Theo cách nghĩ thông thường, nơi nào có con người sinh sống thì nơi ấy có ma. Con người và ma như hình vớỉ bóng, không thể tách rời nhau. Ma được hiểu là vong hồn của những người chết bờ chết bụi, không ai thờ cúng nên sống vất vưởng, lang thang.
Hồn ma là những vong hồn chưa được siêu thoát, chưa đầu thai. Con người nơi nào cũng có, nhưng nổi tiếng về ma thì có một số địa danh, trong đó “ma Bình Thuận” được người đời truyền tụng nhau rất nhiều. Đến nỗi, ở xứ Bình Thuận , ai ai cũng biết chuyện về ma, từ già đến trẻ đều biết chuyện ma để kể. Nhất là những đêm tối trời. khách lạ mà ngồi nghe chuyện ma ở xứ Bình Thuận không những sợ khiếp vía mà còn không dám đặt chân xuống đất.
Vì cớ gì mà đất Bình Thuận được dân gian đồn đãi nhiều ma như cọp ở Khánh Hòa? Loại bỏ những yếu tố mê tín dị đoan, thiếu căn cứ khoa học được nhìn nhận ở góc nhìn hiện đại, thì câu chuyện dài về ma Bình Thuận chúng tôi trình bày sẽ là một câu chuyện mang màu sắc tâm linh, huyền bí mà con người chưa thể hiểu hết được. Những câu chuyện kỳ bí này được nhìn từ một người dân Bình Thuận. Theo một cách hiểu thường nhật, người Bình Thuận không ai sợ ma là gì cho dù từ ngàn xưa đã lưu truyền là một xứ sở có rất nhiều ma.
“Nhìn ma” với góc hẹp của người thôn quê
Cư dân vùng Bình Thuận có mấy nguồn di dân chính. Đầu tiên là dân bản địa là người Chăm thuộc vương quốc Chiêm Thành và một nhóm cư dân từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi vào Phan Thiết lập nghiệp, khai khẩn đất đai, trồng trọt và đánh bắt hải sản. Kiến trúc nhà cửa, phong tục tập quán đều in đậm nét văn hóa của người xứ Quảng, kể cả những tên gọi các loài vật, cây cối, nghi lễ và văn hóa bản địa. Tất nhiên về ngôn ngữ, cách phát âm người Bình Thuận có những đặc điểm, phương ngữ riêng.
Về mặt địa lý, Bình Thuận ngày xưa thuộc vùng đất Chiêm thành là biên giới tiếp giáp đất Chân Lạp cũ, là nơi thường xuyên xảy ra các trận chiến ác liệt của vương quốc Chân Lạp với vương quốc Chiêm Thành, máu chảy thành sông, thây chất đầy nội. Ngay cả khi đế chế Angkor của Khmer đánh chiếm Chiêm Thành cũng chỉ phần đất phía Bắc tiếp giáp Đại Việt tại châu Nghệ An, còn phần đất Chiêm Thành Nam kéo dài đến Phan Thiết vẫn giữ vững nên các cuộc chiến tranh liên miên dường như không bao giờ dứt. Đất Bình Thuận xưa (cả tỉnh Ninh Thuận ngày nay kéo dài đến Đồng Nai) được coi là vùng cực Nam Trung bộ, đây cũng là nơi kết thúc vương triều Chiêm Thành trong lịch sử với hình ảnh tháp Chàm Poshanu trên đồi Ông Hoàng, Phan Thiết ngày nay trước khi sáp nhập vào Đại Việt.