Ở gần Cà Ná, núi Chà Bang ở thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cao 432m. Người Việt gọi Tam Sơn. Chà Bang gốc Chăm Cabang, nghĩa là “núi chẻ”. Còn Tam Sơn, vì núi “có ba đỉnh vươn lên trên cao”.
Một số địa danh bắt nguồn từ tên cây.
Là A là tên làng ở tỉnh Ninh Thuận. Là A mang dạng gốc Laa, nghĩa là “cây là-a». Tên cây này chưa được các từ điển Việt Nam ghi nhận.
Sông Mao ở tỉnh Bình Thuận. Mao gốc Chăm Pa-auk, nghĩa là “cây xoài”. Vậy âm P- trong tiếng Chăm được người Việt nói thành M-.
Tâng Hơkek là vực ở phía tây tỉnh Phú Yên. Tâng Hơkek có nghĩa là “vực cây dứa dại” vì hai bên vực có nhiều cây này.
Vực cũng ở phía tây tỉnh Phú Yên, Tâng Hra, dài 20m, rộng 6m, sâu 2m. Tâng Hra nghĩa là “vực cây sung” vì bên cạnh vực có cây sung lớn.
Tên vịnh Nha Trang cũng là tên thành phố du lịch thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nha Trang gốc Chăm Ia Tran, chỉ sông Ngọc Hội, và có nghĩa là “sông có nhiều lau sậy”.Địa danh này xuất hiện lần đầu năm 1653. Ý kiến cho rằng Nha Trang do Nhà Trắng biến thành bởi người Pháp là hoàn toàn sai vì địa danh này đã có trước khi người Pháp đến.
Có quan hệ nguồn gốc với Nha Trang là Nha Me và Nha Phu.
Nha Me là suối ở tỉnh Ninh Thuận, nước suối có lẫn diêm mà người Chăm xem như nước thánh, dùng để rửa các pho tượng cho trơn láng. Nha Me do Ia Moemith, nghĩa là “ nước ngọt”.
Vịnh Nha Phu ở phía nam thị xã Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà, diện tích 4.500ha, có nhiều hải sản giá trị. Nha Phu gốc Chăm (paley) Ia Ru, nghĩa là “(xứ) thác nước”, và có nhiều tên phiên âm khác nhau: Nha Du, Nha Lỗ, Nha Tù; đến năm 1833, phiên thành Nha Phu. Trên đảo Hòn Khỉ tại vịnh này, người ta thấy một thác nước tràn qua mỏm đá.
Tên ba con sông lớn ở tỉnh Quảng Ngãi là Trà Khúc, Trà Bồng, Trà Câu đều có quan hệ tới tiếng Chăm. Trà trong tên ba con sông trên bắt nguồn từ tiếng Chăm Ia, nghĩa là “sông, nước”.
Trà Khúc là do tên Trà Giang Cửu Khúc (“sông Trà có 9 khúc”, dài 135km) nói rút gọn; Trà Bồng do sông này bắt nguồn từ làng Thanh Bồng; còn Trà Câu là vì sông ngắn (40km) so với hai sông kia, nên ghép từ Câu (“rãnh nước”) vào sau từ Trà.
Sông ở miền núi tỉnh Phú Yên mang tên Cà Lúi . Sau đó, là tên xã của huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Cà Lúi gốc Chăm Ta Lui, nghĩa là “bé nhỏ”.
Chà Vang là vùng đất thuộc tỉnh Lâm Đồng. Chà Vang có âm gốc Rivang, nghĩa là “viếng thăm”.
Xóm ở tỉnh Ninh Thuận mang tên Chá. Chá gốc Chăm Cwah, nghĩa là “cát”.
Di Om là vùng đất ở thuộc tỉnh Lâm Đồng. Di Om gốc Jăm, nghĩa là “lấp”.
Hà Ra là cửa biển có hải tấn ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định và là cầu trên quốc lộ 1A, tại xóm Bóng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Tên cũ của địa danh là Hà La, cách phiên âm Hà Ra sang từ Hán Việt. Hà Ra gốc Chăm Kauthara, tên tiểu quốc của Chiêm Thành nằm về hướng bắc Bình Thuận.
Làng ở tỉnh Ninh Thuận mang tên Lô Ông. Lô Ông có dạng gốc Liong, nghĩa là “vực sâu”.
Lúi là sông ở tỉnh Ninh Thuận. Lúi gốc Chăm Luic, nghĩa là “cuối cùng”.
Nha Trinh là đập của người Chăm xưa, đưa dòng nước của sông Dinh về tưới cho cánh đồng ở các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Nha Trinh gốc Chăm Chaklin, tên ông bà nuôi vua Pô Klong Girai lúc còn nhỏ, cộng đồng Chăm cứ bảy năm làm lễ tế một con trâu để tạ ơn ông bà.
Một làng ở tỉnh Ninh Thuận mang tên Nhà É. Nhà É phiên từ Ia Aik, nghĩa là “nước hạt quế”.
Ba địa danh nổi tiếng nhất nơi cực nam vùng Chăm là Phan Rang, Phan Thiết, Phan Rí.
Phan Rang bắt nguồn từ Panduranga, tên một vương quốc cũ của người Chăm.
Phan Thiết do từ tổ Hamu Lithit mà thành. Hamu là «ruộng»; Lithit là «gần biển». Vậy Hamu Lithit là «vùng ruộng ở ven biển».
Phan Rí là sông chảy qua thị trấn Phan Rí, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Còn gọi là sông Luỹ, Man Rí.
Phan Rí gốc Chăm. Phan có lẽ mượn tiếng đầu của Phan Rang; còn Rí có thể mượn tiếng sau của Man Rí.
Ría là đập ở vùng Bình Thuận-Ninh Thuận. Ría gốc Chăm Riya, nghĩa là “lớn”.
Sông Quao là công trình thủy lợi ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận với 24km kênh chính, 54km kênh cấp 1, gần 100 công trình trên kênh chính, hàng trăm km kênh nhánh, mỗi năm đã cứu 8.200ha đất Bình Thuận có nguy cơ khô hạn, sa mạc hóa, thu hoạch 70.000 tấn lúa.
Sông Quao còn là hồ ở xã Thuận Hoà, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, xây dựng trong thời gian 1988-1997, dung tích 73 triệu m3 nước.
Có người cho rằng Sông Quao gốc Chăm Krong Nao, nói chệch mà thành. Nao chưa rõ nghĩa là gì; Nao rất khó chuyển thành Quao; có lẽ Quao vốn là tên cây như Gò Quao ở tỉnh Kiên Giang. Quao là “tên giống cây, lá có chất nhuộm màu đen”.
Tánh Linh là huyện của tình Bình Thuận, diện tích 1.174,2km2, dân số 92.600 người (2006), gồm thị trấn Lạc Tánh và 13 xã: Bắc Ruộng, Đồng Kho, Đức Bình, Đức Phú, Đức Tân, Đức Thuận, Gia An, Gia Huynh, Huy Khiêm, La Ngâu, Măng Tố, Nghị Đức, Suối Kiết. Cũng gọi Tấn Linh, Tính Linh.
Tánh Linh, có hai cách lý giải: 1. Một phần gốc Chăm Danaw Haling, nghĩa là “ao haling”. 2. Gốc Chăm T’nao Linh, nghĩa là “bàu nước thiêng” theo tín ngưỡng của người Chăm.
Cảng ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định mang tên Thị Nại. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem quân chinh phục nơi này. Thị Nại còn là tên cầu vượt đầm, nối thành phố Qui Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định, cầu dẫn dài 771m, cầu chính dài 2.477,3m-dài nhất VN tính đến thời điểm này-rộng 15,5m, với tổng kinh phí 530 tỉ đồng, khởi công ngày 3-11-2002, khánh thành ngày 12-12-2006. Tên chữ là Hải Hạc đàm “đầm hạc biển”.
Thị Nại còn là tên phường của thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, diện tích 1,86km2, dân số 10.367 người (1999). Âm gốc của Thị Nại là Cri Banoi, nên thường phiên là Thi Lị Bị Nại, chưa rõ nghĩa.
Trà Co là làng ở tỉnh Ninh Thuận. Trà Co gốc Chăm Cako, nghĩa là “móng (tay, chân)”. Chưa rõ vì sao có tên gọi như thế.
Vực ở phía tây tỉnh Phú Yên mang tên Tâng Lơ Boang, nghĩa là “vực quan tài” vì trước kia có người chèo cái mảng chở quan tài qua vực, quan tài rớt xuống sông chìm, ba ngày sau mới kéo được lên bờ.
Tâng Pơyưa là vực ở phía tây tỉnh Phú Yên. Tâng Pơyưa nghĩa là “vực cá sấu” vì dưới vực trước đây có một cặp cá sấu sống.
Với sự gia nhập của một số địa danh gốc Chăm, địa danh Việt Nam trở nên phong phú và đa dạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1-Ka Sô Liễng, Các con sông, con suối thuộc miền núi tỉnh Phú Yên, trong “Văn hoá sông nước miền Trung”, HN, Nxb KHXH, 2006, tr. 155 – 165.
2-Lê Trung Hoa, Từ điển địa danh Trung Bộ, Hà Nội, Nxb KHXH, 2015.
3-Moussay, G., Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais (Từ điển Chăm-Việt Pháp), Phan Rang, Trung tâm Văn hóa Chăm, 1971. Phú Văn Hẳn dịch một số địa danh Chăm trong từ điển này.
(Nguồn: tạp chí Kiến thức ngày nay, số 914, ngày 1-1-2016, tr. 16-18)
Theo: Khoavanhoc-ngonngu
Theo: Khoavanhoc-ngonngu
____________________
NGUỒN GỐC CỦA MỘT SỐ ĐỊA DANH THUỘC NINH THUẬN VÀ BÌNH THUẬN
Kì01.
CÀ NÁ
Trước đây cũng như hiện nay, Cà Ná là một địa điểm du lịch của cực nam Trung bộ, nổi tiếng về cảnh đẹp núi biển ôm sát nhau. Cà Ná còn là vùng có những cây mai vàng năm cánh rất đẹp. Mỗi độ xuân về, toàn đồi núi khu vực này rực lên một màu vàng nhạt tựa như một bức tranh huyền ảo…
Cách biển một cây số về hướng Tây, tọa lạc một làng Chăm – làng Rabha Ralauw – nay không còn nữa. Phía trên nữa có con suối nước rất trong, chảy róc rách quanh năm; trước kia người dân địa phương gọi là Suối Tiên, ngày nay chính là Suối Vĩnh Hảo…
Lúc bấy giờ, từ “Quốc lộ số 1” (ngày nay), lại có một con đường tẻ lên làng Chăm và Suối Tiên. Ngã ba đó, người Chăm gọi là Canah kluw (đọc là Chanah klău); Canah có nghĩa là tẻ ra, kluw nghĩa là ba (ngã ba).
Người Việt đọc trại ra thành “Cà ná lâu”, về sau chữ “lâu” này rụng đi, chỉ còn lại “Cà na”.
THỊ NẠI hay NẠI
Dọc theo duyên hải miền Trung Việt Nam, chúng ta tìm thấy nhiều địa danh mang tên Thị Nại hoặc Nại.
Tại tỉnh Ninh Thuận, thôn Dư Khánh thuộc xã Khánh Hải, huyện Ninh Hải, cũng có tục danh là NẠI. Vậy thì “Nại” này có nguồn gốc từ đâu?
Xưa kia, người Chăm sinh sống dọc bờ biển thường làm nghề đánh cá. Mỗi buổi sáng hay buổi chiều đều có các thuyền đánh cá tấp vào một vài nơi nhất định (nơi có những cư dân đông đúc) để bán cá. Do đó, về lâu về dài, những nơi này hình thành những “chợ nhỏ”, chủ yếu là để bán cá tươi cho người địa phương và các dân buôn.
“Chợ nhỏ” đó tên Chăm là darak naih (darak là chợ, naih là nhỏ), đọc là “tàrạk neh”. Người Kinh dịch chữ darak là Thị, còn chữ naih lại ngỡ là danh từ riêng, nên cứ gọi là Né hay Thị Né. (Sự chuyển đổi từ phụ âm cuối Chăm h sang thanh hỏi hay nặng trong tiếng Việt là điều thường gặp).
Vì thế, chữ Né và Thị Né đọc trại ra thành NẠI hay THỊ NẠI, và các từ này tồn tại cho đến ngày hôm nay.
SÔNG DINH
Tại thị xã Phan Rang – Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận, có con sông Cái từ thượng nguồn chảy về biển, băng ngang qua phía Nam thị xã này. Người địa phương gọi con sông đó là Sông Dinh.
Từ Dinh này có phải có nguồn gốc từ tiếng Chăm không?
Theo chúng tôi, có lẽ từ Dinh xuất phát từ chữ DING (đọc là Tìng) của người Chăm. Ding có nghĩa là phố, nau ding có nghĩa là đi xuống phố.
Con sông chảy ngang phố (phía nam Phan Rang), người Chăm gọi là KRAUNG DING (có nghĩa là Sông Phố), và người Kinh phiên âm ra thành SÔNG DINH, theo âm tiếng Chăm đọc trại ra.
SÔNG MAO
Sông Mao là một địa danh thuộc tây bắc huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận, trước đây (sau giải phóng) là huyện lỵ của huyện Bắc Bình.
Theo hiểu biết của chúng tôi, từ Sông Mao có nguồn gốc khá lí thú! Qua sự giải thích của một thân hào Chăm, chúng ta có thể hiểu như sau:
Trong khu vực Sông Mao bây giờ có đồng ruộng của người Chăm tục gọi là Hamu Pa-auk (đọc là pa-ó, nghĩa là cây xoài). Cạnh ga Sông Mao có một con sông nhỏ người Chăm gọi là kraung pa-auk. Người Kinh dịch thành SÔNG PA-Ó. Chuyển đổi âm từ P của Chăm sang M của Việt: từ Sông Pa-ok được viết là Sông MA-Ó. Vả lại thời Pháp thuộc dấu sắc ở nguyên âm o không thể hiện được trên máy đánh chữ (ó thành o), vì vậy trong các văn bản hành chánh thời đó ta thường thấy viết Sông Ma-o. Sau này, dấu ngang rụng đi do cách đọc gộp thành một âm của những người Pháp (thời Pháp thuộc), cuối cùng ta có từ SÔNG MAO của ngày hôm nay.
*
Trong Tagalau4.
Kì02.
Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết mà các sách địa lý thường gọi là “Tam Phan”, được cả nước biết đến là do đặc điểm ít mưa nhiều nắng nhất nước. Đây là 3 địa danh thuộc cực nam Trung bộ, xưa kia thuộc đất Panduranga, tiểu bang cực nam của xứ Champa cũ.
Theo chúng tôi tìm hiểu thì cả 3 từ này đều có nguồn gốc từ tiếng Chăm.
PHAN RANG là biến dạng của từ Chăm: PA-NRANG, hay còn được gọi là PANDARANG. Đó là từ địa phương viết theo tiếng Chăm hiện đại (akhar thrah) để chỉ vùng tỉnh Ninh Thuận ngày nay. Thông thường các nhà nghiên cứu Việt nam và nước ngoài hay nhầm lẫn giữa 2 danh từ Pandarang và Panduranga vì cho 2 từ này chỉ là một (đồng nghĩa với nhau). Sự thật không phải thế, vì Panduranga là tiếng Phạn (Sanscrit) dùng để chỉ vùng đất chung của cả 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay, đúng hơn là cả một phần của Đồng Nai nữa, vì các sách cổ Chăm luôn nhắc đến Đồng Nai thượng và Đồng Nai hạ, khi nói đến Panduranga (theo E.Durand. P.B.Lafont và L.Finot).
PHAN RÍ: Đây là phiên âm của danh từ Chăm PA-RIK, địa danh chỉ vùng nằm giữa KRONG (tức sông Lòng Sông hay huyện Tuy Phong hôm nay) và PAJAI (tức Phố Hài). Panrang – Kraung – Parik – Pajai là 4 vùng chính của Panduranga cũ đang có đông cư dân Chăm.
PHAN THIẾT: Đây là sự biến dạng của từ Chăm HAMU LITHIT (Ruộng Lithit). Người Chăm thường gọi tắt là Mu Thit, nên trước đây được phiên âm là Man Thiết (thời Pháp thuộc) trước khi trở thành Phan Thiết của ngày hôm nay.
LADI: tức là vùng huyện Hàm Tân bây giờ (thuộc tỉnh Bình Thuận), xưa kia là đất Nưgar LADIK của xứ Panduranga cũ (đọc là La-tik theo âm Chăm). Danh từ LADIK được phiên âm thành La Di ngày nay.
SÔNG LA NGÀ: Đây là con sông bắt nguồn từ bình nguyên Lâm Đồng, chảy qua các huyện phía nam tỉnh Bình Thuận để đổ xuống biển Đông. Vậy, từ La Ngà có nguồn gốc từ đâu? Đây không phải là một danh từ Chăm. La Ngà có nguồn gốc từ tiếng Kơho, vì sông này có dòng chảy băng qua các vùng cư trú của đồng bào Kơho. Vào mùa hạ, sông này khô nước, lòng sông nổi lên nhiều đá cuội đen trắng lấp lánh dưới ánh mặt trời giống như một bãi phơi hạt mè màu trắng đen vậy. Vì thế mà người Kơho đặt tên con sông này là sông LƠNGA – sông Hạt Mè (Lơnga là hạt mè (vừng – theo Từ điển Việt – Kơho, Sở VHTT Lâm Đồng, 1983, tr.164). Người Việt phiên âm là La Ngà.
Người Kơho còn gọi con trâu trắng có chấm đen li ti là “rơpu lơnga” (con trâu hạt mè).
CỔ HỦ: là tục danh của làng Mỹ Tường thuộc xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Làng này tọa lạc gần biển, và trước đây mang địa danh là BAL HUH của Champa cũ (Bal: thủ đô, đây là thủ đô tạm thời khi phải di chuyển về phía nam do chiến cuộc cũng như sau này chuyển về Bal Ywa, Bal Lai, Bal Caung (1)… trước khi đến Bal Canar ở Phan Rí là thủ đô cuối cùng). Sau này khi không còn Bal nữa, người Chăm chỉ gọi gọn địa danh này là HUH. Chính từ HUH này đã được phiên âm biến thành Cổ Hủ.
HÒA LAI: là một địa danh ở bắc Ninh Thuận thường được gọi là Ba Tháp, thuộc xã Tân Hải, huyện Ninh Hải. Trên quốc lộ số 1, du khách bắt gặp hai ngọn tháp Chăm cổ kính tọa lạc phía đông con đường, cách ranh giới Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 8 km (ngọn thứ ba đã bị đổ nát từ lâu). Nơi đây chính là HÒA LAI. Xưa kia địa danh này mang tên là BAL LAI (thủ đô đã điêu mất). Chính từ Bal Lai này đã được phiên âm thành Hòa Lai.
GÒ ĐỀN là tên gọi của một làng Công giáo tọa lạc giữa Hòa Lai và Hộ Diêm, thuộc xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh NinhThuận. Khu vực này là một gò lớn, và ở giữa gò ấy có một cái đền của người Chăm. Đền này đã đổ nát và ngay trên địa điểm đó bây giờ nhà thờ Công giáo được xây dựng lên. Vậy địa danh Gò Đền mang đặc điểm của khu đât này: đất GÒ có ĐỀN của người dân tộc Chăm.
GÒ SẠN là tên gọi một làng nằm sát phái bắc Gò Đền. Đây cũng là vạt đất gò cao tiếp nối với vạt đất Gò Đền. Vạt đất này là đất sạn (đá sỏi nhỏ). Chính vì đặc điểm này mà người dân địa phương mới đặt tên là Gò Sạn.
CÀ ĐÚ, CHÀ BANG
Đây là tên gọi 2 hòn núi ở phía bắc và phía nam tỉnh Ninh Thuận.
CÀ ĐÚ là hòn núi ở phía tây Đầm Nại, thuộc xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải. Nơi đây có làng mang tên là làng Cà Đú (nay đổi lại thành thôn Lương Cách). Cà Đú là một từ Chăm xuất phát từ tên gọi hòn núi KAĐUK nói trên. Từ Kađuk được phiên âm ra tiếng Việt là Cà Đú.
CHÀ BANG là tên gọi hòn núi ở phía bắc thôn Văn Lâm (cách chừng 7 km) thuộc xã Phước Nam, huyện Ninh Phước. Người Chăm thường gọi là Cơk Cabbang, có nghĩa là hòn núi có ngọn tẻ đôi như “cabbang” (chữ V).
Người Việt phiên âm thành Chà Bang.
PALEI RƠM (đọc là râm). Từ RƠM này rất gần gũi với người Chăm, nhưng rất ít người Chăm hiểu nghĩa chính xác của nó là gì. Xin nói rõ Palei Rơm là tục danh của thôn Văn Lâm (thuộc xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận). Từ trước đến nay đại đa số người Chăm chỉ hiểu từ “râm” là rừng rậm; từ đó suy diễn ra một cách lôgic là trước đây khu vực này toàn rừng rú rậm rạp, đầy thú dữ. Nhưng khi đọc lại các văn bản cổ Chăm, ta mới hiểu từ “râm” còn có nghĩa khác là: “đất gò” (đất cao), nhất là khi tra cứu từ điển Malaysia thì ta càng sáng tỏ hơn, chữ “râm” đúng có nghĩa là “đất gò”.
Vậy “Palei Rơm” có nghĩa là thôn Đất Gò, và nói theo tiếng Chăm thông thường là Palei Tabbok (đọc là tabôk). Rõ ràng chúng ta đang sử dụng từ ngữ đó mà không nhận ra Tabbok Gah: chỉ ấp Gò Dưới, Tabbok Krưh: chỉ ấp Gò Giữa, và Ram Ngauk để chỉ ” ấp Gò Trên” đó sao?
(1) Chú thích: thứ tự này là do tác giả suy luận theo lôgic từ biển lên giữa đất liền, và từ bắc xuôi về nam tại Pandarang, chứ không tìm ra trong tư liệu nào. Vậy tính chính xác không được đảm bảo.
*
Trong Tagalau5.
Kì03.
ĐÀ NẴNG. Là biến dạng của từ Chăm DAKNAN. Theo tài liệu của cụ Bố Thuận (nhà nghiên cứu Chăm, gốc Phan Rí, sống vào đầu thế kỷ XX) thì chữ dak có nghĩa là nước (Chăm cổ), nan hay nưn (tức lanưng) là rộng. Địa danh Daknan hàm ý chỉ vùng sông nước rộng mênh mông (cửa sông Hàn bây giờ). Người Việt phiên âm ra thành Đà Nẵng.
Tourane. Vào thời Pháp thuộc (và trước đó), địa danh Đà Nẵng thường được gọi là Tourane. Vậy từ Tourane này do đâu mà ra? Cũng theo tài liệu của cụ Bố Thuận thì chữ DAKNAN của Chăm người Trung Hoa gốc Hải Nam đọc là TOUNAN, do đó mà phiên âm thành Tourane.
CÙ LAO CHÀM. Đó là một hòn đảo ở ngoài khơi tỉnh Quảng Nam. Trước đây, cù lao này là nơi cư trú của các dân chài Chăm (tức Chàm) và dĩ nhiên mang tên Chăm. Rất tiếc hôm nay không ai còn nhớ. Về sau, qua biến đổi của lịch sử, người Chăm đã di tản đi nhiều nơi (có lẽ đông nhất là Hải Nam của Trung Quốc) và người Việt gọi địa danh này là Cù lao Chàm, nghĩa là cù lao của người Chăm cư trú trước đây.
SÔNG CAM LỘ. Sông Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị, có lẽ có nguồn gốc từ chữ Ca Lo, hay còn gọi là Khu Lu, và danh từ này đã được phiên âm ra thành Cam Lộ của ngày nay.
BỒNG MIÊU. Bồng Miêu là một vùng đồi núi thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Xưa kia những đồi này có nhiều vàng mà người Chăm đã từng khai thác. Chính vì vậy mà vùng này mang địa danh Chăm là Bbon Amưh (Đồi vàng), và được phiên âm thành Bồng Miêu.
TRÀ BỒNG, SƠN TRÀ, TRÀ KHÚC, TRÀ MI. Đó là những địa danh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Những từ ngữ này gợi lại những âm Chăm: Chữ Trà là phiên âm của chữ phạn Jaya (một trong 4 họ chính thống Ôn, Trà, Ma, Chế của người Chăm).
SÔNG ĐÀ RẰNG. Đó là con sông chảy qua phía nam Thành phố Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên. Từ Đà Rằng mang âm Chăm và có nguồn gốc từ chữ Dairios (tên của con sông này trước kia). Chính từ này lại được phiên âm từ chữ Dak Riong, có nghĩa là sông sâu hầm hố (từng chữ một: hầm hố liên tiếp). Từ chữ Dairios, người Việt phiên âm thành Đà Rằng.
ĐẬP ĐỒNG CAM. Đập Đồng Cam tọa lạc tại Phú Yên, nơi có đồng ruộng lúa nước lớn nhất miền Trung. Đập này xưa kia chắc chắn mang tên Chăm nhưng nay không ai còn nhớ nữa. Người Việt đặt tên đập này là Đập Đồng Chàm, nghĩa là đập của đồng lúa người Chàm trước đây. Nhưng vào thời Pháp thuộc, người Pháp viết là Cam (chữ Cam họ viết theo bộ chữ cái Chăm theo hệ thống latinh hóa của E.Aymonier trong đó chữ C mang âm Ch). Nhưng hôm nay chúng ta đọc theo chữ cái Việt thành “Cam” thay vì Cham.
VẠN GIÃ. Dãy núi trùng điệp tạo ra Đèo Cả ở bắc Khánh Hòa trước đây mang tên Kauthara (cũng là tên Tiểu vương quốc của Thánh địa Po Nagar). Nhiều học giả Chăm khẳng định từ Vạn Giã là biến dạng của chữ Kauthara vậy.
NHA TRANG. Thành phố thuộc xứ Kauthara cũ, người Chăm thường gọi là Ia Trang (Ia là nước, Trang là đan chéo) hàm ý chỉ nơi có hai luồn nước chảy đan chéo nhau. Danh từ Ia Trang được phiên âm ra thành Nha Trang ngày nay. Cũng có một nhận định khác là chữ Trang (trong Ia trang) có nghĩa là lau, sậy. Và từ Ia Trang dùng để chỉ vùng sông nước có nhiều lau sậy.
Nguồn: Inrasara