Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Ký sự của người đầu tiên nổ súng bảo vệ Biên Giới Tây Nam (IV)

Bỗng chợt tôi nhớ đến Trinh đang còn nằm trên bệnh viện Huyện, tôi định lên thăm Trinh nhưng vì tôi mới vào đơn vị chưa được bao lâu mà đã xin phép nghỉ thì cũng kì. Vì tôi lo lắm nên quyết định kêu tụi nó về xin dùm, còn tôi thì đi bộ lên xã Ba Chúc, chỗ nhà bà con có Cha mẹ tôi đang ở tạm, tôi mượn chiếc honda 67 chạy thẳng lên Thị trấn Tri Tôn. Chẳng xa lắm, từ Ba Chúc đến Tri Tôn khoảng chừng 17 km thôi, đường thì vắng và gồ ghề nên tôi chạy chậm. Khoảng 1 tiếng sau mới tới, bước vào bệnh viện tôi liền hỏi chú bảo vệ: mấy người dân bị thương ở Ba Chúc, Lạc Quới chuyển lên đây nằm ở đâu vậy, chú chỉ qua bên khoa Ngoại. Tôi chạy sang thì gặp Trinh đang ngồi trên giường nói chuyện với người Dì bà con ở Tri Tôn, mấy hôm nay chăm sóc em. Câu hỏi đầu tiên em hỏi tôi: Cha Mẹ em mất hết rồi phải không anh, tôi cứng họng không biết nói sao, thế là tôi đành nói thật là Cha mẹ em chết hết rồi dân làng đã đấp mộ cho, mấy chục bà con xóm trên bị thiệt mạng trong vụ đó ở ngay tại xóm trên luôn, xóm trên của em bây giờ chẳng còn ai cả, nhà cũng cháy hết rồi. Em im lặng một lúc lâu không nói gì, tôi nghỉ chắc em cũng đã hiểu điều đó, câu hỏi mà em hỏi tôi chắc là muốn khẳng định lại có đúng hay không mà thôi. Tôi kêu em khi nào khỏe thì về nhà anh ở luôn đi, Cha Mẹ anh đang mong em lắm, tôi ngồi tâm sự với em đến khoảng 10 giờ đêm khi cô y tá kêu tôi về không được nói chuyện nữa để cho bệnh nhân ngủ, tôi mới xách xe về.
BA CHÚC QUÊ HƯƠNG TÔI - 30
Quân Pol Pot đã giết hàng ngàn dân vô tội ở cánh đồng xã Ba Chúc, tháng 4/1978

http://static.kienthuc.net.vn:81/images/contents/maianh/20130405/ktt_bachuc3_kienthuc.jpg
Bọn Pol Pot đã thực hiện cuộc hành quyết nhân dân ta vô cùng man rợ, 14/4/1978
Ám ảnh những vết máu loang trong chùa Phi Lai 
Xương cốt được gom về chùa Phi Lai, xã Ba Chúc 

Về đến nhà trả xe cho người bà con và ngồi nói chuyện với Cha mẹ một lúc thì tôi cũng lội bộ về đơn vị. Bầu trời đêm sao rất sáng và yên bình, không một tiếng súng nào. Tôi về đến Trạm du kích thì thấy tụi nó đang ngồi nhậu um sùm, lại nhâu nữa, nhưng hôm nay tụi nó không trải chiếu ngồi chổ hôm qua nữa mà ngay vách tường ngoài sau Trạm. Tôi hỏi: sao chui vào đây chi cho muổi chích, tụi nó nói: mầy muốn chết giống 2 thằng kia nữa hả, tôi nhìn xung quanh mâm nhậu thì thấy có cái vòng thằng nào mới vẽ, tụi nó nói là vẽ vòng kim bát quái để cho pháo không bắn trúng giống bữa qua nữa, cái chuyện mê tín đó thì tôi không còn lạ gì bọn này. Nhậu với Ếch nướng muối ớt, món đó rất ngon nên tụi nó ngồi tới gần 1 giờ khuya mới đi ngủ, tôi nghe nói là lúc nãy thằng Thanh do ghiền rượu quá cũng ôm cái tay băng bột chạy về nhậu ké được mấy ly, cái tay băng bột của nó nhức quá nên nó chạy về trạm xá lại, đúng là cái thằng ghiền rượu hơn sợ chết.

Sáng hôm sau cũng như mỗi buổi sáng hàng ngày, chúng tôi vệ sinh cá nhân xong lại quây quần bên tách cafe nóng và nhâm nhi thuốc lá với nhau trên cái sàn xi măng trước Trạm du kích. Thì thấy thằng Thanh lót tót đi về, nó nói là ở trên Trạm xá buồn quá, mới hôm qua trốn đi nhậu về bị mấy cô y tá phát hiện chửi quá trời, nó ghét sáng ôm mấy bộ đồ bỏ về luôn, tôi hỏi: cái tay của nó đỡ chưa mà về, nó nói: bình thường không có gì đâu, ở đây với anh em cho vui khi nào thay băng thì lội bộ qua bên Trạm y tế thay cũng được.
http://i84.photobucket.com/albums/k16/vo_quoc_tuan/linh%20tinh/bien%20gioi/14.jpg(Ảnh minh hoạ) 
Buổi trưa hôm đó, đến lượt tôi gác ngoài chốt, thằng Thanh do còn bị thương nên không phải gác nhưng nó ở trong Trạm cũng buồn nên đi ra ngoài chốt chơi với chúng tôi, 2 thằng nằm trên 1 cái võng nhìn mây gió và nhìn xa xa về phía bên kia biên giới xem bon địch đang làm gì. Cả 4 thằng đang lim dim theo làn khói thuốc thì thấy thấp thoáng xa xa có 1 nhóm người bên kia biên giới tiến về phía chúng tôi, khoảng cách ngày càng gần, lạ nhĩ Pốt có bao giờ đánh ban ngày mà sao hôm nay chúng kéo qua công khai trước mặt chúng tôi thế,
Cả 3 thằng bắt đầu lên đạn từ từ, còn thằng Thanh không có súng nên bắt nó chạy đi báo cáo tình hình, 5 phút sau đã thấy chúng nó tràn ra đầy chốt, có thằng mới tắm xong chưa kịp mặc áo chỉ mặc được mỗi cái quần xà lõn cũng xách súng chạy ra. Khi đoàn người tiến gần chúng tôi nhìn rõ thì thấy có cả mấy con bò dắt theo nữa, có thằng nói đùa là Pốt đánh ta mấy ngày nay không được nên đem bò qua cống nạp đấy mà!.
Khi họ tiến đến gần sát chốt nhưng chắc họ chưa phát hiện ra chúng tôi nên vẫn cứ đi, chúng tôi phát hiện thấy có mấy thanh niên có cầm súng nữa. Anh Huy bắn chỉ thiên 3 phát súng, bọn họ dừng lại vẻ mặt ngơ ngát sợ sêt, bọn tôi hỏi to ra: "tâu na?". Có ông già biết tiếng Việt đi từ từ vào chốt nói là Ăng ka (Tổ chức) giết dân làng, bọn tôi không muốn chết hết nên kéo nhau chạy sang Việt Nam nhờ bà con Việt Nam cứu dùm. Anh Huy hỏi: thế còn mấy thằng cầm súng AK kia là ai, ông già nói bọn nó là con cháu của làng chúng tôi, bọn nó đào ngũ chạy theo chúng tôi, trên đường đi sợ bị lính Ăng ka giết nên phải cầm súng theo để tự vệ,

Anh Huy kêu tôi với 2 thằng nữa ra thu súng của bọn kia rồi dắt ông già đi vào Trạm, tôi ra thu súng của bọn chúng mà run gần chết, nhìn thằng nào thằng nấy to khỏe như con trâu, tay lăm lăm AK ai mà không sợ, lỡ nó làm phản bắn mình rồi sao! Chợt có thằng kêu tên tôi, tôi quay lại nhìn nó, thấy thằng này cũng quen quen nhưng lâu quá rồi tôi không nhớ, tôi chỉ khẽ cười với nó rồi tiếp tục thu súng. Thu được 8 cây súng, rồi dắt bọn họ vào Trạm du kích, tôi đếm được khoảng 35 người, tính luôn trẻ em.
Anh Huy kêu thằng nào chạy lên Ủy ban xã báo cáo. Nửa tiếng sau có một đội dân địch vận xuống nói chuyện với mấy người dân Campuchia đó, cả anh Ba tôi cũng xuống làm việc với họ nữa, đi chung với anh có mấy ông người dân tộc KhmerKrom (người Khmer miền Tây), chắc là cán bộ ở trên Huyện xuống làm việc với mấy người KhmerCampuchia. Rồi anh Ba kêu chúng tôi chặt tre dựng lều cho bọn họ ở, dựng khoảng 8 cái lều bằng cao su, cột chống bằng tre, để họ ở tạm ngay sau trạm Du kích luôn. Biết tâm lý dân mình còn đang rất căm thù người Campuchia, nếu dắt họ vào sâu trong nội địa, sống gần dân làng thì sẽ nguy hiểm cho họ, nên tốt nhất là cho họ ở tạm đây, có gì còn có Du dích xã bảo vệ cho họ.

Chiều tối, có xe tải chở quần áo may sẵn và gạo xuống cho họ, có cả mấy quyển sách chừng 10 trang viết bằng tiếng Khmernói về sự tàn bạo của pốt cho họ đọc nữa. Chúng tôi cũng lấy mỗi thằng 1 cuốn xem nhưng chỉ xem hình thôi chứ có biết đọc chử Khmerđâu, nhìn để biết thằng Ăng ka mặt mũi nó ra sao mà thôi.
Thế là cái xóm Du kích xã từ bữa nay trở đi tăng lên được 35 thành viên đến từ bên Campuchia sang và 3 thành viên đến từ đội dân địch vận ở trên Huyện xuống, không khí từ đó trở đi ngày nào cũng náo nhiệt hết. Bởi vì 3 lý do rất đơn giãn, trong số dân campuchia đó có mấy em gái rất xinh, nên thu hút được bọn nó ngày nào cũng chạy qua đó tán gái, mấy ông Campuchia đó thì nhậu cũng thuộc dạng chuyên nghiệp nên bọn tôi có thêm được rất đông bạn nhậu; cái thứ ba quan trọng nhất là do bọn tôi ở gần để bảo vệ nhóm dân Campuchia trên nên có đồ ăn hoài, vì ở trên Huyện cấp đồ xuống cho dân Campuchia xài, họ đều xách qua một ít chia cho chúng tôi.

Mấy hôm sau ở tuyến biên giới của chúng tôi không có tiếng súng, nghe đồn là bọn chúng không đánh An Giang nữa mà chuyển sang đáng mạnh bên Đồng Tháp và Kiên Giang.
Dân Campuchia và quân lính đào ngũ bên Khmer Đỏ chạy sang rất đông, nên cái xóm dân tị nạn đó cũng tăng dân số lên đáng kể, gần 200 người, và ở trên Huyện cũng cử xuống thêm rất nhiều cán bộ công tác bên nhiều mặt để giúp đỡ nhân dân bạn.
Được sự hổ trợ của các anh trên Huyện đội và các cán bộ trên Tỉnh đội xuống, chúng tôi đã giúp nhân dân bạn xây dựng Lực lượng du kích cho họ, nhưng không phát súng mà chỉ huấn luyện để họ tự quản lý trật tự trong cái Phum mới thành lập sau Trạm du kích xã, chúng tôi cũng giám sát họ rất sát.

Có một lần,
Sau một thời gian tạm ngưng đánh phá tuyến biên giới An Giang. Đêm hôm đó đang trong ca trực gát của tôi, lúc này đã là 2 giờ sáng, nhìn qua nhìn lại chỉ có 3 thằng ngoài chốt, là tôi thằng Hùng và thằng Minh, tất cả bọn nó đều đang ngủ say trong Trạm du kích hoặc đang nhâm nhi ly rượu đế với mấy ông Khmer ngoài sân Trại tị nạn dã chiến. Vì lúc nãy có tí hơi rượu nên tôi hơi buồn ngủ, mắt lim dim nhưng tôi ráng thức vì mà ngủ nữa thì ai canh gác, 2 thằng nó thì đã ngủ gục từ lâu, chỉ còn tôi.
Bỗng đột nhiên, tôi nghĩ ra một trò quậy tụi nó, ý định của tôi lúc đó là nổ một loạt súng, bắn đại cho tụi nó hết hồn chơi, cho tỉnh dậy hết, có ai hỏi thì nói dối là gặp vật gì cử động tưởng quân địch mò sang nên bắn. Thế là tôi lên đạn nhưng chẳng biết bắn vào đâu, tôi nhắm đại ra phía cánh đồng biên giới bắn, vừa bóp cò bắn một loạt 4,5 viên, bỗng nhiên từ đâu cả chục tiếng súng trước mặt rộ lên gần bờ kênh, cách chốt tôi chỉ khoảng 30 mét. Chết cha! Pốt nó rình mình nãy giờ, không ngờ tui bắn chơi để chọc tụi ngủ gục ai ngờ bắn ngay ổ tụi Pốt. Nó bắn lại, tôi núp xuống công sự, 2 thằng kia cũng chồm dậy chụp súng hỏi: chuyện gì vậy? tôi nói: Pốt tấn công chứ gì, kêu thằng Minh chạy về cấp báo. Còn tôi với thằng Hùng núp đó canh, coi tụi nó có xung phong không, 2 thằng cũng bắn trả được vài viên đạn thì thấy chúng nó la "chôl. chôl" vang trời! Tiếng chôl vừa cất lên là 2 thằng tôi cong đít chạy vào trong hết bỏ chốt luôn, chạy được nửa đường thấy tụi nó chạy ra, 2 thằng tôi kêu tụi nó chạy ngược lại chiến hào trong Trạm Du kích nhanh, tụi Pốt đang tràn lên, thế là cả lũ quay lại chạy vào hết.
Chạy vào được tới trong thì nghe ở phía sau mấy người Khmer tị nạn hoảng loạn chạy nhốn nháo, tôi chạy thẳng ra sau kêu bọn họ bình tĩnh im lặng, anh em Du Kích đang chặn tụi Pốt lại rồi, chút xíu nữa là bộ đội chủ lực qua tới liền bà con an tâm. Lúc đó có mấy ông Khrme khoảng 7,8 người gì đó chạy lại chỗ tôi nói là cho họ chiến đấu tiếp chúng tôi, tôi nhìn họ một lúc rồi chẳng nghĩ ngợi gì hết, lùa họ vào trạm Du kích, trong đó còn cả kho súng chưa kịp nộp lên cho Huyện đội. Lấy cho mỗi ông 1 cây và 2 băng đạn rồi lùa mấy ông nội đó ra ngoài chiến hào, tôi làm chỉ huy mấy ổng, vừa ra tới chiến hào anh Huy liền chửi tôi:  "mày có điên không mà đưa súng cho bọn nó, lỡ có thằng nào làm phản thì sao",  tôi nói: tụi nó không dám đâu, có thêm người càng tốt.

Rồi tất cả cũng tập trung vào trận chiến. Bọn Pốt chiếm được chốt tiền tiêu rồi nhưng chưa thấy thằng nào xung phong vào đây mà chúng chỉ bắn vào. Chừng 10 phút sau, bỗng nhiên bọn chúng bắn mạnh vào, rồi chúng từ phía trước mặt và xéo về phía trái ùa vào đông lắm, khoảng trên 50 thằng vừa chạy vào vừa bắn chí chóe. Bọn tôi khỏi ai nhắc ai cũng đáp trả bọn chúng. pằng ... pằng, chéo ... chéo.
Mấy ông Du kích Campuchia tôi mới thu nạp khoảng 20 phút trước cũng bắn rất hăng, tôi thấy có ông đứng thẳng người lên ngắm bắn luôn chứ không ngồi dưới công sự nữa, bắn rất chuyên nghiệp và thành thạo. Chắc chắn trong số này có mấy ông lúc trước đi lính cho Pốt chứ gì nữa, bắn được một lúc thì thấy tụi nó không vào nữa, có lẽ bọn nó thấy ta chống trả mạnh quá.
Khi quân địch có dấu hiệu bỏ chạy thì anh Huy nhắc anh em là khi nào anh hô xung phong là tất cả ùa lên bắn mạnh vào đẩy chúng ra khỏi chốt tiền tiêu luôn. Khi anh Huy vừa la xung phong, bọn tôi nhào lên hết nhưng mấy ông Campuchia chưa thấy nhào lên, chắc họ bị bất ngờ, khoảng vài giây sau thì họ cũng nhào lên vừa chạy vừa la "chôl ...chôl".
Bọn Pốt ngoài chốt nghe quân ta xung phong lên thì bỏ chốt chạy một đoạn lại nghe mấy ông nội này la tiếng Khmer, tưởng có viện binh đến tiếp viện đánh bọc sườn quân ta, thế là bọn chúng không chạy nữa mà nằm xuống bắn lại chúng tôi. Báo hại chúng tôi không lên được mà phải chui vào góc dừa núp hết, thiệt là mệt mấy ông nội Campuchia này, đang hù tụi nó bỏ chạy gần chiếm lại được chốt tiền tiêu rồi bị mấy ổng la chôl ...chôl, cái tụi kia như được lấy lại tinh thần không chạy nữa.
Lúc này có ông Campuchia kia hỏi tôi sao mấy ông không lên tiếp tụi nó đang chạy mà, tôi nói không thấy nó nghỉ chạy nằm bắn lại rồi à mấy ông có giỏi thì lên trước đi, tui theo sau. Cứ tưởng là ông im lặng nghe theo tôi, ai ngờ ông cầm súng vừa bắn vừa chạy lên trước, rồi mấy ông Campuchia kia cũng chạy theo. Chúng tôi thấy vậy cũng lên theo luôn, la xung phong vang trời, tụi Pốt mới chịu chạy tiếp, rượt tới chốt rồi anh em phóng xuống chốt nằm bắn theo, không rượt nữa.

Lúc này tôi mới lấy lại bình tĩnh, hỏi mấy ông Campuchia đó: bộ lúc trước mấy ông có đi lính Khmer Đỏ hay sao mà bắn súng hay thế? mấy ổng gật đầu lia lịa, nói là tại bòng (anh) không biết chứ mấy tụi tui hiểu hết, vì lúc trước chúng tôi cũng từng đi lính Khrme Đỏ mà, tụi nó chỉ được cương một chút thôi nếu mình mềm là tụi nó cương tiếp, còn mình cương lại với nó là nó chạy luôn!.
Tôi gật đầu thán phúc mấy ông này, đúng là cựu binh Khmer đỏ có khác, chẳng những am hiểu được bản tính của tụi Pốt mà còn chiến đấu rất gan không biết sợ chết là gì. Tính về phần máu lửa thì tụi Du kích bọn tôi còn thua mấy ông đó xa.
.....
Chuyện ở Trại tị nạn dã chiến,
Huyện cử xuống một số giáo viên người Khmer để dạy cho bà con Campuchia ở đây học tiếng Việt và dạy chữ Khmer cho các em nhỏ Campuchia. Thế là cái trường mới được thành lập, diện tích chỉ khoảng 40 mét vuông, được xây bằng mấy tấm bạt cao su vá lại với nhau chống bằng mấy thanh tre già.
Cái trường đó ban ngày dùng để cho các cán bộ chính trị ở trên Huyện xuống giảng giải về chính trị và tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia cho bà con Khmer, còn ban đêm thì để dành để dạy tiếng Việt cho họ.
Trong số các giáo viên người Khmer ở trên Huyện cử xuống có một cô giáo tên là Râm Thia rất xinh xắn dễ thương, mặc dù là người Khmer nhưng do từ nhỏ đã sống ở Thị trấn Tri Tôn nên nhìn nước da của em trắng không thua gì người Kinh, đôi mắt mang nét hao hao giống con gái Ấn Độ, mũi cao, nói chung là đẹp toàn diện. Vì vậy mà em đã làm cho bao nhiêu chàng Du Kích say mê.
Tôi thì cũng biết chút ít tiếng Khmer nên ban đêm sau ca trực cũng hay qua bên lớp học đó để dạy thêm cho các em học toán cấp 1. Thằng Thanh say mê em Thia nên hay đòi theo tôi qua bên đó chơi, nó nói: mày dạy học cho các em còn tao thì đứng canh gác, lỡ có giặc tới tao bảo vệ các em nhỏ, tôi cũng chọc lại nó: có giặc qua mày bảo vệ các em nhỏ hay là bảo vệ em Thia của mày? Tôi cũng để ý thấy là Thia cũng mến nó lắm, mỗi lần nó đi bắn cò về đều đem qua tặng em Thia và các chị em giáo viên hết chẳng để lại con nào cho bọn tôi nhậu cả.

Bữa nọ có một ông Campuchia nói với tôi là tôi có thể dắt ổng đi kiếm mua mấy nhạc cụ của người Khmer để ban đêm bà con đàn hát cho vui vì ngày xưa Pol Pot đốt hết nhạc cụ không cho dân đàn hát gì hết. Nếu mua được thì ổng cho tôi 3 cây vàng, lúc đó tôi cũng biết là người Campuchia chạy nạn qua đây mang vàng theo nhiều lắm nên tôi đồng ý dắt ổng đi kiếm mua nhạc cụ, tôi rủ thằng Thanh với thằng Hùng cùng đi có gì còn chở hàng về cho dễ.
Thế là 3 thằng tôi cùng ông già đó đi mượn 2 chiếc xe Honda 67, 4 người chạy lên Thị trấn Tri Tôn, vì ở trên đó đồng bào Khmer Krom ở rất nhiều nên có thể dễ dàng kiếm mua được. Chúng tôi lên đó hỏi thì được người ta chỉ là vào trong Sốc Ô Lâm có người chuyên làm nhạc cụ Khmer, chúng tôi chạy vòng gần hết cái núi Tô thì vào tới Sốc.
Vào trong Sốc, tôi giới thiệu với bà con ông này là người dân tị nạn bên Campuchia chạy qua ở dọc biên giới rất đông nhưng không có nhạc cụ nên vào đây kiếm mua nhạc cụ về để bà con ngoài đó đàn hát cho vui. Mấy người Khmer ở đây nghe vậy mừng lắm tặng luôn cho 2 bộ nhạc cụ thật đẹp khỏi cần bán luôn. Rồi đòi đi theo bọn tôi ra ngoài biên giới để nhận bà con, vì đồng bào Khmer sống lâu đời ở An Giang và đồng bào Khmer bên Tà-Keo Campuchia có bà con dòng họ với nhau rất nhiều, nhưng do mấy năm Pol Pot cầm quyền nên bà con bị mất liên lạc với nhau.
Thế là lúc đi chỉ có 4 người mà lúc về tới gần 20 người, mang theo nhạc cụ và mấy chục bao gạo chở bằng xe bò, rồi đường muối bột ngọt rất nhiều để giúp đỡ đồng bào tị nạn. Đoàn người đi y hệt 1 đoàn cứu trợ nhân đạo vậy, về tới cái phum tị nạn thì có người nhận ra bà con có người không tìm được bà con, nhưng nói chung ai cũng vui vì gặp được đồng bào của mình.

Ông già lúc đó rất vui nên tặng cho chúng tôi 6 cây vàng luôn, 1 thằng 2 cây. Có vàng rồi cũng chẳng biết dùng vào việc gì nên chúng tôi cất đó chờ khi nào hết chiến tranh thì cất nhà riêng cưới vợ, cả 3 thằng đều nhất trí như vậy. 2 thằng nó đem gửi ai thì tôi không biết nhưng tôi thì đem cây vàng về gởi cho Cha Mẹ tôi cất giùm. Trích ra 1 ít để cho em Trinh mua đồ nghề về làm bánh Bò bánh Bông Lan bán vòng vòng quanh xóm. Hôm sau tôi thấy thằng Thanh nó mua ở đâu 1 đống áo quần con gái rất đẹp đem qua tặng em Thia, chắc là nó lên chợ Huyện bán vàng rồi mua đồ về tặng bạn gái đây! Tôi hỏi nó sao mày không mua quà cho tao, nó đem ra cái hộp trong đó đựng mười mấy cái đồng hồ đeo tay xịn, nó tặng mấy anh em trong chốt mỗi thằng 1 cái. Rồi chiều tôi lại thấy nó chạy lên trên Ba Chúc kêu xe lôi chở về 50 ký thịt bò và gần 30 thùng bia để tối làm liên hoan cho anh em du kích và các anh em Campuchia qua nhậu một trận cho đã.
Đêm hôm đó chúng tôi làm liên hoan tưng bừng đốt lửa sáng đêm, toàn uống bia với ăn thịt bò nướng, xào tái chanh đủ kiểu, ngon vô cùng.
 Tôi hỏi thằng Thanh: sao mày xài sang vậy, chắc bán hết 2 cây vàng rồi chứ gì, nó nói là còn được vài chỉ tao đưa mẹ tao rồi. Tôi hỏi: thế sau này hết chiến tranh mày lấy gì cưới vợ, nó nói tới đó làm lúa kiếm tiền cưới vợ, còn bây giờ có bao nhiêu xài bấy nhiêu đi, chiến tranh biết khi nào hết, sống chết giờ nào ai biết được. Thấy cũng tôi nghiệp nên tôi với thằng Hùng cũng trích vàng ra, 1 thằng chia lại cho nó 5 chỉ để dành.
Những kỷ niệm như vậy, chúng tôi không bao giờ quên!
.....

Mỗi lần nghe lại bài hát 'Miền Nam ơi chúng tôi đã sẵn sàng!', tôi lại nhớ đến hình ảnh những người con đất Bắc đã chiến đâu để bảo bệ bờ cõi sông núi của ông cha ta, những hình ảnh của các anh sẽ mãi không bao giờ phai trong trái tim của mấy chục triệu đồng bào miền Nam.
         Tôi xin gởi lời tri ân đến các anh những người con dân tộc đã chiến thắng trở về.
          Tôi xin kính cẩn nghiên mình trước vong linh của các anh đã nằm xuống.
           Dẫu năm tháng đã trôi qua nhưng máu xương và một phần thân thể của các anh sẽ mãi thắm vào sông núi trời Nam để cho mảnh đất phương nam mãi mãi xanh tươi.
Mượn câu thơ rất hay của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ thay lời kết.
     Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

http://i1240.photobucket.com/albums/gg493/giadinhvosan/be.jpg
Các nhân vật trong câu chuyện chụp ảnh lưu niệm năm 1979, theo thứ tự từ trái qua phải: Võ Văn Be, Võ Thế Thanh, Võ Nhựt Hùng, Vũ Sỹ Trung. BBT được biết bác Võ Văn Be sau này là thầy giáo.
Theo Võ Văn Be/ Vnmilitaryhistory

Tìm kiếm Blog này