Tim thông tin blog này:

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Buồn thay mấy chú cuồng tiềm lực QS Nga!

Nhìn cảnh chiếc trực thăng Nga bay yểm trợ cho quân bên dưới tiến công Ukcaina mà bên hông gắn khẩu súng AK để bắn mục tiêu mặt đất (video do chính lính trên máy bay quay, Bộ QP Nga công tố). Hỡi ôi! Còn trực thăng thì đời cũ cồng kềnh, tốc độ chậm rất dễ bị bắn hạ.
Nghe bảo Nga đã dày công bỏ ra 20 năm để hiện đại hóa quân đội mà thế sao? Qua "Chiến dịch đặc biệt" đánh Uk, cho thấy: trừ vũ khí HN ra thì tiềm lực QS của Nga đã thua TQ, với Mỹ và PT thì khoảng cách còn khá xa. Trong chiến trang VN cách đây hơn nửa thế kỷ, Mỹ đã trang bị cho trực thăng đại liên 6 nòng xoay, có thể bắn tối đa 6.000v/phút.



Chuyện đánh nhau ở BG phía Bắc những ngày đầu.

... "Ối giồi ôi! Sáng sớm 17.2.1979, tao đang gác ca cuối thì thấy đỏ rực phía xa và pháo nổ đì đẹt. Tao vào giường gọi đại đội trưởng: "Đại trưởng ôi, dậy đi đánh nhau thôi. Trung Quốc nó đánh mình rồi". Ông ấy đạp tao ra, bảo: "Nói năng linh tinh". Tao lại sang gọi chính viên (chính trị viên), ông này tiện buồn đái nên tao dắt được ra sân, chỉ về hướng Mường Khương xem pháo bắn, thế mới tin...
Ối giồi ôi! Ngày 17.2 Trung Quốc nó mới sang thì tao đang làm lính. 3 ngày sau, cán bộ chết hết, tao thì lại bắn được nhiều thằng Trung Quốc, nên đại trưởng cho làm tiểu trưởng, chỉ huy mấy thằng toàn thương bệnh binh giữ chốt 391, 393, đánh nhau đì đẹt.
Ối giồi ôi! Mấy ngày sau, đơn vị rút, quên không báo, để mỗi mình tao đì đọp bắn nhau với bọn Trung Quốc. May mà bọn đơn vị khác lên thay, thấy tiếng súng tìm đến, tao mới biết là mình bị bỏ quên. Lúc về hậu cứ, tao gặp đại trưởng, giận quá nên bảo: "Đại trưởng sống không bằng con chó con ngựa", cán bộ tiểu đoàn phải can mãi...

Tại sao Mỹ thua ở Afganistan?

Có tag lão, tính comment tham gia nhưng nói đủ ý khá dài nên gõ thành stt:
Vì sao Mỹ không thay đổi sách lược và cách đánh khi can thiệp vào nước khác?
Không thể bàn chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa vì nó vô cùng, bản thân chính trị là quyền lợi bên này hoặc bên kia, gây tranh luận không đáng có. Lão nghĩ tới lịch sử thế giới từ xưa tới nay, khi một nước lớn tiến công vào nước nhỏ thì chỉ có 2 cách: Một là chiếm và nhập nước đó vào lãnh thổ của mình, thì thời nay không cho phép. Thứ hai, biến nước đó hoàn toàn theo mình thì phải đổ quân can thiệp nhanh. Mà viễn chinh thì hầu như tất cả nước lớn trước hay sau đều phải rút, để lại cái giá phải trả rất đắc. Cái mà Mỹ làm được là của đi thay người, nhân mạng bỏ ra thấp nhất so với các đế quốc khác..
Mỹ tự cao nhưng không hề bảo thủ. Trải qua từng cuộc chiến, đặc biệt là CT Việt Nam họ nghiên cứu đúc kết rất cẩn thận, hy vọng tìm cách xử lý vấn đề mâu thuẫn và thay đổi cách đánh. Nhưng họ không thay đổi được bỡi vì bản chất của một nước tư bản, còn quân đội thì phụ thuộc vào tính chất ấy nên khó thể điều binh khiển tướng cách khác. Nên lặp lại vết xe đổ là điều khó tránh...

Ngẫm về cái tên.

Cha mẹ đặt tên cho con, có khi muốn con mình được vậy mà có khi đặt cho có với người ta. Dù gì thì gì, con người cõng cái tên trên lưng suốt cả cuộc đời. Nó tác động vô thức đến con người, thành ra con người cố làm theo cho đúng với cái tên.
Rốt cuộc cuộc đời như cái tên. Nếu không đúng theo nghĩa đen thì do cha mẹ đặt cái tên tréo ngoe hoặc phải tìm cách hiểu theo ý nghĩa khác thông thường.
Nghĩ lại mình, tui hồi nhở cha đặt tên Bá Hùng nghe rất "ác" thì chắc gì còn sống đến giờ vì rất dễ "xanh cỏ đỏ ngực". Rồi sau cải lại khai sinh là Văn Hùng thành ra "miệng hùm gan sứa". Bản thân mình muốn Quốc Hùng mà không được. Ông anh mình Bá mà Mai cũng "gay" thành ra yếu đi.
Chú em quen Quốc Hưng thì hưng nhờ chữ cuốc, giờ thì đã "ngỏm của tỏi". Chủ công ty mình có tên Danh Định, y vậy luôn quyết lập nên cái danh đẳng cấp dù với giá nào, đi làm thuê năm ba chục triệu khỏe re, không muốn mà chấp nhận bao khổ cực đau đầu.

"Má Miên không khóc thì má Mình khóc!”

Phương án phản công Pốt trên địa hình đồng không mông quạnh giữa ban ngày. Quân đã hao mòn dần lại quá mệt mỏi do luôn cơ động đánh nhau liên tục nên anh em e dè thắng thua nhưng lệnh Trên thì phải chấp hành. Còn lo lắng việc tải thương, chỉ huy bảo yên trí đâu vào đó, lính lác nói đùa nhau: thôi kệ, má Miên không khóc thì má Mình khóc!.

(Chuyện của ông bạn già về những ngày tháng cơ cực quần nhau với Kh'mer Đỏ ở biên giới Long An - Campuchia, năm 1977)

Quân ác ôn! tau có chi mô mà dán nhà ông.

Còn lồm eng chi nữa hả trời. huhu.


Vì sao bộ ngựa còn gọi là phản chỉ dài tối đa 1 mét 8.

Được đặt ở nhà trên để quí ông uống nước trà đàm đạo và nghỉ ngơi, không dành cho phụ nữ. Phải "ba xoa, hai đập" trước khi leo lên cho nên nó cần ngắn để thò hai bàn chân ra ngoài và đắp bằng chiếu cho sạch.
Người có giày dép để nhá xèng lễ lạc và chụp hình thôi, ra đường đi chân đất đến nhà khách mới xổ đôi dép vô cho lịch sự, về nhà mình thì khỏi. - Đấy là văn mình Việt lúa nước.
Đấy là văn mình Việt lúa nước. hehe.

Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2023

Đánh 1 quả lựu đạn, bắn 1 trái M79. Tim như ngưng đập!

Địch không sao, ta sém hy sinh! Ai cao số và may mắn hơn trong câu chuyện dưới đây?
Cách đây vài hôm, mình gặp lại Hùng Lác qua điện thoại - chiến sĩ có mặt trong sự kiện. Nhờ Nguyễn Thanh Thu chuyển lại cho đồng đội xem. Một kỷ niêm, với tôi không bao giờ quên, không phải vì độ ác liệt mà tính ly kỳ đến độ đứng tim trong đời lính của mình.
------

Câu chuyện đã xảy ra ở cực nam xã Siem Bouk, địa bàn do Đội công tác của chúng tôi đảm trách. Vào mùa khô năm 1980, tại ranh giới tiếp giáp của tỉnh Stung Treng với tỉnh Kratié (Campuchia). Giữa dòng Mê Kông mênh mông, đang mùa cạn nước, có nhiều chỗ lội đi được. Khu vực đó xa dân đến chục ki lô mét, hoang vu, có nhiều ghềnh thác và vô số đảo lớn nhỏ không người. Một ít dân làng chèo thuyền xuôi ngược buôn bán trao đổi hàng hóa tận thủ đô Phnom Penh. Khi đi ngang qua đó, tình cờ dân thấy có khói và có hành sả trồng trên một đảo nọ. Thượng sĩ tôi, lúc ấy là Đội trưởng công tác kiêm chuyên gia xã nhận định ngay: đích thị là địch, chứ ai nữa vô đây! Vì trước đó, Tiểu đoàn thông qua chính quyền huyện đã phổ biến đến dân là cấm đánh bắt cá khu vực hẻo lánh này để dễ bề kiếm soát.
Thế là Tôi họp bàn với Ban chi huy xã đội, tổ chức tìm đánh địch. Lực lượng gồm 6 bộ đội ta và 6 dân quân phối hợp. Đi trên 2 thuyền lớn, giả dạng như là dân làm ăn, súng dấu dưới sàn. Hôm đó hứng chí nên tôi đổi súng AK của mình, lấy súng M79 của lính, định bụng có dịp đụng trận thì sẽ cốc vài trái cho đã!

Chúng tôi chèo thuyền xuôi dòng Mê Kông, đến buổi chiều thì đến chỗ dân chỉ. Chúng tôi tấp vào một đảo nhỏ gần nhất, qua quan sát thấy có dấu vết sự sống con người. Ăn uống xong, trời tối, đêm đó chúng tôi ngủ ở bờ cát bìa đảo, cạnh cái ghềnh nhỏ, bên lạch nước mà người đi lại phải chèo qua đây để dễ nghe ngóng. Nửa đêm, chúng tôi nghe tiếng động của mái chèo, tiếng níu cây nhỏ mọc ven bờ để kéo thuyền vượt ghềnh, cùng giọng người lao xao. Trời tối đen như mực, chúng tôi căng mắt nhìn vẫn không thể thấy bóng người nên đành chịu dù cách nhau chưa đến chục mét. Tôi thầm bụng: hãy đợi đấy con ạ, mai chúng mày sẽ biết tay tao!

Sáng lên, lùng sục quanh đảo, chúng tôi thấy có một bếp sơ sài đã tàn lửa, vài cái cây gát ngang để phơi cá. Rõ ràng chúng đang lẩn quẩn khu vực này. Từ xa khoảng 200 mét, chúng tôi thấy hai bóng người đang lúi cúi thả lưới đánh cá giữa sông. Chúng tôi di chuyển đến gần hơn cỡ 100 mét, anh em định bắn, tôi cản, bảo: bắn nó chết chìm giữa sông mất luôn cả súng, lấy gì làm bằng chứng báo cáo thành tích lên Trên đã diệt được địch đằng nào nó cũng sẽ vào bờ, lúc đó ta nổ súng chắc ăn hơn.
Chúng tôi bí mật theo dõi và chờ thời cơ… 2 giờ sau, thấy hai tên chèo thuyền xiên về hướng một đảo khác gần đấy, có nhiều cây lớn và cao hơn đảo chúng tôi đang đứng quan sát. Tôi bảo anh em: tuỳ nghi lợi dụng địa hình, men theo các lùm cây giữa sông, lội nước băng qua đó. Điểm gặp nhau là chỗ địch tấp vào, ai đến trước núp chờ, hội quân đông đủ, mới nổ súng tiêu diệt địch.
Do trên hướng lội đi phải nương theo lùm cây, gờ đá nhấp nhô, nước chỗ cạn chỗ sâu, có khi ngập đến ngực nên đội hình chúng tôi bị cắt rời. Tôi băng vội, vừa đi vừa quan sát sợ mất dấu địch. Một lâu sau thì ngoảnh lại không thấy có ai bám kịp theo kịp mình.

Hai tên kia đã tấp vào bờ đảo thì tôi cũng vừa sang kịp. Tôi leo lên triền đất khá cao, rồi đi dọc bờ đảo (mùa cạn nước rút nên đảo cao hơn mặt nước chừng 4-5 mét). Nhắm hướng chỗ địch chèo thuyền tấp vào, tôi đi qua mấy vạt rừng thưa, lom khom đi dần đến mục tiêu đã định. Từ xa, bắt đầu nghe có tiếng động, tôi hạ thấp người, nhẹ nhàng tiếp cận sát hơn trong điều kiện địa hình cho phép. Dừng lại, tìm một gốc cây, xung quanh là vạt cỏ ống cao tầm 5 tất, nằm nghe ngóng, chờ hội quân. Cách chỗ tôi nằm áng chừng hơn 10 mét là địch phía bên kia lùm cây. Người không thấy, chỉ nghe tiếng 2 tên địch đang nói chuyện lao xao. Thật lạ! Chờ mãi 15 phút, không thấy bóng dáng quân ta cùng đến...

Bỗng nghe tiếng động chặt cây rồi nghe giọng nói của 2 tên kia lớn dần vang vang trong rừng vắng. Tôi nhìn thấy chúng vòng qua khỏi lùm cây. Một thằng vác súng trên vai, một thằng tay không, chúng vừa đi, vừa ngước nhìn lên, có lẽ định chặt cây hay kiếm dây leo gì đó. Trời ạ! chúng nhè hướng mình đang nằm mà đi ngay tới. Tình thế căng như dây đàn, tim tôi đập thình thịch. đầu nghĩ thoáng qua: không thể di chuyển để né được, nó sẽ thấy. Thôi một sống hai chết vậy! Nhưng không sợ lắm vì mình chủ động thấy nó, ngược lại nó không hề biết minh đang tính luột nó! Ngặt nỗi, súng M79 bắn ở cự ly gần, đạn chưa chắc đã nổ. Tôi quyết định đánh lựu đạn trước, bắn M79 sau. Tôi rút chốt trái lựu đạn USA, sẵn sàng.

Chúng bước tiếp, khoảng cách nhau còn chừng 8 mét. Không thể nào khác, tôi bung thìa cho lựu đạn điểm hoả trên tay. Ý nhằm để ném lựu đạn tới chạm đất là nổ tức thì. Không cho địch có thời gian nằm xuống né mảnh, nếu nó có cơ hội sống sót thì sẽ diệt mình!
Tôi rướn người ném vội. 'Bốp' – 'Bịch'. Ối mẹ ơi! Quả lựu đạn quăng trúng gốc cây nhỏ trước mặt, dội lại rớt xuống, chếch sát phía sau lưng, cạnh tôi. Lúc này, hồn vía tôi lên mây, tim như ngưng đập. Lẽ ra lúc ấy, tôi lăn người tức khắc để tránh nổ thì còn cơ may sống sót. Ngược lại, do quá hoảng hốt, tôi sợ khẩu AK của tên kia sẽ khạc đạn về mình. Trong đầu tôi lúc đó: chỉ duy nhất một ý nghĩ là nó phải chết thì tôi mới sống được! Nên nhoài người ra sau chụp lấy quả lựu đạn ném tiếp lần hai về hướng địch.
Quả lựu đạn bay rớt phịch gần chỗ 2 tên. Chúng ngớ người vì tiếng động lạ nhưng vẫn không biết chuyện gì xảy ra. Ngay lập tức, tôi bật người, ngồi quỳ bóp cò súng, nã luôn một phát M79. Đạn M79 không nổ. Tiếng đề pa súng khá lớn nên đến lúc đó 2 tên kia mới biết sự có mặt của tôi. Vì quá khận cập rập, thay vì nạp tiếp trái đạn khác vào súng, bắn tiếp thì tôi lại giương cái súng không về chúng. Miệng thét uy hiếp bằng tiếng Kh'mer: Giơ tay lên. giơ tay lên! đầu hàng. đầu hàng! Bộ đội Việt Nam đã bao vây, ai chống cự sẽ bị tiêu diệt lập tức! Hai tên kia la làng bài hải: Nhân dân. Nhân dân’. Nhìn vào họ, lần đầu tiên tôi mới thấy mặt của người đang sợ hãi tột độ không phải là tái xanh mà là màu xám xịt (có lẽ do nước da họ đen). Tôi dương súng khống chế, nhào lại gần, thì té ra họ không có vũ khí. Cái mà tôi tưởng khẩu AK vác vai kia thì thực ra là cái búa chặt cây. Dễ hiểu thôi vì diễn biến không ngờ, tưởng như lưỡi hái tử thần đang hạ xuống đầu tôi. Với tình huống đó thì chẳng ai mà bình tĩnh nổi, ba chớp ba nháng, thần hồn nát thần tính là vậy!

Lúc bấy giờ, nghe có tiếng nổ, người la thì mới thấy quân ta cùng dân quân từ dưới bờ sông nhào lên. Thì ra, mình thì đi đến mục tiêu trên triền cao để chiếm ưu thế đánh nhau thì anh em lại đi men theo mép sông bờ đảo. Tôi lục soát người họ và thẩm vấn ngay: Từ đâu đến, tại sao đánh cá nơi này, có mục đích gì?… Sau đó, mới xác định 2 người là dân ở Ou Mreah (Ô M'ría) - một xã khác bên kia sông đến khu vực này đánh cá. Nơi đây vắng nên cá rất nhiều, họ đánh lưới bắt cá, xẻ phơi khô đem về bán. Họ đến nơi vắng vẻ, có địch ở, tất nhiên họ cũng “hợp rơ” với bọn Pol Pot, đánh được cá chia cho chúng ăn - chuyện bình thường. Trước là ta - "địch", sau là quân với dân xí lô xí là trò chuyện, họ cho chúng tôi một mớ cá khô… Chúng tôi đuổi họ về không cho đánh cá nữa, họ dạ vâng cảm ơn bộ đội ta rối rít (cảm ơn thần chết tha mạng mới phải!).

Chưa hết chuyện, chiều hôm đó, chúng tôi quay lại đảo ban đầu, nghỉ chơi ăn uống. Một chiến sĩ ta (giớ mớ nhớ là Hùng Lác) nghịch tháo đầu kíp lựu đạn không nổ kia ra khỏi thân dưới chứa thuốc nổ rồi đè kim hoả ném đi để nổ kíp xem chơi. Hai lần đầu ném không nổ, lần thứ 3 vừa định chộp lấy ném tiếp thì nó nổ “Tạch” một phát. Máu me tè le do mảng nhôm của kíp và cát đất bắn  lên! May mà bàn tay cậu ấy còn cách cái đầu kíp một tất, chứ nếu tay cầm vào thì chắc đã toi một hai ngón tay, xa đơn vị không có điều kiện băng bó cấp cứu quả là gay! Rồi ngủ lại tiếp đêm nữa, sáng chúng tôi rút quân, chèo thuyền về.

Khi chuyện qua đi, đêm nằm tôi ngẫm lại tình huống hôm đó. Quả lựu đạn kia không nổ do kè kè mang theo mình, chịu mưa gió lâu ngày nên lò xo bị yếu, kim hoả đập chưa đủ sức mạnh để kích hạt nổ. Sẽ như thế nào nếu nó nổ? - Khoảng thời gian bung thìa mỏ vịt, cộng với 2 lần quơ tay ném là trong vòng 6 giây cho dây cháy chậm dẫn đến kíp nổ. May nó tịt chứ không thì tôi đã banh xác, chứ không phải là 2 tên "địch" kia. 
Còn 2 người dân kia, lãnh 1 quả lựu đạn, 1 trái M79, đều không nổ. Nhưng hôm ấy nếu tôi mang AK thì sao? - Cả hai coi như "xong phim". Chắc chắn gặp thằng lính máu chiến như tôi thì với cự ly ấy, đã bắn thì chỉ đổ gục tại chỗ, không chạy được bước nào. Họ cực may mắn không kém tôi.
Người ta nói "thần thánh độ mạng" hay "bà đỡ" đó là chuyện tâm linh. Tôi từng thoát chết mấy lần trong gang tất. Đời lính chiến gặp nhiều sự ngẫu nhiên, chả có tình huống giống tình huống nào, chả biết đâu mà lần! 
May rủi, chết sống nhẹ tựa lông hồng. Ngày hôm sau chẳng nghĩ ngợi lại như nó chưa từng xảy ra. Cái bận tâm luôn ở phía trước: Hôm nay mình kiếm gì ăn, có gì vui không, sẽ bàn việc gì với chính quyền với dân. Nó đánh luột mình khi nào, mình phải tìm thanh toán nó ở đâu. vân và vân vân…

Lược đồ khu vực xảy ra trong câu chuyện.

Tìm kiếm Blog này