Đại tá Trần Danh Bảng | 01/01/2017 07:32
Chuyên gia tình báo kỹ thuật Israel và Mỹ mau chóng "mổ" đài radar P-12 tối tân còn nguyên vẹn, lọc "xương ra xương", "thịt ra thịt".Ngày 6 tháng 12 năm 1969, Israel mở chiến dịch "Gà Trống 53", đột nhập vào Ai Cập, đánh cắp cả một trạm radar nhìn vòng, là đài P-12 "Spoon Rest" nặng 4 tấn của Liên Xô, mang về nước, rã ra nghiên cứu. Đây là loại radar bắt xa 360 km, khá hiện đại của Liên Xô khi đó.
Điều đáng nói là vẫn loại radar P-12 này của Liên Xô viện trợ cho Việt Nam, luôn là đài radar chủ công, cung cấp trực tiếp tình báo trên không cho tên lửa SAM-2 và bổ trợ dẫn đường cho Không quân Viêt Nam bắn hạ hàng trăm máy bay, tính từ 1970 đến kết thúc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, đầu năm 1973.
Cái gai nhức mắt đối với Không quân Israel
Số là Tổng thống Ai Cập, Gamal Abdel Nasser, tháng Ba năm 1969, tuyên bố tiến hành chiến tranh "tiêu hao" với Israel.
Nội hàm của nó là, xung đột sẽ kéo dài nhưng ngắt quãng; chủ yếu chỉ có hai "đối thủ tham gia"; cường độ thấp; có sự tham chiến trực tiếp của các binh sỹ Liên Xô, làm hao tổn binh lực Israel, hy vọng sẽ phá vỡ tinh thần chiến đấu của binh lính Israel.
Sau năm 1967, Quân đội Ai Cập bắt đầu nhận được nhiều xe tăng, radar và vũ khí trang bị khá hiện đại, mới nhất của Liên Xô. Lực lượng phòng không Ai Cập mạnh lên nhờ có thêm nhiều tiểu đoàn tên lửa phòng không SAM-2.
Trạm thu thập tình báo trên không trực tiếp của những trận địa tên lửa này là đài P-12, radar cảnh báo sớm. Nó là cái gai nhức mắt Không quân Israel (IAF).
Radar P-12 là loại sóng mét, có dàn anten xương cá, dài chừng 12 mét, quay vòng tròn 360 độ, gắn trên một trụ có cơ cấu mô tơ, giảm tốc. Tín hiệu phát-thu là cáp phi-đơ chuyển đến một cabin đặt thiết bị điện tử, trong đó có mạch máy tính, định vị, hiển thị mục tiêu.
Trước đó, trong một thời gian dài máy bay Israel đã chạm trán với khả năng phòng không tương đối yếu của Ai Cập. Nhưng tình hình bắt đầu thay đổi. Phương tiện điện tử, bảo vệ và chiến thuật đánh trả của Ai Cập trở nên nguy hiểm.
Các tốp máy bay của IAF "sáng lên" trên màn hình radar Ai Cập ngay từ phút đầu cất cánh , ngay cả khi máy bay A4, F-4 và trực thăng bay ở độ cao thấp.
Tại trụ sở của lực lượng IAF, các chuyên gia đã kết luận rằng người Ai Cập đã thay đổi hệ thống radar của họ hiệu quả hơn. Tình báo kỹ thuật của Israel đang điều nghiên, nhưng chỉ lờ mờ rằng radar "nó" ẩn đâu đó phía tây của kênh đào.
Nếu đúng vậy, trong bán kính hiệu quả nhất 200 km, Ai Cập có thể kiểm soát phía tây không phận bán đảo Sinai. Một thời gian dài, tình báo kỹ thuật Israel vẫn không thể tìm thấy vị trí của radar này.
Từ ngày 24 tháng 10 năm 1969, IAF tăng cường tần suất ném bom các mục tiêu kiên cố của Ai Cập, nơi nghi ngờ đặt đài P-12. Nhưng phải tới ngày 22 tháng 12 năm ấy, "đối tượng khả nghi" mới được phát giác trong 10 km về phía tây của Vịnh Suez.
Trinh sát chụp ảnh, thoạt nhìn, trạm radar có vẻ giống như hai lều du mục trong sa mạc. Nhưng nó đã lộ sóng, khi máy dò vô tuyến tầm phương siêu cao tần của IAF đã "chốt’ được toạ độ của nguồn máy phát, từ một ụ như lều bạt.
Các chuyên gia không ảnh đã giải đoán trên toạ độ nghi có radar này, thì ra nó được lắp đặt, trú ẩn, che dấu rất chuyên nghiệp. Xung quanh nó không có đất hoặc công sự phòng thủ, không thể thấy bất kỳ chuyển động của người, phương tiện.
Con đường mảnh mai đến các "lều" chỉ giống như những con đường chăn dê. Nhưng ở độ phóng đại cao, đã tiết lộ dàn chấn tử anten và máy phát điện.
Một kế hoạch đánh bom P-12 được IAF dựng lên nhanh chóng, theo chiến thuật mật tập mục tiêu, bằng các tốp bay cực thấp.
Nhưng trung úy quân báo Ehiel Halor lại bất thần đề xuất một ý tưởng táo bạo: Tại sao phải từ Israel đem bom tới diệt trạm radar. Trong khi có thể mang nó về, tìm hiểu bí mật cấu tạo của nó. Đề xuất này đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ lãnh đạo Không quân Israel.
Chiến dịch "Gà trống"
Tướng Motti Hod, chỉ huy không lực Israel giao cho Thiếu Tướng David Ivry đảm bảo cuộc đổ quân "đột" radar mang về "nhà".
Nơi đặt radar không phải là địa danh nổi tiếng, chỉ thấy đồi thấp gối nhau, xung quanh là con suối cạn chạy từ hướng nam đến đông-bắc. Những con đường đất nối với đường cao tốc, hiện vẽ vị trí sai khoảng 5 km trên bản đồ. Trong khu vực này có nhiều con đường đất khác, gây hiểu lầm, phức tạp hướng của địa hình.
Các sĩ quan bắt đầu phân loại vật thể quan trọng nhất. Nó sẽ là cabin số 2 chứa màn hình hiển thị và thiết bị giám sát. Thứ đến là xe chứa máy phát điện và hệ truyền động anten. Ở đây không có hệ thống phòng không, không có hàng rào hoặc rãnh xung quanh.
Hai máy phát điện đặt gần, hầm, lều và các phuy dầu. Có thể có tới 20 người ở đó, dự đoán có 3 kíp trực khoảng 18 người.
Tình báo báo cáo rằng, một phân đội bảo vệ vũ trang ở cách đó vài cây số, một tiểu đoàn bộ binh Ai Cập cách đó 12 cây số. Tiểu đoàn này có hoả lực là 12 súng cối cỡ nòng 120mm và một loạt xe quân sự.
Có dấu hiệu rõ ràng, sau khi phát hiện các hoạt động của máy bay trinh sát Israel. Ai Cập đã tăng cường đến đây 6 ổ cao xạ 37 mm, 6 ổ súng 23 mm, cùng 25 súng máy phòng thủ.
Thiếu Tướng David Ivry, đứng đầu bộ phận kế hoạch và điều phối hành động có mã hiệu là "Tarnegol-53" (Gà trống 53). Nó được kết hợp với máy bay trực thăng tấn công "Yasur" CH-53.
Tuy vậy, các phi công trong Bộ Tổng tham mưu đã phản ứng một cách thận trọng, tất cả mọi thứ phụ thuộc vào khả năng của trực thăng, sao cho nhanh chóng và an toàn khi bay qua Sinai.
Thiếu tướng Rafael Eitan, người chịu trách nhiệm phối hợp bộ binh và không quân. Ông ta đã chọn 50 lính đặc nhiệm.
Họ đã họp, phổ biến kế hoạch chi tiết của "Tarnegol-53". Một mục tiêu khác của "Tarnegol-53" là bắt giữ một số binh sĩ Ai Cập tại trạm radar. Giải cứu viên sĩ quan Dan Avidan, bị bắt làm tù binh trước đó. Họp xong, mọi người đều nghĩ rằng kế hoạch như vậy là quá tuyệt vời.
Quá trình luyện tập được diễn ra nhanh. Bài tập kéo dài cả ngày với nội dung trực thăng hạ cánh móc hàng. Đó là một cuộc tấn công vào mô hình radar P-10 cùng xe tải "ZIL" bằng thật. Xe tải này bị bắt năm 67, còn radar P-10 cũ đã được tìm thấy trong một nhà kho ở Tzrifin trước đó.
Ba chiếc trực thăng CH-53 được chọn, sẽ bay trong chế độ ngặt nghèo nhất, hoá ra nó nâng được gần 4 tấn, chứ không phải như lý thuyết.Đêm 26 tháng 12 năm 1969, Israel bắt đầu hành động. Mở màn, máy bay cường kích A-4 Skyhawks và tiêm kích F-4 Phantom bắt đầu tấn công các lực lượng Ai Cập dọc bờ Tây của kênh đào Suez và Biển Đỏ.
Lợi dụng tiếng ồn của máy bay, bom nổ, lập tức 3 chiếc CH-53 chở lính dù và đặc nhiệm Israel trực chỉ hướng Tây nhắm tới mục tiêu.
Các sĩ quan dẫn đường còn cẩn thận tìm địa tiêu, tránh lệch phương vị, đó một tháp của giàn khoan dầu, nằm ở phía bắc để dẫn đường trên trực thăng đối chiếu. Sau 300 mét qua con sông là đến vị trí tấn công, cách 1.300 mét. Vừa qua sông, họ đã nhìn thấy anten radar P-12, khẳng định chắc chắn không phải là một radar giả.
Đội hình đột nhập chia thành ba nhóm: "Nhóm Moti" 10 đặc nhiệm, "nhóm Israel" 12 đặc nhiệm và "nhóm Nehemiah" 15 đặc nhiệm và lính thợ. Mỗi nhóm có nhiệm vụ cụ thể. "Moti" đánh phá hầm trú ẩn, "Israel" tiến công một cái lều, "Nehemiah" chiếm máy phát điện và xe kéo.
Tầm nhìn tuyệt vời, máy bay chiến đấu tiếp cận phía trái radar 250 mét, chỉ huy là trung úy Shaul. Họ bắn súng phóng lựu từ xa 50 mét. Điểm nổ loé sáng, ầm vang, rất trúng lều ở binh sĩ, có tác dụng uy hiếp mạnh, mà không làm hỏng khí tài.
Nhóm "Nehemiah" trườn về phía mục tiêu. Họ thấy khoảng 12 người Ai Cập chạy trốn tìm nơi ẩn náu. Súng máy rền vang, một nhóm người Ai Cập khác chạy khỏi lều gắng thoát. Chỉ một loáng sau, trên mặt đất tràn ngập lính dù, đặc nhiệm. Lệnh ngừng bắn phóng lựu. Quân Israel nhanh chóng làm chủ trận địa.
Lúc đó là 02:00 ngày 27/12/1969, các lính dù, thợ hàn đã tháo rời các trạm cấu kiện của radar và chuẩn bị rất khẩn trương đai, móc, treo vào chiếc CH-53 đang "dừng" ỏ ngay phía trên.
Trong khi một chiếc CH-53 khác móc vào cáp buộc sẵn bên sườn xe trung tâm nặng 4 tấn. Thế rồi hai trực thăng lặc lè cẩu "hàng" trở ra hướng Biển Đỏ, hòng nhanh chóng đến lãnh thổ kiểm soát của Israel.
Không may, một dây cáp kẹp vào sườn một chiếc trực thăng, làm vỡ đường dầu thuỷ lực. Nhưng chỉ huy bay vẫn quyết bay, rời xa hiện trường, rồi kết cục chiếc trực thăng "đen đủi" đó phải hạ xuống bên đường.
Tình huống dự phòng phải thực thi, ngay sau đó có chiếc trực thăng khác tới thay "cẩu". Dẫu rằng "hàng P-12" nặng tới 4 tấn đã tiếp tục gây khó khăn cho chiếc tới thay, nhưng rồi, "tim gan" đài radar Liên Xô còn mới đã có trong tay lực lượng IAF.
Các hoạt động "tập kích" được công bố sau một tuần, rộ lên trên báo chí nước ngoài. Chuyên gia tình báo kỹ thuật Israel và Mỹ mau chóng "mổ" đài radar P-12 nguyên vẹn, "xương ra xương", "thịt ra thịt". Họ lần ra 4 tần số phát, công suất của radar này, phương thức "dựng toạ độ" mấu chốt và cách thức hiện hình trên VIKO.
Tất tần tật tính năng của dòng radar P-12 "Spoon Rest" của Liên Xô đã được phanh ra. Thì ra, cự ly phát hiện máy bay có diện tích phản xạ hiệu dụng 1m2 ở độ cao 500m P-12 đạt 45 km, và đạt 200 km với mục tiêu ở độ cao hơn 10 km hay 360km ở độ cao hơn nữa.
Radar P-12 có 4 dải tần làm việc để chống nhiễu tích cực và chống nhiễu tiêu cực. Thời gian mở máy 6 phút, triển khai và thu hồi 90 phút, tốc độ quay antenna từ 0,5 đến 6 vòng/phút.
Điều quan trọng là 4 tần số và "vùng mù" của P-12 "Spoon Rest" được Mỹ và Israel đã có trong tay, chống lại hệ thống phòng không Ai Cập, loại bỏ một mối đe dọa ưu thế trên không của Israel ở khu vực này.
"Mọi thứ đều giống như trong phim", đó là lời khái quát của Trung tướng Haim Bar-Lev, người sau đó đã là Tham mưu trưởng Quân đội Israel vì kịch bản đánh cắp thật táo bạo và khẩn trương quá đỗi.
Năm 1966, Israel từng dụ dỗ, bức hàng, buộc một phi công của Iraq phải đào tẩu, mang theo 1 "con" Mig-21, nộp cho Tel-Aviv. Sau này, trong một cuộc chiến, Israel lại có trong tay bộ khí tài tên lửa không đối đất lợi hại SAM-2 của Liên Xô. Lần này Tel-Aviv có radar P-12 "Spoon Rest".
Thế mới thấy cuộc chống trả tiến công đường không của Mỹ của Việt Nam tính từ 1970 đến đầu năm 1973 gian nan như thế nào. Không quân Mỹ vốn giàu và đông, lại đã có trong tay "yết hầu" của khí tài Liên Xô, khiến chúng ta đối mặt với nhiễu sóng cường độ cao, chế áp mọi dải tần.
Nhưng Lực lượng Phòng không-Không quân Việt Nam đã chiến thắng ngoạn mục. Radar P-12 vẫn tham gia "vạch nhiễu, tìm thù", Không quân Việt Nam dùng MiG-21 vẫn đánh trả mãnh liệt không quân Mỹ mọi tầm cao, tên lửa SAM-2 hạ gục B52 trong nhiễu nặng, làm rạng rỡ các dòng khí tài, máy bay, tên lửa radar Liên Xô trong tình thế thật ngặt nghèo.
Nguồn Trí Thức Trẻ
Theo: Soha