Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Sinh hoạt thanh niên ở nông thôn sau 1975, như tôi biết...

Nhớ thời tôi làm công tác thanh niên.

Trước 30 tháng 4, tôi theo gia đình đi di tản vào Sài Gòn để thoả mãn cái háo hức của tuổi trẻ muốn biết nơi nổi tiếng hoa lệ. Sau đó thì hiếm có xe đò nên mãi hơn tháng sau mới về lại Tuy Hoà. Nghĩ mình quá muộn nên tôi không xin nhập trường mà về quê làm ruộng.

Thôn tôi nằm trong vùng mất an ninh ngày xưa, thời chiến tranh người ta đi về làm ruộng mưu sinh chứ không ở vì nhà cửa bị bom đạn cháy hết. Dân một số thì bám trụ, số chạy tỵ nan nơi khác. Sau giải phóng, 3 thôn cũ sát nhập lại thành một thôn gọi là Đồng Lãnh nên đất rộng và dân khá đông, dạng nghèo hàng đầu của xã. Y như cái xã Hoà Quang cũng là xã nghèo nhưng đất đai rộng nhất của Thị xã Tuy Hoà.

Từ nhỏ đến lớn mới về lại quê hương nơi mình ra đi lưu lạc nên hầu hết dân làng từ người lớn đến đồng lứa không biết thằng đó từ đâu về. Dần dần biết nhau, nhận bà con, xưng hô cho bằng vai phải lứa. Tôi có máu mơ làm "lãnh tụ" mà mình ấp ủ khi còn đi học nên bắt đầu thử sức, năng nổ trong phong trào thanh niên của thôn. Học tới lớp 11 là thuộc loại "trí thức" ở quê, ăn nói cũng mạnh dạn mạch lạc, lý lịch không tì vết gì. Có chú và dượng... là liệt sĩ. Nên một tháng sau được ban tự quản thôn chỉ định phụ trách thanh niên, sau đó TN bầu chính thức tôi làm Chi hội trưởng.

Ban chấp hành chi hội TN thôn có 5 người, dưới đó theo xóm, phân làm 4 phân đội. Mỗi tháng họp chi hội 2 lần, mỗi phân đội sinh hoạt tuần một lần. Ngoài ra, còn họp bất thường để triển khai công tác do có yêu cầu đột xuất từ chính quyền xã thôn đưa xuống. Hàng tháng, chi hội trưởng về xã họp với liên chi hội một lần. Công tác TN không ai có phụ cấp gì, ở xã chỉ chị từ trên núi xuống làm bí thư đoàn, liên chi hội là có, văn phòng thanh niên xã ở ngay nhà chị ấy.

Cả thôn, thanh niên có chừng trên 100 người. Gốc gác đủ loại thành phần thuộc các gia đình tản cư tứ xứ trở về và một ít từ thị xã lên làm kinh tế mới. Có người làm ruộng, buôn bán, học sinh, vài người theo cách mạng từ trên núi xuống và hơn chục người là binh lính chế độ cũ. Tuổi từ 16 đến 30, một số anh già hơn 5-6 tuổi, vợ con đùm đìa do thời chiến khai man căn cước để trốn lính.

Địa điểm sinh hoạt, khi thì ở trụ sở tạm của thôn, dưới ánh đèn măng-sông, khi thì bãi đất, khi thì ra ruộng khô sau mùa gặt vào đêm trăng sáng. Mỗi lần cần họp thì tôi viết mẫu giấy nhỏ nhờ ai đó đi ngang nhà chuyển cho phân hội trưởng, phân hội thông báo tiếp cho các hội viên. Khi đột xuất thì dùng ô-pạc-lơ, tôi và chú TN liên lạc đi khắp nơi loa loa thông báo từ xóm trên xóm dưới cho đến xóm trước ra xóm sau.

Nội dung sinh hoạt quanh đi quẩn lại vẫn là phổ biến công tác TN như tuyên truyền chủ trương chính sách. Đi dọn vệ sinh, khai hoang phục hoá, phát cỏ, đào mương, sang lấp đất. Không việc gì thì tụ tập giao lưu ca hát, hết bài hát cách mạng này đến bài cách mạng khác và hát bài chòi ca người anh hùng liệt sĩ của quê hương. Rồi bày mấy trò chơi đơn giản, địa phương này bắt chước địa phương khác. Thỉnh thoảng tổ chức hội diễn văn nghệ và thi đấu bóng chuyền. Thanh niên hiếm ai gọi tên nhau mà xưng hô theo quan hệ họ hàng gần xa như anh hai chị ba, chú tám bác mười hay cô năm dì bảy... Lâu lâu, TN cùng nhau góp tiền nấu chè ăn ở nhà bạn nào đó, chỉ vậy thôi chả tụ tập uống rượu nhậu nhẹt gì như sau này.

Thanh niên ở vùng mất an ninh xưa, đa số ít nhiều tiếp xúc hay biết về cách mạng nên đồng lòng và thuần tính, nói đâu nghe đấy. Không khí rất vui, trai gái chọc cười nắc nẻ. Ai cũng hồ hởi phấn khởi tham gia kể cả các anh là lính VNCH. Sau đó, có vài anh bị bắt đi cải tạp tiếp lần hai do chính quyền ở trên phát hiện thêm về nhân thân. Hồi ấy, dĩ nhiên ai cũng sợ cách mạng nhưng cái chính là niềm vui được sống hoà bình không còn bom đạn, tù đày. Giờ ngẫm lại, sao hồi ấy thanh niên sống vô tư thơ ngây đến vậy. Cán bộ chỉ được phụ cấp ít ỏi, ăn cơm nhà mà lo việc hàng tổng. Đâu không biết chứ quê tôi hồi ấy, chung sức xắn tay mà làm, chưa có việc kèn cựa địa vị như sau này.

Phần cá nhân tôi, ngày thì làm ruộng cùng gia đình và theo anh lên núi chặt cây về dựng nhà. Mọi công đoạn của người nông dân, ban đầu còn bỡ ngỡ không biết thì học hỏi, nghề dạy nghề, rồi dần dần thành thục. Còn việc công, một thân một mình, từ một học sinh thành thị về lại nông thôn làm "lãnh đạo". Tôi không biết hỏi ai về cách thức làm sao và kinh nghiệm thế nào để vận động thanh niên, mà có ai từng trải qua đâu mà hỏi. Sách báo hướng dẫn nghiệp vụ thì chả có. Ở vai trò chi hội trưởng, miệng nói tay làm, gương mẫu trong mọi việc nên hầu như mọi người trong thôn đều biết. Chính quyền tín nhiệm, thanh niên yêu thích. Ai đó có ý chống báng hay chỉ trích thì tôi không được nghe. Điểm yếu của tôi là không rành văn nghệ và dẫn dắt trò chơi như thanh niên học sinh hướng đạo. So với mười thôn khác thì thôn tôi hoạt động mạnh nhưng yếu theo tôi điểm đó.

Thời gian này, tôi chỉ chăm chăm vừa việc nhà lẫn việc chung nên gần như không còn liên lạc với bạn học cũ. Thỉnh thoảng đạp xe về thị xã mua sách cũ, mới về đọc. Tôi là người có tham vọng nên trăn trở muốn để đẩy hoạt đông của thôn mình mạnh hơn nữa mà không biết cách nào. Lúc rảnh rổi, tôi nghiền ngẫm sách của triết gia Đức Nietzsche mua từ vỉa hè Sài Gòn, trong đó có cuốn hình như là "Zarathustra - Đã nói như thế". Mà sau này, đi bộ đội tôi mới tỉnh người, thoát ra cái triết học quái quỉ duy ý chí ấy của Nietzsche, làm cho tôi thiếu điều loạn óc.

Thời ấy, cả thôn chỉ có hai đoàn viên là du kích cũ., tôi phấn đấu muốn vô đoàn mà kẹt cái lý lịch trung nông (chưa tới 2 héc ta ngày nay) nên chậm kết nạp. Sang năm 76, được gọi đi học cảm tình đoàn rồi kết nạp. Giữa năm, Xã có ý cơ cấu đưa tôi vào ban chấp hành chi đoàn nên cử đi học khoá bồi dưỡng công tác thanh niên 20 ngày ở Vạn Giã huyện Vạn Ninh.

Đang là uỷ viên BCH Liên chi hội xã, đùng một cái, tháng 9 có chủ trương gọi thanh niên nhập ngũ làm nghĩa vụ quân sự. Họp triển trai công tác, tôi hô hào kêu gọi TN tình nguyện đăng ký làm nhiệm vụ là bảo vệ tổ quốc và xây dựng kinh tế. Xã không yêu cầu tôi phải đi nhưng tính tôi ảnh hưởng bỡi thuyết đã từng học phổ thông là "Tri hành hợp nhất" của người xưa. Nói được thì phải làm được. Mình là chi hội trưởng phải kéo cái đầu tàu, thế là làm gương xung phong ghi tên đầu tiên. Ngày Xã tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ, được tổ chức rất hoành tráng. Tôi thay mặt thanh niên toàn xã lên đọc diễn văn từ biệt và hứa hẹn tiếp bước cha anh.

Thế là bước ngoặc mới, cuộc đời mới mở ra...

Tìm kiếm Blog này