Từ 1979 – 2002, quân cảng Cam Ranh là căn cứ quân sự lớn nhất ở nước
ngoài của Liên xô và LB Nga. Ngay phía bên kia của biển Đông là căn cứ
Subic và Clark của hải quân và không quân Mỹ. Vì thế, quân cảng này một
thời nườm nượp máy bay ném bom chiến lược, tàu ngầm nguyên tử và tàu sân
bay.
Cam Ranh cũng là nơi xuất phát của rất nhiều vụ
đối đầu căng thẳng trong chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường Xô – Mỹ mà
tầm vóc và tính chất nguy hiểm của nó có lẽ chỉ sau cuộc khủng hoảng
tên lửa Cuba năm 1962.
Căn cứ Cam Ranh – tên gọi đầy đủ
là Điểm cung cấp vật liệu – kỹ thuật (PMTO) cho tàu thuyền ở Cam Ranh.
Diện tích căn cứ là 100 km², nằm dọc bờ biển phía đông nam Việt Nam.
Người
Mỹ đã đặt chân tới Cam Ranh lần đầu tiên vào giữa thập niên 60 của thế
kỷ trước. Căn cứ nằm sâu trong vịnh Cam Ranh ở miền Nam Việt Nam và là
nơi tổ chức thực hiện những trận ném bom oanh tạc phần lãnh thổ do quân
giải phóng Việt Nam kiểm soát. Tổng thống Lyndon Johnson đã từng đến
thăm Cam Ranh và tuyên bố Quốc kỳ nước Mỹ sẽ tung bay trên nóc căn cứ
này mãi mãi. Sau đó là đến giai đoạn máy bay ném bom B-52 hoành hành
trên lãnh thổ Việt Nam. Thêm vào đó, cũng từ căn cứ này, người Mỹ có
được những kinh nghiệm đầu tiên về việc huấn luyện cá heo có trang bị
thuốc nổ và hơi gas làm tê liệt để tiêu diệt tàu thuyền và thợ lặn của
đối phương.