--------------------
Vốn dĩ nó là một loài cây vô danh, mọc nhiều ở Tây nguyên, có một đặc tính là chỉ mọc cô độc, rất cô độc ở các bãi đất trống. Và đây là một loại cây có sức sống rất mãnh liệt, quanh năm xanh tốt, hầu như không bao giờ thấy nó rụng lá, bất chấp khô hạn, mưa dầm. Tôi nhớ ở miền bắc cũng có một loại cây gần giống cây này (thậm chí có người nói với tôi rằng nó là một) là cây cậy, người ta hay dùng nhựa của nó để phết quạt. Cứ lặng lẽ âm thầm thế, một ngày, nó được đánh thức, bởi một nhà thơ. Tên ông là Ngọc Anh. Bài "Bóng cây kơ nia" ông sáng tác nhưng cứ đề là dân ca Tây nguyên. Nhà văn Nguyên Ngọc nói về trường hợp này: "kơ nia là một loại cây cô độc. Cho đến một ngày, có một người đến và hình như trong một lúc, một giây phút xuất thần, đánh thức nó dậy, từ trăm ngàn cây cỏ vô danh trở thành bất tử, trở thành biểu tượng của một thời chia cắt và thương nhớ Bắc Nam. Người nghệ sĩ đã đánh thức dậy, đã "sinh ra" cho chúng ta cây kơ nia là Ngọc Anh". Sau đấy Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, và ngay lập tức, cây kơ nia nổi tiếng, trở thành biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất. Rất nhiều người sau giải phóng lên Tây Nguyên câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi: Cây kơ nia nó như thế nào? chỉ cho xem một cây. Người đã ở Tây Nguyên có óc hài hước thì bảo: ông cứ ra bờ hồ Gươm ấy, đào xuống, thấy cái rễ nào dài vươn tới từ hướng nam thì đích thị là rễ cây kơ nia. Ấy là nghịch mà suy diễn từ cái câu: "rễ cây uống nước đâu? uống nước nguồn miền bắc". Cũng sau giải phóng, bạn bè chiến đấu của ông, các nhà văn nhà thơ từng ở khu năm, mới khẳng định rằng: Ông chính là tác giả thơ của bài "bóng cây kơ nia" và mấy chục bài thơ nữa mà ông ghi phía dưới là: Ngọc Anh sưu tầm và dịch.
Tôi vào Tây Nguyên đầu những năm 80 của thế kỷ trước, và việc đầu tiên cũng là... đi tìm cây kơ nia. Người đầu tiên chỉ cho tôi thấy cây kơ nia là ông hoạ sĩ Xu Man. Hôm ấy hai chú cháu tôi đạp xe về làng ông, gần năm chục cây số dưới cái nắng gay gắt. Ông bảo ráng đi, đến gốc cây kơ nia ngồi nghỉ. Từ xa thấy một cái cây đơn độc cao vút lên, có tán hình trứng. Kơ nia đấy. Ông Xu Man bảo tôi rồi rút từ cái túi vải treo lủng lẳng trên ghi đông xe đạp ra một chai rượu. Chúng tôi uống rượu dưới gốc cây kơ nia lồng lộng gió một cách vô cùng hào hứng, ít nhất là tôi, thấy mình "hoành tráng" hẳn lên. Đập hạt kơ nia làm mồi, tôi mới phát hiện rằng trên cõi đời này lại có một thứ hạt làm mồi dẫn rượu thú vị và ngon đến thế. Tự nhiên mọi nỗi mệt mỏi tan biến đâu mất, tôi cảm thấy như vừa được tiếp thêm một nguồn năng lượng từ một cõi vô biên nào đó, vừa rõ rệt, vừa mù mờ. Tối ấy, dưới lập loè lửa xà nu, tôi hí húi ghi đến mấy trang về cảm xúc của mình khi lần đầu tiên nhìn thấy cây kơ nia, và lại còn được uống rượu dưới gốc nó, với một người, cũng xứng đáng là... kơ nia, thậm chí là kơ nia cổ thụ, là hoạ sĩ Xu Man. Ông Xu Man bảo: cây kơ nia không mọc lung tung bao giờ, không mọc lẫn trong các loại cây khác. Nó mọc rất đều ở các khoảng đất trống, ở giữa đồng, khoảng cách là... để cho người đi bộ mệt thì lại có một cây. Ta đang ngồi ở gốc cây này, nếu đi bộ, bao giờ thấy mệt quá, nóng quá, thì lại sẽ có một cây kơ nia nữa hiện ra cho ta bóng mát ngồi nghỉ? Ấy là ông hoạ sĩ lão thành người Ba Na nói, tôi chưa kiểm chứng, nhưng có lẽ là... đúng. Mà nếu đúng thì nó không chỉ là một loại cây bình thường, nó chính là đặc ân của trời thả xuống ban cho con người, giúp con người vượt qua khổ cực trong hành trình ngàn vạn năm đi về phía sáng, vất vả khổ đau đi tìm khát vọng hạnh phúc. Nhưng té ra cái chuyện cứ bao giờ mệt hoặc đói thì có một cây kơ nia hiện ra là có nguyên do của nó. Ấy là hạt của cây kơ nia ăn được, người ta có thể ăn thay cơm, không chỉ người Tây nguyên, mà rất nhiều cán bộ người Kinh, ở thời điểm đói nhất trong chiến tranh và ở thời bao cấp, đã sống nhờ hạt kơ nia. Người dân bỏ hạt kơ nia trong gùi, xuất phát từ nhà hoặc rẫy, nơi đều có các cây kơ nia và đi, bao giờ đói thì ngồi lại đập hạt kơ nia ăn. Những hạt rơi vãi hoặc khi đập bị văng ra mọc thành cây. Cứ thế, nó trở thành khoảng cách chuẩn của cái đói và cơn mệt để chở che cho con người.
Bây giờ cây kơ nia đã rất nổi tiếng, trở thành biểu tượng của Tây nguyên. Nó được trồng trong khuôn viên Tỉnh uỷ Gia Lai, trụ sở UBND Gia Lai, trong khuôn viên bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai - Kon Tum. Nó được chuyển ra Hà Nội trồng ở lăng Bác, ở khu di tích núi Chông, ở học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại học an ninh, ra cả Đền Hùng...
Rễ cây uống nước đâu? Uống nước nguồn miền bắc-Để chup được mấy cây KƠnia này, tôi mất khá nhiều thời gian- cả năm trời. Và chụp được bộ rễ là cơ may ngàn năm có một. Cây này ở huyện Chư Sê.
Có một người nhiều năm qua đã âm thầm làm cái việc là nghiên cứu và nhân giống cây kơ nia, đến mức mà bạn bè đồng nghiệp và cả bà con phải gọi anh là "kỹ sư kơ nia". Người ấy là Nhữ Văn Vẽ, cán bộ trung tâm giống cây trồng tỉnh Gia Lai. Là người rất mê bài hát "Bóng cây kơ nia" nên tốt nghiệp đại học lâm nghiệp ra trường năm 1983, được phân về lâm trường Nam Phú Nhơn công tác, anh bắt đầu tìm hiểu về cây kơ nia. Năm 1995 khi được chuyển về trung tâm giống cây trồng Gia Lai, anh chính thức bắt tay nghiên cứu cây kơ nia một cách bài bản bằng tiền túi. Thử nghiệm, đọc tài liệu, di thực, gieo ươm... và anh đã thành công. Ông Ksor Phước khi ấy là bí thư tỉnh uỷ Gia Lai biết tin đã yêu cầu anh nhân giống để trồng cây kơ nia trên địa bàn tỉnh. Hiện nay anh toàn... đi tiếp thị rồi biếu không cho các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh. Tôi cũng không hiểu tại sao các công ty quản lý môi trường đô thị các tỉnh Tây nguyên lại không tiến hành trồng kơ nia trên các tuyến phố, bởi như đã nói, nó rất hợp với việc trồng trên phố như dáng thẳng đứng, có tán tròn, không rụng lá, rễ cọc rất sâu không ăn lên vỉa hè và phá đường, hoa như hoa xoan, màu tím phớt và rất thơm... Nhữ Văn Vẽ nói với tôi rằng, nhà thơ Ngọc Anh rất tinh khi cho rễ cây kơ nia "uống nước nguồn miền bắc", bởi rễ cây kơ nia rất dài, nếu cây cao 1 mét thì rễ đã là 1,5m, cây 2m thì rễ 3m. Đã có những cái hầm bí mật ba tầng đều bám theo một cái rễ cọc của cây kơ nia làm trụ. Nếu vô ý làm đứt rễ cọc, kơ nia sẽ chết ngay và sẽ lộ hầm bí mật nên cán bộ ta cứ nương theo rễ cây mà đào hầm. Kơ nia là loại cây có sức sống rất mãnh liệt. Có khi cả khu rừng bị cháy hoặc chết vì bị rải chất độc điôxin thì kơ nia vẫn xanh tốt như thường. Hiện nay cây kơ nia to nhất ở Tây Nguyên có đường kính khoảng một mét, và nếu cưa sát gốc thì nó lại tiếp tục nảy mầm. Gỗ kơ nia rất dẻo và cứng, khi cưa thường xuyên phải nhúng nước lưỡi cưa thì mới kéo nổi, tuy thế khi hạ xuống để một thời gian sẽ bị hà ăn rỗng ngay, cũng không hiểu tại sao?
Kơ nia và dã quỳ hiện thân cho sức mạnh và vẻ đẹp Tây Nguyên. Thế mà ngay cả những người ở Tây Nguyên cũng chưa chắc đã thấy. Dã quỳ thì bị đẩy hết ra ngoại ô, còn kơ nia cũng ngày càng hiếm. Hy vọng việc làm của Nhữ Văn Vẽ và ý thức của tất cả chúng ta sẽ giữ lại cho Tây Nguyên, cho chúng ta cái vẻ đẹp mà ai cũng nghe và lại ít người thấy ấy...
-----------------------------
GẶP LẠI VẺ KƠNIA (bài tiếp theo về Kơnia)
Tạp chí Đương Thời kêu tôi chụp cái ảnh ông Vẻ để in kèm bài trên kia Và nhờ thế mà lâu lắm tôi mới gặp lại anh chàng "gàn" này.
Gọi anh chàng này gàn là bởi, có thời anh đã cặm cụi nghiên cứu rồi ươm giống Kơnia, loại cây mà anh cho rằng nó rất thích hợp với việc trồng ở đường phố, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên. Ấy là bởi Kơnia là cây rễ cọc, dáng vút cao, tán hình trứng, ít rụng lá và sống rất dai, chịu được hạn. Điều đặc biệt nữa là hiện nay rất nhiều người sống ở Tây Nguyên nhưng chưa hề biết cây Kơnia nó mặt ngang mũi dọc thế nào... tóm lại là nếu trên các đường phố ở Tây Nguyên, và chả cứ Tây Nguyên, có vài cây Kơnia thì nếu không gọi là đắc địa thì cũng là việc nên làm. Thế nhưng Vẻ ươm Kơnia xong chủ yếu là để... biếu. Đã biếu cây rồi còn mất cả công để đi trồng, theo dõi, chăm sóc. Kơnia của Vẻ đã ra tận đền Hùng, Lăng Bác, Tam Đảo, sân trường Đại học An Ninh ở Hà Nội... nhưng toàn bằng con đường các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng và Vẻ là người thực hiện, kinh phí không có hoặc không bao nhiêu, nói chung là...lõm...
Tôi đã viết về Vẻ và việc ươm Kơnia. Báo phát hành thì có một người ở tận Đăk Tô điện cho tôi hỏi địa chỉ và điện thoại để liên hệ mua Kơnia trồng ở Đăk Tô. Sau này hỏi Vẻ thì anh bảo: có người ấy tìm đến thật, hỏi han xong kỹ thuật trồng thì... chuồn về tìm Kơnia rừng để trồng và rồi... chết hết. Hồi thành phố Pleiku trồng thông di thực ở đường Anh Hùng Núp, nghe nói ông chủ tịch thành phố định làm một hàng Kơnia ở đấy nhưng quân sư của ông bảo không có cây di thực. Bây giờ thành phố đang trồng rất nhiều thông con ở khu phía bắc quảng trường 17/3, giá như có ai đó nhắc, trồng lấy dăm mười cây Kơnia vào một khu thì kể cũng hay. Chắc chắn những cây Kơnia này sẽ giải tỏa nỗi khát khao của rất nhiều người ở Tây Nguyên cả mấy chục năm mà chưa biết Kơnia, chưa kể khách từ nơi khác đến, những người suốt ngày "Em hỏi cây Kơnia, rễ cây uống nước đâu..." mà chưa bao giờ thấy cái rễ ấy nó dài như thế nào. Trong khuôn viên văn phòng tỉnh ủy, anh Vẻ đã trồng mấy cây theo yêu cầu của văn phòng tỉnh ủy, đang sống khá tốt, nhưng mấy ai vào được đấy mà xem...
Sáng nay ngồi uống cà phê rồi xuống thăm vườn, nghe anh kể chuyện thì ngay cả việc lấy vợ anh cũng có vẻ... gàn. Hồi ấy mới tốt nghiệp đại học, là kỹ sư trẻ về làm ở phòng kỹ thuật lâm trường Nam Phú Nhơn. Có một đợt kinh tế mới vào huyện Chư Prông, Vẻ chơi với chú của một cô bé trong tốp ấy. Cô này gọi Vẻ là chú- đương nhiên. Trong số bạn bè cùng lứa thì cô bé này có học bạ sáng láng nhất, thế là anh kỹ sư trẻ dạy thêm Toán Lý Hóa cho cô này ôn thi vào trung cấp lâm nghiệp Tây Nguyên. Thi đậu có giấy báo về nhưng cô này không đi, hỏi sao không đi trong khi bao nhiêu người thi rớt chóng gọng, bảo đi học về ế chồng thì sao. Ông "chú" buột miệng: Không ai lấy tao lấy. Nhớ nhé, "chú" lấy cháu nhé. Hôm sau cô này chạy vào văn phòng ủy ban huyện lấy cái giấy đăng ký kết hôn lưu không, về đưa Vẻ ký và mình ký vào rồi mang vào huyện nộp (hồi này chỉ cấp huyện mới được đăng ký kết hôn), từ "chú" chuyển sang anh chỉ một nhoáng. Rồi cô này đi học và sau hai năm thì... cưới và thành "bà" Vẻ bây giờ. Vẻ kết luận: thì ra nhiều khi mình được yêu mà không biết. Hồi ấy sinh viên mới ra trường khờ khạo. Cũng bởi tại gàn và khờ khạo mà tuy là kỹ sư chính quy ra trường đã mấy chục năm, yêu cây yêu rừng đến thế, bây giờ vẫn chỉ là cán bộ trơn của trung tâm nghiên cứu giống cây trồng Gia Lai...
Hỏi thế bây giờ còn ươm Kơnia nữa không? Bảo vẫn còn nhưng... hết nhuệ khí rồi. Hỏi thế nếu lỡ có người mua nhiều thì sao? Bảo phải đặt trước vài ba năm. Có lời lãi gì đâu bác, sướng thì làm thôi. Vài ba năm ươm là Kơnia đủ để trồng, chứ nếu để nó to như thông chục năm tuổi thì sẽ khó trồng vì nó rễ cọc, phải dùng đến hai ô tô để chở một cây rất tốn kém.
Nói thế nhưng vãn chuyện vẫn thấy ông kỹ sư này vẫn yêu nghề lắm lắm. Giờ đang một mình giữ cái vườn ươm cho dự án của trung tâm, nghe nói kinh phí không có nên cũng èo uột, nhưng vẫn hàng ngày lăn lộn với vườn, ngoài ra lúc nào rỗi thì về vườn nhà mình, năm sáu héc ta cà phê chứ ít đâu. Thì tâm thế trí thức là thế, đã làm là hết mình...
Nguồn: Vanconghung