Tác giả.
Huy Đức - Trương Huy San.
sinh năm 1962 tại Hà Tĩnh.
nhập ngũ tháng 3-1979.
học viên trường Sỹ quan Hoá Học (1980-1983).
chuyên gia quân sự ở Campuchia (1984-1987).
phóng viên báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, và Sài Gòn Tiếp Thị (1988-2009).
blogger của trang Osinblog (2006-2010).
Humphrey Fellow về phân tích chính sách tại Đại học Maryland (2005-2006).
Nieman Fellow về phân tích chính trị tại Đại học Harvard (2012-2013).
_____________
Bên thắng cuộc
Chương 11
Campuchia
Giữa trưa 7-1-1979, khi nghe con rể là Giáo sư Hồ Ngọc Đại đánh thức
báo tin, “Quân ta đã vào Phnom Penh”, ông Lê Duẩn chỉ “ừ” rồi ngủ tiếp.
Ông Hồ Ngọc Đại nói: “Tôi rất ngạc nhiên. Khi nhận được điện thoại từ
Cục Tác chiến tôi cũng không ngờ chuyện long trời lở đất như thế mà ông
vẫn ngủ”. Đưa đại quân đến thủ đô một quốc gia khác tưởng nhẹ tựa giấc
ngủ trưa của một đấng quân vương nhưng phải mười năm sau Quân đội Việt
Nam mới rút được chân ra khỏi đó. Cho dù câu chuyện xảy ra bên ngoài
lãnh thổ, mười năm ấy sẽ trở thành một phần lịch sử Việt Nam,lịch sử can
thiệp vào một quốc gia khác.
“Pot ở đầu phum ta cuối phum”
Theo Tướng Lê Đức Anh: “Khi đánh Campuchia, trong lãnh đạo Đảng ta có
hai ý kiến: một là đánh xong giao lại cho bạn rồi rút về ngay, hai là
đánh xong phải giúp bạn xây dựng cho vững rồi mới bàn giao và rút về
nước… Anh Lê Duẩn bảo đánh xong giao cho bạn rồi rút cho bộ đội về Nam
Bộ làm ruộng”558. Ông Ngô Điền xác nhận, khi mới lên Phnom Penh, ông Lê
Đức Thọ có nói đại ý, “ta cố làm tốt một thời gian, ba tháng, sáu tháng
rồi giao cho bạn”. Nhưng làm sao trong ba hoặc sáu tháng những người
lính Việt Nam có thể “trở về Nam Bộ làm ruộng” khi Khmer Đỏ chỉ mới bị
đánh đuổi chứ chưa bị đánh tan.