Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Quan điểm hành xử và quan niệm sống của ông Nguyễn Sự

quan chức, Hội An, tài sản, minh bạch, Nguyễn Sự
Ông Nguyễn Sự. Ảnh: Lan Hương

Bí thư Nguyễn Sự:
Quan chức không giàu khác nào "trên trời rơi xuống"?
Với đồng lương như thế, thu nhập như thế giàu sao được. Vậy mà chúng ta lại nhìn một quan chức không giàu có như một cha nào đó từ trên trời rơi xuống?
Hẹn gặp Bí thư Nguyễn Sự của TP. Hội An trong một quán café cóc ven đường. Ông Bí thư phố Hội ăn mặc giản dị, đi xe đạp đến, gọi 3 ly trà đá và rất nhẹ nhõm khi nói về chuyện nghèo  của mình giữa sự giàu có của nhiều quan chức khác.
DN tiếp cận lãnh đạo là chuyện thường
Tôi đã rất tò mò về ông, thậm chí là thấy khó tin, khi mọi người kể rằng gia đình ông sống trong một ngôi nhà lợp mái gianh rất bình thường?
Đó là chuyện sáu năm trước đây. Bây giờ gia đình tôi ở trong một ngôi nhà cấp 4. Nhưng tôi thấy điều đó cũng bình thường thôi chứ không có gì khó tin cả.
Nhưng Hội An là một mảnh đất kiếm ra tiền thực sự bằng du lịch. Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào đây. Mà chúng ta đều không lạ gì cơ chế bôi trơn đã trở thành một thứ "văn hoá" ở đất nước ta. Lẽ nào các doanh nghiệp đến Hội An đầu tư họ không tìm cách tiếp cận ông?
Ở Hội An, doanh nghiệp cũng tìm cách gặp tôi. Họ tiếp cận tôi khi tôi ngồi uống cafe chẳng hạn. Nhưng không chỉ có doanh nghiệp, ai cũng có thể ngồi uống café cùng tôi, kể cả anh xe ôm.
Tôi có thể không giải quyết được vấn đề của họ ở quán café, nhưng tôi lắng nghe họ, hướng dẫn họ cách giải quyết. Thậm chí có khó khăn gì, doanh nghiệp có thể tìm đến nhà tôi.
Nhưng có một điều rất rõ ràng chúng tôi quy định với doanh nghiệp: Thứ nhất, khi anh đến Hội An đầu tư, có những điều kiện bắt buộc mà chúng tôi đặt ra với anh, anh buộc phải tuân theo: môi trường, mật độ xây dựng, cây xanh, kiến trúc đô thị, hay chuyện anh được kinh doanh cái gì và không kinh doanh cái gì theo luật của Hội An.
Nếu anh chấp nhận những cái đó, anh cứ vô Hội An làm. Nếu vi phạm, anh không thể tiếp tục tồn tại ở Hội An nữa. Chúng tôi không bao giờ dùng quyền lực của mình để làm khó doanh nghiệp. Vì thế, ở Hội An không có văn hoá phong bì giữa doanh nghiệp với các quan chức. Nếu có cũng chỉ rơi rớt vài trường hợp cá biệt.
Có những doanh nghiệp mới đến Hội An, chưa biết cách làm việc của chúng tôi cũng đến gặp tôi và tìm cách đưa phong bì. Tôi rất thẳng thắn với họ: nếu anh đến Hội An mà giữ cách làm việc này thì người đầu tiên không đồng ý cho anh đầu tư vào Hội An là tôi. Chúng tôi không chấp nhận anh. Bất cứ người lãnh đạo, quản lý nào có tự trọng thì sẽ đều làm như vậy, tôi tin thế.
Cũng phải nói thêm rằng doanh nghiệp tiếp cận lãnh đạo là chuyện bình thường. Cơ chế của chúng ta khiến cho nhiều doanh nghiệp muốn được việc hay không là do ông lãnh đạo ở địa phương đó, chứ không phải luật pháp quyết định. Một ông doanh nghiệp muốn xây khách sạn, luật pháp không cấm, nhưng ông ấy cần đất đai, mà ông chính quyền ở đó không kí thì doanh nghiệp chịu. Doanh nghiệp tiến cận quan chức cũng vì muốn được việc cũng là lẽ đương nhiên, chúng ta không có lý do gì trách họ.
Nhưng cách ứng xử của người lãnh đạo là cái cần quan tâm. Khi doanh nghiệp tiếp cận anh, nếu anh hướng dẫn để doanh nghiệp làm đúng luật pháp thì mọi chuyện sẽ rất minh bạch - tốt! Nhưng nếu anh để doanh nghiệp đi cửa sau, cửa trước, làm chuyện dấm dúi này nọ - không tốt!
 

"Ông Sự không vì cái nhà mà... to hơn"Con người luôn có ham muốn: ham muốn về vật chất, về dục vọng. Là quan chức, xung quanh luôn có rất nhiều sự cám dỗ, ông kiểm soát sự ham muốn của mình thế nào?
Tôi luôn tâm niệm hai chữ "tri túc" - biết thế nào là đủ. Cái này tôi không học từ đâu cả, mà học từ chính gia đình mình. Nhà tôi nghèo, mẹ tôi mù chữ. Nhưng bà làm lụng vất vả, cố gắng cho tôi đi học, chỉ mong tôi nuôi được thân mình, chứ không phải mơ tôi làm quan chức này nọ. Cha tôi cũng có chữ nghĩa, học hành, cũng chỉ là người lao động.
Tôi thường ngẫm nghĩ khi tôi nghèo khổ, tôi ở nhà tranh, tôi không thấy mình hèn. Đến hôm nay, đồng lương cải thiện, biết tiết kiệm, tôi đã xây được cái nhà cấp 4, tôi cũng không thấy mình sang hơn. Bản thân ông Sự cũng không vì cái nhà mà trở nên to hơn. Ngay cả lúc dù cuộc sống đụng đâu thiếu đó, tôi cũng vẫn thấy mình đủ. Đó là tri túc.
Tôi nghĩ "quan không thanh liêm" mới là sự bất thường, vậy mà giờ đây chúng ta dùng từ "quan thanh liêm" để nói về một sự bất thường.
Cha mẹ tôi lúc  còn sống không dễ để có một bộ đồ mới, một miếng ăn ngon, nhưng đến lúc tôi có điều kiện làm được điều đó, thì cha mẹ tôi đã nằm xuống. Tôi cứ nghĩ mãi vậy thì chuyện nhiều tiền hay không có quan trọng nữa không? Mẹ tôi không biết chữ, nhưng không có nghĩa bà để cho con cái hư hỏng. Cũng không phải vì chúng tôi nghèo mà hèn. Không ai tự hào mình nghèo. Nhưng chúng tôi biết thế nào là đủ. Và tôi luôn đặt chữ Tri Túc trước mặt để răn mình.
Ai thấy tiền cũng ham, nhưng nếu anh từ chối được một lần thì sẽ từ chối được những lần sau. Nếu anh đã lỡ nhận lần đầu tiên, thì những lần sau anh sẽ vi phạm. Mọi thứ đều do mình cả.
Lẽ nào trong suốt mấy chục năm qua, không có lúc nào đó ông cảm thấy mình đứng ở ranh giới lựa chọn giữa việc làm một "ông quan thanh liêm" và những cơ hội khác về vật chất?
Tôi không thích cái từ "quan thanh liêm". Bởi tôi nghĩ Đảng đặt mình vào vị trí đó, dân đặt mình vào vị trí đó đâu phải để mình không thanh liêm, đâu phải để mình không đàng hoàng, ngay thẳng?
Tôi nghĩ "quan không thanh liêm" mới là sự bất thường, vậy mà giờ đây chúng ta dùng từ "quan thanh liêm" để nói về một sự bất thường.
Khi nói bản thân một quan chức không giàu có, nhiều người sẽ không tin, coi đó là chuyện bất thường. Nhưng thực tế chuyện không giàu có là bình thường vì với đồng lương như thế, thu nhập như thế giàu sao được. Vậy mà chúng ta lại nhìn một quan chức không giàu có như một thằng cha trên trời rơi xuống?
quan chức, Hội An, tài sản, minh bạch, Nguyễn Sự
Phố cổ Hội An. Ảnh: Chudu
Sự ngay ngắn đáng lẽ là điều bình thường giờ lại trở thành cái không bình thường trong con mắt chúng ta. Đó chính là sự "bất thường" trong tư duy của chúng ta hôm nay, kể cả báo chí cũng mắc lỗi đó.
Nếu có ai hỏi tại sao ông làm quan mà lại ở cái nhà như thế này? Tôi chắc sẽ hỏi lại tại sao ông làm quan chức mà lại ở cái nhà to như thế kia?
Tôi chống lại sự cám dỗ một cách đơn giản: tôi nhớ một điều rằng cái gì không phải của tôi thì tôi không xài. Người ta đưa cho tôi cái phong bì dày hay mỏng không quan trọng, nhưng tôi biết số tiền trong cái phong bì đó không phải của tôi.
Trong khi gia đình ông sống trong một ngôi nhà cấp 4, thì nhiều quan chức khác có xe hơi, có biệt thự; vợ con họ đi du lịch nước trong nước ngoài, du học này nọ.... Vậy vợ ông có bao giờ chạnh lòng về việc mình cũng có một ông chồng quan chức mà cuộc sống lại chỉ như đơn giản như lâu nay không?
Vợ tôi sinh ra trong một gia đình khá cơ cực. Cái cơ cực bây giờ so với cái cơ cực những năm tháng đó chẳng là gì. Cũng có thể vì vợ tôi hiểu chồng nên không bao giờ đòi hỏi, trách móc chồng về chuyện đó. Đó cũng là niềm vui, là may mắn của tôi.
Có thể vợ tôi cũng có suy nghĩ, cũng có mơ ước, nhưng vợ tôi ủng hộ và có chung quan điểm với tôi: cái gì không phải của mình đừng có xài.
Nhận tiền của người ta như nhận lấy món nợ vào đời mình. Tôi nghĩ, món nợ ân tình thì đời mình trả không xong, đời con mình sẽ trả. Nhưng món nợ vật chất, trả bao nhiêu cũng sẽ mãi mang tiếng. Mà không có cái đó chúng tôi đâu có chết.
Tôi chống lại sự cám dỗ một cách đơn giản: tôi nhớ một điều rằng cái gì không phải của tôi thì tôi không xài. Người ta đưa cho tôi cái phong bì dày hay mỏng không quan trọng, nhưng tôi biết số tiền trong cái phong bì đó không phải của tôi.
Không có biệt thự, không có ô tô, không đi nước ngoài, chúng tôi vẫn sống bình thường. Dĩ nhiên nghèo đến mức ra đường mà không có đồng bạc trong túi uống café, hay không có tiền sửa xe thì không được. Nhưng đồng lương của tôi đủ để tôi không nghèo đến mức đó. Như ở Hội An này chẳng hạn, tôi chỉ cần vài ba trăm trong túi là yên tâm.
Xin tò mò một chút là trong ví ông thường có bao nhiêu tiền?
Đôi khi có vài ba triệu, đôi khi chẳng có đồng xu nào cả. Nhưng nói thật là tôi không bận tâm điều đó. Khi tôi cần mua gì đó, lục ví ra không còn đủ tiền thì tôi không mua.
Nhưng ông không sợ người dân Hội An nhìn thấy, họ cười vì "ô.. ông bí thư mà lại không có đủ tiền mua một món đồ hay sao"?
Tôi không ngại, vì tôi chưa có, thì để lúc có tôi sẽ mua. Người dân thậm chí bảo tôi chưa đủ tiền thì cứ lấy, bao giờ có thì trả. Đó là chuyện bình thường thôi, sao phải ngại?

Sự "giàu có" của Bí thư Hội An

"Quan niệm giàu nghèo của tôi khá đơn giản: tôi giàu bạn bè, giàu ân nghĩa. Tôi giàu vì khi ra đường gặp dân, họ mỉm cười với tôi, đó là giàu có. Ai đó có thể ghét mình, có thể chưa trọng mình về kiến thức, trình độ, nhưng không khinh mình - đó là giàu", Bí thư Hội An chia sẻ.Bài 1: Quan chức không giàu khác nào "trên trời rơi xuống"?

Bí thư Hội An Nguyễn Sự tiếp tục cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam về chủ đề quan  chức làm giàu.
Nhân nào, quả đó
Có vẻ ông rất tâm đắc với chuyện "tri túc" của người làm quan. Nhưng có bao giờ ông so sánh thế này không: ông là một ông bí thư đương chức ở Hội An, ông có khả năng kiếm được rất nhiều tiền nếu chịu đi đêm với doanh nghiệp đến làm ăn ở đây, nhưng ông lại lựa chọn cho mình cuộc sống trong một ngôi nhà cấp 4, đi xe đạp đi làm, ăn mặc xuề xoà, uống café vỉa hè và trong túi chỉ có vài trăm bạc. Vậy khi đọc báo, thấy những quan chức có biệt thự nọ, xe hơi kia, có đất đai bạt ngàn, ông có thấy tủi thân hay giận dữ không?
Tôi không giàu có, nhưng nhìn người khác giàu có, tôi sẽ nghĩ họ giàu có từ đâu? Nếu họ giàu có là do ông cha để lại, do gia đình họ giỏi kinh doanh, thu vén, làm giàu chính đáng thì tôi không bàn. Việc làm giàu bằng trí tuệ thì tôi khâm phục.
Nhưng việc làm giàu không phải do sức mình, ô tô nhà lầu không phải do trí tuệ của anh mà do anh lợi dụng chức quyền của mình, thì đó là điều đáng giận dữ. Thứ nhất, dân nhìn vào quan chức như thế sẽ nghĩ quan chức ai cũng vậy. Đó là nỗi buồn của người làm quan chức. Thứ hai, quan trọng hơn là dân sẽ mất lòng tin, mà khi dân không tin, thì nói dân không nghe. Hình ảnh người cán bộ trong dân không còn trong sáng, dân sẽ không còn tin chính quyền nữa.
Chuyện tủi thân thì không. Tôi tin cuộc đời không cho không ai cái gì cả. Chuyện Nhân - Quả cha ông ta đã dạy. Các cụ dạy "đời cha ăn mặn, đời con khát nước", nhưng giờ tôi nghĩ, gieo nhân nào sẽ gặt ngay quả đó, đời cha ăn mặn chưa kịp bỏ đũa có thể đã khát nước rồi.
Tôi tin tiền bạc là thứ dễ kiếm nếu mất đi. Nhưng danh dự, nhân phẩm thì không. Nếu tôi không làm quan chức một cách ngay ngắn, con cháu tôi sau này sẽ phải chịu tiếng xấu cả đời. Tôi suy nghĩ như thế này: làm cha mẹ nếu không thể để lại cho con mình lòng tự hào,thì cũng đừng để lại tiếng xấu cho con cái. Mà trong đời mình tôi sợ nhất là con mình khinh mình. Đó là bi kịch.
Những đứa con là người biết rõ hơn ai hết cha nó là người ngay ngắn hay không. Tôi dạy con mình sống đàng hoàng, không được uống rượu, không được đánh bạc, thì tôi phải là tấm gương đã. Tôi không thể để con tôi về nói với tôi: ba ơi, ba dạy con  như thế nhưng ba vẫn nhận tiền thiện hạ thì ba dạy con bằng cái gì?
Hội An, quan chức, tài sản, minh bạch
  Phố cổ Hội An. Ảnh: Chudu
Toàn lời khen chưa chắc đáng mừng
Trước khi đến gặp ông, tôi đã ở Hội An vài ngày và có thực hiện một cuộc khảo sát nho nhỏ về ông trong mắt người dân Hội An. Cũng có nhiều ý kiến lắm: có người nói ông là người có trách nhiệm với Hội An; có người nói ông Bí thư Hội An tốt chứ chưa phải là có tài, đáng lẽ Hội An phải giàu hơn mới phải;  có người chê ông dân dã quá. Họ muốn ông phải ăn mặc chỉn chu hơn, phải comple cà-vạt; có người khen ông là một ông quan thanh liêm - dù ông không thích từ này. Nhưng cũng có người nói họ không tin ông nghèo?
Nếu người dân khen tôi 70% hay khen 100%, đó chưa chắc đã phải là đáng mừng, mà có khi lại là nỗi lo. Vì họ không biết hết về mình. Và họ cũng kỳ vọng về mình nhiều quá, như vậy có thể tôi sẽ dễ làm họ thất vọng hơn.
Nếu dân chê tôi đúng, tôi sẽ điều chỉnh, nhưng tôi cũng biết tỉnh táo giữa những lời chê bai đó. Khen chê là câu chuyện đầy cảm tính. Tôi cho đó là chuyện bình thường. Dân có thể nghi tôi "giả chết", vì các ông cán bộ khác giàu, chẳng có lý do gì ông Sự không giàu. Nhiều bạn bè ở Sài Gòn về Hội An đến nhà chơi cũng không tin tôi nghèo.
Nhưng tôi cứ sống là mình. Tôi tin thời gian sẽ là câu trả lời rõ nhất. Có điều sẽ không ai dám nói là "ông Sự nhận tiền của tôi", vì chắc chắn tôi không làm thế để có điều tiếng đến họ.
Hội An, quan chức, tài sản, minh bạch
Ông Nguyễn Sự. Ảnh: Lan Hương
Và ông có dám thách thức ai đó tìm kiếm bằng chứng, nếu họ nghi ngờ ông có của chìm, của nổi?
Làm điều đó để làm gì? Tôi cho là người dân có quyền thắc mắc. Nếu tôi là dân tôi cũng có quyền thắc mắc về cuộc sống của ông quan chức nơi tôi sống. Những gì dân đặt dấu hỏi về mình là động lực để tôi sống, làm việc và răn mình sao cho để những dấu hỏi đó không còn tồn tại nữa.
Ông có nói cơ chế minh bạch của chúng ta chưa đến nơi đến chốn. Ông có ủng hộ việc công khai tài sản của quan chức với dân?
Tôi ủng hộ công khai, nhưng công khai không chưa đủ, phải cả minh bạch nữa.
Ông Sự công khai 5 lô đất. Nhưng tiền nào để mua 5 lô đất đó, đó chính là cái thực sự phải công khai, minh bạch. Hiện nay chúng ta mới chỉ dừng lại ở kê khai. Chúng ta chưa xác minh được tài sản đó từ đâu ra, làm chưa tới...
Không có một cơ chế kiểm soát rõ ràng về vấn đề quyền lực, về minh bạch về tài sản thì sẽ tiếp tục còn tham nhũng. Còn cơ chế xin - cho thì cũng sẽ còn tham nhũng. Quyền lực và tiền bạc là thứ dễ khiến cho con người tha hoá hơn cả nếu chúng ta không có cách kiểm soát hiệu quả.
Nếu nói về tài sản của mình, ông có thể khẳng định gì?
Tôi ngẩng cao đầu nói rằng tôi không lợi dụng vị trí này, chức vụ nọ để thu lợi cá nhân. Tôi là lãnh đạo của Hội An, nhưng không hề có một tấc đất của thành phố. Đất đai tôi có là do cha mẹ để lại. Con cái tôi lấy vợ, làm nhà, cũng đều trên mảnh đất do ông bà để lại.
Ở Hội An có thể cấp đất cho người nghèo, cho gia đình chính sách, còn cán bộ muốn có nhà thì phải đi mua. Tôi cũng tự hào là dù không dám khẳng định 100%, nhưng ở Hội An, chuyện quan chức gây khó cho doanh nghiệp, cho người dân, chuyện tham ô, tham nhũng là rất hiếm và cá biệt.
Có khi nào ông đắn đo: mình chấp nhận du di một chút thôi, thì cuộc sống vật chất sẽ thoải mái hơn?
Quan niệm giàu nghèo của tôi khá đơn giản: tôi giàu bạn bè, giàu ân nghĩa. Tôi giàu vì khi ra đường gặp dân, họ mỉm cười với tôi, đó là giàu có. Ai đó có thể ghét mình, có thể chưa trọng mình về kiến thức, trình độ, năng lực, nhưng không khinh mình - đó là giàu.
Ở vị trí của mình, ông tâm niệm điều gì?
Tri kỷ - tri chỉ - tri túc. Biết mình là ai - biết giới hạn đến đâu là vừa - biết thế nào là đủ.
Và ông hạnh phúc....
Tôi trở về nhà mỗi ngày, biết rằng mọi quyết định mình đưa ra đều vì nghĩ đến lợi ích cho người dân Hội An; và biết rằng  mình vẫn giữ được sự tôn kính trong lòng con cái.
Lan Hương(thực hiện)

Tìm kiếm Blog này