Tim thông tin blog này:

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Chuyện gia đình họ hàng TBT Trường Chinh trong Cải cách ruộng đất

Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ I
Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ II: Nội thất một gia phong


Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ III: Thực hư chuyện đấu tố

TP - Kỳ trước đang nói về bức hoành Âm Kỳ Ngọc - thiêng, lành thay tiếng ngọc! Quả khác xa và khó có chút gì na ná với các chữ Tâm, Phúc, Đức, Nhẫn… nhan nhản do các ông đồ trẻ sản xuất hàng loạt tại Miếu Văn.
Cụ Đặng Xuân Viện (thứ ba từ phải qua), thân sinh ông Trường Chinh, chụp ảnh lưu niệm cùng Bác HồCụ Đặng Xuân Viện (thứ ba từ phải qua), thân sinh ông Trường Chinh, chụp ảnh lưu niệm cùng Bác Hồ
Người xưa thường ví,  thứ ngọc quý có thể phát sinh ra năng lượng, khi chạm nhau, ngọc phát ra thứ âm thanh như châu gieo, thoa ném rổn rảng, sinh sắc… Lại nữa, phần câu đối bên dưới rất xứng, ứng với bức hoành Âm kỳ ngọc. Chừng như hơi ấm cùng âm thanh của thứ ngọc lành từ bức hoành đang lan tỏa, cộng sinh xuống hai vế đối phía dưới. Mạo muội biên ra đây để mọi người cùng thưởng lãm cũng như chỉ giáo cho.

Nhân tại bách xích lâu phiêu nhiên quá vân lộ phủ thương mang biệt sinh kỳ tưởng
Hung đôi sổ vạn quyển, thời hoặc đăng tao đàn liệt kỳ cổ túc trương ngô quân
(Trên lầu cao trăm thước, thoắt nhẹ nhảy đường mây nhìn non nước bỗng khởi sinh tư tưởng lạ / Nhà dài chứa vạn sách có lúc bước tới chốn Tao đàn, bày cờ trống biểu dương thanh thế.
Tư tưởng lạ phải chăng nhắc đến cái chí của cụ Đặng Xuân Viện, thân sinh của Tổng Bí thư Trường Chinh, cùng đồng chí của mình trong Đông Kinh Nghĩa Thục?
Nhà dài chứa vạn sách. Cụm từ ấy chả phải ước lệ mà có  ý nhắc đến cái thư viện được coi là lớn nhất Bắc Kỳ thời điểm đó của cụ Đặng Xuân Bảng. Nhà sách ấy sau này không ngừng được bổ sung, nhất là dưới thời ông Đặng Xuân Viện.
Hoành cùng đối tặng cho chủ nhân, cả hai cha con đều hợp!
Nghĩ cũng hơi lạ về dòng lạc khoản.  Trọng đông Canh thân,  hiệu Hải Liễu Vân Tiều tặng ( Mùa đông Canh thân- 1920- Hiệu hải Liễu Vân Tiều tặng) Hải Liễu Vân Tiều, nghe nói là một cửa hiệu nổi tiếng ở Hà thành chuyên chế các loại chất liệu mỹ nghệ thư pháp tặng cụ Đặng Xuân Viện chứ không phải là bút hiệu của tác giả nào?
Còn nữa, kế gian giữa mạn Bắc, rơ rỡ bức hoành Tiên Quận Đằng Phương cũng chả phải là thứ chữ thường! Tạm hiểu là tiếng thơm nơi tiên quận. Quận là danh từ, địa danh. Quận nào vậy? Cụ Đặng Xuân Viện từng tòng sự với chức quan nhỏ ( thừa phái) ở vùng Tiên Xá của đất Tiên Lữ, Hưng Yên nên được  bản chức vùng đó tặng cho bức hoành cùng vế đối. Có thể suy vậy vì căn cứ vào dòng lạc khoản  Mùa đông năm Nhâm Tuất (1922) Lý trưởng và Phó Lý Tiên Xá quận Tiên Lữ kính tặng. Có thể nói bức hoành đây khá bắt mắt. Hàng bao năm, sắc màu cùng ngữ, nghĩa cứ rờ rỡ.  Bắt mắt nhưng bức hoành chỉ hạp với gia cảnh, khí chất của chủ nhân. Bởi chẳng thể rinh đi treo ở nhà ai đó được?
Còn vế đối ghi gì? Cựu đức phương ư đằng các thụ/ Thi tài thanh tự lục giang ba (Đức cũ thơm tho như cây đằng cây các /Tài thơ trong sáng như sóng Lục giang) Ý chừng ca ngợi tài đức của chủ nhân Đặng Xuân Viện? Chợt giật mình bởi từng định kiến rằng, đám lý trưởng, phó lý thời phong kiến đế quốc chỉ biết nạt nộ, đánh chén vậy mà  đã nghĩ ra cái thứ tao nhã thế kia!
Một câu đối nữa của Tòa báo Đông Pháp tặng cụ Viện. Cứ như một lời chúc tinh tế Diễn đàn tảo chủng văn minh quả/Từ uyển liên đề giáp Ất hoa (Trên diễn đàn sớm kết quả văn minh/ Nơi từ uyển liền tên hoa Ất, Giáp)
Ngược thời gian, thời điểm báo Đông Pháp tặng bức hoành cùng câu đối cho cụ Viễn là cái năm ông chủ bút Nguyễn Kim Đính phải bán tờ báo lại cho ông Diệp Văn Kỳ. Ông Kỳ người có quốc tịch Pháp, cha làm thông ngôn cho triều đình Huế, mẹ là một quận chúa. Ông Diệp Văn Kỳ chắc cũng có mối giao du với các nhân sĩ Bắc Kỳ trong đó có cụ Viện?
Đông Pháp Thời Báo cũng đổi ngày ra báo (các ngày thứ Ba, thứ Năm và thứ Bảy) và cho ra các phụ trương Thể thao, Phụ nữ, Trẻ em, Văn chương. 
Ông Kỳ còn mời thêm các cây bút tên tuổi ngoài Bắc như  Tản Đà, Ngô Tất Tố vào Nam để tăng cường cho ban biên tập báo.
Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ III: Thực hư chuyện đấu tố ảnh 1
Bức hoành Âm Kỳ Ngọc. Ảnh: Xuân Tùng
Thôi có lẽ khỏi phải biên chép, liệt kê thêm! Bấy nhiêu thứ của nổi lưu giữ trong nhà mà cụ Đặng Xuân Bảng làm cho con Đặng Xuân Viện tại làng Hành Thiện cũng là quá đủ, quá thừa nếu có một cuộc đấu tố quy kết thành những địa chủ thường, ác bá, cường hào… trong thời điểm cơn lốc của cải cách ruộng đất.
Thế nhưng qua dày công tìm hiểu, tôi chưa gặp một ai hay người nào thốt ra dù xa xôi bóng gió việc song thân ông Trường Chinh bị đấu tố trong cải cách ruộng đất. Rùng mình gẫm lại những đồn thổi trước, nay, và cả những chi tiết rùng mình sởn gai ốc trong những biên chép vô tội vạ trên báo mạng. 
Nào là, đương đêm, thân phụ ông Trường Chinh phải bí mật trốn lên Hà Nội với con trai để tránh cuộc đấu tố(!?) Hoặc  thời điểm cuộc đấu tố dưới Hành Thiện diễn ra khốc liệt, đội cải cách đang buộc tội bố, mẹ của ông Trường Chinh thì có lệnh từ trên đình lại. 
Và giật gân hơn, lãnh tụ Trường Chinh tiên phong gương mẫu quyết liệt trong cuộc đấu tranh giai cấp đã chỉ đạo cho đội cải cách mang chính song thân của mình ra đấu tố! vv… và vv…
Những chuyện đồn thổi đầy hơi hướng  ác ý.  Buồn thay nó chỉ xuất phát ở một phía, với thông tin khó có thể kiểm chứng? Đâu là nơi nuôi dưỡng, dung chứa, phát tán sự đồn thổi ấy? Mà cũng lạ cho sự im lặng không thèm chấp ngần ấy năm…
Các nhân chứng, chứng cứ rằng không hề có cuộc đấu tố nào với gia đình ông Trường Chinh thì nhiều, nhiều lắm.
Nhân chứng đầu tiên có lẽ là người đương trông coi khu lưu niệm, ông Nguyễn Viết Điền. Ông Điền cười, nếu cứ như những đồn thổi thì các anh xem,  rất đơn giản là những hoành phi cùng câu đối kia trong nhà cụ Viện và sau này là nhà ông Trường Chinh, đâu có còn nguyên vẹn? 
Thời ấy có nhiều gia thế máu mặt vướng vào đấu tố, gia sản sạch bách vì chia quả thực cho bần cố nông trong đó chả ít những hoành phi câu đối. Người ta mang làm cửa, cầu ao, bàn ghế, thưng chuồng lợn, chuồng bò. Ai may tẩu tán được thì quẳng xuống ao sau này yên hàn mới mò vớt. Nhưng ngôi nhà cụ Viện cùng vật dụng này đã  được yên hàn qua đợt cải cách.
Nghe chuyện, thầm nghĩ chữ trên đại tự câu đối, rằng hay thì thật là hay nhưng tự thân chữ đâu có phải là thứ thiêng, thứ bùa yểm ? Hẳn phải có sự ảnh hưởng vô hình lẫn hữu hình nào đó?
Phát sinh những sự đồn thổi thuận, nghịch là có nguyên do của nó?
Trong câu chuyện dài sau này với Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải đương kim Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cháu gọi ông Trường Chinh bằng bác ruột, ông Hải khẳng định song thân cụ Trường Chinh không bị đấu tố! Nhưng ông Hải cũng băn khoăn rằng, có lẽ do người nhà của ông Trường Chinh bị đấu mà người ta đã suy diễn? Hoặc đã hiểu nhầm? Và cả những suy diễn ác ý?
Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ III: Thực hư chuyện đấu tố ảnh 2
Liễn đối báo Đông pháp tặng.
Cụ Đặng Xuân Viện  có người anh ruột tên là Đặng Xuân Mậu. Cụ còn có tên là ông Hai Thêm mà ông Trường Chinh gọi là bác ruột. Có lẽ là con trai thứ hai cụ Bảng nên có tên là ông Hai? Như các người con trai của cụ Bảng, ông Hai cũng được học hành cẩn thận nhưng không thi cử đỗ đạt gì. Gia đình có máu mặt có bát ăn bát để, cụ Đặng Xuân Mậu dễ dàng trở thành đối tượng của đợt cải cách ruộng đất. 


Cụ bị đem đấu tố. Dài mãi những ngày đấu tố vu khống như thế, một nhà nho một người có học như cụ Mậu coi đó là sự xúc phạm, tổn thương ghê gớm. Chắc những ngày bi đát ấy cụ nghĩ nhiều về người con trai Đặng Xuân Khang tham gia Vệ quốc đoàn từ những ngày đầu kháng chiến, từng dự nhiều trận đánh ác liệt trong đó có trận Điện Biên Phủ… Một đêm không kìm giữ, kiểm soát được mình, cụ Mậu đã quá uất ức tìm đến cái chết!
Một ngày thanh bình, anh chiến sĩ vệ quốc đoàn Đặng Xuân Khang về thăm quê Hành Thiện. Quá bất ngờ và anh chỉ biết lặng phắc đau đớn trước mộ người cha. Mọi sự đã nhỡ, đã quá muộn mất rồi.  Khoác ba lô trở về đơn vị, chắc  anh cũng có chút an ủi rằng, gia đình mình đã được sửa sai đã cởi cái án oan địa chủ. 
Rồi những năm tháng rèn luyện học hành để sau này Đặng Xuân Khang trở thành một sĩ quan của quân chủng Phòng không - Không quân. Trong một trận  ác liệt đánh trả máy bay Mỹ bảo vệ cầu Hàm Rồng năm 1965, sĩ quan Đặng Xuân Khang đã anh dũng hy sinh.  
Tôi đã ngồi với bác sĩ Đặng Xuân Phương con trai liệt sĩ Đặng Xuân Khang, một thầy thuốc giỏi ở Viện Quân y 108. Bác sĩ Phương đã nghỉ hưu và có một phòng mạch tư luôn đông, chật bệnh nhân. Cũng như Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, người cháu nội cụ Mậu ít muốn nhắc lại và chỉ muốn quên đi một quá vãng buồn thương, khó nói ấy…
Khó tưởng tượng ra cái thời buổi đảo điên, có anh cố nông áo ôm khố rách từng được gia đình cụ cưu mang rau cháo, làm rẽ, cấy thuê nhưng bị cán bộ Đội cải cách vận động tỉ tê đã tráo trở dám chỉ mặt ân nhân mình mà vu khống tố cáo đủ điều bậy bạ.

Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ IV: Nạn nhân thứ hai

TP - Như kỳ trước nói về thật, hư chuyện đấu tố, giờ tôi đang ngồi với hai nhân chứng. Người thứ nhất là ông con rể của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Tiến sĩ khoa học Đặng Xuân Cự. TS Đặng Xuân Cự tuổi Tý (sinh năm 1948) nhà khoa học chuyên ngành vật lý, nguyên là Viện trưởng Viện Công nghệ Viện hàn lâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia.
Cụ Đặng Xuân Quát bên khung cửi dệt.Cụ Đặng Xuân Quát bên khung cửi dệt.
Xin được mở ngoặc một chút.
Cụ Đặng Xuân Viện thân sinh Tổng Bí thư có 2 bà vợ. Bà cả sinh ra ông Trường Chinh. Bà hai là cụ Lương Thị Chấn. Cụ Chấn có người con trai tên là Đặng Xuân Quát. Ông Quát cùng cha khác mẹ với ông Trường Chinh, nhân vật chính trong câu chuyện kỳ này.
Thuở cụ Đặng Xuân Bảng từng đảm chức vụ trong  nội các triều đình rồi những là Tri phủ, Giám sát ngự sử, Án sát, Tuần phủ, Đốc học… hết mạn ngược lại vùng xuôi, cụ có một trại ấp nhỏ xinh bên Phủ Kiến Xương (nay là huyện Vũ Thư) Thái Bình. Bà hai cụ Đặng Xuân Viện, bà Chấn, vốn quen thuộc tằm tang canh cửi bên Hành Thiện được cụ Viện đưa sang trại ấp ở Thái Bình coi sóc quán xuyến việc làm nông cùng với người con trai Đặng Xuân Quát.
Lại đang nói về người con trai của ông Quát là Đặng Xuân Cự. Anh Cự học giỏi, được sang Cộng hòa Dân chủ Đức thời đó học ngành vật lý. Tại đây, anh Cự quen rồi nên duyên với cô con gái cưng của nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch tên là Phạm Đăng Phương (chị gái Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh). Sau này cuộc sống vợ chồng gia đình đang đượm thì không may chị Phương mắc bệnh hiểm nghèo rồi mất…
Nhà khoa học Đặng Xuân Cự chất giọng thẳng ngay rằng, chuyện gia đình ông Trường Chinh bị đấu tố trong cải cách ruộng đất là chuyện đơm đặt, vớ vẩn.
Nhưng cuối câu chuyện có một bất ngờ.
 Chất giọng anh Cự trở nên trầm ngâm, các cụ gia đình ông Trường Chinh không bị đấu tố, nhưng có một người bị đấu tố! Mà nạn nhân đó là bố anh, ông Đặng Xuân Quát, người cùng cha khác mẹ với ông Trường Chinh!       
Được TS Cự giới thiệu, tôi tìm đến người con cả ông Đặng Xuân Quát, anh ruột Đặng Xuân Cự, chính là NSND Đặng Xuân Hải như kỳ 3, loạt bài này đã nói.
Từng được biết phóng viên điện ảnh quân đội Đặng Xuân Hải, người gắn bó với chiến trường khốc liệt Trị Thiên – Huế  thời điểm 1968 – 1972. Trong đợt tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, ông Đặng Xuân Hải là một trong những nhà quay phim dũng cảm sát cánh cùng bộ đội tham gia Mặt trận Huế. Những năm sau đó, ông Hải lặn lội với Mặt trận Quảng Trị và bị thương để lại cho hậu thế những tư liệu hình ảnh quý giá về cuộc chiến. Ông Hải còn tham gia đạo diễn bộ phim “Mùa xuân toàn thắng”. Phim đoạt giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần XII; Giải Bộ Quốc phòng 1994 - 1999; Giải hội điện ảnh 1998. Bây giờ lại được biết thêm một góc khuất mà như ông nói, chả muốn kể lại làm gì!...
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, như nhiều gia đình nhân sĩ trí thức, tư sản… ủng hộ kháng chiến  rời bỏ thành đi tản cư. Song thân ông Trường Chinh, cụ Đặng Xuân Viện và bà vợ cả Nguyễn Thị Từ cùng một số người thân tạm rời quê và Hà Nội làm một cuộc trường chinh vất vả nhọc nhằn, cả nhà tản cư vào tận Nông Cống, Thanh Hóa.
Trong số người thân tản cư theo gia đình cụ Viện, có một cậu bé và một cô bé đều là cháu nội cụ Viện. Cậu bé là Đặng Xuân Hải sinh năm 1944. Còn cô bé là Đặng Thị Lanh, cũng sinh năm 1944. Đặng Thị Lanh có mẹ là bà Nguyễn Thị An, vợ Nhà giáo Nhân dân Đặng Xuân Đỉnh sau này là Hiệu trưởng Đại học Mỏ, địa chất. Và ái nữ, Phó GS,TS Đặng Thị Lanh nhiều năm là giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội.
Hồi ức tuổi ấu thơ cậu bé Hải vẫn lưu giữ và luôn tươi rói những kỷ niệm về người và cảnh vật nơi tản cư tại vùng tự do Hợp Thành, Nông Cống tỉnh Thanh.  Dân vùng Hợp Thành nghèo lắm, được mùa Nông Cống sống mọi nơi nhưng dân làng luôn chu tất, tình cảm với dân mạn ngoài về tản cư. Gia đình cụ Viện được nhà nước cấp thóc nhưng bà mẹ cô bé Lanh vẫn được dân dành cho ruộng cấy thêm để có đủ thóc ăn cũng như trồng thêm vài thứ hoa màu lặt vặt. Những năm tháng vất vả gian khó nhưng đầm ấm tình người ấy theo mãi những người thân gia đình ông Trường Chinh. Mãi sau này khi người nhà về thăm lại nơi định cư bà con Hợp Thành, Nông Cống, nhất là người nhà cụ Đủ mới biết cái gia đình Cụ giáo  người Nam Định từng  tản cư về quê mình, ở ngay nhà mình là bố mẹ của ông Trường Chinh!
Cậu bé Hải thông minh dĩnh ngộ được ông nội, rất quý. Hải còn nhớ in,  ông nội có thú trồng hoa, nhưng độc mỗi giống hoa hồng bạch và thú nuôi gà cảnh, cũng độc thứ gà lông tuyền màu trắng cụ kêu là bạch kê. Hoàn cảnh nơi tản cư không thuận tiện nhiều bề nhưng sau đó đỡ khó khăn cụ Viện nối lại thú vui đó bởi có thằng cháu nội Đặng Xuân Hải làm trợ thủ đắc lực. Hết việc tưới hoa, cho gà ăn lại thau rửa cái điếu bát luôn bóng lọng của ông nội.
Cảm giác ngạc nhiên khi nghe những mẩu hồi ức của ông Hải cũng như bà Lanh bởi từng nghe những đồn thổi trên vài tờ báo mạng rằng, thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông Trường Chinh đã đưa ông bố bà mẹ và người thân của mình lên sống an toàn trên chiến khu Việt Bắc!?
Bao nhiêu kỷ niệm trong thời gian tản cư được sống bên ông bà nội có lẽ là thứ chất liệu để ông Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam  NSND Đặng Xuân Hải dùng vào công việc chuyên môn phim ảnh sau này của mình?
Cơn gió độc cùng dư ba khủng khiếp của cuộc tao loạn cải cách ruộng đất đã xộc vào cái ấp Tả Hành của cụ Đặng Xuân Bảng ở Vũ Thư, Thái Bình.
Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ IV: Nạn nhân thứ hai ảnh 1
NSND nhà quay phim Đặng Xuân Hải trong các ngả đường chiến trận (ảnh tư liệu gia đình ông Hải cung cấp)
Những năm 1938, 1939, thời điểm nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng Đặng Xuân Khu đứt liên lạc phải sang Thái Bình. Cái trại ấp Tả Hành heo hút của người em cùng cha khác mẹ Đặng Xuân Quát là nơi đi về bí mật của ông anh Trường Chinh và nhiều đồng chí khác nữa. Cơ sở bí mật Tả Hành cứ vững sau bao lần vây bủa khốc liệt của mật thám. Đặng Xuân Quát được giác ngộ từ trước và có chân trong cấp ủy. Sau cách mạng tháng Tám, ông Quát được rút lên tỉnh giữ chức phó ty Y tế.
…Và ông Phó ty Đặng Xuân Quát đang bị trói giật cánh khuỷu rủ xuống như tàu lá héo. Bên ông là ràn rạt những bần cố nông đương nộ khí xung thiên theo nhịp điều khiển của đội cải cách.
Vợ ông Quát là bà Nguyễn Thị Hồng. Bà vốn thạo tằm tang canh cửu nhất là dệt vải. Hai cái khung cửi hiện đang lưu ở nhà lưu niệm Trường Chinh, bà Hồng từng ngồi vẹt đêm hết ở Hành Thiện lại di dời sang Tả Hành. Cái khung đó được chuyển từ Hành Thiện sang trại ấp Tả Hành vào dịp chuyển mộ cụ Bảng về Hành Thiện. Độc đáo là người chồng, ông Quát, cũng rất thạo việc dệt vải!
Cụ Chấn, bà Hồng một già một trẻ cũng bị đem ra đấu tố truy bức  rằng vàng bạc cất giấu ở đâu?
Không được đánh, không được chửi bố tôi…  Cậu bé Hải lăn vào nơi bố bị trói nhưng phỏng ích gì? Đang từ nơi tản cư Nông Cống mới về Thái Bình với bố được ít ngày thì nhuốm ngay vào hoàn cảnh đấu tố khủng khiếp. Cán bộ đội cải cách, mới đầu thì ngọt nhạt, sau cáu tiết trói cậu bé lại dùng roi tre đực quất thật lực trước sau vẫn một giọng của cải nhà mày giấu ở đâu?
Cái trại ấp Tả Hành vốn thanh bình thoắt tan tành như tổ chim lành bị bão. Đã tan hoang trụi lúi từ chổi cùn rế rách nhưng đám cán bộ đội cải cách vẫn cáu tiết không hiểu tại sao cái trại ấp của một ông quan nghè trong triều đình phong kiến thối nát như thế mà không thấy bạc vàng châu báu?
Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ IV: Nạn nhân thứ hai ảnh 2
Ngày nắng hanh đêm sương giá, bố vẫn bị trói, bị đấu tơi bời. Một rồi ba bốn ngày… Hơn một tuần rồi cả tháng lặng lẽ trôi trong những cơn, đợt rủa xả chửi mắng, đánh đập. Đến bây giờ Đặng Xuân Hải vẫn  không hiểu được tại sao bố mình lại có thể qua được những thời khắc ghê sợ như thế? Và đã bao lần cậu gào lên thảm thiết ông bà ơi về cứu bố cháu…  Không biết trong cơ man cái lỗ tai kia có ai chợt vỡ ra rằng, cái thằng bé 10 tuổi ấy kêu ông bà ấy là ông bà nào vậy?
Từ cuối hạ đến đầu thu, những ngày rùng rợn vào cái năm 1955 ấy...
May mà sửa sai.
Mấy mẫu ruộng cùng một con trâu, cái xe đạp của nhà ông Quát bị tịch thu đội đã chia quả thực cho bần cố nông, nhưng ông Quát cũng cởi được cái ách địa chủ. May không vướng vào cái chết tức tưởi như ông bác mình, cụ Đặng Xuân Mậu.
Sau sửa sai, ông Quát được rút lên tỉnh Thái Bình. Đang là phó ty giáng xuống làm nhân viên thường. Ông trải qua nhiều công việc sau đó làm ở Ty Công nghiệp cho đến lúc về hưu… Cụ Quát mất cách nay đã 10 năm.
Có lẽ đến đây bạn đọc không thể không bật lên một câu hỏi rằng, trong cơn tao loạn cải cách ruộng đất, những bác ruột, em ruột mình từng bị đấu tố khốc hại như thế mà ông Trường Chinh ở cương vị Tổng Bí thư lại không biết và không có sự can thiệp gì?
    _________________
        

Thời gian sau cải cách ruộng đất đói quay đói quắt, cậu bé Hải thất thểu trên đồng ngoài bãi đi mót khoai mót thóc. Cực thân nhất, suốt những năm học từ lớp Một đến lớp Ba trường làng Tả Hành,  đám trẻ con không đứa nào chịu ngồi chung hay chơi với thứ con cái địa chủ như cậu bé Hải!

Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ cuối: Thành hoàng làng
TP - Như vậy, có người thân trong gia đình ông Trường Chinh lao đao trong cơn lốc cải cách ruộng đất (CCRĐ). Liệu khi ấy Tổng Bí thư của Đảng có biết không? Phần nào để giải đáp câu hỏi khó ấy, xin dẫn ra đây câu chuyện của NSND Đặng Xuân Hải, con trai cụ Đặng Xuân Quát, người hiện đóng chức Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.
Tổng Bí thư Trường Chinh và phu nhânTổng Bí thư Trường Chinh và phu nhân
Một ngày hòa bình mùa thu năm 1955, anh chiến sĩ Vệ quốc đoàn Đặng Xuân Phi (em ruột ông Đặng Xuân Quát) về ấp Tả Hành quê nhà. Khung cảnh xác xơ tiêu điều bởi cơn gió độc CCRĐ không làm anh bận tâm mà anh đang nóng lòng được gặp lại người thân sau bao năm chinh chiến. Bất đồ bên anh một giọng nói khẽ nhưng rành rọt như níu lấy chân:  ghé ngay vào đây
Người đó kéo anh vào cái gian lụp xụp như cái lều vịt giọng như rên: Nhà mày đang bị đấu tố như thế về để chết à?
Thoáng nhanh trong đầu người chiến sĩ vệ quốc đoàn quả cảm nọ khi nghe toàn bộ khúc nhôi nọ kia của cơn bão cải cách ập xuống nhà mình. Cả chuyện ông Mậu bên Hành Thiện nữa. Không ngờ cuộc đoàn viên mà anh tưởng tượng ra lại có kết cục phũ phàng như thế? Không thể để người anh ruột trong hoàn cảnh ngặt nghèo, đương đêm Đặng Xuân Phi bí mật lặng lẽ rời Ấp Tả Hành mang theo một câu hỏi bỏng rát, người thân của mình, TBT Trường Chinh có biết chuyện tang thương này không?
Nhưng có một thực tế,  thông tin lẫn sự thực thời điểm ấy luôn trong cảnh bít bùng tắc tỵ. Không thiếu người ở Hành Thiện ở Tả Hành biết chữ nhưng ai có gan dám và cách nào để biên thư lên Hà Nội? Chợt nhớ mãi những năm bảy tám mươi sau này, không hiếm chuyện bố mẹ chết ở quê, con làm ngay Hà Nội mà mấy tuần mới nhận được điện tín.
Lại đang nói hành trình của anh bộ đội Đặng Xuân Phi. Ghé qua Hà Nội, Phi xăm tới con phố có cái tên Nguyễn Cảnh Chân. Rồi anh cũng được vào nhà số 3.
… Cả nhà ông Trường Chinh sửng sốt khi nghe người em kể hết nguồn cơn ở quê nhà. Đó cũng là lần đầu và là cái kênh thông tin duy nhất gia đình ông Trường Chinh tiếp nhận chính thức việc người thân của mình ở quê bị đấu tố!
Nói cơn lốc CCRĐ  mới dừng chân ở chân rệ tre nhà cụ Đặng Xuân Viện có lẽ cũng chưa chuẩn? Nghe thêm chuyện của NSND Đặng Xuân Hải thì không hẳn thế… Đội cải cách đã bất lực trước lý lẽ của người được cử trông nom khu nhà thời gian cụ Viện đi tản cư rằng không biết ông bà ấy đi đâu từ hồi năm 1946 đến giờ? Thực ra người quản lý cũng không tường  cụ Viện đang ở đâu cụ thể? Chỉ biết gia đình cụ đi tản cư từ hồi toàn quốc kháng chiến. Và thực ra cũng chỉ có cái xác nhà với những là hoành phi câu đối vô tri. Đội cải cách đã đưa ra một phương án là hẵng cứ đóng cửa để đấy cái đã!
Nhưng việc này đã mở đường cho bọn đạo chích dòm ngó nội thất nhà cụ Viện. Một bộ đỉnh đồng lư hương, hai bộ câu đối đã bị kẻ gian thó mất trong thời điểm đó. May mà mãi sau này cuối những năm bảy mươi mới chuộc lại được bộ đỉnh đồng. Còn đôi câu đối đến giờ vẫn bặt tăm?
Một chút rùng mình nghĩ đến cái đoạn nếu như song thân ông Trường Chinh, cụ ông cụ bà từ nơi tản cư không đi ngay Hà Nội mà vuột về quê Hành Thiện thì sự thể sẽ ra sao trong tình trạng trên dưới không thông và mọi thông tin đều bị nghẽn thời ấy?
… Tôi rụt rè với câu hỏi với NSND  Chu tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải là sao cụ Quát là em ruột cụ Trường Chinh, mà khi đã yên hàn sau tao loạn ấy, cụ anh không tạo điều kiện cho cụ em về Hà Nội công tác? Chả gì cụ em cũng là cán bộ tiền khởi nghĩa có công với cách mạng?    
 Cũng liền ngay đó, bắt gặp cái cười của NSND Đặng Xuân Hải, tôi  thoáng hiểu? Nghĩa là những người thân trong gia đình ông Trường Chinh đừng có bao giờ trông mong vào sự chiếu cố, tư tình nào hết. Nghĩa là phải tự đi bằng đôi chân của mình. Nhớ chuyện GS Trần Nhâm - trợ lý của Tổng Bí thư Trường Chinh kể, có lần khi trả lời gợi ý của tổ chức về việc giới thiệu đề bạt cho anh con trai Đặng Xuân Kỳ, ông Trường Chinh nói: “Tôi rất tiếc anh Đặng Xuân Kỳ là con trai tôi”. Ông Đặng Xuân Kỳ đi bộ đội từ khi còn thiếu sinh quân, sau đó vào pháo binh và rồi trở thành một trong những người đầu tiên xây dựng lực lượng hải quân Việt Nam. Từ cuối năm 1960 đến năm 1963, ông Kỳ học tại Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonoxov, Mátxcơva (Liên Xô). Từ một người lính, ông vươn lên trở thành Giáo sư triết học, từng giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng hai khóa VI và VII.
Cung trầm làng Hành Thiện - Kỳ cuối: Thành hoàng làng ảnh 1Ông Đặng Xuân Đôn, cháu gọi ông Trường Chinh bằng bác ruột tại đền thờ cụ Đặng Xuân Bảng ở Tả Hành , Duy Nhất, Vũ Thư, Thái Bình.
Năm 1973, ông Trường Chinh tình cờ trông thấy tấm ảnh chụp anh con trai út Đặng Việt Bắc đang học về nguyên tử ở Liên Xô, mặc quần loe, để tóc dài cùng với các bạn bè quốc tế. Quần loe tóc dài cái thời ấy là cả một vấn đề! Ngay sau đó, Đặng Việt Bắc bị triệu hồi về nước dù đang học dở năm thứ tư, đã đi thực tập và sắp tốt nghiệp. Đặng Việt Bắc về nước, lập tức đi thẳng vào chiến trường, trở thành một người lính - quyết định đó của ông Trường Chinh gây sốc cho các thành viên trong gia đình. Ông có ba người con trai thì cả ba đều qua quân ngũ. Rồi thời điểm đổi tiền năm 1985, mãi khi nghe Đài tiếng nói Việt Nam công bố lệnh đổi tiền thì các thành viên gia đình ông Trường Chinh mới hay. Mặc dù ai cũng biết ông Trường Chinh là người ký quyết định đổi tiền.  Ông nói với các con mãi về sau này rằng đó là bí mật quốc gia, “nói là có tội với nhân dân”.
Lẩn thẩn nghĩ thêm, ông con Đặng Xuân Hải hình như cũng vướng cái không may như ông bố nhưng may mắn lại gỡ thoát được? Thời điểm đại tá nguyên Giám đốc Điện ảnh Quân đội, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải chuẩn bị được phong danh hiệu  NSND thì đùng cái, xảy ra đơn kiện chuyện này, chuyện kia. Chuyện loang ra. Rất nhiều ý kiến phẫn nộ  bênh vực cho ông rằng nhà quay phim chính tại chiến trường Đặng Xuân Hải từng sát sạt cận kề cái chết hết Mậu Thân lại chiến dịch Hồ Chí Minh chứ không phải như những điều vu khống. Trong đó có cả ý kiến của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đó là Chính ủy Trung đoàn 9 dự Mậu Thân ở Huế luôn sát cánh  và thông hiểu tổ quay phim chiến trường Đặng Xuân Hải.
Một rụt rè nữa mà mãi cũng mới buông ra được  rằng, NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh hai khóa liền có nhiều phim nổi tiếng từng đoạt nhiều giải thưởng này nhưng đã có dự định, một kịch bản về ông bác ruột Trường Chinh của mình chưa? Ông Hải ngập ngừng rằng đã từng có nhưng chưa có điều kiện thực hiện.
… NSND Đặng Xuân Hải kể về một sự kiện ở Tả Hành.  Là cách nay ít năm, đại diện cư dân Tả Hành lên Hà Nội tìm đến nhà BS Đặng Xuân Phương là chi trên và cả nhà ông Hải nữa, mời các ông về Tả Hành để dân đề đạt một việc quan trọng!
Tôi đã về Tả Hành, cái trại ấp thèo đảnh ven sông ấy nay có hàng trăm hộ. Được gặp ông Đặng Xuân Đôn cháu gọi ông Trường Chinh bằng bác ruột. Được biết thêm, khi mất, cụ Đặng Xuân Bảng được an táng tại trại ấp Tả Hành. Mãi sau này những năm tám mươi, mộ cụ Đặng Xuân Bảng mới được di dời về Hành Thiện. Ngày đàng gang nước, nhưng đằng thằng ra chỉ khoảng gần 2 tiếng cả đi đò và cuốc bộ từ hành Thiện về trại ấp Tả Hành. Cái trại ấp cụ Bảng khai mở và đặt tên là Tả Hành từ thời Vũ Thư thuộc Phủ Kiến Xương trấn Sơn Nam Hạ hình như cũng là cái cách để đối với Hữu Hành của làng Hành Thiện? Năm 1976, Tả Hành của Vũ Hợp, Vũ Nghĩa (Vũ Thư) được nhập lại thành xã Duy Nhất bây giờ. Cái trại ấp ven sông Hồng thuở cụ Bảng làm quan hoang vắng. Cụ Bảng đã chiêu tập dân lưu tán trong đó có dân Hành Thiện về lập nhà khẩn hoang dần dà nên một xóm mạc trù phú.
 Việc quan trọng, như ông Hải kể là dân xóm Tả Hành của xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư đã nhất trí truy tôn cụ Đặng Xuân Bảng làm thần thành hoàng làng. Thần thành hoàng thì phải có nơi thờ tự phải có Đền có Nghè, Miếu chứ? Trong khi đó ngôi nhà cụ Bảng bị Pháp đốt trụi trong kháng chiến và ngôi từ đường bị xẻ thịt hồi CCRĐ. Ông Hải nghĩ lại vẫn tiếc bởi trong ngôi từ đường cụ Bảng dựng và sau cụ Viện chăm chút gia cố thêm, có khá nhiều hoành phi câu đối với những ngữ nghĩa uẩn súc nhưng cũng bị mất sạch!
Thế rồi họp làng. Rồi họp họ. Thuận theo yêu cầu dân làng, chi họ Đặng ở Hà Nội gom góp phụ với bà con dưới Tả Hành sửa sang thêm nhà văn hóa thôn  tạm coi như đình như nghè làm nơi thờ ông thành hoàng làng Đặng Xuân Bảng.  Cứ mỗi năm nhằm ngày mồng Một tháng Một (tháng mười một) kế sau tháng 10 ÂL, làng Tả Hành lại mở hội tế thành hoàng. Ngày ấy cũng là ngày mất cụ Đặng Xuân Bảng.
Vậy là ngoài Hành Thiện, họ Đặng Hành Thiện còn có một nơi hương khói cho tiền nhân ở đất Vũ Thư, Thái Bình. Ấy là cũng vận vào câu Quang ư tiền hậu ư dụ, tiền nhân mở lối con cháu đắp bồi vậy! Và dịp kỷ niệm 110 năm sinh cố TBT Trường Chinh cũng có hương khói ấm nồng ở cái đình thờ thần thành hoàng Đặng Xuân Bảng.
Nói thêm, sau cơn lốc cải cách ruộngđất, dẫu có xộc xệch nhưng cả 5 anh em nhà NSND Đặng Xuân Hải đều trụ vững trước sóng gió, vượt lên được hoàn cảnh. Người con trai cả của ông Quát trước khi về hưu từng phụ trách một Vụ của Thanh tra Nhà nước. Thứ hai là NSND Đặng Xuân Hải. Thứ ba là TSKH Đặng Xuân Cự. Người thứ tư nguyên là bộ đội xe tăng sau là cán bộ Bộ KHCN. Riêng chú út đang công tác ở ĐH Y Thái Bình. Tất cả đều là Đảng viên.
 Xuân Ba
Nguồn: Tienphong

Tìm kiếm Blog này