Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Trẻ em thời chiến tranh Việt Nam 50 năm sau: “Chúng có còn sống?”

 Posted by adminbasam
The Guardian
Người dịch: Trần Văn Minh
28-02-2015
Ngay sau khi tấm hình này được chụp, những trẻ em này đã di tản khỏi làng. Gần nửa thế kỷ sau, có thể nào các cựu chiến binh Mỹ tìm được chúng?
Vietnam child evacuees 
Thành (thứ ba từ trái sang, áo sơ mi màu xanh) phục vụ trong quân đội miền Nam Việt Nam; Thanh (giữa, đội mũ, bị che một phần), có cha bị quân đội Mỹ vô tình giết chết; Minh (thứ hai từ bên phải, đứng đàng sau, bị che một phần) chuyển đến một trại tị nạn; Sơn (đội nón lính) đã tìm cách trốn khỏi Việt Nam. Hình: Bob Shirley
Larry Johns 14 tuổi, đang ở trong một lớp thể dục của trường, khi anh biết tin anh trai chết. Lúc đó là tháng 9 năm 1969, Tổng thống Nixon vừa mới nhậm chức, hứa sẽ chấm dứt cuộc chiến không được ưa chuộng đã hoành hành tại Việt Nam. Đất nước [Hoa Kỳ] bị phân cực mãnh liệt, và những người chống đối dẫn đầu các cuộc biểu tình lớn trên đường phố và các trường đại học của Mỹ. Anh trai Jeff của Larry đã được điều tới một đơn vị trinh sát 35 dặm về phía tây bắc Sài Gòn với một nhiệm vụ để kết thúc chiến tranh. Anh chỉ mới đi lính được năm tháng thì được chuyển về nhà trong một chiếc quan tài đóng kín với một lá cờ Mỹ gắn chặt.
“Đó là một tai nạn. Nhưng những kiểu tai nạn đó luôn luôn xảy ra”, Larry nói, gần 50 năm sau.
Sau khi phục vụ trong hải quân và rồi tự thiết lập doanh nghiệp in sách, Larry bắt đầu đi tìm các cựu chiến binh đã từng phục vụ trong cùng đơn vị với anh trai của ông. Quân đội đã im lặng phần lớn về những chi tiết đằng sau cái chết của anh ông, vì vậy Larry đi tìm lại các hình ảnh và tài liệu. Từng chút một, anh biết được sự thật: Jeff, khi đó 19 tuổi, ở trong một đội quân được gửi ra vành đai căn cứ của họ để đặt một trái mìn nặng 40 cân Anh, dùng để ngăn đuổi quân lính kẻ thù Việt Nam. Nhưng những tiếng nổ đại bác trong trại đã gây ra một luồng tĩnh điện lớn, bất ngờ làm phát nổ trái mìn, giết chết tám người. Các ngón tay, tứ chi bị cắt, các mảnh vụn của đồng phục đã trút xuống khắp trại. Chỉ có hai trong số tám thi thể còn nguyên vẹn phần nào, Larry sau đó biết rằng, một trong số đó là của Jeff.
Trong cố gắng để liên lạc với các cựu chiến binh, những người có thể nói với ông nhiều hơn, Larry thấy những tấm hình do một chuyên viên y tế trẻ tuổi tên là Bob Shirley chụp, người đã đóng quân tại căn cứ vào khoảng cùng thời gian với Jeff. “Cho tới nay, đây là những tấm hình đẹp nhất – được giữ gìn rất kỹ và đầy màu sắc”, Larry nói. Một loạt hình về một nhóm trẻ em Việt Nam, đã ở bên ông.
H1 
Anh trai Jeff của Larry Johns đã bị giết chết ở Việt Nam vào năm 1969. Chính Johns người, gần 50 năm sau, đi tìm những đứa trẻ trong hình gốc của Bob Shirley. Hình: Young Reed
“Tôi tự hỏi, ‘Họ bây giờ đang ở đâu? Họ có còn sống không?’ Tôi không biết ở đó có mối liên hệ nào với anh tôi hay không. Có lẽ đó là lý do tại sao tôi muốn biết phải chăng những đứa trẻ đó vẫn còn sống”.
Vì vậy, Larry đã liên lạc với Bob, in ra một số tờ rơi và hình ảnh, rồi đi đến làng Chơn Thành để xem họ có thể tìm thấy gì hoặc người nào hay không.
Chơn Thành nằm cách căn cứ hỏa lực Gela vài dặm về phía bắc, nơi Jeff đã bị giết chết, và nơi quân đội Mỹ đã từng thiết lập một lều y tế cho dân làng Việt Nam. Một ngày vào tháng 10 năm 1969, “đốc tờ” Bob Shirley có một cơ hội hiếm có để chụp hình và nói chuyện với người dân địa phương. Từng là một nhiếp ảnh gia tài tử, Bob ghi lại tất cả mọi thứ, từ cuộc sống tại căn cứ cho tới kết quả hành động của kẻ thù, bằng cách sử dụng một máy ảnh 35mm rẻ tiền mà anh có trong tay.
Cho đến khi chuyến đi của Larry tìm kiếm các trẻ em Chơn Thành, không ai trong số các cựu chiến binh biết rằng toàn bộ ngôi làng đã được di tản ngay sau khi các hình ảnh của Bob được chụp. Quân Bắc Việt tiến vào đã buộc mọi người phải chạy về phía nam và bỏ nhà cửa của họ; người cộng sản giết bất cứ ai có liên hệ với người Mỹ. Tuy nhiên, nhiều gia đình đã tìm cách sống trong cùng một khu vực ở phía Nam – xung quanh thành phố biển Vũng Tàu – và ngày nay hầu hết dân làng vẫn còn là hàng xóm và bạn bè nhau.
H1 
Thanh hiện đang sở hữu một doanh nghiệp đấu thầu và sống tại Vũng Tàu với vợ. Hình: Young Reed
Quá trình tìm kiếm các đứa trẻ mất hai năm với sự giúp đỡ của một người, Thế, là người có một trí nhớ hình ảnh. Sau khi thấy qua một trong những tờ rơi của Larry tại một đám cưới, Thế giúp Larry tìm 16 đứa trẻ mà Bob đã chụp những năm trước.
Trong một tấm hình, một cô gái tên là Sa nhìn thẳng vào ống kính một cách thận trọng, mái tóc đen dày của cô bay trong gió. Anh trai của cô, Lộc, đứng bên cạnh cô, sốt ruột chờ chân bị thương được điều trị. Tấm hình này là một trong những tấm được Bob yêu thích và, khi thấy nó sau gần 50 năm, Sa chảy nước mắt. “Tôi chỉ là một đứa trẻ nhỏ, vô tư, vui vẻ, bởi vì tôi đã sống với người Mỹ”, bà nói tại trang trại thanh long của bà gần Phan Thiết, nơi bà sống hiện nay với chồng bà. “Tôi đi học vào buổi sáng, sau đó họ đưa tôi đến trại của họ và cho tôi thức ăn”.
H1 
Sơn đã tìm cách lén lút thoát khỏi Việt Nam bằng thuyền vào năm 1984, nhưng đã bị công an chặn lại. Hình: Reed Young
Vào một hôm ở trại lính, một bãi thải đạn dược phát nổ và chân của Sa bị một viên đạn lạc ghim vào, làm cô tàn phế cả đời. Cô đã trải qua cuộc phẫu thuật tại bệnh viện Mỹ nhưng không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Khi cô và gia đình bị buộc phải trốn chạy quân đội cộng sản vào năm 1970, cuộc sống trở nên vô cùng cơ cực. Cô nhớ lại: “Không có thức ăn, chỉ cái chết và nỗi kinh hoàng. Sau năm 1975 [khi cộng sản cầm quyền], cuộc sống đi từ hết đau khổ này tới đau khổ khác”. Cuối cùng Sa đã kết hôn và lập một trang trại. Hiện giờ cô có ba người con sống gần đó, nhưng cô vẫn đau đớn liên tục. “Chân tôi vẫn còn đau, và tôi cần phụ giúp mới có thể đứng lên”.
Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất và bất ngờ nhất, cô nói, đến từ chuyến thăm cuối tháng 12 của Larry, người bạn nhiếp ảnh của ông là Reed Young và hai cựu chiến binh Việt Nam đã từng phục vụ tại căn cứ hỏa lực Gela năm 1969 – Rod Rodriguez và Del Hiesterman.
Cô nghẹn lời, nói: “Thậm chí tôi không thể tưởng tượng tất cả tình yêu mà họ đã dành cho chúng tôi những đứa trẻ ‘không tên’. Tôi cảm thấy rất xúc động khi họ nhớ đến chúng tôi”.
Thế chỉ mới tám tuổi khi bức hình của ông được chụp, một đứa trẻ bé nhỏ trong chiếc nón nông dân và áo sơ mi sọc (hình trên). Ông nói: “Tôi đang ở trường khi người Mỹ đến để cho chúng tôi thuốc men và quà tặng. Họ luôn luôn rất lịch sự, rất mở lòng. Cuộc sống lúc đó rất khó khăn – Tôi đang ở Bình Long, điểm nóng của cuộc chiến, với tiếng bom và tiếng súng mỗi ngày. Mẹ tôi, cha và chú, tất cả đều bị Việt Cộng giết chết, còn tôi sống giữa chiến tranh và không biết gì khác”.
H1 
Thành đã lập gia đình, có bốn người con. Hình: Reed Young
Giống như nhiều trẻ em trong các tấm hình, Thế đã làm việc kể từ thời chiến tranh như một nông dân và người lao động. Cuộc sống vẫn còn khó khăn, ông nói. “Từ năm 1969 đến năm 1975, chúng tôi sống giữa chiến tranh, cái chết và đói khát. Nhưng ngày nay xã hội vẫn chưa được tự do. Không có nhân quyền”.
Thế đã đặt tờ rơi của Larry vào khung hình và thường xuyên nghiên cứu các tấm hình của Bob. Ông nói: “Nó mang lại rất nhiều kỷ niệm từ nhiều năm trước đây. Tôi rất vui, không phải vì ông ta là một người quan trọng với tôi, nhưng vì ông đã trở lại, muốn biết thêm về chúng tôi”.
Một số trẻ em nhớ lại đã sống nhờ đồ dư thừa của quân đội Mỹ. “Chúng tôi muốn đi xuống căn cứ, nơi mà người Mỹ đã thải rác ra, và nhặt thức ăn thừa – trứng, pho mát, giăm bông. Nếu chúng tôi hỏi xin thức ăn, họ sẽ cho chúng tôi kẹo”, Tuấn hồi tưởng lại. Khi quân cộng sản đuổi họ ra khỏi làng, mẹ của Tuấn đã bị bắn vào chân và em gái của bà bị thất lạc – họ đã phải quay trở lại để tìm bà ấy. “Chúng tôi luôn luôn trốn chạy Việt Cộng. Khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi đã phải xin họ thương tình, đã phải xin đất đai để sinh sống và làm việc. Thật khó để tiếp tục cuộc sống khi bạn thuộc về bên bại trận”.
Đối với đa số các trẻ em trong hình, mọi hy vọng học vấn đều chấm dứt một khi chúng bị đuổi ra khỏi nhà. Cha của Thanh, một người lính trong quân đội miền Nam Việt Nam, đã bị chính quyền cộng sản mới lên, bắt bỏ tù vào năm 1975, ép buộc trẻ em ra khỏi nhà để làm việc ngoài đồng. Các trẻ em khác, như Minh, đã đến sống tại một trại tị nạn đông đúc.
Ở bên Mỹ, các cựu chiến binh từng phục vụ ở Việt Nam thường bị những người biểu tình chống chiến tranh đón tiếp ở sân bay, chế giễu họ. “Thừa nhận bạn đã phục vụ ở Việt Nam là tự sát xã hội”, Del Hiesterman, bây giờ 69 tuổi, đã phục vụ từ tháng 8 năm 1968 đến tháng Mười năm 1969, nói. “Chúng tôi, những người lính, đã bị quy lỗi do (các quyết định) của các chính trị gia. Thật là khó khăn”.
Del đã chứng kiến vụ nổ đã giết chết Jeff, chui ra khỏi hầm trú ẩn đêm đó để thấy một nửa bộ óc rơi ngay dưới chân mình. Trong nhiều thập niên sau đó, Del bị hành hạ bởi chứng bệnh tâm lý căng thẳng sau chấn thương nghiêm trọng đến nỗi ông thức giấc giữa đêm hoảng hốt bởi mùi và âm thanh của trận chiến. Quay trở lại Việt Nam với Larry và Rod lần đầu tiên kể từ khi ông rời khỏi Sài Gòn khói lửa 45 năm trước đây đã giúp anh, anh nói: “để xem Việt Nam như là một quốc gia và xã hội, chứ không phải chỉ là một cuộc chiến tranh”.
H1 
Minh bây giờ là người nuôi gà chọi, sống tại Vũng Tàu với vợ và các con. Hình: Reed Young
Rod bây giờ 70 tuổi, đồng ý. “Nó đã cho tôi cảm giác hoàn thành một chu kỳ”.
Sử dụng bản đồ quân đội cũ và hình ảnh vệ tinh GPS, Larry, Del và Rod đã có thể xác định chính xác nơi mà Jeff đã bị giết chết, và người ta đã chôn một hộp kỷ vật và huy chương tại đó.
“Có rất nhiều tiếng cười và rất nhiều nước mắt. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời nhất của cuộc đời tôi”. Larry nói về việc gặp dân làng Chơn Thành và thời gian của ông ở Việt Nam.
Ngoc Nguyen Thanh đóng góp thêm cho bài viết.

Tìm kiếm Blog này