Cuốn sách này một thời sôi nổi, có nhiều ý kiến trái chiều nhưng đa số đồng ý, tuy nó là ký sự nhưng có giá trị tài liệu tham khảo, bạch hóa quyền lực, đã bao quát và phản ánh mặt sau một thời của "Bên Thắng Cuộc".
Sách đã đụng đến nhiều chuyện thâm cung bí sử, đụng đến nhiều nhân vật lớn như ông trời, quan hệ ngoại giao cực nhạy cảm mà tác giả không bị bắt, đến giờ vẫn là một ẩn số chưa lời đáp.
Tôi nghĩ nếu tác giả tái bản chỉnh sửa, bổ sung sách sẽ hoàn chỉnh, thuyết phục người đọc hơn.
Về chương 11 - Campuchia, nơi tôi từng gắn bó, ước mơ và kỳ vọng của một thời tuổi trẻ muốn góp phần hàn gắn vết thương giữa hai nước, hai dân tộc. Theo hiểu biết của tôi thì Huy Đức ghi lại đúng căn bản với thực tế nó đã diễn ra, chỉ có thể sai về chi tiết.
Tổng quan có nhiều điểm hợp với ghi chép, hồi ký của mấy ông đại sứ từng làm ở nước này. Việc quân Việt Nam truy quét Kh'mer Đỏ chông gai gian khổ, hy sinh, tổn thất nhiều, trá giá quá đắt để được rút quân bàn giao cho quân bạn.
Và ghi lại vài việc đau lòng người, để lại ấn tượng xấu với cán bộ và nhân dân bạn. Vì tư tưởng nước lớn mà trong quan hệ tiếp xúc, mấy lãnh đạo cấp cao nhất của VN, chính trị đầy mình chứ nói gì đến cấp thấp đã trịch thượng coi thường lãnh đạo CPC. Bắt bỏ tù cả Tổng bí thư của nước khác. Như khi quân báo phát hiện rồi thỉnh thị lên cấp trên để bóc gỡ địch ngầm đã bắt giam oan nhiều lãnh đạo cấp tỉnh bạn.
Đau lòng nữa khi rút quân, ông đại sứ mà Hun Sen công khai gọi bằng thầy, mấy lần từ chối gặp ngài "thái thú" tao nhã, hiểu sâu biết rộng, về nước không kèn không trống trong tủi nhục!
Bạn đọc có thể vặn: anh chỉ là thằng lính biết gì mà đánh giá vấn đề lớn và phức tạp như vậy?
Xin thưa, đúng là tôi chỉ là người lính quèn làm nhiệm vụ vừa đánh nhau với địch vừa công tác ở cơ sở, mãi tận vùng xa xôi Đông Bắc. Nhưng là người lính thích tìm hiểu lịch sử và vấn đề dân tộc, đặc biệt là quan hệ Việt Nam - Campuchia. Nên tôi đã quan tâm tìm hiểu ngay từ khi còn hạ sĩ trước khi đặt chân lên đất nước bạn. Qua quan hệ công tác, quan sát thực tế đến nghe đồng đội kể, rồi xem ít tài liệu giới hạn từ cơ quan chuyên môn của cấp trên.
Và vì có cơ may được tiếp cận và huấn luyện lực lượng nổi dậy CPC từ trong trứng nước. Là lính của một đơn vị mà Thủ trưởng kính yêu là người của ngành tình báo và có tiếp xúc chút ít với anh em của Cục 12. Được về Phnom Penh ngay từ năm 1980, có dịp được gặp các lãnh đạo nước bạn và gặp ông Ngô Điền, một đại sứ mà tôi kính mến, dù thoáng chốc không nhiều...