Tim thông tin blog này:

Hiển thị các bài đăng có nhãn Ký ức. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ký ức. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2023

Chuyện giờ mới kể - "yêu nhầm nữ gián điệp TQ".

Nói yêu cho thêm phần số má chứ chỉ đến mức cảm tình nhau rồi bể độ. Chuyện thế này.

Năm 1981, mình được đi dự đại hội CSTĐ quân khu 5 tại bãi biển Mỹ Khê, ĐN. Cô nàng và mình là hai trong số những báo cáo viên điển hình. Mình là lính nên dĩ nhiên kể chuyện đánh địch còn cô nàng là gương người tốt việc tốt cứu trẻ sắp đuối nước. Trai tứ chiến gặp gái thuyền quyên, cả hai cùng trạc tuổi, mang quân hàm chuẩn uý.
Cô nàng tự giới thiệu: tên Hà Thị Luận y tá ở quân y viện 13 Quy Nhơn. Mang hai dòng máu dân tộc Tày - Mường ở Hà Giang. Theo cô ta kể có bố là đại tá, phó tư lệnh quân đoàn đang công tác ở biên giới phía Bắc, bị thương do trúng pháo của quân Trung Quốc...

Lần đầu tiên mình thấy lạ một cô gái dân tộc có nước da trắng như trứng gà bóc. Tóc thắt hai bím con rít, răng sưa nhỏ, dáng người nhỏ nhắn, dễ thương. Hớp hồn mình nữa là Luận ăn nói hoạt bát, tế nhị, có học thức, làm thơ cả chữ Hán. Lần ấy, mình và Luận đang ở hội trường xem văn nghệ, hai bên cưa nhau đối đáp qua giấy, rồi Luận ứng tác viết tặng mình một bài thơ. Rồi chia tay, nàng trao mình tấm ảnh cá nhân làm kỷ niệm.

Một lần về phép, mình tìm đến chỗ QYV13 thăm và ăn một bữa cơm với nàng.

Vậy là trong cùng thời gian ấy, một trùng lặp ngẫu nhiên, mình "yêu" với một cô gái mang hai dòng máu Kh'mer - Lào ở Stung Treng và đồng thời cảm mến một cô gái Tày - Mường ở Hà Giang. Và cả hai cùng tuổi như mình và đều là y tá.
Khi trở về đơn vị, hai bên thỉnh thoảng thư từ thăm hỏi nhau. Thế rồi, chuyện đến như sét đánh ngang tai! Tình cờ mình hỏi một bạn ở đơn vị cấp trên: có biết Luận ở QYV 13. Đồng đội ấy kể: nghe nói, cô ta là gián điệp, mạo nhận nhân thân lý lích, Trung Quốc cài vào phe Ta, tìm cách kết thân với các sĩ quan để thu thập tin tức tình báo. Sau đó đã bị quân báo ta phát hiện, bắt giam điều tra. Có điều là cô ta một mực kêu oan và tuyệt thực phản đối...

Mình ở xa nên chỉ biết vậy, không có điều kiện để hỏi thêm cho rõ ngọn ngành. Mình đang là sĩ quan đảng viên sợ cô ta khai ra những người từng quen biết. Sợ rắc rối nên mình đốt phi tang thư cùng tấm ảnh và bài thơ ký tặng.

Mình bận đủ thứ chuyện trong chiến đấu và công tác nên thời gian qua đi...
Dấu hỏi sao vậy, có thể chăng... vẫn còn đó.

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Ký ức chiến tranh: Thằng tui chứng kiến trận Mậu Thân tại Trại Bò.

Mình lớp nhì , ông anh lớp ba và ông cha đang ở trọ ở Đông Phước . Nghe tin đồn lan ra là Quốc gia đang đánh nhau với Việt Cộng ở Trại Bò. Chiến tranh tạm nghỉ học , hai thằng nhóc rảnh quá mà , rủ nhau đi coi . Hai anh em cùng máu ham lạ nhất là chuyện bom đạn , đầu rơi máu đổ . Đi dọc theo Quốc lộ , qua khỏi Nhà Mười Tám gian thì đến nơi . Thấy lính Cảnh sát Dã chiến đang núp vào mấy cột điện bên này đường bắn vào VC ẩn núp lẫn trong xóm nhà dân tản cư bên kia đường . Rồi thấy một anh CSDC ném lựu đạn , nó rơi trên mái tôn , dồng lên dồng xuống rồi nổ ...

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

Nhớ tấm bản đồ UTM Mỹ ở chiến trường K.

Thời ở Campuchia, bản đồ địa hình khu vực hoạt động của đơn vị là vật gần gũi, bất ly thân đối với chỉ huy các cấp và những người lính có phận sự như trinh sát... Mình cũng thường mang theo bản đồ và địa bàn, mỗi khi dẫn quân đi truy quét. Rất lấy làm lạ và khâm phục trình độ tác nghiệp của Mỹ. Làm sao mà họ lập được bản đồ chính xác đến vậy. Đi bất cứ nơi đâu, dù là thật xa đi nữa, tưởng như chưa từng có con người hiện diện, thế mà đều thấy, trên bản đồ có cái gì thì mặt đất có cái đó. Chỉ khác chăng là còn có nước, phum bản hay không... Cấp trung đội, đại đội được phát bản đồ 1:25.000 và 1:50.000. Cấp cao hơn dùng bản đồ 1:100.000...

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2023

Những ngày gian nan vất vả của quân đội và dân Kiên Giang tìm lại 500 người dân bị Kh'mer Đỏ bắt cóc.

Chuyện ít người biết:

Tháng 5-6/1975, Lãnh đạo Kh'mer Đỏ lợi dụng lúc VN chưa kịp ra đảo tiếp quản nên đã cho quân Campuchia bí mật chiếm các đảo cực nam của Việt Nam. Quân ta từ đất liền ra chiếm lại đảo lớn Phú Quốc, sau đó hay tin địch đã chiếm quần đảo Thổ Chu và bắt 500 dân chở đi nên chính quyền địa phương họp bàn với đơn vị tổ chức cho quân đổ bộ chiếm lại đảo và tìm người mất tích. Đánh xong thì dân sống sót và tù binh khai chúng đưa người về quần đảo Poulon Wai. Quân VN tổ chức đánh tiếp Poulon Wai để tìm người lại không thấy. Nghe tin địch đã đưa về đảo Koh Tang nên tổ chức đánh tiếp, chiếm Koh Tang thì dân đâu cũng không thấy nốt.

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

Nhà nào theo chế độ mẫu hệ thì đàn ông chầu rìa.

 

Địa danh là cái gắn đo liền với ký ức của nhiều người

Chúng tôi - những người lính đã từng chiến đấu công tác ở Campuchia, có dịp thăm lại chiến trường xưa, gặp lại biểu tượng nhỏ bé khiêm tốn này khi vào cửa ngõ TP Stung Treng, y hệt như mình từng thấy cách đây đã hơn 40 năm. Và nơi mình đi qua hay tìm về thì vẫn tên làng xã huyện thành xưa ấy. Ở Campuchia (tôi tin có lẽ Lào cũng thế), hầu như tất cả vẫn như cũ dù trải qua 3 chế độ chính trị khác nhau.
Địa danh là cái gắn liền với ký ức của nhiều người, nhiều thế hệ. Ngẫm về nước Việt, người ta muốn quá khứ màu mè rực rỡ hơn là thực tế đã diễn ra, tương lai sẽ như thế nào khi quay lưng và phủ nhận quá khứ... Trong nước mình đã như thế, không thủy không chung thì mong gì làm bạn của tất cả các nước trên thế giới.




Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

Nhìn thoáng qua, không ngờ đó là lúa chét.

(ảnh Thái Hạo)



Bài Hát Học Trò

Kính thưa thầy đây bài chính tả của con
bài chính tả viết về nước Mỹ
con viết hai lần sai chữ America
con viết hai lần sai chữ Communist
con viết hai lần sai chữ Liberty
làm sao được, làm sao được, bởi anh con vừa chết
Kính thưa thầy, đây bài luận triết của con
Một căn nhà và một trái phá
Một đám cưới hồng bên cạnh một đám ma
Một nếp sống tàn bên cạnh người no ấm
Ôi tiếng hát nào bên lệ em tuôn mau
làm sao thuộc bài con học để vinh thân đời sau

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

Hàng độc thời bao cấp: Mua 1 chiếc khăn cần có 7 chữ ký.

Châu Trà

kể: Mình có anh bạn sau ngày xuất ngũ làm công nhân xí nghiệp gỗ Hòa Khánh. Khi cưới vợ làm đơn để mua một số đồ dùng thiết yếu gởi lên giám đốc phê duyệt, trong đó có 1 chiếc khăn hiệu CON CÔNG.

(Hình sưu tầm ở bảo tàng tư nhân của bạn Trà Châu ở Đà Nẵng).
Má ơi! đếm cả thảy 7 chữ ký, gồm có:
Thủ trưởng đơn vị, Kế toán trưởng, Thủ quỹ, Thủ kho, Cung ứng vật tư. Người nhận, cuối cùng là Bảo vệ cho ra cổng.
Cảm ơn đoảng và chánh phủ đã rèn luyện tính kiên trì cho quí ông. Muốn vợ tương lai được sạch sẽ trong đêm động phòng hoa chúc, phải vậy thôi.



Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Cuba thăm lại nơi này chỉ có khóc!

Biểu trưng tình hữu nghị thủy chung trong sáng Cuba - VN, toạ lạc trên khu đất kim cương Hồ Tây HN. Đây là 1 trong 5 công trình KT-XH quà tặng của Cuba cho VN. Nghe bảo được một KTS nổi tiếng nhất của Cuba thiết kế, họ đưa mấy chục KS với chuyên gia sang xây dựng. Toàn bộ được lắp máy lạnh, nội thất có cái mua từ Nhật đem sang, hoàn thành vào năm 1975. Được coi như KS hiện đại bậc nhất vào thời bấy giờ.

Thấy cảnh như vậy là có nguyên nhân. KTS @Huy Đặng Quang kể:
Đến khi tính kết cấu phía kỹ sư Cuba yêu cầu VN cung cấp số liệu địa chất thủy văn hồ Tây để căn cao độ đài cọc, mức nước là trung bình. Chả hiểu phiên dịch hay thế nào ta cấp số liệu mức nước cao nhất thống kê trong 100 năm (chắc cho yên tâm ko bị ngập). Cuba cứ thế tính và thi công, lúc xong cái đài móng bê tông nó cứ thô kệch nhô lên khỏi mặt nước ko chịu chìm, bạn tá hỏa hỏi ra thì mới biết sai số liệu...




Thương lắm người dân quê xứ Quảng!

Đồ sứ chén bát dĩa ngày nay đẹp và rẻ nhưng có gia đình vẫn còn xài đồ sành cũ còn lại từ thời bao cấp.

(Ảnh từ
Châu Trà
)







Nhớ ngọn đèn mù u

Trung Công

Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, quê tôi chưa có điện sáng như bây giờ. Trong xóm, dù nghèo hay giàu thì mọi nhà đều dùng cây đèn mù u, hoặc đèn dầu hỏa,… để thắp sáng. Chỉ khi nhà có đám hay tiệc tùng, người ta mới dám dùng đến cây đèn cầy, đèn măng-xông, đèn sạc bình vì nó quá đắt đỏ.
Thời đó kinh tế khó khăn, để thắp được đèn dầu hỏa vào mỗi tối là cả một vấn đề. Nhà nào cũng chỉ dùng một hoặc hai ngọn đèn dầu hỏa và nó sẽ được thổi tắt khi cả nhà đều đi ngủ (tầm 9 giờ tối). Tuy lâu tàn nhưng đèn dầu hỏa bất tiện ở chỗ là khói của nó bay lên xung quanh vùng sáng và ám đen ở đó. Nếu để gần quần áo, mà lại là những bộ đồ màu sáng thì xem như ngày hôm sau sẽ đen như lọ nồi. Chính vì thế mà nhiều người chuộng cây đèn mù u hơn, vì nó vừa không mất tiền mua, lại cháy rất sáng.
Ở quê tôi, đâu đâu cũng rợp bóng mù u, nó mọc hai bên đường làng, trước sân nhà, sau hè và cả ven những con sông đục ngầu phù sa. Nhớ ngày đó, cứ mỗi trưa đi học về, tôi và lũ bạn mang theo giỏ để nhặt những trái mù u chín. Quả chín sau khi mang về nhà, lũ trẻ chúng tôi phải dùng đá đập vỡ vỏ ra và lấy ruột vàng bên trong. Sau đó dùng dao xắt lát từng khoanh tròn xỏ xâu vào dây kẽm, que lá dừa, que tre rồi đem đi phơi. Độ chừng bốn ngày nắng tốt, xâu mù u sẽ ngả màu nâu nhạt, lúc đó là sử dụng được rồi.
Nếu phơi càng lâu, càng khô thì mù u bén lửa càng nhanh, nhưng như thế sẽ làm cho cây đèn mù u mau tắt, không sử dụng được lâu. Còn những quả thối có chất dầu rất cao, trẻ con chúng tôi chỉ việc lấy ruột, trộn với bông gòn và se thành từng cây như que kem mà đốt, không cần phải đem phơi. Hoặc cứ việc bỏ sáp vào lon sửa bò thật đầy, đặt một cái tim ngay giữa và đốt như là đèn cầy vậy. Tuy đèn mù u tiện lợi, nhưng sự nguy hiểm cũng khôn lường. Nếu không ai quản lý, nó rất dễ xảy ra hỏa hoạn. Vả lại đèn mù u rất khó di chuyển, mà chỉ đặt một nơi cố định vì dễ bị bỏng trên da người. Chính vì lẽ đó mà nó chỉ được cắm trước nhà cho sáng sủa, hoặc ở những nơi nhất định dễ trông chừng. Khi khách đến nhà vào ban đêm, người ta sẽ mang một lon sữa bò có sáp mù u ra đốt, khi khách về thì đèn được thổi đi để dùng lần sau.
Nhớ đêm rằm trung thu, ngoài những chiếc lồng đèn xinh xắn có đặt đèn cây bên trong, người lớn còn cắm những ngọn đèn mù xung quanh một khoảng đất rộng cho trẻ em thỏa thích vui đùa. Đèn mù u như những ngọn đuốc hoa, sáng rợp cả một vùng, gây sự chú ý cho cả xóm, khiến trẻ nhỏ kéo đến chơi đông đúc hơn.
Những năm sau đó, điện về làng, cả xã mừng như mở hội. Người lớn quẳng hết tất cả những xâu mù u mà trẻ con chúng tôi từng cực công thu nhặt. Rồi chúng tôi cũng quên dần với những tháng ngày tươi đẹp đó, mà mải vui sướng vì trong nhà lúc nào cũng sáng choang như có ánh trăng rọi vào. Từ đó, trẻ con chẳng có thói quen nhặt trái mù u chín mỗi khi đi học về.
Bây giờ, mỗi khi về quê, trò chuyện cùng bạn bè thuở nhỏ, tôi lại nhớ về những hàng mù u xanh rợp đường làng và những đêm đông học bài nhờ ánh sáng của cây đèn mù u. Bất giác tôi chạy xe đạp lang thang như kẻ điên trong những ngõ ngách làng quê để tìm cho mình một ký ức tuổi thơ tươi đẹp.
Nguồn: Danviet
Hình ảnh báo và từ internet.








Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

Bài thơ "Lên sáu" do Tản Đà soạn

để dạy cho trẻ cách đây 100 năm, không hề lạc hậu.

Thể 3 chữ theo lối hát đồng dao rất phù hợp trí óc non nớt của trẻ con. Dễ nhớ dễ thuộc, dạy những điều đơn giản của đạo làm người, trước hết cần biết chữ, biết thương yêu cha mẹ, ông bà, họ hàng... Biết giữ vệ sinh thân thể, yêu vật động vật, cây cỏ thiên nhiên... sau mới đến nước nhà...
Sách quốc ngữ,
Chữ nước ta.
Con cái nhà,
Đều phải học.
Miệng thì đọc,
Tai thì nghe.
Chớ ngủ nhè,
Chớ láu táu.
Con lên sáu,
Đang vỡ lòng,
Học cho thông,
Thầy khỏi mắng.
Trong trời đất,
Nhất là người.
Ở trên đời,
Hơn giống vật.
Con bé thật
Chưa biết gì
Còn ngu si
Phải dạy bảo
Cho biết đạo
Mới nên thân
Sau lớn dần
Con sẽ khá.
Ai đẻ ta?
Cha cùng mẹ.
Bồng lại bế,
Thương và yêu.
Ơn nhường bao,
Con phải ngẫm:
Áo mặc ấm,
Mẹ may cho.
Cơm ăn no,
Cha kiếm hộ.
Cha mẹ đó,
Là hai thân.
Hai thân là,
Là thân nhất,
Trong trời đất,
Không ai hơn.
Con biết ơn,
Nên phải hiếu.
Nghĩa chữ hiếu,
Đạo làm con,
Con còn non,
Nên học trước.
Đi một bước,
Nhớ hai thân.
Con còn nhỏ,
Có mẹ cha,
Lúc vào ra,
Được vui vẻ.
Con còn bé,
Mẹ hay chiều,
Thấy mẹ yêu,
Chớ làm nũng.
Đã đi học,
Phải cho ngoan,
Hay quấy càn,
Là chẳng hiếu.
Con còn bé,
Mẹ hay lo,
Ăn muốn cho,
Lại sợ độc.
Con ốm nhọc,
Mẹ lo thương,
Tìm thuốc thang,
Che nắng gió.
Con nghĩ đó,
Sao cho ngoan,
Hay ăn càn,
Là chẳng hiếu.
Anh em ruột,
Một mẹ cha,
Mẹ đẻ ra,
Trước sau đó.
Cùng máu mủ,
Như tay chân,
Nên yêu thân,
Chớ ganh tị.
Em coi chị,
Cũng như anh,
Trước là tình,
Sau có lễ.
Người trong họ,
Tổ sinh ra,
Ông đến cha,
Bác cùng chú.
Họ nội đó,
Là tông chi,
Cậu và dì,
Về họ mẹ.
Con còn bé,
Nên dạy qua,
Còn họ xa,
Sau mới biết.
Người trong họ,
Có bề trên,
Lạ hay quen,
Đều phải kính.
Có khách đến,
Không được đùa,
Ai cho quà,
Đừng lấy vội.
Ông bà gọi,
Phải dạ thưa.
Phàm người nhà,
Không được hỗn.
Con bé dại,
Mải vui chơi.
Muốn ra người,
Phải chăm học.
Miệng đang đọc,
Đừng trông ngang.
Học dở dang,
Đừng có chán.
Học có bạn,
Con dễ hay.
Mến trọng thầy,
Học chóng biết.
Dậy con biết,
Phép vệ sinh:
Ăn quả xanh,
Khó tiêu hoá.
Uống nước lã,
Có nhiều sâu.
Áo mặc lâu,
Sinh ghẻ lở.
Mặt không rửa,
Sinh u mê.
Đang mùa hè,
Càng phải giữ.
Các giống vật,
Thật là nhiều:
Như con hươu,
Ở rừng cỏ.
Như con chó,
Nuôi giữ nhà.
Con ba ba,
Loài máu lạnh.
Loài có cánh,
Như chim câu.
Còn loài sâu,
Như bọ róm.
Cây và cỏ,
Có khác loài,
Trông bề ngoài,
Cũng dễ biết.
Như cây mít,
Có nhiều cành.
Lúa, cỏ gianh,
Có từng đốt,
Còn trong ruột,
Lại khác nhau.
Vài năm sau,
Con biết kỹ.
Đá bờ sông,
Không sống chết,
Không có biết,
Không có ăn,
Không người lăn,
Cứ nằm đây.
Như đá cuội,
Như đá xanh,
Như mảnh sành,
Như đất thó,
Các vật đó,
Theo loài kim.
Các loài kim,
Tìm ở đất.
Nhất là sắt,
Nhì là đồng,
Làm đồ dùng,
Khắp trong nước.
Như vàng bạc,
Càng quý hơn,
Đúc làm tiền,
Để mua bán,
Ai có vạn,
Là người giàu.
Vốn xưa là,
Nhà Hồng Lạc,
Nay tên nước,
Gọi Việt Nam.
Bốn nghìn năm,
Ngày mở rộng.
Nam và Bắc,
Ấy hai miền,
Tuy khác tên,
Đất vẫn một.
Lào, Miên, Việt,
Là Đông Dương.
Đầu trị nước,
Đức Kinh Dương.
Truyện Hùng Vương,
Mười tám chúa.
Qua mấy họ,
Quân Tàu sang.
Vua Đinh Hoàng,
Khai nghiệp đế.
Trải Đinh, Lý,
Đến Trần, Lê,
Nay nước ta,
Là nước Việt.
Chữ nước ta,
Ta phải học,
Cho trí óc,
Ngày mở mang.
Muốn vẻ vang,
Phải làm lụng,
Đừng lêu lổng,
Mà hư thân.
Nước đang cần,
Người tài giỏi,
Cố học hỏi,
Để tiến nhanh,
Vừa ích mình,
Vừa lợi nước.
Chớ lùi bước,
Là kẻ hèn.
(Sách vần quốc ngữ của Nguyễn Khắc Hiếu, 23 trang, Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội, 1924).

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Nhớ một số từ chiến tranh thông dụng ở miền Nam trước 1975

Ở Miền Nam thì hay gọi "Việt Cộng" để chỉ về quân địa phương gốc gác ở trong Nam, còn "Quân chính qui Bắc Việt" từ báo chí phân biệt để gọi lính chủ lực từ ngoài Bắc vào. Có khi gọi chung là "Việt Cộng" hay "Cộng sản", Mỹ gọi là "Vi xi" aka VC. Dân ở vùng phía cộng sản kiểm soát, sợ "phạm huý" thì gọi là "Cách mạng" hay "Mấy ông trên núi". Và gọi VNCH là "Nguỵ", không dám nói là "Quốc gia". Đi theo phe VC gọi là "Lên núi". Lính VNCH đào ngũ, ba gai bị bắt đi chiến trường, không được mang súng, vác đạn tải thương gọi là "Lao công đào binh" in chữ tổ bố ở sau lưng...
Quân VNCH đánh nhau thua bỏ đồn bót, phòng tuyến rút lui gọi là "Di tản chiến thuật", từ này do ông Thiệu TT lần đầu tiên nói trên đài. Mình còn nhớ ông diễn tả thế này: ta đặt cục đường để kiến thèm bu vào, ta nhấc cục đường ra, đem bom pháo đội vào, thế là công sản tiêu đời. Dân thì gọi là "Mất đồn, Mất..." (địa danh). Lính rút khỏi đia phương, dân sợ bom pháo và mấy ông CS vào thì sẽ khổ nên kéo nhau chạy về phía Quốc gia thì gọi là "Tản cư", "Di tản" hay "Chạy giặc"...
Pháo Mỹ, VNCH bất kể loại nào gọi chung là "Canh nông". Pháo bắn đạn nổ trên không văng mảnh xuống đất gọi là "Canh nông chụp", pháo bắn từ tàu chiến ngoài biển vào thì gọi là "Pháo bầy". Súng Cối vì nó cái đế như cái cối giã gạo, súng M79 không giống nhưng lính VNCH vẫn gọi là "Cối cá nhân". VC bắn tỉa phát một gọi là "Bắn tắt cù". Máy bay vận tải kiêm nhiệm ném bom bắn súng đại liên, có 2 động cơ trở lên, dân gọi là "Cào cỏ". Máy bay trinh sát L19 gọi là "Đầm già, Bà già". Máy bay trực thăng tuỳ hình dáng mà gọi là "Rọ heo, Cán gáo, Cá nóc, Cá lẹp". Xe thiết giáp bánh xích gọi là "Xe lội nước", bánh hơi gọi là "Tàu bò"...
...........
Ở thôn quê, nơi hai bên hay đánh nhau nên trẻ con nào cũng biết các từ nói trên, ngồi mà nhớ kỹ ghi lại cả trang không hết.

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2020

Lịch sử Trường TH Nguyễn Huệ Phú Yên

Trường Trung Học Nguyễn Huệ Phú Yên.
 Sau ngày đình chiến 20-7-1954 thầy Huỳnh Tô, từng dạy trường cấp 2 Lò Tre,  lập tại Phú Thứ xã Hòa Bình 1 trường trung học và đặt tên là trường Trung Học Nguyễn Huệ thời Phú Yên thuộc QGVN. Năm 1955 trường dời về thị xã Tuy Hòa. Thầy Đinh Thành Bài làm hiệu trưởng dùng cả 2 con dấu Quốc Gia Việt Nam(trước 23-10-1955) và Việt Nam Cọng Hòa sau đó. Tên trường Nguyễn Huệ tồn tại tới ngày nay.

Thế hệ học sinh thời QGVN và VNCH. Thời VNCH mỗi tĩnh chỉ có 1 trường trung học công lập. Ở Phú Yên có trường Trung Học Nguyễn Huệ. Các thế hệ học sinh được đào tạo ở trường Nguyễn Huệ là thế hệ học sinh Trung Học chánh cống của tĩnh cùng với các bạn học khác ở các Trung Học tư. Mỗi tĩnh chỉ có 1 trường Trung Học Công Lập mà thôi nên nó rất bề thế.

images (1)Thế hệ học sinh cấp 2 chuyển tiếp chuyển từ hệ 10 năm sang hệ 12 năm vào các năm 1954 đến 1956. Các trường cấp 2 trong vùng kháng chiến một phần vì rút gọn số năm học, một phần vì không giao lưu tiếp xúc với bên ngoài và không có học sinh ngữ Anh Pháp nên thế hệ học sinh(thhs) chuyển tiếp này gặp khó khăn khi vào học các lớp Thất, Lục, Ngũ, Tứ hệ 12 năm của QGVN và VNCH.

Thế hệ học sinh Trung Học Nguyễn Huệ Dang Dở là thhs vào Đệ Thất các năm 1955, 1956 vì lên Đệ Tam, Nhị hay Nhất phải đi tĩnh khác mới hoàn tất bậc Trung Học. Năm 1960-1961 mở lớp Đệ Tam, 1961-1962 mở lớp Đệ Nhị. Tới năm 1963-1964 mới mở lớp Đệ Nhất.

Thế hệ Trung Học chánh cống của trường Nguyễn Huệ vào trường năm1957 và ra trường năm 1964. Tức phải tới năm 1964 mới có bậc Trung Học hoàn chỉnh ở Phú Yên. Các lớp đàng anh dang dở phải ra Qui Nhơn, vào Nha Trang hay ra Huế học tiếp để mà hoàn tất bậc Trung Học. Trường Trung Học Nguyễn Huệ ra đời, lớn lên, trưởng thành(Niên khóa Đệ Nhất đầu tiên là 1963-1964) gần như trọn trong hành tình như thế(sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành) của nền Đệ Nhất Cọng Hòa(1955-1963). Sự ra đời Trung Học Nguyễn Huệ trùng với sự ra đời nền Đệ Nhất Cọng Hòa.  Tránh khai sinh nó năm 1954,  khai sinh nó vào năm 1955 thì lại trùng năm sinh Đệ Nhất VNCH.

Niên khóa 1954-1955 của trường Nguyễn Huệ Phú Thứ. Niên học này xác định cái nôi sinh ra trường Nguyễn Huệ Tuy Hòa Phú Yên. Nhiều thế hệ học sinh Nguyễn Huệ chỉ biết trường sinh ra năm 1955 ở tại thị Xã Tuy Hòa. Ít ai biết cái nôi của nó là Phú Thứ xã Hòa Bình và năm sanh ra nó là 1954. Người ta ngại khai sinh nó đúng nơi, đúng ngày vì ngại lý lịch chính trị người sáng lập ra nó, thầy Huỳnh Tô. Người ta lấy lý do quyết định thành lập nó năm nào thì khai sinh nó năm đó. Logic thôi. Nhưng oái ăm là người ta vẫn giữ nguyên tên Nguyễn Huệ mà người sáng lập đặt cho nó và công nhận giấy tờ, học bạ và học sinh niên khóa 1954-1955. Hiệu trưởng kế thừa Huỳnh Tô là Đinh Thành Bài đã xử dụng cả con dấu QGVN và VNCH ký vào các học bạ đó.

Trong học bạ của học sinh Phan Bổ có trang niên khóa 1954-1955 được đóng con dấu Quốc Gia Việt Nam. Bên dưới có hàng chữ: Trung Việt. Trong lòng con dấu có hàng chữ: Trường Trung Học Nguyễn Huệ Phú Yên. Trang niên khóa tiếp theo được đóng con dấu nước VNCH. Nền con dấu là bụi trúc. Hàng chữ bên dưới là: Hiệu Trưởng Trường Trung Học Nguyễn Huệ. Đinh Thành Bài đã ký tên và đã dùng 2 con dấu đó đóng vào các trang học bạ.

Trong các trang học bạ, tôi thấy ban giáo sư buổi sơ khai đó được ghi như sau: Lớp Đệ Thất A: Đinh Thành Bài dạy Toán, Anh, Pháp. Trần Văn Kỳ dạy Sử, Địa, Khoa Học, Công Dân. Trần Văn Khương dạy Pháp, vẽ, Việt Văn, Vạn Vật. Hai anh em Trần Văn Kỳ và Trần Văn Khương sau đó về Sai Gòn. Ban giáo sư năm 1955: Bùi Xuân Tri dạy vạn vật, Quốc Văn, Địa. Hàn Huy Quang dạy Pháp. Nguyễn Xuân Giễm(có người gọi là dziễm) dạy Anh. Nguyễn Thúc Tâm dạy Sử. Nguyễn Ngọc Nhâm dạy Toán. Nguyễn Đức Lâm dạy Lý Hóa. Đinh Thành Bài dạy Đức Dục Công Dân. Truyền khẩu thì có nói đến thầy Huỳnh Tô, Cao Sĩ Liễu, Trần Văn Kỳ, Trần Văn Chương, Đinh Thành Bài có dạy ở trường Phú Thứ.

Chuyện kể lại thì không có gì chắc chắn lắm ví dụ có người kể chỉ có 2 lớp là Thất và Lục. Có người kể 2 lớp Thất, 2 lớp Lục. Cỡ vào gần tết thầy Huỳnh Tô bị bắt thì rút lại 1 thất 1 lục nhưng giấy tờ học bạ vẫn là 4 lớp. Biết tin vào đâu. Nhưng học bạ có ghi lớp Thất A thì chắc có trên 3 lớp. Vì vậy phần ghi các học sinh tôi phải xếp theo vần abc để tránh nhầm lẫn các lớp.

Truong Nguyen Hue MoiVà một chút nói về Cựu Học Sinh Nguyễn Huệ Khóa Đầu Tiên: An nguyễn đồng, AN nguyễn thị, ANH lê quang, ẢNH trương thị, hoài ÂN lê thị,ẤN nguyễn thượng, BÁCH nguyễn ngọc,  BẰNG nguyễn,  BÌNH nguyễn thị, BỒ trương, BỔ phan, BƯỞI phan thị, CẢNH hồ mỹ, CẦM tạ đình, CẦUphạm xuân, bích CẦU trương thị,CHẨN nguyễn, CHÂU trần văn, CHÂUtrần hoàng, CHÂU nguyễn hoài,CÔNG trương minh, CHUNG nguyễn, ngọc DIỆP hà thị, DỰ phan tấn,DƯƠNG võ duy, ĐÃM vương tấn,ĐĂNG nguyễn đình, ĐỆ nguyễn,ĐỈNH lê long, GIÁM phạm hữu, GIÁOtrần văn, bích HÀ trần thị, HẠ đàm khánh,  HẢI trần quang, HẠNH đào tấn, HẠNG lê cao, HÀO huỳnh, HIỆPđinh văn, HOÀNG võ phụng, tuyếtHỒNG từ thị, HỒNG nguyễn văn,HUÂN trần công, HÙNG nguyễn, hoàiHƯƠNG lê thị, HỮU huỳnh, HỰU lữ đức, HY nguyễn phụng, KHA phạm ngọc, KHÔI trần văn, mỹ KHẢM trần thị, KHÁN trịnh, HẢI trịnh quang, KIỆTlương văn, KỶ nguyễn khắc, xuânLAN nguyễn thị, LÂN bạch ngọc, LÂNhuỳnh kim, LÂN nguyễn, LÊ đoàn, LỄnguyễn, LỘC võ hữu, LUÂN nguyễn đình, LUÂN nguyễn trọng, LƯU võ, ngọc MAI phan thị, MÃNH lương công, MẤN đào thị, MÃO phạm, MINHtrương thị, MINH nguyễn đức, MINHvõ(tức Võ Huỳnh Đào cấp 2 Triều Sơn, Xuân Thọ), NHỊ huỳnh văn,NGHI nguyễn văn, NGỌC nguyễn thị, cẩm NHUNG cao thị, NGUYÊN trần văn, NHÂN huỳnh tấn, NHÂN huỳnh công, PHỐC huynh duy, PHÙNGphan, hạnh PHƯỚC trương thị, QUỸtrịnh, HÂN lê trung, SANG nguyễn ngọc, SĨ nguyễn, SOA nguyễn tài,SUM phạm thị, TÂN nguyễn đình,TÂN lê đình, TẶNG trần văn, THANHnguyễn văn, THÀNH nguyễn ngọc,THÀNH lê long, THẠNH lê chí,THĂNG huỳnh sĩ, THÊ trần đình,THIỀU nguyễn văn, THIỀU nguyễn công, THIỀM đào tấn, THÔNG huỳnh tấn, THUẬN hồ thị, TIÊU lê đình,  TRANG bùi xuân, TRẤP lương công,TRỊ nguyễn ngọc, TRÍCH huỳnh tấn,THÔNG huỳnh tấn, TRẤP lương công, TRỌNG bùi xuân, TỚI phan, TUđào tấn, TUẬN nguyễn quang, TÙYnguyễn văn, VINH võ văn, kimXUYẾN nguyễn thị, YẾN tạ thị, YÊMnguyễn trọng…Họ bao gồm những học sinh của các lớp Thất, Lục học ở Phú Thứ niên khóa 1954-1955, các học sinh cấp 2 vùng kháng chiến thi vào trường Nguyễn Huệ ở Tuy Hòa vào năm 1955-1956 và học sinh là con em công chức đến Phú Yên làm việc lúc đó: Đây là thế hệ chuyển tiếp trường cấp 2 hệ 10 năm của VNDCCH sang hệ 12 năm của QGVN và VNCH, giống như thế hệ Trung Học LVC nói trên kia là thế hệ chuyển tiếp hệ Cao Đẳng Tiểu Học Quốc Học Qui Nhơn(College de Qui Nhơn) thời Thuộc Pháp, Hoàng Gia Việt Nam(chính phủ Trần Trọng Kim) thời Phát Xít Nhật sang hệ 10 năm của VNDCCH.

Ai biết thêm thông tin xin gởi về email huynhbacung@yahoo.com.  để cập nhật. Cảm ơn.

Ngày nay cựu học sinh trường Nguyễn Huệ may mắn có được cái trường cũ để nhớ, để thương, để ghé thăm là nhờ năm 1975 không có sự chuyển tiếp trường Nguyễn Huệ sang trường LVC. Không mất tên trường Nguyễn Huệ ở Phú Yên.

Huỳnh Bá Củng

Trích từ:
https://cuuhocsinhphuyencom.wordpress.com/2016/02/20/phu-yen-toi-ky-niem-trung-hoc-nguyen-hue-con-mai/
http://ongtam2013.blogspot.com/2012/08/trung-hoc-luong-van-chanh-nen-trung-hoc.html

Tham khảo thêm:
http://ongtam2013.blogspot.com/2015/08/truong-nguyen-hue-60-nam-chuyen-ben-le.html

Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2020

Cái cơ ngơi của Thái thú Tung Cụa ở Phnom Penh.

Cuối năm 1980, trong đợt về Thủ đô, đám lính tụi mình được bố trí ở tạm tại Đại sứ quán Trung Quốc. Một khu vực rộng bị bỏ hoang, không thấy có cơ quan nào của Việt Nam hay chính phủ Campuchia đặt làm trụ sở, mà chỉ có lính canh gác trông coi. Ôi, thấy mà tưởng như đang coi phim viễn tưởng! Nhà cửa vài tầng thôi, nhưng có nhiều cái mà thằng lính tui ở rừng rú mới thấy lần đầu tiên. Trên một khu đất rất rộng, có nào là vườn cây cảnh, sân quần vợt, hồ bơi, nhà chiếu phim, nhà chứa máy lạnh trung tâm... Thời ấy, ĐSQ của một nước cộng sản mà được như vậy là quá ư hoàng tráng!

Được biết, Đại sứ quán Trung Quốc được xây dựng năm 1975, thời Khmer Đỏ lên cầm quyền. Sau khi quân VN rút quân, TQ quay lại chỗ cũ. Cơ ngơi toạ lạc trên một khu đất đắc địa và đại lộ đẹp bậc nhất thủ đô CPC. Còn đại lộ Mao Trạch Đông được TQ xây dựng dưới thời Shihanouk, tại trung tâm thành phố, gần sân bay Pôchen Tông. Sau khi VN rút thì đường cũng một tay TQ sửa sang nâng cấp như ĐSQ. Vẫn là bài mượn tay đàn anh xây dựng cho mình, kế thừa từ thời cáo già Shihanouk .
Hình minh họạ, có 3 tấm là của tay ngày xưa là phiên dịch, sau biến cố trở lại tiếp tục công việc như cũ cho ĐSQ, về hưu quay về chốn cũ chụp lưu niệm.






Du khách Trung Quốc đến Campuchia không thích xem những chỗ như thế này

 


Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Sinh hoạt thanh niên ở nông thôn sau 1975, như tôi biết...

Nhớ thời tôi làm công tác thanh niên.

Trước 30 tháng 4, tôi theo gia đình đi di tản vào Sài Gòn để thoả mãn cái háo hức của tuổi trẻ muốn biết nơi nổi tiếng hoa lệ. Sau đó thì hiếm có xe đò nên mãi hơn tháng sau mới về lại Tuy Hoà. Nghĩ mình quá muộn nên tôi không xin nhập trường mà về quê làm ruộng.

Thôn tôi nằm trong vùng mất an ninh ngày xưa, thời chiến tranh người ta đi về làm ruộng mưu sinh chứ không ở vì nhà cửa bị bom đạn cháy hết. Dân một số thì bám trụ, số chạy tỵ nan nơi khác. Sau giải phóng, 3 thôn cũ sát nhập lại thành một thôn gọi là Đồng Lãnh nên đất rộng và dân khá đông, dạng nghèo hàng đầu của xã. Y như cái xã Hoà Quang cũng là xã nghèo nhưng đất đai rộng nhất của Thị xã Tuy Hoà.

Từ nhỏ đến lớn mới về lại quê hương nơi mình ra đi lưu lạc nên hầu hết dân làng từ người lớn đến đồng lứa không biết thằng đó từ đâu về. Dần dần biết nhau, nhận bà con, xưng hô cho bằng vai phải lứa. Tôi có máu mơ làm "lãnh tụ" mà mình ấp ủ khi còn đi học nên bắt đầu thử sức, năng nổ trong phong trào thanh niên của thôn. Học tới lớp 11 là thuộc loại "trí thức" ở quê, ăn nói cũng mạnh dạn mạch lạc, lý lịch không tì vết gì. Có chú và dượng... là liệt sĩ. Nên một tháng sau được ban tự quản thôn chỉ định phụ trách thanh niên, sau đó TN bầu chính thức tôi làm Chi hội trưởng.

Ban chấp hành chi hội TN thôn có 5 người, dưới đó theo xóm, phân làm 4 phân đội. Mỗi tháng họp chi hội 2 lần, mỗi phân đội sinh hoạt tuần một lần. Ngoài ra, còn họp bất thường để triển khai công tác do có yêu cầu đột xuất từ chính quyền xã thôn đưa xuống. Hàng tháng, chi hội trưởng về xã họp với liên chi hội một lần. Công tác TN không ai có phụ cấp gì, ở xã chỉ chị từ trên núi xuống làm bí thư đoàn, liên chi hội là có, văn phòng thanh niên xã ở ngay nhà chị ấy.

Cả thôn, thanh niên có chừng trên 100 người. Gốc gác đủ loại thành phần thuộc các gia đình tản cư tứ xứ trở về và một ít từ thị xã lên làm kinh tế mới. Có người làm ruộng, buôn bán, học sinh, vài người theo cách mạng từ trên núi xuống và hơn chục người là binh lính chế độ cũ. Tuổi từ 16 đến 30, một số anh già hơn 5-6 tuổi, vợ con đùm đìa do thời chiến khai man căn cước để trốn lính.

Địa điểm sinh hoạt, khi thì ở trụ sở tạm của thôn, dưới ánh đèn măng-sông, khi thì bãi đất, khi thì ra ruộng khô sau mùa gặt vào đêm trăng sáng. Mỗi lần cần họp thì tôi viết mẫu giấy nhỏ nhờ ai đó đi ngang nhà chuyển cho phân hội trưởng, phân hội thông báo tiếp cho các hội viên. Khi đột xuất thì dùng ô-pạc-lơ, tôi và chú TN liên lạc đi khắp nơi loa loa thông báo từ xóm trên xóm dưới cho đến xóm trước ra xóm sau.

Nội dung sinh hoạt quanh đi quẩn lại vẫn là phổ biến công tác TN như tuyên truyền chủ trương chính sách. Đi dọn vệ sinh, khai hoang phục hoá, phát cỏ, đào mương, sang lấp đất. Không việc gì thì tụ tập giao lưu ca hát, hết bài hát cách mạng này đến bài cách mạng khác và hát bài chòi ca người anh hùng liệt sĩ của quê hương. Rồi bày mấy trò chơi đơn giản, địa phương này bắt chước địa phương khác. Thỉnh thoảng tổ chức hội diễn văn nghệ và thi đấu bóng chuyền. Thanh niên hiếm ai gọi tên nhau mà xưng hô theo quan hệ họ hàng gần xa như anh hai chị ba, chú tám bác mười hay cô năm dì bảy... Lâu lâu, TN cùng nhau góp tiền nấu chè ăn ở nhà bạn nào đó, chỉ vậy thôi chả tụ tập uống rượu nhậu nhẹt gì như sau này.

Thanh niên ở vùng mất an ninh xưa, đa số ít nhiều tiếp xúc hay biết về cách mạng nên đồng lòng và thuần tính, nói đâu nghe đấy. Không khí rất vui, trai gái chọc cười nắc nẻ. Ai cũng hồ hởi phấn khởi tham gia kể cả các anh là lính VNCH. Sau đó, có vài anh bị bắt đi cải tạp tiếp lần hai do chính quyền ở trên phát hiện thêm về nhân thân. Hồi ấy, dĩ nhiên ai cũng sợ cách mạng nhưng cái chính là niềm vui được sống hoà bình không còn bom đạn, tù đày. Giờ ngẫm lại, sao hồi ấy thanh niên sống vô tư thơ ngây đến vậy. Cán bộ chỉ được phụ cấp ít ỏi, ăn cơm nhà mà lo việc hàng tổng. Đâu không biết chứ quê tôi hồi ấy, chung sức xắn tay mà làm, chưa có việc kèn cựa địa vị như sau này.

Phần cá nhân tôi, ngày thì làm ruộng cùng gia đình và theo anh lên núi chặt cây về dựng nhà. Mọi công đoạn của người nông dân, ban đầu còn bỡ ngỡ không biết thì học hỏi, nghề dạy nghề, rồi dần dần thành thục. Còn việc công, một thân một mình, từ một học sinh thành thị về lại nông thôn làm "lãnh đạo". Tôi không biết hỏi ai về cách thức làm sao và kinh nghiệm thế nào để vận động thanh niên, mà có ai từng trải qua đâu mà hỏi. Sách báo hướng dẫn nghiệp vụ thì chả có. Ở vai trò chi hội trưởng, miệng nói tay làm, gương mẫu trong mọi việc nên hầu như mọi người trong thôn đều biết. Chính quyền tín nhiệm, thanh niên yêu thích. Ai đó có ý chống báng hay chỉ trích thì tôi không được nghe. Điểm yếu của tôi là không rành văn nghệ và dẫn dắt trò chơi như thanh niên học sinh hướng đạo. So với mười thôn khác thì thôn tôi hoạt động mạnh nhưng yếu theo tôi điểm đó.

Thời gian này, tôi chỉ chăm chăm vừa việc nhà lẫn việc chung nên gần như không còn liên lạc với bạn học cũ. Thỉnh thoảng đạp xe về thị xã mua sách cũ, mới về đọc. Tôi là người có tham vọng nên trăn trở muốn để đẩy hoạt đông của thôn mình mạnh hơn nữa mà không biết cách nào. Lúc rảnh rổi, tôi nghiền ngẫm sách của triết gia Đức Nietzsche mua từ vỉa hè Sài Gòn, trong đó có cuốn hình như là "Zarathustra - Đã nói như thế". Mà sau này, đi bộ đội tôi mới tỉnh người, thoát ra cái triết học quái quỉ duy ý chí ấy của Nietzsche, làm cho tôi thiếu điều loạn óc.

Thời ấy, cả thôn chỉ có hai đoàn viên là du kích cũ., tôi phấn đấu muốn vô đoàn mà kẹt cái lý lịch trung nông (chưa tới 2 héc ta ngày nay) nên chậm kết nạp. Sang năm 76, được gọi đi học cảm tình đoàn rồi kết nạp. Giữa năm, Xã có ý cơ cấu đưa tôi vào ban chấp hành chi đoàn nên cử đi học khoá bồi dưỡng công tác thanh niên 20 ngày ở Vạn Giã huyện Vạn Ninh.

Đang là uỷ viên BCH Liên chi hội xã, đùng một cái, tháng 9 có chủ trương gọi thanh niên nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự. Họp triển trai công tác, tôi hô hào kêu gọi TN tình nguyện đăng ký làm nhiệm vụ là bảo vệ tổ quốc và xây dựng kinh tế. Xã không yêu cầu tôi phải đi nhưng tính tôi ảnh hưởng bỡi thuyết đã từng học phổ thông là "Tri hành hợp nhất" của người xưa. Nói được thì phải làm được. Mình là chi hội trưởng phải kéo cái đầu tàu, thế là làm gương xung phong ghi tên đầu tiên. Ngày Xã tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, được tổ chức rất hoành tráng. Tôi thay mặt thanh niên toàn xã lên đọc diễn văn từ biệt và hứa hẹn tiếp bước cha anh.

Thế là bước ngoặc mới, cuộc đời mới mở ra...

Tìm kiếm Blog này