Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Trận uống nước dừa kinh hoàng thập tử nhất sinh!

Tóm lược theo lời kể của CCB @Hồng Ngự:
Phân đội trinh sát 11 người dưới sự chỉ huy của trung đội trưởng, nhận lệnh đi lùng sục thăm dò địch quanh địa điểm của Đơn vị mới dừng quân. Đi được 18 cây số đường chim bay, khi Phân đội tiến vào điểm cuối theo kế hoạch, tới một phum bỏ hoang từ lâu, dừa nhiều vô số kể. Họ dừng quân, đang khát giữa mùa nắng như đổ lửa gặp vậy nên anh em quá mừng, tha hồ trèo hái, chặt đập trái dừa lấy nước uống say sưa. Hả hê trước của trời cho, họ uống thay nước lã, nấu cơm bằng nước dừa, rửa mặt cũng nước dừa luôn. Tối ngủ, đi đái, khát lúc nào uống lúc đó, miệng nhai cùi dừa rạo rạo cả đêm.
Sáng dậy, cả nhóm lên đường hành quân về đơn vị. Ban đầu là một người vừa bước đi đã ngã vật, nằm thẳng cẳng, mắt trừng trừng, miệng méo xệch, sùi bọt mép. Anh em đành võng cán đi. Nhưng tiếp theo hết người này đến người khác bị y vậy, ngực như bị ép, chân tay co quắp, rã rời, liệt cụp. Không ai bước đi nổi, có người mê man bất tỉnh.
Trung đội trưởng đành nói buông xuôi, ai còn sức thì cố tìm về đơn vị, ai không đi được thì dồn lại treo võng nằm gần nhau, thay quần áo sạch (chờ chết). May sao một người ráng lê lết về tới Đơn vị, báo xong thì ngất. Đơn vị tổ chức lực lượng đi tìm. May sao thấy, khiêng võng về được 11 người, tất cả đều sống.
Nguồn:
https://www.facebook.com/groups/740161409468128/posts/2101520459998876

Một khoảng khắc làm nên tên tuổi Trịnh Đức Việt.

Tác giả chụp từ Thảo Điền về phía Bình Thạnh và Quận 1.
(Tối 17/8 và 18/8)







Vì sao có người Anti-vaccine?

Mình khá thắc mắc về điều ấy nên hỏi người bạn.
Bạn nói: Ở Mỹ, đa phần lớp già thì chấp nhận loại vaccine nào cũng được, còn những người từ chối có nhiều lý do... Tầng lớp trẻ có học thức ở Mỹ và Singapore, họ không chịu tiêm theo lý của họ. Vì họ tự tin ở sức đề kháng của mình, phần nữa cho rằng Vc can thiệp sâu vào mã ngồn gen. Mới có 2 năm nguyên cứu, chưa đủ thời gian để kiểm chứng an toàn về lâu dài trên thực tế. Có thể di truyền ảnh hưởng xấu đến con cháu. Ví như vật nuôi cây trồng biến đổi gen, có nước tán thành, có nước không. Họ thà tiêm Vc bào chế theo cách cổ truyền như của TQ chẳng hạn, an toàn hơn.

Vầy thì làm sao không lòi ra F... một đống?

Thỉnh thoảng các bạn nghe chỗ này chỗ nọ bị F0 quá trời. Mình kể chuyện mình chứng kiến để các bạn không nằm trong tâm dịch hiểu.
Ví như chỗ khu trọ của mình, tuần rồi có kiot bán tạp hoá, 1 mẹ và 2 đứa con nhỏ nghi bị nhiễm virus. Gọi điện thoại số bàn trạm y tế không được, đành tự bỏ tiền kêu dịch vụ tới lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. Sau đó y tế phường biết, gọi ĐT hướng dẫn tự điều trị tại chỗ nhưng không xuống xét nghiệm tiếp theo để xác định chính xác. Và không thấy dăng dây cảnh báo.
Như vậy theo nguyên tắc chưa thể gọi là F0 nhưng mình ở kế bên thăm hỏi biết triệu chứng và kết quả xét nghiệm nhanh thì nghĩ 100% bị nhiễm rồi. May mà gia đình cô tạp hoá qua một tuần đau đã ổn. Trong khu thấy dân cư vẫn êm ắng. Hoặc có triệu chứng mà họ không nói ra, thì ai biết ai.
Nếu chính quyền không có biện pháp như xét nghiệm, truy vết tức thời tìm F... như kể trên. Đồng thời nếu không có thuốc đặc trị và chích ngừa thì cũng bằng không. Sắp đến khi xét nghiệm có thể lòi ra một đống, không gì là lạ. Không tự dưng mà bị, phải có người lây qua. Đặc điểm của dịch bệnh, hầu hết không có triệu chứng hoặc nhẹ thì dân họ đâu biết mình nhiễm. Cứ thế lây dính chùm trong phòng rồi lan ra những phòng khác kề cận ở môi trường chật hẹp có đến 60 phòng cả thảy.
Chỉ hy vọng mong manh không nhiều vì thấy mọi người đều ổn.
Thử hỏi nếu bạn là người trong cuộc có lo lắng, có bị stress không?

Xưa phòng dịch, người Thiểu số với người Kinh ai văn minh hơn?.

Phòng dịch bệnh bằng luật tục ở buôn làng xưa
Tấn Vịnh - 20:09, 06/08/2021
Ngày xưa, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao miền núi, đời sống còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận các dịch vụ y tế hạn chế. Đi liền với đói nghèo, lạc hậu là dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Từ đó đồng bào có nhiều cách để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Đặc biệt, luật tục (tập quán pháp) của đồng bào đều có những quy định xử phạt nghiêm khắc để ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh.

Những quy định nghiêm ngặt để phòng dịch

Xưa kia, đồng bào các dân tộc ở vùng Trường Sơn- Tây Nguyên đều có những quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch bệnh. Khi trong làng có dịch bệnh, người trong làng không được sang làng khác. Đồng bào thường làm dấu hiệu trên các con đường vào làng bằng cách chăng dây buộc ngang đường, trồng cây chặn lối đi lại. Khách hoặc người lạ vào làng thấy “dấu cấm đi” là biết có chuyện bất ổn, tín hiệu “nội bất xuất ngoại bất nhập” và tự giác rút lui ngay lập tức mà không cần có “đội cưỡng chế ”.

Khi trong làng xảy ra dịch bệnh, bà con không được ở nhà, không được tập trung đông người mà phải phân tán vào rừng, tự cách ly để khỏi bị lây nhiễm. Nếu người trong làng đi đến buôn làng khác khi đang bị dịch bệnh thì không được về làng ngay mà ở ngoài rừng, cách ly một thời gian khá lâu sau mới được về nhà. Người nhà và bà con trong làng dựng một cái túp lều trong rừng cho người bị nghi dịch bệnh tạm trú ở đó. Gia đình cung cấp đầy đủ đồ ăn hàng ngày. Người bị cách ly không được vào các chòi rẫy, không được xuống suối uống nước, tắm ở đầu nguồn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh ra môi trường nước. Thời gian ở trong rừng phải ít nhất từ 10-15 ngày.

Ngày xưa, mỗi làng đều có hàng rào bảo vệ. Hàng rào xung quanh làng không những để bảo vệ cuộc sống dân làng mà còn là dấu hiệu phân định giới mốc, địa vực cư trú, sở hữu đất đai, dấu hiệu thông báo điều kiêng cữ cấm tuyệt đối người ngoài vào làng khi dịch bệnh.

Những thời điểm xảy ra dịch bệnh nguy hiểm thì đồng bào gia cố, làm mới hàng rào thành nhiều lớp vòng trong, vòng ngoài rất chắc chắn. Các vị chủ làng, già làng có uy tín luôn khuyên bảo, nhắc nhở dân chúng thực hiện việc phòng chống dịch bệnh. Những người không tuân thủ sẽ bị bà con lên án. Đặc biệt, người nào vô tình làm lây lan dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng của người dân trong làng thì bị xử phạt nghiêm khắc.


Luật tục quy định xử phạt nghiêm khắc


Luật tục của đồng bào có những quy định cụ thể về việc phân xử cho các đối tượng làm lây lan dịch bệnh. Nhiều điều luật đề cập khá rõ về việc phòng và chống dịch bệnh, việc xét xử, phạt vạ những “tội trạng”, “tội danh” như “Tội bị bệnh truyền nhiễm mà không khai báo”, “Tội không khai báo người bị chết vì dịch bệnh”, “Tội làm lây truyền dịch bệnh cho người khác”, “Tội phao tin không đúng về dịch bệnh làm dân làng sợ hãi”, “Tội xông vào làng bất chấp làng có cữ vì dịch bệnh”, ...

Bên cạnh xử tội làm lây lan dịch bệnh ở người, luật tục của đồng bào miền núi cũng có những điều luật quy định xử phạt đối với các tội làm lây dịch bệnh ở gia súc. Đó là “Tội không trình báo với người đầu làng về có dịch trâu bò”, “Tội không chăm sóc đàn gia súc của mình khi có dịch bệnh”...

Về “Tội bị bệnh truyền nhiễm mà không khai báo”, luật tục Ê Đê luận giải như sau: “Khi bệnh lan rộng, lây đến các làng khác, nếu không có một ai, là đàn bà hay đàn ông chạy đi báo cho cây đa đầu suối, cây sung đầu làng, báo cho những kẻ trông coi những người em, những người cháu, dân làng (như vậy thì khác nào) họ đem trăn, đem rắn bỏ vào nhà người ta, khác nào kẻ thấy dân làng khỏe mạnh sinh ra ganh ghét. Như vậy, hắn là kẻ có tội, có chuyện phải đưa ra xét xử giữa người ta với hắn”.

“Tội làm lây lây lan dịch bệnh cho người khác”, luật tục Ê Đê ghi rõ: “Những năm có thiên tai, hạn hán, thời tiết nóng nực, ông Đu, ông Điê (các vị thần tối cao trong hệ thống thần linh của người Ê Đê) thường gieo rắc tai họa. Hắn bị trời làm cho ốm đau, thế mà hắn không chịu kiêng cữ. Hắn như con voi của thần Cá Sấu đến cọ mình vào cây kcik, như con voi của thần Cá Sấu đến cọ mình vào cây kpang, hắn muốn truyền bệnh cho dân làng của tù trưởng nhà giàu. Vì hắn mà làm chết cả những tay cuốc, tay chà gạc giỏi giang, những người có tài tháo vát, khỏe mạnh. Vậy, có việc phải xét xử giữa người khác với hắn”.

Luật tục của dân tộc M’nông (phat duôih) có những quy định cụ thể về việc phân xử, xét xử cho các đối tượng làm lây lan dịch bệnh. Luật tục M’nông có hàng trăm “điều luật”, trong đó có đề cập khá rõ về việc phòng và chống dịch bệnh và xét xử, phạt vạ những trường vi phạm. Về “Tội gieo rắc, lây lan dịch bệnh cho người khác”, luật tục M’nông nói như sau: “Bon mình có bệnh lây truyền/Mình không được vào bon người khác/Nếu ta vào bon họ/Tức là truyền bệnh cho bon đó/Nếu bon họ có bệnh truyền nhiễm/Ta không được và bon của họ/Nếu ta vào bon họ/Tức là rước bệnh về làng mình/Mang bệnh về gây hại bon làng/Mang dây mây từ ngoài rừng xa/Làm cho bon làng bị gai đâm/Đổ nước tro làm cho giường mục”.

Đến nay, dù xã hội đã phát triển, song khi gặp dịch bệnh, việc đối phó với khủng hoảng này tùy theo điều kiện của từng vùng. Thực tế cho thấy, việc phòng ngừa dịch bằng cách ly, ngăn chặn từ xa trở nên hiệu quả trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 đang bùng phát và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Trong quá khứ, bằng nếp sống, cách ứng xử, luật tục...đồng bào các dân tộc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên cũng đã tồn tại, vượt qua những cơn nguy nan và từ đó hình thành ý thức, kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống buôn làng.

Hàng rào kiên cố ở một ngôi làng của người Ba Na khi xưa (ảnh: Daniel Léger)




Nguồn: Baodantoc



Bai. Nẫu bám càng máy bay dìa quơ.

 


Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Phố - Chợ Sài Gòn

ĐƯỜNG ĐỘC PHỐ ĐÁO
Là bắt chước cổ nhân, kiểu như quần là áo lượt, mồm 5 miệng 10, chân yếu tay mềm… í mà. Chuyện rằng, Sài Gòn có nhiều đường phố hơi bị độc đáo, đáng chú ý ra phết.
Trước tiên là đường phố có tên nghiệt.
Người Sài Gòn (SG) ai chả biết kênh Bến Nghé, phường Bến Nghé, bút bi Bến Nghé, bê thui Bến Nghé... nhưng ít biết đường Bến Nghé đi qua cảng Bến Nghé, bên hông Khu chế xuất Tân Thuận ở Q7.
Ngã tư Bảy Hiền, làng dệt Bảy Hiền, quán bê thui “chảnh” Bảy Hiền… quá quen, nhưng đường Bảy Hiền thì ít biết. Đường này từ ngã ba Lạc Long Quân- Lý Thường Kiệt rẽ vào làng dệt Bảy Hiền, song song với Lạc Long Quân, đi qua nhà thờ Phú Trung. Bảy Hiền là tên ông chủ quán ăn uống ở ngã tư này, kèm bán cỏ cho ngựa.
Chợ Lớn là khu vực buôn bán tấp nập, ăn uống xì xụp, nhưng cũng có đường Chợ Lớn từ bệnh viện Q6 đến đường An Dương Vương. Xưa là kênh Chợ Lớn, tuyến đường thủy quan trọng đi Tây Nam Bộ. Đầu TK20 Pháp lấp kênh làm đường, gọi luôn là đường Chợ Lớn cho nó tiện.
Lâu đời và dài 1.350 mét nhưng ít ai biết, đó là đường Bến Thương Khẩu từ Bến Nhà Rồng men theo sông SG đến cầu Tân Thuận, nằm gọn trong Q4, song song với đường Ng.Tất Thành. Vì ở trong cảng, ứ tự do lưu thông, ít người biết là phải. Khi Pháp xây dựng cảng, đường mang tên vùng đất này: Tam Hội, năm 1917 đổi là quai del’Yser, từ 1955 gọi là Bến Thương Khẩu (Cửa khẩu buôn bán).
Đường ngắn nhất và dài nhất.
Ngắn nhất, cùng dài 48 mét là 2 đường Hoa Thị, Hoa Trà ở F7, Q.Phú Nhuận. Tiếp theo là 2 đường Vũ Hữu (F.An Lạc A, Q.Bình Tân), Tân Tạo (F8, Q.Tân Bình) cùng dài 55 mét rưỡi.
Dài nhất mà nằm gọn trong 1 huyện là đường Rừng Sác dài 36,5 kilômét từ phà Bình Khánh xuyên suốt huyện Cần Giờ đến xã Long Hòa, cách bờ biển vài chục mét.
Các kiểu đường độc phố đáo khác.
Có 2 đường bám theo 2 bờ kênh, vừa dài vừa độc: Trường Sa và Hoàng Sa cùng uốn lượn men theo 10 kilômét của kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè, trải qua nhiều quận nhất: Q1, Q.Bình Thạnh, Q3, Q.Phú Nhuận và Q.Tân Bình.
Đại lộ Võ Văn Kiệt men theo bờ bắc kênh Tàu Hủ- Bến Nghé cũng đi qua nhiều quận huyện nhất: từ hầm sông SG ở Q1 trải qua các quận 5, 6, Bình Tân, kết thúc tại QL1 ở huyện Bình Chánh.
Đường Trịnh Đình Trọng ở Q.Tân Phú quanh co uốn éo ngoằn ngoèo ngoắt ngoéo nhất. Từ đầu đường, chỗ giao với Lũy Bán Bích đến cuối đường tại ngã ba Âu Cơ chỉ ngót 2 kilômét mà có 14 khúc cua, trong đó 9 chỗ uốn vuông góc và 5 chỗ lượn lài lài.
Đi qua nhiều nhà thờ Công giáo nhất là đường Lê Đức Thọ ở Q.Gò Vấp với 6 nhà thờ Hoàng Mai, Nữ Vương Hòa Bình, Lam Sơn, Lạng Sơn, Đức Mẹ hằng cứu giúp và Trung Bắc. Tiếp theo là Thống Nhất cũng ở Q.Gò Vấp và Phạm Thế Hiển ở Q.8, mỗi đường có 5 nhà thờ. Đó là những nơi bà con giáo dân Bắc 54 vô định cư, hèn chi.
Giữa không khí nhộn nhịp của SG hoa lệ, du khách thấy bình tâm khi đến hẻm Lê Quang Định ở đường Ng.Văn Đậu, Q.Bình Thạnh. Tên dân gian là “hẻm thiền” bởi dài có 180 mét mà quy tụ 6 ngôi chùa san sát.
Nếu Jerusalem là vùng đất thánh của cả quả đất thì trục Ng.Văn Trỗi- NKKNghĩa là Con đường tôn giáo hay Thánh lộ của SG, bởi chạy qua rất nhiều chùa chiền và nhà thờ của các loại tôn giáo. Ấn tượng nhất là chùa Đại Giác to vật vã, còn gọi là Chùa 3 mặt tiền, bởi có 3 cửa trổ ra Ng.Văn Trỗi, Ng.Trọng Tuyển và Trương Quốc Dung. Thứ hai là thánh đường Hồi giáo Jamiul Muslimin của người Chăm. Thứ ba là Thánh Hội Baptist Ân Điển của đạo Tin Lành trông như cao ốc văn phòng bọc kính màu xanh. Thứ tư là chùa Vĩnh Nghiêm thuộc loại hoành tráng và rộng rãi bậc nhất nội đô SG, đối diện với Thiền viện Thích Quảng Đức. Theo đường NKKNghĩa đến dinh Thống Nhất nhìn sang trái thấy Nhà thờ Đức Bà thấp thoáng sau công viên 30-4. Vân vân và mây mây.
Muốn thưởng thức các món ăn Nhật và Hàn, hãy đến phố Nhật Bản và phố Hàn Quốc. Chỉ 1 đoạn 800 mét của đường Lê Thánh Tôn, Q.1 và mấy hẻm nhỏ ở đây mà có hơn 20 nhà hàng ăn Nhựt Bổn. Sau chợ Phạm Văn Hai, phố Hàn Quốc hiện ra trên đường Tân Sơn Hòa, Q.Tân Bình với lủ khủ quán ăn, tiệm uốn tóc, thẩm mỹ viện viết bằng hai thứ tiếng Việt- Hàn.
Nói đến đường đặc chủng, chuyên bán 1 thứ hàng thì phải kể đến Lê Công Kiều ở Q1. Đường dài gần 200 mét, hơi quanh co, nối Ng.Thái Bình với Phó Đức Chính, yên tĩnh như cái tên dân gian của nó: Phố Đồ Cổ. Tuy nhiên, đồ cổ thứ thiệt thì ít mà đồ cổ mới toe thì nhiều.
Đường Tôn Thất Tùng ở Q1 mang tên “đường vi tính”, vì hầu hết các cửa hàng ở đây kinh doanh máy vi tính. Gần nhà, tui toàn đến đây mua và sửa.
Đường Lương Hữu Khánh ở Q1 mang tên “phố khắc chữ” với dãy kios chuyên làm bảng hiệu chềnh ềnh giữa đường. Kế đó, 1 đoạn đường Phạm Hồng Thái cũng rứa.
Đường Ng.Công Trứ ở Q1, đoạn từ Phó Đức Chính đến Hồ Tùng Mậu mang tên Phố Uôn (Wall Street) của SG. Thời Pháp thuộc, đây là nơi tập trung các ngân hàng và tiệm cơm Tây bình dân, nay thêm lủ khủ công ty môi giới chứng khoán. Đoạn khác thì dày đặc cửa hàng phụ tùng ô tô, xe máy đã qua sử dụng và đồ cơ khí. Chả là xa xưa, nơi đây gần cảng SG, thủy xưởng Ba Son và trường Kỹ thuật Cao Thắng mà lỵ.
Phố Giày Ng.Đình Chiểu, đoạn ở Q3 có rất nhiều hiệu giày thời trang nổi tiếng của cả Ta và Tây.
Hai đoạn Ng.Đình Chiểu qua Q3 và 3 Tháng 2 thuộc Q10 gọi là Phố Vui, bởi là nơi các đôi uyên ương đến mua sắm những thứ không thể thiếu trong ngày cưới.
Ngược lại, đoạn Trần Phú từ Ng.Trãi tới Ng.Tri Phương, Q5 là Phố Vĩnh Biệt, bởi san sát các nhà tang lễ và cửa hàng bán các thứ "người mua không xài, người xài không mua". Chả là quanh đây lủ khủ bệnh viện.
Phố Đàn là đoạn Ng.Thiện Thuật, Q3. Đến đây, ta như lạc vào thế giới của âm nhạc với đủ các loại đàn Tây, Tàu, Ta. Cha con nhà tui toàn mua đàn ở đây.
Trước cổng Miếu Thiên Hậu Hòa Hưng, đường CMT8, Q3 là “Chợ cua đồng âm phủ”. Chợ đầu mối này chỉ bán duy nhất cua đồng, từ 2 đến 5 giờ sáng. Xưa có đôi vợ chồng chở cua từ quê lên SG bán, đến đây thì xe hư. Họ phải ngồi đợi tới sáng, mà nơi đến còn xa, cua bày la liệt. Dân địa phương thương tình mua giúp, lâu dần thành chợ.
Đường Trần Nhân Tông ở Q5, gần ngã bảy Lý Thái Tổ là cả một kho tàng sách cũ.
Phố Lồng Đèn là đường Lương Nhữ Học ở Q5, quanh năm bán đủ các loại lồng đèn, hoa cả mắt.
Đường Triệu Quang Phục ở Q5, nơi sản xuất, mua bán và sửa chữa các loại kéo, từ cắt sắt cắt nhôm đến may vá nội trợ, cắt tóc và... các loại lông.
Một đoạn Châu Văn Liêm, Q5 là “đoạn đường sung sướng” vì san sát dãy tủ bán “thần dược phòng the” đối diện với dãy phòng trọ thuê phòng theo giờ, giá rẻ bất ngờ.
Đường Vĩnh Khánh ở Q4 là 1 trong 2 Phố Ốc trứ danh của SG, cùng với đường Thành Thái, Q10.
Nơi có thể tìm mua đủ các thứ đồ điện tử cả cũ lẫn mới là đường Nhật Tảo ở Q10. Đây còn là thiên đường của hàng nhái Trung Quốc.
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ trong khu chung cư Lê Hồng Phong, Q10 là Cao nguyên Langbiang giữa SG. Hoa ở đây vừa tươi vừa rẻ. Năm 2013 chính quyền có kế hoạch dời về chợ Bình Điền, nhưng nay vẫn còn nhiều hoa đáo để.
Nếu quý vị muốn ngắm tranh của các danh họa thế giới và VN thì đến đường Trần Phú, Q5, đoạn gần ngã sáu Cộng Hòa và 1 đoạn của trục Ng.Văn Trỗi- NKKNghĩa ở 2 phía cầu Công Lý. Tất nhiên là bản sao. Mỗi lần chuyển chỗ ở, tui đều đến đây mua tranh, tha hồ chọn tùy tâm trạng.
Nơi tập trung nhiều tiệm thuốc Bắc nhất ở Chợ Lớn là đường Hải Thượng Lãn Ông, Q5.
Đại lộ Hồng Bàng, Q5, bên hông Thuận Kiều Plaza có "phố sâu bọ” chuyên bán sâu bọ và các loại côn trùng để nuôi chim, cá. Mấy anh bợm nhậu đôi khi cũng mò đến mua dế, cào cào châu chấu. Vặt cánh, rút ruột, rang lên với 1 chút mỡ, bày ra đĩa, rắc nhúm lá chanh thái chỉ thì… hết xảy! Tui được mời nhậu rồi. Mỗi cái chuyện cào cào châu chấu mà cãi nhau ỏm tỏi.
Đường Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình là Phố Thịt Chó, lủ khủ quầy thịt chó tươi sống và bát ngát quán cầy tơ 7 món. Thơm phức.
Phố Cá Cảnh Ng.Thông, Q3 luôn đông vui nhộn nhịp. Ở đây bán tất cả các loại cá cảnh (kiểng), thiết bị nuôi và thức ăn cho cá.
Một đoạn đường Phạm Văn Bạch, F15, Q.Tân Bình là nơi “mua của người chán, bán cho người cần”, san sát cửa hàng “se cần hen” (second hand) từ nhỏ xíu đến to đùng.
Dưới chân cầu Băng Ky ở đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh có hẻm nhỏ gọi là “chợ ve chai ngàn đô”. Chợ chỉ họp vào sáng chủ nhật, trưng đủ các thứ thượng vàng hạ cám, từ cái bấm móng tay, nhạc cụ, điện thoại đến tivi, môtô, xe hơi cổ. Có thứ giá hàng chục ngàn đô. Kinh!
Khi dân nhậu SG chán ăn nhà hàng thì chợ rắn, chuột, ếch nhái ở Củ Chi càng sôi động. Tỉnh lộ 8, đoạn qua xã Phước Vĩnh An chỉ hơn 200 mét mà có hàng chục quầy bán động vật hoang dã, đáp ứng nhu cầu đổi gió của dân sành nhậu.
Có nhiều đường chỉ trở thành “đặc chủng” theo thời vụ.
Mỗi khi xuân về, đại lộ Nguyễn Huệ ở Q1 trở thành đường hoa hoành tráng nhất VN, nay đã thành phố đi bộ. Cũng khi đó mọc ra các “phố ông đồ” bán chữ Nho trên mực đen giấy đỏ ở đường Ng.Thị Minh Khai, trước Cung Văn hóa Lao động, Q1; đoạn Phạm Ngọc Thạch trước Nhà Văn hóa thanh niên, Q1 và “chợ thư pháp” trên đường Trương Định, Q3. Cũng rứa, đoạn CMT8 ở ngã 3 Ông Tạ chuyên bán lá dong, lạt giang gói bánh chưng. Vùng này cũng là nơi bà con Bắc 54 vào định cư mà lỵ.
Mỗi dịp 8-3 và 20-11, đại lộ Ng.Văn Cừ lại rực rỡ sắc màu bởi các quầy bán hoa tươi trải kín. Đây là đoạn tập trung các ký túc xá và trường học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học mà lỵ.

________________________________


Một số bạn đọc đóng góp thêm:

Đường Hòa Hảo góc Lý Thường Kiệt ra Chợ Thiếc là khu chuyên bán đồ phụ kiện da giày túi xách...

Đường Trần Phú đoạn từ Nguyễn Trãi tới Nguyễn Tri Phương chuyên ... Đám ma.

Đoạn Cao Thắng từ Điện Biên Phủ qua 3-2 chuyên quần áo trẻ em.
Ngô Gia Tự, một đoạn NTMK chuyên bàn ghế trang trí nội thất...
Chợ đồ điện tử đường Tạ Thu Thâu (Lưu Văn Lang) vô cùng nổi tiếng
Đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, khúc qua cầu Bùi Hữu Nghĩa đến chợ Bà Chiểu, bán lủ khủ xe đạp và linh kiện xe đạp cũ mới
Nguyễn Chí Thanh: chuyên trị bệnh xe máy.
Cuối Nguyễn Chí Thanh có một đọan chuyên bán trang thờ các loại.
Gần đó có đường Tân Thành: chợ phụ tùng xe máy.

Nguồn: 
https://www.facebook.com/tho.huu.5015/posts/867495344142109

Mao tuyển đỡ rét và Quyết tâm đẫm máu.

Các vận động viên đọc Mao tuyển để thêm nghị lực trước khi bơi vượt sông vào mùa đông.
Và trên chiếc tàu chiến TQ hạ nòng pháo 37ly, bí thư đọc quyết tâm, binh lính giơ tay hô vang: "Tả. tả", rồi bắn thẳng vào công binh VN ở Gạc Ma 1988.
https://www.youtube.com/watch?v=umWITUHmqWs





Tâm thế người lính VNCH ở Mùa hè đỏ lửa tại An Lộc năm 1972.

Thợ Cạo cùng bạn bè đi Binh Long thăm chiến trương xưa về, không đăng ảnh để chứng tỏ ta đã đến đây. Hình chiến tranh đổ nát hoang tàn có đầy trên mạng nên chọn một tấm ảnh cũ đưa lên rất đáng ngẫm.
Bên nào cũng vậy, người lính phải làm nhiệm vụ chứ không ai muốn đem mạng sống của mình ra mà thử lửa. Hãy nhìn dáng đi thất thểu, lầm lũi sau khi thấm đòn chiến trận của họ và một chiến binh trong đoàn chưa đến tuổi, được đưa vào cuộc chiến, sải bước vô tư.



"Can trường trong chiến bại"?

19/1/1974 đã bỏ lại:
- 82 quân nhân cần cứu của chiếc tàu HQ-10 đang bị chìm.
- 59 quân nhân đang bơ vơ trên 3 đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật, Quang Ảnh.
.....
Những con số, hình ảnh hy sinh, đầu hàng, bị bắt là thật, kế hoạch phản công là ảo... Người đã mất, lãnh thổ không còn, nổi đau còn đó!
Gì thì gì, bao liệt sĩ đã bỏ mình, di sản của cha ông để lại đã mất - Đó là một thất bại chua cay của Việt Nam. Nói ra không phải để biện hộ hay chỉ trích. Mà chỉ có sự thật và sự thật, hậu thế mới rút ra được bài học xương máu, từ đó bảo vệ được chủ quyền của đất nước.



Tìm kiếm Blog này