Nhớ mãi câu nói của người tiền nhiệm truyền đạt lại cho khi tôi nhận chức thay chú ấy làm quản đốc xưởng của một công ty gỗ XK khá lớn. Không sai, sâu sắc. Nhưng tôi nghĩ: ai cũng vì manh cơm manh áo thôi, ai cũng có bổn phận phải lo nhưng vì nịnh bợ lấy điểm với chủ, muốn leo cao mà bóp vắt sức lao động của anh em thì sống quá tệ. Đa phần công ty lớn không chủ trương như vậy tuy nhiên ngay cả công ty có vốn nước ngoài, chủ uỷ nhiệm cho người Việt quản lý thì vẫn có tình trạng ăn bớt ăn xén và tình trang như trên.
Ngẫm lại trong đời làm công ăn lương của mình, trải qua vài cương vị nho nhỏ có ảnh hưởng đến thu nhập của người khác. Làm thì có đúng có sai nhưng tôi luôn đặt vấn đề thu nhập của người dưới quyền lên hàng đầu. Cũng chả phải đạo đức gì mà xuất phát từ quan điểm: lợi ích của công ty và của người lao động phải luôn là một gắn bó nhau. Nó là động lực để công ty đứng vững và phát triển. Có họ thì bản thân mình mới tồn tại.
Chính vì vậy nên trong phạm vị có thể, tôi thường đạo diễn đề xuất tăng lương hay nâng mức giá khoán công việc cho anh em bên dưới. Làm thế nào để thuyết phục cấp trên nghe hợp lý, lọt lỗ tai mà phê duyệt. Biết, chủ có thể không ưng ý, bụng họ nghĩ sao thì chưa nghe ám chỉ trách trã gì.
Lần gần nhất, khoảng năm 2009, tôi làm quản đốc một công ty sx gỗ nhỏ nọ. Công ty làm ăn thua lỗ, chủ - giám đốc thì ít khi có mặt. Xem bảng lương công nhân viên thì tôi hỡi ôi, thấy nó quá thấp so với mặt bằng thị trường lao động. Chú phó giám đốc trước quản lý công ty ép công nhân sát rạt. Công ty làm hàng thành phẩm cho công ty lớn bị lỗ lã nên sử đụng lực lượng lao động rẻ tiền mà các công ty lớn gần đó dạt ra. Đa phần do tuổi nhỏ hay quá lớn, giấy tờ hồ sơ không hợp lệ, ngay cả công nhân có tay nghề cũng vậy. Gò lương để đỡ bị thâm tài chính. Mình nghĩ bụng: vậy là phi lý, không thể lâu bền.
Một mặt, tôi xốc lại tinh thần mọi người, mặt khác trực tiếp giám sát chất lượng sản phẩm vì nó là khâu yếu nhất. Đồng thời tham khảo ý kiến các tổ trưởng và kỷ thuật xưởng ra soát xem xét lại lương từng người có phù hợp với năng lực của họ chưa? Thế là mỗi tháng, tôi đệ trình với chủ tăng lương một ít cho 1/3 quân số. Nhích dần lên... Như vậy chỉ trong vòng 3 tháng, đã giải quyết tăng lương gần như toàn bộ công nhân.
Thế, kết quả công việc ra sao? - Tài chính lên dần từng bước, từ âm đến tháng thứ ba dừng lại. Tháng thứ tư huề vốn. Tháng thứ năm bắt đầu có lãi một ít. Xưởng hoạt động đi vào nền nếp hơn, chất lượng sản phẩm cải thiện rõ rệt... Dù số nhân viên gián tiếp không hề thấp, chiếm tới 15% quân số. Tuy chiếm quỹ lương lớn nhưng cái quan trọng là bộ máy vận hành nó có hiệu quả không. Chấp nhận thôi vì không thể quản lý theo kiểu công ty gia đình lu xa bu. Cơ may, công ty phát triển tăng thêm công nhân thì bộ máy điều hành vẫn thế.
Rồi chủ mới nâng lương cho nhân viên gián tiếp như kỹ thuật, kế toán còn mình thì lơ đi. Mỗi khi chấp nhận đi làm tôi không quan tâm lương nhiều hay ít mà trước hết nghĩ mình có làm được việc hay không cái đã, rồi tính. Nhưng khi đã chứng minh được năng lực rồi mà chơi vậy tức là không đẹp, người ta không hiểu mà đánh giá thấp vai trò mình. Coi đó là một sự xúc phạm! Buồn và chán thêm khi nghe chú em (kỹ thuật trường cùng làm công ty cũ ngày trước) là người giới thiệu mình vào làm, nói: ... chứ anh làm gì mà đòi hỏi? Nghỉ thôi, cuộc sống nó là vậy, ra đi nhẹ nhàng.
Trước không hiểu sao vì tôi đánh giá rất cao tay chủ là người rất khéo trong đối sách và thuật dụng người. Sau này ngẫm lại đó là chiêu giảm lương nhân sự VP bằng cách không nâng lương để tôi buồn ý ra đi. Bớt tôi, cho kỹ thuật kiêm nhiệm quản đốc. Tuy vậy, mối quan hệ giữa tôi và chủ cũ vẫn anh em thân tình như xưa. Vài tháng sau, xưởng sang cho người khác vì nợ ngập đầu. Từ đó, chú chủ lặn mất tiêu.
Lâu lâu, mỗi lần gặp lại nhậu với anh em cũ, hay nhắc đến người này người nọ. Ai để lại ấn tượng, sống không quá tệ với đồng nghiệp, tôi vẫn nhớ vẫn mong gặp lại người quen thuở nào.