Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Ký sự của người đầu tiên nổ súng bảo vệ Biên Giới Tây Nam (I)

Trận đánh đẩm máu ngay trong đêm hòa bình đầu tiên 30-4-1975

Điều bất ngờ hiếm người biết được là ngay trong đêm hòa bình đầu tiên 30-4-1975, một trận đánh ác liệt đã xảy ra trên biên giới Tây Nam ở tỉnh An Giang. Đặc biệt những người lính biên phòng Việt Nam Cộng Hòa đang chờ bộ đội giải phóng đến tiếp quản đã tham gia trận đánh này. Tiếp đó dù chưa có tuyên bố chiến tranh nhưng lực lượng du kích, biên phòng An Giang đã thường xuyên chống trả những đợt tấn công thảm sát của quân Ponpot. An Giang là địa bàn ác liệt chịu nhiều đau thương mất mát trong Chiến tranh Biên giới Tây Nam. Một sinh viên tình cờ trở thành du kích xã đã cùng đồng đội trở thành là một trong những người nổ súng phát đầu tiên tiêu diệt, ngăn chặn quân Ponpot tràn sang biên giới VN. Anh đã ghi lại hồi ức về những trận đánh này. Do là hồi ức cá nhân theo trí nhớ nên có thể có chi tiết không chính xác hoặc về tầm nhìn theo những sự việc cụ thể chưa phản ánh đúng bản chất, sự bao quát của sự kiện. Tuy nhiên, ở góc độ ghi chép người thật việc thật đã phản ánh rất sinh động, chi tiết, thông tin cụ thể là tài liệu tham khảo thú vị. Loạt bài này do TH-09 sưu tầm, biên khảo, hiệu đính  theo quan điểm tôn trọng văn phong và ngôn ngữ của nhân vật.
Giọng văn của tác giả đặc sệt vùng miền, tính bổ bả đời thường, đậm chất lính thể hiện rõ trong từng câu chữ. Để hấp dẫn, BBT giữ nguyên văn phong, mời độc giả theo dõi...
Ảnh vệ tinh khu vực đã xảy ra chiến sự trong câu chuyện này:
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiimF9-nPE-3p4pA_GwN8J7IdwpTyjpxEZldH6Hz6GTmrdiBjSFmC49t8TDPSWWaE_o8Jw8WpuaTFWWrQxWetKfDFaDlNyhlEWzt5yRCxg8EaTKDDmh3C0vDR63s6cssnxieYcUDNNl9od7/s640/Khu+vuc+chien+su.PNG- Đường màu đỏ: biên giới hai nước Việt Nam - Campuchia.

- Đường màu vàng: kênh Vĩnh Tế và tuyến đường giao thông.
- Hình bình hành màu cam: xã Lạc Quới, nơi ở người kể chuyện.
- Vòng hình bầu dục: xã Ba Chúc, kế là dấu chéo đỏ: cầu Vĩnh Thông.
Tôi tên thật là Võ Văn Be, sinh năm 1954, sinh ra và lớn lên tại 1 xã Biên Giới thuộc huyện Tri Tôn tỉnh An Giang, đã từng phục vụ trong du kích xã. Tôi xin kể lại tất cả những diễn biến ở địa phương tôi từ khi Khmer đỏ lên nắm quyền cho đến khi quân đội ta đánh sang giải phóng Campuchia. Vì là người miền Nam nên cách ăn nói và văn chương của tôi hơi bị khô cứng, mong bạn đọc thông cảm.
Những tín hiệu bất thường từ sau ngày Khmer Đỏ chiếm Phnompenh
Gia đình tôi có tất cả 7 anh em toàn là con trai, tôi là người thứ 5, nếu theo cách gọi của người miền Tây thì không có anh cả, chỉ có anh 2 lớn nhất rồi đến anh 3 anh 4 và đến tôi, cuối cùng là 3 người em trai nữa. Anh 2 tôi là sỹ quan cũa chế độ VNCH đã chết năm 1973 ở Bạc Liêu do trên đường đi hành quân bằng xe ô tô bị trúng nguyên trái B40 của quân cách mạng. Còn anh 3 và anh 4 tôi đều đi theo cách mạng, người thì đóng căn cứ ở trên Núi dài, người thì đóng căn cứ ở Đồi Tức Dụp, hiện nay là di tích lịch sử cấp quốc gia với tên gọi do người Mỹ đặt ra là ngọn đồi 2 triệu đô la. Vì ngày xưa Mỹ đã ném số lượng bom đạn trị giá 2 triệu đô la mà vẫn không thể nào đánh chiếm được ngọn đồi của quân ta.
Khoảng đầu tháng 4 năm 1975 đang là sinh viên năm thứ 2 cũa Viện Đại học Cần Thơ, khoa Sư phạm Toán, thì tôi nhận được thư cũa gia đình gọi về quê gấp vì ông nội tôi qua đời. Về đến nhà, tôi phụ tiếp gia đình mọi công việc ma chay cho ông nội, rồi sau khi đã chôn cất ông đàng hoàng thì lúc đó tôi mới có thời gian đi thăm bạn bè và bà con lối xóm. Ngày xưa do điều kiện đi lại khó khăn, mặc dù từ nhà tôi đến Cần Thơ chỉ khoảng 130 km nhưng tôi rất ít có cơ hội được về thăm gia đình, khoảng nửa năm mới được về 1 lần. Ở quê tôi cuộc sống vẫn bình thường như bao làng quê miền Nam khác, không khí không khẩn trương nhốn nháo như ở trên các thành phố lớn, nhưng tôi nhận ra được vẻ lo lắng hoang mang của mọi người.
Ngày đó, Mỹ Ngụy tuyên truyền xấu về cách mạng rất nhiều nên khi chiến sự ngoài Vùng 1, Vùng 2 diễn ra ác liệt thì người dân trong Nam rất lo sợ, nhưng ở quê tôi đa số các gia đình đều có người thân đi theo cách mạng thì vui còn không hết làm gì phải lo sợ cơ chứ!  
Tuy nhiên vào mấy ngày cuối tháng 4-1975, người dân quê tôi lại xôn xao lo lắng về những tín hiệu bất thường. Tôi tìm hiểu nguyên nhân thì ra mấy bữa trước ở cách đồng ngoài biên giới có 1 toán người khmer qua bắt đi mấy người nông dân của mình đang cày ngoài đồng đem đi đâu không rõ, chuyện này từ xưa đến nay chưa bao giờ xảy ra, mấy bữa nay không ai dám ra đồng cày cấy gì hết. Báo với lính biên phòng VNCH thì bọn họ đổ là bị quân cách mạng bắt đi chứ khmer nào mà bắt làm gì! Đêm 15/4/1975 tức là sau ngày Tập đoàn phản động Khrme đỏ tiến vào Pnompenh 1 ngày, đêm đó tôi đang ngủ bỗng nghe vô số tiếng động làm rung chuyển cả đất trời. Cả nhà tôi choàng tỉnh dậy, cứ tưởng là quân cách mạng đánh vào đồn biên phòng của quân VNCH, nên cả nhà cũng chỉ chui xuống gầm giường mà trốn. Từ khe hở cũa vách nhà tôi nhìn ra khoảng trống ngoài cánh đồng biên giới, tôi thấy lấp lóa ánh sáng vô số của đạn đầu nòng, bắn sáng cả 1 dãy dài rồi xa xa xen kẽ tiếng đạn nổ là tiếng Chôl. chôl (vô, vô).Rồi đến sáng ra tôi nghe một người nói là đêm đó chẳng biết lính Campuchia ở đâu rất đông tràn sang nhưng bị Đại đội Biên Phòng của VNCH chặn lại kịp nên không tiến vào trong xóm dân cư được, thế rồi mọi chuyện cũng qua đi.
Thế rồi đúng như nỗi lo của người dân, cái đêm định mệnh cũng đến.
http://i1051.photobucket.com/albums/s433/HungMTA/BACHCnc48_06b_zpsf79fa184.jpg
Bản đồ cũ địa hình khu vực
 Chiều 30-4, lính biên phòng VNCH nhậu chờ Bộ đội đến tiếp quản
Cho đến tận chiều ngày 30/4/1975, lúc đó thì hầu hết các địa phương trên cả nước đều đã được giải phóng nhưng ở quê tôi quân cách mạng vẫn chưa vào tiếp quản Đồn biên phòng. Tôi có 2 thằng bạn chơi chung từ nhỏ đang làm lính biên phòng cho VNCH hiện đóng quân trong đồn gần nhà tôi, chiều hôm đó tôi vào đồn biên phòng chơi với chúng nó. Tôi hỏi sao chúng mầy không về nhà đi, giải phóng hết rồi còn ở đây là gì, chúng nó bảo là cũng tính về nhà rồi mà Đại đội Trưởng nói ở đây để đợi sáng mai mấy anh cán bộ cách mạng bên Ba Chúc qua rồi bàn giao tài liệu hết và đi học tập 1 buổi nữa mới được về. Thế là chiều hôm đó, tôi ở lại đồn biên phòng nhậu chia tay để sáng mai chúng nó lên đường đi học tập cải tạo. Chúng nó đi lính VNCH, chứ đa số anh em tụi nó toàn là người cũa cách mạng nên chuyện đi học tập cải tạo chúng nó chẳng sợ gì cả.
Ở quê tôi ngộ lắm các bác ạ, chuyện người chiến sĩ cách mạng và lính biên phòng VNCH ngồi ăn nhậu chung mâm với nhau là chuyện bình thường. Ngoài chiến trường thì là kẻ thù, nhưng khi tập trung hợp mặt gia đình thì là anh em, chẵng ai trách ai cả, chẳng qua là do thời thế đất nước lúc bấy giờ, đa số thanh niên đi lính VNCH đều bị ép quân dịch cả, chứ chẳng ai ham đi làm gì để gây thù chuốc oán với nhân dân xóm làng mình đâu. Tụi nó cầm súng cho có lệ vậy chứ có đánh đấm gì nhiều đâu, gặp mấy ông cách mạng đi ngoài đồng thì bắn chỉ thiên lên trời vài phát cho mấy ổng tránh xa chổ khác mà đi thôi, toàn là bà con chòm xóm không ai nở đánh nhau làm gì. Bản chất cũa người dân quê tôi là vậy đó, tính dân tộc anh em là trên hết, còn chuyện phe này phe kia chỉ là tượng trưng mà thôi.
Chiều hôm đó chúng nó đem ra tất cả những gì ngon nhất trong đồn ra đãi tôi, nào thì thịt hộp của Mỹ, khô nai Đà Lạt, rượu vang Pháp, toàn những thứ thượng hạng mà chỉ có quân VNCH mới được ưu ái như thế. Sau chầu ăn nhậu no say thì chúng nó lại đàn hát vang trời, không khí giống như những người chiến thắng chứ không phải bị đánh bại, quả thật là như vậy các bác à. Một khi nước nhà đã được thống nhất thì bất kỳ người Việt Nam nào mà không vui như ngày hội, chỉ có những tên phản bội quê hương đất nước chạy theo Mỹ thì mới nhục nhã thôi. Còn bọn nó chỉ là những người lính quèn, mà chúng nó cũng là người Việt Nam, nên khi ngày hội của cả đất nước cả dân tộc thì cũng phải cho chúng nó vui lây chứ, thế rồi tôi cũng thiếp đi trong tiếng hát lời ca của bọn nó.
Ảnh chiến trường
Bộ đội Biên phòng tố chức phòng ngự 
Đêm 30-4 rạng 1-5, trận đánh bất ngờ, đẩm máu
Đến khoảng 2h sáng cả đồn biên phòng bỗng giật mình thức dậy, vì rất nhiều tiếng nổ xung quanh vang trời, tất cả choàng tỉnh hoảng loạn chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Vì hôm qua đã có thông báo là sáng mai mấy anh Cách mạng mới qua bàn giao tài liệu mà giờ này ai lại bắn pháo ầm trời thế, chiến tranh đã chấm dứt rồi kia mà, có ai chống cự gì nữa đâu mà phải đánh ghê thế. Bỗng thằng Thanh từ ngoài chốt chạy vào thông báo: nó nói là quân Campuchia ở ngoài kia đang tràn vào đông lắm, thế là tất cả lấy súng ùa ra chốt hết tôi cũng loay hoay chẳng biết làm gì, thì thằng Hùng bảo tôi cầm khẩu M16 chạy theo nó. Nó và tôi leo lên tháp canh trong đồn, trên tháp canh có sẵn khẩu đại liên của Mỹ giá trên đó, khi vừa lên tới, nó liền lên đạn rất nhanh, tôi liền hỏi nó, mày tính bắn thật à? Lỡ mấy ông Cách mạng dzô thì sao? Nó liền mắng tôi, sao mày ngu thế! mấy ông Cách mạng ai lại la ầm lên chôl ... chôl như vậy, chắc chắn là bọn lính Pốt Đỏ (Khmer đỏ) canh ngay lúc bên mình chuyển giao chế độ, chính quyền còn yếu tràn qua ăn hôi kiếm bắt trâu bò chứ đâu, trước khi mày về là chúng nó tràn qua mấy lần vậy rồi. Tôi chợt hiểu ra vấn đề vì nếu các anh Cách mạng vào nhận bàn giao thì phải đi từ hướng núi bên Ba Chúc qua chứ tại sao lại đi từ hường ngoài đồng biên giới vào mà còn là chôl ... chôl ầm lên thế kia để làm gì? Khi tôi đã hiểu ra vấn đề thì cũng là lúc ở ngoài chốt tiếng súng rộ lên, rồi thằng Hùng cũng kéo mấy loạt đạn bay xé gió về hướng phát ra tiếng chôl ... chôl đó.
Tôi thì có bao giờ bắn súng đâu, thế là tôi dựng khẩu M16 xuống và đứng xem thằng Hùng bắn mà thôi. Tôi hiểu tâm trạng của tụi nó lúc này, những giờ phút này đây tụi nó chiến đấu không cho phe nào cả, tụi nó chiến đấu để bảo vệ nhân dân Việt Nam dân tộc Việt Nam, xóm làng thân yêu của người Việt Nam, nơi có cha mẹ bà con dòng họ và cả người yêu của chúng nó, đơn giản vậy thôi.
Rồi tiếng đề pa đầu nòng của đạn cối cũng vang lên, thì ra là cối trong đồn bắn ra yểm trợ cho tụi ngoài chốt, thế là chỉ khoảng 30 phút sau kể từ khi cối bắn ra thì tiếng súng cả 2 bên đều im bặt, lúc đó cũng gần sáng, tụi lính Pốt đỏ cũng rút hết. Khi chúng nó đi ra đồng kiểm tra về báo lại thì có tất cả 36 xác lính Pốt nằm ngoài trận địa. Thật là bất ngờ khi bên này chẳng ai bị thương tích gì cả, chỉ có thằng Thanh bị trầy 1 đường trên cánh tay, chạy từ ngoài chốt về báo tin nhanh quá bị vướng hàng rào chuồng gà móc rách 1 tí thôi. Đúng 7h sáng thì mấy anh Cách mạng cũng đến, đi vào đầu tiên chẳng ai xa lạ chính là anh Ba ruột của tôi, ổng hỏi: bộ hồi hôm lính Pốt đỏ cũng đánh bên đây nữa hả?
 Xã neo người, lính ngụy chuyển thành du kích, sinh viên làm kế toán xã
 Thì ra đêm qua bên xã kế bên xã tôi cũng bị bọn nó đánh qua, nhưng bên xã đó thì đã có mấy anh cán bộ Cách mạng vào tiếp quản rồi nhưng lực lượng rất mỏng chỉ cầm cự được thôi chứ không tiêu diệt được nhiều như Đồn Biên Phòng ở đây. Thằng Thanh dắt anh Ba tôi ra xem xác tụi lính Pốt đỏ nằm đầy đồng, anh kêu tụi nó gom xác tụi lính Pốt lại chôn hết, rồi theo anh lên Huyện học tập 1 ngày, rồi thằng nào về nhà thằng nấy hết. Riêng thằng Thanh và thằng Hùng là người cùng xóm, lý lịch không có gì đặc biệt xấu, nên theo anh làm du kích xã luôn tại vì khi đó lực lượng Cách mạng đang thiếu nhân sự rất nhiều. Còn tôi thì anh không cho đi học nữa, anh nói là giải phóng rồi thầy cô giáo cũng phải đi học tập phương pháp giảng dạy lại hết, chứ không cho giảng dạy kiểu chế độ cũ nữa, nên mày đi học cũng chẳng ai dạy đâu, ở nhà anh đưa vào làm kế toán xã luôn, khỏi đi đâu cho mệt, khi nào có tổ chức trường mới thì anh cho đi học tiếp.
Tôi thì do đã được đào tạo 2 năm đại học sư phạm toán nên làm công việc kế toán xã cũng chẳng khó khăn gì, thằng Thanh và thằng Hùng cũng vậy, tụi nó chỉ cần học thêm cách sử dụng súng AK nữa là ok, và chốt du kích xã cũng gần Ủy Ban xã nên tôi và 2 thằng nó cũng hay qua lại nhậu nhẹt hoài. Đặc biệt từ thời gian đó trở đi, chúng tôi có thêm 1 người bạn mới, đó là thằng Trung người Bắc, quê nó ở tận Hải Phòng, được điều về đồn Biên Phòng 945 - trước kia là đồn biên phòng cũ cũ VNCH để lại, ngày đó lính biên phòng 100% toàn bộ đội ngoài Bắc vào cả.
Mỗi lần rảnh, thằng Trung đều hay lại nhà tôi chơi, Mẹ tôi rất thương thằng Trung coi nó như con ruột vì nhìn nó giống hệt người anh 2 của tôi đi Sỹ quan VNCH đã chết. Mỗi lần nó qua bà đều làm món cá lóc nướng rơm cho mấy đứa tôi nhậu, dĩ nhiên là không thể thiếu thằng Thanh với thằng Hùng rồi. Và cứ mỗi lần như vậy, Mẹ tôi lại đem những di ảnh của anh 2 ra cho thằng Trung xem, ảnh của anh tôi chụp thì đến cả trăm tấm, nhưng chỉ có 1 tấm duy nhất chụp lúc anh 2 tôi mặc đồ lễ phục khi tốt nghiệp Sỹ Quan ở Đà Lạt là giống thằng Trung nhất. Nên nó quyết định xin cho bằng được tắm ảnh đó làm kỹ niệm, dĩ nhiên là Mẹ tôi đồng ý ngay, vì Mẹ tôi rất thương Trung, thương vì nó ở xa tận ngoài Bắc đi bộ đội vào đây chiến đấu vất vả, hết chiến tranh rồi mà vẫn không được về đoàn tụ gia đình, phải ở lại thêm mấy năm nữa để bảo vệ nhân dân xóm làng nơi biên giới. Thương đến nổi nhà tôi chỉ có duy nhất cái máy nghe nhạc cũa Mỹ mà Cha tôi lên tận Sài Gòn mua về cách đây 2 năm để ở nhà cho cả xóm tối tối tụ hợp lại nghe Cải Lương mà bà cũng kêu nó đem vào Đồn cho anh em trong đó cùng nghe, dĩ nhiên là thằng Trung từ chối rồi, vì cái máy đó là thức ăn tin thần cũa cả xóm tôi mà.
Đến mỗi vụ thu hoạch lúa thì toàn quân trong Đồn Biên Phòng đều kéo ra gặt lúa tiếp dân, nhưng thằng Trung nó chỉ gặt tiếp mỗi nhà tôi mà thôi. Vì lúc đó nhà tôi khá nhất xã, nên mỗi lần như vậy, Mẹ tôi đều cho thằng Trung cả mấy chục ký cá lóc đồng về cho anh em trong đơn vị ăn. Tuy lâu lâu, quân Miên đỏ vẫn hay bắn vu vơ qua biên giới nhưng thời kỳ đó nói chung là còn yên bình nên cuộc sống cũa nhân dân vẫn còn tương đối đỡ vất vả, mặc dù không bằng được lúc trước giải phóng nhưng tình làng nghĩa xóm đậm đà hơn vì anh em không còn phải tương tàn nhau nữa.
Ảnh tư liệu
Bộ đội Biên phòng sẵn sàng chiến đấu
Rồi những ngày tháng yên bình cũng qua đi, cái thời khắc định mệnh cũng đến, cái thời khắc mà có lẽ đến mãi sau này tôi vẫn còn nhớ mãi, thời khắc mở ra 1 cuộc chiến mới với những mất mát đau thương vô bờ bến mà có lẽ chỉ những người từng sống và chiến đấu trên tuyến đầu biên giới lúc đó mới hiểu hết được nỗi kinh hoàng của nó - thời khắc Diệt Chủng.

Quay đi quay lại đã gần 2 năm kể từ ngày tôi vào làm kế toán cho xã, lúc đó tôi cũng chẵng còn hi vọng sẽ đi học tiếp nữa mà chỉ chăm vào công việc ở Ủy Ban và về nhà phụ giúp gia đình làm ruộng, cũng chẳng nghe anh 3 tôi nhắc gì đến chuyện học hành cũa tôi nữa. Lúc đó anh 3 tôi cũng làm trong Ủy Ban xã, anh làm Bí Thư xã, thằng Thanh và Thằng Hùng cũng vẫn làm trong đội Du kích xã và thằng Trung cũng chưa có giấy cho giãi ngũ. Mẹ tôi cũng đã hỏi cưới cho tôi 1 người ở xóm trên. Em tên là Trinh, nhỏ hơn tôi 2 tuổi, vẫn hay cùng mẹ chèo xuồng qua xóm tôi bán bánh bông lan, bánh bò, tôi cũng hay qua nhà em chơi và Cha mẹ em rất quý mến tôi. Vì ở trong xã thì tôi là người được đi học cao nhất mặc dù tôi chưa có tấm bằng đại học nào cả, chỉ học được có 2 năm rồi nghĩ về quê tới giờ, mỗi lúc rảnh tôi vẫn thường hay kéo 3 thằng bạn sang nhà em làm vài xị rượu đế với Cha em, dĩ nhiên các bạn cũng biết 3 thằng bạn thân của tôi là ai rồi - Hùng, Thanh và Trung.
Đêm định mệnh, chiến tranh trước ngày đám cưới
Chiều hôm đó, chừng giữa tháng 4 tức là còn khoảng 1 tuần nữa là đám cưới cảa tôi, sau khi xong xuôi công việc, Ủy ban có tổ chức cho anh em làm băng rôn khẩu hiệu để chào mừng kỷ niệm 2 năm đại thắng 30/4. Xong công việc, anh em tổ chức nhậu ở tại cơ quan luôn, tôi tranh thủ chạy qua rủ thằng Trung và 2 thằng Hùng Thanh, anh em đang ngồi nhậu tưng bừng thì tiếng pháo 105 ly ở đâu bay tới xèo xèo, rùi ầm ầm ngay hướng xóm trên. Xóm trên thì sát với đường ranh giới, còn Ủy Ban xã của tôi thì cách đường ranh giới chưa đầy 1 km nên cũng rất gần, tất cả nhốn nháo lên, thằng Trung thì chạy về đơn vị Đồn Biên Phòng sát cạnh Ủy Ban xã, còn thằng Thanh và Hùng cũng chạy về chốt dân quân tự vệ cũng cách Ủy Ban khoảng 500 mét. Mấy anh công an xã xách súng chạy ra chiến hào, tôi cũng chụp ngay khẩu K54 của anh 3 tôi, lúc đó anh ấy đã xỉn, ngủ lúc nào rồi, tôi chạy theo công an xã ra chiến hào, núp đó chờ xem tình hình thế nào. Rồi tôi thấy thằng Hùng với thằng Thanh chạy qua chung với 2 anh em du kích xã nữa, tôi hỏi: sao không ở bên chốt du kich mà chạy qua đây làm gì? bên đây có công an xã bảo vệ rồi, tụi nó nói là anh Quốc Trung đội trưởng du kích kêu 4 thằng qua đây bảo vệ Ủy ban xã.
http://img2.news.zing.vn/2013/07/12/zing-nghe-thuat-1.jpg
Dân quân du kích 
Tất cả chúng tôi nằm im chờ xem tình hình, lạ thay đạn không bắn vào chúng tôi mà cứ nhè vào xóm trên mà bằn, lữa đỏ cả xóm, tôi rất lo vì nhà của Trinh cũng ở xóm trên, không biết em và gia đình có chạy về xóm dưới kịp hay không, nhà tôi lúc đó ở xóm dưới. Khoảng 10 phút sau, tôi thấy có 1 thanh niên chạy lại chổ chúng tôi, báo là Quân Miên tràn qua đông quá, xóm trên chỉ có 8 tay súng du kích nhưng bị chết gần hết rồi, kêu anh em Biên phòng lên tiếp viện gấp. Tôi là người đầu tiên xung phong chạy qua báo cho Đồn Biên phòng, khi tôi chay qua thì thấy anh em đã chuẫn bị sẵn hết rồi nhưng vẫn còn xung quanh đồn, chưa di chuyển quân lên. Tôi la lên nói là du kích xóm trên chết hết rồi, sao mấy anh chưa lên đó nữa! ông Tập chỉ huy đồn quát lớn: mầy biết gì về quân sự mà nói! Tôi im ngay, thằng Trung an ủi tôi: cấp trên nói đợi tụi Miên vào sâu khoảng 500 mét mới được đánh, chứ nó chỉ pháo kích qua thôi đánh sao được, mình đâu được đánh sang đất nó đâu.
Tôi lũi thũi đi về trong lòng tôi ghét cái ông Tập đó lắm, du kích bên đó chết gần hết dân mình thì sắp bị Miên giết mà ỗng không chịu đưa lính lên gì hết. Tôi về tới chỗ anh em, khoảng 5 phút sau thì nghe tiếng đạn nhọn bên hướng xóm trên rộ lên, rồi tiếng la hét thất thanh cảa dân bên đó. Thế rồi mãi 10 phút sau mới thấy lính trong đồn Biên phòng di chuyển quân lên, đi đầu là thằng Trung vì nó là lính trinh sát mà. Khi Lính biên phòng tiếp cận gần với xóm trên thì cũng là lúc đạn pháo 105 ly chuyển làn bắn vào Ủy ban xã và Đồn biên phòng, khi tiếng súng của lính Biên Phòng rộ lên ở xóm trên thì pháo 105 ly lại chuyển làn về hướng xóm trên lại.
Lúc đó, 1 suy nghĩ đen tối hẹp hòi trong tôi hiện lên, tôi kêu thằng Hùng với thằng Thanh và 2 anh em du kích xã nữa chạy về phía xóm dưới là nhà của tôi và 2 thằng nó. Tôi nói với tụi nó là ở đây có công an xã lo rồi mà phía trước còn có Bộ đội biên Phòng nữa, mình ở đây làm gì, 5 đứa mình chạy về nhà bảo vệ xóm mình, lỡ tụi Miên nó đánh qua xóm mình thì sao, giống như xóm trên vậy bị đánh gần nữa tiếng mà Biên Phong mới lên.  Tụi nó cũng nghe theo tôi vì nhà tụi nó cũng toàn ở xóm dưới gần nhà tôi mà thôi, thế là 5 thằng chạy thẳng về nhà mặc cho ông Phó chủ tịch xã la um sùm bắt ở lại bảo vệ Ủy ban xã.
  Đường khuya vắng trời tối đen như mực, cả 5 thằng băng đồng chạy về, đang chạy thì đụng ngay 2 thằng Miên chắc là trinh sát đang bò vào xóm tôi, 5 thằng tôi chạy ngang hông cộng với tiếng đạn pháo vang trời nên tụi nó không nghe thấy. Tụi nó mò vào gần sát mép sàn nhà bác 8 nên ánh đèn dầu trong nhà soi ra, chúng tôi nhìn rõ 2 thằng nó, thế là khẩu K54 của tôi bắn đầu tiên, nhờ lúc trước tụi nó có dạy tôi cách bắn K54, AK47 được 2 tháng rồi, 1 thằng lăn ra đất còn thằng kia nhóm dậy định chạy thì thằng Hùng cũng bồi luôn 1 loạt AK, nó cũng té ra mương luôn. Thế là thu được 2 khẩu súng, chiến công đầu tiên của tôi là diệt 1 thằng Miên Đỏ bằng 3 phát đạn K54. Về tới xóm thì cả xóm đã chui xuống hầm hết rồi, thế là 5 thằng tôi phục ngay cái sàn xi măng sát bờ kênh để dành phơi lúa vì nếu tụi Miên muốn qua được xóm tôi chắc chắn phải bơi qua kênh, mà ngay chổ đó là nơi phục kích lý tưởng nhất.
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEiq7d-0tCz91TZvzbIQTiXCQ18JOWMz8iEOXK2iZgy5uFNkwhx4vCnQCgETMchKWdQcdJ7ltc5fewoKKmP9akhuRgUZWr52Mv51Yjg8g9NMCLa6omGW3N9QZit-FUnrf3JnfkmQfb75_Q9X/s640/a36a.jpg
(ảnh minh hoạ)
Theo Võ Văn Be/ Vnmilitaryhistory
_______________

Xem tiếp:

Ký sự của người đầu tiên nổ súng bảo vệ Biên Giới Tây Nam (II)
Ký sự của người đầu tiên nổ súng bảo vệ Biên Giới Tây Nam (III) 
Ký sự của người đầu tiên nổ súng bảo vệ Biên Giới Tây Nam (IV)
Ký sự của người đầu tiên nổ súng bảo vệ Biên Giới Tây Nam (V) Chuyện bên lề



______________

Tìm kiếm Blog này