Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Phố - Chợ Sài Gòn

ĐƯỜNG ĐỘC PHỐ ĐÁO
Là bắt chước cổ nhân, kiểu như quần là áo lượt, mồm 5 miệng 10, chân yếu tay mềm… í mà. Chuyện rằng, Sài Gòn có nhiều đường phố hơi bị độc đáo, đáng chú ý ra phết.
Trước tiên là đường phố có tên nghiệt.
Người Sài Gòn (SG) ai chả biết kênh Bến Nghé, phường Bến Nghé, bút bi Bến Nghé, bê thui Bến Nghé... nhưng ít biết đường Bến Nghé đi qua cảng Bến Nghé, bên hông Khu chế xuất Tân Thuận ở Q7.
Ngã tư Bảy Hiền, làng dệt Bảy Hiền, quán bê thui “chảnh” Bảy Hiền… quá quen, nhưng đường Bảy Hiền thì ít biết. Đường này từ ngã ba Lạc Long Quân- Lý Thường Kiệt rẽ vào làng dệt Bảy Hiền, song song với Lạc Long Quân, đi qua nhà thờ Phú Trung. Bảy Hiền là tên ông chủ quán ăn uống ở ngã tư này, kèm bán cỏ cho ngựa.
Chợ Lớn là khu vực buôn bán tấp nập, ăn uống xì xụp, nhưng cũng có đường Chợ Lớn từ bệnh viện Q6 đến đường An Dương Vương. Xưa là kênh Chợ Lớn, tuyến đường thủy quan trọng đi Tây Nam Bộ. Đầu TK20 Pháp lấp kênh làm đường, gọi luôn là đường Chợ Lớn cho nó tiện.
Lâu đời và dài 1.350 mét nhưng ít ai biết, đó là đường Bến Thương Khẩu từ Bến Nhà Rồng men theo sông SG đến cầu Tân Thuận, nằm gọn trong Q4, song song với đường Ng.Tất Thành. Vì ở trong cảng, ứ tự do lưu thông, ít người biết là phải. Khi Pháp xây dựng cảng, đường mang tên vùng đất này: Tam Hội, năm 1917 đổi là quai del’Yser, từ 1955 gọi là Bến Thương Khẩu (Cửa khẩu buôn bán).
Đường ngắn nhất và dài nhất.
Ngắn nhất, cùng dài 48 mét là 2 đường Hoa Thị, Hoa Trà ở F7, Q.Phú Nhuận. Tiếp theo là 2 đường Vũ Hữu (F.An Lạc A, Q.Bình Tân), Tân Tạo (F8, Q.Tân Bình) cùng dài 55 mét rưỡi.
Dài nhất mà nằm gọn trong 1 huyện là đường Rừng Sác dài 36,5 kilômét từ phà Bình Khánh xuyên suốt huyện Cần Giờ đến xã Long Hòa, cách bờ biển vài chục mét.
Các kiểu đường độc phố đáo khác.
Có 2 đường bám theo 2 bờ kênh, vừa dài vừa độc: Trường Sa và Hoàng Sa cùng uốn lượn men theo 10 kilômét của kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, trải qua nhiều quận nhất: Q1, Q.Bình Thạnh, Q3, Q.Phú Nhuận và Q.Tân Bình.
Đại lộ Võ Văn Kiệt men theo bờ bắc kênh Tàu Hủ- Bến Nghé cũng đi qua nhiều quận huyện nhất: từ hầm sông SG ở Q1 trải qua các quận 5, 6, Bình Tân, kết thúc tại QL1 ở huyện Bình Chánh.
Đường Trịnh Đình Trọng ở Q.Tân Phú quanh co uốn éo ngoằn ngoèo ngoắt ngoéo nhất. Từ đầu đường, chỗ giao với Lũy Bán Bích đến cuối đường tại ngã ba Âu Cơ chỉ ngót 2 kilômét mà có 14 khúc cua, trong đó 9 chỗ uốn vuông góc và 5 chỗ lượn lài lài.
Đi qua nhiều nhà thờ Công giáo nhất là đường Lê Đức Thọ ở Q.Gò Vấp với 6 nhà thờ Hoàng Mai, Nữ Vương Hòa Bình, Lam Sơn, Lạng Sơn, Đức Mẹ hằng cứu giúp và Trung Bắc. Tiếp theo là Thống Nhất cũng ở Q.Gò Vấp và Phạm Thế Hiển ở Q.8, mỗi đường có 5 nhà thờ. Đó là những nơi bà con giáo dân Bắc 54 vô định cư, hèn chi.
Giữa không khí nhộn nhịp của SG hoa lệ, du khách thấy bình tâm khi đến hẻm Lê Quang Định ở đường Ng.Văn Đậu, Q.Bình Thạnh. Tên dân gian là “hẻm thiền” bởi dài có 180 mét mà quy tụ 6 ngôi chùa san sát.
Nếu Jerusalem là vùng đất thánh của cả quả đất thì trục Ng.Văn Trỗi- NKKNghĩa là Con đường tôn giáo hay Thánh lộ của SG, bởi chạy qua rất nhiều chùa chiền và nhà thờ của các loại tôn giáo. Ấn tượng nhất là chùa Đại Giác to vật vã, còn gọi là Chùa 3 mặt tiền, bởi có 3 cửa trổ ra Ng.Văn Trỗi, Ng.Trọng Tuyển và Trương Quốc Dung. Thứ hai là thánh đường Hồi giáo Jamiul Muslimin của người Chăm. Thứ ba là Thánh Hội Baptist Ân Điển của đạo Tin Lành trông như cao ốc văn phòng bọc kính màu xanh. Thứ tư là chùa Vĩnh Nghiêm thuộc loại hoành tráng và rộng rãi bậc nhất nội đô SG, đối diện với Thiền viện Thích Quảng Đức. Theo đường NKKNghĩa đến dinh Thống Nhất nhìn sang trái thấy Nhà thờ Đức Bà thấp thoáng sau công viên 30-4. Vân vân và mây mây.
Muốn thưởng thức các món ăn Nhật và Hàn, hãy đến phố Nhật Bản và phố Hàn Quốc. Chỉ 1 đoạn 800 mét của đường Lê Thánh Tôn, Q.1 và mấy hẻm nhỏ ở đây mà có hơn 20 nhà hàng ăn Nhựt Bổn. Sau chợ Phạm Văn Hai, phố Hàn Quốc hiện ra trên đường Tân Sơn Hòa, Q.Tân Bình với lủ khủ quán ăn, tiệm uốn tóc, thẩm mỹ viện viết bằng hai thứ tiếng Việt- Hàn.
Nói đến đường đặc chủng, chuyên bán 1 thứ hàng thì phải kể đến Lê Công Kiều ở Q1. Đường dài gần 200 mét, hơi quanh co, nối Ng.Thái Bình với Phó Đức Chính, yên tĩnh như cái tên dân gian của nó: Phố Đồ Cổ. Tuy nhiên, đồ cổ thứ thiệt thì ít mà đồ cổ mới toe thì nhiều.
Đường Tôn Thất Tùng ở Q1 mang tên “đường vi tính”, vì hầu hết các cửa hàng ở đây kinh doanh máy vi tính. Gần nhà, tui toàn đến đây mua và sửa.
Đường Lương Hữu Khánh ở Q1 mang tên “phố khắc chữ” với dãy kios chuyên làm bảng hiệu chềnh ềnh giữa đường. Kế đó, 1 đoạn đường Phạm Hồng Thái cũng rứa.
Đường Ng.Công Trứ ở Q1, đoạn từ Phó Đức Chính đến Hồ Tùng Mậu mang tên Phố Uôn (Wall Street) của SG. Thời Pháp thuộc, đây là nơi tập trung các ngân hàng và tiệm cơm Tây bình dân, nay thêm lủ khủ công ty môi giới chứng khoán. Đoạn khác thì dày đặc cửa hàng phụ tùng ô tô, xe máy đã qua sử dụng và đồ cơ khí. Chả là xa xưa, nơi đây gần cảng SG, thủy xưởng Ba Son và trường Kỹ thuật Cao Thắng mà lỵ.
Phố Giày Ng.Đình Chiểu, đoạn ở Q3 có rất nhiều hiệu giày thời trang nổi tiếng của cả Ta và Tây.
Hai đoạn Ng.Đình Chiểu qua Q3 và 3 Tháng 2 thuộc Q10 gọi là Phố Vui, bởi là nơi các đôi uyên ương đến mua sắm những thứ không thể thiếu trong ngày cưới.
Ngược lại, đoạn Trần Phú từ Ng.Trãi tới Ng.Tri Phương, Q5 là Phố Vĩnh Biệt, bởi san sát các nhà tang lễ và cửa hàng bán các thứ "người mua không xài, người xài không mua". Chả là quanh đây lủ khủ bệnh viện.
Phố Đàn là đoạn Ng.Thiện Thuật, Q3. Đến đây, ta như lạc vào thế giới của âm nhạc với đủ các loại đàn Tây, Tàu, Ta. Cha con nhà tui toàn mua đàn ở đây.
Trước cổng Miếu Thiên Hậu Hòa Hưng, đường CMT8, Q3 là “Chợ cua đồng âm phủ”. Chợ đầu mối này chỉ bán duy nhất cua đồng, từ 2 đến 5 giờ sáng. Xưa có đôi vợ chồng chở cua từ quê lên SG bán, đến đây thì xe hư. Họ phải ngồi đợi tới sáng, mà nơi đến còn xa, cua bày la liệt. Dân địa phương thương tình mua giúp, lâu dần thành chợ.
Đường Trần Nhân Tông ở Q5, gần ngã bảy Lý Thái Tổ là cả một kho tàng sách cũ.
Phố Lồng Đèn là đường Lương Nhữ Học ở Q5, quanh năm bán đủ các loại lồng đèn, hoa cả mắt.
Đường Triệu Quang Phục ở Q5, nơi sản xuất, mua bán và sửa chữa các loại kéo, từ cắt sắt cắt nhôm đến may vá nội trợ, cắt tóc và... các loại lông.
Một đoạn Châu Văn Liêm, Q5 là “đoạn đường sung sướng” vì san sát dãy tủ bán “thần dược phòng the” đối diện với dãy phòng trọ thuê phòng theo giờ, giá rẻ bất ngờ.
Đường Vĩnh Khánh ở Q4 là 1 trong 2 Phố Ốc trứ danh của SG, cùng với đường Thành Thái, Q10.
Nơi có thể tìm mua đủ các thứ đồ điện tử cả cũ lẫn mới là đường Nhật Tảo ở Q10. Đây còn là thiên đường của hàng nhái Trung Quốc.
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ trong khu chung cư Lê Hồng Phong, Q10 là Cao nguyên Langbiang giữa SG. Hoa ở đây vừa tươi vừa rẻ. Năm 2013 chính quyền có kế hoạch dời về chợ Bình Điền, nhưng nay vẫn còn nhiều hoa đáo để.
Nếu quý vị muốn ngắm tranh của các danh họa thế giới và VN thì đến đường Trần Phú, Q5, đoạn gần ngã sáu Cộng Hòa và 1 đoạn của trục Ng.Văn Trỗi- NKKNghĩa ở 2 phía cầu Công Lý. Tất nhiên là bản sao. Mỗi lần chuyển chỗ ở, tui đều đến đây mua tranh, tha hồ chọn tùy tâm trạng.
Nơi tập trung nhiều tiệm thuốc Bắc nhất ở Chợ Lớn là đường Hải Thượng Lãn Ông, Q5.
Đại lộ Hồng Bàng, Q5, bên hông Thuận Kiều Plaza có "phố sâu bọ” chuyên bán sâu bọ và các loại côn trùng để nuôi chim, cá. Mấy anh bợm nhậu đôi khi cũng mò đến mua dế, cào cào châu chấu. Vặt cánh, rút ruột, rang lên với 1 chút mỡ, bày ra đĩa, rắc nhúm lá chanh thái chỉ thì… hết xảy! Tui được mời nhậu rồi. Mỗi cái chuyện cào cào châu chấu mà cãi nhau ỏm tỏi.
Đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình là Phố Thịt Chó, lủ khủ quầy thịt chó tươi sống và bát ngát quán cầy tơ 7 món. Thơm phức.
Phố Cá Cảnh Ng.Thông, Q3 luôn đông vui nhộn nhịp. Ở đây bán tất cả các loại cá cảnh (kiểng), thiết bị nuôi và thức ăn cho cá.
Một đoạn đường Phạm Văn Bạch, F15, Q.Tân Bình là nơi “mua của người chán, bán cho người cần”, san sát cửa hàng “se cần hen” (second hand) từ nhỏ xíu đến to đùng.
Dưới chân cầu Băng Ky ở đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh có hẻm nhỏ gọi là “chợ ve chai ngàn đô”. Chợ chỉ họp vào sáng chủ nhật, trưng đủ các thứ thượng vàng hạ cám, từ cái bấm móng tay, nhạc cụ, điện thoại đến tivi, môtô, xe hơi cổ. Có thứ giá hàng chục ngàn đô. Kinh!
Khi dân nhậu SG chán ăn nhà hàng thì chợ rắn, chuột, ếch nhái ở Củ Chi càng sôi động. Tỉnh lộ 8, đoạn qua xã Phước Vĩnh An chỉ hơn 200 mét mà có hàng chục quầy bán động vật hoang dã, đáp ứng nhu cầu đổi gió của dân sành nhậu.
Có nhiều đường chỉ trở thành “đặc chủng” theo thời vụ.
Mỗi khi xuân về, đại lộ Nguyễn Huệ ở Q1 trở thành đường hoa hoành tráng nhất VN, nay đã thành phố đi bộ. Cũng khi đó mọc ra các “phố ông đồ” bán chữ Nho trên mực đen giấy đỏ ở đường Ng.Thị Minh Khai, trước Cung Văn hóa Lao động, Q1; đoạn Phạm Ngọc Thạch trước Nhà Văn hóa thanh niên, Q1 và “chợ thư pháp” trên đường Trương Định, Q3. Cũng rứa, đoạn CMT8 ở ngã 3 Ông Tạ chuyên bán lá dong, lạt giang gói bánh chưng. Vùng này cũng là nơi bà con Bắc 54 vào định cư mà lỵ.
Mỗi dịp 8-3 và 20-11, đại lộ Ng.Văn Cừ lại rực rỡ sắc màu bởi các quầy bán hoa tươi trải kín. Đây là đoạn tập trung các ký túc xá và trường học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học mà lỵ.

________________________________


Một số bạn đọc đóng góp thêm:

Đường Hòa Hảo góc Lý Thường Kiệt ra Chợ Thiếc là khu chuyên bán đồ phụ kiện da giày túi xách...

Đường Trần Phú đoạn từ Nguyễn Trãi tới Nguyễn Tri Phương chuyên ... Đám ma.

Đoạn Cao Thắng từ Điện Biên Phủ qua 3-2 chuyên quần áo trẻ em.
Ngô Gia Tự, một đoạn NTMK chuyên bàn ghế trang trí nội thất...
Chợ đồ điện tử đường Tạ Thu Thâu (Lưu Văn Lang) vô cùng nổi tiếng
Đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, khúc qua cầu Bùi Hữu Nghĩa đến chợ Bà Chiểu, bán lủ khủ xe đạp và linh kiện xe đạp cũ mới
Nguyễn Chí Thanh: chuyên trị bệnh xe máy.
Cuối Nguyễn Chí Thanh có một đọan chuyên bán trang thờ các loại.
Gần đó có đường Tân Thành: chợ phụ tùng xe máy.

Nguồn: 
https://www.facebook.com/tho.huu.5015/posts/867495344142109

Tìm kiếm Blog này