Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (1-1968) đã
đi đến một quyết định lịch sử “chuyển cuộc cách mạng miền Nam Việt Nam sang
một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”, và chỉ rõ nhiệm vụ cấp bách
là động viên sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả hai miền, đưa
cuộc chiến tranh cách mạng của ta tiến lên một bước phát triển cao nhất, bằng
phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định. Hội
nghị còn chủ trương mở rộng cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào dịp tết
Mậu Thân, nhằm giáng một đòn mạnh vào ý chí xâm lược Mỹ.
Để thực hiện mục tiêu này, chủ trương của Tỉnh ủy là: “Tập trung lực lượng
vào hướng trọng điểm thị xã Tuy Hòa, tiêu diệt bằng được một số mục tiêu quan
trọng, với phương châm tổng công kích và khởi nghĩa giải phóng thị xã”.
Đối với các quận, ta chủ trương đánh vào quận lỵ, chi khu, căn cứ hậu cần
của địch, đánh tan bộ máy ngụy quyền ở nông thôn, thực hiện tổng công kích và
khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 20-1-1968, Tỉnh ủy họp lần cuối cùng để kiểm tra công tác chuẩn bị và
duyệt phương án tấn công, nổi dậy ở Tuy Hòa và các quận. Chiến dịch được
mang ký hiệu T. 25, Tỉnh ủy phân công các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy phụ
trách các địa bàn và các khâu.
Lực lượng đánh vào thị xã có tiểu đoàn 85, đại đội đặc công 202 của tỉnh,
các đội công tác của thị xã, bộ đội địa phương, tiểu đoàn 12 trung đoàn 10.
Ở quận Hiếu Xương, tiểu đoàn 14 thuộc trung đoàn 10 và đại đội 377 trực
tiếp đánh vào quận lỵ tại Phú Lâm, sân bay Đông Tác...
Vào lúc 0 giờ ngày 30-1-1968, các đơn vị đặc công nổ súng tấn công vào
khu huấn luyện trung đoàn 47, khu cố vấn Mỹ, Ty cảnh sát. Đến 3 giờ sáng, các
chiến sĩ ta rút ra đứng chân tại Ninh Tịnh. Hướng tây bắc tiểu đoàn 12 trung
đoàn 10, sau khi nổ súng phá các lô cốt bảo vệ, cố vượt qua hàng rào thép gai
để lọt vào bên trong, do không có kềm cắt nên phải dùng tay bới cát để vượt qua
rào. Đúng 3 giờ sáng, quân ta đột nhập đánh chiếm sân bay, diệt một đại đội bảo
an, một đại đội lính Mỹ bảo vệ sân bay. Để bảo toàn lực lượng, ta rút về xóm
Đạo thì trời đã sáng, Đảng ủy và Ban chỉ huy mặt trận quyết định trụ lại xóm
Đạo.
Sáng ngày mồng một Tết, địch huy động lực lượng bộ binh, máy bay, xe
tăng mở các đợt phản kích. Chiến sĩ tiểu đoàn 12 vẫn kiên trì, giữ vững trận địa
đánh địch. Đến 10 giờ sáng ta chỉ còn lại 10 đồng chí, song vẫn anh dũng đẩy lùi
các cuộc tấn công của địch từ hướng lù trầm xã Bình Kiến tiến vào. Qua một
đêm chiến đấu, tiểu đoàn 12 đã loại khỏi vòng chiến 109 tên địch, thu 4 súng
trung liên, phá huỷ 4 khẩu pháo, 4 xe tăng M113, đốt cháy một kho đạn.
Đợt tấn công lần thứ hai vào Tuy Hòa được tiến hành vào đêm 4-2-1968
(mùng 5 tết). Tiểu đoàn 85 của tỉnh chia làm hai mũi, một mũi đánh vào khu Ga,
một mũi đánh vào khu Nhà đèn. Sau đó, hai mũi cùng phối hợp đánh vào Tỉnh
đường, Tiểu khu và thu được những thắng lợi bước đầu. Tối ngày 6-2, ta rút
quân ra khỏi Tuy Hòa về đứng chân tại Ninh Tịnh.
Phối hợp với Tuy Hòa, tại Hiếu Xương, tiểu đoàn 14, đại đội 377 cùng với bộ
đội công binh, dân quân, du kích tập kích vào sở chỉ huy trung đoàn 28 Bạch Mã
(Nam Triều Tiên), sân bay Đông Tác, trận địa pháo Hảo Sơn, cắt đứt giao thông
đoạn từ Hảo Sơn đến Đèo Cả. Tại Tuy An, ta đột nhập tấn công vào quận lỵ Phú
Tân. Tại Đồng Xuân, ta pháo kích vào quận lỵ đóng tại La Hai, cứ điểm Đồng Tre
(Xuân Phước), cắt đứt nhiều đoạn đường từ La Hai đi Chí Thạnh (Tuy An), La
Hai đi Gò Sạn, diệt ác ôn tại ấp Long Thăng. Tại quận Sông Cầu, ta đánh địch ở
Phước Lý, Tuy Phong, Trung Trinh, Triều Sơn, Gành Đỏ, bọn ngụy quyền cơ sở
dùng thuyền tháo chạy ra biển. Tại quận Sơn Hòa, ta tập kích sân bay Củng
Sơn, chi khu Phú Đức, lô cốt Cây Đu, phá khu dồn Sơn Hà, đánh địch ở thôn
Bắc Lý, xóm Mới.
Ngày 12-2-1968, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp tại Phong Cao
(Sơn Hòa) để đánh giá và rút kinh nghiệm hai đợt tấn công trong dịp tết Mậu
Thân và bàn kế hoạch, biện pháp tấn công đợt ba.
Đêm ngày 3-3-1968, lực lượng tiến công vào thị xã Tuy Hòa được chia làm 3
cánh. Cánh thứ nhất gồm tiểu đoàn 85, đại đội đặc công 202 vượt qua thôn
Phước Hậu đánh vào khu vực trung đoàn bộ 47 và sở Mỹ. Khi quân ta tiến đến
sát rào, địch phát hiện được bắn trả quyết liệt. Ta dùng kéo cắt dây thép hàng
rào vượt qua công sự đánh giáp lá cà với chúng. Hai bên quần nhau đến 3 giờ
sáng, ta rút ra đứng chân tại xóm Chùa.
Cánh quân thứ hai gồm tiểu đoàn 12 trung đoàn 10 vượt qua các thôn Liên
Trì, Ninh Tịnh đánh vào Ty Cảnh sát ngụy cũng bị lộ, ta rút ra đóng quân tại xóm
Chùa, cùng với tiểu đoàn 85 đánh địch trong ngày 4-3-1968, đến tối rút ra hướng
Long Thủy trở về căn cứ.
Cánh quân thứ ba gồm các tiểu đoàn 11, 13 trung đoàn 10, bộ đội địa
phương đánh địch trên các trục đường xã Hòa Trị, Hòa Định, Hòa Thắng... hỗ
trợ các nơi này nổi dậy truy lùng bọn ác ôn, phá thế bao vây của địch.
- Quận Hiếu Xương, đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4-3-1968, ta tấn công quận
lỵ tại Phú Lâm, giải tỏa khu chiêu hồi Đông Tác, pháo kích sân bay Thọ Lâm và
trận địa pháo trung đoàn 28 Bạch Mã đặt tại Hòa Hiệp, tập kích thôn Phú Hiệp.
- Quận Tuy An, đêm ngày 3 rạng 4-3-1968, ta tập kích vào Hòa Đa, An Chấn.
- Quân và dân Sơn Hòa tập kích vào chi khu quận lỵ tại Củng Sơn, sân bay
và khu dồn ở Sơn Hà.
- Quận Sông Cầu, Đồng Xuân ta pháo kích vào quận lỵ, căn cứ hậu cần
Đồng Đò, căn cứ biệt kích Đồng Tre.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân bắt đầu từ ngày 30-1 đến 4-3-
1968, quân ta đánh 119 trận, hầu hết là các cứ điểm ở thị xã, quận lỵ, thị trấn,
chi khu, các tuyến phòng thủ sân bay, kho tàng, diệt 2.773 tên, phá hủy và phá
hỏng 11 khẩu pháo các loại, đốt cháy 77 xe quân sự, 42 máy bay, 4 kho nhiên
liệu và 5 triệu lít xăng, phá sập 29 lô cốt và nhiều đoạn đường giao thông quan
trọng. Trong đợt này ta cũng đưa hơn 500 thanh niên ra căn cứ tham gia lực
lượng vũ trang.
Để tổng kết và rút ra những bài học kinh nghiệm qua các hoạt động năm
1968, đồng thời chuẩn bị đối phó những diễn biến và âm mưu mới của địch, từ
ngày 5 đến ngày 11-12-1968, Đại hội Đảng bộ tỉnh khai mạc tại khu rừng Mò O.
Đại hội nhận định trong 4 năm qua, địch đã tập trung một lực lượng cơ động
mạnh, tiến hành những thủ đoạn đánh phá thâm độc nhằm đè bẹp phong trào
cách mạng, đánh chiếm các vùng lãnh thổ đã mất nhưng địch không thực hiện
được. Trái lại, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã vượt qua những khó khăn,
khắc nghiệt, kịp thời tổ chức và củng cố phong trào, giữ vững thế đứng, từng
bước đưa phong trào cách mạng tiến lên.
Đại hội rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc chỉ đạo một số công tác
lớn như xây dựng Đảng, xây dựng lập trường tiến công địch, chỉ đạo công tác
bám dân, phối hợp 3 mũi giáp công, tăng cường đoàn kết nội bộ và công tác tư
tưởng.
Đại hội cũng nêu ra một số vấn đề có tính nguyên tắc là: nơi nào không chủ
động tiến công địch thì gặp khó khăn, vì vậy phải kiên trì triệt để, tiến công địch
liên tục trên các mặt. Đại hội bầu Ban chấp hành mới, đồng chí Trần Suyền
được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Ngày 3-2-1969, tại xã Sơn Long (Sơn Hòa), Tỉnh tổ chức hội nghị thành lập
Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh. Đồng chí Trần Suyền Bí thư tỉnh ủy được bầu
giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng.
Nguồn: Thuvienhaiphu