Hồi ở K, xã mình có ông Ly Diệt, trung đội trưởng dân quân xã, người dân tộc Chăm. Có lần, trên đường đi công tác, mình chứng kiến tài nghệ của ổng. Đang đi thì ổng khoát tay ra dấu anh em dừng lại núp, bộ đội ta ngơ ngác không biết có chuyện gì. Thấy ổng bước nhẹ lên phía trước, giương súng ngắm. Dõi mắt theo mới biết mục tiêu là con nai đang gặm cỏ cách chừng 200 mét. Ông đứng thẳng người, không cần tì súng trường CKC vào gốc cây để bắn như những người khác. Thế là "đoành" một tiếng vang lên, con nai ngã gục. Mọi người chạy đến, con nai trúng ngay nách. Không cần điểm tựa, chỉ với một phát đạn thôi đã hạ được con mồi. Quá nể luôn! Xứng danh là tay thiện xạ, bộ đội VN phải gọi là sư phụ...
Là người tin cẩn nên mình rất thương gọi ông bằng Bố, đã hy sinh trên đường công tác khi bị Kh'mer Đỏ gài mìn phục kích. Người thứ hai là cơ sở của mình, giỏi bắn voi nhưng mình chưa chứng kiến nên không kể ra đây.
Ngược lại ban đêm, muốn có thịt thú rừng ăn thì phải là nhờ tay dân quân khác. Mình không rành về săn thú, nghĩ thế này: ngày với đêm có thuận lợi và khó khăn khác nhau. Ngày thì khó tiếp cận con vật vì nó cảnh giác thấy được người nên phải bắn từ xa. Ban đêm tuy nó nhạy mùi nhưng cả người lẫn vật hạn chế tầm nhìn. Người ta rọi bằng đèn pin, con vật bị thu hút bỡi ánh đèn nên đứng ngó không bỏ chạy. Người ta tập trung vào mục tiêu hai con mắt có màu đỏ kia. Giữ thước ngắm thăng bằng, rê đầu ruồi súng vào điểm cần trúng, thế là bóp cò súng. Cách vài chục mét thì con vật chả thoát được đường nào. Bắn súng ban đêm, tưởng khó mà thật ra là dễ, chỉ cần đi thật nhẹ nhàng...
Nơi đội công tác của mình đứng chân ở bên suối ven sông Mê Kông, một mặt giáp rừng nên cá và thú rừng rất nhiều. Lính ta dùng lựu đạn đánh cá, bắn chim cò vớ vẩn chứ bắn thú thì dở nên nhờ dân quân mà vài ngày là có ăn. Đôi lúc, xui đứt chớn xin mắm bồ hốc, hốc thôi...
Thời tụi mình thì ở K thú móng guốc nhiều lắm như bò rừng, nai, mang vì CPC trảng rừng bạt ngàn và do dưới thời Kh'mer Đỏ không cho phép dân tự tiện săn bắn.