Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

Người Kinh ở Kontum thuở sơ khai.

Trong các làng đã lập trước, nhiều chỗ nước độc địa lắm, người có chết mà không sinh ra thêm, và lắm chỗ một làng An-Nam ở giữa, còn bao nhiêu thì Mọi cả, cũng không hay gì. Như làng Phụng-sơn trên này, từ lập ra đến nay dân số 27, cứ 27; làng Ngô-trang, cách 10 năm trước nam, phụ, lão, ấu được 120, nay còn 60; làng Phước-cần ở cách làng An-Nam khác 20 cây số, dân càng ngày càng mòn chứ không thêm tên nào….

Dân số Kontum năm 1884 ước khoảng 500 người, năm 1922 – 3.067 người và 1933 – 5.000 người.
Trong ba năm (1931-1933), dân số của 10 làng tổng Tân Hương thậm chí còn giảm bởi số người chết hàng năm luôn cao hơn 1,5-2 lần so với số mới sinh.

Làng Go Mit chỉ là một loạt những ngôi lều ọp ẹp của người An Nam, chìm giữa những cây chuối, mít và xoài; con đường cái phủ cát trắng cắt ngang xóm làng làm hai và chạy dài chói chang dưới trời nắng; ở Rehai, trên phía bắc con đường, là nhà thờ của Cha bề trên lợp ngói đỏ; phía đằng kia bên phải, bót gác của dân binh sẽ được chuyển đến phía thượng lưu tòa đại lý; cũng ở phía đằng kia, trên hữu ngạn, trường học của hội truyền giáo, một ngôi nhà lớn lợp ngói có nhiều nhà phụ kèm theo

Một số người Kinh làm nghề nông (trồng lúa nước) bằng cách khai phá những vùng đất thấp, ẩm như trước cổng chùa Bác Ái ngày nay. Tuy nhiên, diện tích ruộng không nhiều. Năm 1933, thành phố chỉ có 243m2 ruộng, nên trồng lúa nước chỉ là nghề phụ.

Người An-Nam hay buôn bán với Mọi, mà buôn-bán cách thể này: Họ hỏi xem Mọi ưng những gì rồi họ trở xuống Hạ-châu mua lên để bán cho Mọi. Thường-thường họ đem muối, độc-bình, phóng la, nồi, đổi cho Mọi để lấy da, gạc hươu, mè, trâu bò. Song cái nghề buôn bán thịnh-hành nhất ở Kontum là nghề đi “buôn Mọi”. Người mình ở Kontum lên Mọi thì đem những đồ Mọi năng cần-dùng, như muối, vải, mền, chiêng, đồng la, nồi, ghè, hũ, vòng hột đeo cổ và đeo tay, định giá rồi lấy heo, bò, trâu, đem về bán lại.

Dân số tăng chủ yếu vào thập niên cuối thế kỷ XIX do giáo dân ở đồng bằng chạy lên lánh nạn Văn Thân và vào thập niên 1920 khi ở Đông Dương rộ lên phong trào lập đồn điền trên Tây Nguyên.

Các làng Kinh ở Kon Tum được xây dựng bám theo ven sông Đak Bla – trung tâm của vùng đồng bằng Rơngao. Khu vực tứ giác Phan Đình Phùng – Phan Chu Trinh – Đào Duy Từ - Nguyễn Huệ, chính là khu vực lõi. Vào thời điểm năm 1933 thì phố phường ở rải rác trên bốn, năm con đường. Được chia thành hai khu: khu phía Tây là nơi tập trung các cơ quan hành chính và khu phía Đông là vùng tập trung sinh sống của dân cư, nhà thờ.

Về cảnh quan hai bên đường Phan Đình Phùng ngày đó, cơ bản vẫn là rừng rậm xen lẫn đồng hoang. Đoạn từ trường THCS Lý Tự Trọng đến đầu cầu Đak Bla là nơi tập trung nhà ở của các quan lại và cơ quan hành chính tỉnh. Khu vực ngã tư Phan Đình Phùng – Phan Chu Trinh ngày nay vào năm 1914 được phát quang để thành lập làng Trung Lương (đến nay vẫn còn di tích đình Trung Lương ở dọc ven đường Phan Đình Phùng). Từ đây đổ lên phía Bắc đều là rừng rậm.
Vào thập niên 1990, khu vực ủy ban phường Quang Trung hiện nay vẫn còn sót lại nhiều cây to. Ngay ngã tư Hùng Vương – Hoàng Thị Loan trước khi được nhựa hóa vẫn còn một thân cây khá to. Tất cả các dấu tích ít ỏi còn sót lại đó, đến nay đều đã bị đốn hạ bởi tốc độ đô thị hóa ngày một cao của thành phố.

Đường Nguyễn Huệ cùng với đường Phan Đình Phùng là hai con đường lớn nhất, là nơi cư trú ưa thích của người dân đương thời. Chính ngôi làng Việt đầu tiên – làng Tân Hương (Gò Mít, Trại Lý) – được thành lập sớm nhất (năm 1874) ở dọc theo con đường này. Đường Nguyễn Huệ là đường đất, mãi đến năm 1947, đường vẫn còn khá ghồ ghề và hẹp (ảnh dưới).

Đường Trần Phú là con đường từ thành phố đi lên ngả Đak Cấm, nhưng con đường này có thể mở muộn hơn, vào cuối những năm 1930. Quang cảnh đường Trần Phú vẫn còn là những cánh rừng rậm rạp mà địa danh Võ Lâm có thể gợi cho ta phần nào hình dung lúc bấy giờ. Mãi đến năm 1938, khi làng Võ Lâm thành lập, nơi này mới dần có người đến ở, tuy vậy, quang cảnh vẫn còn rất hoang vu. Theo miêu tả của các giáo dân Võ Lâm đi nhà thờ Tân Hương làm lễ thì “Thời đó muốn đi lễ nhà thờ Tân Hương, phải đi bộ qua những cánh rừng xoài, mít, rừng cây… theo những con đường mòn, rất sợ hãi. Vào dịp lễ Sinh Nhựt (Giáng sinh), từ trưa phải dỡ cơm mang theo đến xin ngủ nhờ nhà người quen gần nhà thờ Tân Hương, để đến nửa đêm dự lễ Sinh Nhựt, đêm hôm đó ngủ lại đến sáng mai mới khăn gói trở về nhà. Còn học sinh đi học trường Têrêxa gần nhà thờ Tân Hương, phải đem theo cơm trưa ở lại học cho tiện, vì đường sá cách trở”. Dọc đường Trần Phú hiện nay, trong khuôn viên Hội trường Ngọc Linh vẫn còn một gốc đa cổ thụ, chính là dấu tích còn lại của các cánh rừng đầu thế kỷ XX.

Đường Bà Triệu: là đường đi vào nhà thương tỉnh lúc bấy giờ. Đường Bà Triệu đoạn nối Phan Đình Phùng – Trần Phú lúc này là một con đường nhỏ chia đôi khu mả Thượng, vị trí hiện nay trụ sở Ngân hàng NNPTNT tỉnh, trung tâm triển lãm. Từ đó hắt lên phía Trần Phú là những cánh rừng của làng Võ Lâm.

Gần 60 năm sau (1933), thành phố Kon Tum đã trở nên “đường sá rộng rải, phố xá ngay thẳng.

Thoạt tiên, trên sông Đak Bla chưa có cầu, phương tiện qua sông vẫn là phà. Năm 1910, phái bộ Henri Maitre khi thực hiện chuyến khảo sát xuyên Tây Nguyên, vẫn đi qua sông Đak Bla bằng phà[. Tháng 6-1931, nhà đương cục lợi dụng sức lao động của các tù chính trị vừa đi làm đường từ Đak Pet về, đã có ý định bắt một chiếc cầu qua sông. Công việc đang tiến hành thì bị hủy bỏ bởi các cuộc đấu tranh của tù chính trị. Phải đến một năm sau, chính quyền mới bắc được một chiếc cầu gỗ qua sông (tháng 7-1932) nhưng đến tháng 10 lại bị lũ cuốn trôi mất.

Nhà cửa - Năm 1875. Khi viên linh mục Vialleton đang ở Kon Tum, quang cảnh thành phố lúc bấy giờ được miêu tả như sau: “Thuở ấy làng Kontum còn nhỏ, nhơn số cả đạo ngoại chừng 150, có hai nhà rông, bốn phía có rào lũy để ngữ giặc gần sát bên nhà, nên chật hẹp bẩn thỉu lắm. Chỗ ở, nhà thờ, nhà bếp cũng chung một cái nhà chật chội, su sơ”

Chợ Kon Tum bấy giờ họp tại khu vực rạp 17-3 – Am Bà ngày nay. Từ đường Nguyễn Huệ đi lên đường Trần Phú, sau khi qua khỏi địa phận làng Lương Khế (1927) vẫn còn là rừng rậm.

Về giáo dục, ở Kon Tum tồn tại hai hệ thống trường học là trường công và trường tư. Trường công thành lập tháng 1-1916 dành cho cả người Kinh lẫn người bản địa. Đứng đầu trường công là một viên Đốc học, rồi đến Trợ giáo. Hệ thống trường tư của các cha cố ra đời sớm hơn: năm 1908, trường Cuénot thành lập dành cho cả người Kinh lẫn Thượng. Đến năm 1928, các làng Phương Nghĩa, Tân Hương, Phương Quý, Phương Hòa đều mở thêm trường và dành riêng cho người Kinh. Cấp học bao gồm sơ học và tiểu học. Ngôn ngữ sử dụng trong trường gồm tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Bahnar và tiếng Jarai
Trích lược từ: Phác dựng diện mạo thành phố Kon Tum 100 năm trước
http://krongblah.blogspot.com/…/phac-dung-dien-mao-thanh-ph…

Tìm kiếm Blog này