Lụt là ngày hội đối với lũ trẻ con chúng tôi. Người lớn cũng chả gì phải lo lắm, nhờ quê trên nền đất cao giáp núi, dù nhà cửa vườn tược đan xen với những cánh đồng. Mưa lớn, nước từ núi theo con suối tràn ra, cả một cánh đồng nước trắng lăng mênh mông. Đường cái ngập gần hết, thành ra quê nhà cô lập chia cắt với những thôn xóm khác. Cái khó là đi chợ hay có việc cần thiết không đi được, chỗ trũng đường qua hai cái cầu ngập sâu kéo dài hơn tuần.
Lũ nhỏ túa ra đường cái gần nhà, nước tràn mấp mé để chạy nhảy, bắt cua bò, bắt cá phóng vượt bờ mắc cạn. Rồi chặt thân cây chuối chát làm thuyền cỡi, nó lật qua lật lại, té lên té xuống, chúng cười ha hả. Đám lớn hơn thì lấy tre đóng nọc xiên qua, ghép mấy cây kết lại làm bè. Ngồi lên, thả xuôi dòng nước, tụi trẻ tha hồ chèo chống phiêu lưu, bất chấp đồng ruộng chỗ sau chỗ cạn, có chỗ lút đầu.
Hết lũ thì là tới lụt, người ta đi đặt đó, đặt lờ bắt cá. Tạnh mưa hết lụt, cá tụ về những nơi thấp gọi là ruộng rộc. Má tôi mang bó cần câu cắm ra ruộng lúa đang trỗ, dắt theo thằng con chạy lon ton phía sau phụ giúp. Đi men theo bờ, cách năm bảy thước, má chọn chỗ, vạch lúa, lấy trùn móc vào lưỡi rồi cắm cần. Cứ thế, hết đám ruộng này tới đám ruông khác. Vòng lại là giáp lượt, hễ cứ chỗ nào nghe tiếng cá quẫy búng, kêu ộp ộp là nhấc cần lên, tóm lấy cá bỏ vào giỏ.
Thời ấy, cá nhiều thiệt, đàn bà trẻ nhỏ cũng kiếm được cá ăn một cách dễ dàng. Có gạo sẵn rồi, chỉ cần ra vườn hái mớ rau để nấu. Mùa mưa, trẻ con nghịch nước chơi nhiều nên ăn cái gì cũng ngon. Cá trê kho với đọt non lá gừng, cá rô xỏ lụi nướng, rau muống luột chấm với nước mắm ớt. Đơn giản đạm bạc, vậy mà ngon ơi là ngon!
.....
Mình nhớ hoài những kỷ niệm vặt vãnh như vậy.