Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

Muốn làm thơ có gì mà gơ!

 Coi Tản Đà chia sẻ bí quyết nè:

Ổng vừa uống rượu, vừa dạy các thi sĩ tương lai: "Các ngài muốn hỏi tôi cách làm thơ ru? - Khó gì đâu: tửu nhập thi xuất!"
(Tranh biếm của Hoàng Đạo đăng trên Phong Hoá).



Cũng dép Thái như ai chứ bộ!

Dép siêu bền mà da không dày thì cũng vứt. 



Một bài báo, một status trên fb mà dùng hình ảnh không chuẩn làm giảm đi giá trị.

 Bài viết để thuyết phục, sau thông tin là đến dẫn chứng nguồn và hình ảnh (nếu có). Nếu nguồn đối chiếu không có mà hình ảnh dẫn chứng sai với nội dung thì làm sao người ta tin nội dung bài viết khách quan tới đâu? Báo chí VN rất dễ dãi trong việc dùng hình ảnh và sao chép lẫn nhau.

Ví dụ trên bài báo chính thống:
"Những trận đánh xuất quỷ nhập thần ngay tại căn cứ B52 của không quân Mỹ"
Để biết thông tin chính xác tới đâu cần đối chiếu tham khảo rất mất thời gian. TC chỉ nói tới hình thôi, đã không có hình ảnh nào chứng minh sự thật, còn chèn hình khác chưa đúng lắm, như:
- Hình 1 với chú thích: "Sân bay Utapao, Thái Lan, 1966; nơi xuất phát những chuyến B52 đến Việt Nam" thực ra là ảnh màu sau này (đến nay người ta vẫn đăng) chuyển thành trắng đen cho có vẻ xưa
- Hình 2 với chú thích: "Máy bay B-52 của Mỹ bị phá hủy trong sân bay Utapao" thì thực ra là ảnh chiếc máy bay C-130 năm 1979 bị tai nạn trong vụ Mỹ giải cứu con tin ở Iran.
- Hình 3 với chú thích: "Những chiếc B52 của Mỹ đang chờ đi ném bom miền Bắc Việt Nam." thì thực ra là năm 1972 ở căn cứ không Mỹ đảo Guam.
- Hình 4 với chú thích: "B.52 (trên) và máy bay tiếp dầu KC-135 tại căn cứ Ut apao Thái Lan. Ảnh TL" thì thực ra nó là ảnh màu năm 1971 chuyển qua trắng đen và làm mờ, tác giả TL là ai?








"Bàn tay năm ngón em vẫn kiêu sa".

Chộp hình bàn tay, mình thấy nó như mặt phải và trái của cuộc đời, một mặt hồng hào thẳng thóm, một mặt sậm đen nhăn nhúm. Nói hông phải phe, hai lòng bàn tay tui chuẩn đét đỏ như son, tài hoa y như sách tướng số. Có chữ Ai Iả công danh gia đạo rõ rành rành đấy. haha

1985, đánh vào căn cứ lõm của Kh'mer Đỏ, mình bị thương ở lòng bàn tay. Ngày thường đâu quan tâm đến thằng y tá, lúc phải chuyện mới thấy tầm quan trọng của nó, năn nỉ "mày cầm máu và băng cẩn thận cho anh nhé!". Mà thuốc bột cầm máu của TQ hay thiệt, đắp vào là cầm máu ngay. Vết thương tuy nhẹ nhưng nhằm ngay hướng ngón trỏ tay phải bóp cò súng, nếu lính lác có thể bị nghi là tự thương. Nói thêm lúc mới bị thương mình ngỡ địch bắn, sau nhận định lại là ta bắn ta. Khi nổ súng rượt địch, mình cầm súng M79 đang vội chạy vào rẫy địch. Cây lúp xúp khá nhiều cản trở nên mới lấy tay đè gạt nòng súng sang bên để vượt qua, ai dè cò súng vướng cành cây hay dây rừng. Ba lần mình hứng chí xài M79 hòng làm ăn lớn thì y như rằng xảy ra sự cố. Xài AK cố hữu thì làm nên chuyện. Đời cũng vậy.
Đến đơn vị vào bệnh xá điều trị, sức khoẻ tuột nhanh nên đồng thời sốt rét nó quật ngay, cặp nhiệt kế lên 41,2 độ (42 là tèo). Lúc bị thì da lòng bàn tay bóc một mảng nên đoán khi lành thế nào nó cũng kéo da bù lại. Sợ cong ngón nay nên mình kiên trì nẹp cho thẳng ra nhưng kết cục chẳng ăn thua.
Về nước, mình xin đi giám định hòng kiếm chút cháo. Nhưng ngu. Bác sĩ hỏi thăm dò, kiểm tra lòng và ngón tay, mình thật thà kể, co duỗi bình thường, chỉ không sát vào lòng bàn tay thôi. Thế là hội đồng giám định y khoa kết luận: thương tật 2%, bèo ơi là bèo! Đơn vị bồi dưỡng đâu mấy trăm hay mấy ngàn không nhớ, tiền tiêu vặt. Hồi ấy, nếu mình cứ co ngón vào cho cứng đờ chắc được tăng thêm tiền. Người ta bảo "thật thà là cha đứa dại", quá đúng. Giả như lúc ấy ma le chút, bỏ nhỏ cưa đôi tiền là ok, bác sĩ quân đội chả mất gì, sa pha ngay. Thậm chí tìm đường dây làm cái thương binh không khó vì mình bị thương là thật.

Tôi có thể ngồi cùng mâm với kẻ thù xưa nhưng không thể với kẻ phản bộị...

Lâu rồi, cách đây 30 năm, mình là một trong những người đâu tiên đi vận động từng anh em tham gia tổ chức CCB khi mới thành lập. Tuy vậy, đã không còn tham gia nữa, dù rất yêu đồng đội, nhưng mình thấy nó vô thưởng vô phạt, chả bảo về được gì quyền lợi cho anh em. Nếu vào hội, có thể thỉnh thoảng được tụ họp chè chén miễn phí, được tâng bốc nhưng chắc gì đã vui khi gặp cảnh trái tai gai mắt.

Chuyện nữ học sinh "tự tử", chớ vội lên án nhà trường và thầy cô.

Tôi đặt trong ngoặc kép vì tuổi bồng bột, nửa người lớn nửa trẻ con có thể làm nhiều điều không ai ngờ. Sao không đặt vấn đề đó có thể là cách phản ứng quyết liệt, gây áp lực lên nhà trường, thầy cô.

Theo tôi cần nghe từ hai phía, mới biết chủ yếu từ thư "tuyệt mệnh" của HS và gia đình cung cấp thông tin một phía. Cha mẹ nào chả thương con, có người binh con, có người ủng hộ biện pháp mạnh để duy trì nội quy của nhà thường. Nhà trường và thầy cô ở đâu cũng vậy, thường đứng trước sự lựa chọn khó xử giữa kỷ cương nghiêm túc và mềm mỏng thuyết phục. Mà đâu đơn giản chọn 1 trong 2 hay kết hợp cả hai. Không phải họ không hiểu tâm lý "nổi loạn" của tuổi mới lớn. Học sinh thời nay khác xưa nhiều, có đứa hỗn láo ngấm ngầm hay ra mặt, có đứa dám cài bẩy cả thầy cô nữa cơ.
Hãy đặt mình vào vị trí họ, mới cảm thông chia sẻ khó khăn của người làm giáo dục. Gì thì gì, nhà trường cô giáo để xảy cớ sự là có lỗi. Nhưng chớ đừng vô tình nặng lời với người trong cuộc khi mình chưa hiểu nội tình hoặc câu like bằng thói đạo đức giả.
Báo chí chìu theo dư luận để câu độc giả. Cơ hội cho thầy cô giải bày khi phụ huynh và xã hội đinh ninh họ là người xấu. Ai nghe?

Gà Đông Tảo tiến vua không biết bổ sấp hay bổ ngửa?

Bổ sấp là đứt ruột còn bổ ngửa là xót ruột!
Ảnh trên báo Danviet: con bên trái hình là gà thuần giống còn con bên phải có thể bị nấm bệnh. Tui còn nghi người ta bơm thuốc kích thích. Nhìn chân con bên phải quá sợ, hổng dám ăn. Nhưng ai tiền nong rủng rẻng tò mò vào nhà hàng thưởng thức gà tiến vua thế nào, thì eo ôi, không biết bổ sấp hay bổ ngửa?
Tui thắc mắc gà Đông Tảo sinh ra cái chân to để làm gì? Người ta nói nó là giống gà quý hiếm của Việt Nam hiện đang được bảo tồn nguồn gen. Tìm hiểu thì không thấy ai giải thích về tác dụng của cái chân to, có tự bao đời? To để chạy nhảy, đá nhau chỉ thua gà khác là cái chắc, đẻ thì dễ đạp vỡ trứng.
Giống không chắc gốc gác có từ nước nào trước. Từ thời phong kiến TQ, Tào Tháo trong Tam quốc chí có nói đến "gân gà", chắc là giống gà này. Nó lan toả, nhân giống ở một số nước chứ không chỉ có ở VN. Nhưng nuôi gà chân to cỡ ấy thì VN vô địch, gọi là chân voi. hehe. Nhập ngoại dĩ nhiên giá rẻ hơn, biết đâu nhà hàng nhập về làm món sang trọng gọi là gà Đông Tảo Ma dzê in Việt Nam.
(Hình báo danviet và trên internet ở nước ngoài)






10 năm, anh em cùng hội cùng thuyền.

Cùng một thời gian, từ năm 1979 đến 1989, LX can thiệp vào Afghanistan, VN can thiệp vào CPC. Cả hai nước tiến quân vào nước khác không phải là khó... Nhưng:
Khi rút ra thì LX bị đối phương bám theo, chính phủ do mình dựng lên sụp đổ nhanh chóng. Mất uy tín với quốc tế, góp phần làm siêu cường XHCH tan rã...

VN rút quân an toàn, chính phủ dựng lên trụ được và trở thành quốc gia trung lập. Kết cục cũng chả khá hơn, phải sang tận Bắc Kinh để mong ổn định đời sống, kinh tế... 

Đường cái quan qua Phú Yên dưới thời Pháp thuộc.

Hình ảnh được ông André Salles, thanh tra các thuộc địa kiêm nhiếp ảnh gia, chụp trong chuyến đi kinh lý từ Bắc vào Nam vào năm 1898.

Đèo Cả từng là ranh giới Đại Việt - Chiêm Thành những năm 1471-1653 . Xung đột xảy ra triền miên tại nơi này mới có hình hài lãnh thổ hiện nay . Tên Đèo Cả được gọi từ khi người Pháp mở Quốc lộ 1 , trước đó đường mòn Thiên lý Bắc - Nam men theo phía tây dãy núi Đại Lãnh . Thiên nhiên tạo nên núi đèo hiểm trở nơi giáp ranh hai tỉnh Phú Yên - Khánh Hoà , dân gọi là đèo Cục Kịch . Người Pháp khảo sát mở đường ô tô phải vượt 98 vòng cua hẹp gấp khúc lên / xuống , trên bản đồ họ ghi là đèo Col Babonneau . Khi chưa có đường ô tô dân quen gọi " đường cái quan " do Nam triều mở lối để chuyển văn thư , tải lương , cáng võng quan chức đi kinh lý .
Nhờ có những tấm ảnh của ông Andre Salles mà ngày nay chúng ta có thể hình dung diện mạo đường mòn vượt Đèo Cả cuối Thế kỷ 19 .

(Nguồn ảnh: Gallica.bnf.fr, theo Kienthuc.net, chú thích: @Loi pham minh)

Đoàn tuỳ tùng đưa ông Tổng Thanh tra thuộc địa Pháp kinh lý Bắc - Nam trên đường cái quan năm 1898.
Mình đoán không phải ở Phú Yên, thấy hay hay nên đưa vào.
Chuẩn bị cáng võng ở phía bắc Đèo Cả, 1898.
Đoạn này, mình đoán phải chăng qua sông Bàn Thạch vào mùa khô.

Trạm Hảo Sơn ( chân Đèo Cả phía Bắc ) được rào kín bởi nơi này xưa nhiều cọp dữ !

Đoàn tuỳ tùng ông Thanh tra chuẩn bị vượt Đèo Cả . Nơi này cuối Thế kỷ 19 rất hoang vắng , chỉ có những người tìm trầm hương , kỳ nam lai vãng

Từ đỉnh núi đi xuống phía nam Đèo Cả ngày 27.4.1898

Chuyện bà má dữ dằn của tui.

Hồi tiểu học, do chiến tranh học hành thất bát nên ông anh học dưới mình một lớp. Tản cư về ở thị xã Tuy Hoà, bà dắt ông con xin vào trường công phường Bình An. Không đúng quy định nên nhà trường từ chối. Thế là bã xin xỏ năn nỉ cho bằng được, ngồi lì ở văn phòng. Riết, hiệu trưởng đành phải chấp nhận cho con cái bà nói dai kia vào học.
Mình đi bộ đội, biết tính má sẽ đi thăm nếu lâu mà con không về. Khi mình đi học HSQ ở tận vùng heo hút tỉnh Quảng Nam, gửi thư về ghi địa chỉ vì nghĩ xa bã không tới được. Ai dè, cứ theo địa chỉ, bã hỏi thăm dọc đường mò đến tận nơi thăm con. Thật ngỡ ngàng! Vì thời bao cấp, xe cộ rất khó khăn, thế mà bã đi từ Phú Yên ra Quảng Nam, từ huyện Thăng Bình cuốc bộ qua huyện Quế Sơn.
Rồi mình đi sang K. Bã ở nhà nhấp nha nhấp nhỏm mỗi khi nghe tin đứa này bị thương, đứa nọ chết. Con thì tận bên CPC đành chịu, không biết cách nào lôi nó về. Thế là bã đi tới cơ quan xã đòi con. Ngồi khóc kể la làng suốt buổi: mấy ông bắt nó đi bộ đội, hết nghĩa vụ quân sự rồi mà nó đâu chưa trả về. Lâu lâu bã đi ăn vạ, cán bộ xã thấy mặt bà già thì lo mà né.
Cuối đời má tui bị mù. Khi xã mở rộng đường cái cắt xéo ngang nhà, mất đất vườn. Bã không đồng ý cho là nhà nước không công bằng, ép giá đền bù. Nên mỗi lần chính quyền cử người tới đo đạc làm đường thì bã lò mò chống gậy ra cản. Cuối cũng xã phải nhượng bộ, bù thêm tiền thì đường mới thông rộng như nay. Có lần chị dâu cãi nhau chuyện gì đó với cô bà con hàng xóm, trong nhà bã chống gậy bước ra nghe ngóng đôi bên. Cho rằng cô em kia nói hỗn với chị nên bã sè sẹ canh me lại gần, thế là đập trúng một phát. haha.
Cha và má mình, người thì hiền lành an phận, người thì không chịu khuất phục. Mấy bà dì khi còn sống kể: má tui dữ từ nhỏ, số một trong nhà, mấy bã gọi là "con sáu chằng lửa". Đi chợ, mua bán người lớn chớ mà bắt nạt nó. Má chỉ biết đọc biết viết là cùng, nhưng nói đâu ra đó, không phải dạng người hồ đồ. Biết lo lắng cho gia đình, sống thuận hoà với bà con chòm xóm phía chồng.
.....
Hình bã đây:


Tìm kiếm Blog này