VNN
- Từ việc nắm được đặc tính của 43 loài chuột, ông Thiều sáng tạo bẫy
bán nguyệt làm bằng thép, kích thước nhỏ, có chốt an toàn. Vì sáng kiến
này mà ông được ví là "vua diệt chuột".
Với biệt danh là "Vua diệt chuột", ông Trần Quang Thiều, trú tại Văn
Bình, Thường Tín (Hà Nội) đã được Hãng tin AFP của Pháp ca ngợi là người
có công giúp người nông dân Việt Nam tiêu diệt mối đe dọa với mùa vụ
của họ.
Tờ Straits Times cũng ca ngợi ông là "Vua diệt chuột". Trong cuộc trả
lời phỏng vấn với Hãng tin AFP được tờ Straits Times của Singapore đăng
tải lại ngày 19/12/2014, ông Thiều nói rằng rất khó bẫy được chuột vì
chúng thông minh, di chuyển rất nhanh.
Nhưng trong năm 1998, ông Thiều đã tạo ra một bước đột phá khi sáng tạo
ra loại bẫy chuột rất đơn giản, nhưng lại hiệu quả hơn rất nhiều so với
những phương pháp bắt chuột khác. Loại bẫy này không cần mồi và hoạt
động nhờ một chiếc lò xo rất mạnh.
Nhờ loại bẫy này, ông đã tiêu diệt được hàng triệu con chuột. Ông đã
phải huy động toàn bộ gia đình tham gia điều hành 5 công ty chuyên cung
cấp bẫy chuột. Khoảng 30 triệu chiếc bẫy đặc biệt của ông đã được bán
ra. Danh tiếng của nó không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà còn lan sang cả
các nước láng giềng như Trung Quốc và Campuchia. Không một tỉnh nào ở
Việt Nam là ông không đặt chân đến, đặc biệt mới đây, ông còn được Bộ
Quốc phòng Campuchia mời sang diệt chuột, hướng dẫn cho nhân dân cách
bảo vệ tài sản gia đình, xã hội.
Có được sự thành công như ngày hôm nay, ông Thiều đã phải mất bao nhiêu
công sức trong gần chục năm để nghiên cứu về loài chuột. Vốn chỉ là một
người nông dân chân lấm tay bùn, sau khi đi bộ đội về, ông Thiều được
tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, quanh năm chỉ biết cấy cày, làm việc đồng
ruộng. Nhưng vì bị đại dịch chuột hoành hành mà ruộng vườn nhà ông và
người dân Văn Bình nhiều lần bị phá tan hoang, năng suất lúa, hoa màu
năm nào cũng thấp kém. Mọi phương pháp đặt mồi dính, bẫy lồng, bả chuột…
đều không ăn thua, ông liền nảy ra ý định tạo một loại bẫy đặc biệt đặt
phát nào trúng phát ấy, nhưng để tạo ra được loại bẫy như thế thì việc
quan trọng là phải nghiên cứu kỹ tập tính của loài chuột.
Ông phát hiện loài chuột hoạt động mạnh nhất là vào tầm 20-21h và 3 – 5h
hôm sau, và thế là hằng ngày, cứ vào tầm giờ ấy, ông Thiều lại lọ mọ ra
ruộng, vườn để theo dõi từng đường đi, hướng chạy của chuột. Nhiều
người còn bảo ông gàn dở, vì tự nhiên đêm đến ra đồng ngồi chỉ để… ngắm
chuột. Vợ con khuyên can thế nào ông cũng chẳng nghe.
Các nhà khoa học thường nuôi chuột trong lồng kính để làm vật thí
nghiệm, thì ông cũng nuôi chuột ở nhà để nghiên cứu tập tính của chúng. Ở
Việt Nam có 43 loài chuột thì ông nắm được hết, loài nào đuôi ngắn hơn
thân, loại nào đuôi dài hơn thân, loại nào không đuôi…, tốc độ di chuyển
thế nào, tập tính thế nào ông đều kể vanh vách. Thậm chí ông còn thực
hiện nhiều công đoạn thí nghiệm rất đặc biệt như nhổ lông mõm, cắt đuôi,
chọc mù mắt, cho chuột nhịn ăn… để tìm đường đi, tốc độ đi của chuột,
cho chuột giao phối để ước tính một năm loài chuột sinh sản được bao
nhiêu.
Đã có thời kì, ông bị người dân xung quanh kiện vì nuôi quá nhiều chuột
trong nhà, nhưng ông vẫn kiên trì với những thí nghiệm có một không hai
này. Nhờ đó, ông phát hiện ra rất nhiều điều thú vị về loài chuột, rằng
chuột chỉ hoạt động trong những thời điểm và thời kỳ nhất định. Nếu vào
thời kỳ mài răng, hay thời kỳ phát dục, chuột không ăn mồi thì dù có đặt
bẫy thế nào cũng không bao giờ dính.
Tốc độ di chuyển của loài chuột rất nhanh, có loài 2m/s, có loài 2,7m/s,
nếu đặt bẫy thông thường thì chuột có thể đi qua bẫy mà không bị sập.
Muốn bắt được chuột thì bẫy phải có tốc độ sập nhanh hơn tốc độ đi của
chuột. Từ đó ông đã sáng tạo ra loại bẫy bán nguyệt làm bằng thép, kích
thước nhỏ, có chốt an toàn, có quả đối trọng bằng xốp ở giữa, lò xo
khoẻ, chỉ chạm nhẹ là cũng sập bẫy. Ông còn lên tận Viện Vật lý để đo
tốc độ sập của bẫy, khi chắc chắn tốc độ sập nhanh hơn tốc độ đi của
chuột, ông mới yên tâm "nhân bản" lên nhiều chiếc bẫy khác.
Ông Thiều chia sẻ: "Quan trọng người đặt bẫy phải nắm được đường đi và
thời gian hoạt động của chuột. Đường đi của chuột ngoài đồng sẽ khác với
trong nhà, trên dây, trên cây… Chỉ cần đặt đúng vào đường đi của nó thì
dù không cần mồi vẫn có thể bắt được chuột, thậm chí còn bắt được cả
rắn".
Vốn tiếp xúc nhiều với loài chuột, nên việc bị nhiễm bệnh từ chuột là
không thể tránh khỏi, nhưng nhờ những nghiên cứu tỉ mỉ về loài chuột mà
ông Thiều còn biết cách chữa bệnh rất hiệu quả. Bệnh gì mắc từ loài
chuột nào, dùng thuốc hay chỉ dùng lá cây để đặc trị, ông đều nắm rõ.
Hơn 10 năm qua, với chiếc bẫy chuột đặc biệt mà ông sáng chế ra và đã
đoạt giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Vifotec, người nông dân Trần Quang
Thiều đã đi khắp Bắc-Nam, đồng bằng, miền núi để giúp đỡ bà con nông
dân. Số chuột ông diệt được đã lên tới 30 triệu con. Dù năm 1998 sáng
tạo ra bẫy diệt chuột, nhưng phải đến năm 2006, ông Thiều mới tự tin mở
công ty chuyên diệt chuột giúp người dân.
Bẫy chuột của ông là sản phẩm độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, là
hàng Việt Nam chất lượng quốc tế rẻ nhất, hiệu quả nhất, tiện dụng trên
mọi địa hình, an toàn khi sử dụng.
Những năm qua, ông đã được nhận nhiều Bằng khen, giải thưởng cao quý như
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Cúp vàng Bàn tay vàng, Cúp vàng Vì sự
nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, giải nhất Sáng tạo
khoa học kỹ thuật Việt Nam Vifotec…
Giờ đây dù đã hơn 60 tuổi, mặc dù là giám đốc một công ty lớn, các con
trong nhà đều đã có công ty diệt chuột riêng, nhưng ông vẫn lặn lội khắp
trong Nam ngoài Bắc, bởi bà con nông dân chỉ tin tưởng khi đích thân
ông là người hướng dẫn. Dù chẳng qua một trường lớp đào tạo nào, giáo án
giảng dạy chỉ là những sơ đồ, những kinh nghiệm đúc kết qua quá trình
thực tế ông viết ra, nhưng hiệu quả thực tế lại rất cao. Ông tâm sự:
"Quan trọng là mình nói ít, làm nhiều, bao giờ cũng thực hành trước, rồi
mới giảng lý thuyết sau nên được bà con tín nhiệm".
Khi chúng tôi tìm đến nhà, ông Thiều vừa trở về sau một chuyến diệt
chuột ở Nghệ An. Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, điện thoại đặt hàng
rồi mời ông đến diệt chuột liên tục vang lên. Ông bảo, ngày mai ông lại
tiếp tục lên đường vào Vinh vì có dự án mới.
Nhiều địa phương, khi ông được mời đến theo chương trình của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn của các tỉnh giúp người dân diệt chuột, ban đầu họ tỏ ra
nghi ngờ. Ông nhớ có lần đến Quảng Trị, trong buổi hướng dẫn bà con,
một người nông dân đứng lên chỉ trích rất gay gắt, rằng họ bị lừa quá
nhiều rồi.
Nhiều công ty diệt chuột về quảng cáo, tuyên truyền nhưng cuối cùng chỉ
lấy tiền của người dân mà chuột thì vẫn nhan nhản. Ông không thanh minh,
cũng chẳng giải thích nhiều, chỉ hẹn người này đêm tối và gần sáng đi
đặt thử 30 chiếc bẫy cùng ông. Nếu không diệt được chuột, công ty ông sẽ
không lấy tiền.
Vì sợ người công ty ông bắt chuột đem bỏ vào bẫy để lừa bà con, nên
người này đã thức cả đêm canh chừng. Sáng hôm sau, cả 30 cái bẫy đều
dính chuột, chưa kể còn bắt thêm được 17 con nữa. Ngày hôm ấy, hội
trường huyện chật kín, người kéo đến đông nghịt, lớp học bẫy chuột phải
chuyển ra ngoài sân mới có đủ chỗ ngồi. Chính người nông dân kia đã đứng
lên xin lỗi ông Thiều và trở thành người truyền đạt kinh nghiệm bẫy
chuột từ ông Thiều cho những người khác.
Chiếc bẫy chuột của ông Thiều có giá thành rẻ, phù hợp với túi tiền của
người nông dân, mà hiệu quả rất cao. Đặc biệt, cách làm thực hành trước,
lý thuyết sau, diệt chuột xong mới lấy tiền công, cho người nông dân
mua chịu bẫy 1-2 năm, được mùa vụ mới trả tiền, đã thực sự tạo được uy
tín, niềm tin đối với người dân.
Hiện tại, ông Thiều đã giảng dạy cho gần 8.000 lớp học tập huấn, hướng
dẫn bà con bằng chính những kinh nghiệm bao năm lăn lộn với ruộng đồng,
với những công trình khoa học nghiên cứu về loài chuột đậm chất nông dân
của mình.