dù số nhân viên gián tiếp không hề thấp, chiếm tới 15% quân số. Tuy chiếm quỹ lương lớn nhưng cái quan trọng là bộ máy vận hành nó có hiệu quả không. Chấp nhận thôi vì không thể quản lý theo kiểu công ty gia đình lu xa bu. Cơ may, công ty phát triển tăng thêm công nhân thì bộ máy điều hành vẫn thế.
Rồi chủ mới nâng lương cho nhân viên gián tiếp như kỹ thuật, kế toán còn mình thì lơ đi. Mỗi khi chấp nhận đi làm tôi không quan tâm lương nhiều hay ít mà trước hết nghĩ mình có làm được việc hay không cái đã, rồi tính. Nhưng khi đã chứng minh được năng lực rồi mà chơi vậy tức là không đẹp, người ta không hiểu mà đánh giá thấp vai trò mình. Coi đó là một sự xúc phạm! Buồn và chán thêm khi nghe chú em (kỹ thuật trường cùng làm công ty cũ ngày trước) là người giới thiệu mình vào làm, nói: ... chứ anh làm gì mà đòi hỏi? Nghỉ thôi, cuộc sống nó là vậy, ra đi nhẹ nhàng.
Trước không hiểu sao vì tôi đánh giá rất cao tay chủ là người rất khéo trong đối sách và thuật dụng người. Sau này ngẫm lại đó là chiêu giảm lương nhân sự VP bằng cách không nâng lương để tôi buồn ý ra đi. Bớt tôi, cho kỹ thuật kiêm nhiệm quản đốc. Tuy vậy, mối quan hệ giữa tôi và chủ cũ vẫn anh em thân tình như xưa. Vài tháng sau, xưởng sang cho người khác vì nợ ngập đầu. Từ đó, chú chủ lặn mất tiêu.
Lâu lâu, mỗi lần gặp lại nhậu với anh em cũ, hay nhắc đến người này người nọ. Ai để lại ấn tượng, sống không quá tệ với đồng nghiệp, tôi vẫn nhớ vẫn mong gặp lại người quen thuở nào.

Tầm quan trọng sống chết của cái thắng xe máy.

Ai quan tâm đến an toàn không những muốn có thắng đĩa trước mà muốn xe mình có 2 thắng đĩa trước lẫn sau.

Mình không phải thợ hay dân kỹ thuật nhưng vẫn nói đi nói lại về thắng xe vì nó là sự an toàn chung của mọi người. Mỗi khi ra đường quan tâm đầu tiên là: "thắng và thắng và luôn luôn là 2 thắng trước sau cùng lúc". Chứ không phải cái còi cảnh báo "tin. tin". Thấy lạ là nhiều người, thay vì tay hờ lên thắng sẵn sàng bóp mà lại hờ lên cái nút còi. Làm như vậy, bóp thắng sẽ chậm hơn do phân tán sự chú ý. Ngón cái không còn ôm vào tay cầm nên giữ ghi đông xe không còn chắc chắn khi có sự cố.
Ông anh
Loi Pham Minh
có đặt vấn đề: vì sao người ta không chế tạo cái đùm bánh xe lớn hơn để tăng độ ma sát?
Mình nghĩ xe có tang trống lớn để tăng ma sát hơn nhưng chế tạo sẽ phức tạp hơn để guốc bố phanh bung ra ôm đều đùm. Thắng đĩa phức tạp nhưng mắc tiền tương ứng với hiệu quả nên người ta không còn quan tâm đến cải tiến thắng bằng bố. Dĩ nhân cái nào cũng có ưu nhược riêng. Vấn đề cái nào ưu việt hơn. Thắng đĩa đã ra đời từ lâu nhưng không phổ biến vì nó đội giá thành làm xe mắc tiền hơn. Mãi đến ngày nay mới đưa ứng dụng vào đại trà dần ở dòng xe phổ thông xe tay ga, xe số
Năm 2000, mình thấy một chú em ở công ty có chiếc Suzuki Viva 110 với 2 thắng đĩa nhập từ Thái về, mượn chạy thử, nó sướng gì đâu! ước ao bao giờ có một chiếc như vậy. Xã hội phát triển người tiêu dùng có tiền hơn nên các nhà SX đang tiến dần sẽ lắp thắng đĩa cả 2 bánh xe. Vì thắng đĩa thắng nhanh dừng hơn, không bị nóng làm chai bố như kiểu thắng bố.
Chỉ nói về vì sao người ta lắp thắng đĩa ưu tiên ở bánh trước ở đa số xe hiện nay.
Xe đang chạy mà thắng thì trọng tâm dồn về phía trước cho nên thắng trước quan trọng hơn thắng sau. Tạm cho rằng lực ma sát quyết định xe dừng lại đến 2/3 ở bánh trước, chỉ 1/3 ở bánh sau. Tuỳ vào tốc độ, giả dụ nếu xe thắng bằng bố, xe sẽ lết 3-4 mét mới dừng lại thì thắng đĩa xe sẽ lết 1-2 mét sẽ dừng. Xe mà lắp 2 thắng đĩa thì độ dài giảm xuống chỉ còn 0.5-1 mét.
Một số người ngại thắng đĩa bánh trước vì sợ dễ bị té khi thắng gấp là do kỹ năng của người lái không quen dùng chứ không phải do tại cái thắng đĩa. Cần lưu ý: tuỳ vào thiết kế của nhà sản xuất mà có xe bóp nhe thì đã tác dụng liền, có nhà sx thiết kế cầu phải bóp thắng manh tay hơn.
.....
Hình xe đùm trước lớn thắng bằng bố và xe Suzuki Viva 110 với 2 thắng đĩa.




Vì sao chạy xe máy nên nhanh và chọn đường, chọn lề mà chạy.

Như đã nói: mình thường chạy xe máy nhanh, chọn đường lớn ở mé giáp làn ô tô, có cảm giác dễ chạy và yên tâm hơn chạy chậm sát lề. Chạy chậm chưa hẳn là an toàn vì khi chạy chậm làm người xao lãng nên khi gặp sự cố bất ngờ thì đã muộn...

Tại sao như vậy, từ góc nhìn cá nhân mình nêu vài lý do:
- Chạy nhanh bắt buột người cầm lái tập trung chú ý để xử lý tình huống nên chủ động hơn người chạy chậm.
- Cần phải chạy gần biên làn của ô tô nên tách rời đám động bên cạnh và phía trước sau, tạo được khoảng cách khá an toàn.
- Chạnh nhanh thì không sợ xe người ta húc đít mình và ngược lại mình cũng không húc đít người khác vì tập trung chú ý nên chủ động tay chân luôn hờ trên thắng.
- Do ít bị "vướng chân" và vướng tầm nhìn nên có điều kiện quan sát tốt hơn, chạy thoải mái hơn.
- Đường lớn có tầm nhìn xa và rộng hơn, thường phân làn nên phần đường của ai nấy chạy. Nếu đường có "con lươn" ngăn cách thì càng khoẻ vì ít có giao lộ đèn xanh đèn đỏ, không sợ xe cắt ngang, quay đầu.
- Đi đường nhỏ, đường tắt chưa hẳn là đến trước. Do phải chạy chậm vì đường hẹp người đông và có thể gặp sự cố đột ngột như trẻ em chạy vụt ra hay người lớn chạy ẩu từ hẻm vụt ra đường.
- Mé trong "mặc định" thường dành cho những người chạy nhanh nên đường sẽ thông thoáng hơn. Nếu chạy gần lề lỡ có sự cố bất ngờ thắng khó kịp.
- Gần lề, xe dễ bị dính vật nhọn làm thủng lốp, gần nơi làm ăn buôn bán người ta tiện tay vứt ra đấy. Mé trong nếu có vật nhọn thì được xe ô tô đè bẹp, xe máy chạy nhanh đánh bạt đi.
Trừ đám trẻ và mấy tay mắc dịch thích phóng nhanh để thể hiện còn những người đàng hoàng thì đó là cá tính và thói quen. Đi cùng người chậm dù là không vội vẫn cảm thấy như là một bắt buột.
Ở đây, theo kinh nghiệm mình cho vậy là tốt. Người chạy xe chậm cũng có lý và thói quen của họ. Không bàn luật giao thông. Có điều khi chạy nhanh đường xa hay lấn làn đường bị CSGT hỏi thăm sức khoẻ nhưng không thường vì cái gậy chặn xe của mấy chú CSGT khó mà với tới kịp. hehe.

TMH "Thế đếch nào mà công an chưa bắt tớ!"

03/01/2012

Xem cái tút cũ bên dưới của
Nguyễn Xuân Lộc
, TC nhớ Trần Mạnh Hảo mà mắc cười! Đã nói oanh oanh câu đó khi chưa có ly nào, gần đấy là bàn của mấy chú công an nữa chớ. Bữa ấy, nhóm bạn trên mạng offline ngồi ở quán công viên Hoàng Văn Thụ sân bay TSN, lai rai vài chai tiễn
Nguyễn Hữu Quý
về lại Buôn Mê Thuột. Sáu người có đủ Bắc-Trung-Nam, mỗi người mỗi vẻ. Một đại ca bình thơ bằng búa, một thầy đồ xứ Huệ, một chuyên da bãi chim ỉa, một ông thẳng ruột ngựa, một nhà thơ kiêm quạ sĩ, một thợ cạo hóng chiện cây đa cây đề...
_________
Đầu năm mới, hôm qua có cuộc gặp mặt thật thú vị với hai bloger nổi tiếng Tranhung09, nguyenhuuquy2, chuyên gia biển Đông, giảng viên đại học mở TP.HCM Đinh Kim Phúc, nhà ngôn ngữ học Ts Hoàng Dũng (đại học sư phạm TP.HCM) và mặt trời thi ca Trần Mạnh Hảo, chuyên trò với các vị thật vui.
....





Mao tuyển đỡ rét và Quyết tâm đẫm máu.

Các vận động viên đọc Mao tuyển để thêm nghị lực trước khi bơi vượt sông vào mùa đông.

Và trên chiếc tàu chiến TQ hạ nòng pháo 37ly, bí thư đọc quyết tâm, binh lính giơ tay hô vang: "Tả. tả", rồi bắn thẳng vào công binh VN ở Gạc Ma 1988.





"Can trường trong chiến bại"?

19/1/1974 đã bỏ lại:

- 82 quân nhân cần cứu của chiếc tàu HQ-10 đang bị chìm.
- 59 quân nhân đang bơ vơ trên 3 đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Ảnh.
.....
Những con số, hình ảnh hy sinh, đầu hàng, bị bắt là thật, kế hoạch phản công là ảo... Người đã mất, lãnh thổ không còn, nổi đau còn đó!
Gì thì gì, bao liệt sĩ đã bỏ mình, di sản của cha ông để lại đã mất - Đó là một thất bại chua cay của Việt Nam. Nói ra không phải để biện hộ hay chỉ trích. Mà chỉ có sự thật và sự thật, hậu thế mới rút ra được bài học xương máu, từ đó bảo vệ được chủ quyền của đất nước.



Nguyễn Tam Mỹ tặng sách Chinh chiến nơi miền đất lạ.

Món quà lưu niệm.
Cảm ơn nhà văn Nguyễn Tam Mỹ - Thái Nguyên Tài đồng đội Tiểu đoàn 12 - Đoàn 5503 đã tặng sách về những năm tháng anh em mình gắn bó ở chiến trường K. Gợi lại ký ức, nhớ thật nhiều...





Tìm kiếm Blog này