“Xuất” với “suất”
Có lẽ lỗi chính tả thường gặp nhất trên sách báo hiện nay là “suất” bị viết thành “xuất”. Chẳng hạn: Trong lúc tang gia bối rối, có điều gì sơ xuất, xin được lượng thứ” (hay gặp ở mục Tin buồn); hoặc “vào cửa hàng ăn uống quốc doanh làm một xuất cơm mậu dịch, thế là xong”. (Bùi Văn Trọng Cường: “Giáng Khúc”, Văn nghệ số 11 ra ngày 13.3.1999), v.v…
Nguyên nhân của sự nhầm này, theo tôi, chủ yếu là người viết (và có thể là cả người biên tập) không phân biệt được nghĩa của hai từ này.
“Xuất” và “suất” là hai từ Hán – Việt có nghĩa khác hẳn nhau.
“Xuất” có nghĩa là “đưa ra”, “cho ra” (động từ). Chẳng hạn: Xuất quân (ra quân); xuất hiện (hiện ra); sản xuất (làm ra); xuất kho (đưa ra khỏi kho); xuất hành (ra đi); xuất trình (trình ra); nội bất xuất, ngoại bất nhập (trong không được ra, ngoài không được vào); xuất khẩu thành thơ (nói ra đã thành thơ; xuất ngoại (đi ra ngoài, ra nước ngoài); xuất giá (ra đi lấy chồng), v.v…
Còn “suất” có nghĩa là một phần của tổng thể nào đó (danh từ). Chẳng hạn: Suất cơm (một phần cơm); suất sưu (phần thuế thân được bổ cho một người nam giới từ tuổi trưởng thành dưới chế độ cũ), suất ruộng khoán (phần ruộng khoán chia cho một nhân khẩu hoặc một lao động).
Từ chỗ “suất” là một phần của tổng thể, suy rộng ra, nó là một phần hình thành sau sự phân chia, hoặc là kết quả của một phép chia. Theo nghĩa suy rộng này, ta có: Năng suất lao động (tính theo sản phẩm) là số sản phẩm được làm ra trong một đơn vị thời gian, nói cách khác, nó là kết quả của một phép chia tổng số sản phẩm cho thời gian sản xuất.
Tương tự, năng suất cây trồng là sản lượng trên một đơn vị diện tích; áp suất là áp lực tác động lên một đơn vị diện tích; công suất là số công sản ra trong một đơn vị thời gian (có thể tính bằng đơn vị công suất như tàu có công suất 40 mã lực, bóng điện công suất 100w, hoặc quy ra sản phẩm như nhà máy ximăng công suất 2 triệu tấn/năm,…);
Lãi suất (kinh doanh) là số tiền lợi nhuận được sinh ra trên tổng số vốn và thường được tính bằng phần trăm (%); thuế suất là số tiền thuế phải chịu trên giá trị hàng hoá chịu thuế tính bằng phần trăm…
Còn sơ suất là phần thiếu sót nhỏ, khinh suất là phần thiếu sót do coi thường, xem nhẹ (khinh = nhẹ) trong khi hành động mà gây ra…
Tóm lại, để tránh viết nhầm “xuất” với “suất”, ta chỉ cần nhớ: Khi dùng với nghĩa “ra” (hoặc “đưa ra”, “cho ra”) thì dùng từ “xuất”; còn khi dùng với nghĩa “một phần của tổng thể” (hoặc được hình thành sau một phép chia) thì dùng từ “suất”.
“Hằng” và “hàng”
“Hằng” và “hàng” là hai từ hay bị người ta dùng lẫn lộn, mặc dù chúng có nghĩa khác hẳn nhau.
“Hằng” là không đổi, mãi mãi, luôn luôn thế, bao giờ cũng vậy. Chẳng hạn:
Anh ấy hằng mơ ước chiếm được đỉnh cao khoa học (Anh ấy luôn luôn mơ ước…). Những năm sống xa Tổ quốc, hình ảnh quê hương hằng in trong trái tim tôi (…hình ảnh quê hương luôn luôn in trong trái tim tôi).
Hằng năm, cứ đến ngày 27 tháng 7, chị lại đến nghĩa trang liệt sĩ… thắp hương cho người chồng yêu dấu (hằng năm = năm nào cũng vậy,…). Hằng ngày, tôi đưa con đến trường vào 7 giờ sáng (hằng ngày = ngày nào cũng vậy).
Còn “hàng” là hạng, cỡ (ở đây không bàn đến các nghĩa khác của chữ hàng như: hàng hoá, xếp hàng, đầu hàng…). Chẳng hạn: Dầu nhờn chất lượng hàng đầu thế giới (hàng đầu = hạng một).
Khi chỉ số lượng, người ta thường nói hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn, tức là cỡ một vài chục đến dăm bảy chục, cỡ một vài trăm đến dăm bảy trăm,… Ví dụ:
Một thí sinh vừa bước ra khỏi phòng thi đã có hàng chục người xúm lại hỏi đề thi. Lúc tắc cầu, hàng trăm chiếc xe máy ùn lại.
Khi chỉ thời gian thì có: Hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, hàng chục năm, hàng thế kỷ… tức là cỡ một đến dăm bảy giờ, một đến dăm bảy ngày, một đến dăm bảy tháng…
Chính vì không phân biệt được nghĩa của hằng và hàng mà trong nhiều trường hợp, người ta vẫn dùng lẫn lộn. Chẳng hạn: Đáng lẽ nói (hoặc viết) “kế hoạch hàng năm” (tức kế hoạch cỡ một năm, khác với kế hoạch 5 năm, 10 năm,…) thì người ta lại nói “kế hoạch hằng năm” (chẳng lẽ kế hoạch năm nào cũng vậy?).
Hoặc, lẽ ra phải nói “hằng năm cơ quan tổ chức tổng kết công tác thi đua” (tức là năm nào cơ quan cũng tổng kết…) thì lại nói “hàng năm cơ quan tổ chức tổng kết…” (chẳng lẽ việc tổng kết lại kéo dài cả năm?), v.v…
Trịnh Trọng Quý – theo http://www.laodong.com.vn