Người ta ngộ nhận và ngay bản thân tôi ban đầu cũng nghĩ sai do đơn vị mình hoạt động trong nội địa. Người ta nghĩ rằng lính ở CPC sao bằng lính trước 1975 vì Mỹ giàu nhiều bom pháo. Gian khổ sao bằng mấy tháng hành quân dọc dãy Trường Sơn. Sao bằng mặt trận Quảng Trị, Kon Tum, Bình Long - An Lộc... Kh'mer Đỏ, nó là tàn quân thì có gì ghê gớm. Và nhiều so sánh nữa...
Khách quan chẳng sai, nhưng chưa thấu hiểu nên so sánh khập khiễng. Vì tính chất và hoàn ảnh hai cuộc chiến khác nhau. Ở VN đa phần phân tuyến địch - ta còn ở CPC thì đâu cũng có ta, đâu cũng có địch. Thậm chí bản thân người trong cuộc cũng không đánh giá hết thực tế vì mỗi đơn vị chỉ làm phận sự ở một hướng, một vùng, chỉ là một phần nhỏ trên đất nước trải rộng mênh mông.
"Thần tốc, táo bạo" giải phóng làm chủ thủ đô và tất cả các tỉnh thành, cái giá phải trả là 10 năm gian lao sau đó, ngày 07/01/1979 chỉ là mốc khởi đầu. Nói đến các đội quân viễn chinh trong lịch sử, người ta nghĩ ngay đến của nước hùng mạnh đủ tài lực mới đi can thiệp vào nước khác. Quân VN sang CPC khác hoàn toàn, tôi gọi đùa là đội quân viễn chinh An nam cuốc (đi bộ trường kỳ). Không có cái xó xỉnh, núi cao rừng rậm nào mà quân VN chưa đặt chân đến. Thiếu thốn cực khổ trăm bề, ăn mặc nhếch nhác, chả ra gì dưới con mắt của người dân CPC sở tại.
Không có nơi nào nào mà không có địch. Địch đu bám từ thành thị đến thôn quê hẻo lánh, mãi tít trong rừng vắng. Nó là tàn quân nhưng sau cú choáng váng thì cụm lại, tinh thần dân tộc được khơi dậy, vũ khí có TQ bơm cho, Mỹ, Thái... tài trợ.
Ác liệt gian khổ nhất là những nơi biên giới giáp Thái Lan. Ta vây nó, nó vây ta, có những những căn cứ, điểm cao mà hai bên giành giật, chà đi xát lại năm ba lần. Lính phải hành quân truy quét hết ngày này tháng khác, năm tiếp năm. Nghỉ dưỡng quân cao lắm một tuần, nửa tháng. Ta dừng lại thì địch bao vây tấn công, quấy rối, hai bên tập kích, phục kích nhau như cơm bữa. Không biết ngày nào mình đạp mìn, trúng pháo đạn, tính mạng lơ lững, mịt mù ngày về đất mẹ.
Thần kinh luôn căng thẳng. Thành ra người lính đâm ra bất cần, thây kệ cho cuộc sống đưa đẩy. Ngoài những chiến công, hả hê đánh thắng, đoàn kết một lòng là nỗi buồn thoáng chốc khi nhìn xác đồng đội mới đây đã chết. Mới đây còn đùa giỡn với nhau giờ đã mất giò kêu la thảm thiết. Đa số bị sốt rét "lên bờ xuống ruộng", có người chập mạch khùng điên. Thỉnh thoáng có người đào ngũ về nước hay trốn sang đất Thái, có kẻ thành phỉ trấn lột dân buôn...
Lính ở ngoài rừng thì nguy hiểm hơn lính trong dân nhưng có đồng đội xung quanh yểm trợ. Còn lính làm nhiệm vụ trong dân thì sướng hơn nhưng lạnh lưng hở sườn. Dân đấy mà địch cũng đấy, khôn sống dại chết. Còn tùy hên xui, chả ai dám nói thánh nói tướng. Lính ở gần "mặt trời" thì nóng mà sướng, lính xa khổ mà mát. Cũng là thằng lính nhưng ở gần sở chỉ huy được trang bị quần áo, ăn uống không đến nỗi tệ. Xa thì lệ thuộc phương tiện vận chuyển tiếp tế, bị hậu cần cắt xén dần quyền lợi...
Bức tranh khí thế, ảm đạm, bầm dập, vô thường. Đủ thứ hầm bà lằng, nói chẳng bao giờ hết...
Ngoài rừng núi, hai bên đấu nhau bằng súng đạn và xương máu còn trong dân, hai bên đấu nhau bằng cân não.
Cố đấm có ăn xôi? Nói sa lầy cũng đúng mà không cũng đúng, tùy góc nhìn. Nó phải diễn ra như thế. Rốt cuộc cũng an ủi phần nào những người lính đã đổ mồ hôi xương máu, không phải như Liên Xô sau 10 sau theo đuổi. Rồi rút quân khỏi Afghanistan bị quân nổi dậy truy sau đít, lập lại thế cờ như cũ. Gì thì gì, cũng được một chính thể láng giềng đi hàng hai tồn tại đến ngày nay.