Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Giọng xứ Nẫu (Bình Định)

 

GIỌNG BÌNH ĐỊNH

Đào Đức Chương

 

Bài thuyết trình trong “Hội Nghị Quốc Tế về Tiếng Việt: Lịch Sử và Giảng Dạy”

tại Viện Viện Học ở Westminster (California, USA) ngày 7- 7- 2007

Điểm đặc biệt của dân tộc ta là suốt từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ xưa đến nay, người Kinh đều nói một thứ tiếng và tất cả các dân tộc thiểu số, ngoài tiếng nói riêng của dân tộc mình, họ cũng nói rành tiếng Việt. Hơn thế, trên toàn quốc, người Việt Nam đều dùng một thứ chữ viết. Tuy nhiên, nước ta trải dài qua nhiều vĩ tuyến, điểm cực Bắc thuộc xã Lũng Cú huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang ở 23º 23’ phút Bắc vĩ tuyến, điểm cực Nam (không tính hải đảo) là mũi Cà Mau ở 8º 30’ Bắc vĩ tuyến; nước ta lại có nhiều sông ngòi và núi non chắn ngang, nên địa hình và phong thổ mỗi nơi một khác làm ảnh hưởng đến giọng nói. Vì thế, trong cái chung về ngôn ngữ thì ở mỗi miền lại có thổ ngữ và giọng nói đặc trưng cho vùng đó. Tuy vậy, sự cách biệt không nhiều, nên bất cứ người ở khác vùng nói chuyện, vẫn hiểu.

Đất Bình Định chạy dài từ đèo Bình Đê (phía Bắc) đến đèo Cù Mông (phía Nam) đều có chung một giọng nói. Tuy nhiên nếu để ý, mà phải là người địa phương mới nhận biết được, giọng nói của người ở vùng Bắc Bình Định (từ Bồng Sơn trở ra) cứng hơn một tí, vì hơi giống giọng Quảng Ngãi.

Bàn về giọng Bình định, thử xét qua các điểm về Thổ ngữ, Thổ âm, Lối nói Bình Định, Nguồn gốc giọng nói, Đặc điểm giọng nói và sau cùng là Tầm ảnh hưởng.

A – THỔ NGỮ

Ngày nay, nhờ phương tiện truyền thông tân tiến và giao thông tiện lợi, việc tiếp xúc giữa dân cư các vùng không còn bị cách trở, cô lập. Bởi thế, một số tiếng địa phương (phương ngữ) không còn tính cách riêng tư của một vùng, một số khác bị đào thải vì không còn thích hợp nữa. Tuy nhiên, với yếu tố phong thổ của mỗi vùng, vẫn còn một số thổ ngữ và thổ âm đặc trưng cho địa phương đó, đủ sức vượt mọi hoàn cảnh để tồn tại với thời gian.

Cũng như các tỉnh khác, Bình Định có nhiều thổ ngữ, cấu tạo bởi hai yếu tố: biến thể từ một tiếng đã có sẵn nhưng vẫn giữ nguyên ngữ nghĩa, hoặc từ ngữ không biến đổi nhưng hiểu theo một nghĩa khác với nghĩa chữ ban đầu. Dưới đây, chưa thể gọi là liệt kê đầy đủ số thổ ngữ của Bình Định, nhưng có đủ mặt các loại thổ ngữ vừa nêu trên.

I – THỔ NGỮ TIÊU BIỂU

01 – Ảnh mơi: còn gọi là Đảnh mơi hay Thảnh mơi tức là sáng ngày mai, sáng mai. Thổ ngữ này rất phổ biến trong vùng, ca dao Bình Định có câu:

Ai dìa ai ở mặc ai,

Áo già ở lại ảnh mơi mới dìa.

Mặc dù “ai” bắt vần với “mơi” không được chỉnh như tiếng “ai” và “mai”, nhưng người Bình Định không quen gọi là “sáng mai.”

02 – Bãi tạt rảnh: dẹp đi cho rồi.

Thí dụ: Có chút việc mà làm không xong, bãi tạt rảnh

03 – Báng họng: cổ họng

Thí dụ: Để cho tui nói cái đã, sao cứ chận ngang cái báng họng.

04 – Beng: so sánh, bì. Bài chòi Bình Định có câu:

Con vợ tui tốt tợ tiên sa,

Coi trong thiên hạ ai mà dám beng.

05 – Bườm: nói trại từ tiếng “buồm”, là tấm vải dày hay cói đan, căng trên thuyền để hứng gió, nhờ sức gió đẩy thuyền chạy. Trong bài Vè Các Lái (hát ra), lưu hành tại Bình Định, có thổ ngữ này:

Thuận bườm xuôi gió một phen,

Ghé vô cửa Giã trong miền Hòn Mai.

06 – Cái: tất cả, thảy đều. Thổ ngữ xưa, nay không dùng. Trong văn bản Hát bả trạo, lưu hành tại Bình Định, ở phần mở đầu có dùng thổ ngữ này:

Tổng hậu (ra lệnh):

Ớ bá trạo!

Cái khai thuyền hầu trạo.

Con trạo (đồng thanh):

Dạ!

07 – Cành nanh hay cành hanh: đành hanh. Trẻ em hoặc phụ nữ trẻ có thái độ ngang bướng, đòi phải được lãnh phần hơn đồng lứa với nó một cách vô lý.

Thí dụ: Đứa bé đòi độc quyền nằm bên mẹ, không cho anh em của nó được cùng nằm chung. Người mẹ bèn mắng: “Con nhỏ cành nanh quá!”

08 – Cầm đũa: khi ngồi vào bàn ăn, người Bình Định tiếp khách bằng câu nói “mời cầm đũa” tức là mời ăn.

09 – Cha chả: cùng nghĩa với thán từ “chà,” thường dùng trong những tuồng hát bội Bình Định, đặt trước câu nói để biểu lộ sự ngạc nhiên, bực tức, hay tán thưởng.

Thí dụ: Trong tuồng Trầm Hương Các của Đào Tấn, phần cuối: Bá Lộc đài xây xong, vua Trụ mở hội Diêu Trì, thỉnh tiên phó yến. Đát Kỷ bèn mời đồng loại là đám yêu tinh, giả làm quần tiên đến dự. Trong lúc quá chén, lũ yêu để lộ chân tướng, nên gấp rút cáo lui.

Mở đầu lớp 16, bầy yêu nói: “Cha chả là say thôi! Tốc tốc phản hồi động lý, Man man phi liễu tiên đài” (Chóng chóng trở về hang động, Mau mau rút khỏi đài tiên).

10 – Chẹ: còn gọi là chớ ẹ, tương đương với tiếng “mà” đặt ở cuối câu để biểu thị ý cầu xin, năn nỉ, hay khẳng định, hoặc giải thích, với tính thuyết phục người đối thoại. Vậy “chẹ” là tiếng đệm, tiếp sức cho lời thỉnh cầu mạnh lên.

Thí dụ: Đứa em nhỏng nhẻo nói: “Anh Hai cõng em đi chẹ!”

11 – Chộp rộp: dùng thay cho chữ “chộn rộn.” Trước kia người Bình Định rất quen dùng, nên thường thấy trong bài vè cổ, nay không còn thông dụng nữa:

Tao làm tội tao chịu cho,

Bay không chộp rộp sợ lo nỗi gì.

(Vè Chú Lía)

12 – Chớp ảnh: còn gọi là chốp ảnh, chộp ảnh, tức chụp ảnh. Theo nghĩa thông thường, trước kia người ta dùng chữ “chớp ảnh” hay “chớp bóng.” Nay dùng chữ “chiếu phim”, đều chỉ chung cho việc chiếu ánh sáng qua phim đã ghi hình, để hình ảnh ấy hiện lên màn ảnh. Ở Bình Định chữ “chớp ảnh” lại có một nghĩa khác là dùng máy hình để chụp ảnh.

Thí dụ: Sau một tấm ảnh, thay vì ghi là: “Chụp ảnh tại…ngày.. tháng.. năm…”, thì người Bình Định, nếu dùng thổ ngữ, lại đề là: “Chớp ảnh tại…”

13 – Chui cha: tiếng tán thán được đặt trước câu nói để biểu lộ sự ngạc nhiên, trầm trồ, than thở, giải bày…

Thí dụ: Chui cha mày quơi (ơi)! Tao mới giừa (vừa) đau một trận giữ (dữ) lắm.

14 – Chưng hửng: theo nghĩa thông thường là sửng sốt, rất ngạc nhiên, tạo trạng thái ngẩn người, vì sự việc xảy ra trái với dự đoán. Nhưng đối với người Bình Định, còn dùng từ ngữ “chưng hửng” với nghĩa là: nói năng vô duyên, lảng nhách, không ăn nhập vào đâu cả.

Thí dụ: Người em bày tỏ một ý kiến gì đó, người chị không vừa ý, bèn nói: “Chưng hửng quá!”, hoặc nói: “Chưng hửng nà!”

15 – Dẫy na: tương đương với tiếng “vậy hả”

Thí dụ: Người con khoe:

– Mẹ ơi! tháng này con học đứng nhứt lớp.

Người mẹ vui mừng đáp:

– Dẫy na.

Ngoài ra còn có các tiếng: Dẫy nghen: vậy nhé; Dẫy á: vậy đó.

16 – Dẹ: gớm, ghê; tỏ ý chê bai, không đồng tình với ý người đối thoại.

Thí dụ: Thằng A nói với B: “Con C đẹp quá!”

Thằng B bĩu môi nói: “ Dẹ!”

17 – Dện: nện, tác động mạnh từ trên xuống.

Thí dụ: Tao dện cho nó một đạp.

18 – Dến: đánh với tác động ngang.

Thí dụ: Mày dến cho nó một tát tai.

19 – Dí, thá, dớn dọ, dọ: các thổ âm này là tiếng dùng làm âm hiệu để điều khiển trâu, bò trong việc cày bừa và chăn dắt. “Dí” là khẩu lệnh cho bò đi lệch về bên phải, “thá” bên trái, “dớn dọ” đi chậm chuẩn bị dừng, “dọ” đứng hẳn lại, không đi nữa.

20 – Dìa: thay cho chữ (đi) “về.” Văn bản bài Vè Các Lái (hát vô) chép:

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

nhưng người Bình Định quen hát:

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai dìa Gia Định, Đồng Nai thì dìa.

21 – Dọi: tiếng lóng của dân chài, chỉ hiện tượng dậy sóng ở biển khơi, khi có Ông (tức cá voi) xuất hiện:

Đến khi phụ mẫu rằng nghe,

Thấy tin lên dọi quay lui trở về.

(Hát bả trạo)

22 – Dữ ngư: rắn mặt, lờn mặt. Tiếng để nói trẻ con không vâng lời, khó dạy bảo. Địa phương có câu khuyên: “Thương con phải kín đáo kẻo nó dữ ngư.”

23 – Đứng: đấng (danh từ), chỉ cho người được suy tôn vì có công lao, sự nghiệp hay phẩm cách cao quý đáng trọng.

Biết mặt lúc này mới biết,

Đứng (đấng) làm người có việc phải lo.

(Hát bả trạo)

24 – Ẻ mà: dùng như chữ “nhưng mà,” nay không còn thông dụng nữa.

Trong tuồng Hộ Sanh Đàn của Đào Tấn, văn liệu dẫn chứng, ở đoạn Dương Tú Hà giận chồng có tên là Tiết Nghĩa mà lại nhẫn tâm làm việc đại bất nghĩa, nên bà đã thắt cổ tự tử. Tiết Nghĩa hay tin, bèn nói với quân hầu:

“Ẻ mà đáng kiếp ! Quân bay,

Thi hài nọ sơn trung mai táng (đem chôn trong núi) đi cho rảnh.

25 – Giã: tiếng chỉ cho làng đánh cá ở ven biển. Trong bài Vè Các Lái (hát vô) có thổ ngữ này:

Cửa Giã có hòn án ngoài,

Các lái thường ngày hay gọi Lao Xanh.

“Cửa Giã” trong bài này là cửa đầm Thị Nại.

26 – Hé: luôn luôn đứng sau câu để vừa hỏi vừa khẳng định: Mạnh giỏi hé?

hoặc để khen ngợi, trầm trồ: Đẹp quá hé!.

27 – Hử: ngửi, hít vào bằng mũi để nhận biết, phân biệt mùi vị.

Thí dụ: Cá ương, hử nghe mùi hôi.

28 – Hữ: biến thể của trạng từ “hả,” thường đặt ở cuối câu hỏi, nhằm xác định thêm điều mình đang nghi vấn.

Trong tuồng Hộ Sanh Đàn của Đào Tấn, văn liệu dẫn chứng, trước khi Tú Hà quyên sinh vì giận chồng, đã có đoạn: Tiết An vào báo cho bà biết việc Tiết Nghĩa (chồng của bà) đã tham danh lợi, lừa bắt ân huynh là Tiết Cương, giải nộp cho Võ Hậu. Khi Tiết An vừa mới nói: “Dạ, phu nhân hữu cấp sự” (Dạ bẩm phu nhân có việc gấp). Tú Hà đoán việc chẳng lành, vội hỏi ngay: “Hà sự hữ?” (Việc chi hả).

29 – Í chui: tiếng tán thán, thốt ra vì đau đớn không chịu đựng được, khi bị một lực tác động mạnh vào cơ thể.

Thí dụ: Í chui, (cây) gai đâm đau quá!

30 – Lèo: dây cột buồm.

Nới lèo rán [1] lái mau mau

Châu Me, Lò Rượu sóng xao Hòn Nhàn.

(Vè Các Lái – Hát vô)

31 – Lúa co: tên của một loại lúa có hạt gạo đỏ. Ca dao Bình Định có câu:

Đừng ham gạo trắng thơm tho,

Lúa trì cùng với lúa co chắc lòng.

32 – Lừa: là động từ, nói trại từ tiếng “lùa”

Thí dụ: Nông dân lừa trâu ra đồng ăn cỏ.

33 – Mược: cũng là động từ, biến thể từ tiếng “mặc,” nhưng vẫn giữ nguyên ngữ nghĩa: Để tùy ý, không thèm nói đến, hoặc không biết gì đến. Không để ý đến, coi như không có gì, tuy biết rõ là có trở ngại, nguy hiểm. Ca dao trong vùng có câu:

Nem chua chợ Huyện

Giấy quyến Sa Huỳnh

Nẫu xa mược nẫu

Dẫu gì đi nữa

Hai đứa mình đừng xa.

34 – Na: tương đương với chữ “sao,” biểu thị ý nhấn mạnh mức độ làm ngạc nhiên. Trong bài thơ Tạ Ơn Năm Đầu của Việt Thao có dùng thổ ngữ này:

Thân bèo năm tháng hẫng trôi,

Gió đem cái lạnh hay đời lạnh na?

35 – Nại: Theo các từ điển [2], “nại” là ruộng muối, chỗ làm muối. Nhưng với thổ ngữ Bình Định, tiếng “nại” chỉ dùng để gọi vùng đất chuyên làm muối, nằm ven bờ Tây đầm Thị Nại. Đoạn từ thôn Nhơn Ân (phía bắc), Bình Thới, Quảng Vân, An Định, Lương Nông đến thôn Bình Thạnh (phía nam). Thí dụ: chỗ nại, dân nại, ở nại, vùng nại, làng nại… Và người ta thường nói: “Lên nguồn xuống nại,” để chỉ cho việc lên vùng núi cao ở phía Tây Bình Định và xuống vùng ruộng muối các thôn nói trên. Ở Bình Định, ngoài đầm Thị Nại, còn nhiều vùng làm muối khác, nhưng họ không gọi nơi đó là “nại.” Có lẽ muối đầm Thị Nại đặc biệt được triều đình chọn dùng.

36 – Nậu: Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch , trang 191, đề cập đến việc Ký lục Chính dinh Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ ở xứ Quảng Nam, vào tháng tư năm Bính Ngọ (1726), có định rõ chức lệ cho các thuộc (tổng mới lập). Sách đã dẫn: “Mỗi thuộc đều lấy những thôn, phường, nậu, man lẻ tẻ họp lại (nậu nghĩa là làm cỏ ruộng, tục gọi đám đông người là nậu, ý là hợp nhiều người để làm ruộng).”

Trên đây, tiếng “nậu” chỉ dùng để gọi những người cùng làm ruộng. Nhưng ở Bình Bịnh, đại danh từ này được dùng rộng rãi: gọi những người cùng giới, cùng nghề nghiệp, cùng chỗ ở, cùng sinh hoạt, hay cùng hoàn cảnh. Vậy “nậu” luôn luôn ở ngôi thứ ba số nhiều và phải đi kèm với một danh từ theo sau nó mới đủ nghĩa. Chẳng hạn như: “nậu nguồn” là tiếng gọi chung những người ở miền thượng du, “nậu hạ bạn” chỉ chung cho dân sống ở vùng cửa sông đổ ra biển, “nậu rổi” (phát âm sai thành “nậu rẩu”) là những người đàn bà chuyên bán cá ở các chợ, “nậu hàng xén” là nhóm người bán hàng tạp hóa ở vỉa hè hay ở chợ, “nậu bạn hát” chỉ chung cho nam nữ diễn viên chuyên nghề hát bội. Ca dao Bình Định thường dùng đến tiếng “nậu:”

Ai về nhắn với nậu nguồn

Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên.

Hoặc

Đừng chê nậu rổi tanh hôi,

Có nhờ nậu rổi mới rồi bữa cơm.

37 – Nẫu: là hiện tượng biến đổi thanh điệu nhưng vẫn giữ âm trầm, nghĩa là chỉ chuyển từ dấu nặng sang dấu ngã. Tiếng “nậu” chuyển hóa thành “nẫu,” vẫn là đại danh từ, nhưng ý nghĩa của nó rất rộng rãi và không cần một danh từ đi kèm. “Nẫu,” được dùng ở ngôi thứ ba, số ít, cả số nhiều, có nghĩa là họ, người ta, người ấy. Tiếng “nẫu,” còn thấy ở ngôi thứ nhất (tôi) và ngôi thứ hai (mầy, anh, em) nhưng dùng hạn chế.

* Tiếng “nẫu” ở ngôi thứ ba số ít, trong ca dao Bình Định có nhiều, chẳng hạn như:

Thương chi cho uổng công trình,

Nẫu về xứ nẫu, nẫu bỏ mình bơ vơ.

* Tiếng “nẫu,” được dùng ở ngôi thứ ba số nhiều, trong bài chòi Bình Định, câu thai Ngũ trợt có đoạn:

Ngó ra ngoài chợ,

Nẫu bán trạnh cày.

Roi mây lưỡi cuốc,

Nẫu bày nghinh ngang

* Ở ngôi thứ hai số ít, tiếng nẫu được dùng với bạn thân, người yêu, có thể nói: “Nẫu đi đâu giậy (vậy)?” với giọng hạ thấp để biểu lộ sự thân mật, trìu mến. Trong ca dao Bình Định cũng có câu:

Nẫu về Bình Định chi lâu,

Bỏ tui ở lại hái dâu một mình.

* Đôi lúc còn thấy tiếng nẫu ở ngôi thứ nhất, khi bày tỏ giọng điệu nũng nịu, yêu đương. Thí dụ:

Chồng hỏi: “Nẫu đi ngủ chưa?” (ngôi thứ hai)

Vợ đáp: “Nẫu hổng đi ngủ!” (ngôi thứ nhứt)

* Cũng trong ngôi thứ nhất, có khi dùng “nẫu” để đáp lại với thái độ hờn lẩy, nhẹ nhàng: “Nẫu làm gì thây kệ nẫu, hỏi chi hé!”; nếu muốn xẳng hơn một chút, thì đáp gọn: “Kệ nẫu.”

Nậu và nẫu là thổ ngữ đặc biệt nhất của xứ Bình Định, vì vậy người ở các tỉnh khác gọi đùa người Bình Định là “dân nẫu.”

38 – Nghe: tiếng đệm sau một câu, đồng nghĩa với trạng từ “nhé,” có hai chức năng:

* Để tỏ ý thân mật. Thí dụ: Cháu đi mạnh giỏi nghe!

* Còn có ý nghĩa là ân cần dặn dò, như trong bản Hát bả trạo, văn liệu dẫn chứng ở đoạn, Tổng khoang nhắc nhở bạn chèo qua câu nói lối:

“Truyền cho bả trạo nghe Tổng tiền (mà) hò cho tử tế chứ chẳng chơi, nghe!”

39 – Óng: xa quá, vượt quá mục tiêu.

Thí dụ: Trên xe buýt, một hành khách kéo dây báo hiệu dừng ở trạm tới, nhưng tài xế vì lơ đãng chạy luột qua nơi muốn ngừng. Hành khách càu nhàu: “Chạy óng đâu tuốt quãy!”

40 – Ờ hé: tức là “vậy à,” tiếng hỏi gằn lại để tô đậm việc vừa nghe qua.

Thí dụ: Vợ nhắc chồng: “Chiều nay anh nhớ về sớm, đi dự sinh nhật của cháu Vân.” Chồng sực nhớ, bèn đáp: “Ờ hé! suýt nữa anh quên mất.”

41 – Quá: như.

Theo nghĩa thông thường: “quá” là vượt qua mức thường (trạng từ), vượt ngang (động từ), lỗi lầm (danh từ), tương đương với chữ “ngóa” (đại danh từ: Quá thì hốt thuốc, lứ bong vụ – Thơ Học Lạc). Nhưng với thổ ngữ Bình Định, tiếng “quá” đồng nghĩa với chữ “như,” dùng trong các câu nói ví. Thí dụ: Trong bài Vè Dư Đành có câu:

Dư Đành sức mạnh quá trâu,

Vùng lên quấnh (đánh) ngã cả xâu triều đình.

42 – Quã: biến thể từ tiếng “ủa,” mang hai chức năng:

* Lúc đơn thuần tỏ sự ngạc nhiên. Thí dụ: Quã, anh qua Mỹ hồi nào?

* Khi dùng để biểu lộ sự bực mình, cũng do sự ngạc nhiên đem lại:

Thí dụ: Quã, sao mầy quấnh (đánh) tao?

“Quã” và “hữ” là hai thổ ngữ thường dùng nhất trong khi nói chuyện với nhau.

43 – Quải: tương đương với từ ngữ “cúng giỗ.”

Trong bài Vè Chú Lía, văn liệu dẫn chứng ở câu 1242, gánh hát bội bầu Lễ bị Lía gọi lên sơn trại trình diễn. Bởi trước đó có nhiều ông bầu bị Lía chém đầu vì hát dở, bầu Lễ thế buộc phải ra đi trong lo sợ:

Nghĩ thôi lệ nhỏ dầm đàng,

Đi khắp xóm làng từ giã bà con.

Vợ con khóc lóc thở than,

Quải đơm tế sống đã an mọi bề.

44 – Quãy: ngoài đó, ngoài ấy. Thí dụ: Dìa quãy, tức về ngoài đó.

45 – Quấnh, quýnh: nói trại từ tiếng “đánh.” Xem thí dụ thổ ngữ “quã,” số 41.

46 – Quớ: bớ. Tiếng đứng trước dùng để lấy trớn gọi lớn cho người ở xa nghe được. Thí dụ: Quớ mẹ quơi (ơi)! Quớ làng xóm quơi (ơi)!

47 – Quợ quợ: chiếu lệ, lấy lệ.

Thí dụ: Anh chẳng làm được trò trống gì, chỉ theo quợ quợ thôi.

48 – Rội: thêm vào, châm thêm.

Thí dụ: trong bữa cơm đãi khách, người chủ nhà thấy các thức ăn trong mâm đã cạn, vội gọi người hầu bàn: “Rội đồ ăn (thức ăn) lên bay!”

49 – Soi: nương, bãi đất cao ven sông, chuyên trồng hoa màu như đậu, bắp, mè, hoặc trồng dâu nuôi tằm. Bài thơ Cho Quê Ngoại của Việt Thao, có dùng thổ ngữ này:

Hàng sung rũ bến đò ngang,

Mênh mông lúa trải, ngút ngàn bắp soi.

50 – Sướng mạ: nghĩa thông dụng là chỗ đất để gieo mạ, ruộng gieo mạ, đám mạ. Ở Bình Định tiếng “suớng mạ” dùng với nghĩa hạn hẹp hơn, tương đương với luống mạ tức là dải đất có gieo mạ. Vì trong một đám mạ, thường chia ra làm nhiều luống dài và hẹp chừng 2 mét, giữa các luống có chừa lối đi nhỏ.

Thí dụ: Mày làm việc chậm rì, cả ngày mà nhổ không xong một sướng mạ.

51 – Thàn: hiền khô, tức là bản chất rất hiền lành mà còn biểu lộ sự chân thật rõ trên nét mặt.

Thí dụ: Ông ấy thàn quá!

52 – Thắt thể: tương đương với chữ “như thể.”

Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo (1869- 1934) lãnh tụ Phong trào Kháng Thuế ở Bình Định, qua bài thơ Trong Tù (dài 46 câu), Ông có dùng thổ ngữ này:

Bề gia thất con thơ lịu địu,

Vợ trông chồng thắt thể vọng phụ.

53 – Thộn: ngây ngô, đần độn (tĩnh từ); nhưng với thổ ngữ Bình Định có nghĩa là ăn một cách ham hố quá mức (động tự).

Thí dụ: Thấy em đòi ăn quá, chị nói lẩy:

– Đấy, mầy thộn vô cho hết !

54 – Thưng thưng: nhanh và êm ả.

Trong bài Vè Các Lái (hát ra), đoạn tả cảnh vùng biển huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, có dùng thổ ngữ này:

Vũng Cù sóng vỗ lao xao,

Nồm thổi ngọt ngào, ghe chạy thưng thưng.

55 – Vời: biến thể từ tiếng “khơi” là vùng biển ở xa bờ. Vè Các Lái (hát vô):

Hòn Sụp ta sẽ buông khơi,

Trọng vịnh, ngoài vời, núi đất mênh mang.

II – THỔ NGỮ THEO ĐÀ NAM TIẾN

Tùy theo nguồn gốc, nhóm thổ ngữ này có hai loại:

A/ Thổ ngữ gốc gác từ các tỉnh Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, đời Hồng Đức (1470- 1497), theo lớp người di dân vào định cư phủ Hoài Nhơn, như tiếng:

01 – Ghè: tiếng gọi chung ba loại chum, vại, lu, cỡ nhỏ và bằng sành. Cũng trong bài Vè Các Lái (hát vô) có câu:

Gặp nhau chưa nói đã cười,

Kìa núi Từ Phú là nơi nhiều ghè.

02 – Té ra: chuẩn bị nói ra những điều bất ngờ vừa nhận thức được, nên thổ ngữ này thường đứng đầu câu và tương đương với từ ngữ “thì ra, hóa ra.”

Trong tuồng Cổ Thành của Đào Tấn, văn liệu dẫn chứng ở đoạn Quan Vũ được Tào Tháo thả cho về đất Tây Thục, khi qua ải do Hạ Hầu Đôn trấn giữ, bị chặn lại vì hắn không muốn thả cọp về rừng.

Hạ Hầu Đôn nói: “Giỏi đánh với Đôn đã!”

Quan Vũ trả lời: “Té ra ngươi đã muốn đề thương chấp kích. Vậy thì ta cũng nguyền sánh mã giao phong.”

03 – Vát: xiên, lệch sang một bên. Với Bình Định, “vát” là tiếng lóng của dân chài, chỉ sự việc kéo xiên xiên lá buồm để thích nghi với thuyền chạy ngược gió. Bài Vè Các Lái (hát vô), có đoạn:

Vát ra khỏi mũi Sa Hoàng

Kìa kìa ngó thấy Tam Quan nhiều dừa.

B/ Thổ ngữ phát sinh từ Bình Định, theo đà Nam tiến đến tận Nam Kỳ, cũng được xếp vào nhóm thổ ngữ Bình Định, như tiếng:

04 – Bậu: đồng nghĩa với đại danh từ (pronouns) “em, nàng, mình,” dùng gọi vợ hay người yêu của ta. Trong hội bài chòi, gặp con bài Tứ cẳng, còn gọi là Tứ ghế hay Tứ móc, chú Hiệu thường hô câu thai có thổ ngữ này:

Một hai bậu nói rằng không,

Dấu chân ai đứng bờ sông hai người.

05 – Chàng ràng: Theo nghĩa thông dụng là quanh quẩn bên cạnh, không rời. Ở Bình Định, tiếng “chàng ràng” còn biểu thị tình trạng ham muốn cả hai, không dứt khoát bên nào. Ca dao Bình Định dùng nhiều đến chữ này theo nghĩa thổ ngữ, có khi đặt ở đầu câu:

Chàng ràng ếch ở hai hang,

Như chim hai ổ, như nàng hai nơi.

có lúc đặt ở cuối câu:

Chợ chiều nhiều khế ế chanh,

Nhiều con gái lứa nên anh chàng ràng.

06 – Chầu rày: lúc này, hồi này, khoảng thời gian này. Bài chòi Bình Định gặp con bài Bát bồng, Hiệu thường hô câu thai:

Chầu rày đã có trăng non,

Để tui lên xuống có con em bồng.

07 – Cỏn, Thẵng: đại danh từ ngôi thứ ba số ít, “cỏn:” con ấy, con vợ mày; “thẵng:” thằng ấy, thằng chồng mày; và dùng cho người trên nói với con cháu một cách thân tình.

Thổ ngữ này theo đà Nam tiến vào miền Lục tỉnh, nhưng giọng Nam quen phát âm thiếu dấu ngã (~), nên “cỏn, thẳng” cả hai đều mang dấu hỏi và trở thành phương ngữ Nam Bộ.

Trong khi đó, Bình Định, phát âm đủ sáu dấu (ngang, huyền, hỏi, ngã, sắc, nặng) nên “thẵng” mang dấu ngã.

Thí dụ: Người cô hỏi đứa cháu gái: “Thẵng đi đâu rồi?”

Người cháu trả lời: “Dạ, ảnh (chồng cháu) mới đi ra phố.”

08 – Đặng: được, đạt tới (động từ).

Thí dụ : Tuổi đặng (được) sáu mươi rồi.

Bình Định còn dùng “đặng” với ngữ nghĩa là “để” (trạng từ)

Thí dụ: Ớ Trung khoang!

Phó cho Trung khoang gìn giữ nội thuyền

Đặng (để) canh lấy nước non mà tát.

(Hát bả trạo)

09 – Gởi: nói trại âm tiếng “gửi.” Ca dao Bình Định có câu:

Bơ vơ thì mặc bơ vơ,

Nẫu về xứ nẫu, nẫu gởi thơ cho mình.

10 – Hén: là thán từ đặt cuối câu, tương đương với tiếng “phải không, nhỉ”; trình bày dưới hình thức câu hỏi, nhằm tranh thủ sự tán đồng của người nghe:

Thí dụ: Vui quá hén!

11 – Hông, Hổng: là trạng từ, biến đổi từ tiếng “không,” trong câu trả lời biểu thị ý phủ định.

Thí dụ: Chồng hỏi vợ: “Em ăn hông”

Vợ trả lời: “Hổng ăn”

12 – Hun: biến đổi từ tiếng “hôn,” là áp môi hoặc mũi vào thân thể một người khác, thường ở mặt và tay, rồi hít vào để tỏ lòng yêu thương, quý mến.

Thí dụ: Mẹ hun con.

13 – Mau (còn gọi là mâu): nhanh, lanh. Phương ngữ này đã thành phổ thông trong thơ văn, đơn cử câu thai Nhứt nọc của bài chòi Bình Định:

Tiếng ai văng vẳng kêu đò,

Mau mau nhổ nọc chèo qua rước người.

14 – Qua: đồng nghĩa với đại danh từ ngôi thứ nhất “tôi, ta, tao.”

Tiếng “qua” chỉ dùng cho bậc đàn anh xưng với đàn em hoặc với người cấp dưới. Ca dao Bình Định có câu:

Hầu (hồi) nào làm bạn với qua,

Bây giờ bỏ bạn đi ra ăn mày.

“Qua” còn dùng khi chồng xưng với vợ và để đối lại với tiếng “bậu,” chồng gọi vợ. Ca dao địa phương cũng có câu:

Cỏ mọc bờ giếng cheo leo,

Lâm chung có bậu, hiểm nghèo có qua.

15 – Ráng: đồng nghĩa với chữ “cố, gắng sức.”

Trong văn bản hát bả trạo, lưu hành ở Bình Định, có đoạn Tổng khoang diễn hát với bạn chèo qua câu nói lối đã dùng thổ ngữ này: “Ớ bá trạo ơi! Anh em ráng mà đưa thuyền cho tới nơi giang đáo xứ túc hộ trì.”

16 – Trển: trên đó, trên ấy.

Bài vè Chợ Gò Chàm, chú Hiệu dùng thổ ngữ “trển,” hô bài chòi cho câu thai Ngũ trợt:

Buôn mọi bán rợ,

Mấy chú An Khê.

Ở trển đem về,

Xấp trầu nài rễ.

B – THỔ ÂM

Phần lớn thổ ngữ là sự biến thể một số từ ngữ ở một vùng nhỏ hẹp và là tiếng nói lưu hành ở từng địa phương, còn thổ âm là giọng nói đặc trưng của một vùng có cùng tính chất phong thổ.

Người Bình Định, giọng nói sang sảng, phát âm rõ ràng L với N, S với X, trong lúc có một số miền khác không thể phát âm đúng (xem phần đặc điểm giọng nói); nhưng bởi giọng cứng, nên gặp phải một số trường hợp sau đây:

I – PHÁT ÂM SAI

Trên toàn cõi nước ta không có vùng nào phát âm hoàn toàn đúng, mà cũng không có vùng nào phát âm hoàn toàn sai; và các điểm đúng, sai ấy không hoàn toàn giống nhau. Ở Bình Định, do bản chất của giọng nói ít để ý đến cách phát âm, nghĩa là không chịu khó phát âm cho trọn tiếng, nên thường nói sai các vần dưới đây. Tuy nhiên, ngày nay do sự truyền thông và tiếp xúc rộng rãi, người dân ở thành phố và lớp trí thức đã phát âm đúng khá nhiều, còn ở thôn quê cũng có phần sửa đổi.

1 – Vần ÔI phát âm thành ÂU: Các tiếng như “Cầu Đôi, thôi rồi, con đồi mồi…” phát âm thành “Cầu Đâu, thâu rầu, con đầu mầu…,” nay vẫn còn thông dụng.

Vì vậy, người Bình Định ở thôn quê hát câu ca dao sau đây, nếu viết theo phát âm sẽ là:

Cầu Đâu nằm cạnh tháp Đâu,

Vật vô tri còn biết đèo bòng đâu lứa

Huống chi tui với nàng.

Nhưng lại có trường hợp biệt lệ, tiếng “tôi” người ta không phát âm thành “tâu” mà nói trại là “tui.”

2 – Vần OA, OE phát âm thành A, E và nếu có phụ âm mở đầu là Kh, phát âm thành Ph. Các tiếng như “khoa trương, khoe khoang, khỏe khoắn…” phát âm thành “pha trương, phe phang, phẻ phắn…,” nay đã sửa đổi nhiều.

3 – Vần OM và ƠM phát âm thành ÔM: Các tiếng như “lom khom, tối om, ăn cơm, sáng sớm…” phát âm thành “lôm khôm, tấu ôm, ăn côm, sáng sốm…”; nay vẫn còn dùng nhưng giới hạn trong gia đình và đồng hương thân tình.

4 – Vần ƯƠI phát âm thành Ư: Các tiếng như “người ta, đười ươi, cười tươi, cây bưởi…” phát âm thành “ngừ ta, đừ ư, cừ tư, cây bử…”

Thí dụ: Nếu viết theo phát âm sẽ là:

Trèo lên cây bử hái hoa,

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.

5 – Vần ÊP phát âm thành IP: Một số tiếng như “bếp lửa, rượu nếp, xếp đặt” phát âm thành “bíp lửa, rượu níp, xíp đặt.”

6 – Tiếng ƠI được thêm QU ở phía trước:

Những tiếng như “Trời ơi! Làng xóm ơi! Em ơi!…” phát âm thành “Trời quơi! Làng xốm quơi! Em quơi!…” Vẫn còn thông dụng ở miền quê.

7 – Phụ âm khởi đầu bằng V và D phát âm thành G:

Hai câu dưới đây, nếu viết theo phát âm của Bình Định sẽ là:

Thầy giáo giạy giỗ (dạy dỗ) chúng em.

Cho em đi theo giới (với).

8 – Các trường hợp khác đã phát âm sai:

“Ông ngoại” phát âm thành “ông quại.”

“Ngoài kia” phát âm thành “quài kia.”

II – PHÁT ÂM BIẾN GIỌNG

Phát âm sai có tính cách chung cho toàn tỉnh, còn phát âm biến giọng chỉ xảy ra cho một vùng rất nhỏ, hoặc vì ở lân cận với miền có giọng nói khác, hoặc sinh sống nhiều đời ở những làng hẻo lánh sát biển và ít tiếp xúc với người ở miền khác, hoặc lúc còn nhỏ phát âm chưa đúng giọng.

1 – Vần A phát âm thành EA kéo dài:

Trẻ em giọng còn non nớt, khi phát âm các tiếng có nguyên âm cuối “a” thay vì há miệng quặt lưỡi, lại mở miệng đánh cong lưỡi nên trở thành “ea” kéo dài. Vì vậy các tiếng như “ông ba, bà má” trẻ con phát âm thành “ông bea, bèa méa.”

2 – Vần ĂN phát âm gần giống như EN:

Chẳng hạn nói “ăn cơm” mới nghe như “en côm”; “en” do phát âm biến giọng ở một vùng nhỏ, còn “côm” là do thói quen phát âm sai toàn tỉnh. Muốn điều chỉnh sự biến giọng ở tiếng này, cần phát âm “ăn” bằng giọng cổ, hơi tròn miệng lại một chút và đè lưỡi chứ không đưa lưỡi.

3 – Vần ẢY phát âm na ná tiếng Ẻ:

Chẳng hạn nói “chiều thứ bảy” mới nghe như “chiều thứ bẻ.” Hai trường hợp trên chỉ xảy ra ở vùng Bắc Bình Định, từ Bồng Sơn trở ra. Tuy không phát âm biến giọng hẳn, nhưng người xứ khác không phân biệt được, tưởng lầm họ là người Quảng Ngãi.

4 – Vần ƠI phát âm cộc và ngắn:

Người ở miền núi giọng cứng hơn người ở đồng bằng và miền biển, nên khi phát âm những tiếng có vần “ơi” như: bơi, chơi, mời… họ có thói quen cứng lưỡi thay vì cong đầu lưỡi lên, vì vậy giọng nghe hơi cộc và ngắn.

5 – Phát âm chả chớt:

Trường hợp này phổ biến ở một số vùng dân cư chuyên nghề đánh bắt cá biển. Họ quen phát âm ở đầu lưỡi với giọng líu lo, chả chớt, bởi thanh điệu nghiêng về bổng hơn là trầm, nên những tiếng thuộc dấu huyền, nặng, ngã chuyển âm na ná như tiếng mang dấu ngang, sắc, hỏi.

Thí dụ: Ở Binh (Bình) Đính (Định) con (còn) có túc (tục) giả (giã) gáo (gạo) hát ho (hò) vao (vào) nhửng (những) đêm trăng sáng.

Điển hình là vùng Nhơn Lý, ở phía đông bán đảo Triều Sơn, trước là xã Phước Lý của quận Tuy Phước, khoảng năm 1975 thuộc xã ngoại thành Qui Nhơn, có giọng chả chớt và còn giữ nhiều thổ âm miền biển của Bình Định.

III – PHÁT ÂM LẪN LỘN

Phát âm lẫn lộn khi hai chữ có phụ âm khởi đầu, hoặc phụ âm cuối khác nhau, hay có khi khác vần, nhưng lại phát âm giống nhau.

Người Bình Định phát âm lẫn lộn ở các trường hợp sau đây:

1 – Phát âm không phân biệt hai phụ âm khởi đầu D và GI:

Thí dụ: Chó dữ // Giữ nhà,

Dì ghẻ // Cái gì vậy.

2 – Phát âm không phân biệt hai phụ âm cuối C và T:

Thí dụ: Mặc kệ // Mặt mày,

Khuân vác // Đẽo vát

Nhưng lại phát âm phân biệt được, khi trước phụ âm cuối C và T có nguyên âm O, Ô, U đi kèm.

Thí dụ: Móc túi // Mót lúa,

Mộc mạc // Một mai,

Lúc đầu // Lút đầu.

3 – Phát âm không phân biệt được, khi đứng trước phụ âm cuối CH và T, có nguyên âm Ê đi kèm:

Thí dụ: Mũi hếch // Ăn hết

4 – Phát âm không phân biệt hai phụ âm cuối N và NG, N và NH:

Thí dụ:1: Đan lát // Đang lúc,

Vác thang nặng thở than.

Thí dụ 2: Lên đồng // Lênh đênh

Hên xui // Hênh hếch.

Nhưng lại phát âm phân biệt được khi có nguyên âm I đứng trước N và NH.

Thí dụ: Tin tức // Tinh túy

Xin xỏ // Xinh xắn

5 – Phát âm không phân biệt vần IU với IÊU; UI với UÔI:

Thí dụ 1: Đìu hiu // Điều hòa,

Thí dụ 2: Mắt đui // Cái đuôi

Nhận xét: Phát âm sai và phát âm lẫn lộn đều mang tính phổ biến toàn tỉnh, nhưng tình trạng phát âm sai ngày nay đã giảm bớt, còn phát âm lẫn lộn vẫn chưa sửa đổi.

C – LỐI NÓI BÌNH ĐỊNH

Ở Bình Định cũng phổ biến cách nói ví, nói lóng và nói lái nhưng mang màu sắc riêng, đặc trưng cho địa phương.

I – NÓI VÍ

Có những phương ngôn thường lồng vào trong câu chuyện để ví von, cụ thể hóa được vấn đề, hay thêm phần đậm đà cho sự so sánh. Những câu nói ấy, chỉ người địa phương mới hiểu ý ẩn dụ của nó, chứ không thể phân tích đơn giản bằng ngữ nghĩa thông thường các từ đã tạo nên câu nói đó. Điển hình một số câu phổ biến như:

1 – Ngang quá ông Chảng:

Chữ “quá” trong câu này là thổ ngữ của Bình Định nên có nghĩa là: ngang như ông Chảng; dùng để ví những ai ngang bướng chưa từng có.

Sở dĩ có câu này vì ở làng Bằng Châu, nay thuộc xã Đập Đá (huyện An Nhơn), vào thời Tây Sơn có võ sư Đinh Văn Nhưng, tục danh là ông Chảng, tính tốt nhưng ngang ngạnh khác thường, suốt đời chưa hề kiêng nể ai. Ba anh em Tây Sơn lúc nhỏ có đến xin học võ, được thầy Chảng tận tình truyền đạt. Khi xưng vương, Nguyễn Nhạc nhớ ơn thầy cũ mà ba anh em đã lập nên nghiệp lớn. Và nhất là đời ông cố, ông nội của Nguyễn Nhạc được nhà họ Đinh ở Bằng Châu nhận bảo bọc, coi như người thân thuộc. Vua Thái Đức tỏ ý muốn phong tước cho Thầy, ông bèn tâu: “Dù Bệ hạ đã lên ngôi Hoàng Đế, nhưng vẫn là đạo con cháu của nhà họ Đinh, nếu Bệ hạ có lòng nghĩ đến thì xin cho tôi được tự phong.”

Vua Thái Đức chiều ý thầy, chuẩn y cho. Ông lấy bút mực viết bài thơ dâng lên vua:

Bùng binh chi tướng,

Uýnh cướng chi quan,

Bộn bàn chi chức,

Chảng chảng ngang thiên.

(Nước Non Bình Định – Quách Tấn)

Rồi mỗi lần đến thăm vua Thái Đức ở thành Đồ Bàn, ông Chảng ngồi trên cái thang thay cho kiệu, dùng hai tàu lá đu đủ thật lớn thay cho lọng, lính hầu vác cuốc, xẻng, cào cỏ, đòn xóc thay cho cờ biển gươm giáo [3]. Con đường từ Bằng Châu đến thành Đồ Bàn chừng hơn một cây số và phải băng qua Quốc lộ 1, dân địa phương cả người đi đường đứng xem đông nghẹt vì thấy cái ngang bướng lạ đời của ông Chảng.

2 – Ông Xã Bình Thái lại nồi canh:

Muốn nói nồi canh, vì lỡ tay nêm muối quá mặn, người Bình Định có lối nói: “Ông Xã Bình Thái lại nồi canh,” đôi khi dùng tiếng tục “…đái nồi canh.” Nhiều người quen gọi địa danh Bình Thái ra Bình Thới, nên câu trên được sửa lại cho hiệp vần “Ông xã Bình Thới tới nồi canh.” Để giản lược, đôi khi người ta không nói hết câu, chỉ cần bốn chữ đầu “Ông Xã Bình Thới” là đủ hiểu nồi canh, hay bát canh họ đang ăn có vị mặn hơn mức bình thường. Tại sao thế? Bởi Bình Thới là thôn nằm phía bờ Tây đầm Thị Nại, thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, dân trong làng hầu hết làm ruộng muối. Ông xã trưởng của một làng đời đời chuyên sản xuất muối biển mà lại gần nồi canh thì bảo sao nồi canh không quá mặn được!?

3 – Hỗn quá nậu rổi:

Muốn ví ai ăn nói già hàm hỗn xược, người ta thường nói: “Hỗn quá nậu rẩu (rổi).” Thời trước, ít xe cộ và không có nước đá ướp lạnh cá, những người đàn bà chuyên nghề bán cá biển còn tươi, gọi chung là “nậu rổi,” phải cố rút ngắn thời gian chuyên chở kẻo bị cá ươn. Họ vừa gánh, vừa chạy lúp xúp đến các chợ, mỗi ngày di chuyển vài chục cây số là thường. Nếu ai muốn mua cá mà trả giá từng cắc từng xu, làm kéo dài thời gian mua bán, thường bị “nậu rổi” mắng xối xả những câu tục tĩu, chọc quê trước đám đông cho xấu hổ, lần sau không dám trả giá chậm chạp nữa.

Lại nữa, cũng quanh chuyện nậu rổi, dân chúng vùng này bản chất cần cù ít nói, quanh năm hết việc đồng áng đến vườn tược hay các nghề phụ, không muốn tụ năm tụ ba đem việc vu vơ ra đàm tiếu. Họ rất ghét những ai có thói ngồi lê nói mách, đem chuyện riêng tư của người này nói cho người khác nghe. Với những hạng người đó, đôi khi họ không tiếc lời mắng nhiếc (nhưng hạn chế, chỉ những người bạo miệng mới dùng) bằng những câu nói rất tục cho đáng tội thóc mách: “Miệng nhóp nhép như mép l… nậu rổi.”

4 – Chuyện Cố Hỷ Cố Lai rồi!

Muốn ví một việc xảy ra đã quá lâu, quá cũ, người ta thường nói: “Chuyện Cố Hỷ [4] Cố Lai rồi!” Sự tích Cố Lai thì không ai biết được; còn bà Cố Hỷ, theo Quách Tấn (Nước Non Bình Định, trang 42 và 208) là một phu nhân, ở mé Đông Bắc đầm Thị Nại, sống vào thời xa xưa, không còn ai nhớ rõ niên đại. Bà rất giàu, nuôi hàng ngàn con trâu, khi bà qua đời, trâu không người chăn, chạy vào núi Triều Châu, lâu ngày thành trâu hoang, nên núi này trước đây có nhiều trâu rừng. Dân chài lưới tại địa phương tin rằng bà phù hộ cho đầm Thị Nại sóng êm, lắm cá nên họ lập đền thờ dưới chân núi Triều Sơn ở Huỳnh Giản (nay thuộc xã Phước Hòa, Tuy Phước). Hằng năm, đến mùa xuân, mở hội cúng tế bà Cố Hỷ rất long trọng, kết thuyền làm sân khấu nổi trên sông trước đền, thuê gánh hát bội danh tiếng về hát lễ.

5 – Tướng rái:

Muốn ám chỉ ai bất tài nhưng nhờ gặp may, được lên địa vị cao sang quyền thế, người Bình Định thường gọi là “Tướng rái.” Câu này có từ đời Gia Long. Nguyên vào năm 1775, quân Tây Sơn tiến chiếm Quảng Nam, Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần cùng Nguyễn Phúc Ánh dùng thuyền chạy vào Gia Định. Lúc đến cửa Cách Thử [5], trời tối như mực, lại gặp phải sóng to gió lớn, không dám tấp vào bờ vì sợ quân Tây Sơn bắt gặp. Đang ra sức chèo chống thì các dây buộc mái chèo đều đứt cả, thuyền trôi giạt vào đầm Thị Nại. Trong khốn cùng, bỗng nghe tiếng khịt khịt trước mũi thuyền, lén rọi đèn nhìn kỹ, một con rái to vừa bơi vừa ngoái đầu lại, tỏ ý muốn dẫn đường.

Định vương Nguyễn Phúc Thuần ra lệnh bơi thuyền theo rái. Đi được một quãng, rái lên bờ chạy vào làng (có lẽ là rái nuôi của dân làng này), Định vương và đoàn tùy tùng cũng đi theo. Chúa Duệ Tông được viên xã trưởng đón tiếp trọng hậu, dân làng cung cấp dụng cụ, sửa sang thuyền bè và bí mật đưa thuyền Nguyễn vương ra khơi an toàn.

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, tức Gia Long, nhớ ơn cứu mạng năm xưa, sai quan về tận địa phương truy tầm. Vua biết được nơi gặp con rái dẫn đường thuộc làng Vinh Quang, còn nơi đón tiếp Nguyễn vương thuộc làng Dương Thiện (nay hai thôn này thuộc xã Phước Sơn huyện Tuy Phước). Gia Long phong cho rái chức “Đại Tướng Quân,” lập đền thờ tại làng Vinh Quang, ban thẻ bài xanh cho cả làng Dương Thiện đời đời miễn sưu thuế, còn nhà nào trực tiếp giúp đỡ thì được thưởng vàng bạc xứng đáng. Chuyện có thật này được truyền tụng qua nhiều đời. Tuy có khác nhau về chi tiết, nhưng chức “Đại Tướng Quân” đã lưu lại trong lối nói Bình Định thành ngữ “Tướng rái” ví von thú vị. Và tại địa phương, danh từ “con rái” được gọi là “Ông Rái,” đã phổ biến một thời.

6 – Ăn như ha hới:

Bình định còn có những câu nói không thể giải thích được căn do. Chẳng hạn như câu: “Ăn như ha hới” có nghĩa tương tự như câu: “Ăn như tằm ăn lên.”

II – NÓI LÓNG

1 – Chen tiếng đệm vào câu nói:

Lối nói lóng có chen một số từ ngữ với nghĩa quy ước mà chỉ những người trong nhóm mới hiểu được. Nói lóng ở Bình Định, chen vào sau mỗi chữ của câu nói một tiếng đệm, cấu tạo bởi phụ âm hoặc nguyên âm khởi đầu và dấu giọng của từ ngữ gốc, rồi ráp nối với vần ÂN. Do đó, câu nói lóng sẽ tăng gấp đôi số từ ngữ của câu nói gốc. Thí dụ:

Sáng nay chúng ta đi dạo phố (câu nói gốc có 7 chữ).

Sáng sấn nay nân chúng chấn ta tân đi đân phố phấn (câu nói lóng tăng thành 14 chữ).

Trường hợp ngoại lệ, vì cách ráp vần tiếng Việt, có một số từ không thể tạo thành chữ đệm đúng với nguyên tắc đã qui định. Thí dụ:

Anh em như thể tay chân

Anh ân em ân như nhân thể thẩn tay tân chân chân.

2 – Nói lóng của nghề nghiệp:

Bình Định còn những câu mang tính nghề nghiệp, như: “Cho che ăn mía” hay câu “Ngồi che,” tức là cán mía, lấy nước ngọt, chế biến thành đường theo lối thủ công. Che là dụng cụ ép mía, gồm hai trục cán bằng gỗ, dựng đứng, ăn khớp nhau bởi hai đầu có xẻ răng cưa và nối với một cần quay. Khi trâu, bò kéo cần quay di chuyển quanh che, theo chiều kim đồng hồ, làm hai trục cán quay ngược chiều và ép dẹp thân cây mía, lấy nước ngọt. “Cho che ăn mía” tức dí đầu cây mía vào khe trục cán. “Ngồi che” là người ngồi bên trục cán để làm công việc “cho che ăn mía.”

III – NÓI LÁI

Nói lái là cách chuyển đổi trật tự một tổ hợp có hai hoặc ba âm tiết để thành một tổ hợp khác hẳn với tổ hợp ban đầu. Có thể hoán chuyển phần nguyên âm hay phụ âm đầu, phần vần, phần thanh điệu để tổ hợp mới hoàn toàn khác với ngữ nghĩa ban đầu, nhằm mục đích chơi chữ, bông đùa, châm biếm hoặc trao đổi riêng với nhau.

1 – Về cấu trúc:

Nói lái ở Bình Định giống với nói lái ở miền Bắc là không hoán chuyển vị trí dấu giọng, nhưng lại khác nhau nhiều điểm quan trọng. Nói lái Bình Định, vẫn giữ vị trí phụ âm hay nguyên âm khởi đầu và chỉ hoán đổi phần âm vận. Trong khi nói lái ở miền Bắc, hoán chuyển nguyên cả chữ. Như vậy, nói lái của Bình Định phức tạp hơn vì phải sử dụng cách ráp vần tiếng Việt.

Thí dụ:

Bình Định : lọ tương thành lượng to

Bắc : lọ tương thành tượng lo.

Bình Định : đấu tranh thành đánh trâu

chứ không hoán chuyển âm đầu: đấu tranh thành trâu đánh.

– Trường hợp ngoại lệ: phải hoán chuyển cả dấu giọng để có thể đọc được các từ trong tổ hợp mới, theo cách ráp vần tiếng Việt.

Bình Định : cốt tu thành cu tốt,

chứ không nói lái 2 lần: cốt tu – tu cốt – tốt cu.

– Trường hợp biệt lệ: mặc dù cấu trúc hai cách nói lái khác nhau nhưng có một số tổ hợp vẫn cho ra cùng một đáp số.

Bình Định : con cầy thành cây còn

Bắc : con cầy thành cây còn.

2 – Lối chơi chữ trong nói lái:

a/ Nói lái một câu dài:

Cứ ghép hai hoặc ba âm tiết vào một tổ hợp để nói lái, nếu tổ hợp ba âm tiết thì nói lái ở âm tiết thứ nhất và thứ ba, giữ y âm tiết thứ hai.

Thí dụ: Ông cha/ trồng cây mít/ ba năm/ có trái/ được ăn/ trèo lên/ vỗ cái bum/ hái xuống/ đem vô/ xẻ ra/ lấy hột/ chị em/ xúm lại ăn/ cho rồi.

Nói lái thành: A chông/ trít cây mồng/ băm na/ cái tró/ đặc ương/ trền leo/ vũm cái bô/ huống xái/ đô vem/ xả re/ lột hấy/ chẹm i/ xắn lại um/ chôi rò.

b/ Nói lái giả âm tiếng nước ngoài:

Trong cách chơi chữ, Bình Định còn dùng nói lái có âm điệu như đang nói tiếng Pháp.

Thí dụ: Quăng xơ mít bên sông ăn mót.

Nói lái thành: Quích xơ măng bông sên ót măng.

D – NGUỒN GỐC GIỌNG NÓI

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí [6] và chính sử, đất Bình Định xưa thuộc bộ Việt Thường Thị, thời Tần (221 – 206 TTL) lệ vào Tượng Quận; thời Tây Hán, năm Canh Ngọ (111 TTL), niên hiệu Nguyên Đỉnh thứ 6 đời Hán Võ Đế (Han Wu Di) đặt huyện Tượng Lâm (gồm Bình Định và Phú Yên) thuộc quận Nhật Nam. Thời Đông Hán, năm Nhâm Thân (192), niên hiệu Sơ Bình thứ 3 đời Hán Hiến Đế (Han Xian Di), nhân thế lực nhà Hán quá suy yếu, viên Công tào huyện Tượng Lâm là Khu Liên (K’ouei) nổi lên giết huyện lệnh, tự xưng là Lâm Ấp Vương, lập ra nước Champa [7], dựng kinh đô ở Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Đến cuối thế kỷ thứ 10, vua Chăm là Hari Varman II (988 – 998) dời đô vào Đồ Bàn Phật Thệ ở miền Vijaya. Thành này, nay thuộc địa phận hai thôn Nam Tân (trước là Nam An) và Bắc Thuận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đất Đồ Bàn giữ vai trò kinh đô vương quốc Champa ngót 5 thế kỷ, lừng lẫy một thời. Năm 1284, tướng nhà Nguyên (Yuan) là Toa Đô (Suo Du) đem 10 vạn thủy quân và 1000 chiến thuyền rời Quảng Châu (Guang Zhou) đổ bộ lên cửa Thị Nại, tiến chiếm kinh đô Đồ Bàn nhưng bị quân Chăm đánh đuổi, tổn thất nặng nề, Toa Đô phải rút lui bằng đường bộ. Dưới thời Chế Bồng Nga, nước Champa hùng mạnh nhất, bành trướng lãnh thổ đến Tân Bình và Thuận Hóa. Năm 1371, đời Trần Nghệ Tông, quân Chăm tiến vào Thăng Long đốt phá cung điện, cướp người và của cải. Năm 1377, vua Trần Duệ Tông ngự giá thân chinh, đại binh đổ bộ vào Thị Nại, nhưng đến kinh đô Đồ Bàn thì bị phục quân, nhà vua tử nạn, quan quân tan vỡ. Hết đời Chế Bồng Nga, khí vận nước Champa suy yếu dần. Năm 1402, Hồ Hán Thương đem đại binh đánh Champa, vua Chăm phải cắt nhượng đất Chiêm Động (Quảng Nam) và Cổ Lũy (Quảng Ngãi); Đồ Bàn trở nên một trung tâm văn hóa trọng yếu duy nhất còn lại của nước Champa.

Rồi kinh đô Đồ Bàn cũng chỉ tồn tại thêm 68 năm nữa thì đổi chủ. Đó là năm 1470, Hồng Đức (洪 德) nguyên niên đời Lê Thánh Tông (黎 聖 宗), vua Chăm là Trà Toàn đem 10 vạn quân đánh chiếm Hóa Châu. Tháng 11 năm ấy, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu thân chinh, tiến binh cả hai mặt thủy bộ, chiếm thành Đồ Bàn (1471), bắt vua Chăm và hoàng gia. Tuy quân ta tiến binh đến núi Thạch Bi (đèo Cả), khắc bia phân ranh giới, nhưng chỉ lấy lại đất Quảng Nam, Quảng Ngãi; chiếm thêm đất Bình Định (tức miền Bắc Vijaya có kinh đô Đồ Bàn) và trấn giữ đèo Cù Mông. Còn đất Phú Yên (miền Nam Vijaya) lập vùng trái độn, bỏ ngõ cho dân Champa.

Từ đó, đất Đồ Bàn được chia làm 3 huyện: Bồng Sơn (gồm Hoài Ân, Hoài Nhơn, An Lão ngày nay), Phù Ly (gồm Phù Mỹ, Phù Cát) và Tuy Viễn (An Nhơn, Tuy Phước, Qui Nhơn, Bình Khê, Vĩnh Thạnh, Vân Canh). Vùng này, đặt thành phủ Hoài Nhơn (tức tỉnh Bình Định ngày nay), cùng với hai phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) và Thăng Hoa (Quảng Nam), nhập thành Thừa tuyên Quảng Nam. Trong ba phủ ấy, Hoài Nhơn màu mỡ hơn cả, với những đồng bằng phì nhiêu, lại có đầm Thị Nại dài rộng, mở ra 2 cửa biển tốt là Cách Thử và Phương Mai, nhiều muối lắm cá.

Nhà vua xuống chiếu di dân. Một cuộc di cư vĩ đại nhất trong lịch sử Đại Việt (大 越) cũng là cuộc di cư cuối cùng lấy dân từ các tỉnh ở Bắc Kỳ và miền Bắc Trung Kỳ. Theo Phan Khoang, Xứ Đàng Trong [8], đất Bình Định đã lôi cuốn dân Nghệ An đến định cư; nhưng theo Nước Tôi Dân Tôi [9], phần lớn người ở Hà Đông vào Bình Định lập nghiệp trong đợt di dân đến ba phủ của Thừa tuyên Quảng Nam. Dù có nhiều người Nghệ An hay Hà Đông, thì những di dân vào Bình Định không hẳn thuần một tỉnh nào. Miền đất mới đã lôi cuốn những dân nghèo khắp nơi, từ Thuận Hóa ra Bắc, họ muốn đến một nơi định cư có nhiều hứa hẹn nhất.

Ngoài những đợt di dân tình nguyện chiếm đa số, được triều đình khuyến khích và nâng đỡ, luật Hồng Đức (Quốc Triều Hình Luật) còn quy định những tội hình như: đặt ra lời phao tin đồn nhảm làm náo động dân chúng (điều 2), mưu giết sứ giả của vua hay quan tại chức đã làm bị thương (điều 8), trộm lần đầu (điều 19)…; tội đấu tụng như: đâm chém gây thương tật đứt gân, mù mắt, đọa thai (điều 2), nô tỳ đánh chủ bị thương què (điều 22), biết kẻ mưu đại nghịch phản loạn mà không tố cáo (điều 36)… đều khép tội lưu viễn châu, đày vào phủ Hoài Nhơn (nay là tỉnh Bình Định) sinh sống.

Lại nữa, cư dân của phủ Hoài Nhơn còn có người Chăm ở lại khá nhiều. Theo Phan Khoang [10], các lần trước bị mất đất, người Chăm đã bỏ quê hương đi theo vua của họ. Lần này, khi ta chiếm Đồ Bàn, đa số người Chăm vẫn ở lại. Phần thì họ luyến tiếc kinh đô đẹp đẽ nhất, phần thì đất đai còn lại ở các tỉnh phía Nam không màu mỡ bằng miền Vijaya. Vua Lê Thánh Tông phải đề phòng sự nổi loạn của người bản xứ. Theo Phan Huy Chú, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, nhà vua đã ban quyền tiền trảm hậu tấu “nếu người Chiêm ai dám không theo, cho phép giết ngay rồi sẽ tâu” [11], cho các quan trấn giữ miền đất mới, đối phó kịp thời những mầm móng phản nghịch và trái lệnh của triều đình. Cho nên, người Chăm ở lại phủ Hoài Nhơn bị đồng hóa ngay bởi làn sóng người Việt đến định cư. Họ phải nói tiếng Việt với lơ lớ giọng Chăm. Hơn nữa, phủ Hoài Nhơn nằm sát biên giới đất Phú Yên là vùng trái độn. Tuy đã thuộc cương vực của Đại Việt nhưng chưa đặt quan chức và tổ chức hành chánh, vẫn để cho họ tự do phát triển suốt 107 năm (1471 – 1578). Dĩ nhiên, người dân Hoài Nhơn còn có sự tiếp xúc thường xuyên với người Chăm ở bên kia đèo Cù Mông, trong việc giao lưu buôn bán. Ngày nay, vẫn còn những địa danh ở Bình Định mang dấu chỉ Champa như: Cù Mông, Càn Rang, Quán Rường…

Vì thế, cư dân sống ở phủ Hoài Nhơn không thuần nhất miền nào mà pha trộn giọng Bắc, giọng Trung của dân các tỉnh ở xứ Đàng Ngoài và giọng Chăm, dân bản địa nói tiếng Việt. Những yếu tố trên kết hợp vào nhau, rồi trải qua quá trình biến chuyển dần bởi phong thổ của miền đất mà hình thành giọng nói riêng của dân Bình Định.

Đ – ĐẶC ĐIỂM GIỌNG NÓI

Xứ Bình Định là giải đất ven biển, nằm giữa hai miền nước ta (Bắc vĩ tuyến 14) nên có giọng nói dung hòa giữa miền Bắc Nam và dễ dàng nói đúng theo các tỉnh khác.

Lại nữa, Bình Định trước mặt là biển Đông, sau lưng là dãy Trường Sơn hiểm trở, toàn xứ là những thung lũng và chuỗi bình nguyên chen chúc với núi đồi, nên giọng nói pha trộn cái chả chớt của miền biển và giọng cứng cỏi của miền núi.

I – ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC NGÔN NGỮ

Tiếng Việt khác với tiếng Chăm nhiều điểm.

1 – Về nhóm tiếng:

Theo Nguyễn Ngọc San, Tìm Hiểu Về Tiếng Việt Lịch Sử [12] và các tài liệu ngữ học khác [13], nguyên thủy tiếng Việt và tiếng Chăm đều thuộc ngữ hệ Nam Á cổ [14]. Nhưng rồi qua quá trình di dân và sự tiếp xúc với nhóm ngôn ngữ khác [15], kết hợp điều kiện địa lý, tiếng Việt và tiếng Chăm đã tách xa nhau với nhiều dị biệt.

Khoảng 2500 năm trước, người Mã Lai và Nam Đảo di cư vào bờ biển miền Nam Trung Việt, lập thành vương quốc Champa. Họ mang theo ngôn ngữ vùng cực Nam Đông Nam Á, tức ngữ hệ Nam Á cổ tiếp xúc với nhóm tiếng Châu Đại Dương.

Trong lúc tiếng Việt thuộc nhóm Mon – Khmer, cũng có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á cổ. Nhưng cách đây khoảng 4000 năm, những bộ tộc này từ vùng Thượng Lào và miền cực Tây Bắc Trung Việt đi dần ra vịnh Bắc Việt, tiếp xúc với dòng ngôn ngữ Tày Cổ. Rồi quá trình tiến hóa ngôn ngữ, từ giai đoạn tiền Việt Mường (thời đại Hùng Vương), vẫn mang cơ tầng Mon – Khmer, nhưng đã có sự mô phỏng cơ chế Tày Thái. Đến giai đoạn Việt Mường có tiếng nói chung, một khi đã đi vào quá trình đơn tiết và thanh điệu hóa. Sau cùng, đại bộ phận dân cư ở vùng đồng bằng Bắc Việt tiếp xúc lâu dài với tiếng Hán trong thời kỳ Bắc thuộc, đã tách khỏi tiếng Mường thành tiếng Kinh, tức tiếng Việt ngày nay. Như vậy, tiếng Chăm thuộc nhóm Nam Dương, trong lúc tiếng Việt hình thành trong điều kiện riêng cho người Việt.

2 – Về âm tiết:

Tiếng Chăm vẫn giữ dạng đa tiết, trong lúc tiếng Việt có xu hướng đơn tiết hóa ngay từ giai đoạn tiền Việt Mường. Vì vậy, tiếng Việt độc âm, mỗi tiếng một âm, trái lại tiếng Chăm đa âm.

3 – Về thanh điệu:

Tiếng Việt cũng đã mở đầu việc thanh điệu hóa từ lúc còn chung tiếng nói Việt Mường. Cho nên tiếng Việt hình thành đủ sáu thanh điệu: ngang, sắc, hỏi (thuộc âm bổng) và huyền, nặng, ngã (thuộc âm trầm). Vì vậy, thanh điệu của tiếng ta có lên xuống cao thấp, trong lúc giọng đọc của Chăm không có trầm bổng.

Xét cho cùng, tuy cùng ngồn gốc ngữ hệ Nam Á cổ, nhưng quá trình phát triển đã khác xa, chỉ còn có một điểm duy nhất giống nhau là câu văn của ta và Chăm đều đặt xuôi. Tuy có nhiều yếu tố dị biệt, nhưng nếu xét riêng về giọng nói thì trường hợp đặc biệt của Bình Định, như đã trình bày ở phần trên (Nguồn gốc giọng nói), có bị ảnh hưởng ít nhiều bởi giọng nói của Champa không?

Thưa có. Tiếng nói của người Chăm không có trầm bổng thì giọng Bình Định cũng ít chú ý đến sắc âm, nên mặc dù vẫn trầm bổng nhưng biên độ không rõ rệt lắm. Bởi thế, giọng Bình Định trở nên buồn tẻ, lại có phần cứng và nặng. Nhược điểm này, có thể sửa đổi dễ dàng, một khi sắc âm được tôn trọng. Nghĩa là, tiếng nói thấp ra thấp, cao ra cao một cách rõ ràng, khoan thai; đồng thời tránh phát âm sai và biến giọng. Được vậy, giọng Bình Định vừa giữ được nét đặc trưng, vừa trở nên trong sáng chuẩn xác.

II – ĐẶC ĐIỂM VỀ NGỮ HỌC

1 – Về ưu điểm:

Người Bình Định chỉ phát âm sai, nhưng viết vẫn đúng chính tả. Và chỉ phát âm sai khi nói chuyện bình thường với người quen thân cùng xứ (vì lười phát âm). Khi có dịp giao tiếp, phát biểu, thuyết trình trước đám đông và đọc sách lại phát âm đúng. Người Bình Định cũng không dùng thổ ngữ khi viết văn, ngoại trừ trường hợp cố ý.

Giọng nói lại phân biệt rõ ràng giữa hai phụ âm khởi đầu L với N (làm nhà, nhân loại), S với X (sâu xa, xác suất) nên cũng dễ phát âm đúng với tiếng Anh (short, X- ray) và Pháp (soc, xylène).

2 – Về khuyết điểm:

Giọng Bình Định phát âm không phân biệt trong một số trường hợp, nên khi viết thường phạm lỗi chính tả ở những chữ cùng thanh vận nhưng có phụ âm khởi đầu bằng D và GI (dữ // giữ); hoặc chữ giống nhau ở phần tiếp đầu ngữ nhưng có các phụ âm cuối C và T (mặc // mặt), N và NG (than // thang), N và NH (lên // lênh); hay lẫn lộn giữa vần IU với IÊU (thiu // thiêu), UI với UÔI (cúi // cuối). Để tránh khuyết điểm cố hữu này, chỉ còn cách căn cứ vào nghĩa ngữ để phân biệt.

Thí dụ: “mặc áo quần” khác với “mặt bằng,”

“than khóc” khác với “thang máy.”

E – TẦM ẢNH HƯỞNG

Hoàn cảnh lịch sử nước ta đã chia cuộc Nam tiến làm hai giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn đầu ở cấp toàn quốc, lấy dân các tỉnh Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ vào định cư. Giai đoạn sau ở cấp vùng, thuộc xứ Đàng Trong, chỉ lấy dân hai trấn Thuận Hóa, Quảng Nam và đông đảo nhất là dân phủ Hoài Nhơn tràn qua đèo Cù Mông vào lập nghiệp. Tuy nhiên cũng có một lần biệt lệ tháp cư, theo Phan Khoang, Xứ Đàng Trong [16], năm Mậu Tý (1648) đời chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, quân Nguyễn bắt được tại Quảng Bình 3 vạn tù binh ở xứ Đàng Ngoài, đem phân tán rải mỏng từ Quảng Nam đến Phú Yên, bắt buộc khai hoang cư trú, cứ 50 người lập thành một ấp.

Vâng, họ là dân tứ xứ đến định cư ở vùng đất mới, dù tình nguyện hay bị bắt buộc cư trú, nhưng cùng một hoàn cảnh tha phương, họ trở nên gắn bó với nhau. Thoạt đầu, họ phát âm với nhiều giọng khác nhau, dần dần được điều chỉnh tự nhiên bởi phong thổ của vùng đất mới, từ đời này sang đời khác, để trở thành giọng chung. Tuy vậy, vài phương ngữ của cố hương (Bắc và Bắc Trung Kỳ) vẫn tồn tại để trở thành thổ ngữ của vùng đất mới, xứ Bình Định.

Trở lại vấn đề Nam tiến, lần lấy dân vào định cư phủ Hoài Nhơn (nay là tỉnh Bình Định) dưới thời Lê Thánh Tông là lần di dân cuối cùng của giai đoạn đầu. Sau đó, đất nước xảy ra nhiều biến cố quan trọng. Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, gây nên cuộc nội chiến giữa Nam Bắc Triều (1533 – 1592). Nhà Lê chưa dẹp xong nhà Mạc thì đã manh nha một thời kỳ nội chiến khác giữa hai thế lực Trịnh Nguyễn kể từ năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa.

Các thế lực mãi lo tranh giành địa vị, gây nên nội chiến tương tàn, tài nguyên và nhân lực của đất nước kiệt quệ. Nhất là thời kỳ Nam Bắc Triều, phó mặc cho người dân định cư ở miền Hoài Nhơn, xa xôi hẻo lánh nhất, phải đương đầu bao nỗi khó khăn, thiếu thốn của miền đất lạ. Ở đây, mọi việc phải đơn giản hóa để còn có thì giờ lo chuyện sống còn. Việc cưới gả thì “trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy” cho giản tiện, đã thể hiện qua câu ca dao:

Em về Đập Đá quê cha,

Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chàng.

Ba địa danh trên quanh quẩn không vượt ngoài phạm vi của huyện An Nhơn ngày nay. Thế hệ 1, cha ở Đập Đá ra Gò Găng, không đầy 5 cây số về phía Bắc, để cưới vợ. Thế hệ 2, con gái lớn lên gả chồng ở Phú Đa, cách Đập Đá khoảng 5 cây số về hướng Đông Nam.

Từ khi Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) được Trịnh Kiểm cho vào trấn đất Thuận Hóa (1558) và nhất là từ năm 1570, Nguyễn Hoàng được Trịnh Tùng cho kiêm nhiệm luôn chức Trấn thủ Quảng Nam; chúa Nguyễn đã nghĩ đến vấn đề mở mang bờ cõi ở phương Nam, chú trọng việc tự túc tự cường, nhanh chóng trở thành một nước độc lập với miền Bắc, đủ sức chống lại họ Trịnh sau này.

Theo sử, công việc đầu tiên, Nguyễn Hoàng sai ông Lương Văn Chánh lo việc chiêu mộ lưu dân đến khẩn hoang lập ấp ở vùng trái độn suốt 33 năm (1578 – 1611), đã thành nền nếp. Đến năm 1611, nhân người Chăm xâm lấn biên cảnh, Nguyễn Hoàng sai quan Chủ sự là Văn Phong (thiếu họ) dẹp yên, lấy đất đến núi Thạch Bi, lập ra phủ Phú Yên, lệ vào Thừa tuyên Quảng Nam, chia làm hai huyện là Đồng Xuân và Tuyên Hòa. Năm 1653, vua nước Chăm là Bà Thấm đem quân quấy phá Phú Yên, Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) sai cai cơ Hoàng Lộc hầu đánh bại. Bà Thấm dâng thư xin hàng, chúa lấy đất từ đèo Cả đến sông Phan Rang, đặt hai phủ Thái Khang (năm 1690 đổi là Bình Khang) và Diên Ninh (1742 đổi là Diên Khánh), lập dinh Thái Khang giao cho Hùng Lộc trấn thủ. Năm 1692, vua Chăm là Bà Tranh bỏ lệ tiến cống, Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu (1691 – 1725) sai tổng binh Nguyễn Hữu Kính (con Nguyễn Hữu Dật) đem binh đánh bắt được Bà Tranh (1693). Chúa Nguyễn đổi phần đất Champa cuối cùng này thành trấn Thuận Thành, năm 1697 đặt làm phủ Bình Thuận, gồm hai huyện An Phước và Hòa Đa.

Từ năm 1578 khởi đầu cho chính sách mở mang bờ cõi của chúa Nguyễn, đất Hoài Nhơn là tuyến đầu của cuộc Nam tiến. Những cuộc hôn nhân không chỉ quanh quẩn ở địa phương mà đã nới rộng theo đà tiến quân vào Nam:

Anh về Bình Định thăm cha,

Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em.

Giai đoạn 2, thế hệ 1 người trai phủ Hoài Nhơn vào Phú Yên mở đất, lấy vợ và lập nghiệp luôn ở đấy. Thế hệ 2, con trai lớn lên lại vào tới vùng cực Nam thời bấy giờ (1653) là Diên Khánh mở đất rồi lấy vợ lập nghiệp luôn ở đấy, và cứ như thế đi dần về phương Nam sau mỗi đợt tiến quân. Cho nên người Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…thường có liên hệ huyết thống. Ngày nay, trong gia phả của nhiều dòng họ ở Phú Yên, có ông thủy tổ là người Bình Định vào đây lập nghiệp, chẳng hạn như Gia Phả Mạnh Tộc ở huyện Đồng Xuân [17].

Vì thế, các tỉnh phía Nam của Bình Định có ảnh hưởng ít nhiều giọng nói Bình Định theo đà Nam tiến. Nhưng càng vào Nam, giọng càng nhẹ và dịu dần về thanh điệu, tức là cách phát âm dấu giọng. Các tỉnh Nam Kỳ cũng thường dùng một số thổ ngữ của Bình Định (xem Phần 1: Thổ ngữ). Riêng Phú Yên, giọng nói giống như Bình Định, nếu phân tích kỹ mới thấy được giọng Phú Yên nhẹ hơn và chả chớt hơn. Ngoài một vài trường hợp phát âm riêng của Phú Yên, như vần “ông” phát âm thành “ong,” gọi “chồng” ra “chòng”; ở La Hai phát âm chữ “ngoài” thành “vài”; còn hầu hết thổ ngữ của Bình Định, người Phú Yên vẫn dùng. Tiếng “nẫu” cũng rất phổ biến và quen thuộc ở Phú Yên, cũng thể hiện đầy đủ các chức năng của thổ ngữ đặc biệt này, không những qua lời nói thường ngày mà còn nhan nhản trong ca dao tình tứ:

Chiều chiều mây phủ Đá Bia,

Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng.

Mất chồng như nậu mất trâu,

Chạy lên chạy xuống cái đầu chôm bôm.

Hoặc:

Một ngày cũng nghĩa bướm hoa,

Dẫu tình, dẫu nghĩa, dẫu xa cũng tình.

Bẻ bông mà cắm độc bình,

Nẫu xa mặc nẫu, đôi lứa mình đừng xa.

Tóm lại, đất Bình Định nằm giữa và tương đối cách đều hai đầu của nước ta. Giai đoạn Lê Thánh Tông, Bình Định đón nhận dân các tỉnh từ Miền Bắc và Bắc Trung Việt. Rồi trong giai đoạn Chúa Nguyễn, Bình Định là tuyến đầu của cuộc Nam Tiến; vì vậy Bình Định mang vai trò gạch nối giữa giọng Bắc, Trung, Nam.

San Jose, ngày 28- 08- 1996

Bổ chính lần 4: 05- 11- 2010

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Hoàng Phê (chủ biên); Từ Điển Tiếng Việt (Hà Nội, Trung Tâm Từ Điển Ngôn Ngữ, 1992); trang 808, chép:

– Chữ Rán (không g): “Rán: Động từ (cũ, ít dùng). Ráng. Rán sức.”

– Chữ Ráng (có g): “Ráng: Động từ (phương ngữ). Cố. Ráng học cho giỏi. Ráng sức chịu đựng.”

Để giữ đúng tinh thần nguyên bản cổ, chữ “Rán” (Nới lèo rán lái mau mau) ở đây vẫn chép không có “g.”

[2] Về ngữ nghĩa “nại” các từ điển đã chép:

– Huình (Huỳnh) Tịnh Paulus Của; Đại Nam Quấc (Quốc) Âm Tự Vị, Quyển II (Sài Gòn, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 1896); trang 63, chép “Nại: muối. Chỗ làm muối.”

– Hoàng Phê (chủ biên), Từ Điển Tiếng Việt, trang 651, chép “Nại: ruộng muối.”

[3] Quách Tấn; Nước Non Bình Định (Sài Gòn, nxb Nam Cường, 1967); trang 354.

[4] Dân chúng ở vùng Hưng Lương, Xương Lý (nay là xã Nhơn Lý, thuộc ngoại thành Qui Nhơn) gọi là “Cố Lỷ,” có lẽ do giọng chả chớt của người miền biển nên biến âm.

[5] Cửa Cách Thử bị lấp kín, bởi cát bồi, từ thời Minh Mạng. Nơi đây, nay thuộc thôn Phú Hậu, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát. tỉnh Bình Định.

[6] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Tập 3 (Huế, nxb Thuận Hóa, 1992); trang 6.

[7] Tên gọi hiện nay là Champa hay Chăm; còn có tên khác như: Chăm Pa, Chàm, Chiêm, Chiêm Thành, Lâm Ấp, Hời (ít dùng). Người Việt quen gọi là Chàm (như: tháp Chàm, gò Chàm), hay Chiêm Thành (như: dân tộc Chiêm Thành, Chiêm quốc); người Champa gọi dân tộc họ là Chăm.

[8] Phan Khoang; Việt Sử: Xứ Đàng Trong,1558 – 1777 (Sài Gòn, Khai Trí xb, 1970); trang 109.

[9] Vũ Mỹ Châu và 4 tgk.; Nước Tôi Dân Tôi, tái bản lần thứ nhất (San Jose CA, Cơ sở Đông Tiến xb, 1992); trang 426.

[10] Phan Khoang, sách đã dẫn, trang 126.

[11] Phan Huy Chú; Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, Ngô Hữu Tạo và Trần Huy Hân dịch, Tập 1 (Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992); trang 165.

[12] Nguyễn Ngọc San; Tìm Hiểu Về Tiếng Việt Lịch Sử (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 1993); trang 8 – 26.

[13] Nguyễn Đổng Chi; Việt Nam Cổ Văn Học Sử (Hà Nội, nxb Hàn Thuyên, 1942); trang 40 – 46. Và Lê Văn Siêu; Nguồn Gốc Văn Học (Sài Gòn, nxb Thế Giới, 1956); trang 21 – 28.

[14] Nguyễn Ngọc San, trong tác phẩm đã kể trên, trang 10: “Khoảng trước đây 6000 năm cả một vùng rộng lớn từ Đông Bắc Ấn Độ, Nam Trung Quốc xuống tới vùng áp châu Đại Dương còn nói chung một thứ ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ Nam Á hay Nam Phương, sau đó mới tách dần ra thành các nhóm ngôn ngữ nhỏ.”

[15] Nguyễn Ngọc San, sách đẫ dẫn, trang 11:

“Vào khoảng trước đây 4000 năm, tiếng Nam Á chung, lại do sự tiếp xúc với ngữ hệ Hán Tạng phía cực Bắc và ngữ hệ Châu Đại Dương (tiếng Pa-pua) phía cực Nam mà tách thành ba nhóm chính:

“- Dòng Đồng – Thái phân bố ở vùng cực Bắc Đông Nam Á tiền sử (phần phía nam sông Trường Giang {ở Trung Hoa}, kéo dài từ Tây sang Đông, thường gọi là Đại Thái)…

“- Dòng Mã Lai – Nam Đảo ở phần cực nam Đông Nam Á tiền sử do tiếp xúc với các ngôn ngữ ở châu Đại Dương (đặc biệt là tiếng Pa-pua)…

“- Dòng Mon – Kheme phân bố ở vùng cao nguyên trung phần Đông Nam Á tiền sử bao gồm vùng cao nguyên Cồ-rạt (Thái Lan), vùng cao nguyên Bô-lô-ven (Lào) và vùng cao nguyên khu IV cũ (Việt Nam).”

[16] Phan Khoang, sách đã dẫn, trang 387.

[17] Gia Phả Mạnh Tộc do ông Mạnh Thế Phổ lập ngày 23- 11- 1979, tại Qui Nhơn, bản chép tay, trang 1: “Tiểu dẫn về nguồn gốc họ Mạnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– HOÀNG PHÊ (chủ biên); Từ Điển Tiếng Việt; Hà Nội, Trung Tâm Từ Điển Ngôn Ngữ, 1992.

– HUÌNH (HUỲNH) TỊNH PAULUS CỦA; Đại Nam Quốc Âm Tự Vị; Sài Gòn, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 1896.

– LUẬT HỒNG ĐỨC; Quốc Triều Hình Luật, bản dịch của Nguyễn Ngọc Nhuận và Nguyễn Tá Nhí; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 2003.

– NGUYỄN ĐỔNG CHI; Việt Nam Cổ Văn Học Sử; Hà Nội, nxb Hàn Thuyên, 1942.

– NGUYỄN NGỌC SAN; Tìm Hiểu Về Tiếng Việt Lịch Sử; Hà Nội, nxb Giáo Dục, 1993.

– NGUYỄN VĂN ÁI chủ biên và 2 tgk.; Từ Điển Phương Ngữ Nam Bộ; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1994.

– PHAN HUY CHÚ; Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, 49 quyển; Viện Sử Học Việt Nam dịch, ấn hành thành 3 tập; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1992.

– PHAN KHOANG; Việt Sử: Xứ Đàng Trong, 1558 – 1777; Sài Gòn, Khai Trí xb., 1970.

– QUÁCH TẤN; Nước Non Bình Định; Sài Gòn, nxb Nam Cường, 1967.

– QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Nhất Thống Chí, 31 quyển; Phạm Trọng Điềm dịch, ấn hành thành 5 tập; Huế, nxb Thuận Hóa, 1992.

– QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Nguyễn Ngọc Tĩnh dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, tập 1; Hà Nội, nxb Sử Học, 1962.

– THẠCH PHƯƠNG và NGÔ QUANG HIỂN; Ca Dao Nam Trung Bộ; Sài Gòn, nxb Khoa Học Xã Hội, 1994.

– VŨ MỸ CHÂU và 4 tgk.; Nước Tôi Dân Tôi, tái bản lần thứ nhất; San Jose CA, Cơ sở Đông Tiến xb., 1992.

Nguồn: Viethocjournal

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2020

Hiệu trưởng đại học kinh tế quốc dân HN coi đây mà học nè.

 Thầy dạy trung học lũ tui ở một tỉnh miền núi, đi "thị sát" ngày hội trại, nam sinh nghĩ ra cách chào thầy cô và quan khách rất ư "độc đáo".

Thầy không là hiệu trưởng, chả phải đảng viên nhưng là "tư lệnh điều binh khiển tướng" nên mang 2 cái còi, 1 còi thường và 1 còi bằng sừng con gì đó. haha.
Cảm ơn bạn
Bao Nghi
còn lưu giữ hình ảnh đẹp.



Tâm sự chiện nghề: Trời đã sinh ra Cạo mà còn hành cạo.

 Hôm qua, Thợ cạo soạn một bài khá dài về chuyện vì đâu mà người lính ở chiến trường K dễ bị bào mòn sức khoẻ và bị sang chấn tâm lý về sau... Gần buổi chiều, gõ xong rồi kiểm tra chánh tả tạm ổn, tính để hôm nay post lên fb để chia sẻ với bạn bè. Thế mà ĐM. sơ suất nó bốc hơi mịa mất, tức gì đâu! Bao chất xám của thằng Cạo! Chán, mất hứng, chả viết lại nữa đành đăng cái tút ngắn bên dưới gỡ gạc..

Mà đây không phải lần đầu tiên, lai rai. Do cái tính mình thấy gì bất chợt nghĩ ra trong đầu là gõ liền ý tưởng, rồi bỏ đấy để khi có hứng thì nhớ mà tiếp tục. Nghề của thợ mà, nâng con này lên thả con kia xuống, cái nào cạo trước cái nào cạo sau. Xàng xê, thế điếu nào lầy cầy xoá mịa mất hoặc có khi quên không lưu. Tức nhất là khi đã sạch nước cản, chuẩn bị lên thớt thì tình cho không biếu không. Ngẩn ngơ, ngậm đắng nuốt cay!
Tình mình hời hợt trong ứng xử với con người nhưng đối với thông tin thì rất kỹ. Dù chia sẻ của người ta đăng cũng phải đặt vấn đề TT và hình ảnh có thật không, nguồn ở đâu. blah, blah. Đôi khi, một cái tút ngắn thôi nhưng thấy dậy mà không phải dậy. Ông Nguyễn Du nói quá đúng Nghề chơi cũng lắm công phu, trời đày kiếp đoạ, chứ ai muốn làm cái nghề bạc bẽo này na. huhu.

Có người giỏi bắn thú rừng ban ngày có người giỏi về ban đêm.

Hồi ở K, xã mình có ông Ly Diệt, trung đội trưởng dân quân xã, người dân tộc Chăm. Có lần, trên đường đi công tác, mình chứng kiến tài nghệ của ổng. Đang đi thì ổng khoát tay ra dấu anh em dừng lại núp, bộ đội ta ngơ ngác không biết có chuyện gì. Thấy ổng bước nhẹ lên phía trước, giương súng ngắm. Dõi mắt theo mới biết mục tiêu là con nai đang gặm cỏ cách chừng 200 mét. Ông đứng thẳng người, không cần tì súng trường CKC vào gốc cây để bắn như những người khác. Thế là "đoành" một tiếng vang lên, con nai ngã gục. Mọi người chạy đến, con nai trúng ngay nách. Không cần điểm tựa, chỉ với một phát đạn thôi đã hạ được con mồi. Quá nể luôn! Xứng danh là tay thiện xạ, bộ đội VN phải gọi là sư phụ...
Là người tin cẩn nên mình rất thương gọi ông bằng Bố, đã hy sinh trên đường công tác khi bị Kh'mer Đỏ gài mìn phục kích. Người thứ hai là cơ sở của mình, giỏi bắn voi nhưng mình chưa chứng kiến nên không kể ra đây.
Ngược lại ban đêm, muốn có thịt thú rừng ăn thì phải là nhờ tay dân quân khác. Mình không rành về săn thú, nghĩ thế này: ngày với đêm có thuận lợi và khó khăn khác nhau. Ngày thì khó tiếp cận con vật vì nó cảnh giác thấy được người nên phải bắn từ xa. Ban đêm tuy nó nhạy mùi nhưng cả người lẫn vật hạn chế tầm nhìn. Người ta rọi bằng đèn pin, con vật bị thu hút bỡi ánh đèn nên đứng ngó không bỏ chạy. Người ta tập trung vào mục tiêu hai con mắt có màu đỏ kia. Giữ thước ngắm thăng bằng, rê đầu ruồi súng vào điểm cần trúng, thế là bóp cò súng. Cách vài chục mét thì con vật chả thoát được đường nào. Bắn súng ban đêm, tưởng khó mà thật ra là dễ, chỉ cần đi thật nhẹ nhàng...

Nơi đội công tác của mình đứng chân ở bên suối ven sông Mê Kông, một mặt giáp rừng nên cá và thú rừng rất nhiều. Lính ta dùng lựu đạn đánh cá, bắn chim cò vớ vẩn chứ bắn thú thì dở nên nhờ dân quân mà vài ngày là có ăn. Đôi lúc, xui đứt chớn xin mắm bồ hốc, hốc thôi... 

Thời tụi mình thì ở K thú móng guốc nhiều lắm như bò rừng, nai, mang vì CPC trảng rừng bạt ngàn và do dưới thời Kh'mer Đỏ không cho phép dân tự tiện săn bắn.


Bao giờ mới trang bị vật dụng cần thiết cho bộ đội?

Quân trang quân dụng, VN lạc hậu cả 100 năm từ thời Mỹ từng sản xuất cho binh lính trong Đệ nhị Thế chiến. Đừng có bảo nước ta nghèo, nghe không lọt lỗ tai. Cái gì tốt nhất thì lẽ ra phải được trang bị cho quân đội.

Tôi phân vân lâu nay vì mình cùng đồng đội đã từng khổ, mong đàn em sau này đỡ vất vả, có đồ dùng tiện dụng hơn. Có thời được cấp phát đồ của TQ sản xuất và một ít đồ của Mỹ nên hiểu. Xem báo đài đưa tin, nào là công nghiệp quốc phòng của QĐNDVN cải tiến, chế tạo nhiều thứ, toàn là thứ dữ như tàu chiến, xe tăng, tên lửa, rada, súng đạn... Thế nhưng những vật dụng rất cần thiết cho người lính bộ binh thì không gì thay đổi, số đông cơ bản vẫn thế.
Mỗi lần xem thấy bộ đội diễn tập, đi hành quân vẫn cái mũ cối ấy, cái bao xe, ba lô con cóc, cái xẻng cán gỗ, chiếc chiếu cuộn gấp lại, vẫn nồi niêu lộc cộc ấy... Cứ như thời gian dừng lại, nhìn mà buồn cho cái thân phận lính.
- Bộ quân phục ngày nay, ngoài màu xanh lá, thêm răn ri ngụy trang có vẻ đỏm đáng. Quần áo mỏng tanh, pha nhiều nylon chỉ dễ khô dễ giặt thôi nhưng khi di chuyển, lăn lộn co xát với môi trường dễ làm tổn thương người lính. Trang phục lực lường nào cũng na ná như lính Tàu, đối tượng có thể tác chiến trong tương lai mà không thể công khai.
- Cái mũ cối bằng các tông ép vẫn còn đó, đội nhẹ nhưng không bảo vệ được đầu như mũ sắt 2 lớp có lưới bọc nguỵ trang mà Mỹ sx, còn giắt thêm vật nhỏ nhẹ.
- Cái xẻng đào công sự, vẫn cán gỗ dài thòng chạm mông nên ngồi xuống và di chuyển rất vướng. Sao không chế tạo xẻng bẻ gập được như của Mỹ, độ cứng bén của thép chưa nói.
- Cái thắt lưng vẫn là nhựa sao không là sợi tổng hợp. Trong khi cái thắt lưng da ngày nay dân xài đã phổ biến, không quá 100 ngàn đồng.
- Cái thắt lưng bản lớn để mang đồ vẫn là nhựa, khi vận động nó trơn xoay vòng, có khi dồn lại một đùm. Bọn mình vận động đánh nhau khi xưa, chạy phải một tay giữ nó, một tay cầm súng. Của Mỹ dệt bằng sợi tổng hợp có lỗ để mang bình đông, dao găm, cài lựu đạn, hộp đạn...
- Cái tấm nylon hình chữ nhật vẫn đơn giản như xưa. Choàng qua vai cột gút trước ngực thành áo mưa, dừng lại cột căng 4 góc thành mái nhà, bọc ba lô thành phao vượt qua sông suối.
- Chưa thấy có cái dây 3 chạc, móc treo thắt lưng bản lớn cho đỡ nặng trì xuống như lính VNCH hay mang. Vừa có thể tuỳ biến móc thêm lựu đạn, vật dụng nhỏ.
- Cái thấy có thẻ bài quân nhân mang theo vẫn chưa có. Để định danh và đơn vị người chết, để biết nhóm máu người bị thương mà truyền khi cấp bách.
.....
Xây dựng quân đội chính quy hiện đại, trước hết là quân phục và đồ dùng cá nhân. Tuy là thời bình nhưng trong huấn luyện và công tác vẫn phải có, cho lính quen dần với trang bị như khi đang chiến đấu.
Hình minh hoạ.






Cách mang vác súng của bộ đội VN cũng khác với quân đội các nước.

Bộ đội đi đường dài, vác súng trên vai, tay cầm nòng súng, mỏi thì đổi vai. Đi chặng đường ngắn thì mang súng ngang bên hông, tay nắm giữ nòng súng hay ốp nòng. Khi gần nổ súng thì đưa nòng súng chếch vào trong trước ngực, hơi nghếch lên, tay cầm ốp nòng súng để khi có biến dễ nắm lấy súng. Người việt thấp bé nhẹ cân nên mang vác vậy mới đi được xa, có thể kéo nòng súng tránh vật cản và sẵn sàng chiến đấu. Cấp trên không quy định tư thế nào, nó là thói quen hình thành tự nhiên của người lính.

Hình minh hoạ...
Tốp lính qua suối đi diễn tập chứ không phải thực tế chiến đấu.








Thịt ba rọi chấm với mắm cái quê tui ngon hết thuốc!

Nói hổng phải phe chứ tui sành ăn mắm không số một thì cũng số hai.

Cơ duyên nó thế này. Bữa chơi ở nhà thằng đệ
Tâm Teo
, chấm mắm cái quá ngon nên xin ít về, mà nó tình thật cho ít thiệt, đủ 2 lần chấm! haha. Chả đã thèm nên mình alô dặn... Chủ nhật rồi nhậu nhà Tiên chỉ
Nguyễn Thanh Vân
ở Dĩ An BD, nhận tiện mình ghé nhà bạn gần đó, lấy mắm. Cho không lấy tiền, đỡ tốn, rất cảm ơn vợ chồng bạn!
Về, chiều hôm sau đãi vợ con nên mình đi chợ sớm chọn mua thịt. Mắm nguyên chất dĩ nhiên mặn, nên cho tỏi giã khá vào, thêm chanh, thêm đường, thêm bột ngọt. Quậy lên ngã màu đục đục, thêm phức. Thịt luộc cuốn bánh tráng với rau sống chấm mắm cái thì phải nói ăn nhức chân răng, no cành bụng thì thôi. Dân miền Tây, ai cũng tấm tắt khen ngon, mình mới bảo của bạn tui đấy.
Hỡi những đứa con xứ nầu hãy tìm về gắn bó yêu thương!




Tìm kiếm Blog này