Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Vì sao đàn ông thường là đầu bếp.

Tui tin đàn ông nấu sạch hơn, nhanh hơn và ngon hơn mấy bà. Tự ái kệ! Nhà lão, chỗ bếp chật hẹp nên nấu ăn cũng phải tính. Coi kinh nghiệm 10 năm tác chiến chặt to kho mặn trong bếp của đại úi Cạo nè, như oánh nhau vậy!. Những cái cần lưu ý:
Vũ khí:
- Dao, đã bước vào bếp là phải bén. Chỉ cần 3 con dao: 1 cái dày bản lớn để chặt, đập bẹp hành tỏi cho nhanh (thay vì giã), 1 cái cỡ trung để xắt và 1 dao nhỏ để... và làm ruột gà xào mướp. hehe. Về dao xắt cần phải mỏng nên mua hàng Bắc làm, khi nó hơi đùi liếc qua liếc lại dăm cái là xong, khỏi phải mài mất công. Dùng hằng ngày nên không lo sét rỉ.
- Thớt có 2 cái, 1 cái để chặt xắt đồ chưa nấu và 1 cái để xắt đồ nấu rồi hoặc cần đồ sạch dọn ra ăn. Khi chặt đồ cứng bị dồng, thịt cá nhảy, dễ làm hư gạch ốp mặt bàn nên kê khăn lau bên dưới để chặt vừa đầm lại vừa êm.
Đạn dược:
Ba ngày đi chợ một lần, nạp dô tủ lạnh nấu ăn dần. Rau lúc nào cũng phải có, loại này loại khác. Gia vị như chanh ớt... lúc nào cũng có. Hành lá không thể thiếu vì nêm nó vào món nào cũng được. Nhờ vậy mà mình tuy ghiền thuốc lá, rượu bia mà sức phẻ vẫn ngon lành. Tuỳ món mà mua, ở chợ hay siêu thị. Trước khi đi phải nhớ kỹ các thứ cần mua, không nhớ thì ghi ra giấy. Nó giúp mình đỡ tốn thời gian phải đi mua lần nữa, đâm ngại.

Nhờ ơn Tố Hữu mà tui được mặt trời chân lý chói qua tim!

Nhân chiện Khương Tuấn Đạt.K nhắc lại đồng tiền 30 đồng oái ăm ngày xưa.
Năm 1985, lúc ấy tui đang học trường quân sự QK5 ở Hoà Cầm ĐN thì có đợt đổi tiền. Nhằm ngay kỳ lương, tui nhận số tiền không nhớ là bi nhiêu nhưng giá trị nó to lắm. Thời ấy, cái thân thượng quý quân đậu nhăng răng như tui có mơ cũng không dám nghĩ tới. Quá mừng nên ngày chủ nhật, hí hửng cuốc bộ ra quốc lộ 1 đón xe đi thành phố Đà Nẵng. Dồn tiền lương + đổi, tui chơi tất! Mua được 1 chiếc đồng hồ Poljot của LX, 1 chiếc áo khoác,1 xấp vải quần jean và 1 chiếc thắt lưng da. Nhờ vậy mà có bộ mã coi tạm được mới tự tin vi vu, mà chẳng em nào thương, thế mới đau. Nghĩ lại mình cũng có tài kinh tế chứ bộ! haha.
Thời gian kế tiếp đồng tiền rót giá rất nhanh... đời lính như lục bình trôi. Tui bán 1 chỉ vàng 7 năm ở K dành dụm được cộng với lương tháng, ngoài tiêu vặt ra còn lại đem cho cô em con bà dì ở chợ Đầm chơi hụi lấy lời. Khi lấy lại vốn còn lỗ thêm một khúc. Mãi sau này, mới biết "đỉnh cao trí tuệ" của nhà thơ làm phó thủ tướng để lại hậu quả lạm phát hơn 700%. Có ơn phải bênh vực, hehe. ai đổ hết tội cho cụ cũng chưa công bằng đâu nha!
Còn bạn, khi ấy có tiền bạn làm gì?

Đôi khi sự kiện ngẫu nhiên mà thay đổi thói quen cố hữu.

Hồi ở K, mình rất làm biếng chui vào bếp nên lính nấu sao ăn vậy. Ở tổ chuyên gia QS thị xã có một đồng đội dân Quảng Nam , cấp thiếu uý, tính tình rất siêng cải thiện món ăn tươi. Thấy mình thích con dao độ nên chú ấy tìm cái dao lê của súng AK Liên Xô đã hư cán. Chế nó bằng cách lấy vỏ nhựa bảo quản súng đem đốt chảy thành nhựa lỏng, đổ vào quanh cái lỗ dưới đất đã có con dao hư cán đặt sẵn. Rồi gọt cán nhựa cho nhẵn đẹp, đem cho mình.
Sau khi mình về VN mấy tháng thì nghe chú bị chết cùng một đồng đội trung uý nữa do bất cẩn trong khi đánh cá bằng thuốc nổ trên sông. Nhìn con dao kỷ niệm mà thương nhớ người quen, chợt trổi dậy trong lòng câu "muốn ăn phả lăn vào bếp". Từ đó làm mình thay đổi thói quen ngại nấu nướng cố hữu. Thỉnh thoảng cùng anh em tham gia nấu nướng, dĩ nhiên là chỉ chặt to kho mặn là chính...
------------
Hình lưu niệm:
Hai người đã mất là Thiếu uý Thơ đứng thứ 2 hàng trước từ phải qua và Trung uý Thành đứng 2 hàng sau từ trái qua.
Và hình con dao minh hoạ tạm.

Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2020

Thơ Cầu Ông Chừ

Cầu Ông Chừ bắt qua con lạch nhỏ
Đưa em về Bình Ngọc - Hoà An
Đưa em về Đông Bình - Đông Lộc…
Xóm Soi - Xóm Trũng…
Bắp mía sắn khoai…
Trải mút nhem thèm...
Tuổi thơ mình về đây trốn bắt
Trèo cây hái mít, hái xoài
Ăn trộm mía chất đầy ba ga xe đạp
Hít từ Soi hít về tận nhà...

Bao gạo chỉ xanh.

Thời xưa giặc giã loạn lạc mà trong nhà có bao gạo này thì cũng yên tâm, phải không các bạn.

Gia đình đông con đẻ năm một ngày xưa.

Thử tưởng tượng:
Gỉa như một cô gái lấy chồng năm 17, nếu đẻ năm một, không sẩy đứa nào thì năm 27 tuổi đã có 10 con. Một mẹ cho hai con bú cùng lúc.
Đứa lớn phải ẵm dỗ em hay bồng cõng đi chơi. Chúng gọi nhau tao mày, giành ăn chí choé, đánh nhau giành đồ chơi, cha mẹ làm trọng tài phân xử.
Sau khi có đàn con, mẹ vẫn còn duyên chán! Nếu ông chồng lén phéng có thêm bà nữa thì con vợ lớn vợ bé trùng tuổi, có khi hai chục đứa.
Cho nên trong một xóm không bao giờ thiếu bạn chơi là vậy.

Năng lực sản xuất "kinh khủng" của Mỹ trong Thế chiến II.

Nhân chuyện các nước và Mỹ ra sức SX máy thở trong mùa dịch, TC chợt nhớ lại có xem bộ phim tài liệu về hai phe đấu nhau ở Đệ nhị thế chiến. Trong đó có đoạn nói về khả năng của Mỹ sản xuất phương tiện, vũ khí phục vụ cho chiến tranh. Hằng ngày, quân Mỹ và đồng minh bị tiêu hao không biết cơ man nào tàu chiến, máy bay, xe tăng... trong đánh nhau với quân Đức Nhật. Để bù lại thiệt hại, các nhà máy cũ mới thi nhau chạy hết công xuất, 24/24 h ngày/đêm. Trai tráng ra mặt trận còn nữ ở hậu phương thì tham gia làm công nhân quốc phòng, kíp này ra thì kíp khác vào. Mỹ là một cỗ máy sản xuất khí tài khổng lồ mà không một nước nào bì được.
Vài số liệu tham khảo vào lúc cao điểm:
- Về máy bay, Mỹ đã SX 2,3 triệu chiếc máy bay chiến đấu,100.000 chiếc MB ném bom. Máy bay ném bom hạng nặng B-17 và B-24, Mỹ đã sản xuất 31.213 chiếc, nhà máy Willow Run (Ford) đã SX với tốc độ mỗi ngày 1 chiếc..
- Về tàu vận tải 14.000 tấn Liberty Ship, Mỹ đã sản xuất 2.710 chiếc. Con tàu đầu tiên mất 230 ngày để hoàn thành, trung bình 42 ngày, con tàu sx nhanh nhất chỉ mất có 5 ngày để hạ thủy.
- Về hàng không mẫu hạm, Mỹ đã SX 141 chiếc. Chiếc HKMH Bunker Hill có 2.600 thuỷ thủ, từ lúc khởi công đến hạ thuỷ chỉ trong vòng 2 năm.

Ảnh hiếm có: Gia đình Ngô Đình Luyện

Kon Tum - Tiếc nhớ một thời!

(nói các bạn học cũ và những người chỉ biết vật chất là trên hết)
Ngày xưa, chúng mình có bốn nơi gần gũi gắn bó nhiều nhất, đó là: Trường Hoàng Đạo, Khu Giọt nước, Rạp xi nê và Bờ sông Dakbla.
Người nay, người ở xa về lại chốn cũ, mừng vì bộ mặt thị xã Kon Tum thay da đổi thịt, to đẹp hơn nhưng đồng thời có cảm giác hụt hẫng, luyến tiếc cái ký ức ngày xưa không còn nữa.
Đã đành thời gian không thể dừng lại, xã hội luôn phải tiến lên nhưng cái giá của nó phải đánh đổi quá lớn. Con người ngày càng xa rời môi trường thân thiên.
Liệu ngày nay, tuổi trẻ không cần nơi chạy nhảy vui chơi? Con người sống không cần hít thở khí trời đất trong lành? Không cần đắm mình tắm mát trong dòng sông quê hương? Con người sống mà không cần ký ức?
Cái hài hoà cân đối giữa con người với thiên nhiên ở đâu? Sự phát triển trong chừng mực ở đâu? Đi đâu về đâu?
Bạn ở tại thành phố quê nhà, ngoài vài nơi tôn giáo, bạn có gì tự hào giới thiêu với khách phương xa?

Bình Dương có 5 con đường mang tên ĐT 743

Chương trình Ai là tỷ phú.
Hỏi: có mấy con đường ĐT 743 ?
Đáp: có 5 con đường mang tên ĐT 743:
Anh Sâm VTV ngớ người, vội tra Google Maps thấy quá đúng nên thay mặt nhà tài trợ, trao giải "Thiên Tai" của Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho bác Thợ cạo. hehe.
- Đường thứ 1: mang tên ĐT 743 chạy từ ngả tư Gò Dưa đến ngả tư Miếu Ông Cù.
- Đường thứ 2: cũng mang tên ĐT 743 chạy từ QL 13 đến cầu Ông Tiếp (ra QL 1K).
- Đường thứ 3: mang tên ĐT 743A chạy từ ngả ba Tân Vạn QL 1A đến giao với QL 1K.
- Đường thứ 4: mang tên ĐT 743B chạy tiếp từ QL 1K đến cầu Ông Bố (Lái Thiêu).
- Đường thứ 5: mang tên ĐT 743C chạy từ ĐT 743B đến ĐT 743, đoạn ngắn giống hình móc câu.


Tìm kiếm Blog này