Bản thân lính tráng chúng tôi rất ngại chuyện khiêng thương binh, tử sỹ qua các phum Campuchia. Khiêng trong rừng thì thế nào cũng được. Lính mình biết với nhau. Khiêng qua phum, dân nhìn vào, chẳng ra thể thống gì. Thương binh thì máu me dính đầy ra võng. Mà đã qua phum thì phải dừng lại nghỉ, bởi ở phum có nhiều bóng mát. Tất nhiên, qua phum Campuchia đâu phải như qua làng Việt. Chúng tôi không dám vào nhà dân. Bởi nhà nào cũng có anh em, họ hàng, con cháu,… tham gia quân đội Pol Pot. Hơn nữa, dân Khmer không cởi mở như dân mình. Xin miếng nước còn khó chứ đừng nói đến giúp đỡ này nọ. May lắm là có dịp ngồi lại, giở cơm nắm ra ăn , dân dòm ngó xem " con tóp" ăn gì . có gì đâu toàn muối rang với cá khô vừa ăn vừa xấu hổ. Vì thế, sau này, lính tráng bảo nhau, qua phum, kiên quyết không dừng. Dù đói, dù khát, cứ đi thật nhanh qua rồi mới tính chuyện nghỉ.
Khi khiêng tử sỹ, lại càng phải đi nhanh qua phum. Trời nắng, tử sỹ bốc mùi. Lại phải phủ trên võng cáng một cái chăn nữa. Nhưng mùi vẫn bay ra. Khả Minh, lính vận tải sư đoàn, bạn cùng trường tôi, kể:
-“Bọn tao ngại nhất là khiêng tử. Mùi tanh hôi bốc lên kinh khủng. Lúc đầu, bọn tao còn chuẩn bị khăn mặt, khăn mùi xoa để bịt mũi, bịt miệng. Sau vứt đi hết. Bởi quá mệt. Bốn thằng một ca. Tao, Đạt ‘rùa’, thằng Hiến, Công ‘bầu’… lúc đầu còn luồn rừng. Sau vướng không chịu nổi. Ra hết đường. Cho chết. Thôi thì đến đâu thì đến. Chết như tử sỹ là cùng chứ gì! Mày có biết không? Bọn tao lên D8 nhận tử sỹ. Năm ca. Khiêng về Cam Tuất mất một ngày. Nghỉ lại đó. Phải đặt tử sỹ ở xa, bọn 95 mới cho vào đơn vị. Tao vừa vào, thằng Họa hỏi:
- ‘Sao lưng mày có nhiều dòi thế kia?’. Tao đâu biết, hóa ra lúc khiêng tử, đầu võng chúc xuống, dòi bò hết về phía mình. Lúc ấy mệt bỏ mẹ, ai để ý gì đâu? Tao cởi áo ra. Dòi đầy trên lưng, trên áo. Ra suối, giũ qua, lại mặc vào. Làm gì có chỗ nào mà hong cho khô? Sáng hôm sau, lại khiêng đi tiếp. Ngại nhất là lúc khiêng qua phum. Ai phát hiện ra đầu tiên? Không phải dân. Mà là ruồi. Mày không biết, hàng nghìn hàng vạn con ruồi của cả phum bay theo bọn tao. Lao vào cáng tử mà bu. Sau đó, nghe mùi thối, dân đứng trong nhà, xua tay, bịt mũi. Làm gì bọn địch nó chẳng nhận ra.:
- “Coong tóp Việt Nam hóp hời” (Bộ đội Việt Nam chết rồi).
Tôi đã nghe bao lần dân Khmer đứng trong nhà nói vọng ra như thế. Có vẻ cảm thán. Có vẻ chia buồn. Nhưng không biết, đằng sau giọng nói đó là cảm xúc gì của họ? Đối với chúng tôi, cái chuyện chết chóc, mất mát trong chiến tranh là lẽ đương nhiên. Nhưng cốt sao, đừng để dân Khmer nhìn thấy. Xấu hổ? Có chứ sao không. Chúng tôi không muốn nhìn thấy những ánh mắt dõi theo của dân. Nhiều khi, chúng tôi phải khiêng đường vòng, tránh phum, tránh dân. Nhưng như thế rất mệt. Nhiều khi dân vẫn biết. Họ lại chỉ trỏ, xì xào. Chỉ một khoảnh khắc như vậy, bao nhiêu danh dự, bao nhiêu niềm tự hào của một quân đội “đã từng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” bay sạch.
Nhưng không hiểu các cấp chỉ huy có biết nỗi khổ của những người lính chúng tôi không? Hay họ chỉ nghĩ đơn giản. Lính chết ở vị trí A. Khiêng đến vị trí B. Có người đón. Đi tiếp. Vậy thôi. Như robot. Hoàn toàn sách vở. Bao nhục nhã, đắng cay chỉ những người lính biết với nhau. Lính tráng có tâm sự với cán bộ đại đội hay tiểu đoàn thì đều nhận được một câu động viên ráo hoảnh: “Khó khăn khắc phục”.
-“Bọn tao ngại nhất là khiêng tử. Mùi tanh hôi bốc lên kinh khủng. Lúc đầu, bọn tao còn chuẩn bị khăn mặt, khăn mùi xoa để bịt mũi, bịt miệng. Sau vứt đi hết. Bởi quá mệt. Bốn thằng một ca. Tao, Đạt ‘rùa’, thằng Hiến, Công ‘bầu’… lúc đầu còn luồn rừng. Sau vướng không chịu nổi. Ra hết đường. Cho chết. Thôi thì đến đâu thì đến. Chết như tử sỹ là cùng chứ gì! Mày có biết không? Bọn tao lên D8 nhận tử sỹ. Năm ca. Khiêng về Cam Tuất mất một ngày. Nghỉ lại đó. Phải đặt tử sỹ ở xa, bọn 95 mới cho vào đơn vị. Tao vừa vào, thằng Họa hỏi:
- ‘Sao lưng mày có nhiều dòi thế kia?’. Tao đâu biết, hóa ra lúc khiêng tử, đầu võng chúc xuống, dòi bò hết về phía mình. Lúc ấy mệt bỏ mẹ, ai để ý gì đâu? Tao cởi áo ra. Dòi đầy trên lưng, trên áo. Ra suối, giũ qua, lại mặc vào. Làm gì có chỗ nào mà hong cho khô? Sáng hôm sau, lại khiêng đi tiếp. Ngại nhất là lúc khiêng qua phum. Ai phát hiện ra đầu tiên? Không phải dân. Mà là ruồi. Mày không biết, hàng nghìn hàng vạn con ruồi của cả phum bay theo bọn tao. Lao vào cáng tử mà bu. Sau đó, nghe mùi thối, dân đứng trong nhà, xua tay, bịt mũi. Làm gì bọn địch nó chẳng nhận ra.:
- “Coong tóp Việt Nam hóp hời” (Bộ đội Việt Nam chết rồi).
Tôi đã nghe bao lần dân Khmer đứng trong nhà nói vọng ra như thế. Có vẻ cảm thán. Có vẻ chia buồn. Nhưng không biết, đằng sau giọng nói đó là cảm xúc gì của họ? Đối với chúng tôi, cái chuyện chết chóc, mất mát trong chiến tranh là lẽ đương nhiên. Nhưng cốt sao, đừng để dân Khmer nhìn thấy. Xấu hổ? Có chứ sao không. Chúng tôi không muốn nhìn thấy những ánh mắt dõi theo của dân. Nhiều khi, chúng tôi phải khiêng đường vòng, tránh phum, tránh dân. Nhưng như thế rất mệt. Nhiều khi dân vẫn biết. Họ lại chỉ trỏ, xì xào. Chỉ một khoảnh khắc như vậy, bao nhiêu danh dự, bao nhiêu niềm tự hào của một quân đội “đã từng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ” bay sạch.
Nhưng không hiểu các cấp chỉ huy có biết nỗi khổ của những người lính chúng tôi không? Hay họ chỉ nghĩ đơn giản. Lính chết ở vị trí A. Khiêng đến vị trí B. Có người đón. Đi tiếp. Vậy thôi. Như robot. Hoàn toàn sách vở. Bao nhục nhã, đắng cay chỉ những người lính biết với nhau. Lính tráng có tâm sự với cán bộ đại đội hay tiểu đoàn thì đều nhận được một câu động viên ráo hoảnh: “Khó khăn khắc phục”.
trích "Mùa chinh chiến ấy" của Đoàn Tuấn