"Tỉnh
Cà Mau có thể biến mất hoàn toàn trong vài thập kỷ tới nếu không dừng
bơm nước ngầm" là cảnh báo của Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) nêu lên tại hội thảo “Kết quả dự án nghiên cứu giai đoạn 1-sự sụt lún đất ở bán đảo Cà Mau” diễn ra tại thành phố Cần Thơ, ngày 17/6.
Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy tổ chức.
Dự án nghiên cứu giai đoạn 1-sự sụt lún
đất ở bán đảo Cà Mau do Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy triển khai
thực hiện từ tháng 5/2012 theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn Việt Nam với Bộ Ngoại giao Na Uy.
Qua nghiên cứu, từ những dữ liệu thu
thập được từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và những chuyến đi
thực địa, Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy đã đưa ra kết luận miền Nam
có thể bị sụt lún nghiêm trọng trên bề mặt do hoạt động bơm nước mặt
liên tục. Riêng tại tỉnh Cà Mau, vì bề mặt của hầu hết tỉnh chỉ cao hơn
mực nước biển 1 mét, nên sụt lún được xem là nguyên nhân dẫn đến mất đất
liên tục, sự hư hại của rừng ngậm mặn ven biển, sự xâm thực mạnh của
nước biển vào hệ thống sông ngòi...
Rừng ngập mặn mũi Cà Mau
Theo Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy,
dữ liệu thu được từ vệ tinh cho thấy, trong 20 năm qua tỉnh Cà Mau đã
mất đất hoặc bờ biển bị thụt vào từ 100m đến 1,4km. Đánh giá sơ bộ, sụt
lún ở Cà Mau có thể đã lên đến 30 đến 70cm ở nhiều nơi. Nếu không hạn
chế và dừng ngay việc bơm nước ngầm thì toàn tỉnh Cà Mau có thể biến mất
hoàn toàn trong vài thập kỷ tới. Cách thực tế nhất để ngăn chặn sự sụt
lún là dừng hoặc hạn chế việc bơm nước ngầm trong khu vực, thay vào đó
là sử dụng nước từ các nhà máy nước.
Tiến sỹ Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết nếu lấy diện tích tỉnh Cà Mau là 5.300km2 thay vì 4.350km2 thì tốc độ sụt lún là 1,56-2,3cm/năm thay vì 1,9-2,8cm/năm (theo cách tính của Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy).
Theo tiến sĩ Văn, nguyên nhân lún là do
khai thác quá mức nước dưới đất thường tập trung quanh các bãi giếng.
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Cà Mau có hơn 100.000 giếng khoan, trung
bình 20 giếng/km2, hút khoảng 370.000m3/ngày. Số
giếng khoan trên không phân bố đều trên toàn tỉnh mà tập trung vào một
vài nơi ở đô thị. Do đó, khu vực này được xem là nơi có thể xảy ra lún
lớn hơn nhiều so với tốc độ sụt lún là 1,56-2,3cm/năm.
Theo đánh giá của Viện Địa kỹ thuật
Hoàng gia Na Uy, sự lún, sụt đất do bơm nước ngầm là vấn đề thường gặp
và đã, đang và sẽ diễn ra ở nhiều nơi tại Cà Mau cũng như các tỉnh lân
cận trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề lún nghiêm trọng nhất
hiện xảy ra ở những nơi có đất sét mềm, dễ bị nén liên kết với tầng đất
sâu hơn hoặc tầng sỏi...
Theo Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy,
từ sự sụt lún đang diễn ra, tỉnh Cà Mau sẽ đối mặt với hậu quả như mất
đất tự nhiên; xói mòn bờ biển tăng do bờ biển chìm; rừng ngậm mặn suy
giảm dẫn đến xói mòn mạnh hơn và dâng sóng khi có bão; tăng độ mặn của
nước trong kênh rạch và sông; xâm nhập mặn vào tầng ngậm nước ngầm...
Tại hội thảo,Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia
Na Uy khuyến cáo Chính phủ Việt Nam phải nhanh chóng được thông báo về
khả năng sụt lún mà tỉnh Cà Mau và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông
Cửu Long đang phải đối mặt. Từ đó, các hành động khắc phục, giảm thiểu
tác hại sẽ được lên kế hoạch và thực hiện trước khi quá muộn.
Bên cạnh đó, Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia
Na Uy cũng đề xuất một số biện pháp phòng ngừa sụt lún đất, xâm nhập
mặn, xói mòn tại Cà Mau như dừng tất cả các hoạt động bơm từ nguồn nước
ngầm; đầu tư xây dựng nhà máy lọc nước và mạng lưới đường ống dẫn nước
mới; xây dựng các tuyến đê xung quanh bờ biển...
Dự kiến, trong giai đoạn 2 của dự án,
Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy sẽ tiến hành lập bản đồ địa chất của
tỉnh Cà Mau, thực hiện chương trình giám sát lún, phân tích chi tiết hơn
về sụt lún dựa trên dữ liệu mới, thu thập và phân tích dữ liệu mực nước
biển và hiện trạng biển, lập mô hình các trường hợp sóng dâng khi có
bão do có sự thay đổi.
*****