Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Phú Yên thời mở đất (1578 -1611)

Đây là thời kỳ Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng thành công trong sự nghiệp khai thác đất đai và mở rộng vùng Thuận Quảng.

BAN-DO101011.jpg
Bản đồ Hồng Đức, 1490.

Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông triều Lê Trung Hưng cử vào trấn thủ Thuận Hóa năm Mậu Ngọ (1558). Đến năm Canh Ngọ (1570) ông lại được vua giao cho làm trấn thủ cả hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.


Hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam là vùng đất đã được sát nhập vào Đại Việt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông chia bản đồ cả nước làm 13 thừa tuyên (xem Bản đồ Hồng Đức). Trong đó, Thừa tuyên Thuận Hóa có 2 phủ: Triệu Phong và Tiên Bình. Riêng thừa tuyên Quảng Nam mới thành lập năm 1471 coi 3 phủ: Thăng Hóa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (1).

Miền Thuận Quảng có lịch sử khai thác lâu đời, nhưng đến trước khi Nguyễn Hoàng vào trị nhậm, vẫn bị coi là vùng biên viễn xa xôi, xứ sở đày ải của những phạm nhân bị ghép tội đày lưu cận châu hoặc lưu viễn châu và những tù binh bắt được trong các cuộc chiến tranh. Tuy kinh tế còn rất lạc hậu và thấp kém nhưng vùng đất này có nhiều khả năng khai thác và phát triển. Đó là điều kiện tốt cho họ Nguyễn xây dựng cơ sở cát cứ lâu dài.

Nguyễn Hoàng đã để hết tâm lực vào việc kiến thiết và trị an hai xứ Thuận Quảng. Ông biết “vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường xưng là Chúa Tiên” (2).

Lê Quí Đôn viết: “Đoạn quận công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn mười năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu tín phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến buôn bán đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng trong cõi đều an cư lạc nghiệp” (3).

Đoan quận công hết lòng lo giữ yên vùng trị nhậm. Ông đã cho đặt nhiều đồn phòng thủ ở các cửa biển để canh giữ và đối phó với những cuộc tập kích tấn công của quân Mạc.

Ở phía Nam, khi quân Chiêm Thành dưới triều vua Po At (1553-1578) vượt qua ranh giới ở núi Đá Bia xâm lấn ra phía Bắc, Chúa Nguyễn Hoàng đã cử Thiên Võ Vệ Đô chỉ huy sứ Lương Văn Chánh đem quân bình định.

Công cuộc di dân vào khai hoang lập làng trên đất Phú Yên do Lương Văn Chánh tổ chức thực hiện trong hơn 30 năm, bắt đầu sau khi đánh lấy được Thành Hồ.

Sách Đại Nam liệt truyện chép: “Năm Mậu Dần (1578), người Chiêm Thành đến lấn cướp, Lương Văn Chánh tiến quân đến sông Đà Diễn, đánh lấy được Thành Hồ” (4).

Sau khi đẩy quân Chiêm về cương giới cũ ở phía Nam núi Đá Bia, Lương Văn Chánh đã “Chiêu tập dân Chiêm khai khẩn đất hoang ở Cù Mông, Bà Đài, cho dân di cư đến đây. Lại mộ dân khai hoang ở trên dưới triền sông Đà Diễn (Đà Rằng) chia lập thôn ấp, ngày dần đông đúc (5).

Vì có quân công, Lương Văn Chánh được phong chức Phụ Quốc Thượng tướng quân, tước Phù Nghĩa hầu và được thăng làm An Biên trấn quan huyện Tuy Viễn, coi giữ đất đó.

Năm Đinh Dậu 1597, Nguyễn Hoàng đã giao trọng trách đẩy mạnh công cuộc di dân khẩn hoang lập làng trên vùng đất Phú Yên cho Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh. Nội dung công văn như sau:

Phiên âm:

Thị Phò Nghĩa hầu Lương Văn Chánh năng tòng quân nhật cửu hữu công, quyền uy Tuy Viễn huyện, An Biên trấn quan. Liệu suất Bà Thê xã trục hạng nhân số tính khách hộ các thôn phường tòng hành ứng vụ, nhưng suất thử tân đáo khách hộ nhân dân tựu Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Niễu đẳng xứ, thượng tự nguyên đầu, hạ chí hải khẩu, kết lập gia cư địa phận, khai canh hoang nhàn điền thổ, thành thục nộp thuế như lệ. Nhược sanh sự nhiễu dân khám đắc xử tội.

Tư thị.

Quang Hưng, nhị thập niên,
nhị nguyệt sơ, lục nhật.
Tổng trấn tướng quân
chi ấn”.

Dịch Nghĩa:

“Bảo cho Phò Nghĩa hầu Lương Văn Chánh tòng quân lâu ngày có công, quyền uy huyện Tuy Viễn, An Biên trấn quan, sức nhơn số xã Bà Thê đến hạn và khách hộ các thôn phường tùng hành ứng vụ, nhưng sức các hộ dân mới đến tựu các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Niễu từ trên đầu nguồn cho đến dưới cửa biển, kết lập gia cư địa phận, khai khẩn đất hoang thành thục nộp thuế theo lệ. Nếu sanh sự nhiễu dân, điều tra ra sẽ bị xử tội.

Nay báo cho,
Năm Quang Hưng thứ 20,
Tháng hai, ngày mồng sáu,
Ấn
Tổng trấn tướng quân”

-----------------
(1) Lê Quí Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học, Hà Nội 1964.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập Một, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006 (từ sau sách chỉ ghi Đại Nam thực lục), tr.28.
(3) Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.41-42.
(4) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, NXB Thuận Hóa, Huế 1993 (từ sau sách chỉ ghi Đại Nam liệt truyện), tr.89.
(5) Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr.89.

Năm Quang Hưng thứ 20 tức năm Đinh Dậu (1597). Mệnh lệnh cho Lương Văn Chánh đưa dân đi khai hoang lập ấp trên đây do Nguyễn Hoàng ấn ký với tư cách Tổng Trấn Tướng quân. Mệnh lệnh này chứng tỏ sứ mệnh và uy quyền của Nguyễn Hoàng. Mặc dù đang ở xa khu vực trấn trị, Nguyễn Hoàng vẫn nắm chắc quyền chỉ huy nơi biên cương thuộc phạm vi chức trách.

mo-Luong-Van-Chanh101012.jpg
Học sinh viếng mộ danh nhân Lương Văn Chánh - Ảnh: D.T.XUÂN

Theo mệnh lệnh, Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đang là “quyền uy Tuy Viễn huyện, An Biên trấn quan” phải thông sức cho “các xã nhơn đến hạn” và “khách hộ các thôn phường” thi hành công việc. Đương thời, nhà nước chia xã dân làm nhiều hạng. Chánh hộ là dân chánh quán tại xã, còn khách hộ là dân mới đến ngụ cư ở xã. Sổ hộ tịch của dân chánh quán thường hạn chế ở số nhất định phải chịu thuế, những ai không được tính vào sổ đó gọi là “trục hạn nhơn” cũng như khách hộ vậy. Lương Văn Chánh phải đem các hạng dân này vào khai thác các xứ Cù Mông, Bà Đài, Bà Diễn, Đà Niễu, từ đầu nguồn đến cửa biển, lo khai khẩn đất hoang, xây dựng nhà cửa, lập thành xóm ấp.

Mệnh lệnh thật nghiêm minh, nhiệm vụ được giao rất rõ ràng. Đem một số lớn dân khách hộ (vô sản nghiệp) vào khai hoang lập ấp trên cả một vùng rộng lớn từ nam Cù Mông đến bắc đèo Cả thực không phải chuyện dễ. Cuộc hành quân tiến đánh Thành Hồ trước đây đòi hỏi ở Lương Văn Chánh một tài ba quân sự. Còn đại công trình di dân và hội nhập dân tộc nhằm khai phá xứ sở địa đầu mới này đòi hỏi ở Lương Văn Chánh tài kinh bang tế thế.

Trong suốt thời gian Lương Văn Chánh thi hành sứ vụ trên vùng đất mới, Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng vẫn chưa lập thành phủ huyện xã thôn ngay.

Hơn ba ngàn người Việt từ các vùng Thanh Nghệ và từ Thuận Quảng được Lương Văn Chánh chiêu mộ đưa vào đất Phú Yên. Cư dân tại chỗ lúc này còn nhiều gia đình người Chăm ở rải rác một số nơi và các sách người dân tộc thiểu số ở đầu nguồn phía tây. Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đã biết cách quy tụ, tổ chức hòa hợp tốt, làm cho các bộ phận cư dân trên đất Phú Yên sớm hòa hiếu với nhau. Đó là tư tưởng nhân nghĩa cao cả, lòng yêu nước thương dân sâu sắc của Lương Văn Chánh để lại trong sự nghiệp mở đất Phú Yên hồi cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII. Nhân dân Phú Yên gọi ông là Lương Phù Già với lòng biết ơn và kính trọng.

Công cuộc khai mở đất đai gắn liền với quy dân lập làng trên đất Phú Yên. Khẩn hoang đến đâu hình thành xóm ấp đến đó.

Ở Cù Mông, lưu dân vừa khai thác thủy sản ở ven đầm, vừa chặt cây phá rừng làm ruộng, rẫy. Những địa danh như: Gò Duối, đèo Chùm Gởi, truông Cam Đường, dốc Găng, dốc Quít,... là từ tên gọi các loại cây hoang dại trên vùng đất này thời bấy giờ.

Ở vùng Bà Đài, Lương Văn Chánh giao cho ông Trần Tài - người đã từng sát cánh cùng bình định Thành Hồ hồi năm 1578 - trực tiếp điều khiển lưu dân khai phá vùng châu thổ sông Phú Ngân (sông Cái). Gia phả họ Trần ghi lại: “Ông thủy tổ Trần Tài ở Háo Danh (nay thuộc xã Xuân Thọ, TX Sông Cầu), ngày ngày cưỡi con ngựa hồng xuống núi cột ở gốc cây đa, đưa lưu dân khai phá khu rừng dưới chân đèo Xuân Đài, biến thành cánh đồng rộng lớn gọi là “Đồng ông Tài”. Dần dần mở thêm đất vào Quán Cau, Bàu Súng (nay thuộc huyện Tuy An) và lên phía tây: La Hai, chợ Lùng (nay thuộc huyện Đồng Xuân)” (1).

Ở vùng châu thổ sông Đà Rằng và sông Bàn Thạch, Lương Văn Chánh cử ông Văn Phong, người đã tham gia đánh Thành Hồ trước đây, chỉ huy lưu dân chặt cây phá rừng làm ruộng, lập làng.

Lúc bấy giờ, từ núi Chóp Chài vào đến chân đèo Cả có nhiều cây to, rừng rậm, rất hoang vu. Rừng phá tới đâu, dân cất nhà lập xóm đến đó. Nhiều xóm làng mang tên có chữ “lâm” (rừng) như lưu dấu thời mở đất này. Bên tả ngạn sông Đà Rằng có các làng Mậu Lâm, Nho Lâm, Hạnh Lâm (nay thuộc xã Hòa Quang, huyện Phú Hòa). Bên hữu ngạn có các làng Uất Lâm, Mỹ Lâm, Thọ Lâm (nay thuộc xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa), Hoành Lâm sau đổi thành Phú Lâm (nay thuộc TP Tuy Hòa),...

Hiện nay, hậu duệ dòng họ Văn ở Phú Yên có hai chi: chi ở Phú Hòa, xã Xuân Sơn và chi ở Phú Hiệp, xã Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) (2).

Trong số người theo Lương Văn Chánh vào khai hoang lập làng đầu tiên ở châu thổ sông Đà Rằng có người đồng hương Thanh Hoa và cũng họ Lương là ông Lương Bình. Gia phả dòng họ Lương này lập vào năm Mậu Tý, Đồng Khánh năm thứ 3 có ghi: “Thủy tổ ta quán Thanh Hoa thừa tuyên, Hà Trung phủ, Hoằng Hóa huyện, Phụng Lịch xã, tùng Lương quý phủ vãn Phú Yên tỉnh, lập Phụng Hoàng ấp do Nguyệt Tiên Đồng thôn, nay Ngọc Lãng xã” (3).

Trên bản đồ huyện Hoằng Hóa trong sách Đồng Khánh địa dư chí có ghi tên thôn Phụng Lịch. Nhưng trong bản đồ Đông Dương 1/100.000 ấn hành đầu thế kỷ XX thì đổi thành Phụng Ngô. Cụ thủy tổ Lương Bình theo Lương Văn Chánh vào Phú Yên khi khai lập ấp đã đặt tên Phụng Hoàng gần giống Phụng Lịch để hoài niệm cố hương ở Thanh Hoa. Ấp Phụng Hoàng thuộc Nguyệt Tiên Đồng thôn nay là Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc) nằm ngay phía nam thành phố Tuy Hòa.

Công cuộc quy dân lập làng trên toàn vùng đất từ nam Cù Mông đến bắc đèo Cả do Lương Văn Chánh tổ chức thực hiện đã thành công nhanh chóng. Ông đã kết lập được khoảng 100 thôn ấp, trong đó có thôn Phụng Các (sau đổi là Phụng Tường, nay thuộc xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa), nơi gia đình ông sinh sống. Tuổi già, ông đã lui về nghỉ ngơi cùng gia đình ở Phụng Các. Tại đây, Lương Văn Chánh đã qua đời ngày 19 tháng 9 năm Tân Hợi (1611).

Sách Đại Nam liệt truyện ghi rõ: “Lương Văn Chánh là công thần hồi quốc sơ, khai thác đất đai, mở rộng biên giới, công lao thật rõ rệt” (5).

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Lương Văn Chánh người huyện Tuy Hòa, đầu bản triều làm chỉ huy sứ, đánh được nước Chiêm Thành, thăng Phụ quốc thượng tướng quân, sau làm Tham tướng dinh Trấn Biên, có công chiêu tập dân xiêu tán, khai khẩn ruộng hoang, chết tặng quận công, phong phúc thần” (6).

Sau khi Lương Văn Chánh qua đời, các Chúa Nguyễn đã nhiều lần phong thần và gia phong tướng vị cho ông. Năm 1689, đời Chúa Nghĩa - Nguyễn Phước Thái, Lương Văn Chánh được phong tặng là “Tiền Trấn Biên quan Tham tướng Phò quận công Lương quí phủ Bảo quốc chi thần”.

Các đời Chúa kế tiếp đều có sắc gia phong vào các năm 1693, 1740, 1744 và 1767. Dưới các triều vua Nguyễn, ông còn được 7 lần sắc phong đến Thượng đẳng thần. Tất cả 14 đạo sắc (tính cả sắc đặc tiến năm 1596 và công văn năm 1597 của Chúa Tiên – Nguyễn Hoàng ông nhận lúc sinh thời) hiện còn lưu giữ tại Đền thờ Lương Văn Chánh và dịch chép vào Tộc phả dòng họ Lương (7).

Mộ Lương Văn Chánh nằm ở phía bắc thôn Long Tường, trên một gò cao quay mặt ra sông Bến Lội, hướng thẳng về núi Chóp Chài. Đền thờ Lương Văn Chánh nằm ở làng Phụng Nguyên, cách mộ chừng 500 mét. Mộ và Đền thờ Lương Văn Chánh đã được cấp bằng công nhận Di tích lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia vào ngày 5 tháng 10 năm 1996.

Theo phả hệ họ Lương thì vợ ông Lương Văn Chánh là bà Lê Thị Loan được phong Tần thục phu nhân. Ông bà có 4 người con, trưởng nữ là Lương Thị An, các con kế tiếp: Vĩnh lộc hầu Chánh đề đốc Lương Công Vĩnh, Quảng xuyên hầu Phó đề đốc Lương Công Triều và Thọ khương hầu Cai phủ Lương Công Quí. Các đời sau có 3 người tước hầu, 3 người tước bá, 1 người tước nam.

Công trình đại di dân gắn với tên tuổi Lương Văn Chánh đưa hàng ngàn người Việt vào phía nam đèo Cù Mông khai khẩn đất đai mở mang đồng ruộng, lập nên ngót trăm làng mới đã thành công. Đó là những điều kiện cần thiết mà Chúa Tiên - Nguyễn Hoàng đã chuẩn bị kỹ lưỡng để Phủ Phú Yên ra đời.

------------------------
(1). Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Danh nhân lịch sử Lương Văn Chánh, 10-1976, tr.10
Gia phả dòng họ Trần hiện nay do ông Trần Mạnh Trí, ở 140/2 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh lưu giữ
(2). Phú Yên qua các thời đại lịch sử, Sđd, tr.77
(3). Gia phả Dòng họ Lương hiện do ông Lương Công Hiếu, ở 147 Nguyễn Công Trứ, phường 4, TP Tuy Hòa lưu giữ
(4). Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr.89
(5). Đại Nam liệt truyện, Sđd, tr.89.
(6). Đại Nam nhất thống chí, Sđd, tr.77
(7) Tộc phả dòng họ Lương Văn Chánh từ trang 1 đến trang 27

PGS NGUYỄN QUỐC LỘC
Nguồn: Baophuyen

Tìm kiếm Blog này