“Xuất” với “suất”
Có lẽ lỗi chính tả thường gặp nhất trên sách báo hiện nay là “suất” bị viết thành “xuất”. Chẳng hạn: Trong lúc tang gia bối rối, có điều gì sơ xuất, xin được lượng thứ” (hay gặp ở mục Tin buồn); hoặc “vào cửa hàng ăn uống quốc doanh làm một xuất cơm mậu dịch, thế là xong”. (Bùi Văn Trọng Cường: “Giáng Khúc”, Văn nghệ số 11 ra ngày 13.3.1999), v.v…
Nguyên nhân của sự nhầm này, theo tôi, chủ yếu là người viết (và có thể là cả người biên tập) không phân biệt được nghĩa của hai từ này.
“Xuất” và “suất” là hai từ Hán – Việt có nghĩa khác hẳn nhau.
“Xuất” có nghĩa là “đưa ra”, “cho ra” (động từ). Chẳng hạn: Xuất quân (ra quân); xuất hiện (hiện ra); sản xuất (làm ra); xuất kho (đưa ra khỏi kho); xuất hành (ra đi); xuất trình (trình ra); nội bất xuất, ngoại bất nhập (trong không được ra, ngoài không được vào); xuất khẩu thành thơ (nói ra đã thành thơ; xuất ngoại (đi ra ngoài, ra nước ngoài); xuất giá (ra đi lấy chồng), v.v…
Còn “suất” có nghĩa là một phần của tổng thể nào đó (danh từ). Chẳng hạn: Suất cơm (một phần cơm); suất sưu (phần thuế thân được bổ cho một người nam giới từ tuổi trưởng thành dưới chế độ cũ), suất ruộng khoán (phần ruộng khoán chia cho một nhân khẩu hoặc một lao động).