Lê Đại Anh Kiệt
41 năm qua nên tôi không nhớ chính xác thời gian trận đánh, chỉ nhớ đó là khoảng tháng 4-78 sau 32 ngày đêm phòng thủ Măng Đa (thị trấn Vĩnh Hưng bây giờ). Lần ấy, tiểu đoàn 1 chúng tôi kiên cường đối đầu với 1 trung đoàn Ponpot bao vây với hỏa lực rất mạnh, pháo 130 ly, 105, DKZ 82,75 bắn như bảo lửa. Từ trận đánh này tiểu đoàn được phong danh hiệu anh hùng lần thứ hai. Cái giá cho danh hiệu ấy không rẻ chút nào.
Bây giờ ngẫm lại mới thấy rùng mình, còn lúc đó thì "tuy lớn rồi mà như ngây thơ" cứ cười với nhau hồn nhiên "má Miên không khóc thì má mình khóc!". Ngày phòng thủ, đêm lòn ra sau phòng tuyến của địch tập kích đánh tiêu hao làm rối đội hình ở Bàu Sen, Gò Chuối, Gò Bà Sáu ...
Hy sinh, bị thương, đào ngũ, quân số càng lúc càng thưa dần. Những ngày cuối, tiều đoàn tung trận tập kích vét túi đánh ở gần Vàm Láng Đao, vừa hy sinh vừa bị thương 11 đứa. Khi tàn trận rút ra kênh 28 chỉ còn mấy mống lành lặn cỏng dìu thương binh nặng. Thương binh nhẹ phải cố tự đi. Đạt, tiểu đôi trưởng tiểu đội 1 mặc cái áo gắn đạn M 79 trúng quả B 40 chết tan xác không còn cái gì có thể mang về. Cây M 79 của nó lổ chỗ vết miểng đạn và thit xương, tôi mang xuống kinh rửa, cá lòng tong, cá chốt bu đầy.
Điệp, Tiểu đội trưởng tiểu đội 2 bị thương bấy hết mình mẩy, gom hết băng cá nhân của đơn vị mới đủ băng cho nó.
Đường từ kinh 28 ra trạm xá Bô Chỉ Huy Tiền Phương ở Bình Châu không an toàn nên phải cử một tiều đội đi bảo vệ đoàn xuồng chở thương binh. Trên đường đi đá trái bị thương thêm 2 chú. Ngay đêm sau đó, Ba Khánh, Hai Yêm, hai trung đội trưởng dày dạn kinh nghiệm đào ngũ. Đại đội tôi (đại đội 4) sáp nhập với đại đội 1 nhưng quân số chưa nấu ngọt nồi canh. Ban chỉ huy đại đội ghép lại đủ ba người. Đại đội trưởng Tư Đủng của tôi và Chính trị viên Năm Huệ, Đại đội phó Hai Yên của Đãi đội 1 cũ.