Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 2 tháng 1, 2017

Vụ "đánh địch ngầm" ở Siem Reap

Theo sách của Bùi Tín:

Sự kiện Siem Reap

Thành Tín


MẶT THẬT , sách mới của Thành Tín

Sự kiện Siem Reap là một chương trong cuốn sách mới của nhà báo Thành Tín (Bùi Tín): MẶT THẬT, nhà xuất bản SAIGON PRESS (Box 4995, IRVINE, CA 92716, USA), 392 trang, giá 16 USD. Chúng tôi xin cảm ơn tác giả đã cho phép trích dẫn và trân trọng giới thiệu sách mới với độc giả. Tại Pháp, bạn đọc có thể gửi mua với giá 120 FF (kể cả cước phí) bằng cách gửi séc đề tên Bùi Tín về hộp thư của Diễn Đàn, BP 50, 92340 BOURG-LA-REINE.
Sự kiện Siem Reap in dấu ấn rất đậm vào mối quan hệ giữa đảng Cộng Sản Việt Nam và đảng Nhân Dân Cách Mạng Cam Bốt, cũng như trong quan hệ giữa hai nước. Chuyện xảy ra vào hồi 1984, nếu sự nhớ lại của tôi không nhầm. Lúc ấy ông Lê Đức Thọ, người chịu trách nhiệm về tình hình Cam Bốt trong Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam còn thường xuyên ở Phnom Pênh, trong một biệt thự ở sau điện Chăm Ca Mon, bên bờ sông Mê Kông. Ông Lê Đức Anh là Tư lệnh của lực lượng Quân Tình Nguyện, chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của các đơn vị bộ đội Việt Nam ở Cam Bốt. Giúp ông về quân sự là Tham mưu trưởng Hoàng Hoa, từng là cố vấn quân sự cho đoàn đại biểu Việt Nam tham gia thương lượng với phía Hoa Kỳ ở Paris do ông Xuân Thuỷ cầm đầu, ông Lê Đức Thọ làm “cố vấn”, trên thực tế là lãnh đạo, trùm lên hai đoàn của ông Xuân Thuỷ và bà Bình. Chính ông Lê Đức Thọ đã có ý kiến đưa ông Hoàng Hoa (tên thật là Hồ Quang Hoá) vào Ban Chấp hành Trung ương trong Đại Hội Đảng 5 hồi cuối năm 1982 và cử ông sang Cam Bốt, với quân hàm Thiếu tướng. Một tương lai thành đạt lớn mở ra cho ông Hoàng Hoa, thì ...sự kiện Siem Reap xảy ra! Hồi đó quân Khờ Me Đỏ phần lớn đóng ở vùng sát biên giới Thái Lan. Bỗng trong nhân dân Siem Reap có tin đồn Khờ Me Đỏ đã có cơ sở ở nhiều
nơi trong tỉnh, nhiều người trong chính quyền Phnom Pênh làm việc cho Khờ Me Đỏ. Họ gọi đó là chính quyền hai mặt, ngày làm cho Phnom Pênh, đêm làm cho Khờ Me Đỏ. Tình hình trở nên căng thẳng, nghi ngờ nhau lan rộng. Một hôm ở đơn vị 479 Quân Tình Nguyện, anh Nuôn, một thanh niên Khờ Me đến tự thú rằng anh vốn là cán bộ xã đã trót làm việc cho Khờ Me Đỏ. Cán bộ quân báo cơ quan tham mưu của đơn vị liền hỏi cung thật kỹ, vì chộp được người trong chính quyền hai mặt đây rồi! Anh ta kể trong chuyến đi buôn ở biên giới, bọn Khờ Me Đỏ bắt giữ anh và ép làm việc cho chúng. Anh đã trót dại, nay xin báo cáo với bộ đội Việt Nam. Những điều anh kể về lính Khờ Me Đỏ là hoàn toàn đáng tin cậy. Cán bộ quân tình báo ở Bộ chỉ huy Quân Tình Nguyện ở Phnom Pênh được báo cáo chuyện này liền phóng về Siem Reap bày mưu tính kế khai thác thêm. Thế là anh Nuôn được phóng lên lại vùng biên giới, nhập lại vào hàng ngũ Khờ Me Đỏ để lấy tin tức cho bộ đội Việt Nam.
Ba tuần sau, anh trở lại Siem Reap báo cáo cho cán bộ quân báo Việt Nam: tình hình khẩn cấp! Khờ Me Đỏ đã đưa về vùng bắc Siem Reap tám trăm khẩu súng, có 20 khẩu cối; chúng đã tạo được chính quyền hai mặt ở các huyện và đặc biệt ở cơ quan cấp tỉnh đã có hơn 20 cán bộ nhận làm việc cho chúng. Lúc ấy là tháng 4, chúng định tháng 8 sẽ nổi dậy, cướp chính quyền, ngoài đánh vào, trong khởi nghĩa... Anh kể rằng viên Trung đoàn trưởng của trung đoàn 2, sư đoàn 906 Khờ Me Đỏ đã tín nhiệm cử anh làm Trưởng ban Bảo vệ của trung đoàn, luôn mắc võng bên cạnh Trung đoàn trưởng và Chính uỷ, do đó anh nghe được những điều cơ mật hai người bàn bạc với nhau. Lời cấp báo này ăn khớp với lời đồn lan truyền trong nhân dân rằng Khờ Me Đỏ đang chuẩn bị tiến công lớn, chúng đã “lót ổ” được những kho súng trong nhiều xã, và trong chính quyền ở huyện và tỉnh, Khờ Me Đỏ đã có một số nhân mối. Anh Nuôn lại được phái trở về hàng ngũ địch làm tiếp nhiệm vụ.
Đúng tuần sau, trong một trận đánh ở phía tây thị xã Siem Reap gần hồ Tonlé Sap, bộ đội Việt Nam bắt được 6 tù binh Khờ Me Đỏ, trong đó có một đại đội phó. Sau một số “biện pháp nghiệp vụ” của quân báo Việt Nam, tên này khai rõ những nội dung gần khớp với báo cáo của anh Nuôn. Cuối cùng cán bộ quân báo của Bộ chỉ huy ở Phnom Pênh trực tiếp khai thác tù binh để thẩm tra lại một lần nữa, và khoái chí thấy đã nắm được chắc phương án hành động của địch. Một kế hoạch phá phủ đầu địch trước khi chúng kịp hành động được vạch ra. Được bộ chỉ huy ở Phnom Pênh duyệt, việc làm đầu tiên là tìm cho ra bọn cán bộ hai mặt ở cấp tỉnh. Hai cán bộ khả nghi ở Ty Nông Nghiệp và Ty Văn Hoá tỉnh bị bắt giữ. Sau mấy ngày khai thác bằng “biện pháp nghiệp vụ”, họ thú tội, viết ra giấy và ký tên. Họ khai thêm “đồng bọn”. Thế là hàng loạt người bị bắt. Cho đến khi Trưởng ty Giáo dục, Trưởng ty Giao thông, Phó chủ tịch Uỷ ban Hành chính Tỉnh, Chánh văn phòng Tỉnh uỷ Thường vụ Tỉnh uỷ... bị bắt. Xe commăng ca của bộ đội Việt Nam đến đâu là các cơ quan tỉnh khiếp sợ.
Một không khí khủng bố bao trùm. Ai cũng có thể là tay sai của Khờ Me Đỏ, ai cũng có thể bị các sỹ quan Việt Nam bắt đưa vào một khu rừng rồi bặt tin... Cho đến khi Bí thư Tỉnh uỷ – người cán bộ được coi là cấp cao nhất trong tỉnh cỡ lớn Siem Reap, nơi có khu đền Ăng-co Vát và Ăng-co Thom cổ kính – tự sát. Khi thấy chiếc xe của bộ đội Việt Nam đi vào cổng cơ quan, rồi vị sỹ quan Việt Nam nghiêm trang bước lên thềm theo sau hai chiến sỹ mang súng tiểu liên Nga, ông Bí thư Tỉnh uỷ mất bình tĩnh, giọng run run hỏi lại: “Các ông bảo tôi đi, nhưng tôi xin hỏi Trung ương đảng tôi có biết chuyện này không? Sao Phnom Pênh không có ý kiến gì với tôi?” Viên sỹ quan Việt Nam thúc giục: “Có hay không, ông cứ đi theo tôi, rồi tất cả mọi chuyện sẽ rõ.” Ông Bí thư Tỉnh uỷ liền nói: “Được, xin chờ chút xíu, cho tôi lên phòng tôi một phút thôi.” Ông bước lên thang gác, vào phòng, khoá chặt cửa. Chỉ một lát, một tiếng súng nhỏ nổ đanh. Phá cửa vào, người ta thấy ông Bí thư Tỉnh uỷ nằm trên giường, áo quần chỉnh tề, ca vát ở cổ, đầu quẹo sang một bên, máu từ thái dương đang chảy ra. Chiếc súng ngắn còn ở đầu giường. Trên bàn, một mảnh giấy: “Các đồng chí bộ đội Việt Nam làm sai. Tôi và các đồng chí của tôi là người cách mạng trung thành. Đảng Nhân Dân Cách Mạng Cam Bốt muôn năm!”
Được tin nghiêm trọng này, người của Bộ Nội Vụ chính phủ Hun Xen tới, chuyên gia Việt Nam cấp cao thuộc đủ các ngành: nội vụ, an ninh, tham mưu, quân báo, kiểm sát, thanh tra đến. Kết luận khá nhanh. Tất cả hơn 40 người bị bắt đều không ai có tội gì cả. Khờ Me Đỏ – chắc hẳn được cố vấn Tàu bày vẽ – đã dựng lên một cái bẫy để “bên ta đánh bên mình”. Anh chàng Nuôn, vì ngờ nghệch, hay chính là người của Khờ Me Đỏ, thực hiện âm mưu gây rối loạn trong quan hệ Việt Nam - Khờ Me. Sai lầm lớn thuộc về quân báo bộ đội Việt Nam vì ham thành tích đã mớm cung cho tù binh. Các “biện pháp nghiệp vụ” chính là dùng tra tấn, nhục hình tinh vi: không cho ngủ, tra hỏi liên tục làm cho thần kinh cực kỳ căng thẳng; bắt nhịn đói, nhịn khát rồi dử thú nhận thì cho ăn, cho uống... Cho đứng vào thùng phuy sắt lớn, gõ ở ngoài cho inh tai nhức óc, không sao chịu nổi... Kiểu chúa ngục Côn đảo? Kiểu KGB? Kiểu Stasi ở Cộng Hoà Dân Chủ Đức cũ? Kiểu Việt Nam sáng tạo? Tổng hợp các kiểu? Rồi lấy thú nhận “ép” người này buộc người kia nhận tội tiếp. Điều rõ nhất là họ đã làm theo kiểu thịnh hành thời Stalin. Điều nghiêm trọng hơn nữa là trong khi tra hỏi, các sỹ quan Việt Nam tha hồ chửi bới, miệt thị cả dân tộc Khờ Me người ta, đồ này đồ nọ...Và quan trọng gấp bội là phía Việt Nam tự ý làm hết cả, không hề báo tin và không mảy may bàn bạc gì với chính phủ và đảng “bạn” cả. Chủ quyền của “bạn” bị các bạn quý láng giềng “bỏ túi” hết trọi!
Chuyện vỡ lở, làm nổ rất mạnh khắp vùng Siem Reap và cả thủ đô Phnom Pênh rồi lan ra cả nước. Bực tức, oán giận và khinh thường. Sao cán bộ cấp cao của bộ đội Việt Nam lại nhẹ dạ, ấu trĩ, bị Khờ Me Đỏ dễ dàng đưa vào tròng đến vậy! Vì sao họ lại bộc lộ tinh thần khinh thị dân tộc, xúc phạm danh dự của người Khờ Me đến thế! Hà Nội lo sợ, phát hoảng lên, tìm cách ếm nhẹm việc này, tính đến chuyện xuất Tổng bí thư Lê Duẩn sang “xin lỗi”, “nhận tội”... Nhưng thấy có vẻ hơi ổn, họ phái ông đại tướng Chu Huy Mân, uỷ viên Bộ Chính Trị, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị của quân đội sang nhận lỗi, xoa dịu phía Cam Bốt. Hai viên tướng chỉ huy mặt trận 479 ở phía tây Cam Bốt bị kỷ luật, hạ xuống đại tá và trở về Quân Khu 7. Viên đại tá quân báo của Bộ tư lệnh Quân Tình Nguyện trực tiếp làm vụ này bị đuổi ra khỏi đảng, đuổi ra khỏi quân đội, đuổi về Việt Nam, lãnh tội nặng nhất cùng với 6 sỹ quan quân báo khác. Thiếu tướng Hoàng Hoa, Tham mưu trưởng Quân Tình Nguyện bị kỷ luật: đưa ra khỏi Ban chấp hành Trung ương đảng, hạ xuống cấp đại tá, về Thủ Đức (Sài gòn) nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Trường Lục Quân 2, chuyên đào tạo sỹ quan cho các đơn vị ở phía Nam.
Hai vị ở chóp bu, lẽ ra là phải chịu trách nhiệm lớn nhất: Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh thì lại yên ổn, không ai đụng đến, chỉ nhận “thiếu sót” là để cấp dưới làm sai, viện “cớ” rằng lúc ấy đang đi vắng, đi chữa bệnh, về nước họp, vân vân và vân vân... Đã thành lệ, có hai thước đo về trách nhiệm và kỷ luật, một cho cấp trên, một cho cấp dưới; và khi khen thưởng, nhận thành tích thì cũng có hai thước đo khác nhau... Chế độ độc đoán nào chả vậy!
Theo: Diendan


Theo sách Bên thắng cuộc của Huy Đức:

Trong hơn mười năm ở lại Campuchia, những người lính Việt Nam đã làm nhiều việc để ngăn cản Pol Pot quay trở lại. Họ hy sinhrất nhiều xương máu. Nhưng đồng thời họ cũng can thiệp vào không ít quyết định của Chính quyền Campuchia. Chính “tinh thần quốc tế vô sản” này đã dẫn đến khá nhiều sai lầm, trong đó có “sai lầm Seam Riep”.
Mùa khô năm 1982-1983, Khmer Đỏ dùng thủ đoạn “phản tình báo”, cho một trung đoàn phó ra trá hàng. Kẻ trá hàng này khai có hàng loạt cán bộ trong chínhquyền Campuchia vừa làm việc cho Phnom Penh vừa làm cho Pol Pot. Ở Campuchia lúc ấy, không chỉ có một số cá nhân, một số chính quyền địa phương cũng ngày thìlàm việc cho Heng Samrin, tối thì làm cho Pol Pot. Kiểu như vậy gọi là “chính quyền hai mặt”. Không phải ai tham gia “chính quyền hai mặt” cũng là để chống Việt Nam. Trong một tình thế mà đêm đêm Khmer Đỏ vẫn từ trong rừng lẻn ra, sẵn sàng dùng dao quắm chặt đầu những người Khmer trung thành với Việt Nam, thì “hợp tác” chỉ là lựa chọn để tồn tại. Theo ông Lê Đức Anh: “Căn cứ vào lời khai của thằng trung đoàn phó trá hàng, anh em đã bắt và xét nhà một số cán bộ của bạn”.
Khoảng bốn mươi cán bộ người Campuchia đã bị bắt vì âm mưu của một kẻ trá hàng, hầu hết đều là cán bộ chủ chốt của chính quyền Seam Riep. Bí thư Tỉnh ủy Seam Reap đã tự sát khi “các đồng chí Việt Nam” của ông đến bắt. Theo ông Ngô Điền: “Việc bắt bớ, truy bức, tra tấn đã làm cho nhiều người dân và cán bộ chết oan, bị vùi dập. Chua xót biết bao khi nghe dư luận cán bộ bạn đặt câu hỏi: cán bộ Việt Nam sao lại ác như vậy”. Một không khí hoang mang, lo sợ và oán giận Việt Nam bao trùm Seam Reap rồi nhanh chóng lan ra khắp đất nước Campuchia. Trước khi tiến hành “vụ Xiêm Riệp”, Bộ tư lệnh 719 đã “xin ý kiến cấp trên” ở Hà Nội577. Nguồn gốc của những sai lầm kiểu như vụ Seam Riep, theo ông Ngô Điền,đều có căn nguyên từ “tư tưởng dân tộc nước lớn”. Ông Điền nói: “Biểu hiện rõ nhất của tư tưởng nước lớn là việc ta mặc nhiên tự cho mình cái vai trò làm lại cuộc cách mạng Campuchia, sắp xếp từ đầu đến chân bộ máy Campuchia”. 
Trích từ: Vnthuquan

Theo Ghi chép về CPC của ĐS Huỳnh Anh Dũng:


Việc rút Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long), đợt rút quân lớn nhất cho đến lúc này, được tiến hành vào tháng 5/1983, kết hợp với tuyên truyền đối ngoại, đã gây tiếng vang lớn trên thế giới. Cũng lúc này trên chiến trường CPC là bọn Pol Pot giảm hoạt động quân sự nhưng đẩy mạnh xây dựng chính quyền 2 mặt. Điển hình là vụ đánh địch “ngầm” ở Siem Reap tháng 5/1983, sai về phương pháp, phương châm, đánh vào cán bộ CPC. Ban lãnh đạo chuyên gia toàn CPC đã kiểm điểm và ta đã thi hành kỷ luật: cảnh cáo trong Ban chấp hành Trung ương Đảng và rút về nước đ/c Bùi San (thường trực Ban Lãnh đạo Tổng đoàn chuyên gia ở CPC), kỷ luật lưu Đảng và hạ cấp đ/c Hồ Quang Hoá từ Thiếu tướng xuống Đại tá. Ngày 18-19/10/1983, nhân dự Hội nghị chủ nhiệm Tổng cục chính trị 3 nước, đ/c Chu Huy Mân và Trần Xuân Bách thay mặt BCT ta xin lỗi Bộ chính trị CPC về sự kiện Siem Reap và thông báo quyết định kỷ luật của phía ta.

Trích từ: Vnmilitaryhistory

Theo hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh:

Trong truy quét tàn quân địch, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã cùng với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia hoạt động ở nhiều nơi, giành thắng lợi. Tuy nhiên, có trận do nắm tình hình địch chưa chắc, dẫn đến tổn thất, trong đó đáng lưu ý là vụ đánh địch ngầm ở Siem Reap (Xiêm Riệp). Tháng 5-1983, Bộ Tư lệnh mặt trận 479 dựa vào những nguồn tin chưa được thẩm tra, phân tích, đi tới nhận định: Chính quyền bạn ở tỉnh Siem Reap đã đi theo địch; chính quyền địch trùm lên chính quyền cách mạng, trong đó có hơn 80%, thậm chí có nơi 100% nhân dân theo địch. Cũng theo nguồn tin trên, đến tháng 6-1983, địch sẽ phối hợp với các lực lượng trong nổi dậy, ngoài đánh vào chiếm các cơ quan chính quyền cách mạng trong tỉnh. Bộ Tư lệnh mặt trận 479 đã đi đến một số quyết định sai lầm như: bắt những người đứng đầu để điều tra, hòng tìm ra lực lượng phản động; tước vũ khí của du kích bạn, phân tán cán bộ bạn vào bộ đội ta; chủ trương co lại, bỏ địa bàn nông thôn để rút về bảo vệ các trọng điểm, thậm chí đề nghị không quân đánh phá vào những nơi nghi địch tập trung lực lượng... Những việc làm đó đã gây nên sự dao động lớn về tư tưởng, làm mất phương hướng trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Bộ Chính trị gọi tôi về để xử lý việc này, anh Thọ thay mặt Bộ Chính trị ký điện. Lúc đó tôi đang đi chữa mắt ở Liên Xô. Vị giáo sư bác sĩ chữa mắt cho tôi tỏ ra rất ái ngại chia tay tôi, khi một bên mắt của tôi còn băng kín. Lúc đó anh Phạm Văn Đồng rất bực, anh đã đề nghị mức kỷ luật rất nặng đối với các cán bộ lãnh đạo và chỉ huy có liên quan của Bộ Tư lệnh 479 và 719. Tôi đề nghị: Bộ Chính trị đã giao trách nhiệm cho tôi thì cho tôi toàn quyền xử lý. Tất cả đồng ý.
Việc đầu tiên là tôi điện lên mặt trận yêu cầu thả ngay tất cả những người đã bị bắt. Và tôi ra lệnh, kể cả lính Siem Reap đã ra hàng, cả những tên bị người ta tố cáo là có tội ác cũng không được đánh đập, ngược đãi mà phải cho họ ăn uống tử tế rồi thả cho họ về. Việc thứ hai là tôi yêu cầu tất cả các ngành nộp toàn bộ các bản báo cáo tình hình, các bức điện đi, điện đến, tôi ngồi đọc hết. Lúc đầu có anh em không hiểu còn cho tôi là phản động. Họ nói là "Đã hỏi ý kiến của Hà Nội rồi". Tôi biết, nếu hỏi "Ý kiến Hà Nội là của người nào?" thì sẽ rất rối nên tôi "không hỏi, không biết", các anh tin tưởng giao cho tôi "xử lý" thì chỉ "xử lý" thôi. Ở đây, tôi kiên quyết: một là, nhất định không hỏi "Hà Nội là ai?", hai là chỉ "xử lý" thôi, sau khi xử lý rồi thì nhất định không giải thích nữa.
Khi tôi trở về báo cáo trong hội nghị Bộ Chính trị toàn bộ sự việc đã giải quyết, thì không ai phát biểu gì; chỉ có anh Phạm Văn Đồng nói: "Xử lý được thế là tốt, xử lý nội bộ có mức độ thế là đúng!". Thực chất các cán bộ bên đó đều mong muốn quan hệ giữa hai Đảng ngày càng tốt hơn, nhưng vì nóng vội và ấu trĩ cho nên phạm khuyết điểm, sai lầm, chứ không hề có ý đồ xấu. Ngay sau đó, Bộ Chính trị cử anh Chu Huy Mân đại diện sang chính thức gặp và xin lỗi Bộ Chính trị bạn. Anh Mân rủ tôi cùng đi, nhưng tôi bảo anh được cử thì anh cứ đi, tôi đã ở bên đó nhiều năm, luôn kề bên bạn nên tôi xin lỗi không hiệu quả và không gây ấn tượng bằng người có cương vị và từ bên ta sang xin lỗi bạn. Sau khi anh Mân sang xin lỗi, Bộ Chính trị Đảng bạn nói: Khuyết điểm có đáng kể gì so với mồ hôi xương máu của hàng vạn chiến sĩ quan tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã đổ xuống để cứu nguy dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng và hồi sinh đất nước. Ngay sau đó, anh Mân đã mang quà đến thăm hỏi từng gia đình có người bị bắt ở Siem Reap.
Rút kinh nghiệm vụ đánh địch ngầm ở Siem Reap, Đảng ta đã nghiêm khắc kiểm điểm và có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những cán bộ liên quan.
Trích từ: Dangcongsan



Tìm kiếm Blog này