Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

Quái nhân Đinh Gang

Ngang dọc Tây Nguyên cũng nhiều, tiếp xúc cũng lắm, gặp nhiều nhân vật lạ đến cứ mắt chữ O miệng chữ cũng… chữ O, nhưng phải cho đến cách đấy chục năm, tôi gặp một… quái nhân thứ thiệt, và, điều mà giờ bồi hồi nhớ lại, là tôi đã ngủ cùng ăn cùng với quái nhân này cả tuần lễ. Sở dĩ nhớ và ấn tượng với cái tuần lễ ấy là nó có lý do của nó, chứ đời tôi vạ vật cũng nhiều, lang thang cũng lắm, cái sự ngủ với ăn ở nhà nhân vật một tuần chỉ là muỗi…
 
          Ấy là một cái giao thời mua khô mùa mưa, thực hiện một dự án sưu tầm Hơ a mon, chúng tôi lên đường đến làng Hơrn, xã Yơ Ma, huyện Kông Ch’ro, tỉnh Gia Lai. Sở dĩ phải chọn lúc giao thời này vì đây là lúc đồng bào ở nhà, chứ mùa khô họ lên rẫy hết, mà chính mùa mưa thì sẽ khổ cả chúng tôi và đồng bào vì nó cứ lướt thướt dầm dề thế, ai mà chịu nổi, chả làm gì được cả.
          Vượt hơn 150 cây số cả đường nhựa và đường đất, chúng tôi đã đến làng Hơrn. Đây là một ngôi làng Bahnar đặc trưng với khoảng hai chục nóc nhà chênh vênh trên sườn đồi. Góc làng, một ngôi nhà rông truyền thống còn khá mới đứng uy nghiêm như một nhát cắt dịu ngọt giữa trời xanh. Vài chục đứa trẻ tha thẩn chơi và tròn mắt xúm lại khi phát hiện khách lạ... Người mà chúng tôi cần  tìm là Đinh Gang. Đây là một người đàn ông có thể nói là dị tướng. Nặng khoảng ba chục ký, cao chưa đến mét tư, sống với bà vợ nối dây hơn mình dễ đến gần hai chục tuổi và có một đứa con riêng chắc phải bằng tuổi bố dượng. Tôi phải phỏng đoán vì người Tây Nguyên ít khi nhớ tuổi thật của mình, họ áng chừng theo mùa rẫy. Anh hùng Núp nổi tiếng là thế mà khi mất người ta cũng đưa ra hai ba cỡ tuổi chênh nhau cả chục năm. Cũng nói thêm điều này, sở dĩ chúng tôi xuống thẳng đây và tìm đúng Đinh Gang là do hàng năm trời trước đó, chúng tôi đã dò tìm, liên hệ.
          Thế tại sao Đinh Gang lại là quái nhân?
          Thứ nhất, tôi dám chắc rằng trong chúng ta, kể cả các cháu học sinh đang hàng ngày phải học gạo, không phải ai cũng thuộc lòng truyện Kiều, dù đấy là áng văn bất hủ, là niềm tự hào dân tộc, và với học trò, đấy là cứu cánh, là nghĩa vụ để học, để thi... Thế mà cái anh chàng Đinh Gang nhỏ nhoi và mù chữ đang nằm co ro trước mặt chúng tôi kia, anh ta đang không chỉ đọc thuộc, mà còn diễn bằng tay, bằng mắt, bằng khuôn mặt, bằng giọng nói, và bằng cả cái thân hình bé tẹo ấy, tất cả các nhân vật có trong hơ a mon, không chỉ một hơ a mon mà là 3 cái, đầy hai chục băng cassette trong vòng 1 tuần. Mà giọng mới vang làm sao, khuôn mặt, ánh mắt mới sinh động làm sao. Không chỉ chúng tôi ngạc nhiên và thích thú, mà cả dân làng. Vâng, nhờ có chúng tôi về, lâu lắm rồi dân làng mới lại được nghe hơ a mon. Quái lạ cái anh chàng Đinh Gang này, trong cái cơ thể bé nhỏ kia, năng lượng dự trữ ở đâu ra mà lắm thế. Tiếng cứ trong văn vắt, lúc gào thét giận dữ, khi thủ thỉ tâm tình, lúc lại the thé như mụ đàn bà góa, khi như rót mật vào tai... cứ nhìn cái đám đông lúc im thin thít, khi cười rũ rượi, đám con gái lúc lại đỏ mặt cấu chí nhau thì biết...
Thanh niên trong làng bây giờ đã có nhiều thú vui hiện đại khác, mà cái mốt đang hiện hành ở các làng dân tộc là đốt một đống lửa, ngồi quanh đấy, mỗi người đeo một cái cát xét to đùng mở nhạc oang oang. May có mấy ngày chúng tôi về sưu tầm, mời Đinh Gang hát kể, Đinh Gang như người trẻ lại, vì nhiều lẽ, thứ nhất là anh được hơ a mon. Cái giống mà đã có năng khiếu, đã thuộc nhiều trong bụng như thế mà lâu không được hát lên kể ra nó buồn lắm, ấm ức lắm, như là bị chướng bụng, bị ung thư, bị trời hành... thứ nữa là có... tiền. Chúng tôi mời anh ăn cơm cùng và nói rõ mỗi ngày sẽ được "nhà nước" bồi dưỡng bao nhiêu. Đến khi ứng tiền cho anh thì anh thật sự mừng, số tiền nhỏ nhoi theo chế độ nhưng cũng bằng hàng trăm ngày anh lặn lội vào rừng lấy mây rồi đèo rồi gùi ra chợ thị trấn vật vạ bán…
Thứ hai, Đinh Gang có một người vợ rất vĩ đại, chiều anh ta từng ly từng tí, nâng như nâng trứng, hứng như hứng… Gang, tôi đã có lần đùa anh như thế. Chuyện ly kỳ là, chị vợ này hơn Gang mười mấy tuổi, là vợ của anh ruột Gang. Anh này chết, và theo tục nối dây thì Gang được hưởng vợ của anh. Chị này đã có một đứa con với người anh của Gang, và giờ trở thành con của Gang. Và điều buồn là không hiểu sao, Gang lại không có con với người phụ nữ này, tuy thế mấy ngày đầu tôi hoàn toàn không biết cô gái kia không phải con anh, cũng hoàn toàn không biết chị Đinh Thị Đeh là vợ nối dây của Gang. Mọi việc trong gia đình vẫn bình thường. Hàng ngày Gang lên rừng lấy mây rồi cho lên xe máy mang ra chợ thị trấn bán. Cả làng, cho đến lúc ấy mỗi mình Gang có cái xe máy, loại cup 82 chạy lạch phạch, thi thoảng không nổ thì vợ và con cặm cụi đẩy lên dốc cho Gang xổ dốc rồi vào số một đột ngột, cái xe giật đùng đùng rồi phun khói đen kịt thì vợ con xoa tay hể hả cười.
Thứ ba, thứ này mới… li kỳ. Ấy là trong một lần leo cây, Gang bị ngã, đụng chạm sao đó tới bàng quang, kết quả là, “cái bụng Gang tự đái” chứ không phải đái bình thường như người bình thường. Chính điều này làm khổ Gang, khổ vợ con Gang và khổ cả… chúng tôi. Gang có đúng hai cái quần khi gặp chúng tôi, lúc nào cũng xăn, và nói thật là nó… khai mịt mù vì anh không hoàn toàn tự chủ được việc tiểu tiện. Mấy đêm Gang nằm Hơ a mon cho chúng tôi ghi âm thì cứ một lát vợ Gang lại vào lấy cái váy của mình khéo léo che cho Gang để… thay quần. Quần ấy vợ Gang mang ra cây phơi, khô lại mang vào thay, tôi chả thấy giặt bao giờ nên cứng như mo nang. Và chúng tôi ở cùng Gang gần một tuần lễ trong ngôi nhà sàn rất nhỏ đang chứa cả mấy người nhà anh.
Gang mất năm 2010, lặng lẽ. Tôi không thể về lại để viếng Gang, thấy báo Gia Lai có một bài viết về anh, ca ngợi anh là một nghệ nhân siêu giỏi và vô cùng tinh thông. Và cũng rất tiếc là, hối ấy tôi đã chụp rất nhiều ảnh Đinh Gang, bằng máy cơ, phim Konica, giờ lôi ra thì… phim đã trắng xóa. Thế nên đã không thể có một cái ảnh in kèm để mọi người ngắm dung nhan chàng trai kỳ lạ này…                                                    
Nguồn: Vanconghung 
_______________
Chú thích: 
Người Ba Na, Sê Đăng ở Kon Tum gọi hát kể sử thi là Hơmon hơri, là loại hình diễn xướng dân gian, kết hợp lời hát kể với điệu bộ và sự biểu cảm trên nét mặt. Có những chuyện dài, hát kể thâu đêm cả một mùa trăng cũng chưa hết...

Tìm kiếm Blog này