Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018

K76 Chúng tôi viết về chúng tôi: 1969-1976

Từ năm 1965 chiến tranh đã lan rộng tại các vùng quê của tòan Tỉnh Phú yên. Dòng người tản cư về Thị xã Tuy hòa từ các quận trong tỉnh ngày càng nhiều, lứa chúng tôi đa phần về thị xã học tiểu học là theo dạng ấy…
Niên khóa 1968 – 1969 chúng tôi hầu hết đang theo học lớp nhất. Có một số ít các bạn có đủ điều kiện cần thiết thì được vào học ở ngôi trường tiểu học tốt nhất Tỉnh Phú Yên thời ấy là Trường nam tiểu học Tuy hòa . Còn phần nhiều học ở các trường nhỏ có tên gọi Trường tiểu học Bình nhạn, Bình An, Bình Kiến…hay khiêm tốn hơn thì học ở ngôi trường nhỏ bé mới thành lập như là Trường Ấp Tân sinh Bình hòa, Trường Ấp Tân sinh Bình tịnh …Một số đông các bạn học ở các trường nông thôn của các quận mà chiến tranh chưa lan tràn để chính quyền phải đóng cửa trường lớp…Còn một số rất ít thì đang học lớp tiếp liên tại Trường Bình Mỹ, ôn luyện 2 môn Toán và Quốc Văn chờ ngày thi để một lần nữa hy vọng được trúng tuyển vào lớp đệ thất của trường công duy nhất của Thị xã .
Thực trạng thời ấy trong lòng Thị xã có nhiều trường tư thục, việc dạy và học cũng rất tốt như Trường Trung học Đặng Đức Tuấn của nhà dòng Công giáo, Trường Trung học Bồ Đề của giáo hội Phật giáo, Trường Trung học Tân Dân, Trường Trung học Văn Minh… nhưng tất cả đều vướng cái khó cho phụ huynh học sinh là phải…đóng tiền !
Niềm ao ước của chúng tôi và gia đình là thi đậu vào Trường Trung học Nguyễn Huệ
Năm trước khi chúng tôi vào trường là niên khóa 1968 – 1969 ( K75) Trường Trung học Nguyễn Huệ tuyển lựa được rất ít học sinh vào học lớp đệ thất, đó là lớp đàn anh gần kề khóa chúng tôi, ước chừng khoảng 200 học sinh trong hàng ngàn thí sinh dự thi vào trường của toàn Tỉnh Phú Yên tạo một áp lực khủng khiếp cho lứa học trò chúng tôi và cho cả các bậc phụ huynh …Nam sinh chúng tôi mơ được mặc bộ đồng phục toàn trắng, nữ sinh mơ được mặc chiếc áo xanh màu xanh biển để dự lễ chào cờ và học trung học trong ngày thứ 2 hàng tuần…


Cái gì đến cũng đến, hàng ngàn thí sinh chúng tôi bước vào kỳ thi – thời ấy gọi là thi đệ thất – bao nhiêu lo lắng của chúng tôi, gia đình và …nói không ngoa là …cả xã hội. Bỡi thi có 2 môn Toán và Quốc Văn nhưng đội ngũ trèo rào quăng nháp đông gấp nhiều lần lực lượng giữ trật tự anh ninh bên trong lẫn bên ngoài khuôn viên trường thi !

Sự ngơ ngác và sợ hãi của lứa tuổi thiếu nhi chúng tôi trong lần đầu tiên ứng thí tại các trường thi nghiêm túc thời ấy là có thật, nên tin chắc rằng khộng mấy ai trong khóa chúng tôi dám cả gan lượm nháp chép bài dù…có may mắn được thấy tờ giấy giải đề quăng vô trúng ngay bàn học hay ngay dưới chân mình !
Rồi hồi hộp chờ đợi kết quả, thời gian vào hè của chúng tôi là đá banh , tắm biển, đi câu …nhưng rất uể oải , thời gian không chịu qua mau!
Ngày có kết quả treo bảng tại Trường Nguyễn Huệ mới ( Trường chính) là ngày đẩy cảm giác lên cao độ, trống ngực chúng tôi đánh liên hồi…nào là hằng hà phụ huynh, và đàn anh to con trong gia đình và hàng xóm chen dùm vô coi cái bảng nhỏ bé được bao bọc bằng lưới kẽm ô vuông bên trong là nhiều tờ giấy đánh máy…
Ôi, cái tên người nhỏ xíu trong hàng trăm cái tên, những tờ giấy đánh máy đã nhòe qua mấy lần giấy than sao mà tác động ghê gớm thế ! Những người thi hỏng thì tất nhiên không có tên, còn người khác hạnh phúc nào bằng khi nghe ai lấn coi và hô to lên tên người …nhưng không phải ai cũng hạnh phúc khi chính mắt nhìn thấy được đó chính là họ tên mình bỡi …sự phẩn nộ thi rớt hay một nguyên nhân nào đó đã làm tờ giấy mỏng manh kia bị xé bỏ rồi… 1 cái bảng trơ trọi chỉ còn dòng chữ viết bằng phấn bị mờ nhưng vẫn đóan được “ DANH SÁCH….” Và nhiều phụ huynh cũng như chúng tôi...ngơ ngác !
Thi tuyển khó đến độ ngoài Trường nam tiểu học Tuy hòa và lớp “ gà chọi – tiếp liên” cũa Trường Bình Mỹ có nhiều học sinh trúng tuyển còn các trường khác đếm được trên đầu ngón tay, đến nỗi có trường tiểu học không có học sinh đậu ! Đâu phải ở vùng sâu vùng xa, như Trường Bình hòa tại Thị xã Tuy hòa , Trường có 2 lớp nhất, nhưng chỉ đậu vài em ! Thật không may mắn đúng như câu “ học tài thi phận “ để rất nhiều học sinh giỏi của nhiều lớp nhất đành phải lỡ hẹn, mãi 4 năm sau đến niên khóa 1973 – 1974 mới hội tụ về , thậm chỉ bỡi nhiều hoàn cảnh trong thời chiến tranh, 6 năm sau vào niên khóa 1975 -1976 chúng tôi mới học cùng với nhau chung một lớp một trường !!!
Thời đó, chúng tôi rất khâm phục sự học của các bạn đến từ các trường tiểu học của các quận xa khi các bạn vượt qua bao nhiêu khó khăn để có kết quả là thành viên của 1 trong 8 lớp đệ thất niên khóa 1969 – 1970. Trong đó phải kể đến “ lứa học sinh đi học bằng tàu bay” từ Củng Sơn..
Ngày đầu tiên chúng tôi tựu trường tại trường Nguyễn Huệ cũ – Ngôi trường có 3 dãy nhà trệt hình chử U cũng cũ như tên gọi , Trường có 2 cổng vào: Cổng chính ở đường Nguyễn Huệ ( hay còn gọi là đường số 6) cổng phụ ở đường Bùi Nguyên Ngãi ( hiện nay là đường Nguyễn Trãi). Trường này dành cho học sinh Trung học Nguyễn Huệ bậc Đệ nhất cấp theo cách gọi thời ấy.
Liên lớp đệ thất năm ấy đạt kỷ lục về sĩ số học sinh kể từ ngày thành lập trường – 8 lớp với xấp xỉ 400 học sinh ! – có lẽ trường tăng số lớp đầu cấp cho phù hợp xu hướng phát triển của xã hội...
Các lớp chúng tôi chiếm trọn các phòng bên trái của trường nhìn từ cổng chính mà vẫn còn thiếu, lớp đệ thất 1 toàn nữ sinh phải học phòng đầu tiên bên phải của trường tính từ văn phòng giáo viên…Cơ cấu các lớp có vài đặc điểm sau, các bạn nhớ không:
2 lớp toàn nữ sinh ( đệ thất 1 và 2)
4 lớp toàn nam sinh (đệ thất 3,4,5,6)
2 lớp có cả nam lẫn nữ (đệ thất 7,và đệ thất 8 là lớp sinh ngữ Pháp )
Những kỷ niệm vào năm đầu tiên trung học và những năm sau nhiều thật nhiều …nhưng nhiều nhất , ấn tượng nhất …có lẽ là các câu chuyện về thầy Tổng Giám Thị và sợ thầy Tổng Giám Thị ! Đố ai trong các bạn đã có một lần không sợ thầy Tổng Giám Thị ?- Nếu có - chắc có thể được tính duy nhất là bạnTrần Tiến Hùng ở đệ thất 3 !
Sau giữa năm đệ lục thì có sự thay đổi lớn của ngành giáo dục – một chi tiết nhỏ mà không nhỏ : Toàn quốc đổi tên lớp, Trường Nguyễn Huệ đổi tên là Trường Trung Học Tổng Hợp Nguyễn Huệ và tên các lớp bỏ từ cũ là đệ...– từ đó chúng tôi có tên lớp mới 7A, 7B, 7C, 7D,7E,7F, 7G và 7H.
Trong thời gian này một vài lớp của chúng tôi được tiếp nhận một số bạn học mới từ các trường công lập Tỉnh khác chuyển đến học, các bạn này không những học giỏi mà còn nhiều tài lẻ làm chúng tôi khá là khâm phục …Rồi thời gian trôi qua, chúng tôi đã hoàn thành hết chương trình lớp 9. Không phải khổ sở như các đàn anh nhiều khóa trước kia, chúng tôi cũng không còn phải thi tốt nghiệp Trung học Đệ nhất cấp (diplom) nữa…
Gần như 100% học sinh chúng tôi được chuyển thẳng lên học lớp 10 – thuộc đệ nhị cấp cùng trường.- Chúng tôi được học trường mới – Cơ sở dành riêng cho trung học đệ nhị cấp…từ năm lớp 9 ! trước 1 năm so với các lớp đàn anh - Một số bạn đã rời trường vào cuối năm lớp 9 bỡi nhiều lý do là một mất mát không nhỏ cho tình bạn chúng tôi. Tuy nhiên, có lẽ do Thị xã Tuy hòa khá nhỏ bé hay tình đồng môn là khá lớn để dấu ấn kỷ niệm dù nhỏ cũng khó phai mờ … chúng tôi được an ủi khá nhiều bỡi rất nhiều năm sau và ngay cả hiện nay đa số những người bạn cũ thời học tại trường Nguyễn Huệ cũ vẫn liên lạc và gặp gỡ nhau…
Nhiều lối rẽ nhỏ sau 4 năm học cũng xuất phát từ đây, ngoài số học sinh của trường được quyền lựa chọn ghi danh học theo lớp theo ban ( toán, hóa sinh, văn chương…) chúng tôi có thêm nhiều bạn học mới – đó là các học sinh giỏi năm lớp 9 của các trường tư thục trong Tỉnh.
Niên khóa 1973 -1974 lớp 10 khóa chúng tôi có đúng 9 lớp : 10A1 – 10A2 , 10 A3 , 10B1 – 10B2 – 10B3 – 10B4 – 10B5 và 10C. không giống như hồi vào đệ thất trước kia, cơ cấu các lớp theo ban sẽ có khác biệt khá lớn : Ban A học chính là Hóa Sinh, lớp thì nhiều nữ ít nam– Ban B học chính là Toán, lớp thì nhiều nam ít nữ - Ban C thì học chính là Văn chương nên toàn nam thanh nữ tú và …nhà thơ, ca sỹ, nhạc sĩ cũng nhiều !
Thời kỳ 1973 – 1975 chúng tôi đã...gần lớn bỡi trong đất nước chiến tranh đa số chúng tôi đi học muộn và tuổi thực nhiều hơn tuổi giấy tờ đi học một vài tuổi. Nên mộng mơ, thơ ca nhạc kịch theo lứa tuổi được gọi là …thần tiên cũng nhiều…Trăn trở, bất an, lo lắng và hoang mang phận người trong thời chiến tranh cũng không kém. Do đó mới có cảnh đêm thơ nhạc học sinh vừa xong lại có cảnh đập phá và…đi hoang tiếp theo ! Sau tiết mục đơn ca bài “Ngày xưa Hoàng thị” lại là lời ca của các bài hát phản chiến " hai tấm ngắn 4 tấm dài, Bài ca học trò..." . Buổi sáng chủ nhật đi làm lạc quyên cứu trợ đồng bào bi bão lụt miền Trung thì buổi tối cùng ngày có lửa đốt trong sân trường cùng tiếng giày đinh …
Trong ngôi trường có truyền thống thầy dạy giỏi và học trò học tốt nên chúng tôi cũng như nhiều lớp đàn anh là học khá tốt, dù rằng thời gian để học không nhiều bằng chơi. Mùa nghỉ hè đa số bạn bè chúng tôi không nhìn đến sách vở để học đến quá 1 lần nhưng sách, truyện và…tập nhạc thì kè kè một bên ! Mùa đi học thì chỉ phải đi học 1 buổi và buổi còn lại dùng thời gian tự học là chính và chỉ một số ít học sinh đi học cua học kèm nhưng thường hay gặp nhất là ở bãi biển, sân đá banh và tụm đôi tụm ba…lấy cớ học chung nhưng có học phương trình, đại số , tiếng Anh tiếng Pháp gì chăng hay học “cơ sở yêu nhập môn” thì…trời biết ! Quán café, quán chè cũng là một sự lựa chọn, bỡi thị xã có quán café nào xinh xinh thì đều thấy có …bạn tôi và đến đó thì thường đi theo nhóm, uống ít ly nhưng…ngồi đồng rất lâu. Đêm thời chiến có giờ giới nghiêm và học trò chúng tôi nói chung là …tốt nên thường mở cửa vào nhà không…quá giờ giới nghiêm !
Thời kỳ này trong lòng thị xã khá yên bình. Văn nghệ sỹ các nơi khác về đây hội tụ tương đối nhiều nên có ảnh hưởng khá đậm nét trong tâm hồn thơ trẻ của chúng tôi.
Có người trong số ấy đã ví von đường Trần Hưng Đạo là Đại lộ Bình Minh và khu phố có những con đường nhỏ rợp bóng cây gần trường là một ốc đảo…Trốn vào đấy sẽ thấy bình an và thăng hoa để tâm hồn bay bổng, một thoáng nhìn màu khăn quàng cổ của nữ sinh Nguyễn Huệ vào mùa đông để mơ về tiên nữ trên đồi xanh… và thơ và nhạc và họa để trốn chính mình, tự huyễn hoặc cuộc chiến khốc liệt hình như còn xa lắm !
Có nhóm người trong số văn nghệ sỹ ấy lại làm xốc dậy tinh thần của một thị xã hiền khô bằng rừng rực lửa của nhiều bài ca phản chiến. Đêm nghe tiếng guitar bập bùng, lời ca lúc khắc khoải khi vang dội từ những nhóm người ốm yếu dưới ánh đèn vàng hiu hắt làm người nghe nổi gai ốc đến tê người và….nhìn thực trạng bằng một niềm đau tự chôn dấu!
Năm 1975, trước khi chúng tôi hoàn thành chương trình lớp 11 thì lịch sử đất nước đã hoàn tòan thay đổi. Năm ấy, hơn 1 nửa trong số bạn bè chúng tôi không còn trở lại trường bỡi nhiều lý do. Hai tháng cuối năm lớp 11, trường gom số học sinh còn lại và ghép lớp…cứ 1, 2 hay 3 lớp nhập thành 1 tùy sĩ số học sinh từng lớp còn lại… Nhiều bạn bè chúng tôi từ các trường khác trong Tỉnh Phú yên cũng bắt đầu nhập vào Trường Nguyễn Huệ. Những tháng ngày này chúng tôi đã tham gia đào hầm trong sân trường, đã tham gia đi lao động khai hoang phục hóa ở An hòa, An hải cùng toàn trường ( Toàn trường biên chế thành 1 Trung đoàn và thầy Trần Thinh dạy Anh văn làm…Trung đoàn trưởng…)
Niên khóa 1975 – 1976, dưới mái trường cũ nhưng tinh thần học hành có đổi mới, có nhiều khác biệt…chúng tôi được sắp xếp vào các lớp theo ban để hoàn thành chương trình lớp 12. Lớp 12 năm ấy cũng có 9 lớp : 12A1. 12A2. 12B, 12C1, 12C2. 12C3, 12D1, 12D2, 12D3
Học thì thiếu tinh thần bỡi cơm áo gạo tiền của các gia đình học trò luôn khó khăn nhưng cũng trôi qua 9 tháng và rồi kỳ thi cuối cùng cũng đến, gọi là kỳ thi Tốt nghiệp Phổ thông – không quá khó khăn như các lớp đàn anh qua các kỳ thi Tú tài 2 những năm trước 1975.
Rồi, cuối cùng chúng tôi cũng phải rời trường. Sau 7 năm chúng tôi rời nơi mà chúng tôi sống gần trọn tuổi thiếu niên và thanh niên…Bao kỷ niệm vui buồn, bao sự đổi thay để rồi chúng tôi như những cánh chim bay theo cùng gió…Có những cánh chim mạnh mẽ hợp gió hay ngược gió vẫn bay thật cao, có những cánh chim lạc gió bay về nơi chưa hề có dự định đến và có những cánh chim đã vội bay về nơi xa lắm mà không thể nói lời từ biệt…
31.10.2013

Đặng Tấn Phú
https://www.facebook.com/groups/486288184862098/permalink/1006377242853187/

Tìm kiếm Blog này