"Vương quốc Sedang" - Trò bịp bợm của óc phiêu lưu thực dân
11:16 09/11/2009Một số nhà nghiên cứu phương Tây đã nhiều lần nhắc đến cái gọi là "Vương quốc Sedang" từng tồn tại một thời gian rất ngắn (1888-1890) trong vùng cao nguyên Kon Tum. Thậm chí, tỏ ra độc lập và khách quan, họ còn xếp nó vào hàng "các vương quốc cổ" ở Việt Nam. Thực tế thì chưa ai, chưa ở đâu và chưa khi nào cái gọi là "vương quốc" này được xác định một cách rõ ràng cả về vị trí địa lý lẫn ranh giới lãnh thổ.
Di sản duy nhất chứng tỏ sự tồn tại của nó chỉ là một bộ tem được triển lãm lần đầu tiên tại Huế năm 1945. Thật oái oăm, bộ tem này sở dĩ còn tồn tại được là vì nó chưa bao giờ được lưu hành. Sinh thời, kẻ tự xưng là "Maria đệ nhất, vua của Sedang" rao mãi vẫn không... bán được "vương quốc" nên không lấy đâu ra tiền để trả công in!
Mộng bá vương của kẻ bịp bợm
Ở Kon Tum, không một dấu tích, một văn bản, thậm chí một truyền thuyết nào liên quan đến "Vương quốc Sedang" còn được lưu giữ. Người Kon Tum, kể cả người Sedang bản địa lẫn cán bộ các ban ngành cũng hoàn toàn ngơ ngác trước những câu hỏi của chúng tôi về vấn đề này. Duy nhất một người, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Biên tập báo Kon Tum là gật đầu: "Đúng là có "Vương quốc Sedang", nhưng không phải là của người Sedang xây dựng mà do một người Pháp lập nên. Đúng hơn, chỉ là tự gọi".
Ông Sơn vốn là một giáo viên dạy lịch sử, từng giữ chức Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tỉnh Kon Tum trước khi chuyển sang phụ trách tờ báo của tỉnh nhà. Như tự nhận, ông cũng chỉ biết một số thông tin chứ chưa thật sự nghiên cứu vấn đề. Theo lời ông Sơn, "Vương quốc Sedang" được lập ra vào năm 1888, kinh đô được đặt tại làng Kon Gung, vùng Đăk Tô, nay thuộc xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà. Và có lẽ, vùng ảnh hưởng quyền lực của "Vương quốc Sedang" cũng chẳng lớn hơn ranh giới của xã Đăk Mar ngày nay là mấy. Điều này khá phù hợp với những gì được ghi trong một số tài liệu tiếng Pháp ít ỏi còn sót lại.
Nhờ sự hướng dẫn của anh Lê Hảo, cán bộ địa chính xã Đăk Mar, chúng tôi có thêm một chút hình dung về nơi được xem là kinh đô của một vương quốc có thời gian tồn tại ngắn nhất trong lịch sử này. Xã Đăk Mar cách TP Kon Tum 18km, rộng 4.658ha, nằm ở Tây Bắc huyện Đăk Hà. Cả xã có 8 thôn, gồm 5 thôn gọi theo số thứ tự từ 1 đến 5, ba thôn còn lại được gọi bằng các tên Kon Gung, Kon Kơ Lốc và Đăk Mút...
Ngày 15/8/2007, khi lòng hồ thuỷ điện Plei Krông bắt đầu tích nước thì có một phần diện tích của xã Đăk Mar - khoảng 200ha - đã bị nhấn chìm trong vùng nước của lòng hồ có độ cao 570m so với mực nước biển. Làng Kon Gung nằm cách bờ hồ chừng 200m. Dưới bóng râm của những mái nhà sàn lợp tôn, vách gỗ mốc thếch, nhỏ, nằm rải rác dưới những tán cây còi cọc, những chú bé người Sedang lấm lem hồn nhiên ngó theo vài ba con chó, con heo gầy gò chạy rông và mở tròn mắt nhìn khách lạ lượn xe máy ngang qua... Khung cảnh nói lên rằng Kon Gung đến nay vẫn là một làng nghèo, xa lạ hoàn toàn với danh xưng Pelei Agna hay Thành phố vĩ đại, như người ta từng gán cho nó từ 120 năm về trước.
Những danh xưng to tát nhiều màu sắc tưởng tượng hơn khả năng phản ánh thực tại này vốn dĩ được tạo ra bởi một gã phiêu lưu quốc tế người Pháp có tên là Charles Marie David de Mayréna. Đây là tên chính thức được nhắc đến trong "Tập san Đô thành hiếu cổ" (Bulletin des Amis du Vieux Hue) số 14, ấn hành tháng 6/1927 và một số văn bản, giấy tờ, thư tín còn được lưu trữ tại Pháp và Bỉ, được nhắc lại bởi cái gọi là "Hội đồng Hoàng gia Sedang" năm 1998.
Còn trong tài liệu của một số nhà nghiên cứu khác, gã lại mang những cái tên khác, lúc loằng ngoằng là Charles Marie David, AKA de Mayréna, lúc lại là David Auguste Jean Baptiste Marie Charles, hay Marie de Mayréna, và thậm chí rất sai là Nam tước Henry Mayréna. Gã sinh tại thành Toulon nước Pháp ngày 31/1/1842. Năm 1861, mới 19 tuổi, trong biên chế của một đơn vị lính viễn chinh, gã đã có mặt và tham gia đánh chiếm xứ Nam Kỳ.
Quãng đời 10 năm tiếp theo đó của Mayréna là một chuỗi hư hư thực thực. Có giả thuyết cho rằng gã tiếp tục cuộc đời binh nghiệp, trở thành một đại úy trong quân đội viễn chinh Pháp, từng có mặt trên nhiều chiến trường cả Âu lẫn Á. Một số tài liệu khẳng định, chỉ sau một thời gian ngắn tham gia quân ngũ, gã quay về Pháp, trở thành một nhân viên Ngân hàng ở Paris. Một số kết quả nghiên cứu khác lại mô tả David de Mayréna như một tay giang hồ phiêu lưu, nay lang thang khắp nước Phổ (Đức), mai lại sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó lưu lạc sang tận xứ Java, Sumatra (Indonesia) lúc này đang là thuộc địa của Hà Lan. Ngay từ xuất xứ, David de Mayréna đã là một con người kỳ lạ, pha trộn giữa máu phiêu lưu và những hành vi bịp bợm.
Ngày 3/3/1869, lúc đang là một nhân viên ngân hàng, Mayréna kết hôn lần đầu tiên với cô Maria Francisa Avron. Cuộc hôn nhân này lần lượt đem lại cho gã hai mặt con, một trai, một gái, tên là Albert và Marie Louise. Cuộc đời viên chức với gánh trách nhiệm với gia đình dường như quá nặng và không phù hợp với gã phiêu lưu.
Tháng 6/1883, gã trốn khỏi Paris và mò sang xứ Java, mục đích là để tránh bị truy tố vì tội biển thủ tiền bạc. Ở Java chưa đầy một năm, David de Mayréna lại gây ra một vụ lừa cả tình lẫn tiền con gái một vị quan chức Hà Lan cho nên lại bị trục xuất, phải quay lại nước Pháp. Chẳng hiểu móc nối thế nào, gã đã từ Pháp tổ chức được cả một chuyến tàu chở vũ khí đến tỉnh Aceh thuộc Đông Ấn. Vụ buôn lậu này bị bại lộ và ngăn chặn khiến David de Mayréna không thể theo tàu đặt chân trở lại Đông Ấn.
Năm 1885, sau suýt soát một phần tư thế kỷ, gã lại tạt ngang vào xứ Nam Kỳ lần thứ hai, tậu một đồn điền, định an cư lạc nghiệp. Không cưới hỏi, nhưng gã cũng kịp có thêm hai người vợ bản địa, trong khi vẫn chưa hề ly dị với Maria Francisa Avron. Người thứ nhất tên là Anahia, một cô gái Chăm con nhà quí tộc sa sút, làm nghề đốn củi. Cô thứ hai người Kinh tên khai sinh là Lê Thị Bến. Để chắc ăn, gã tuyên bố từ bỏ đạo Thiên Chúa và gia nhập đạo Hồi, việc có nhiều vợ xem như không hề phạm luật!
Tuy nhiên, một đồ đệ của chủ nghĩa xê dịch như gã thì chẳng vùng đất nào, bà vợ nào níu chân được lâu. Trong thời gian khai thác đồn điền, Mayréna đã tiếp xúc với các nhà truyền giáo thuộc Hội thừa sai Paris, kịp tìm hiểu và bổ sung cho mình một số kiến thức về xứ An Nam đã hoàn toàn bị nước Pháp đô hộ kể từ sau sự kiện kinh thành Huế thất thủ năm 1885. Gã nhận ra rằng, bất lực và nhu nhược, triều đình Huế gần như đã quên lãng cả một vùng cao nguyên rộng lớn, bị cô lập hoàn toàn với đồng bằng duyên hải Trung Kỳ bởi đường sá cách trở.
Với mục đích thực dân và tận khai thác thuộc địa, nhà nước bảo hộ Pháp cũng chưa thực sự áp đặt được quyền lực lên vùng đất này. Xung đột giữa các tộc người Thượng trên miền cao nguyên vẫn diễn ra liên miên. Chỉ có những nhà truyền giáo, cả người Pháp lẫn người Kinh thuộc Hội Thừa sai Paris là thực sự có ảnh hưởng nhất định đối với những tộc người sinh sống suốt một vùng sơn cước rộng lớn phía Tây miền Trung xứ An Nam. Trong khi đó, vua Xiêm, sau khi thâu tóm quyền lực ở vùng Hạ Lào cũng đang rắp ranh thò tay sang Tây Nguyên. Thậm chí, gã còn nhìn thấy cả quyền lực của vua Phổ cũng lăm le mở rộng đến tận phía Đông rặng Trường Sơn. Ngay cả nguy cơ bành trướng của thực dân Anh từ hướng miền Nam Burma (Myanmar ngày nay), xuống Bắc, Trung rồi Nam Lào, từ đó mở rộng xuống Tây Nguyên cũng là điều không thể loại trừ.
Với những lập luận này, gã phiêu lưu đã tìm cách thuyết phục chính quyền bảo hộ Pháp về việc cần thiết lập một đoàn thám hiểm lên phía Bắc Tây Nguyên, thỏa thuận với các bộ tộc đang sinh sống trên vùng đất này nhằm mở một con đường lên những vùng đất miền Thượng, từ đó vươn dài lên cao nguyên Attopeu và lưu vực sông Champasac phía Nam Lào. Nói cách khác, đó là việc tìm kiếm một con đường từ duyên hải Trung Kỳ, xuyên qua dãy Trường Sơn và nối đến sông Mê Kông.--PageBreak--
Cho đến thời điểm đó, công thức của chủ nghĩa thực dân vẫn chưa hề thay đổi, thường bắt đầu từ các hoạt động truyền giáo, tiếp đến là phần việc của các nhà thám hiểm, thăm dò - thực chất là hoạt động gián điệp - và cuối cùng là việc thiết lập quyền lực bằng vũ lực của súng trường và đại bác. Mục tiêu thám hiểm do David de Mayréna vẽ ra và xung phong đảm nhận vai trò tiên phong đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của cả Toàn quyền Đông Dương Ernest Constans lẫn Tổng Thư ký Klobukowski.
Qua sự giới thiệu của hai nhân vật chóp bu này, ngày 16/3/1888, Mayréna đã liên lạc với Công sứ Qui Nhơn Lemire và các linh mục Thiên Chúa giáo để bàn định kế hoạch. Giám mục Qui Nhơn đã có thư giới thiệu gã phiêu lưu với các Cha Jean-Baptiste Guerlach, Irigoyen... những nhà truyền giáo dòng Thừa sai ở Kon Tum, bảo đảm cho gã một sự hỗ trợ chắc chắn từ phía các linh mục Thiên Chúa giáo.
Quốc huy "Vương quốc Sedang". |
Sau hơn một tháng chuẩn bị, ngày 21/4/1888, đoàn thám hiểm lên đường. Cùng đi với Mayréna còn có một người bạn của ông ta tên là Alphonse Mercurol, một thông dịch viên, một đầu bếp, bốn phụ tá người Trung Quốc và 80 phu khuân vác kiêm vệ sĩ do Tòa Công sứ Qui Nhơn điều động.
Đầu tiên, Mayréna đặt chân đến làng Kon Jari Tul, một làng Bana nơi Cha Jean-Baptiste Guerlach quản hạt, sau đó dừng lại ở làng Kon Trang, địa phận truyền đạo của Cha Irigoyen... Mỗi nơi, Mayréna chỉ dừng chân dăm ba ngày, đủ thời gian để được các cha giới thiệu làm quen với các trưởng làng và giúp một vài người dân cắt cơn sốt rét. Sau khoảng một tháng rong ruổi, đoàn chinh phục dừng lại ở thung lũng sông Đăk Bla vùng Đăk Tô. Nơi đây là một bình nguyên tương đối bằng phẳng so với cả vùng Tây Nguyên lắm đèo nhiều dốc. Vùng Đăk Tô còn là ngã ba gặp gỡ của hai dòng chảy lớn là sông Pô Cô và sông Đăk Bla để từ đó đổ nước vào sông Sê San, khá thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và đi lại.
Xuất thân binh nghiệp, lại quen phiêu lưu, David de Mayréna luôn tỏ ra là một tay kiếm cự phách và một tay súng thiện xạ. Với thân hình to lớn lực lưỡng của một người Âu, chiếm ưu thế vượt trội về thể lực so với những người bản xứ có thân hình nhỏ bé hơn nhiều, gã đã trở thành nhà vô địch tuyệt đối trong các cuộc giao đấu. Kiến thức y khoa và số thuốc men Tây phương mang theo còn giúp gã một cách đắc lực trong việc chữa lành một số bệnh nhiệt đới, nhất là bệnh sốt rét, vốn rất phổ biến, cho người dân một số nơi mà đoàn thám hiểm ruổi qua. Chẳng bao lâu, hầu hết các làng bản người Bana, Rongaos và Sedang trên đường đi đều bị gã thuyết phục.
Sự mông muội, lạc hậu của Tây Nguyên cuối thế kỷ XIX đã trở thành cơ hội vàng của tay bịp bợm. Đồng bào các dân tộc xem David de Mayréna như một... vị thần, nhất loạt bầu gã làm trưởng làng. Trong "tư duy hoang dã" (sovage minds, chữ dùng của nhà dân tộc học Levis Strauss) của những tộc người ít có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chỉ có Thần mới to lớn hơn người, mới... râu rậm, mắt xanh và đầy lông lá như thế! Cũng chỉ có thần mới có sức khỏe kinh người, có thể hạ gục nhiều người rất nhanh, lại có thể chữa bệnh đưa người chết sống lại như gã!
Mặt khác, do sự xúi giục, lũng đoạn của các thế lực thống trị đại diện cho nhiều hướng quyền lợi khác nhau, các làng, các tộc người Tây Nguyên thời điểm ấy thường có những xung đột, hiềm khích. Từ chỗ yếu thế, nhờ có sự giúp đỡ của các giáo sĩ Thiên Chúa giáo dòng Thừa sai, những làng người Bana đã mạnh dần lên. Đây là bộ tộc Tây Nguyên đầu tiên có chữ viết theo mẫu tự Latin. Người Bana lại được các giáo sĩ hướng dẫn kỹ thật trồng lúa nước, hoa màu và chăn nuôi một số gia súc, gia cầm nên đời sống khấm khá hơn so với người Sedang và một số dân tộc khác vẫn đang giữ khuynh hướng bài Thiên Chúa giáo quyết liệt.
Từ năm 1883, các làng người Bana ở Kon Tum đã tập hợp được cả một đạo quân lên đến 1.200 người, chiếm ưu thế trong các cuộc tranh chấp, xung đột với người Sedang, người Rongaos. Với sự xuất hiện của David de Mayréna và đoàn tuỳ tùng có nhiều... phép lạ, người Sedang vùng Cao nguyên Đăk Tô, Kon Tum tin rằng họ đã tìm được một chỗ dựa, một cơ hội để cân bằng quyền lực. Lợi dụng điểm này, Mayréna đã đứng ra thuyết phục các già làng Sedang, Bana, Rong Gao trong khu vực hình thành nên một liên minh hoà bình nhằm chấm dứt xung đột. Uy tín do những hành động trực quan của gã đã tạo ra sức nặng thuyết phục. Hầu hết các bộ tộc vùng Đăk Tô đã đồng ý ký thoả thuận liên minh và nhất trí bầu Charles Marie David de Mayréna làm người đứng đầu.
Ngày 3/6/1888, "Hợp bang Mọi (Moi)" được thành lập. Do lãnh thổ người Sedang lớn nhất nên một tháng sau, ngày 1/7/1888, hợp bang này đổi tên thành Vương quốc Sedang. Mayréna tự tôn mình lên làm vua, lấy hiệu là "Marie đệ nhất, vua của (người) Sedang", có quyền lực tuyệt đối và thế tập. Ngày 21/8 cùng năm, Mayréna tuyên bố chấm dứt quan hệ hôn nhân với Maria Francisa Avron. Bà Lê Thị Bến được chính thức tấn phong, trở thành Hoàng hậu Marie. Tuy nhiên, ông ta vẫn giữ nguyên "quyền thừa kế tước hiệu hoàng gia" đối với hai người con của cô Avron đang sống với mẹ tít tận bên Pháp và chẳng hề có khái niệm gì về cả Vương quốc Sedang xa xôi lẫn ông bố hoàng đế tự phong của họ. Cậu Albert và cô Marie Louise chính thức được công nhận là Hoàng tử và Công chúa của triều đại Marie, vua Sedang!
Dưới vua còn có một người Sedang đảm nhiệm chức tể tướng. Dưới tể tướng gồm có nhiều taoule, tức là các trưởng làng, có quyền quyết định trong việc chuyển nhượng đất đai. Làng Kon Gung (xã Đăk Mar ngày nay) được chọn làm nơi đặt kinh đô, gọi là Pelei Agna (thành phố vĩ đại) hoặc bằng tên gọi khác là Maria Pelei. Gần như đã chuẩn bị sẵn, chỉ hai ngày sau, Marie đệ nhất cho công bố bản "Hiến pháp Sedang" gồm 15 điều. Trong đó, điều 5 qui định "quốc kỳ màu xanh tuyền, có một hình chữ thập gắn ngôi sao ở giữa". Hiến pháp cũng "nghiêm cấm hiến tế người" (điều 10) và cho phép "được tự do tôn giáo trong vương quốc" (điều 11).
Bản hiến pháp hình thành vội vã này đã được Cha Jean Baptiste Guerlach chứng thực. Đó là bằng chứng không thể chối cãi, chứng tỏ những nhà truyền giáo của Hội Thừa sai Paris đã từng nhúng tay, hoặc tiếp tay vào một âm mưu bịp bợm ở miền Tây Nguyên Việt Nam, không ngoài mục đích thúc đẩy sự chia rẽ các dân tộc ít người ly khai với toàn thể lãnh thổ Việt Nam thống nhất.--PageBreak--
Phết sơn cho phỗng
Bản chất là một kẻ phiêu lưu vô chính phủ, khi dựng nên Vương quốc Sedang, Charles Marie David de Mayréna không đặt vào đó quá nhiều tham vọng chính trị, cũng chẳng thiết tha gì với việc tìm kiếm tiền đồ cho quốc gia - dân tộc hay kiến tạo tương lai cho những thần dân đã mông muội đồng ý với việc để ông ta ngồi lên ngôi báu - dù thật ra cũng chẳng có ngôi, ngai cụ thể nào cả! Xưng vua nhưng không tham vọng làm vua, cũng chẳng màng đến cơ đồ hay sự nghiệp, Mayréna lập quốc như thể... chế tác một món hàng. Mơ ước duy nhất của ông ta là có thể bán nó để kiếm tiền, thật nhiều tiền! Vì vậy, toàn bộ sức lực trí tuệ, ông ta đều đổ hết vào việc sơn phết hình thức cho Vương quốc Sedang của mình chứ không phải việc chăm dân trị quốc.
Tỏ ra là một người có năng khiếu... thiết kế thời trang, Mayréna đã tự mình bỏ nhiều công sức để "vẽ" nên quốc kỳ, quốc huy, huy hiệu, huy chương của vương triều. Quốc huy Vương quốc Sedang mang hình một vương miện đặt trên tấm khiên, giữa khiên là một con sư tử biểu trưng cho sức mạnh đế chế. Sau lưng tấm khiên là quyền trượng và vương trượng bắt chéo nhau, tượng trưng cho quyền lực và đức tin.
Đáng nói là dù Mayréna đã cải theo đạo Hồi thì biểu tượng đức tin của ông ta vẫn là vương trượng mang hình thập giá Thiên Chúa giáo, chắc là để cho... đẹp và dễ hiểu. Quyền trượng có hình một bàn tay đang xoè ngón. Ba màu đỏ, vàng, xanh da trời, màu sắc của những hoa văn trên cánh tay áo của người Sedang được sử dụng để phối thành màu sắc của chiếc huy hiệu. Ngoài ra, ông ta còn cho đúc thêm một loại huy chương danh dự được mệnh danh là "Theo lệnh của Marie đệ nhất". Tuy nhiên, chưa ghi nhận được việc Marie đệ nhất tặng thưởng loại huy chương này cho bất kỳ ai. Rất có thể, vương quốc tồn tại quá ngắn ngủi cho nên chưa có ai đủ thời gian để "lập công huân" nhằm xứng đáng được Mayréna tưởng thưởng!
Tất cả các loại huy chương, huy hiệu này đều được Mayréna đặt đúc tại Hồng Kông. Ông ta còn vay của A Kông, một người Hoa tham gia đoàn thám hiểm lập quốc (với hy vọng tìm được món hời) một số tiền lớn để đặt may 1.000 bộ đồng phục, dù thực tế Vương quốc Sedang chưa hề có đội quân nào cả.
Để khuếch trương danh tiếng, ngày 9/7/1888, Mayréna đã ký sắc lệnh số 23 tuyên bố thành lập tổ chức bưu chính của Vương quốc Sedang. Những chi tiết kỹ thuật của bộ tem Sedang đầu tiên do chính Mayréna thiết kế cũng được công bố bởi sắc lệnh 34, ký ngày 21/8/1888. Tem Sedang có 7 mệnh giá, ghi số đếm bằng tiếng Sedang là Moi, Ber, Pouen... (1,2,3...) trước đơn vị tiền tệ vương quốc là Math và Mouk. Xếp hàng dọc ở 2 bìa tem là chữ Deh (bên trái) và chữ Sedang (bên phải), hợp lại thành chữ "Vương quốc Sedang". Chính giữa con tem là hình quốc huy vương quốc. Cả 7 con tem đều giống nhau về chi tiết, chỉ khác nhau về màu sắc.
Nhằm hợp thức hoá, Mayréna đã viết một số thư từ, văn bản thông báo sự ra đời và thể thức tồn tại của Vương quốc Sedang gửi cho Công sứ Qui Nhơn biết. "Sứ thần" của vương quốc trong chuyến ngoại giao đầu tiên, khởi hành từ "kinh đô" Marie Pelei vào đầu tháng 9/1888 là người bạn kiêm phiên dịch Alphonse Mercurol. Xuống đến Qui Nhơn, ngoài việc gặp trực tiếp viên Công sứ để trình bày, Alphonse Mercurol và các sứ thần còn mất thì giờ bỏ những lá thư chứa đựng các văn bản này vào thùng thư ở bưu điện, mục đích chính là để những con tem Sedang có cơ hội được đóng dấu lưu hành. Thật không may, chúng đều không được Bưu chính của chính quyền bảo hộ Pháp chấp nhận mà thẳng tay đóng dấu loại bỏ. Công sứ Qui Nhơn cũng tuyên bố từ chối sự công nhận đối với vương quốc mới thành lập của Mayréna. Dù vậy, khi quay trở lại Kon Tum, Mercurol vẫn được Mayréna tổ chức tiếp đón long trọng như thể đón những anh hùng vừa hoàn tất một sứ mệnh vĩ đại! (?1).
Trò phiêu lưu ngông cuồng của Mayréna khiến Quốc Vương Xiêm La đâm hoảng. Vua Xiêm lúc này đã chiếm cứ được vùng thượng du Campuchia, một phần Nam Lào và đang nuôi tham vọng đặt ảnh hưởng lên Tây Nguyên nên hết sức tức giận trước sự tồn tại đầy thách thức của "Vương quốc Sedang". Khi một vị tù trưởng của bộ tộc Cayon ở Nam Lào bí mật viếng thăm Mayréna và Vương quốc Sedang trở về, Vua Xiêm đã ra lệnh cho quan chức Xiêm ở cao nguyên Attoupeu bắt giữ viên tù trưởng này, đồng thời tịch thu hết những quà cáp, tặng vật do "Marie đệ nhất" tặng.
Chính quyền bảo hộ Pháp cũng không tránh khỏi giật mình. "Hợp bang Mọi" được gã phiêu lưu tuyên bố thành lập đầu tháng 6/1888 thì ngày 20/6 năm đó, chính quyền bảo hộ Pháp, thông qua vai trò cầu nối của các giáo sĩ dòng Thừa sai cũng vội vã tuyên bố thành lập cái gọi là "Liên bang Bana". Như tuyên bố, Liên bang này tập hợp trong lòng nó một liên minh sắc tộc gồm Bana, Rongao và Sedang nhằm tuyên chiến với tộc người Djarai vùng Nam Lào. Tuy nhiên, mục đích chính của nó lại là làm đối trọng, triệt hạ ảnh hưởng của Mayréna. Krui, một tù trưởng người Bana được phong làm "Tổng thống Cộng hoà Bana" được thiết lập vội vã. Mayréna được khuyến cáo đưa hợp bang của ông ta sáp nhập vào "Cộng hòa Bana".
Tuy nhiên, tay phiêu lưu đã khước từ sự sáp nhập, chỉ đồng ý và cố thuyết phục chính quyền bảo hộ Pháp công nhận, sau đó... mua lại vương quốc của ông ta. Ông ta còn bắn tiếng, nếu chính quyền bảo hộ Pháp không chịu mua, ông ta sẽ bán Vương quốc Sedang cho… nước Phổ! Bị bác bỏ, Mayréna lập tức đổi "Hợp bang Mọi" thành "Vương quốc Sedang", không ngừng lôi kéo sự tham gia của các bộ tộc người Thượng ở Bắc Tây Nguyên và Nam Lào.
Không thuyết phục được kẻ vô chính phủ, chính quyền Pháp phải sử dụng biện Pháp cắt dần sự hậu thuẫn của ông ta. Thống sứ Qui Nhơn Lemire, người ủng hộ Mayréna nhiệt tình bị đổi đi nơi khác. Thay vào đó là Guiomar, một người rất cứng rắn trong chủ trương chống lại sự tồn tại của Vương quốc Sedang.
Đang trong tình trạng bị cô lập, Mayréna lại phải gánh chịu thêm một tổn thất lớn: tháng 8/1888, "hoàng hậu Marie" (Lê Thị Bến) ngã bệnh sốt rét và qua đời tại làng Kon Trang. Dù không hẳn đã là một gã đàn ông chung tình thì "Marie đệ nhất, vua Sedang" vẫn suy sụp nặng sau cái chết của "hoàng hậu". Nhằm thoát ra khỏi tình trạng bùng nhùng, tháng 1/1889, ông ta tìm đường sang Hồng Kông, nhờ những người Hoa quen biết giới thiệu để tiếp xúc với chính quyền Anh quốc tại đây, thuyết phục nước Anh mua lại Vương quốc Sedang. Nhà cầm quyền Anh không từ chối thẳng nhưng tỏ ra rất thờ ơ, lạnh nhạt với đề nghị này.
Lưu lại Hồng Kông nhiều tháng, tiêu hết sạch số tiền vay của A Kông để mua đồng phục cho "quân đội Vương quốc Sedang" trong tưởng tượng mà vẫn không nhận được câu trả lời, Mayréna chán nản, bỏ về châu Âu, tìm đường ve vãn giới quý tộc và chính phủ Hoàng gia Bỉ. Trong khi ông ta vắng mặt, tháng 3/1889, Công sứ Qui Nhơn Guiomar đã lên Kon Tum tuyên bố giải tán Vương quốc Sedang. Khuyến dụ sáp nhập vào "Liên bang Bana" của viên Công sứ bị các thần dân Vương quốc Sedang phản đối. Đang ở quá xa, lại không hề có thực lực, Mayréna cũng chẳng có biện pháp khả dĩ nào nhằm thu hồi lại Vương quốc vừa chết yểu!
Suốt gần 100 năm qua, trong các công trình nghiên cứu, các bài báo đề cập đến Vương quốc Sedang, các tác giả phương Tây thường chỉ mô tả mà không đưa ra quan điểm, chính kiến đối với tính pháp lý của vấn đề.
Tránh áp đặt quan điểm theo thuyết tiến hóa luận vốn nặng mùi thực dân chủ nghĩa, cố tỏ ra độc lập, khách quan khi nghiên cứu một vấn đề dân tộc học, họ lại vô tình lọt thỏm vào vũng lầy chiết trung chủ nghĩa. Thực tế, trong sự tranh chấp quyền lực và tính chất tồn tại hợp pháp của Vương quốc Sedang giữa thực dân Pháp và Charles Marie David de Mayréna, đúng là hoàn toàn không có phe chính nghĩa lẫn bên phi nghĩa, nhưng người thắng kẻ thua thì được minh định rất rõ ràng. Cố nhiên trên bàn cờ chính trị, nhà nước thực dân với cả một bộ máy quyền lực đồ sộ đã dễ dàng đè bẹp tham vọng phiêu lưu của một kẻ vô chính phủ. Không một quốc gia, một chính thể nào công nhận sự tồn tại của Vương quốc Sedang. Sau ngày lập quốc, Marie đệ nhất, vua Sedang chỉ có duy nhất một việc để làm đó là bỏ chạy, tự biến mình thành một kẻ lưu vong.
Ở Hồng Kông, nỗ lực vận động của Charles Marie David de Mayréna chỉ đem lại cho ông ta quyền tham dự một vài buổi tiếp tân, dạ tiệc của một số nhân vật có thế lực, đủ cho ông ta trình bày ngắn gọn về Vương quốc mới lập có khẩu hiệu "Jamais céder, Toujours d'aidant" (tạm dịch: "không bao giờ lùi bước, luôn luôn giúp đỡ"), đưa ra vài đề nghị ủng hộ và nhận về những cái lắc đầu.
Không thành công trong âm mưu chinh phục vùng đất xa xôi xứ An Nam nhưng David de Mayréna lại rất thành công trong việc chinh phục đàn bà. Thành tựu lớn nhất mã gã phiêu lưu đạt được trên đất Hồng Kông là cưa đổ trái tim nhẹ dạ của cô Aimee Marie Julie Lyeuté. Lễ cưới diễn ra vào ngày 5/5/1889. Ngay sau đó, bằng Nghị định số 51, David de Mayréna đã biến cô này thành Hoàng hậu Marie Rose, các hoàng hậu với phi tần trước đó xem như không còn tồn tại.
Sau ngày cưới, vua và hậu của Vương quốc Sedang rời Hồng Kông sang Bỉ. Ở đó, David de Mayréna tìm được một số nhà tài phiệt sẵn lòng chia sẻ sự phiêu lưu, hứa cung cấp tài chính cho tân vương vừa mất vương quốc. Vừa đặt chân trở lại châu Âu, ngày 6/6/1889, David de Mayréna đã ký ngay một sắc lệnh về bưu chính và đặt in thêm một lô tem Sedang theo mẫu của lần in thứ nhất. Việc in ấn này được David de Mayréna giao cho người khác thực hiện tại Paris , thủ đô nước Pháp. Ông ta còn ra thông cáo báo chí phổ biến nội dung chi tiết của bộ tem, nhằm quảng cáo, chào mời và bán bộ tem này cho các nhà buôn tem quốc tế.
Sở dĩ gã phiêu lưu sốt sắng đặt việc in và phát hành tem lên trên mọi thứ là do trong thời gian lưu trú tại Bỉ, gã đã được một tay chơi tem tên là Camille Berleur hào phóng giúp đỡ. Nhân vật này đã biến nhà riêng của mình ở số 43 Boulevard Anspeach, Brussels thành nơi ăn chốn ở, kiêm luôn trụ sở làm việc của vua và hoàng hậu Sedang. Để trả công, ngày 5/9/1889, Mayréna đã ký sắc lệnh "bổ nhiệm" Camille Berleur làm Giám đốc Bưu chính của Vương quốc Sedang, toàn quyền coi sóc việc in và phát hành bộ tem không được thừa nhận của vương quốc.
Vào cuối thế kỷ XIX, nước Bỉ đúng là nơi tập trung của vô số những kẻ nặng đầu óc thực dân phiêu lưu. Sau nhiều lần thương thảo, một nhà tài phiệt ở thủ đô Brussel tên là Somsy đã đồng ý cung cấp tiền bạc cho công cuộc "phục quốc" của David de Mayréna. Đổi lại, Marie đệ nhất, vua Sedang dành cho ông ta toàn quyền khai thác khoáng sản, chủ yếu theo thỏa thuận là sắt và đồng trên toàn bộ vương quốc Sedang - không hề xác định vị trí và diện tích cụ thể. Nếu quả thật đây là một hợp đồng đầu tư thì Somsy đúng là một kẻ vừa phiêu lưu vừa quá kém hiểu biết. Cho đến nay, toàn bộ vùng Đăk Tô chứ không riêng gì làng Kon Gung - tức kinh đô Pelei Agna đều không hề được xác định là có bất kỳ một mỏ sắt, mỏ đồng nào cả. Nếu "hợp đồng tài trợ và khai thác" đã ký có cơ hội biến thành hiện thực, tiền bạc mà tay tài phiệt bỏ ra cũng sẽ mất trắng vì chẳng thể thu lại được mẫu quặng nhỏ nào.
Có tiền trong tay, cuối năm 1889, David de Mayréna lại mua một tàu vũ khí, âm mưu tiến về phương Đông đấu tranh vũ trang với nhà nước Pháp - nếu cần - để giành lại Vương quốc. Trước khi lao vào canh bạc quyền lực cuối cùng, ông ta còn cố lập thêm một "chiến tích phiêu lưu" nho nhỏ: đá văng cô Aimee Marie Julie Lyeuté, tức hoàng hậu Marie Rose sang một bên để thay bằng một cô gái người Bỉ tên là Ostende. Vừa đủ thời gian cho "vương phi" có của hồi môn máu mủ, gã lập tức khởi hành về phương Đông, không hứa hẹn ngày quay trở lại.
Lo ngại trước sự điên rồ của ông ta, chính quyền thực dân Pháp đã tìm mọi cách ngăn chặn. Cái tên David de Mayréna được tuyên bố bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, bị tước quyền đặt chân trở lại xứ An Nam. Hải quân Pháp phong tỏa tất cả các cảng biển không cho chuyến tàu chở đầy vũ khí của David de Mayréna cập bờ. Mặt khác, hành vi của tay phiêu lưu còn bị Nhà nước bảo hộ Pháp thông báo cho chính quyền các vùng lân cận để cảnh giác và ngăn chặn.
Giữa tháng 3/1890, khi chuyến tàu này dừng lại ở Singapore, lấy lý do là tàu buôn lậu vũ khí, chính quyền sở tại đã bắt giữ tàu và tịch thu hết súng đạn đồng thời ra lệnh cấm không cho David de Mayréna đặt chân lên bờ. Không chốn nương thân, ngày 29/3/1890, Mayréna cùng hai người bạn đồng hành tên là Horace Villeroi (người Bỉ) và Harold Scott (người Anh) và phải bỏ ra Pulau Siribua, một hòn đảo hoang ở ngoài khơi Malaysia . Tại đây, một cuộc hôn nhân mới lại diễn ra.
Người vợ mới của Mayréna là Asia , một cô gái trẻ theo đạo Hồi. Khoảng một tháng sau, vào cuối tháng 4/1890, họ lại chuyển sang một đảo hoang khác có tên là Pulau Tioman nằm ở phía Tây Malaysia . Mọi liên lạc với thế giới văn minh từ đây bị cắt đứt hoàn toàn. Từ tham vọng làm vua, David de Mayréna cùng vợ và số tuỳ tùng ít ỏi chính thức tự biến mình thành những người hoang dã. Họ sống bằng nghề đánh bắt cá và săn bắn, hái lượm những sản vật rừng trên hoang đảo.
Nghèo khó là tất nhiên, nhưng điều đó cũng không ngăn tay phiêu lưu tiếp tục có thêm một cô vợ Hồi giáo nữa. Âm mưu phiêu lưu chính trị và quyền lực được nối dài bằng trò phiêu lưu tình ái. Đáng tiếc, ngày 11/11/1890, David de Mayréna bỗng nhiên lăn ra chết. Cũng như lai lịch lúc sinh ra, nguyên nhân cái chết của ông ta cũng có nhiều giả thuyết gây tranh cãi.J.F.Owen, một cư dân người Anh sống ở đảo Tioman báo cáo với chính quyền Pehang là Mayréna chết do bị rắn độc cắn. Tuy nhiên, Harold Scott, cộng sự của Mayréna, cũng là một người Anh thì lại quả quyết rằng ông chủ của ông ta bị giết sau một trận đấu súng.
Sau này, Harold Scott đã mời một họa sĩ Trung Quốc từ Hồng Kông đến đảo Tioman để vẽ lại một bức tranh về cuộc đấu sinh tử này. Đó cũng chưa phải giả thuyết cuối cùng. Một số nguồn tin khác lại cho rằng tay phiêu lưu thiệt mạng vì bị đầu độc. Người khác lại gạt đi, cho rằng David de Mayréna đã tự kết liễu đời mình bằng thuốc độc sau khi đã quá mệt mỏi và chán nản vì thất bại trong âm mưu quyền lực.
Sống trên hoang đảo, David de Mayréna mang thân phận một kẻ lưu vong vô danh, chính quyền sở tại cũng chẳng mất thì giờ xác minh nguyên nhân đích thực cái chết của ông ta. David de Mayréna, tức Marie đệ nhất được chôn cất sơ sài như một thường dân chứ không như một đấng quân vương tại nghĩa trang Mã Lai nằm khuất nẻo ở làng Kampong Jaiver, Kuala Rampin trên đảo Tioman. Không một thần dân Sedang nào biết chuyện ông vua tự phong của họ đã lìa đời. Vương quốc Sedang do ông ta lập nên ở xứ An Nam xa xôi cũng tự nhiên biến mất và không còn mấy ai nhớ đến.--PageBreak--
Thây ma dựng lại
Di sản duy nhất của Vương quốc Sedang còn tồn tại và trở thành nguyên nhân gợi sự tò mò đối với các nhà nghiên cứu chính là những con tem "lạ" mà David de Mayréna đã ra lệnh đặt in. Trong lần in thứ 2 ở Paris vào giữa năm 1889, tay phiêu lưu, vì không có tiền nên đã không trả công in. Để thu hồi lại vốn, nhà in đã bán bộ tem nay cho các nhà sưu tập. Trong khoảng thời gian từ 1889 đến 1903, một số tạp chí tem có uy tín của Pháp, Bỉ, Hà Lan và Hoa Kỳ đã lần lượt có những bài viết giới thiệu, phân tích, đánh giá về bộ tem này. Để biến những con tem không có tính pháp lý thành những con tem thật sự, có giá trị lưu hành, nhà in tem đã tự "chế" thêm một con dấu bưu điện Sedang đóng đè lên tem trước khi bán nó cho các nhà sưu tập. Lấy nguyên nội dung ghi trong con tem, dấu bưu điện Sedang có hình tròn, nửa vòng trên là hàng chữ "Der Sedang", nửa vòng tròn dưới là chữ "Pelei Agna", ở giữa ghi số năm 1889. Trung bình, vào thập niên 90 của thế kỷ XIX, một bộ tem Sedang 7 chiếc được bán cho các nhà sưu tập với giá 5 USD, một cái giá rất cao vào thời điểm đó.
Trong số những nhà sưu tập tem, ông Jacques Desrousseaux được xem là người có uy tín nhất trong lĩnh vực nghiên cứu bưu chính ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Ông Jacques Desrousseaux nguyên là Tổng thanh tra hầm mỏ Đông Dương thời Pháp thuộc, có điều kiện, địa vị và tiền bạc để sưu tầm rất nhiều loại tem Đông Dương khác nhau, đồng thời nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ. Năm 1984, ông đã hoàn thành một thiên nghiên cứu đồ sộ về con tem ba nước Việt - Miên - trong khoảng thời gian 1860-1975 dày hơn 400 trang khổ nhỏ. Trong tác phẩm này, con tem Sedang đã được đề cập khá kỹ. Tác giả còn cho biết thêm là năm 1945, ông đã nhìn thấy một số phong bì có dán tem Sedang trong một cuộc triển lãm tại Huế. Các con tem này không bị đóng dấu hủy mà đều có chữ M viết bằng bút mực trên mỗi con tem. So sánh tự dạng, nhà nghiên cứu đoan quyết rằng đó chính là bút tích của Marie đệ nhất, vua Sedang, tức David de Mayréna lưu lại trên những con tem Sedang in lần đầu tiên.
Vào khoảng năm 1985, một nhà chơi tem khác là ông Hendrik J. Oranje đã tình cờ mua được trong một cuộc đấu giá ở Bỉ một lô tem lớn được giới thiệu là "tem địa phương" của Trung Quốc trước Cách mạng. Nhưng khi nghiên cứu, nhà chơi tem mới phát hiện ra mình đã bị nhầm nặng. Đó là tem Sedang, tên một tộc người ở miền Tây Nguyên Việt Nam chứ không liên quan gì đến Trung Quốc. Bỏ ra một thời gian dài nhiều năm khảo lục, nghiên cứu, nhà sưu tập tem này đã hoàn tất một tác phẩm có tên "Sedang" bằng tiếng Hà Lan, dày 48 trang, xuất bản năm 1989.
Ngoài ra, một số nhà nghiên cứu lịch sử ở một số trường đại học của Pháp, Bỉ, Mỹ cũng đã từng có những nghiên cứu khá tỷ mỉ về vương quốc Sedang và cuộc đời và những chuyến phiêu lưu kỳ lạ của David de Mayréna. Tuy nhiên, những nghiên cứu công phu này thường chỉ lưu hành hạn hẹp trong giới khoa học của các trường đại học cho nên công chúng, nhất là công chúng Việt Nam hầu như không có cơ hội biết đến hay tiếp cận.
Mặt khác, bản thân nhân vật David de Mayréna chỉ là một kẻ vô chính phủ, vương quốc Sedang chưa từng được ai công nhận, sự kiện lập quốc của ông ta chỉ được xem như một hành động phiêu lưu chứ không được quan tâm như một sự kiện lịch sử nên cả nhân vật và sự kiện dần dần đã bị lãng quên ngay tại nơi từng sinh ra cái gọi là vương quốc Sedang cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, đầu óc phiêu lưu và tính hám lợi thì thời nào, ở đâu cũng sẵn. Thông qua việc sưu tập tem, một số nhà sưu tập tem ở châu Âu đã tình cờ biết đến con tem Sedang và lai lịch ra đời kỳ lạ của nó. Họ nhận ra rằng, khi chết David de Mayréna, kẻ được xem là vua Sedang đã không hề chỉ định quyền thừa kế, cũng chẳng tuyên bố từ bỏ tư cách tồn tại của các danh hiệu, tiêu đề liên quan đến vương quốc này. Vậy là, ngày 2/11/1995, nhóm người này đã họp nhau lại tại Toronto, Canada, tuyên bố tái lập Hội đồng Hoàng gia Sedang.
Không thèm đếm xỉa gì đến việc bản thân các thành viên của Hội chẳng hề có chút huyết thống hay quyền lợi gì dính dáng đến tay Marie đệ nhất đã chết từ hơn trăm năm trước, những kẻ vô công rỗi nghề đa quốc gia này tuyên bố thành lập Hội để "phục hồi và bảo toàn các quyền và đặc quyền quy tộc của vương quốc Sedang"; "thúc đẩy nghiên cứu danh thơm của vương triều Marie và vương quốc Sedang" "để bầu một nhiếp chính của vương triều" "tìm kiếm người thừa kế của triều đại".
Nửa tháng sau, ngày 17/11/1995, một tay Đại tá Derwin JKW Mak nào đó đã được Hội đồng này đặt vào ghế "Hoàng tử - Tể tướng nhiếp chính" Hội đồng Hoàng gia Sedang, đồng thời được phong Công tước Sedang. Với tư cách nhiếp chính, tay phiêu lưu kiêm đầu cơ chính trị thế hệ mới này đã soạn thảo và ban bố hàng loạt nội qui, qui định, cơ cấu tổ chức, qui định sử dụng tiêu đề, danh hiệu quý tộc của vương quốc Sedang. Trụ sở của Hội đồng Hoàng gia cũng được quyết định dời về Montre1al. Ông ta còn nghĩ ra một hệ thống phẩm tước mô phỏng hệ thống quý tộc châu Âu gồm thứ tự từ cao xuống thấp là Công - hầu - bá tử - nam (tước) được ban bố nhằm tưởng thưởng cho những ai có đóng góp cho việc phục hưng vương quốc Sedang. Dĩ nhiên, nội dung đóng góp chỉ là hai chữ tiền bạc.
Vậy là một loạt ông tây mũi lõ đã nghiễm nhiên trở thành quý tộc Sedang, trở thành Công tước Derwin JKW Mak - Hoàng tử nhiếp chính rồi Hầu tước Kasara Budruk, Tổng thống lâm thời... của cái vương quốc Sedang ở xứ nào họ cũng không thèm biết. Khôi hài đến mức, Hội đồng tự phong này còn tuyên bố trao quyền thế tập cho những kẻ được phong tước. Nếu ông bá tước John Smith nào đó không may mất mạng, bà vợ góa của ông ta sẽ có quyền trở thành bà Mary Smith, nữ bá tước Sedang. Sau đó, con trai ông ta, bao nhiêu đứa cũng sẽ được trở thành các bá tước Peter Smith, hay Hugo Smith gì đó. Điều khác biệt duy nhất là các ông bá tước, bà hầu tước này sẽ chẳng có lấy một tấc đất lãnh thổ thừa kế nào để cắm dùi.
Mặc dù vô thưởng vô phạt, những danh hão này vẫn thu hút được không ít kẻ háo danh. Danh hiệu, phẩm trật của vương quốc Sedang mới trở thành một món hàng bán khá chạy. Chỉ một năm sau ngày ban hành quy chế, gần 200 tước hiệu từ nam tước đến hầu tước đã được trao tặng để đổi lấy những khoản đóng góp bằng tiền mặt. Văn bằng chứng nhận phong tước được in khá lòe loẹt, có cả hình quốc huy Sedang (mới) in nổi và con dấu màu đỏ: Theo phong cách phương Đông. Quốc huy Sedang mới sử dụng đúng quốc huy từ thời Marie đệ nhất nhưng được sáng tạo bằng cách thêm hàng chữ "Jamais céder" (không bao giờ lùi) bên dưới và 3 ngôi sao lên trên đầu hình con sư tử.
Theo "tân hiến pháp Sedang", ba ngôi sao này được giải thích rất kỳ quặc là đại diện cho Tây Nguyên Việt Nam , Trung Quốc và nước Pháp! Bốc đồng, vụ lợi và kém hiểu biết, những kẻ đang ôm mộng phục hồi này chẳng thèm để ý gì đến sự ngô nghê trong việc cắm đầu Ngô lên mình Sở trong việc tái tạo quốc huy vương quốc Sedang (trên danh nghĩa).
Rất may là "Hội đồng hoàng gia" này cũng còn biết chừa một con đường để không tự chuốc lấy sự phản đối. Hiến pháp do họ lập ra nêu rõ "từ bỏ quyền tranh chấp lãnh thổ vương quốc Sedang vì không có cơ sở thực tế". Chỉ tồn tại dưới dạng danh xưng, như một trò đùa vui dành cho những kẻ rỗi nghề háo danh, không có khả năng gây tranh chấp hay phiền toái ngoại giao, cho nên nó đã không bị bất kỳ một chính phủ, chính thể nào phản đối hay nghiêm cấm tồn tại.
Một điều kỳ quặc là, dù chỉ tồn tại trên những tấm giấy tiêu đề không hề được bất kỳ một chính quyền nào thừa nhận, cái gọi là "Hội đồng Hoàng gia Sedang" vẫn mang trong lòng nó đầy đủ những: âm mưu cung đình thật sự, bao gồm cả đảo chính, tranh tước đoạt ngôi... dẫn đến tình trạng khẩn cấp y như thật.--PageBreak--
Ngày 13/6/1997, "Công tước" Derwin JKW Mak từ chức Tể tướng và danh hiệu "Hoàng tử nhiếp chính", như tuyên bố mục đích là để dành thời gian cho việc nghiên cứu lịch sử vương quốc Sedang và lịch sử David de Mayréna. Ông ta đặt ra chức danh Nguyên soái đại hội Hoàng gia và trao nó cho Kasara Budruk. Theo quy định, chỉ có người sáng lập "Hội đồng Hoàng gia Sedang" là Derwin JKW Mak mới được sử dụng và in tiêu đề "Hoàng tử nhiếp chính Sedang", trước khi tìm được hậu duệ đích thực của Mayréna. Những người kế vị ông ta, từ Kasara Budruk về sau chỉ được sử dụng tiêu đề "nhiếp chính lâm thời".
Sau khi đóng tiền và nhận được các tước hiệu, đồng thời thỏa thuận được việc tiếp kiến với hoàng tử nhiếp chính, một nhóm thành viên "Hội đồng hoàng gia Sedang" người châu Âu đã lên tiếng đả kích mạnh mẽ đối với "hoàng tử nhiếp chính", Công tước Derwin JKW Mak. Nhóm này tập hợp quanh một "hầu tước Sedang" tên là Finn đòi tay cựu đại tá phải nhường quyền nhiếp chính, đưa Finn lên hàng "Hoàng tử nhiếp chính Sedang", không công nhận quyết định trước đó của Hoàng tử nhiếp chính duy nhất - người đã ký giấy công nhận phẩm trật quý tộc cho họ. Hàng loạt động thái mạ lỵ, xúc phạm, dọa dẫm đã nổ ra giữa hai phái Bắc Mỹ và Tây Âu trong "Hội đồng Hoàng gia Sedang". Nhóm sáng lập Hội đồng lập tức ra tuyên bố gọi đây là "sự phản bội".
Lấy tư cách hoàng tử nhiếp chính duy nhất và là người sáng lập "Hội đồng hoàng gia Sedang", tay cựu Đại tá người Đức đã ra tuyên bố thu hồi tất cả những tước hiệu đã ban cho nhóm Tây Âu, đồng thời hủy bỏ tất cả các cuộc hẹn tiếp kiến đã sắp lịch (ngoại trừ với các "quý tộc" người Bỉ và người Pháp). Phía "những kẻ bị từ chối" cũng không vừa. Khi bị từ chối, họ tuyên bố ly khai, đòi giành quyền lập một "Hội đồng Hoàng gia Sedang" riêng. Để ngăn chặn, ngày 26/9/1997, "Công tước Sedang" Derwin JKW Mak và Nguyên soái đại hội Kasara Budruk đã ban bố tình trạng khẩn cấp dân sự kéo dài vô thời hạn. Một loạt biện pháp "phản và chống đảo chính" được tiến hành nhằm ngăn chặn phe ly khai lôi kéo lực lượng. Tất cả những người đã được phong tước đều bị "Hội đồng hoàng gia" thẩm vấn để xác định... mức độ trung thành.
Derwin JKW Mak cũng tuyên bố ngừng ban hành (thực chất là bán) tước hiệu "quý tộc Sedang" kể từ 26/9/1997. Đến tận hôm nay, hơn một thập niên sau "sự biến", tình trạng khẩn cấp dân sự này vẫn chưa được dỡ bỏ, dù Hoàng tử nhiếp chính được tân hiến pháp ban hành ngày 6/11/1998 công nhận là hoàn toàn có quyền thay đổi tình trạng này.
Sự hỗn loạn đã khiến cái gọi là "Hội đồng Hàng gia Sedang" biến thành một sân khấu đầy những màn bi hài kịch, khiến ngay cả những người liên quan thật sự cũng phải xấu hổ mà từ chối dính dáng đến nó. Sau một thời gian nghiên cứu và tìm kiếm, năm 1999 hai "nhà sử học hoàng gia" là Michel Grasseler, một nhà phả hệ học người Pháp và Vicomte Claude Chaussier dit de Neumoissac, một sử gia người Bỉ đã lần ra dấu tích hậu duệ của David de Mayréna. Đó là gia đình một người Pháp tên là Romaric David. Ông này có bốn người con, 3 trai và một gái. Trong số này, Michel David, một luật sư được xác định là cháu đích tôn gọi Marie đệ nhất bằng cụ kỵ.
Nhờ những phát hiện này, "nhà sử học hoàng gia Sedang" M. Grasseler đã được Nguyên soái nhiếp chính Kasara Budruk tặng thưởng huân chương Hoàng gia Sedang, đồng thời được yêu cầu cùng với người đồng nhiệm tìm cách liên hệ và mời mọc các hậu duệ của David de Mayréna tham gia Hội đồng hoàng gia. Chẳng quan tâm gì đến một di sản không ai thừa nhận, luật sư Michel David, người cháu đích tôn của ông vua sáng lập vương triều đã dứt khoát từ chối danh hiệu "Hoàng tử Sedang" mà Hội đồng "vinh dự trao lại". Những thành viên khác trong gia đình thậm chí còn tỏ thái độ quyết liệt hơn, từ chối mọi tiếp xúc với các nhà sử học hoàng gia để nghe xưng tụng về những hư danh mà họ không màng tới.
Tất nhiên, những kẻ lập nên Hội đồng Hoàng gia Sedang không hoàn toàn vì háo danh mà bỏ quá nhiều thời gian, công sức, nếu như họ không nhìn thấy cái lợi của cú đầu cơ. Không tiếp tục ban tước để thu tiền, họ có cách kiếm tiền khác nhờ bám vào cái tên của "Vương quốc Sedang" đã chết non từ hơn trăm năm trước. Việc đầu tiên sau khi thành lập Hội đồng Hoàng gia và tự ấn định cho mình quyền khai thác tiêu đề "Hoàng tử Sedang", cựu Đại tá Derwin JKW Mak đã cho in ngay 3 con tem Sedang kiểu mới với 3 mệnh giá 25 centime, 50 centime và 1 Piastre, dành cho mình độc quyền phát hành loại tem này với giá 2 hoặc 3 USD, tuỳ theo loại.
Để tránh bị luật pháp gây khó dễ, các thương vụ mua bán đều không nhận tiền mặt, chỉ thanh toán bằng séc hoặc chuyển khoản theo địa chỉ đại lý của viên cựu Đại tá ở địa chỉ ISFAA, 711 Bay Street, suite 517 , Toronto , Ontario M5G2J8, Canada . Tem 25 centime có màu đen, giữa có hình đại bàng đen nắm chìa khoá vàng, tượng trưng cho chính... tay cựu Đại tá, người đang nắm quyền Hoàng tử nhiếp chính Sedang. Tem 50 centime màu đỏ, có hình con rồng, biểu tượng của Hoàng đế Trung Quốc và Việt Nam . Tem 1 Piastre màu xanh lam, giữa có hình sư tử mặc một giáp đồng trên lưng tượng trưng cho vương quốc Sedang. Bản thân sự mộ tả, lý giải đã cho thấy một hiểu biết pha trộn hổ lốn và bộc lộ tính chất vừa hiếu danh vừa vụ lợi của kẻ đang cố vẽ lại ánh hào quang từ một thây ma. Ngoài ra, Hội đồng Hoàng gia còn cho đúc 13 loại huy chương huy hiệu khác nhau để bán chúng cho người sưu tập với giá từ 2-48 USD mỗi chiếc.
Tất cả những trò nhố nhăng xung quanh cái gọi là vương quốc Sedang chẳng hề gây được chút ảnh hưởng hay quan tâm nào đối với những người Sedang chất phác ở Tây Nguyên Việt Nam . Chỉ có sự nỗ lực của chính đồng bào Sedang và chính sách quan tâm của Nhà nước, xã hội mới từng bước giúp đời sống của đồng bào khá lên, phát triển. Trước ngày thủy điện Plei Krong tích nước, nhiều làng Sedang vùng Đăk Hà đã di dời về khu định cư mới khang trang. Ở đó, cuộc sống mới đang bắt đầu và sáng lên theo màu ngói đỏ của những ngôi làng tái định cư. Ánh sáng đang bừng lên từ màu ngói mới chứ không hắt ra từ những âm mưu, sự bịp bợm mượn danh xưng hào nhoáng của một vương triều nào đó!
Nguyễn Hồng Lam
Nguồn: Antgct
CUỘC PHIÊU LƯU CỦA MARIE ĐỆ NHẤT – “QUỐC VƯƠNG” XỨ SEDANG
Lê Nguyễn
Câu chuyện tưởng chừng như thuộc loại giả tưởng, song lại là người thật, việc thật trong lịch sử thời Pháp thuộc. Nhân vật chính của truyện là một kẻ giảo hoạt, nổi tiếng về óc phiêu lưu mạo hiểm, đã đóng góp nhiều công sức cho mục tiêu do chính quyền thực dân Pháp đặt ra, song không lâu sau, cũng bị chính bộ máy chính quyền này xem như một kẻ tội đồ. Cuộc đời của anh ta đầy những hỉ, nộ, ái, ố, giàu kịch tính và cũng kết thúc đầy bi kịch. Truyện được đăng tải trên ít nhất 2 loại sách, báo Pháp; một là Tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH) số 1+2 năm 1927, hai là tác phẩm của Maurice Soulié nhan đề “Marie Ier, Roi des Sedangs – 1888-1890” (Marie đệ nhất, Quốc vương xứ Sedangs – 1888-1890), xuất bản tại Paris cũng vào năm 1927. Cách đây nhiều năm, tập bản thảo bằng Việt ngữ về câu chuyện này suýt biến thành sách nếu không có một trục trặc vào giờ chót, khi sắp vào nhà in. Đến nay, nó vẫn còn nằm im trong ngăn tủ, vì chưa gặp người đồng điệu. Loạt bài gửi đến các bạn yêu sử hôm nay và trong thời gian sắp tới là phần tóm lược nội dung tập bản thảo nói trên, chủ yếu dựa vào tác phẩm của Soulié (có nhiều dị biệt với bài đăng trên BAVH 1927) cùng nhiều thư từ, văn kiện chính thức của chính quyền thực dân Pháp những năm 1888-1889, và về sau. Hi vọng, sự có thật trong lịch sử Việt Nam và kịch tính của câu chuyện này sẽ không làm bạn yêu sử cảm thấy chán khi theo dõi nó qua nhiều kỳ.
PHẦN I – CUỘC HỘI KIẾN VỚI TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG CONSTANS
Thập niên 1880, Sài Gòn chỉ có khoảng 20 ngàn dân bản xứ và 3 ngàn người Pháp, phần lớn là sĩ quan và viên chức chính quyền; số còn lại là tư nhân mở quán cà phê, nhà hàng, sòng bạc, tiệm hớt tóc… Thành phố lúc ấy trông như một khu vườn nhiệt đới rộng lớn, rải rác những ngôi nhà cất bằng cây ván, chạm trổ tinh vi. Các giống cây nhiệt đới như xoài, cọ, me … được trồng dọc theo các con đường lớn, khách nhàn du buổi chiều gồm đủ mọi sắc dân: Việt, Pháp, Tàu, Khmer, Ấn Độ… Kiều dân Pháp thường sống trong các bungalow làm bằng gỗ, nằm giữa những vườn cây xanh mát, cứ hai hay ba người độc thân sống chung trong một căn hộ, có một cậu trai người Việt giúp việc đi chợ, nấu ăn, quét dọn.
Căn hộ số 57 đại lộ Paul Bert (nay là đường Trần Quang Khải,Tân Định) là nơi cư ngụ của Marie-David de Mayréna, một kiều dân Pháp đẹp mã khoảng 45 tuổi, cao trên mức trung bình, để râu quai nón. Y nguyên là một sĩ quan trong quân đội Pháp, tự nhận đã sinh ra trong một gia đình vọng tộc, song nhiều người biết y, cho rằng y là một thiếu niên sớm bỏ học, lớn lên sung vào đoàn kỵ binh Pháp, tham gia các chiến dịch tại Nam kỳ vào những năm 1860. Y trở về Pháp vào cuối thập niên này và theo lời y nói, y trở thành sĩ quan tham mưu trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870. Năm 1880, máu phiêu lưu lại sục sôi trong huyết quản, y tếch sang Nam kỳ, trước tiên sống ở Bà Rịa, một cảng nhỏ gần Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu) để thử nghiệm một chương trình canh nông nhưng không thành công. Tháng 5.1887, y vào Sài Gòn kiếm sống, viết bài cho báo, trông coi nhà hát, mở sòng bạc, nói chung là làm những nghề vặt vảnh để nuôi thân. Tuy nhiên cũng cần phải công bằng nhìn nhận rằng y khá sòng phẳng, trả tiền thuê nhà đều đặn, 30 đồng một tháng, và giao đủ 2 đồng tiền chợ mỗi ngày cho cậu trai giúp việc. Cũng sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến một nhân vật đã gắn bó keo sơn với y, đã chia sẻ với y những ấm lạnh của đời lang bạt. Đó là một cô gái người Chăm tên Ahnaia mà theo de Mayréna, là một trong những nàng công chúa còn sót lại của hoàng tộc Chiêm Thành.
Một buổi trưa Sài Gòn năm 1888, trời nóng như thiêu đốt, de Mayréna vừa viết xong một bài báo hai cột cho tờ Le Courrier Saigonnais (Thư tín Sài Gòn) đáng giá 15 franc tiền nhuận bút thì một người khách lạ xuất hiện. Đó là một anh lính người Việt mặc áo màu đen, thắt lưng đỏ, đầu đội nón rơm. Anh ta trao cho de Mayréna một phong thư của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Liếc qua phong bì, người bạn thân thiết đang ở chơi trong nhà y là Mercurol đâm hoảng, sợ rằng với bản tánh ưa liều, bạn mình đang gặp chuyện rắc rối gì đây. Nhưng khi xem kỹ nội dung bức thư, họ không còn sợ, thay vào đó là nỗi ngạc nhiên lớn lao khi thấy chữ ký của Toàn quyền Đông Dương Contans dưới bức thư mời de Mayréna đến gặp ông ta. Dẫu sao cũng phải đến gặp Constans để biết chuyện gì đang chờ đợi y.
5 giờ chiều Sài Gòn. Nhiệt độ bắt đầu hạ xuống, de Mayréna diện bộ quần áo sang trọng màu trắng, ngoắc một chiếc xe ngựa đi thẳng đến Soái phủ Nam kỳ. Khi vừa đến nơi, y được đưa ngay vào văn phòng của toàn quyền Constans. Viên chức cao cấp này là một người khá tự tin, ông ta luôn giấu kín cảm xúc của mình đàng sau nụ cười nhếch mép. Song ông ta lại có mỹ cảm với những người thích phiêu lưu, mạo hiểm. Vừa gặp viên toàn quyền, de Mayréna đã mở đầu một cách lịch sự:
- Thưa ngài Toàn quyền, tôi đến theo lệnh ngài.
Constans không đưa tay cho y bắt, lặng lẽ chỉ chỗ cho y ngồi đối diện. Rồi không đợi cho y kịp bày tỏ thắc mắc của mình, ông ta vào đề ngay:
- Tôi đã đọc bài viết của anh trên tờ Le Courrier Saigonnais, phải nói là nó đã làm cho tôi thích thú.
- Rất vinh dự cho tôi, thưa ngài Toàn quyền.
Toàn quyền Constans ngã đầu lên lưng ghế, đôi mắt lim dim như để ôn lại một kỷ niệm nào đó thật xa vời. Mấy phút sau, ông ta nói một cách chậm rãi, như sợ người đối thoại không kịp tiêu hóa hết những lời nói của mình:
- Bài báo của anh đả động đến một vấn đề mà tôi quan tâm từ lâu. Đó là vùng cao nguyên Trung Kỳ, một nơi mà các thế lực đối đầu với chúng ta đã dòm ngó nhiều lần. Tôi vừa được tin là có một đoàn khảo sát người Đức,với sự hỗ trợ của triều đình nước Xiêm, đang cố xâm nhập vào vùng Attopeu (Lào), một nơi mà vàng cũng nhiều như cao su Đồng Nai vậy. Người ta đã nhìn thấy họ ở hữu ngạn sông Mekong. Hình như họ cũng đã có mặt ở Luang-Prabang (Lào) để ký kết một thỏa ước với vua Lào. Do đó, ta cần phải đi trước họ ở cao nguyên miền Trung. Trong lúc lo nghĩ về chuyện này, tôi chợt nhớ đến anh, một người gan dạ, táo bạo, và thông minh, có thể đảm đương những việc khó khăn mà tôi sẽ giao phó. Chắc anh cũng biết, tại cao nguyên, các bộ tộc sống rời rạc, có những lúc xung đột với nhau. Việc hợp nhất họ dưới sự bảo hộ của Pháp, ngăn chặn những ảnh hưởng ngoại lai khác là một yêu cầu khẩn thiết của chúng ta. Có điều cần phải nói thẳng thắn với nhau là nếu anh đồng ý nhận lãnh sứ mạng này, anh sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm về nó. Trên nguyên tắc, tôi phải giấu mình đi, vì một lẽ dễ hiểu là Paris đã ra lệnh cho tôi không được gây chuyện phức tạp với người Anh và người Đức. Bù lại, tôi để cho anh toàn quyền hành động, với sự hỗ trợ của công sứ Bình Định và Hội truyền giáo hải ngoại tại đây, miễn sao đạt được mục tiêu đã vạch ra.
Đối với một người hiếu động, ưa phiêu lưu, mạo hiểm như de Mayréna, yêu cầu của toàn quyền Đông Dương Constans là cơ hội bằng vàng để y thực hiện những ước mơ hằng ấp ủ. Y nhận lời không do dự, cũng không bàn bạc kỹ với Constans những trở ngại, khó khăn khi bắt tay vào việc. Trở ngại lớn nhất là sự bất đồng ngôn ngữ với người địa phương sẽ được khắc phục nhờ hai giáo sĩ Pháp là cha Guerlach và cha Irigoyen đã hoạt động truyền giáo tại Kontum từ lâu. De Mayréna sẽ khởi hành trên chuyến tàu Le Requin chạy tuyến đường Sài Gòn-Tourane (Đà Nẵng), ghé lại Qui Nhơn, để từ đó đi đường bộ lên cao nguyên. Toàn quyền Constans sẽ ra lệnh cấp cho y 8 người hộ vệ và tiền bạc cần cho chuyến đi.
Trước khi chia tay, Constans tươi cười:
- Ngày mai anh quay lại đây, tôi còn dặn anh một số việc. Nhưng này anh bạn, khi hoàn thành sứ mạng, anh muốn được tưởng thưởng những gì?
- Quyền khai thác mỏ vàng Attopeu và vinh dự được làm lãnh tụ một liên minh những bộ tộc cao nguyên, thưa ngài Toàn quyền!
- Anh vẫn luôn là một người mơ ước viễn vông! Nhưng thôi được, tôi đồng ý.
Ra khỏi dinh toàn quyền, de Mayréna không gọi xe ngựa. Y đi bộ trên đường mà cứ như đi trên mây.
PHẦN 2 – HÀNH TRÌNH LÊN CAO NGUYÊN – DUYÊN MAY TÌM ĐẾN
(Xin lưu ý: những nhận xét về đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào thiểu số trên Tây Nguyên như Bahnar, Djarai, Sedang … là của riêng tác giả Maurice Soulié, có thể khác biệt hay mâu thuẫn với những tư liệu phổ biến đồng thời hay về sau này)
De Mayréna khởi hành lên Tây nguyên vào khoảng tháng 3.1888. Cùng đi với y có người vợ Chăm Ahnaia, người bạn thân thiết Mercurol, một người Tàu đại diện cho nhóm bảo trợ, tất nhiên là có cả 8 người hộ vệ do toàn quyền Constans cung cấp. Khi tàu Le Requin ghé lại Bình Định, họ lên bờ đến thẳng tòa công sứ Bình Định. Công sứ Lemire đón tiếp họ với sự dễ mến cố hữu, sắp xếp cho họ nghỉ tạm và cho hai cô con gái khả ái chăm sóc Ahnaia. Ngày hôm ấy, cũng tại tòa công sứ, de Mayréna và các bạn đồng hành được Lemire giới thiệu với tổng đốc Bình Định, một quan lại cao cấp của triều đình Việt Nam.
Ngày hôm sau, y đến yết kiến giám mục Van Camelbecke, người lãnh đạo Hội truyền giáo tại đây, và nhờ ông viết thư giới thiệu với các linh mục đang truyền đạo trên cao nguyên. Bằng hai lá thư viết vào những ngày 24.3.1888 và 7.4.1888, vị giám mục đề nghị giáo sĩ Vialetton, người lãnh đạo đoàn truyền giáo trong lãnh địa của người Bahnar, tạo điều kiện thuận lợi cho de Mayréna hoàn thành sứ mạng được toàn quyền Constans giao phó. Động thái này khiến de Mayréna cảm thấy phấn khởi, song Mercurol lại bất an, vì trong thư, giám mục Van Camelbecke không nhắc gì đến bộ tộc Djarai vốn có những hoạt động “cứng rắn” trong vùng như thường tấn công các đoàn công-voa (convoi) từ Qui Nhơn lên, cướp lấy hàng hóa…
Sau những ngày ở tạm Qui Nhơn, de Mayréna và các bạn đồng hành được công sứ Lemire lo chu đáo, cung cấp ngựa (cho de Mayréna, Mercurol), võng (cho Ahnaia), 10 anh lính An Nam và 12 phu khuân vác. Họ khởi hành đi Kon-Tum, vượt qua những khu rừng đầy thú dữ, phải vừa đi vừa phát quang những lùm bụi um tùm. Buổi chiều, họ ghé lại làng An Khê là ranh giới giữa Bình Định và vùng cao nguyên còn nằm ngoài vùng kiểm soát của chính quyền Pháp và triều đình Huế. Phiên chợ chung của người miền xuôi và người miền ngược đang diễn ra, lần đầu tiên de Mayréna nhìn thấy tận mắt những đồng bào thiểu số với cách ăn mặc và sinh hoạt không giống người Sài Gòn mà y đang chung sống. Họ mang bầu bí, lúa gạo, thuốc lá, nhựa cây, mật ong, sáp ong, sừng tê giác… xuống chợ An Khê đổi lấy muối, đồ đất nung, cồng, đồ thủy tinh châu Âu, thiếc … Họ tiếp tục đi đến một địa danh có tên Thạch Bàn thì đã gặp cha Guerlach chờ sẵn. Bốn giờ chiều, họ lên đường đi Kon-Tum, nghỉ đêm tại một làng Công giáo của người Việt và đến sáng sớm thì thị trấn Kon-Tum đã hiện ra trước mắt họ. Họ nhìn thấy những người đàn ông ngậm tẩu thuốc lá trên môi đi quan sát những cánh đồng lúa xanh ngát, những phụ nữ quấn quanh người những tấm khăn choàng nhiều màu sặc sỡ để chống lại cái lạnh của núi rừng còn vương vất khi mặt trời chưa kịp lên cao. Nhận ra cha Guerlach, một đoàn người Bahnar đến tung hô ông, la hét, vung gươm nhảy múa như lúc xung trận. Sau đó, mọi người cùng kéo đến nhà rông, de Mayréna, Mercurol và cha Guerlach ngồi trên những chiêc chiếu trải sẵn, Ahnaia chìm khuất trong đám con gái đang chăm chú nhìn ngắm cô với vẻ hiếu kỳ.
Sáng sớm hôm sau, de Mayréna cùng giáo sĩ Guerlach và Mercurol bắt đầu thực hiện chuyến đi vào các buôn làng trong kế hoạch thành lập một liên minh các bộ tộc ở đây. Trước tiên, họ đến buôn Kon-Tran, nơi ở của giáo sĩ Irigoyen. Cuộc đón tiếp cũng nồng hậu như ở Kon-Tum, nhờ sự thuyết phục từ trước, vị buôn trưởng bày tỏ ý muốn gia nhập Liên minh dân tộc Bahnar. Sự thành công vượt quá mong ước của de Mayréna, ngày hôm sau, và những ngày sau nữa, các buôn Kon-Meney, Kon-Kepet, Kon-Djeri, Kon-Klah, Kon-Diah … cũng theo chân Kon-Chan. De Mayréna được chính thức thừa nhận là “Tomul-Tom”, tức chủ tịch của Liên minh người dân tộc Bahnar. Y cùng hai giáo sĩ Guerlach và Vialleton bàn bạc, soạn thảo bản qui chế của liên minh, nội dung gồm 14 điều khoản, trong đó dành cho Tomul-Tom, tức de Mayréna, nhiều quyền hạn rộng rãi như: đề cử Hội đồng Tư vấn, bổ nhiệm Bộ trưởng, lấy Thiên chúa giáo làm tôn giáo chính thức, song không ai có thể bị quấy nhiễu vì lý do tôn giáo. Tên chính thức của liên minh là “Liên minh Bahnar-Rongao”, lá cờ của liên minh có màu đỏ, đính 5 ngôi sao trắng, 4 ngôi sao ở góc, một ngôi sao ở trung tâm. Tomul-Tom được công nhận suốt đời, song có quyền chỉ định người kế nhiệm. Ông ta chỉ huy quân đội của liên minh và bổ nhiệm các sĩ quan, chỉ có ông ta mới được quyết định vấn đề chiến tranh hay hòa bình, liên minh với các lực lượng khác.
Với sự ra đời của Liên minh Bahnar-Rongao và địa vị cao nhất mà người Bahnar dành cho de Mayréna, xem như mọi vấn đề đối với bộ tộc này đã được giải quyết. Người Bahnar sống hiền hòa, sợ thần linh, thờ cúng người chết vì sợ bị linh hồn người chết về phá phách. Họ ưa thích các giáo sĩ Pháp, vì thấy những người này có thực tâm muốn giúp họ cải thiện đời sống. Như vậy, với bộ tộc Bahnar mọi chuyện đều suôn sẻ. Song với hai bộ tộc chính còn lại là Djarai và Sedang, vấn đề không dễ dàng như vậy. Khác với những buôn kể trên của bộ tộc Bahnar, đến lúc ấy, các giáo sĩ phương Tây chưa tiếp cận được các buôn của người Sedang ở phía bắc Kon-Tum, chia cách với khu vực của người Bahnar bởi con sông Pékau. Bộ tộc này rất thiện chiến, có những cách ứng xử đáng ngại đối với những ai từ xa tới. Họ có biệt tài phóng lao, sử dụng khiên hình bầu dục, an táng người chết trên những cánh đồng trống trải, không rào giậu bao quanh, quan tài là những thân cây khoét rỗng. Họ trồng lúa theo cách riêng, cứ mỗi ba năm đốt một khoảnh rừng, phát quang, dùng gậy chọc những lỗ nhỏ trên đất và bỏ hạt lúa giống vào. Một rẫy như vậy cung cấp cho họ số thóc đủ dùng trong ba năm, sau đó họ lại đốt một khoảnh rừng khác để khai thác phần đất màu mỡ mới. Tuy nhiên, họ có nhiều ưu thế hơn các bộ tộc khác về lãnh vực công nghiệp, khi có điều kiện khai thác quặng sắt sẵn có trong vùng núi họ ở, nhờ vậy, họ có thể tự rèn lấy dao, rựa, các loại vũ khí để tự vệ hay giải quyết bất đồng với các bộ tộc khác.
Để có thể tiến hành những bước thăm dò đầu tiên trên lãnh địa của người Sedang, de Mayréna phải nhờ đến giáo sĩ Irigoyen là người nói sỏi ngôn ngữ của bộ tộc này. Sau khi vượt sông Pékau, họ đến buôn Kon-Djeri ở cách sông vài cây số nhưng được biết đang có lệnh cấm người lạ vào buôn, nếu bất tuân sẽ bị xử tử. Loại lệnh cấm này được áp dụng rất chặt chẽ và thường xuất phát từ một biến chuyển bất thường đang xảy ra trong buôn như sinh, tử, hôn nhân… Vào những dịp này, họ thực hiện những nghi thức mà người bên ngoài buôn không được phép chứng kiến. Lệnh cấm được thể hiện bằng những dấu hiệu khắc trên thân cây hoặc bằng những khúc tre kết thành hình thoi. Phản ứng của người Sedang khi có người lạ xâm nhập vào buôn của họ là những phát tên bắn tới tấp vào những kẻ không mời mà đến. Phát hiện những dấu hiệu của lệnh cấm xâm nhập buôn Kon-Djeri, de Mayréna và giáo sĩ Irigoyen vội quay về.
Mấy ngày sau, họ cùng Mercurol tìm đến buôn Pelei-Maria, nơi mà cha Irigoyen đã liên lạc từ trước và được người buôn trưởng tên Liêu thuận tình tiếp xúc. De Mayréna mặc bộ quần áo đại lễ, tay cầm thanh gươm quý, Mercurol thì mặc trang phục màu đỏ. Hôm đó trời mưa như thác đổ, rừng cây rung chuyển từng hồi, nhưng khi họ đặt chân đến nhà rông thì nơi đây đã đông chật người. Tất cả các buôn trưởng người Sedang đều có mặt theo lời mời của Liêu để cùng quyết định về những đề nghị của de Mayréna do cha Irigoyen chuyển đến họ. Họ được tiếp đón bằng một sự im lặng nặng nề khiến một người từng trải như de Mayréna cũng thấy chột dạ. Cha Irigoyen lên tiếng mở đầu buổi gặp mặt, nhắc lại những gì đã thỏa thuận với buôn trưởng Liêu. Khi ông vừa kết thúc phần trình bày, một số người Sedang khạc nhổ xuống đất, theo tập tục lúc bấy giờ là họ đồng tình với những gì ông phát biểu. Tới phiên mình, de Mayréna dọn sẵn một bộ mặt thân thiện, bày tỏ sự ngưỡng phục đốivới dân tộc Sedang và mong được cống hiến tài sức cho hạnh phúc của họ. Khi cha Irigoyen dịch xong những lời nói trên, số người khạc nhổ xuống đất nhiều hơn trước. Sau màn uống rượu cần khiến cả chủ lẫn khách đã ngà ngà say, các binh sĩ người Sedang mời các vị khách phương xa thưởng thức màn múa gươm thể hiện sức mạnh của bộ tộc. Tiếng cồng chiêng vang xa cả một góc rừng. Hai buôn trưởng, Liêu của buôn Pelei-Maria, và Tiam của buôn Kon-Ketou, cầm gươm đứng dậy, nhìn nhau thăm dò, miệng thốt lên những âm thanh xen lẫn với tiếng nhạc. Cuối cùng, điệu nhạc trở nên dồn dập, cả hai nhảy xổ vào nhau. Chỉ sau mấy chiêu, Liêu bị thương nhẹ ở cánh tay phải, máu càng làm cho Tiam hăng lên. Tuy nhiên, Liêu sớm giành lại ưu thế và đánh văng gươm của Tiam. Anh này hét lên một tiếng điên cuồng, chụp một ngọn giáo định nhảy tới đâm Liêu, nhưng đám đông can thiệp kịp. Tiam xấu hổ lẫn vào đám đông ở cuối nhà rông. De Mayréna ngồi xem trận đấu, máu liều trộn thêm hơi rượu đẩy anh ta đứng phắt dậy, rút soạt gươm ra. Đang say men chiến thắng, buôn trưởng Liêu cũng bước tới. Cả cha Irigoyen lẫn Mercurol giật mình kinh hãi, nhưng không còn kịp nữa, hai thanh gươm đã chạm nhau rồi! Cũng may mà cuộc so gươm không hẹn trước chỉ diễn ra thật ngắn ngủi. Chỉ sau mấy đường gươm trao đổi, de Mayréna đã đánh văng gươm của Liêu ra xa mấy thước. Anh này cũng như Tiam, xấu hổ, chạy vội xuống cuối nhà rông. Kẻ chiến thắng chưa kịp biểu lộ sự hãnh diện thì bầu không khí nhà rông bỗng nhiên đổi khác. Các binh sĩ Sedang đứng cả dậy, mắt long lên sòng sọc, báo hiệu một điềm chẳng lành. Cha Irigoyen xanh cả mặt, song bậc anh hùng bất đắc dĩ là de Mayréna không hề tỏ ra nao núng. Y nhờ cha thông dịch cho mọi người trong nhà rông là xin đừng bực mình về chuyện đã qua, vì y có được ân sủng đặc biệt của thần chiến tranh (!). Câu nói của y khiến một số gương mặt dịu lại, nhưng vẩn còn nhiều người, trong đó có buôn trưởng Pelei-Tabor, tỏ ra không tin. Biết “đối phương” bắt đầu chột dạ, y nhờ cha Irigoyen bồi thêm câu nói dài dòng sau: “để chứng tỏ cho các bạn biết là tôi được thần linh che chở, tôi đứng trước các bạn đây, ở khoảng cách tùy các bạn lựa chọn, và tôi yên lặng chờ các bạn phóng ngọn giáo vào giữa ngực tôi. Tôi chỉ có thể nói trước với các bạn rằng thần linh sẽ không để những ngọn giáo đó chạm vào ngực tôi, mà chúng sẽ quay lại đâm vào các bạn (!)”
Trong lúc cha Irigoyen phiên dịch những lời ngang tàng và khoác lác đó, de Mayréna bình thản lấy thuốc lá ra châm hút. Một phút trôi qua dài như một tháng, các buôn trưởng xúm vào nhau, bàn bạc. Rồi bất thình lình, buôn trưởng Liêu tiến đến trước mặt de Mayréna, nhờ cha Irigoyen phiên dịch như sau: “chúng tôi thấy rằng chính ông là đấng cứu thế mà người Sedang chờ đợi từ nhiều thế kỷ qua. Chính ông đã được thần linh cử đến. Chúng tôi muốn ông là “Agna” tức là quốc vương của chúng tôi”. Rồi không đợi cho de Mayréna và hai người đồng hành kịp phản ứng, Liêu cùng các buôn trưởng khác đã chạy lại, xúm quanh vị ‘quốc vương” và thề trung thành với “ngài” bằng cách giết một con gà mái, lấy máu bôi lên trán de Mayréna. Buổi lễ đăng quang đơn giản kết thúc, các buôn trưởng quay về buôn của họ, còn cha Irigoyen và Mercurol thì hộ tống “tân quốc vương Sedang” trở về Kon-tum.
PHẦN 3 – TỔ CHỨC VƯƠNG QUỐC MỚI - CUỘC CÔNG DU ĐẦU TIÊN, MÀ CŨNG LÀ CUỐI CÙNG
Sáng hôm sau, ngày 1.5.1888, de Mayréna tham khảo ý kiến của giáo sĩ Irigoyen và Mercurol rồi soạn thảo bản “Hiến pháp của vương quốc Sedang” với 11 điều khoản, chủ yếu gồm:
- Sáp nhập vương quốc Sedang vào Liên minh Bahnar-Rangao
- Quốc kỳ màu xanh có một ngôi sao đỏ ở giữa
- Quốc vương có quyền hạn tuyệt đối, có sự phụ giúp của một hội đồng phụ chánh
- Cấm chỉ việc buôn bán nô lệ và đem người hiến sinh (trước đó, người Sedang thường bán nô lệ do họ bắt được)
- Mọi tôn giáo đều được tự do hoạt động, song Thiên Chúa giáo là tôn giáo chính thức
- Những đất đai không do buôn làng sở hữu đều thuộc về quốc vương. Đất của buôn làng không được tặng dữ hay buôn bán nếu không có sự ưng thuận của quốc vương.
Xem ra nét nhân bản nổi bật nhất trong bản hiến pháp là điều khoản về sự hiến sinh và buôn bán nô lệ, nếu thực hiện được, công của de Mayréna không phải là nhỏ.
Văn kiện soạn thảo xong, de Mayréna triệu tập 42 buôn trưởng lại, đọc cho họ nghe bản dự thảo hiến pháp được cha Irigoyen dịch ra tiếng Sedang. Sau khi mọi người đồng thanh chấp nhận, cha Irigoyen soạn một văn bản ghi rõ:
“ Tôi ký tên dưới đây là giáo sĩ Irigoyen công bố rằng tất cả buôn trưởng đã nghe đọc bản hiến pháp bằng tiếng Sedang và đã điểm dấu bên trên tên của họ, vì họ không biết ký tên. Trước khi họ áp dấu, tôi đã giải thích bằng ngôn ngữ của họ rằng nghi thức này đã được tiến hành trước mặt đức vua Sedang. Ký tên: Irigoyen”
Tân quốc vương Sedang lấy niên hiệu Marie đệ nhất, bản chính hiến pháp do quốc vương chấp giữ. Mấy ngày sau đó, những diễn biến tại “vương quốc Sedang” được tờ báo Le courrier d’Haiphong (Thư tín Hải Phòng) đăng tải đầy đủ, lại còn có thêm một tuyên bố dài của buôn trưởng buôn Dak-Drai bày tỏ sự tán đồng bản hiến pháp của vương quốc.
Thế là việc đăng quang của “quốc vương xứ Sedang” đã diễn ra trong một tình huống bất ngờ, ghi dấu sự thành công đầy may mắn của con người thích phiêu lưu này. Có người đặt ra câu hỏi tại sao ba nhà tu khả kính Vialleton, Guerlach và Irigoyen lại dễ dàng buông xuôi theo một tấn tuồng hài hước như vậy. Lời giải thích có thể dựa vào những chỉ thị của toàn quyền Constans cho công sứ Lemire, viên chức đứng đầu bộ máy chính quyền toàn vùng, và yêu cầu giúp đỡ của Constans gửi đến Hội truyền giáo hải ngoại ở Qui Nhơn.
Dù sao với những gì vừa làm được, de Mayréna có quyền hi vọng sẽ hoàn thành nhiệm vụ do Constans giao phó. Sau khi liên minh Bahnar-Rongao-Sedang đã hình thành dưới sự lãnh đạo thống nhất của de Mayréna, vấn đề còn lại là phải thuyết phục bộ tộc lớn còn lại của người Djarai. Họ sống gần người Sedang, song nguồn gốc xuất phát rất khác nhau. Nhiều người cho rằng họ cùng một chủng tộc với người Chăm, hoặc ít ra, họ và người Chăm cũng có những mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Người Djarai có đôi mắt linh hoạt, ngôn ngữ gần giống với ngôn ngữ của người Chăm, phong tục cũng tương tự, nhất là tục thờ cúng người chết. Trong lúc người Sedang bỏ quan tài ngoài rừng rồi chạy thục mạng về nhà để không bị người chết “hớp hồn” thì người Djarai tổ chức nghĩa trang đàng hoàng, trong nhà mồ, họ tạc trên các cây cọc những pho tượng với vẻ mặt trầm tư, hai bàn ta đặt lên đầu gối. Cuối cùng thì sau bao nhiêu khó khăn, phải vận dụng mưu ma chước quỷ, kể cả những lúc suýt xảy ra xung đột nghiêm trọng, người Djarai cũng chịu thần phục, de Mayréna qui về một mối.
***
Lên ngôi quốc vương rồi, một trong những việc đầu tiên mà de Mayréna nghĩ đến là tổ chức cuộc sống sao cho phù hợp với một cung đình. Ngôi nhà y ở với Ahnaia được sửa sang lại cho xứng đáng với một “hoàng cung”, lá quốc kỳ của “vương quốc” tung bay trên nóc ngôi nhà. Người bạn thân cận nhất của y là Mercurol được bổ làm Thượng thư Bộ Ngoại giao kiêm Quốc phòng, còn cha Irigoyen được giao sứ mạng làm Đại giáo sĩ tư tế của “nhà vua”. Và dĩ nhiên Ahnaia được tấn phong làm “hoàng hậu”.
Cuộc sống cung đình của de Mayréna mang nhiều sắc thái mới mẻ. Hàng tuần, vào ngày chủ nhật, “quốc vương” đi lễ nhà thờ trong bộ trang phục lộng lẫy, bên cạnh có “cận thần” Mercurol không còn có vẻ luộm thuộm như trước đây nữa. Để việc điều hành vương quốc đạt hiệu quả cao, y ban hành một loạt sắc lệnh thiết lập ba loại huân chương: huân chương hoàng gia Sedang, huân chương chiến công Sedang, và huân chương Sainte-Marguerite. Các sắc lệnh ghi rõ chi tiết từng loại huân chương, hình thể, tiêu chuẩn tặng thưởng, cách đeo ra sao …, nói chung không khác gì các văn kiện lập qui đăng trong công báo Pháp thời đó. Về sau, những văn kiện do “quốc vương Marie 1er” ban hành được tập hợp lại, in trong một tập san nhan đề “Tập san các luật và sắc lệnh và chỉ dụ của vương quốc Sedang năm 1888-1889”. Những người được cấp huân chương chiến công đầu tiên là Mercurol, huân chương hạng nhì; các giáo sĩ Guerlach, Irigoyen, Vialleton huân chương hạng ba. Vào những năm 1920, người ta còn tìm thấy một số văn kiện do de Mayréna ban hành về chuyện ban phát huân chương này.
Tin về sự ra đời của “vương quốc Sedang” nhanh chóng bay về Qui Nhơn và công sứ Lemire lập tức báo cáo cho Phủ Toàn quyền Đông Dương. Lúc này, Constans đã được triệu hồi về nước, người thay thế ông ta là Richaud còn bận rộn nhiều việc khi mới vừa chân ướt chân ráo bước lên đất Việt Nam. Vì vậy, mãi đến ngày 15.9.1888, ông ta mới gửi cho Lemire một văn thư với nội dung như sau:
“Saigon 15.9.1888,
Toàn quyền Richaud gửi Công sứ Lemire – Qui Nhơn,
Xin chuyển đến de Mayréna lời ngợi khen của tôi về những kết quả mà anh ta báo là đã đạt được. Tuy nhiên, theo tôi, có lẽ không có lợi khi đưa các lãnh tụ sắc tộc về Sài Gòn trong lúc này như anh ta yêu cầu. Tôi chưa thể nghĩ đến việc bàn rộng ra về khía cạnh này do những khó khăn hiện nay”.
Qua văn thư của tân toàn quyền Đông Dương, chúng ta biết rằng de Mayréna đã đề xuất đưa lãnh đạo các bộ tộc về Sài Gòn, có lẽ để minh chứng cho sự thành công bước đầu của sứ mạng mà anh ta đang thực hiện. Các viên chức Pháp ở Sài Gòn cũng muốn công nhận “vương quốc Sedang”, vì theo họ, không có lý do gì phủ nhận một hành động phù hợp với kế hoạch đã được cựu toàn quyền Constans vạch ra.
Cuối cùng thì tin tức về “vương quốc” của de Mayréna cũng bay tới Paris, kinh đô ánh sáng của châu Âu. Tháng 9.1888, tờ Nhật báo Paris đăng một bài viết về “quốc vương xứ Sedang” do bạn bè của y gửi đến với nội dung làm cho y không mấy hài lòng. Y đã viết trả lời bài báo đó với những lời lẽ cao ngạo của một kẻ bề trên. Y bảo vệ thần dân Sedang của mình bằng cách nhấn mạnh những đức tính của họ, tài sử dụng súng Remington và súng colt (!) của họ, và cuối cùng mời mọi người sang thăm vương quốc của y mà y đảm bảo rằng chẳng có vẻ gì “dã man” như mọi người lầm tưởng. Trong bài viết trên, y cũng tiết lộ là sẽ tiếp xúc với triều đình nước Xiêm (Thái Lan ngày nay) để tách họ ra khỏi tầm ảnh hưởng của những người Đức. Đây là nỗi ám ảnh dai dẳng của de Mayréna, mà cũng là lý do chính khi cựu Toàn quyền Constans chọn cử y lên vùng đất này. Nỗi ám ảnh càng nặng nề hơn khi có tin đoàn công tác của người Đức đang lảng vảng gần “vương quốc” của ngài. Một số người từ Attopeu về cho hay một người cháu vua Xiêm đang chỉ huy một đạo quân vượt qua sông Mekong. Đi chung với đạo quân này là những người cao lớn, đeo kính mà de Mayréna tin đó là các sĩ quan Đức.
Trong lúc vạch kế hoạch cho chuyến công du quan trọng với tư cách một quốc vương, de Mayréna nhận thấy Lào là một đất nước nằm sâu trong đất liền, giữa Xiêm và Việt Nam, việc kết thân với họ để họ nhìn thấy ở người Pháp một chỗ dựa vững chắc là điều hết sức cần thiết. Được tin vua Lào đang có mặt ở Bassac, cách Kon-Tum khoảng 300 km, de Mayréna quyết định đến đó ngay để thuyết phục người láng giềng gần gũi này. Y để “hoàng hậu” Ahnaia và Mercurol ở lại Kon-Jéri và ra đi một mình. Nếu Mercurol tháp tùng thì sự nóng nảy của ông bạn thân thiết này có thể làm hỏng việc lớn của y.
Cuối tháng 9.1888, de Mayréna lên đường cùng một đoàn quân hộ tống và hai con voi. 15 ngày sau, y đến thành phố Bassac khi mặt trời vừa khuất cuối chân trời. Thành phố đầy những vườn cây xanh, các đại lộ trồng cây cọ, trông như một ốc đảo. Trong cái dịu dàng ngát hương đó, người Lào chỉ làm việc đủ để sống, thì giờ còn lại, họ tận hưởng tình yêu và lạc thú. Trong suốt mùa trăng, từ sáng sớm cho đến nửa đêm, từng nhóm trai gái, đầu giắt hoa thơm, vừa đi tản bộ, vừa ca hát trên những đại lộ đông người. Tôn giáo của người Lào là một nền Phật giáo hiền hòa, các sư sãi ở chùa rất hiếu khách, họ mở trường dạy học cho trẻ con trong làng. Các tín đồ người Lào thường đến viếng ngôi chùa nào họ thích, nghi lễ rất đơn giản, họ đặt gạo, hoa lên bàn thờ và thắp nến. Mỗi buổi sáng, các sư sãi mặc áo vàng, tay xách giỏ đựng đồ cúng, xếp thành hàng dài đi trên đường phố. Phụ nữ Lào đợi họ đi qua, bỏ vào giỏ của họ một ít cơm. Họ chỉ được phép ăn cơm sau khi mặt trời đã lặn. Họ không nhận tiền bố thí, cũng không được liếc nhìn vào đồ cúng của tín đồ. Những người Lào thuộc xã hội thượng lưu, các hoàng thân, những nhân vật quan trọng trong xã hội thường có tập quán vào làm công quả trong chùa một thời gian.
Ngay khi vừa đến Bassac, de Mayréna đã đề nghị được hội kiến với vua Lào. Hai ngày sau, nhà vua tiếp y trong cung điện của ông nằm trên một ngọn đồi cây cối um tùm. Chung quanh y, các quan Lào đều quỳ gối, hai cùi tay chống xuống đất để không nhìn thấy long nhan. De Mayréna vẫn đứng, gọi vua Lào là “người anh em”, thậm chí còn cư xử với một vẻ cao đạo. Song có vẻ như vua Lào chẳng mấy chú ý đến những việc như thế, qua người thông ngôn, ông trả lời de Mayréna rằng với đề nghị liên minh của y, ông chưa thể có ý kiến được, đề nghị y trở lại vào tối hôm sau.
Ngày hôm sau, đúng hẹn, de Mayréna trở lại hoàng cung Bassac, được hướng dẫn vào một căn phòng tù mù, chỉ được thắp sáng bằng vài ngọn nến. Hồi lâu sau, một cụ già đẩy cửa bước vào. Gương mặt ông cụ trắng bệch, đôi mắt như không còn thần sắc, ông tự giới thiệu là người cai quản ngôi chùa hoàng gia, năm ấy đã 80 tuổi, và từ 30 năm qua, hoàn toàn sống trong bóng tối ở chốn tu hành, không hề ra ngoài ánh sáng. Không cần vòng vo gì cả, ông ta thông báo thẳng với de Mayréna là sau khi bàn bạc với vua Lào, ông ta thấy rằng nước Lào không thể ràng buộc số phận của mình với ai khác ngoài nước Xiêm. Có lẽ nhằm để cho người khách phương xa bớt hụt hẫng, ông ta nói thêm là ngày hôm sau, anh nhà vua sẽ có chuyến đi Bangkok, nếu muốn, de Mayréna có thể tháp tùng đến đấy, gặp thẳng vua Xiêm là Chulalongkorn, sẽ được nhà vua tiếp và trả lời thỏa đáng…
PHẦN 4 – SỰ THẤT BẠI CỦA CHUYẾN CÔNG DU VÀ NGÀY TÀN CỦA VƯƠNG QUỐC
Ngày hôm sau, de Mayréna ngồi trên lưng một con voi do vua Lào cấp cho và đi Bangkok bằng đường bộ, qua các ngả Korak và Ayuthia. Ba tuần lễ sau, y đã có mặt ở kinh đô nước Xiêm. Thời bấy giờ, Bangkok được ví như một Venise của Viễn Đông, kênh rạch chằng chịt, dân chúng thường sống trong những nhà sàn cất trên sông Mé-Nam. Chùa Vat-Chen nổi bật giữa thành phố với ngọn tháp trung tâm, chung quanh là những ngọn tháp nhỏ trang trí bằng những đồ sành sứ đủ màu men xanh, đỏ, hồng, vàng. Cung điện của vua Chulalongkorn cũng là một quần thể những ngọn tháp bóng loáng, một số được cẩn bằng những mảnh gốm sứ Trung Hoa có hình cỏ, hoa, chim, thú. Khi đó vua Chulalongkorn còn trẻ lắm, trông chừng hơn 30 tuổi (ông sinh năm 1853), nét mặt thanh tú, dáng vẻ như một người châu Âu, rất am tường về thần học Bà La Môn. Viên lãnh sự Pháp tại Bangkok là Hardouin không nhận được chỉ thị gì từ phủ Toàn quyền Đông Dương, song trước lời khẩn khoản yêu cầu của de Mayréna, ông ta cũng cố dàn xếp một cuộc hội kiến giữa y và vua Xiêm.
Vua Chulalongkorn tiếp “quốc vương xứ Sedang” tại một ngôi nhà trang trí theo kiểu “đế chế thứ hai”. Ông ngồi trên một ngai vàng kê lên những bông sen bằng bạc, mặc một chiếc áo khoác bằng gấm vàng, một chiếc quần ngắn bằng lụa thêu, đội trên đầu chiếc mũ của sĩ quan hải quân. Cũng giống như ở Lào, các quan lại quỳ mọp dưới chân nhà vua, cùi tay chống xuống đất. Chung quanh nhà vua còn có một tốp nữ binh ăn mặc diêm dúa, đầu đội mũ không vành có gắn lông chim. Theo thói quen khi ở Lào, de Mayréna mở đầu câu chuyện bằng cách gọi vua Xiêm là “người anh em” và định đưa tay cho ông ta bắt. Tuy nhiên, không biết do sợ hãi trước cử chỉ bất ngờ của de Mayréna hay khinh miệt thái độ thân tình không đúng cách của y, vua Chulalongkorn vụt đứng lên, rời bỏ căn phòng mà không thốt lên một lời nào cả. Các quan lại và đám nữ binh cũng lục tục đi theo sau nhà vua.
Hẳn nhiên là thái độ bất ngờ của vua Xiêm đã làm cho “quốc vương xứ Sedang” phẫn nộ một cách chính đáng, khiến viên lãnh sự Hardouin vừa ra sức dỗ dành y, vừa cố khuyên y không nên nấn ná ở lâu trên đất Xiêm nữa. Trưa hôm đó, de Mayréna trở về khách sạn Phương Đông, lòng vẫn chưa nguôi lửa giận. Đến giờ ăn tối, nghe tiếng chuông reo, y xuống phòng ăn, định dùng ít cháo cho nhẹ bụng. Bỗng nhiên y giật mình, nhìn thấy trước mặt mình là một phụ nữ đẹp tuyệt vời. Cô len lén nhìn y và điều này tiếp thêm sức sống cho trái tim y đang tan nát, rã rời. Mặc dầu đã gần 50 tuổi, song y vẫn chưa ở vào thời điểm mà các tham vọng chính trị lấn át cả tình yêu. Và y đã làm quen người phụ nữ có cái tên Dalberg đó, lòng say sưa với một cuộc phiêu lưu mới, ở một chân trời đầy cỏ lạ hoa thơm, nỗi ray rứt vì sự thất bại của chuyến công du bỗng chốc tan biến như bọt xà phòng.
Thay vì rời Bangkok vào ngày hôm sau như đã hứa với Hardouin, de Mayréna tiếp tục ở lại khách sạn Phương Đông với cô gái đẹp vừa quen. Y được biết cô là người Thụy Điển, em gái một doanh nhân đang buôn bán ở Hải Phòng. Phần cô ta, theo lời tự kể, cô đến Bangkok để nghiên cứu về những đền đài nước Xiêm. De Mayréna là một gã đàn ông khá điển trai, Dalberg đẹp và đang sống khá tự do, họ như lửa gần rơm, thiêu đốt cả mọi phiền muộn chung quanh, kể cả hình ảnh bà “hoàng hậu” Ahnaia đang thắc thỏm chờ y ở một góc rừng xa xôi…
Đã 8 ngày trôi qua kể từ hôm de Mayréna dự định quay về Kon-Jéri. Lãnh sự Hardouin không giấu được nỗi bồn chồn, lo lắng, nhiều lần thúc giục y rời Bangkok để tránh những điều bất trắc có thể xảy ra. Cuối cùng y cũng kịp nhớ rằng mình còn một trách nhiệm rất nặng nề đối với “vương quốc Sedang”, với lời ủy thác của phủ Toàn quyền Đông Dương. Y lưu luyến chia tay Dalberg, nói nhỏ lời tạm biệt, vì cả hai còn nhiều hi vọng gặp lại nhau ở Hải Phòng…
***
Khi quay về “kinh đô” Kon-Jéri của mình, de Mayréna không ngờ rằng trong lúc y vắng mặt, đã có quá nhiều chuyện rắc rối xảy ra. Ngài “Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Quốc phòng” Mercurol đã tỏ ra mẫn cán quá mức đến đỗi làm cả công việc của một Bộ trưởng Thương mại. Anh ta mua bán thoải mái với người dân các làng biên giới mà không đếm xỉa gì đến lời can gián của các giáo sĩ. Đã thế, anh ta còn định xâm nhập vào một buôn đang có lệnh cấm đi vào để tán tỉnh một cô gái trong đó, và nếu không có sự can thiệp của cha Guerlach thì anh ta đã mồ yên mả đẹp rồi. Cùng lúc đó, một trận dịch bệnh đậu mùa đã tàn phá các buôn làng của người Sedang. Họ tìm đến các thầy mo và sau khi đập vỡ các quả trứng, hỏi ý kiến thần linh, những vị này cho biết nguyên nhân gây ra dịch bệnh là vị “quốc vương” từ xa đến đã làm cho thần linh nổi giận!
Tình hình ở Sài Gòn và Hà Nội lúc đó cũng đầy bất trắc. Toàn quyền Đông Dương mới là Piquet sang thay Richaud là người có khuynh hướng thân Hội Tam Điểm (Franc-Maçonnerie), chống lại các giáo sĩ Thiên Chúa giáo. Vì thế, một vương quốc Sedang chịu ảnh hưởng của các giáo sĩ là điều ông ta không mong muốn. Vì thế, qua trung gian của công sứ Bình Định Lemire, tân toàn quyền Đông Dương gửi đến Giám mục Van Camelbecke, người đứng đầu Hội truyền giáo tại địa phương, những nhận định không có gì đáng phấn khởi về cái vương quốc mà các giáo sĩ đang ủng hộ. Nhận được thư, vị Giám mục đâm hoảng, vội cử một phái viên đi gặp giáo sĩ Vialetton, nhờ ông này ra tay tốp bớt những trò ngông cuồng của de Mayréna.
Lúc này, câu “họa vô đơn chí” thật phù hợp với hoàn cảnh của de Mayréna. Giữa lúc y đang đau đầu vì bao nhiêu chuyện rối beng thì sức khỏe của Ahnaia ngày càng suy kiệt. Sau một lần sẩy thai, cô gái Chăm cơ hồ không gượng dậy nổi. Giữa mùa mưa bão, cô bị sốt liên miên, những triệu chứng bên ngoài cho thấy có thể cô mắc bệnh lao, một trong “tứ chứng nan y” (phong, lao,cổ, lại) thời đó. Cô ngày càng ít nói, sống xa cách mọi người, kể cả với de Mayréna. Mỗi đêm, khi vầng trăng khuyết vừa lên khỏi khu rừng xa, cô lại lê bước ra bờ suối vắng, hát nho nhỏ những bài hát cổ xưa của dân tộc Chăm, như những lời khấn nguyện cuối cùng. Nhìn thấy sự sa sút thảm hại của người bạn đời, de Mayréna cố gắng chăm sóc cô nhiều hơn. Nhưng đã muộn! Một buổi sáng nọ, Ahnaia không dậy nổi nữa. Cô nằm quay đầu hướng về chiếc hàng rào tre và đến chiều thì thở hơi cuối cùng, gục chết như một con chim gãy cánh giữa mùa giông bão.
Trước một mất mát quá lớn, de Mayréna vô cùng đau đớn và bối rối. Y muốn an táng vợ theo nghi thức “hoàng gia” nhưng các giáo sĩ phản đối quyết liệt. Họ không muốn chôn một cô gái Chăm trên đất thánh của đạo Thiên Chúa. Cuối cùng, de Mayréna đành phải chọn lựa cách đưa Ahnaia về quê nhà của cô ở Phan Rang, an táng theo nghi thức dành cho một công chúa Chăm. Thi thể cô được đưa lên lưng voi, đi gấp về Qui Nhơn, rồi từ đó xuôi thuyền về Phan Rang. Trong ngày an táng, đầu Ahnaia được đặt nằm về hướng mặt trời mọc, người ta phủ lên cơ thể cô nhiều đạo bùa và những dải băng màu vàng, trên ghi những hàng chữ theo mẫu tự Chăm. Cô nằm trên 9 chiếc chiếu bằng lá cọ, tượng trưng cho 9 tháng mang nặng đẻ đau của người mẹ. Một chiếc chiếu cói bó chặt cơ thể lên đến cổ, bên trên là những chiếc áo lễ xếp gọn gàng, bên cạnh là bộ đồ trà, hộp đựng vôi, trầu, thuốc lá… Đến ngày hỏa táng, người ta khiêng thi thể Ahnaia ra một cánh đồng, dàn nhạc đưa tang theo sau, trổi lên những khúc ai oán. Cô được đặt nằm lên giàn hỏa, hai người đứng sẵn cầm đuốc châm lửa đốt. Khi lửa vừa bốc lên, hai thầy tu bước đến tách chiếc đầu ra khỏi cơ thể người chết rồi bẻ xương trán ra thành 9 mảnh nhỏ, bỏ tất cả vào một chiếc hộp bằng bạc. Theo tín ngưỡng của người địa phương, số mệnh của mỗi con người được ghi lên trán người đó. Cuộc hỏa táng kết thúc, các thầy tu đi đến nhà tang lễ, nơi đang nhốt một người thủ vai “kẻ giữ nhà” để ngăn cản vong hồn người chết quay về. Người ta dùng một tảng đá có khắc chữ để ghi dấu ngôi mộ của Ahnaia. De Mayréna trồng hai cây táo cạnh ngôi mộ người vợ yêu thương, cầu mong bóng mát của chúng che chở cho một linh hồn đã từng trải qua những năm tháng luân lạc trên cõi thế gian.
***
Khi de Mayréna quay lại Kon-Tum, mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn. Từ khi được phong là “công tước Kon-Tum”, Mercurol ngày càng tỏ ra hống hách và khó tính, các giáo sĩ không buồn nhắc tới anh ta. Họ cũng nhận được tin là chính quyền thực dân Pháp không còn hậu thuẫn cho de Mayréna nữa. Hai thành viên trong liên minh do y lãnh đạo là bộ tộc Djarai và bộ tộc Sedang xung đột lẻ tẻ với nhau. Một bữa nọ, người Djarai châm ngòi thuốc súng. Họ tấn công một buôn của người Sedang, giết chết ba cư dân và bắt nhiều người khác làm nô lệ. “Quốc vương Sedang” quyết định mở cuộc hành quân trừng phạt kẻ gây chiến. Trận chiến diễn ra thật ngắn ngủi, có lẽ bị ám ảnh bởi lời tiên tri của các thầy mo (đã nhắc ở trên) nên mới giao chiến với người Djarai vài phút, họ đã hè nhau bỏ chạy.
De Mayréna chạy về Kon-Jéri trong một tâm trạng phẫn hận cùng cực. Giáo sĩ Guerlach gây áp lực buộc y phải “thoái vị”, bởi vì nếu y còn ở ngôi, sự xung đột giữa các bộ tộc sẽ còn tiếp diễn và người Bahnar theo Thiên Chúa giáo sẽ gặp nhiều nguy hiểm nếu hai bộ tộc Sedang và Djarai liên kết với nhau để tiêu diệt họ. De Mayréna suy nghĩ nhiều về tình thế này và nhận thấy nếu không có sự hậu thuẫn của giáo hội, “vương triều Marie 1er” của y không còn có lý do tồn tại. Một buổi sáng nọ, y thông báo cho cha Guerlach biết ý định đi Qui Nhơn để ”trao đổi với công sứ Lemire một số vấn đề liên quan đến việc củng cố vương quốc Sedang”. Cha Guerlach cung cấp cho y mấy người phu khuân vác của hội truyền giáo, một toán hộ tống độ một chục người Bahnar và ngựa. Ông không hề biết rằng câu trên chỉ là một cách nói của de Mayréna. “Triều đại” của y xem như đã cáo chung sau nửa năm tồn tại, y không còn lòng dạ nào để “trao đổi” với ai hết. Hình ảnh xinh đẹp của Dalberg hiện ra trong ký ức y, với những kỷ niệm mà y khó lòng quên được. Mấy ngày sau, y cùng Mercurol đến Qui Nhơn, từ đó xuống tàu khách đi Hải Phòng …
PHẦN 5 - TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG
Vào năm 1888, Hải Phòng còn là một ngôi làng lớn với vài căn nhà gạch lợp ngói nằm dọc theo bờ sông, là nơi cư ngụ của một số công chức và quân nhân Pháp. Đàng sau một đầm lầy, những người Việt giàu có sống trong những căn nhà gỗ, giữa những khu vườn có rào tre bao quanh. Địa phương này cũng có một quán trọ nhớp nháp được gắn cho mỹ danh Grand Hotel và một vài căn hộ cho người Tàu thuê mướn. Nhiều vụ cướp bóc thường xuyên diễn ra, không ít thành viên của các băng nhóm là người Âu. Họ mua bán hàng hóa bất hợp pháp, làm gián điệp, cung cấp vũ khí cho cả quân thổ phỉ lẫn quân Pháp. Trong số những người này, có cả Dalberg, anh ruột cô bạn gái mà de Mayréna đã gặp ở Xiêm.
Khi đặt chân lên đất Hải Phòng, y và Mercurol đã cạn hết tiền, không đủ cả tiền thanh toán chi phí ăn ở tại quán trọ Grand Hotel. May mắn là ông chủ quán trọ không bận tâm lắm đến điều này, vì ông cảm thấy rất vinh dự được một nhân vật trọng yếu chiếu cố đến cơ sở làm ăn của mình. Cô Dalberg vui mừng khi gặp lại de Mayréna, giới thiệu y với ông anh ruột và ông này không ngần ngại mở rộng hầu bao để hậu đãi vị “quốc vương ” đẹp mã, có một nếp sống khá bình dân. Cách ứng xử hào phóng của anh em Dalberg đã khiến con người thất chí đó tìm thấy lại sự hưng phấn để phục hồi cung cách “hoàng gia” của mình. Với tiền vay của ông Dalberg, y đặt in các bằng khen, giấy viết thư có tiêu đề vương quốc Sedang… Từ đó, y hào phóng ban cấp bằng khen và huân chương cho những ai có thừa tiền nhưng thiếu chút danh vọng hão. Loại hoạt động này ngày càng phất lên, giúp y có một cuộc sống tương đối thoải mái, thanh toán đủ tiền cho ông chủ quán trọ Grand Hotel và sắm sửa cho ra vẻ một ông vua … lưu vong. Nhưng sau một thời gian thì số thân chủ hám danh của y cũng thưa dần. Y bắt đầu nghĩ đến thành phố Hà Nội sầm uất, nơi có thể bán nhiều huân chương hơn, và nhất là có dịp hội kiến với viên Tổng trú sứ Rheinart để bàn cách cứu vãn cái “vương quốc” của y.
Trong lúc lênh đênh trên sông Hồng, thuyền của de Mayréna bị một thuyền của băng cướp Winchesters chặn lại (sở dĩ có tên trên vì băng này chuyên sử dụng súng Winchester). Sau khi biết mình đang đối diện với một “quốc vương” đang vi hành, hai thành viên của băng này là William S. và T. thay đổi hẳn thái độ và cùng với de Mayréna sớm trở thành một bộ ba tương đắc. Khi y đến Hà Nội thì thành phố này đang xôn xao về cái tin một lãnh tụ kháng chiến kiệt hiệt là Đốc Văn sắp bị thực dân Pháp hành hình. Con người mưu trí và dũng cảm ấy đã nhiều phen làm cho giặc kinh tâm táng đởm. Người ta kể rằng trong các cuộc hành quân của Đốc Văn, có cả sự hiện diện của một thiếu nữ người Âu bịt mặt. Ngày thi hành án tử, ông bị bỏ vào một chiếc cũi và giải về Hà Nội. Đến pháp trường cạnh tòa sứ, ông thản nhiên bước ra khỏi cũi, hất hàm bảo viên đao phủ “nhanh lên”. Người anh hùng đó đã hi sinh trong nỗi tiếc thương của bao nhiêu người dân đất Việt!
Do tình hình nhiều biến động, khó khăn lắm de Mayréna mới cấp được vài huân chương, mỗi cái thu về từ 50 đến 300 franc tùy theo điều kiện của mỗi khách hàng. Sau khi bị Tổng trú sứ Rheinart tại Hà Nội từ chối tiếp kiến, y cảm thấy nấn ná ở thành phố này cũng không ích lợi gì, bèn quay lại Hải Phòng và việc đầu tiên là gửi cho công sứ Bình Định Lemire một thư đề ngày 3.11.1888. Tất nhiên, lá thư của y đầy rẫy những điều bịa đặt như ông chủ Grand Hotel treo lá cờ của “vương quốc Sedang” to tướng trên cột cờ khách sạn, trưởng ban biên tập tờ báo Courrier d’Haiphong (Thư tín Hải Phòng) khuyên y công bố bức thư gửi cho Tổng thống nước Cộng Hòa Pháp, khi trở về “vương quốc”, y sẽ có sự phục vụ của một bác sĩ, một kỹ sư tốt nghiệp trường Bách khoa và một kiến trúc sư …. Nội dung bức thư cũng tiết lộ một điều không vui là công sứ Lemire đã trả lại y bằng khen y cấp cho ông ta với lời lẽ pha chút an ủi “xin hãy chờ nhé, tôi trả lại anh lúc này”.
Điều đáng nói nhất là trong thời gian này, de Mayréna dành nhiều thì giờ cho việc viết thư, có lẽ để nhắc nhở mọi người rằng, trên danh nghĩa, y vẫn còn là “quốc vương xứ Sedang”. Trong thư viết cho một người bạn cũ đang làm cho tờ báo Petit Journal (Tiểu nhật báo), y than phiền về sự lạnh nhạt của người Pháp trước những thành tích y lập được, tặng người bạn một huân chương hoàng gia Sedang và một tấm ảnh của y, “mong rằng tờ Petit Journal sẽ bảo vệ quyền lợi của tôi, tức quyền lợi của nước Pháp”. Trên tờ Courrier d’Haiphong, de Mayréna đăng một bài viết dài, sau khi kể lể do đâu y trở thành quốc vương, đã thêm thắt nhiều chi tiết đầy tính hư cấu, lãng mạn, hứa hẹn tặng cho mọi người các mỏ vàng, mỏ sắt, mỏ thiếc trong vương quốc của y.
Cho rằng đánh động dư luận như thế vẫn chưa đủ, y quyết định viết cho “ông anh họ” là Tổng thống Pháp Sadi Carnot một lá thư trần tình. Thư không được chuyển theo hệ thống hành chánh mà đăng toàn văn trên tờ Le Courrier d’Haiphong. Tất nhiên phần đầu bức thư là những lời kể lể dài dòng về công lao tập hợp các bộ tộc tại cao nguyên, về trường hợp lên ngôi quốc vương xứ Sedang, đặc biệt là phần mô tả về phong tục, tập quán, sinh hoạt của các bộ tộc ở đây. Lá thư này không phải là không có giá trị về mặt nghiên cứu. Điều đáng nói là không ít nội dung trong thư dựa vào tác phẩm L’histoire de l’Annam (Lịch sử An Nam) của Petrus Trương Vĩnh Ký.
Một bữa nọ, quay lại quán trọ Grand Hotel, de Mayréna nhận được phong thư của Phó Công sứ Hải Phòng Benoit mời y đến tòa Công sứ càng sớm càng tốt. Tại đó, bằng một thái độ lịch sự nhưng kiên quyết, Benoit khuyên de Mayréna đừng tiếp tục tiến hành trò lố bịch là bán huân chương, và vì sự an toàn cá nhân, không nên đi lại với anh em Dalberg nữa. Những tài liệu tịch thu được khi bắt lãnh tụ nghĩa quân Đốc Văn cho thấy anh em Dalberg có dính líu tới cuộc kháng chiến của ông và họ có nguy cơ bị trục xuất khỏi lãnh thổ của thực dân Pháp. Tuy nhiên, khi gặp lại hai người này, de Mayréna thấy họ vẫn bình thản và đang sửa soạn chiếc du thuyền Le Freidj, dự định ngày hôm sau đi Hong Kong. Cô Dalberg mời y cùng đi và y đã nhận lời không chút do dự. Hải Phòng không còn là đất có thể dung thân của y nữa. Tuy nhiên, đến lúc này, sự cùng quẫn đã kéo lùi cuộc đời de Mayréna thêm mấy bước nữa. Bên cạnh tính phiêu lưu, khoác lác, y còn mất dần sự lương thiện, giữ trong ví một tờ “hối phiếu” của Giám mục Van Camelbecke ở Hội truyền giáo Qui Nhơn cho phép y nhận một khoản tiền lên tới mấy ngàn quan từ vị linh mục quản lý tu viện ở Hong Kong. Trên tờ hối phiếu đó, y chỉ cần thêm vào vài con số không là số tiền y nhận được có thể lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn quan. Tất nhiên không ai tin rằng giám mục Van Camelbecke ở Qui Nhơn đã tự tay ký cho y tờ hối phiếu đó, vì một lẽ dễ hiểu là trước đó mấy ngày, y còn chưa biết mình sẽ đi Hong Kong nữa là. Giả thuyết được nhiều người ủng hộ là y đã cùng cô Dalberg làm giả tờ hối phiếu và nhái chữ ký của Giám mục Van Camelbecke.
Với tờ hối phiếu giả đó, cô Dalberg đã “mai mối” y với một người Tàu chuyên cho vay nặng lãi tên Akon chịu cho y vay 30 ngàn quan, với điều kiện khi đến Hong Kong, rút tiền ra, y sẽ trả cho ông ta cả vốn lẫn lãi …100 ngàn quan. Lợi lộc và cương vị “quốc vương” của de Mayréna đã làm cho Akon tối mắt, xùy ngay cho y 30 ngàn quan. Tuy nhiên, lão này cũng không phải tay vừa, quyết bám theo ba người tới Hong Kong để nhận tiền. Trong lúc anh em Dalberg còn do dự, de Mayréna đề nghị họ cứ thuận tình với đề nghị của Akon, vì y đã … có cách.
Buổi sáng hôm ấy trời trong vắt, chiếc du thuyền Freidj nhẹ nhàng lướt sóng ra khơi, chở theo de Mayréna, 2 anh em Dalberg, Villeroy, một trong những đầu đảng của băng cướp Winchester mà de Mayréna đã quen khi còn ở Hà Nội, và tất nhiên có cả Akon. Riêng Mercurol không đi Hong Kong mà bỏ vào Sài Gòn. Để cho chuyến đi được thêm phần long trọng, chiếc du thuyền bay phấp phới lá cờ của “Vương quốc Sedang” treo ở cột buồm. Trên đường đi, nhiều lần de Mayréna có ý định vứt lão già Akon cho vay nặng lãi xuống biển để lão đi đòi nợ mấy chú cá mập, song sau đó, y nghĩ ra một kế khác. Một hôm, tàu ghé lại đảo Hải Nam, anh em Dalberg có việc cần ghé lại thủ phủ chính là Kiong-Tcheou. Thời đó, Hải Nam có một trong những trại phong (cùi) lớn nhất vùng Viễn Đông, câu chuyện rôm rả xoay quanh trại này. Theo một kế hoạch sắp sẵn, trong lúc anh em Dalberg đi lo việc riêng, Villeroy đánh cuộc với de Mayréna là y không dám vào trại phong, gặp những người bệnh để xin … mồi thuốc hút. Tất nhiên là de Mayréna chấp nhận lời thách thức, song đề nghị cả Akon đi theo y và Villeroy để làm trọng tài. Akon đồng ý ngay vì cũng không dám ở lại tàu một mình. Cả ba lầm lũi đi qua một nghĩa trang rộng lớn đầy mộ của những bệnh nhân phong đã qua đời.
Buổi chiều, mọi người tập hợp lại trên tàu, ai cũng có mặt, trừ … Akon. De Mayréna giải thích với anh em Dalberg là lão này ở lại đảo để thăm người quen, sẽ đi Hong Kong sau. Tuy nhiên, một tháng sau, Akon tái xuất hiện tại Hải Phòng, kể lại chuyện lão ta đã bị de Mayréna và Villeroy trói chặt, bỏ trên một bãi vắng gần trại phong cho chết đói. May sao, sáng hôm sau, một ngư dân địa phương phát hiện ra lão ta, cỡi trói và đưa lão ta đến gặp ông trưởng trại phong rồi được trại tìm cho phương tiện để trở về Hải Phòng. Sự rủi ro không chỉ có thế. Nhà cầm quyền Hải Phòng biết được lão ta từ trại phong về, đã cách ly lão suốt ba tuần lễ để xem trên người lão đã có con vi trùng Hansen nào chưa.
***
Cái gai Akon đã nhổ đi rồi, de Mayréna tự thấy đã có thể tiêu xài thoải mái 30 ngàn quan vay được. Không còn lo về chuyện tiền nong, y nỗ lực vực dậy cái “vương quốc” đã vuột khỏi tầm tay. Khi vừa tới lãnh thổ Hong Kong, y vội vã đến tòa lãnh sự Đức, đề nghị bán cho chính phủ Đức quyền bảo hộ “vương quốc Sedang” cùng những quyền lợi khác. Trong đời làm ngoại giao, đây có lẽ là một trong những tình huống bất ngờ và khó xử nhất của viên lãnh sự Đức. Ông ta liền điện cho chính phủ Đức ở Berlin về nội dung đề nghị của de Mayréna. Hai ngày sau, ông ta nhận được chỉ thị là đừng thỏa thuận gì hết vì “thời cơ chưa chín muồi”. De Mayréna bèn quay sang tòa lãnh sự Anh, song nơi đây xem y chỉ là một anh khùng, không hơn không kém.
Về phần Dalberg, cô nhận thấy con người đang xuống dốc này không còn gì để khai thác nữa, nên bắt đầu lạnh nhạt với y. Trong tình thế đó, de Mayréna thấy chỉ còn có cách trở về Pháp càng sớm càng tốt. Y xuống một chuyến tàu thuộc Hãng Vận tải Đường biển, không kèn không trống, với chiếc vé hạng nhì trong tay. Như một vị quốc vương thứ thiệt đang bí mật vi hành, y khai trong danh sách hành khách đi Pháp với cái tên “Bá tước de Drey” (Drey vốn là tên một buôn của người Sedang)
PHẦN 6 – KHUẤY ĐỘNG CHÂU ÂU
Ngày 23.2.1889, cả Paris chào đón de Mayréna, người đã một thời lê bước chân nhàn hạ trên những con đường xanh ngắt bóng cây. Nhưng với “quốc vương xứ Sedang”, như thế chưa đủ. Y đến Paris để được thỏa mãn hai yêu cầu, một là sự công nhận của chính phủ Pháp đối với vương quốc Sedang, và hai là … tiền. Vì vậy, ngay khi vừa đặt chân lên đất Pháp, y đã nghĩ ngay đến việc tận dụng
cái ưu thế của một xã hội có khá nhiều tay trưởng giả học làm sang. Y thuê một căn phòng sang trọng trong khách sạn Grand Hotel với tên “bá tước de Drey”. Thu xếp đồ đạc xong, y xuống ngay đại lộ Capucines và tìm đến tòa soạn báo Le Gaulois, gặp Robert Mitchell, một trong những sếp cũ của y. Ông này giới thiệu y với chủ bút báo Les Echos, lại cũng là một bạn cũ của y. Mấy ngày sau, tờ báo này đăng tải một cuộc trả lời phỏng vấn lý thú mà ngài “quốc vương xứ Sedang” có nhã ý dành cho “bổn báo”. Trong cuộc phỏng vấn, de Mayréna kể nhiều về lịch sử, địa lý, cư dân và nhiều mỏ vàng chưa được khai thác (!) ở vương quốc Sedang. Bài báo còn bổ sung nhiều chi tiết được y vẽ ra đến mức … không thể tin nổi, như dân Sedang có 2 triệu người (!), vua Asbath III của nước Lào cử đến Sedang một đại sứ, ký với y một thỏa hiệp liên minh và thân hữu, y đã ký cho một công ty Anh được quyền bỏ ra 20 triệu quan khai thác mỏ trong 25 năm v…v…. Y còn thêm rằng y sẽ gặp lại cựu toàn quyền Đông Dương Constans, nhờ ông này giúp thu xếp một cuộc hội kiến với tổng thống Pháp.
Chỉ mấy ngày sau, tờ Les Echos tiến thêm một bước trên con đường …liều, cho đăng bài tường thuật nội dung cuộc hội kiến (chỉ có trong tưởng tượng) giữa “quốc vương xứ Sedang” và tổng thống nước Cộng Hòa Pháp Carnot.
Trong cuộc hội kiến, tổng thống Carnot mở lời trước:
- Tôi sung sướng gặp lại người đồng hương thân thiết của tôi…à này, anh cho phép tôi không phải gọi anh là Bệ hạ nhé, vì điều này sẽ làm tôi cảm thấy khó chịu và tướng Brugère sẽ giận tôi.
De Mayréna trả lời nhũn nhặn:
- Xin hoàn toàn theo ý anh, kể cả việc anh có thể …mày, tao với tôi (!)
- Không ai dễ mến hơn anh được. Anh có một dáng vẻ tuyệt vời, còn tôi thì ….
-Thật vậy, tôi thấy da anh hơi xanh, đôi mắt hơi lờ đờ
- Đó là lỗi của Floquet. Ở đó, anh có cần một chủ tịch hội đồng không? Tôi sẽ gừi Floquet cho anh.
- Cảm ơn nhiều. Tôi đã có một chủ tịch hội đồng xuất sắc.
- Anh không thể cho tôi mượn anh ta được sao?
- Anh ta không muốn thế. Vả lại, tôi không thể xa anh ta được. Đó là người hầu phòng của tôi, anh ta chỉ làm Bộ trưởng những lúc … rảnh rổi.
- Ở đó, anh có báo chí riêng không?
- Tôi là nhà báo duy nhất
- Một dân tộc đáng ngưỡng phục biết bao nhiêu! Có khủng hoảng nội các không?
- Hiếm lắm. Vì tôi chỉ có 2 bộ trưởng, một làm chủ tịch hội đồng kiêm hầu phòng cho tôi, một làm Ngoại trưởng, cả ngày không có việc gì khác ngoài việc …đuổi muỗi cho tôi. Ban đêm,việc này do hoàng hậu xứ Sedang đảm trách.
- Không có Thượng viện? Không có Hạ viện ư?
-Tôi chỉ có một nơi để nằm, và nói đúng ra, còn một căn phòng rất khác với phòng của anh, thưa Tổng thống.
- Xứ của anh xa lắm hả?
- Hơi xa. Tôi chỉ ra đi trong vài tuần lễ
- Hãy quay lại gặp tôi. Ta sẽ trở lại chuyện này
Đăng một bài tường thuật đầy sức tưởng tượng như thế, quả là ông chủ bút báo Les Echos đáng xếp vào hạng đại … liều. Tuy nhiên, vào lúc mà cái xứ sở Sedang mờ mờ ảo ảo như thế chưa được mọi người hình dung đang nằm trong một xó xỉnh nào trên trái đất thì bài tường thuật trên làm lợi cho de Mayréna rất nhiều. Công luận bắt đầu chú ý đến y, không ít người xem y như một “yếu nhân” từng nói chuyện ngang cơ với hàng tổng thống. Tờ báo Gil Blas còn tỏ ra nghiêm túc hơn nữa, bày tỏ sự phẫn nộ về việc chính phủ Pháp đã không dành cho “quốc vương xứ Sedang” sự hỗ trợ cần thiết, có nguy cơ để vuột khỏi tầm tay một vương quốc tráng lệ.
Trong lúc một số người cảm thấy một cái gì đó … không bình thường trong cuộc hội kiến “thượng đỉnh’ được báo Les Echos tường thuật thì không ai nghi ngờ gì về việc de Mayréna có mặt trong Ngoại giao đoàn chứng kiến phiên họp ngày 17.3.1889 của Viện Dân biểu Pháp. Y đặt tòa Đại diện vương quốc Sedang trên đường Grammont, cử một tay lang bang trong đám bạn bè cũ làm quan Chưởng Ấn. Ở đó, mỗi buổi sáng, tòa đại diện nhận được nào là đơn xin việc, nào là thư của quý ông, quý bà mong muốn đặt chân đến cái xứ thiên đàng trong mơ ước. Trong số đó có một bức thư rất đáng chú ý:
“ Tâu bệ hạ,
Tôi có vinh dự kính báo bệ hạ biết là vợ tôi, em vợ tôi và tôi sẽ vô cùng biết ơn và gắn bó một cách trung thành nếu bệ hạ có lòng tốt đưa chúng tôi cùng đến cái vương quốc xinh đẹp của bệ hạ, nơi mà chúng tôi sẽ ra sức phục vụ bệ hạ. Em vợ tôi rất có tài làm bánh ngọt, nhưng cố ấy cũng có khả năng hoàn thành những nhiệm vụ khác bên cạnh bệ hạ.
Tôi kính cẩn phủ phục dưới chân bệ hạ với hi vọng được sớm phúc đáp
X… Phó Phòng Bộ …”
Nhưng trong đống thư từ, cũng có cả thư của các chủ nợ cũ, kính cẩn nhắc nhở bệ hạ về những món tiền mà bệ hạ còn nợ từ năm xửa, năm xưa. Loại thư này được de Mayréna xếp vào một hồ sơ đặc biệt, bên ngoài đề “giao lại cho bộ trưởng Tài chánh”. Lúc này, de Mayréna đang khốn quẫn thực sự. Phòng cấp huân chương không còn nhận được đơn yêu cầu, trong khi khoản tiền 30 ngàn quan tước đoạt của lão Akon cũng tiêu tán dần như băng tan dưới ánh mặt trời. Cố gắng lắm, y mới tiêu thụ được vài cái huân chương trong các hộp đêm như Weber, Café de Paris, nhất là ở Montmartre.
***
Dù gì thì những hành động của de Mayréna ở Hải Phòng, Hong Kong, và Paris cũng làm cho các ông giáo sĩ ở Kon-Tum đâm hoảng, vì họ là những người đầu tiên ủng hộ và hỗ trợ cho sự hình thành cái “vương quốc Sedang” đang được y sử dụng làm cái mồi câu các con cá nhiều tiền và hám danh ở châu Âu. Không thể chịu đựng nổi tình trạng bất an, một bữa nọ, cha Guerlach vội chạy ra Hà Nội để biện minh những việc làm của giáo hội tại cao nguyên với Tổng trú sứ Rheinart. Sau đó, ông viết và gửi đăng mấy bài báo trên tờ Le Courrier d’Haiphong để làm sáng tỏ vấn đề trước công luận. Ít lâu sau, Phó công sứ Qui nhơn là Guiomar cùng đệ nhất Tham tá tòa sứ là Simoni được lệnh đi vào các buôn của người Sedang thu hết những cờ và huy hiệu mà de Mayréna đã để lại trước khi ra đi. Những giới chức này cũng chính thức thông báo cho dân buôn biết là vương quyền của de Mayréna đã vĩnh viễn kết thúc. Tuy nhiên, “tác phẩm” do y sáng tác ra không phải là đã hoàn toàn phá sản. Liên minh Bahnar-Rongao dưới sự lãnh đạo của tù trưởng Krui và sự dẫn dắt của các giáo sĩ tiếp tục tồn tại đến năm 1897, là thời điểm mà vùng cao nguyên miền Trung chính thức được đặt dưới sự bảo hộ của chính quyền thực dân Pháp.
Về phần Tổng trú sứ Rheinart, ông ta cũng cố gắng dàn xếp để hậu quả của chuyện lùm xùm này không lan rộng ra nữa. Ngày 23.2.1889, ông ta gửi cho tù trưởng Krui một lá thư đại ý vạch trần hành động “lừa gạt” người Sedang của de Mayréna và khẳng định chính phủ Pháp không cho phép de Mayréna trở lại vùng cao nguyên Trung phần nữa. Bằng lá thư này, chính quyền thực dân Pháp đã áp dụng chính sách “cạn tàu ráo máng” với một công dân của họ đã từng tận tụy phục vụ mục tiêu do chính họ vạch ra.
Hẳn nhiên, những gì đang diễn ra tại Việt Nam rồi cũng đến tai de Mayréna. Ngày 4.4.1889, y lẳng lặng xuống tàu đi Bruxelles (Bỉ). Tại thủ phủ này, y đến ở tại khách sạn Mengelle, trong một khu phố quý phái nằm trên đại lộ Louise. Từ mấy ngày qua, cái khách sạn cũ kỹ này bỗng trở thành một địa điểm lịch sử, nơi gặp gỡ của nhiều nhân vật lừng danh trong xã hội Bỉ. Trong số những người này, de Mayréna quen được với tướng Boulanger và bà de Bonnemain là một cặp tình nhân nổi tiếng đang từ bỏ nhiều cám dỗ tiền tài và danh vọng để theo đuổi một tình yêu mãnh liệt. Tuy nhiên, không lâu sau, do yêu cầu của chính phủ Pháp, chính phủ Bỉ buộc tướng Boulanger phải rời khỏi Bruxelles. Người ta mất dấu de Mayréna mấy ngày, tưởng y đã đi theo Boulanger sang Luân Đôn, song trên thực tế, y quay lại Paris, tham dự một buổi trình diễn nhạc kịch và một cuộc triển lãm quốc tế. Mánh khóe bán huân chương cho những kẻ háo danh không còn đắc dụng nữa, quan “chưởng ấn” của y cũng đã rời bỏ tòa đại diện vương quốc Sedang tại Paris, mang theo mấy đồng louis còn sót lại trong két sắt.
Rốt cuộc, de Mayréna lại rời Paris, cố tìm vận may tại Bruxelles một lần nữa. Mấy ngày sau, tờ báo Indépendence Belge đăng một bài tường thuật dài với nhiều chi tiết thú vị về nhân thân “quốc vương xứ Sedang” và cái vương quốc tuyệt đẹp của ngài. Trong giới trưởng giả học làm sang tại Bruxelles lúc bấy giờ có một nhân vật nổi bật được mọi người biết đến dưới cái tên Somsy (có tài liệu ghi tắt là S. hay Songié, Somzie), là một kỹ sư giàu có. Nhờ phát minh ra nhiều phương pháp công nghệ mới, ông ta tạo lập được một gia tài khá lớn, cất lên một tòa nhà vô cùng tráng lệ, trang trí bằng những kiệt tác hội họa cổ điển. Ông ta nhiều lần tìm cách tiếp cận quốc vương nước Bỉ Léopold II, song đều bị nhà vua lạnh nhạt, xa lánh. Trong lúc đang hận đời đen bạc, tình cờ Somsy đọc được bài báo trên tờ Indépendence Belge viết về “quốc vương” của xứ Sedang “giàu có và hùng mạnh”. Vui sướng như kẻ đắm tàu vớ được phao, Somsy nhờ một người bạn vận động để được ra mắt ngài. Với nhân vật này thì ông ta không phải thất vọng bẽ bàng nữa. Ngài Marie I khoan dung và nhân hậu sau khi giả vở suy nghĩ mấy ngày, cuối cùng cho phép Somsy được bệ kiến tại khách sạn Grand Hotel. Tới ngày hẹn, Somsy vui như mở cờ trong bụng, nhanh chân đến khách sạn Grand Hotel, ngồi chờ ở phòng khách. Theo lời một người hầu phòng, “quốc vương” đang bận tiếp ngài Đại sứ Anh quốc. Trong lúc Somsy vẫn còn hồi hộp thì “quốc vương” đã xuất hiện. Buổi tiếp kiến diễn ra vui vẻ, thuận lợi ngoài sức mong đợi của ông ta. Cuối cùng, sau những lời khẩn khoản tha thiết của ông ta, và sau một hồi suy nghĩ thật lâu, “quốc vương xứ Sedang” gật đầu nhận lời tham dự bữa tiệc do Somsy khoản đãi.
Ngày hôm đó, tiệc được tổ chức thật long trọng, theo nghi thức hoàng gia mà Somsy vừa được một người bạn tận tình hướng dẫn. Cuối bữa tiệc, de Mayréna ngồi hút xì-gà La Havana, ung dung kể cho Somsy và các nhà công kỹ nghệ nghe nhiều chi tiết hết sức thú vị về “vương quốc Sedang” của y. Y đánh hơi được đây là dịp tốt nhất để tung ra mẻ lưới cuối cùng trong cái xã hội có nhiều anh trưởng giả học làm sang. Và qua những gì y kể, vương quốc Sedang như một thiên đàng trên hạ giới, to lớn gấp … 10 lần nước Bỉ. 8 ngày sau bữa tiệc sơ giao, bằng một “chỉ dụ” ngài “quốc vương” Marie Đệ nhất tưởng thưởng cho Somsy huân chương Sainte-Marguerite và tấn phong ông ta chức Thủ tướng, đổi lại 200 ngàn quan mà Somsy đã vui lòng cung hiến cho ngài. “Chỉ dụ” của “quốc vương xứ Sedang” làm cho Somsy sướng mê hồn, ông ta cứ tơ tưởng mãi cái xứ sở thần tiên có hàng triệu thần dân, nơi ông ta có thể thực hiện bao nhiêu hoài bão của mình….
PHẦN CUỐI: BI KỊCH CUỐI CÙNG CỦA DE MAYRÉNA
Ngày 15.1.1890, người ta thấy một chiếc du thuyền cỡ 600 tonneau neo ở Steen, một bến tàu chính của hải cảng Anvers. Du thuyền mang tên Sachsen, treo một lá cờ màu xanh thêu những bông cúc trắng (của “vương quốc Sedang”) do “Nam tước” Somsy thuê để tham gia một chuyến hải hành dài ngày. Nhiều người Bỉ mặc trang phục du khách, trong đó có cả một vị thầy tu, quây quần ở cầu tàu, lắng nghe một nhóm hát dạo hát bài “quốc ca” của “vương quốc Sedang”. Cuối cùng, nhân vật quan trọng nhất là de Mayréna mới chịu xuất hiện trong bộ đại triều phục lộng lẫy. Trên đường y đi qua, mọi người nghiêng mình, cúi đầu cung kính, de Mayréna chào lại theo kiểu nhà binh.
“Triều đình” của y ngoài “nam tước” de Somsy, còn có vài thanh niên giàu có trong giới thượng lưu Bỉ, lòng khấp khởi vui mừng với triển vọng sắp sửa đặt chân lên một vùng đất hứa. Mấy phút sau, tàu Sachsen nhổ neo hướng về vùng Viễn Đông. Suốt chuyến đi, de Mayréna yêu cầu mọi người chấp hành triệt để mọi nghi thức cung đình, hẳn nhiên trừ trường hợp bất khả kháng do say sóng gây nên. Không rõ vì đâu trong câu chuyện kể, y vẫn kể rằng “hoàng hậu” Ahnaia đang nóng lòng chờ y ở “cung điện” Kon-Djeri. Điều này khiến “Nam tước” de Somsy, với tư cách Thủ tướng sẽ được bổ nhiệm, cảm thấy có bổn phận phải kín đáo gửi đi một bức điện chúc mừng “hoàng hậu”. Bức điện lại đi lạc qua Luân Đôn, lọt vào văn phòng ngoại vụ của triều đình nước Anh và được đệ trình cho Nữ hoàng Anh Victoria (trong ngôn ngữ Anh, Pháp, không có sự phân biệt giữa Nữ hoàng và Hoàng hậu). Bà hoàng khả kính của vương quốc Anh đọc xong bức điện đã được một phen cười nôn ruột.
Ngày 18.4.1890, tàu Sachsen đi vào cảng Singapore. Không ai đoán nổi tâm trạng de Mayréna lúc ấy ra sao. Y đang tiếp tục nghĩ ra những trò lừa ngoạn mục hay lo lắng cho âm mưu của y có thể bị phát hiện?
Chiếc sà-lúp đưa “quốc vương xứ Sedang” và “triều thần” cập bến Tandjonj-Pagar, neo lại giữa đám thuyền đông đảo của người Trung Hoa. Ai cũng trông chờ một niềm vui bất ngờ sẽ đến với họ. Nhưng bất ngờ thì có, còn niềm vui thì không. Vừa đặt chân lên đất Singapore, de Mayréna chạm trán ngay với một viên chức của tòa lãnh sự Pháp tại đây. Ông này cho biết viên lãnh sự muốn gặp y càng sớm càng tốt để thông báo một việc khẩn cấp. Y cố làm ra vẻ bình thản, sắp xếp cho những người đi theo ở trong khách sạn Ralph nằm trên đại lộ Nữ hoàng, rồi một mình đến lãnh sự quán Pháp. Viên lãnh sự tiếp y trong một cung cách lịch sự và thoải mái. Ông ta thông báo là theo lệnh của chính phủ Pháp, y bị truất quyền ở “vương quốc” của mình, và từ nay y không được léo hánh trở lại Đông Dương nữa. De Mayréna lên tiếng phản kháng, song viên lãnh sự cắt ngang, cho biết y đã bị kết tội phản quốc, tốt hơn hết là đừng nên để bị bắt trên các lãnh thổ của Pháp. Y tái mặt, nhưng cố tỏ vẻ bình thản, quay về khách sạn Ralph, triệu tập “quần thần” và phát biểu:
- Tòa lãnh sự Pháp vừa báo cho tôi một biết một biến cố nghiêm trọng đang diễn ra trên vương quốc của chúng ta: thần dân Sedang của tôi đang nổi loạn, cảvương quốc của tôi đang chìm trong lửa máu. Hiện giờ, chúng ta không thể đến đó ngay được. Tôi không muốn để cho các ông đến một nơi nguy hiểm, chết chóc như vậy. Nhưng phần tôi, tôi có trách nhiệm phải dẹp yên bạo loạn.Vì thế, trừ những người muốn quay về Bỉ, các ông có thể ở đây chờ lúc tôi quay lại đón các ông.
Các ông trưởng giả nghe cũng xuôi tai, dù trong chuyến đi, đôi lúc họ nghe qua một số phát ngôn đầy mâu thuẫn của ông vua này, lòng đã hơi nghi ngại, song viễn cảnh những mỏ vàng chưa được khai thác, những chức vị Bộ trưởng, Quốc vụ khanh … đã làm mờ lý trí họ. Một số người muốn liên lạc với lãnh sự quán Pháp để biết rõ thực hư, song bằng lòng trung thành tuyệt đối với “nhà vua”, de Somsy đã ngăn trở họ. Mặt khác, toàn bộ chi phí chuyến đi do nhà cự phú de Somsy đài thọ, giấc mơ khanh tướng và làm giàu của họ dù có tan thành mây khói, họ cũng có dịp nhìn ngắm cảnh non xa xứ lạ mà chẳng tốn một đồng xu nào, kể cũng hời chán. Họ tham gia nhiều thú vui khác tại Singapore rồi sau đó lên tàu Sachsen quay mũi trở về Bỉ. Có điều là lần này, trên cột buồm của tàu không còn phấp phới lá quốc kỳ của “vương quốc Sedang” nữa.
Tình huống bất ngờ tại Singapore đẩy de Mayréna vào tình thế tuyệt vọng, cái chính phủ mà y tận tâm phục vụ trong một sứ mạng hết sức khó khăn đã quay lưng hoàn toàn lại với y, không chừa cho y một lối thoát nào hết. Mấy trăm franc còn sót lại trong túi quá ít ỏi so với cuộc sống cam go trước mắt. Có lúc y nghĩ đến việc quyên sinh, nhưng lại cho rằng giờ phút cuối của đời mình chưa đến. Y lánh mặt những ông trưởng giả người Bỉ cho đến khi chiếc tàu chở họ tách bến ra khơi, quay về châu Âu. Y lang thang trên đường phố Singapore, bữa nọ đang mải mê nhìn ngắm ông thợ hớt tóc lấy ráy tai khách hàng thì một bàn tay lạ đặt lên vai y. Y quay lại nhìn, bắt gặp gương mặt quen thuộc của Villeroy, một tay yêng hùng trong băng Winchesters y đã quen ở Hà Nội, người đã cùng y trói gã Tàu Akon bỏ lại trên đảo Hải Nam. Tay bắt mặt mừng, họ dắt tay nhau vào quán cafe kể lể chuyện đời. Villeroy cho biết sau khi chia tay với de Mayréna, anh ta đến đảo Tioman trong vịnh Thái Lan kiếm sống bằng nghề đi gỡ tổ chim yến bán lại cho thương buôn người Tàu. Thỉnh thoảng anh ta đi Singapore chơi, tiêu pha bằng những đồng tiền kiếm được. Trong tình thế cùng cực, de Mayréna dễ dàng thuận theo đề nghị của Villeroy, theo anh ta đên sinh sống trên đảo Tioman để xây dựng một cuộc sống mới.
Villeroy sống trong làng Péwing nằm ở phía đông đảo Tioman, nơi chỉ có một số túp lều của dân chài ven biển. Ngôn ngữ của người Mã Lai ở đây có những nét tương đồng với ngôn ngữ Djarai nên de Mayréna không khó khăn lắm trong việc sống hòa đồng với họ. Ở chung với Villeroy một thời gian ngắn, y mua túp lều của một ngư dân vừa qua đời để sống riêng. Phát hiện trên đảo có nhiều chim seo cờ (Paradis, còn gọi là chim Thiên đường), lông ban rất cao giá trên thị trường, de Mayréna dẫn chú chó Auguste lặn lội trong rừng sâu tìm chúng. Cuộc sống bình ổn dần, tạo điều kiện cho y có nhiều thời gian để sống với những hồi ức đã qua. Y thường kể cho ngư dân trên đảo rằng y nguyên là một quốc vương, sau một cuộc đảo chánh, đã bị đuổi ra khỏi vương quốc, tạm chấp nhận cuộc đời lang bạt, tìm cơ hội trở về “giải phóng” xứ sở. Những người Mã Lai trên đảo tỏ ra khâm phục y lắm, nên dù cho râu tóc y đã điểm bạc khá nhiều, ông trưởng làng cũng cố nài ép y cho ông ta có được cái vinh dự gả cho y cô ái nữ tên Tun-Tedja vừa tròn … 12 tuổi. Sinh vật bé nhỏ và tội nghiệp đó đã sống với y như với một người bạn vong niên, chiều chiều trước ngôi nhà nhỏ cùng nhau chơi bóng “roga” hoặc chơi “gassing”.
Lâu dần cuộc sống êm đềm trên một hòn đảo yên bình dễ khiến một người hiếu động, ưa phiêu lưu như de Mayréna cảm thấy tù túng. Một lần nữa, hình ảnh núi rừng Tây nguyên lại ám ảnh tâm trí y. Ngựa quen đường cũ, y lại viết những lá thư với niên hiệu đề sẵn: “Marie Ier – Năm thứ ba”. Một ngày nọ, nhân chuyến đi Singapore bán lông chim, y gửi một bức điện cho hoàng đế Guillaume nước Đức, chúc mừng sinh nhật ngài, đồng thời nhắc ngài về việc bảo hộ vương quốc Sedang. Bức điện không sử dụng mật mã nên bị chặn lại ở Sài Gòn và viên toàn quyền Đông Dương xem đây là một vấn đề nghiêm trọng. Ông ta cho đăng trên tất cả các tờ báo phát hành ở Nam kỳ những bài viết nhắc lại tội “phản quốc” của de Mayréna. Bạn bè cũ của y đâm ra hốt hoảng, mang đốt sạch các bằng cấp, huân chương được y cấp trước đấy. Ở Paris, Bộ Ngoại giao Pháp gửi công hàm lưu ý các chính phủ ở châu Âu là những điện tín, thư từ mà de Mayréna có thể sẽ gửi đến họ cần được xem là sản phẩm tưởng tượng của một gã … khùng điên. Đồng thời Bộ này cũng yêu cầu viên Thống đốc Anh ở Pahang đang giữ trách nhiệm bảo hộ đảo Tioman hãy giám sát tên “phản quốc” dùm.
Trong tình thế đó, de Mayréna rơi vào một trạng thái trầm cảm nặng nề. Tính khí y tỏ ra thất thường, nhiều lúc giận dữ vì những chuyện không đâu. Tưởng tượng rằng chính quyền Anh có thể bắt giữ mình để giao cho Pháp bất cứ lúc nào, y củng cố căn lều đang ở, biến thành một pháo đài kiên cố. Y không đi ra ngoài nữa và chĩa súng vào bất cứ ai có ý định đến gần y, kể cả Villeroy và cô vợ trẻ Tun Tedja. Y sống như thế trong hai tháng, người ngày một gầy xọp đi. Ban đêm, y ra bờ biển, lang thang trên bãi cát, hươ tay múa chân, độc thoại với chính mình. Nhiều người trắc ẩn, sợ rằng y không thể kéo dài một cuộc sống như thế lâu hơn. Một ngày nọ, viên sĩ quan Anh tên Owen được Thống đốc Pahang giao nhiệm vụ giám sát y đi tàu đến Tioman. Ông ta đến trước lều của y, nói vọng vào:
- Tâu quốc vương, bệ hạ có vui lòng mở cửa cho hạ thần không?
Giọng nói của con người không quen biết đó trầm ấm, đầy tình cảm khiến de Mayréna xiêu lòng, y mở cửa cho Owen vào nhà. Câu chuyện nổ ra, đầy mối đồng cảm, de Mayréna mời Owen ở lại qua đêm với mình.
Ngày hôm sau, một cơn bão kéo đến Tioman, biển động mạnh, Owen không trở về Pahang được, đành ở lại thêm với de Mayréna. Rạng sáng, cơn bão tan, Owen ở lại nhà chờ, còn y dẫn con chó vào rừng. Hai giờ sau, y trở về nhà, nói với viên sĩ quan Anh bằng giọng nói bình thản:
- Tôi đã bị con rắn tedong-hiar cắn vào chân
Chỉ nghe đến đó, Owen đã nhảy dựng lên. Biết ý, de Mayréna tiếp tục:
- Anh cũng biết đấy, chừng hai tiếng đồng hồ nữa, tôi sẽ chết. Từ giờ đến đó, xin anh đừng bỏ tôi.
Owen cố dằn sự xúc động:
- Có thể dân làng có thuốc giải nọc độc.
- Không có gì giải được nọc độc của rắn tedong-hiar, hãy để định mệnh an bài. Khi tôi yêu cuộc sống, tôi cũng chẳng bao giờ sợ chết.
Owen nói sau một hồi im lặng:
- Anh có giấy tờ gì để lại cho ai không?
De Mayréna do dự một thoáng rồi trả lời:
- Không có gì cả. Tôi đã xé bản di chúc tôi làm hôm qua. Khi một người như tôi qua đời trên đảo Tioman, tôi phải chết trọn vẹn.
Y bắt đầu lạnh hai chân, vội nằm dài trên chiếu, nhờ Owen đắp chăn cho.Viên sĩ quan Anh ngồi trên một chiếc ghế mây, nhìn qua khung cửa sổ. Mặt biển màu vàng lưu huỳnh, báo hiệu một cơn bão sắp kéo đến. Cô bé Tun-Tedja đang vừa hát, vừa thu dọn thóc trước nhà bố mẹ. Trong khi đó, con chó Auguste tru lên một giọng điệu thê thiết. De Mayréna nằm bất động, đôi mắt hướng về một thế giới nào xa lắc, nơi không còn hạnh phúc, khổ đau hay những điều dối trá. Khoảng 10 giờ sáng, y trải qua một cơn co giật. Owen bước lại gần, nắm tay y siết nhẹ. Y không còn nói được nữa vì lưỡi đã cứng đờ. Rời bàn tay Owen, y quay sang một bên, thở hắt lần cuối cùng.
***
Nhiều giả thuyết được xây dựng quanh cái chết của de Mayréna, “quốc vương xứ Sedang”. Người ta đồn là y ngã gục dưới những nhát dao găm lưỡi xoắn của một thanh niên trong làng đang thầm yêu trộm nhớ Tun-Tedja. Cũng có tin là người nấu bếp cho y được tổ chức Thiên Địa Hội của người Trung Hoa thuê đầu độc y để trả thù việc y và Villeroy mưu sát lão già Tàu cho vay nặng lãi Akon. Một bài báo đăng trên tờ Le Petit Journal thì viết rằng de Mayréna tự sát trong một phút điên cuồng sau khi có ý định mưu sát Villeroy. Tuy nhiên, không ai tận mắt chứng kiến cái chết của y ngoài anh sĩ quan cảnh sát Anh, và Owen đã lập một giấy chứng tử đề ngày 11.11.1890 xác nhận y chết vì nọc độc của một con rắn tedong-hiar. Ngày 28.11.1890, Owen gửi một bản dịch giấy chứng tử cho lãnh sự quán Bỉ. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên về điều này vì không thấy Owen gửi bản dịch giấy chứng tử cho lãnh sự quán Pháp, vì de Mayréna có quốc tịch Pháp. Cũng không loại trừ khả năng chính quyền Pháp bí mật nhờ người Anh, mà đại diện là Owen, mượn cớ giám sát de Mayréna để khử y cho khỏi phải bận tâm về những chuyện bốc đồng mà y có thể tiếp tục gây ra.
Dù với lý do nào thì cuộc đời của một con người nửa đáng thương, nửa đáng trách đó cũng đã thật sự kết thúc ở hòn đảo hẻo lánh Tioman. Owen an táng y ở một nghĩa trang nhỏ dành cho kiều dân châu Âu. Lòng đất Tioman mở lòng nhân hậu đón y, kẻ lạc loài đã lê bước chân khắp trời Âu – Á, cuối cùng đành chôn vùi theo mình những ước mơ của một thời phiêu bạt.
HẾT
Nguồn: Quankhoasu
Vua bịp Pháp xưng vương trên cao nguyên đất Việt – Triệu Phong
CUỘC PHIÊU LƯU CỦA MARIE ĐỆ NHẤT – “QUỐC VƯƠNG” XỨ SEDANG
Lê Nguyễn
Câu chuyện tưởng chừng như thuộc loại giả tưởng, song lại là người thật, việc thật trong lịch sử thời Pháp thuộc. Nhân vật chính của truyện là một kẻ giảo hoạt, nổi tiếng về óc phiêu lưu mạo hiểm, đã đóng góp nhiều công sức cho mục tiêu do chính quyền thực dân Pháp đặt ra, song không lâu sau, cũng bị chính bộ máy chính quyền này xem như một kẻ tội đồ. Cuộc đời của anh ta đầy những hỉ, nộ, ái, ố, giàu kịch tính và cũng kết thúc đầy bi kịch. Truyện được đăng tải trên ít nhất 2 loại sách, báo Pháp; một là Tập san Đô thành Hiếu cổ (BAVH) số 1+2 năm 1927, hai là tác phẩm của Maurice Soulié nhan đề “Marie Ier, Roi des Sedangs – 1888-1890” (Marie đệ nhất, Quốc vương xứ Sedangs – 1888-1890), xuất bản tại Paris cũng vào năm 1927. Cách đây nhiều năm, tập bản thảo bằng Việt ngữ về câu chuyện này suýt biến thành sách nếu không có một trục trặc vào giờ chót, khi sắp vào nhà in. Đến nay, nó vẫn còn nằm im trong ngăn tủ, vì chưa gặp người đồng điệu. Loạt bài gửi đến các bạn yêu sử hôm nay và trong thời gian sắp tới là phần tóm lược nội dung tập bản thảo nói trên, chủ yếu dựa vào tác phẩm của Soulié (có nhiều dị biệt với bài đăng trên BAVH 1927) cùng nhiều thư từ, văn kiện chính thức của chính quyền thực dân Pháp những năm 1888-1889, và về sau. Hi vọng, sự có thật trong lịch sử Việt Nam và kịch tính của câu chuyện này sẽ không làm bạn yêu sử cảm thấy chán khi theo dõi nó qua nhiều kỳ.
PHẦN I – CUỘC HỘI KIẾN VỚI TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG CONSTANS
Thập niên 1880, Sài Gòn chỉ có khoảng 20 ngàn dân bản xứ và 3 ngàn người Pháp, phần lớn là sĩ quan và viên chức chính quyền; số còn lại là tư nhân mở quán cà phê, nhà hàng, sòng bạc, tiệm hớt tóc… Thành phố lúc ấy trông như một khu vườn nhiệt đới rộng lớn, rải rác những ngôi nhà cất bằng cây ván, chạm trổ tinh vi. Các giống cây nhiệt đới như xoài, cọ, me … được trồng dọc theo các con đường lớn, khách nhàn du buổi chiều gồm đủ mọi sắc dân: Việt, Pháp, Tàu, Khmer, Ấn Độ… Kiều dân Pháp thường sống trong các bungalow làm bằng gỗ, nằm giữa những vườn cây xanh mát, cứ hai hay ba người độc thân sống chung trong một căn hộ, có một cậu trai người Việt giúp việc đi chợ, nấu ăn, quét dọn.
Căn hộ số 57 đại lộ Paul Bert (nay là đường Trần Quang Khải,Tân Định) là nơi cư ngụ của Marie-David de Mayréna, một kiều dân Pháp đẹp mã khoảng 45 tuổi, cao trên mức trung bình, để râu quai nón. Y nguyên là một sĩ quan trong quân đội Pháp, tự nhận đã sinh ra trong một gia đình vọng tộc, song nhiều người biết y, cho rằng y là một thiếu niên sớm bỏ học, lớn lên sung vào đoàn kỵ binh Pháp, tham gia các chiến dịch tại Nam kỳ vào những năm 1860. Y trở về Pháp vào cuối thập niên này và theo lời y nói, y trở thành sĩ quan tham mưu trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870. Năm 1880, máu phiêu lưu lại sục sôi trong huyết quản, y tếch sang Nam kỳ, trước tiên sống ở Bà Rịa, một cảng nhỏ gần Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu) để thử nghiệm một chương trình canh nông nhưng không thành công. Tháng 5.1887, y vào Sài Gòn kiếm sống, viết bài cho báo, trông coi nhà hát, mở sòng bạc, nói chung là làm những nghề vặt vảnh để nuôi thân. Tuy nhiên cũng cần phải công bằng nhìn nhận rằng y khá sòng phẳng, trả tiền thuê nhà đều đặn, 30 đồng một tháng, và giao đủ 2 đồng tiền chợ mỗi ngày cho cậu trai giúp việc. Cũng sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc đến một nhân vật đã gắn bó keo sơn với y, đã chia sẻ với y những ấm lạnh của đời lang bạt. Đó là một cô gái người Chăm tên Ahnaia mà theo de Mayréna, là một trong những nàng công chúa còn sót lại của hoàng tộc Chiêm Thành.
Một buổi trưa Sài Gòn năm 1888, trời nóng như thiêu đốt, de Mayréna vừa viết xong một bài báo hai cột cho tờ Le Courrier Saigonnais (Thư tín Sài Gòn) đáng giá 15 franc tiền nhuận bút thì một người khách lạ xuất hiện. Đó là một anh lính người Việt mặc áo màu đen, thắt lưng đỏ, đầu đội nón rơm. Anh ta trao cho de Mayréna một phong thư của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Liếc qua phong bì, người bạn thân thiết đang ở chơi trong nhà y là Mercurol đâm hoảng, sợ rằng với bản tánh ưa liều, bạn mình đang gặp chuyện rắc rối gì đây. Nhưng khi xem kỹ nội dung bức thư, họ không còn sợ, thay vào đó là nỗi ngạc nhiên lớn lao khi thấy chữ ký của Toàn quyền Đông Dương Contans dưới bức thư mời de Mayréna đến gặp ông ta. Dẫu sao cũng phải đến gặp Constans để biết chuyện gì đang chờ đợi y.
5 giờ chiều Sài Gòn. Nhiệt độ bắt đầu hạ xuống, de Mayréna diện bộ quần áo sang trọng màu trắng, ngoắc một chiếc xe ngựa đi thẳng đến Soái phủ Nam kỳ. Khi vừa đến nơi, y được đưa ngay vào văn phòng của toàn quyền Constans. Viên chức cao cấp này là một người khá tự tin, ông ta luôn giấu kín cảm xúc của mình đàng sau nụ cười nhếch mép. Song ông ta lại có mỹ cảm với những người thích phiêu lưu, mạo hiểm. Vừa gặp viên toàn quyền, de Mayréna đã mở đầu một cách lịch sự:
- Thưa ngài Toàn quyền, tôi đến theo lệnh ngài.
Constans không đưa tay cho y bắt, lặng lẽ chỉ chỗ cho y ngồi đối diện. Rồi không đợi cho y kịp bày tỏ thắc mắc của mình, ông ta vào đề ngay:
- Tôi đã đọc bài viết của anh trên tờ Le Courrier Saigonnais, phải nói là nó đã làm cho tôi thích thú.
- Rất vinh dự cho tôi, thưa ngài Toàn quyền.
Toàn quyền Constans ngã đầu lên lưng ghế, đôi mắt lim dim như để ôn lại một kỷ niệm nào đó thật xa vời. Mấy phút sau, ông ta nói một cách chậm rãi, như sợ người đối thoại không kịp tiêu hóa hết những lời nói của mình:
- Bài báo của anh đả động đến một vấn đề mà tôi quan tâm từ lâu. Đó là vùng cao nguyên Trung Kỳ, một nơi mà các thế lực đối đầu với chúng ta đã dòm ngó nhiều lần. Tôi vừa được tin là có một đoàn khảo sát người Đức,với sự hỗ trợ của triều đình nước Xiêm, đang cố xâm nhập vào vùng Attopeu (Lào), một nơi mà vàng cũng nhiều như cao su Đồng Nai vậy. Người ta đã nhìn thấy họ ở hữu ngạn sông Mekong. Hình như họ cũng đã có mặt ở Luang-Prabang (Lào) để ký kết một thỏa ước với vua Lào. Do đó, ta cần phải đi trước họ ở cao nguyên miền Trung. Trong lúc lo nghĩ về chuyện này, tôi chợt nhớ đến anh, một người gan dạ, táo bạo, và thông minh, có thể đảm đương những việc khó khăn mà tôi sẽ giao phó. Chắc anh cũng biết, tại cao nguyên, các bộ tộc sống rời rạc, có những lúc xung đột với nhau. Việc hợp nhất họ dưới sự bảo hộ của Pháp, ngăn chặn những ảnh hưởng ngoại lai khác là một yêu cầu khẩn thiết của chúng ta. Có điều cần phải nói thẳng thắn với nhau là nếu anh đồng ý nhận lãnh sứ mạng này, anh sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm về nó. Trên nguyên tắc, tôi phải giấu mình đi, vì một lẽ dễ hiểu là Paris đã ra lệnh cho tôi không được gây chuyện phức tạp với người Anh và người Đức. Bù lại, tôi để cho anh toàn quyền hành động, với sự hỗ trợ của công sứ Bình Định và Hội truyền giáo hải ngoại tại đây, miễn sao đạt được mục tiêu đã vạch ra.
Đối với một người hiếu động, ưa phiêu lưu, mạo hiểm như de Mayréna, yêu cầu của toàn quyền Đông Dương Constans là cơ hội bằng vàng để y thực hiện những ước mơ hằng ấp ủ. Y nhận lời không do dự, cũng không bàn bạc kỹ với Constans những trở ngại, khó khăn khi bắt tay vào việc. Trở ngại lớn nhất là sự bất đồng ngôn ngữ với người địa phương sẽ được khắc phục nhờ hai giáo sĩ Pháp là cha Guerlach và cha Irigoyen đã hoạt động truyền giáo tại Kontum từ lâu. De Mayréna sẽ khởi hành trên chuyến tàu Le Requin chạy tuyến đường Sài Gòn-Tourane (Đà Nẵng), ghé lại Qui Nhơn, để từ đó đi đường bộ lên cao nguyên. Toàn quyền Constans sẽ ra lệnh cấp cho y 8 người hộ vệ và tiền bạc cần cho chuyến đi.
Trước khi chia tay, Constans tươi cười:
- Ngày mai anh quay lại đây, tôi còn dặn anh một số việc. Nhưng này anh bạn, khi hoàn thành sứ mạng, anh muốn được tưởng thưởng những gì?
- Quyền khai thác mỏ vàng Attopeu và vinh dự được làm lãnh tụ một liên minh những bộ tộc cao nguyên, thưa ngài Toàn quyền!
- Anh vẫn luôn là một người mơ ước viễn vông! Nhưng thôi được, tôi đồng ý.
Ra khỏi dinh toàn quyền, de Mayréna không gọi xe ngựa. Y đi bộ trên đường mà cứ như đi trên mây.
PHẦN 2 – HÀNH TRÌNH LÊN CAO NGUYÊN – DUYÊN MAY TÌM ĐẾN
(Xin lưu ý: những nhận xét về đời sống, phong tục, tập quán của đồng bào thiểu số trên Tây Nguyên như Bahnar, Djarai, Sedang … là của riêng tác giả Maurice Soulié, có thể khác biệt hay mâu thuẫn với những tư liệu phổ biến đồng thời hay về sau này)
De Mayréna khởi hành lên Tây nguyên vào khoảng tháng 3.1888. Cùng đi với y có người vợ Chăm Ahnaia, người bạn thân thiết Mercurol, một người Tàu đại diện cho nhóm bảo trợ, tất nhiên là có cả 8 người hộ vệ do toàn quyền Constans cung cấp. Khi tàu Le Requin ghé lại Bình Định, họ lên bờ đến thẳng tòa công sứ Bình Định. Công sứ Lemire đón tiếp họ với sự dễ mến cố hữu, sắp xếp cho họ nghỉ tạm và cho hai cô con gái khả ái chăm sóc Ahnaia. Ngày hôm ấy, cũng tại tòa công sứ, de Mayréna và các bạn đồng hành được Lemire giới thiệu với tổng đốc Bình Định, một quan lại cao cấp của triều đình Việt Nam.
Ngày hôm sau, y đến yết kiến giám mục Van Camelbecke, người lãnh đạo Hội truyền giáo tại đây, và nhờ ông viết thư giới thiệu với các linh mục đang truyền đạo trên cao nguyên. Bằng hai lá thư viết vào những ngày 24.3.1888 và 7.4.1888, vị giám mục đề nghị giáo sĩ Vialetton, người lãnh đạo đoàn truyền giáo trong lãnh địa của người Bahnar, tạo điều kiện thuận lợi cho de Mayréna hoàn thành sứ mạng được toàn quyền Constans giao phó. Động thái này khiến de Mayréna cảm thấy phấn khởi, song Mercurol lại bất an, vì trong thư, giám mục Van Camelbecke không nhắc gì đến bộ tộc Djarai vốn có những hoạt động “cứng rắn” trong vùng như thường tấn công các đoàn công-voa (convoi) từ Qui Nhơn lên, cướp lấy hàng hóa…
Sau những ngày ở tạm Qui Nhơn, de Mayréna và các bạn đồng hành được công sứ Lemire lo chu đáo, cung cấp ngựa (cho de Mayréna, Mercurol), võng (cho Ahnaia), 10 anh lính An Nam và 12 phu khuân vác. Họ khởi hành đi Kon-Tum, vượt qua những khu rừng đầy thú dữ, phải vừa đi vừa phát quang những lùm bụi um tùm. Buổi chiều, họ ghé lại làng An Khê là ranh giới giữa Bình Định và vùng cao nguyên còn nằm ngoài vùng kiểm soát của chính quyền Pháp và triều đình Huế. Phiên chợ chung của người miền xuôi và người miền ngược đang diễn ra, lần đầu tiên de Mayréna nhìn thấy tận mắt những đồng bào thiểu số với cách ăn mặc và sinh hoạt không giống người Sài Gòn mà y đang chung sống. Họ mang bầu bí, lúa gạo, thuốc lá, nhựa cây, mật ong, sáp ong, sừng tê giác… xuống chợ An Khê đổi lấy muối, đồ đất nung, cồng, đồ thủy tinh châu Âu, thiếc … Họ tiếp tục đi đến một địa danh có tên Thạch Bàn thì đã gặp cha Guerlach chờ sẵn. Bốn giờ chiều, họ lên đường đi Kon-Tum, nghỉ đêm tại một làng Công giáo của người Việt và đến sáng sớm thì thị trấn Kon-Tum đã hiện ra trước mắt họ. Họ nhìn thấy những người đàn ông ngậm tẩu thuốc lá trên môi đi quan sát những cánh đồng lúa xanh ngát, những phụ nữ quấn quanh người những tấm khăn choàng nhiều màu sặc sỡ để chống lại cái lạnh của núi rừng còn vương vất khi mặt trời chưa kịp lên cao. Nhận ra cha Guerlach, một đoàn người Bahnar đến tung hô ông, la hét, vung gươm nhảy múa như lúc xung trận. Sau đó, mọi người cùng kéo đến nhà rông, de Mayréna, Mercurol và cha Guerlach ngồi trên những chiêc chiếu trải sẵn, Ahnaia chìm khuất trong đám con gái đang chăm chú nhìn ngắm cô với vẻ hiếu kỳ.
Sáng sớm hôm sau, de Mayréna cùng giáo sĩ Guerlach và Mercurol bắt đầu thực hiện chuyến đi vào các buôn làng trong kế hoạch thành lập một liên minh các bộ tộc ở đây. Trước tiên, họ đến buôn Kon-Tran, nơi ở của giáo sĩ Irigoyen. Cuộc đón tiếp cũng nồng hậu như ở Kon-Tum, nhờ sự thuyết phục từ trước, vị buôn trưởng bày tỏ ý muốn gia nhập Liên minh dân tộc Bahnar. Sự thành công vượt quá mong ước của de Mayréna, ngày hôm sau, và những ngày sau nữa, các buôn Kon-Meney, Kon-Kepet, Kon-Djeri, Kon-Klah, Kon-Diah … cũng theo chân Kon-Chan. De Mayréna được chính thức thừa nhận là “Tomul-Tom”, tức chủ tịch của Liên minh người dân tộc Bahnar. Y cùng hai giáo sĩ Guerlach và Vialleton bàn bạc, soạn thảo bản qui chế của liên minh, nội dung gồm 14 điều khoản, trong đó dành cho Tomul-Tom, tức de Mayréna, nhiều quyền hạn rộng rãi như: đề cử Hội đồng Tư vấn, bổ nhiệm Bộ trưởng, lấy Thiên chúa giáo làm tôn giáo chính thức, song không ai có thể bị quấy nhiễu vì lý do tôn giáo. Tên chính thức của liên minh là “Liên minh Bahnar-Rongao”, lá cờ của liên minh có màu đỏ, đính 5 ngôi sao trắng, 4 ngôi sao ở góc, một ngôi sao ở trung tâm. Tomul-Tom được công nhận suốt đời, song có quyền chỉ định người kế nhiệm. Ông ta chỉ huy quân đội của liên minh và bổ nhiệm các sĩ quan, chỉ có ông ta mới được quyết định vấn đề chiến tranh hay hòa bình, liên minh với các lực lượng khác.
Với sự ra đời của Liên minh Bahnar-Rongao và địa vị cao nhất mà người Bahnar dành cho de Mayréna, xem như mọi vấn đề đối với bộ tộc này đã được giải quyết. Người Bahnar sống hiền hòa, sợ thần linh, thờ cúng người chết vì sợ bị linh hồn người chết về phá phách. Họ ưa thích các giáo sĩ Pháp, vì thấy những người này có thực tâm muốn giúp họ cải thiện đời sống. Như vậy, với bộ tộc Bahnar mọi chuyện đều suôn sẻ. Song với hai bộ tộc chính còn lại là Djarai và Sedang, vấn đề không dễ dàng như vậy. Khác với những buôn kể trên của bộ tộc Bahnar, đến lúc ấy, các giáo sĩ phương Tây chưa tiếp cận được các buôn của người Sedang ở phía bắc Kon-Tum, chia cách với khu vực của người Bahnar bởi con sông Pékau. Bộ tộc này rất thiện chiến, có những cách ứng xử đáng ngại đối với những ai từ xa tới. Họ có biệt tài phóng lao, sử dụng khiên hình bầu dục, an táng người chết trên những cánh đồng trống trải, không rào giậu bao quanh, quan tài là những thân cây khoét rỗng. Họ trồng lúa theo cách riêng, cứ mỗi ba năm đốt một khoảnh rừng, phát quang, dùng gậy chọc những lỗ nhỏ trên đất và bỏ hạt lúa giống vào. Một rẫy như vậy cung cấp cho họ số thóc đủ dùng trong ba năm, sau đó họ lại đốt một khoảnh rừng khác để khai thác phần đất màu mỡ mới. Tuy nhiên, họ có nhiều ưu thế hơn các bộ tộc khác về lãnh vực công nghiệp, khi có điều kiện khai thác quặng sắt sẵn có trong vùng núi họ ở, nhờ vậy, họ có thể tự rèn lấy dao, rựa, các loại vũ khí để tự vệ hay giải quyết bất đồng với các bộ tộc khác.
Để có thể tiến hành những bước thăm dò đầu tiên trên lãnh địa của người Sedang, de Mayréna phải nhờ đến giáo sĩ Irigoyen là người nói sỏi ngôn ngữ của bộ tộc này. Sau khi vượt sông Pékau, họ đến buôn Kon-Djeri ở cách sông vài cây số nhưng được biết đang có lệnh cấm người lạ vào buôn, nếu bất tuân sẽ bị xử tử. Loại lệnh cấm này được áp dụng rất chặt chẽ và thường xuất phát từ một biến chuyển bất thường đang xảy ra trong buôn như sinh, tử, hôn nhân… Vào những dịp này, họ thực hiện những nghi thức mà người bên ngoài buôn không được phép chứng kiến. Lệnh cấm được thể hiện bằng những dấu hiệu khắc trên thân cây hoặc bằng những khúc tre kết thành hình thoi. Phản ứng của người Sedang khi có người lạ xâm nhập vào buôn của họ là những phát tên bắn tới tấp vào những kẻ không mời mà đến. Phát hiện những dấu hiệu của lệnh cấm xâm nhập buôn Kon-Djeri, de Mayréna và giáo sĩ Irigoyen vội quay về.
Mấy ngày sau, họ cùng Mercurol tìm đến buôn Pelei-Maria, nơi mà cha Irigoyen đã liên lạc từ trước và được người buôn trưởng tên Liêu thuận tình tiếp xúc. De Mayréna mặc bộ quần áo đại lễ, tay cầm thanh gươm quý, Mercurol thì mặc trang phục màu đỏ. Hôm đó trời mưa như thác đổ, rừng cây rung chuyển từng hồi, nhưng khi họ đặt chân đến nhà rông thì nơi đây đã đông chật người. Tất cả các buôn trưởng người Sedang đều có mặt theo lời mời của Liêu để cùng quyết định về những đề nghị của de Mayréna do cha Irigoyen chuyển đến họ. Họ được tiếp đón bằng một sự im lặng nặng nề khiến một người từng trải như de Mayréna cũng thấy chột dạ. Cha Irigoyen lên tiếng mở đầu buổi gặp mặt, nhắc lại những gì đã thỏa thuận với buôn trưởng Liêu. Khi ông vừa kết thúc phần trình bày, một số người Sedang khạc nhổ xuống đất, theo tập tục lúc bấy giờ là họ đồng tình với những gì ông phát biểu. Tới phiên mình, de Mayréna dọn sẵn một bộ mặt thân thiện, bày tỏ sự ngưỡng phục đốivới dân tộc Sedang và mong được cống hiến tài sức cho hạnh phúc của họ. Khi cha Irigoyen dịch xong những lời nói trên, số người khạc nhổ xuống đất nhiều hơn trước. Sau màn uống rượu cần khiến cả chủ lẫn khách đã ngà ngà say, các binh sĩ người Sedang mời các vị khách phương xa thưởng thức màn múa gươm thể hiện sức mạnh của bộ tộc. Tiếng cồng chiêng vang xa cả một góc rừng. Hai buôn trưởng, Liêu của buôn Pelei-Maria, và Tiam của buôn Kon-Ketou, cầm gươm đứng dậy, nhìn nhau thăm dò, miệng thốt lên những âm thanh xen lẫn với tiếng nhạc. Cuối cùng, điệu nhạc trở nên dồn dập, cả hai nhảy xổ vào nhau. Chỉ sau mấy chiêu, Liêu bị thương nhẹ ở cánh tay phải, máu càng làm cho Tiam hăng lên. Tuy nhiên, Liêu sớm giành lại ưu thế và đánh văng gươm của Tiam. Anh này hét lên một tiếng điên cuồng, chụp một ngọn giáo định nhảy tới đâm Liêu, nhưng đám đông can thiệp kịp. Tiam xấu hổ lẫn vào đám đông ở cuối nhà rông. De Mayréna ngồi xem trận đấu, máu liều trộn thêm hơi rượu đẩy anh ta đứng phắt dậy, rút soạt gươm ra. Đang say men chiến thắng, buôn trưởng Liêu cũng bước tới. Cả cha Irigoyen lẫn Mercurol giật mình kinh hãi, nhưng không còn kịp nữa, hai thanh gươm đã chạm nhau rồi! Cũng may mà cuộc so gươm không hẹn trước chỉ diễn ra thật ngắn ngủi. Chỉ sau mấy đường gươm trao đổi, de Mayréna đã đánh văng gươm của Liêu ra xa mấy thước. Anh này cũng như Tiam, xấu hổ, chạy vội xuống cuối nhà rông. Kẻ chiến thắng chưa kịp biểu lộ sự hãnh diện thì bầu không khí nhà rông bỗng nhiên đổi khác. Các binh sĩ Sedang đứng cả dậy, mắt long lên sòng sọc, báo hiệu một điềm chẳng lành. Cha Irigoyen xanh cả mặt, song bậc anh hùng bất đắc dĩ là de Mayréna không hề tỏ ra nao núng. Y nhờ cha thông dịch cho mọi người trong nhà rông là xin đừng bực mình về chuyện đã qua, vì y có được ân sủng đặc biệt của thần chiến tranh (!). Câu nói của y khiến một số gương mặt dịu lại, nhưng vẩn còn nhiều người, trong đó có buôn trưởng Pelei-Tabor, tỏ ra không tin. Biết “đối phương” bắt đầu chột dạ, y nhờ cha Irigoyen bồi thêm câu nói dài dòng sau: “để chứng tỏ cho các bạn biết là tôi được thần linh che chở, tôi đứng trước các bạn đây, ở khoảng cách tùy các bạn lựa chọn, và tôi yên lặng chờ các bạn phóng ngọn giáo vào giữa ngực tôi. Tôi chỉ có thể nói trước với các bạn rằng thần linh sẽ không để những ngọn giáo đó chạm vào ngực tôi, mà chúng sẽ quay lại đâm vào các bạn (!)”
Trong lúc cha Irigoyen phiên dịch những lời ngang tàng và khoác lác đó, de Mayréna bình thản lấy thuốc lá ra châm hút. Một phút trôi qua dài như một tháng, các buôn trưởng xúm vào nhau, bàn bạc. Rồi bất thình lình, buôn trưởng Liêu tiến đến trước mặt de Mayréna, nhờ cha Irigoyen phiên dịch như sau: “chúng tôi thấy rằng chính ông là đấng cứu thế mà người Sedang chờ đợi từ nhiều thế kỷ qua. Chính ông đã được thần linh cử đến. Chúng tôi muốn ông là “Agna” tức là quốc vương của chúng tôi”. Rồi không đợi cho de Mayréna và hai người đồng hành kịp phản ứng, Liêu cùng các buôn trưởng khác đã chạy lại, xúm quanh vị ‘quốc vương” và thề trung thành với “ngài” bằng cách giết một con gà mái, lấy máu bôi lên trán de Mayréna. Buổi lễ đăng quang đơn giản kết thúc, các buôn trưởng quay về buôn của họ, còn cha Irigoyen và Mercurol thì hộ tống “tân quốc vương Sedang” trở về Kon-tum.
PHẦN 3 – TỔ CHỨC VƯƠNG QUỐC MỚI - CUỘC CÔNG DU ĐẦU TIÊN, MÀ CŨNG LÀ CUỐI CÙNG
Sáng hôm sau, ngày 1.5.1888, de Mayréna tham khảo ý kiến của giáo sĩ Irigoyen và Mercurol rồi soạn thảo bản “Hiến pháp của vương quốc Sedang” với 11 điều khoản, chủ yếu gồm:
- Sáp nhập vương quốc Sedang vào Liên minh Bahnar-Rangao
- Quốc kỳ màu xanh có một ngôi sao đỏ ở giữa
- Quốc vương có quyền hạn tuyệt đối, có sự phụ giúp của một hội đồng phụ chánh
- Cấm chỉ việc buôn bán nô lệ và đem người hiến sinh (trước đó, người Sedang thường bán nô lệ do họ bắt được)
- Mọi tôn giáo đều được tự do hoạt động, song Thiên Chúa giáo là tôn giáo chính thức
- Những đất đai không do buôn làng sở hữu đều thuộc về quốc vương. Đất của buôn làng không được tặng dữ hay buôn bán nếu không có sự ưng thuận của quốc vương.
Xem ra nét nhân bản nổi bật nhất trong bản hiến pháp là điều khoản về sự hiến sinh và buôn bán nô lệ, nếu thực hiện được, công của de Mayréna không phải là nhỏ.
Văn kiện soạn thảo xong, de Mayréna triệu tập 42 buôn trưởng lại, đọc cho họ nghe bản dự thảo hiến pháp được cha Irigoyen dịch ra tiếng Sedang. Sau khi mọi người đồng thanh chấp nhận, cha Irigoyen soạn một văn bản ghi rõ:
“ Tôi ký tên dưới đây là giáo sĩ Irigoyen công bố rằng tất cả buôn trưởng đã nghe đọc bản hiến pháp bằng tiếng Sedang và đã điểm dấu bên trên tên của họ, vì họ không biết ký tên. Trước khi họ áp dấu, tôi đã giải thích bằng ngôn ngữ của họ rằng nghi thức này đã được tiến hành trước mặt đức vua Sedang. Ký tên: Irigoyen”
Tân quốc vương Sedang lấy niên hiệu Marie đệ nhất, bản chính hiến pháp do quốc vương chấp giữ. Mấy ngày sau đó, những diễn biến tại “vương quốc Sedang” được tờ báo Le courrier d’Haiphong (Thư tín Hải Phòng) đăng tải đầy đủ, lại còn có thêm một tuyên bố dài của buôn trưởng buôn Dak-Drai bày tỏ sự tán đồng bản hiến pháp của vương quốc.
Thế là việc đăng quang của “quốc vương xứ Sedang” đã diễn ra trong một tình huống bất ngờ, ghi dấu sự thành công đầy may mắn của con người thích phiêu lưu này. Có người đặt ra câu hỏi tại sao ba nhà tu khả kính Vialleton, Guerlach và Irigoyen lại dễ dàng buông xuôi theo một tấn tuồng hài hước như vậy. Lời giải thích có thể dựa vào những chỉ thị của toàn quyền Constans cho công sứ Lemire, viên chức đứng đầu bộ máy chính quyền toàn vùng, và yêu cầu giúp đỡ của Constans gửi đến Hội truyền giáo hải ngoại ở Qui Nhơn.
Dù sao với những gì vừa làm được, de Mayréna có quyền hi vọng sẽ hoàn thành nhiệm vụ do Constans giao phó. Sau khi liên minh Bahnar-Rongao-Sedang đã hình thành dưới sự lãnh đạo thống nhất của de Mayréna, vấn đề còn lại là phải thuyết phục bộ tộc lớn còn lại của người Djarai. Họ sống gần người Sedang, song nguồn gốc xuất phát rất khác nhau. Nhiều người cho rằng họ cùng một chủng tộc với người Chăm, hoặc ít ra, họ và người Chăm cũng có những mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Người Djarai có đôi mắt linh hoạt, ngôn ngữ gần giống với ngôn ngữ của người Chăm, phong tục cũng tương tự, nhất là tục thờ cúng người chết. Trong lúc người Sedang bỏ quan tài ngoài rừng rồi chạy thục mạng về nhà để không bị người chết “hớp hồn” thì người Djarai tổ chức nghĩa trang đàng hoàng, trong nhà mồ, họ tạc trên các cây cọc những pho tượng với vẻ mặt trầm tư, hai bàn ta đặt lên đầu gối. Cuối cùng thì sau bao nhiêu khó khăn, phải vận dụng mưu ma chước quỷ, kể cả những lúc suýt xảy ra xung đột nghiêm trọng, người Djarai cũng chịu thần phục, de Mayréna qui về một mối.
***
Lên ngôi quốc vương rồi, một trong những việc đầu tiên mà de Mayréna nghĩ đến là tổ chức cuộc sống sao cho phù hợp với một cung đình. Ngôi nhà y ở với Ahnaia được sửa sang lại cho xứng đáng với một “hoàng cung”, lá quốc kỳ của “vương quốc” tung bay trên nóc ngôi nhà. Người bạn thân cận nhất của y là Mercurol được bổ làm Thượng thư Bộ Ngoại giao kiêm Quốc phòng, còn cha Irigoyen được giao sứ mạng làm Đại giáo sĩ tư tế của “nhà vua”. Và dĩ nhiên Ahnaia được tấn phong làm “hoàng hậu”.
Cuộc sống cung đình của de Mayréna mang nhiều sắc thái mới mẻ. Hàng tuần, vào ngày chủ nhật, “quốc vương” đi lễ nhà thờ trong bộ trang phục lộng lẫy, bên cạnh có “cận thần” Mercurol không còn có vẻ luộm thuộm như trước đây nữa. Để việc điều hành vương quốc đạt hiệu quả cao, y ban hành một loạt sắc lệnh thiết lập ba loại huân chương: huân chương hoàng gia Sedang, huân chương chiến công Sedang, và huân chương Sainte-Marguerite. Các sắc lệnh ghi rõ chi tiết từng loại huân chương, hình thể, tiêu chuẩn tặng thưởng, cách đeo ra sao …, nói chung không khác gì các văn kiện lập qui đăng trong công báo Pháp thời đó. Về sau, những văn kiện do “quốc vương Marie 1er” ban hành được tập hợp lại, in trong một tập san nhan đề “Tập san các luật và sắc lệnh và chỉ dụ của vương quốc Sedang năm 1888-1889”. Những người được cấp huân chương chiến công đầu tiên là Mercurol, huân chương hạng nhì; các giáo sĩ Guerlach, Irigoyen, Vialleton huân chương hạng ba. Vào những năm 1920, người ta còn tìm thấy một số văn kiện do de Mayréna ban hành về chuyện ban phát huân chương này.
Tin về sự ra đời của “vương quốc Sedang” nhanh chóng bay về Qui Nhơn và công sứ Lemire lập tức báo cáo cho Phủ Toàn quyền Đông Dương. Lúc này, Constans đã được triệu hồi về nước, người thay thế ông ta là Richaud còn bận rộn nhiều việc khi mới vừa chân ướt chân ráo bước lên đất Việt Nam. Vì vậy, mãi đến ngày 15.9.1888, ông ta mới gửi cho Lemire một văn thư với nội dung như sau:
“Saigon 15.9.1888,
Toàn quyền Richaud gửi Công sứ Lemire – Qui Nhơn,
Xin chuyển đến de Mayréna lời ngợi khen của tôi về những kết quả mà anh ta báo là đã đạt được. Tuy nhiên, theo tôi, có lẽ không có lợi khi đưa các lãnh tụ sắc tộc về Sài Gòn trong lúc này như anh ta yêu cầu. Tôi chưa thể nghĩ đến việc bàn rộng ra về khía cạnh này do những khó khăn hiện nay”.
Qua văn thư của tân toàn quyền Đông Dương, chúng ta biết rằng de Mayréna đã đề xuất đưa lãnh đạo các bộ tộc về Sài Gòn, có lẽ để minh chứng cho sự thành công bước đầu của sứ mạng mà anh ta đang thực hiện. Các viên chức Pháp ở Sài Gòn cũng muốn công nhận “vương quốc Sedang”, vì theo họ, không có lý do gì phủ nhận một hành động phù hợp với kế hoạch đã được cựu toàn quyền Constans vạch ra.
Cuối cùng thì tin tức về “vương quốc” của de Mayréna cũng bay tới Paris, kinh đô ánh sáng của châu Âu. Tháng 9.1888, tờ Nhật báo Paris đăng một bài viết về “quốc vương xứ Sedang” do bạn bè của y gửi đến với nội dung làm cho y không mấy hài lòng. Y đã viết trả lời bài báo đó với những lời lẽ cao ngạo của một kẻ bề trên. Y bảo vệ thần dân Sedang của mình bằng cách nhấn mạnh những đức tính của họ, tài sử dụng súng Remington và súng colt (!) của họ, và cuối cùng mời mọi người sang thăm vương quốc của y mà y đảm bảo rằng chẳng có vẻ gì “dã man” như mọi người lầm tưởng. Trong bài viết trên, y cũng tiết lộ là sẽ tiếp xúc với triều đình nước Xiêm (Thái Lan ngày nay) để tách họ ra khỏi tầm ảnh hưởng của những người Đức. Đây là nỗi ám ảnh dai dẳng của de Mayréna, mà cũng là lý do chính khi cựu Toàn quyền Constans chọn cử y lên vùng đất này. Nỗi ám ảnh càng nặng nề hơn khi có tin đoàn công tác của người Đức đang lảng vảng gần “vương quốc” của ngài. Một số người từ Attopeu về cho hay một người cháu vua Xiêm đang chỉ huy một đạo quân vượt qua sông Mekong. Đi chung với đạo quân này là những người cao lớn, đeo kính mà de Mayréna tin đó là các sĩ quan Đức.
Trong lúc vạch kế hoạch cho chuyến công du quan trọng với tư cách một quốc vương, de Mayréna nhận thấy Lào là một đất nước nằm sâu trong đất liền, giữa Xiêm và Việt Nam, việc kết thân với họ để họ nhìn thấy ở người Pháp một chỗ dựa vững chắc là điều hết sức cần thiết. Được tin vua Lào đang có mặt ở Bassac, cách Kon-Tum khoảng 300 km, de Mayréna quyết định đến đó ngay để thuyết phục người láng giềng gần gũi này. Y để “hoàng hậu” Ahnaia và Mercurol ở lại Kon-Jéri và ra đi một mình. Nếu Mercurol tháp tùng thì sự nóng nảy của ông bạn thân thiết này có thể làm hỏng việc lớn của y.
Cuối tháng 9.1888, de Mayréna lên đường cùng một đoàn quân hộ tống và hai con voi. 15 ngày sau, y đến thành phố Bassac khi mặt trời vừa khuất cuối chân trời. Thành phố đầy những vườn cây xanh, các đại lộ trồng cây cọ, trông như một ốc đảo. Trong cái dịu dàng ngát hương đó, người Lào chỉ làm việc đủ để sống, thì giờ còn lại, họ tận hưởng tình yêu và lạc thú. Trong suốt mùa trăng, từ sáng sớm cho đến nửa đêm, từng nhóm trai gái, đầu giắt hoa thơm, vừa đi tản bộ, vừa ca hát trên những đại lộ đông người. Tôn giáo của người Lào là một nền Phật giáo hiền hòa, các sư sãi ở chùa rất hiếu khách, họ mở trường dạy học cho trẻ con trong làng. Các tín đồ người Lào thường đến viếng ngôi chùa nào họ thích, nghi lễ rất đơn giản, họ đặt gạo, hoa lên bàn thờ và thắp nến. Mỗi buổi sáng, các sư sãi mặc áo vàng, tay xách giỏ đựng đồ cúng, xếp thành hàng dài đi trên đường phố. Phụ nữ Lào đợi họ đi qua, bỏ vào giỏ của họ một ít cơm. Họ chỉ được phép ăn cơm sau khi mặt trời đã lặn. Họ không nhận tiền bố thí, cũng không được liếc nhìn vào đồ cúng của tín đồ. Những người Lào thuộc xã hội thượng lưu, các hoàng thân, những nhân vật quan trọng trong xã hội thường có tập quán vào làm công quả trong chùa một thời gian.
Ngay khi vừa đến Bassac, de Mayréna đã đề nghị được hội kiến với vua Lào. Hai ngày sau, nhà vua tiếp y trong cung điện của ông nằm trên một ngọn đồi cây cối um tùm. Chung quanh y, các quan Lào đều quỳ gối, hai cùi tay chống xuống đất để không nhìn thấy long nhan. De Mayréna vẫn đứng, gọi vua Lào là “người anh em”, thậm chí còn cư xử với một vẻ cao đạo. Song có vẻ như vua Lào chẳng mấy chú ý đến những việc như thế, qua người thông ngôn, ông trả lời de Mayréna rằng với đề nghị liên minh của y, ông chưa thể có ý kiến được, đề nghị y trở lại vào tối hôm sau.
Ngày hôm sau, đúng hẹn, de Mayréna trở lại hoàng cung Bassac, được hướng dẫn vào một căn phòng tù mù, chỉ được thắp sáng bằng vài ngọn nến. Hồi lâu sau, một cụ già đẩy cửa bước vào. Gương mặt ông cụ trắng bệch, đôi mắt như không còn thần sắc, ông tự giới thiệu là người cai quản ngôi chùa hoàng gia, năm ấy đã 80 tuổi, và từ 30 năm qua, hoàn toàn sống trong bóng tối ở chốn tu hành, không hề ra ngoài ánh sáng. Không cần vòng vo gì cả, ông ta thông báo thẳng với de Mayréna là sau khi bàn bạc với vua Lào, ông ta thấy rằng nước Lào không thể ràng buộc số phận của mình với ai khác ngoài nước Xiêm. Có lẽ nhằm để cho người khách phương xa bớt hụt hẫng, ông ta nói thêm là ngày hôm sau, anh nhà vua sẽ có chuyến đi Bangkok, nếu muốn, de Mayréna có thể tháp tùng đến đấy, gặp thẳng vua Xiêm là Chulalongkorn, sẽ được nhà vua tiếp và trả lời thỏa đáng…
PHẦN 4 – SỰ THẤT BẠI CỦA CHUYẾN CÔNG DU VÀ NGÀY TÀN CỦA VƯƠNG QUỐC
Ngày hôm sau, de Mayréna ngồi trên lưng một con voi do vua Lào cấp cho và đi Bangkok bằng đường bộ, qua các ngả Korak và Ayuthia. Ba tuần lễ sau, y đã có mặt ở kinh đô nước Xiêm. Thời bấy giờ, Bangkok được ví như một Venise của Viễn Đông, kênh rạch chằng chịt, dân chúng thường sống trong những nhà sàn cất trên sông Mé-Nam. Chùa Vat-Chen nổi bật giữa thành phố với ngọn tháp trung tâm, chung quanh là những ngọn tháp nhỏ trang trí bằng những đồ sành sứ đủ màu men xanh, đỏ, hồng, vàng. Cung điện của vua Chulalongkorn cũng là một quần thể những ngọn tháp bóng loáng, một số được cẩn bằng những mảnh gốm sứ Trung Hoa có hình cỏ, hoa, chim, thú. Khi đó vua Chulalongkorn còn trẻ lắm, trông chừng hơn 30 tuổi (ông sinh năm 1853), nét mặt thanh tú, dáng vẻ như một người châu Âu, rất am tường về thần học Bà La Môn. Viên lãnh sự Pháp tại Bangkok là Hardouin không nhận được chỉ thị gì từ phủ Toàn quyền Đông Dương, song trước lời khẩn khoản yêu cầu của de Mayréna, ông ta cũng cố dàn xếp một cuộc hội kiến giữa y và vua Xiêm.
Vua Chulalongkorn tiếp “quốc vương xứ Sedang” tại một ngôi nhà trang trí theo kiểu “đế chế thứ hai”. Ông ngồi trên một ngai vàng kê lên những bông sen bằng bạc, mặc một chiếc áo khoác bằng gấm vàng, một chiếc quần ngắn bằng lụa thêu, đội trên đầu chiếc mũ của sĩ quan hải quân. Cũng giống như ở Lào, các quan lại quỳ mọp dưới chân nhà vua, cùi tay chống xuống đất. Chung quanh nhà vua còn có một tốp nữ binh ăn mặc diêm dúa, đầu đội mũ không vành có gắn lông chim. Theo thói quen khi ở Lào, de Mayréna mở đầu câu chuyện bằng cách gọi vua Xiêm là “người anh em” và định đưa tay cho ông ta bắt. Tuy nhiên, không biết do sợ hãi trước cử chỉ bất ngờ của de Mayréna hay khinh miệt thái độ thân tình không đúng cách của y, vua Chulalongkorn vụt đứng lên, rời bỏ căn phòng mà không thốt lên một lời nào cả. Các quan lại và đám nữ binh cũng lục tục đi theo sau nhà vua.
Hẳn nhiên là thái độ bất ngờ của vua Xiêm đã làm cho “quốc vương xứ Sedang” phẫn nộ một cách chính đáng, khiến viên lãnh sự Hardouin vừa ra sức dỗ dành y, vừa cố khuyên y không nên nấn ná ở lâu trên đất Xiêm nữa. Trưa hôm đó, de Mayréna trở về khách sạn Phương Đông, lòng vẫn chưa nguôi lửa giận. Đến giờ ăn tối, nghe tiếng chuông reo, y xuống phòng ăn, định dùng ít cháo cho nhẹ bụng. Bỗng nhiên y giật mình, nhìn thấy trước mặt mình là một phụ nữ đẹp tuyệt vời. Cô len lén nhìn y và điều này tiếp thêm sức sống cho trái tim y đang tan nát, rã rời. Mặc dầu đã gần 50 tuổi, song y vẫn chưa ở vào thời điểm mà các tham vọng chính trị lấn át cả tình yêu. Và y đã làm quen người phụ nữ có cái tên Dalberg đó, lòng say sưa với một cuộc phiêu lưu mới, ở một chân trời đầy cỏ lạ hoa thơm, nỗi ray rứt vì sự thất bại của chuyến công du bỗng chốc tan biến như bọt xà phòng.
Thay vì rời Bangkok vào ngày hôm sau như đã hứa với Hardouin, de Mayréna tiếp tục ở lại khách sạn Phương Đông với cô gái đẹp vừa quen. Y được biết cô là người Thụy Điển, em gái một doanh nhân đang buôn bán ở Hải Phòng. Phần cô ta, theo lời tự kể, cô đến Bangkok để nghiên cứu về những đền đài nước Xiêm. De Mayréna là một gã đàn ông khá điển trai, Dalberg đẹp và đang sống khá tự do, họ như lửa gần rơm, thiêu đốt cả mọi phiền muộn chung quanh, kể cả hình ảnh bà “hoàng hậu” Ahnaia đang thắc thỏm chờ y ở một góc rừng xa xôi…
Đã 8 ngày trôi qua kể từ hôm de Mayréna dự định quay về Kon-Jéri. Lãnh sự Hardouin không giấu được nỗi bồn chồn, lo lắng, nhiều lần thúc giục y rời Bangkok để tránh những điều bất trắc có thể xảy ra. Cuối cùng y cũng kịp nhớ rằng mình còn một trách nhiệm rất nặng nề đối với “vương quốc Sedang”, với lời ủy thác của phủ Toàn quyền Đông Dương. Y lưu luyến chia tay Dalberg, nói nhỏ lời tạm biệt, vì cả hai còn nhiều hi vọng gặp lại nhau ở Hải Phòng…
***
Khi quay về “kinh đô” Kon-Jéri của mình, de Mayréna không ngờ rằng trong lúc y vắng mặt, đã có quá nhiều chuyện rắc rối xảy ra. Ngài “Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Quốc phòng” Mercurol đã tỏ ra mẫn cán quá mức đến đỗi làm cả công việc của một Bộ trưởng Thương mại. Anh ta mua bán thoải mái với người dân các làng biên giới mà không đếm xỉa gì đến lời can gián của các giáo sĩ. Đã thế, anh ta còn định xâm nhập vào một buôn đang có lệnh cấm đi vào để tán tỉnh một cô gái trong đó, và nếu không có sự can thiệp của cha Guerlach thì anh ta đã mồ yên mả đẹp rồi. Cùng lúc đó, một trận dịch bệnh đậu mùa đã tàn phá các buôn làng của người Sedang. Họ tìm đến các thầy mo và sau khi đập vỡ các quả trứng, hỏi ý kiến thần linh, những vị này cho biết nguyên nhân gây ra dịch bệnh là vị “quốc vương” từ xa đến đã làm cho thần linh nổi giận!
Tình hình ở Sài Gòn và Hà Nội lúc đó cũng đầy bất trắc. Toàn quyền Đông Dương mới là Piquet sang thay Richaud là người có khuynh hướng thân Hội Tam Điểm (Franc-Maçonnerie), chống lại các giáo sĩ Thiên Chúa giáo. Vì thế, một vương quốc Sedang chịu ảnh hưởng của các giáo sĩ là điều ông ta không mong muốn. Vì thế, qua trung gian của công sứ Bình Định Lemire, tân toàn quyền Đông Dương gửi đến Giám mục Van Camelbecke, người đứng đầu Hội truyền giáo tại địa phương, những nhận định không có gì đáng phấn khởi về cái vương quốc mà các giáo sĩ đang ủng hộ. Nhận được thư, vị Giám mục đâm hoảng, vội cử một phái viên đi gặp giáo sĩ Vialetton, nhờ ông này ra tay tốp bớt những trò ngông cuồng của de Mayréna.
Lúc này, câu “họa vô đơn chí” thật phù hợp với hoàn cảnh của de Mayréna. Giữa lúc y đang đau đầu vì bao nhiêu chuyện rối beng thì sức khỏe của Ahnaia ngày càng suy kiệt. Sau một lần sẩy thai, cô gái Chăm cơ hồ không gượng dậy nổi. Giữa mùa mưa bão, cô bị sốt liên miên, những triệu chứng bên ngoài cho thấy có thể cô mắc bệnh lao, một trong “tứ chứng nan y” (phong, lao,cổ, lại) thời đó. Cô ngày càng ít nói, sống xa cách mọi người, kể cả với de Mayréna. Mỗi đêm, khi vầng trăng khuyết vừa lên khỏi khu rừng xa, cô lại lê bước ra bờ suối vắng, hát nho nhỏ những bài hát cổ xưa của dân tộc Chăm, như những lời khấn nguyện cuối cùng. Nhìn thấy sự sa sút thảm hại của người bạn đời, de Mayréna cố gắng chăm sóc cô nhiều hơn. Nhưng đã muộn! Một buổi sáng nọ, Ahnaia không dậy nổi nữa. Cô nằm quay đầu hướng về chiếc hàng rào tre và đến chiều thì thở hơi cuối cùng, gục chết như một con chim gãy cánh giữa mùa giông bão.
Trước một mất mát quá lớn, de Mayréna vô cùng đau đớn và bối rối. Y muốn an táng vợ theo nghi thức “hoàng gia” nhưng các giáo sĩ phản đối quyết liệt. Họ không muốn chôn một cô gái Chăm trên đất thánh của đạo Thiên Chúa. Cuối cùng, de Mayréna đành phải chọn lựa cách đưa Ahnaia về quê nhà của cô ở Phan Rang, an táng theo nghi thức dành cho một công chúa Chăm. Thi thể cô được đưa lên lưng voi, đi gấp về Qui Nhơn, rồi từ đó xuôi thuyền về Phan Rang. Trong ngày an táng, đầu Ahnaia được đặt nằm về hướng mặt trời mọc, người ta phủ lên cơ thể cô nhiều đạo bùa và những dải băng màu vàng, trên ghi những hàng chữ theo mẫu tự Chăm. Cô nằm trên 9 chiếc chiếu bằng lá cọ, tượng trưng cho 9 tháng mang nặng đẻ đau của người mẹ. Một chiếc chiếu cói bó chặt cơ thể lên đến cổ, bên trên là những chiếc áo lễ xếp gọn gàng, bên cạnh là bộ đồ trà, hộp đựng vôi, trầu, thuốc lá… Đến ngày hỏa táng, người ta khiêng thi thể Ahnaia ra một cánh đồng, dàn nhạc đưa tang theo sau, trổi lên những khúc ai oán. Cô được đặt nằm lên giàn hỏa, hai người đứng sẵn cầm đuốc châm lửa đốt. Khi lửa vừa bốc lên, hai thầy tu bước đến tách chiếc đầu ra khỏi cơ thể người chết rồi bẻ xương trán ra thành 9 mảnh nhỏ, bỏ tất cả vào một chiếc hộp bằng bạc. Theo tín ngưỡng của người địa phương, số mệnh của mỗi con người được ghi lên trán người đó. Cuộc hỏa táng kết thúc, các thầy tu đi đến nhà tang lễ, nơi đang nhốt một người thủ vai “kẻ giữ nhà” để ngăn cản vong hồn người chết quay về. Người ta dùng một tảng đá có khắc chữ để ghi dấu ngôi mộ của Ahnaia. De Mayréna trồng hai cây táo cạnh ngôi mộ người vợ yêu thương, cầu mong bóng mát của chúng che chở cho một linh hồn đã từng trải qua những năm tháng luân lạc trên cõi thế gian.
***
Khi de Mayréna quay lại Kon-Tum, mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn. Từ khi được phong là “công tước Kon-Tum”, Mercurol ngày càng tỏ ra hống hách và khó tính, các giáo sĩ không buồn nhắc tới anh ta. Họ cũng nhận được tin là chính quyền thực dân Pháp không còn hậu thuẫn cho de Mayréna nữa. Hai thành viên trong liên minh do y lãnh đạo là bộ tộc Djarai và bộ tộc Sedang xung đột lẻ tẻ với nhau. Một bữa nọ, người Djarai châm ngòi thuốc súng. Họ tấn công một buôn của người Sedang, giết chết ba cư dân và bắt nhiều người khác làm nô lệ. “Quốc vương Sedang” quyết định mở cuộc hành quân trừng phạt kẻ gây chiến. Trận chiến diễn ra thật ngắn ngủi, có lẽ bị ám ảnh bởi lời tiên tri của các thầy mo (đã nhắc ở trên) nên mới giao chiến với người Djarai vài phút, họ đã hè nhau bỏ chạy.
De Mayréna chạy về Kon-Jéri trong một tâm trạng phẫn hận cùng cực. Giáo sĩ Guerlach gây áp lực buộc y phải “thoái vị”, bởi vì nếu y còn ở ngôi, sự xung đột giữa các bộ tộc sẽ còn tiếp diễn và người Bahnar theo Thiên Chúa giáo sẽ gặp nhiều nguy hiểm nếu hai bộ tộc Sedang và Djarai liên kết với nhau để tiêu diệt họ. De Mayréna suy nghĩ nhiều về tình thế này và nhận thấy nếu không có sự hậu thuẫn của giáo hội, “vương triều Marie 1er” của y không còn có lý do tồn tại. Một buổi sáng nọ, y thông báo cho cha Guerlach biết ý định đi Qui Nhơn để ”trao đổi với công sứ Lemire một số vấn đề liên quan đến việc củng cố vương quốc Sedang”. Cha Guerlach cung cấp cho y mấy người phu khuân vác của hội truyền giáo, một toán hộ tống độ một chục người Bahnar và ngựa. Ông không hề biết rằng câu trên chỉ là một cách nói của de Mayréna. “Triều đại” của y xem như đã cáo chung sau nửa năm tồn tại, y không còn lòng dạ nào để “trao đổi” với ai hết. Hình ảnh xinh đẹp của Dalberg hiện ra trong ký ức y, với những kỷ niệm mà y khó lòng quên được. Mấy ngày sau, y cùng Mercurol đến Qui Nhơn, từ đó xuống tàu khách đi Hải Phòng …
PHẦN 5 - TRÊN BƯỚC ĐƯỜNG CÙNG
Vào năm 1888, Hải Phòng còn là một ngôi làng lớn với vài căn nhà gạch lợp ngói nằm dọc theo bờ sông, là nơi cư ngụ của một số công chức và quân nhân Pháp. Đàng sau một đầm lầy, những người Việt giàu có sống trong những căn nhà gỗ, giữa những khu vườn có rào tre bao quanh. Địa phương này cũng có một quán trọ nhớp nháp được gắn cho mỹ danh Grand Hotel và một vài căn hộ cho người Tàu thuê mướn. Nhiều vụ cướp bóc thường xuyên diễn ra, không ít thành viên của các băng nhóm là người Âu. Họ mua bán hàng hóa bất hợp pháp, làm gián điệp, cung cấp vũ khí cho cả quân thổ phỉ lẫn quân Pháp. Trong số những người này, có cả Dalberg, anh ruột cô bạn gái mà de Mayréna đã gặp ở Xiêm.
Khi đặt chân lên đất Hải Phòng, y và Mercurol đã cạn hết tiền, không đủ cả tiền thanh toán chi phí ăn ở tại quán trọ Grand Hotel. May mắn là ông chủ quán trọ không bận tâm lắm đến điều này, vì ông cảm thấy rất vinh dự được một nhân vật trọng yếu chiếu cố đến cơ sở làm ăn của mình. Cô Dalberg vui mừng khi gặp lại de Mayréna, giới thiệu y với ông anh ruột và ông này không ngần ngại mở rộng hầu bao để hậu đãi vị “quốc vương ” đẹp mã, có một nếp sống khá bình dân. Cách ứng xử hào phóng của anh em Dalberg đã khiến con người thất chí đó tìm thấy lại sự hưng phấn để phục hồi cung cách “hoàng gia” của mình. Với tiền vay của ông Dalberg, y đặt in các bằng khen, giấy viết thư có tiêu đề vương quốc Sedang… Từ đó, y hào phóng ban cấp bằng khen và huân chương cho những ai có thừa tiền nhưng thiếu chút danh vọng hão. Loại hoạt động này ngày càng phất lên, giúp y có một cuộc sống tương đối thoải mái, thanh toán đủ tiền cho ông chủ quán trọ Grand Hotel và sắm sửa cho ra vẻ một ông vua … lưu vong. Nhưng sau một thời gian thì số thân chủ hám danh của y cũng thưa dần. Y bắt đầu nghĩ đến thành phố Hà Nội sầm uất, nơi có thể bán nhiều huân chương hơn, và nhất là có dịp hội kiến với viên Tổng trú sứ Rheinart để bàn cách cứu vãn cái “vương quốc” của y.
Trong lúc lênh đênh trên sông Hồng, thuyền của de Mayréna bị một thuyền của băng cướp Winchesters chặn lại (sở dĩ có tên trên vì băng này chuyên sử dụng súng Winchester). Sau khi biết mình đang đối diện với một “quốc vương” đang vi hành, hai thành viên của băng này là William S. và T. thay đổi hẳn thái độ và cùng với de Mayréna sớm trở thành một bộ ba tương đắc. Khi y đến Hà Nội thì thành phố này đang xôn xao về cái tin một lãnh tụ kháng chiến kiệt hiệt là Đốc Văn sắp bị thực dân Pháp hành hình. Con người mưu trí và dũng cảm ấy đã nhiều phen làm cho giặc kinh tâm táng đởm. Người ta kể rằng trong các cuộc hành quân của Đốc Văn, có cả sự hiện diện của một thiếu nữ người Âu bịt mặt. Ngày thi hành án tử, ông bị bỏ vào một chiếc cũi và giải về Hà Nội. Đến pháp trường cạnh tòa sứ, ông thản nhiên bước ra khỏi cũi, hất hàm bảo viên đao phủ “nhanh lên”. Người anh hùng đó đã hi sinh trong nỗi tiếc thương của bao nhiêu người dân đất Việt!
Do tình hình nhiều biến động, khó khăn lắm de Mayréna mới cấp được vài huân chương, mỗi cái thu về từ 50 đến 300 franc tùy theo điều kiện của mỗi khách hàng. Sau khi bị Tổng trú sứ Rheinart tại Hà Nội từ chối tiếp kiến, y cảm thấy nấn ná ở thành phố này cũng không ích lợi gì, bèn quay lại Hải Phòng và việc đầu tiên là gửi cho công sứ Bình Định Lemire một thư đề ngày 3.11.1888. Tất nhiên, lá thư của y đầy rẫy những điều bịa đặt như ông chủ Grand Hotel treo lá cờ của “vương quốc Sedang” to tướng trên cột cờ khách sạn, trưởng ban biên tập tờ báo Courrier d’Haiphong (Thư tín Hải Phòng) khuyên y công bố bức thư gửi cho Tổng thống nước Cộng Hòa Pháp, khi trở về “vương quốc”, y sẽ có sự phục vụ của một bác sĩ, một kỹ sư tốt nghiệp trường Bách khoa và một kiến trúc sư …. Nội dung bức thư cũng tiết lộ một điều không vui là công sứ Lemire đã trả lại y bằng khen y cấp cho ông ta với lời lẽ pha chút an ủi “xin hãy chờ nhé, tôi trả lại anh lúc này”.
Điều đáng nói nhất là trong thời gian này, de Mayréna dành nhiều thì giờ cho việc viết thư, có lẽ để nhắc nhở mọi người rằng, trên danh nghĩa, y vẫn còn là “quốc vương xứ Sedang”. Trong thư viết cho một người bạn cũ đang làm cho tờ báo Petit Journal (Tiểu nhật báo), y than phiền về sự lạnh nhạt của người Pháp trước những thành tích y lập được, tặng người bạn một huân chương hoàng gia Sedang và một tấm ảnh của y, “mong rằng tờ Petit Journal sẽ bảo vệ quyền lợi của tôi, tức quyền lợi của nước Pháp”. Trên tờ Courrier d’Haiphong, de Mayréna đăng một bài viết dài, sau khi kể lể do đâu y trở thành quốc vương, đã thêm thắt nhiều chi tiết đầy tính hư cấu, lãng mạn, hứa hẹn tặng cho mọi người các mỏ vàng, mỏ sắt, mỏ thiếc trong vương quốc của y.
Cho rằng đánh động dư luận như thế vẫn chưa đủ, y quyết định viết cho “ông anh họ” là Tổng thống Pháp Sadi Carnot một lá thư trần tình. Thư không được chuyển theo hệ thống hành chánh mà đăng toàn văn trên tờ Le Courrier d’Haiphong. Tất nhiên phần đầu bức thư là những lời kể lể dài dòng về công lao tập hợp các bộ tộc tại cao nguyên, về trường hợp lên ngôi quốc vương xứ Sedang, đặc biệt là phần mô tả về phong tục, tập quán, sinh hoạt của các bộ tộc ở đây. Lá thư này không phải là không có giá trị về mặt nghiên cứu. Điều đáng nói là không ít nội dung trong thư dựa vào tác phẩm L’histoire de l’Annam (Lịch sử An Nam) của Petrus Trương Vĩnh Ký.
Một bữa nọ, quay lại quán trọ Grand Hotel, de Mayréna nhận được phong thư của Phó Công sứ Hải Phòng Benoit mời y đến tòa Công sứ càng sớm càng tốt. Tại đó, bằng một thái độ lịch sự nhưng kiên quyết, Benoit khuyên de Mayréna đừng tiếp tục tiến hành trò lố bịch là bán huân chương, và vì sự an toàn cá nhân, không nên đi lại với anh em Dalberg nữa. Những tài liệu tịch thu được khi bắt lãnh tụ nghĩa quân Đốc Văn cho thấy anh em Dalberg có dính líu tới cuộc kháng chiến của ông và họ có nguy cơ bị trục xuất khỏi lãnh thổ của thực dân Pháp. Tuy nhiên, khi gặp lại hai người này, de Mayréna thấy họ vẫn bình thản và đang sửa soạn chiếc du thuyền Le Freidj, dự định ngày hôm sau đi Hong Kong. Cô Dalberg mời y cùng đi và y đã nhận lời không chút do dự. Hải Phòng không còn là đất có thể dung thân của y nữa. Tuy nhiên, đến lúc này, sự cùng quẫn đã kéo lùi cuộc đời de Mayréna thêm mấy bước nữa. Bên cạnh tính phiêu lưu, khoác lác, y còn mất dần sự lương thiện, giữ trong ví một tờ “hối phiếu” của Giám mục Van Camelbecke ở Hội truyền giáo Qui Nhơn cho phép y nhận một khoản tiền lên tới mấy ngàn quan từ vị linh mục quản lý tu viện ở Hong Kong. Trên tờ hối phiếu đó, y chỉ cần thêm vào vài con số không là số tiền y nhận được có thể lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn quan. Tất nhiên không ai tin rằng giám mục Van Camelbecke ở Qui Nhơn đã tự tay ký cho y tờ hối phiếu đó, vì một lẽ dễ hiểu là trước đó mấy ngày, y còn chưa biết mình sẽ đi Hong Kong nữa là. Giả thuyết được nhiều người ủng hộ là y đã cùng cô Dalberg làm giả tờ hối phiếu và nhái chữ ký của Giám mục Van Camelbecke.
Với tờ hối phiếu giả đó, cô Dalberg đã “mai mối” y với một người Tàu chuyên cho vay nặng lãi tên Akon chịu cho y vay 30 ngàn quan, với điều kiện khi đến Hong Kong, rút tiền ra, y sẽ trả cho ông ta cả vốn lẫn lãi …100 ngàn quan. Lợi lộc và cương vị “quốc vương” của de Mayréna đã làm cho Akon tối mắt, xùy ngay cho y 30 ngàn quan. Tuy nhiên, lão này cũng không phải tay vừa, quyết bám theo ba người tới Hong Kong để nhận tiền. Trong lúc anh em Dalberg còn do dự, de Mayréna đề nghị họ cứ thuận tình với đề nghị của Akon, vì y đã … có cách.
Buổi sáng hôm ấy trời trong vắt, chiếc du thuyền Freidj nhẹ nhàng lướt sóng ra khơi, chở theo de Mayréna, 2 anh em Dalberg, Villeroy, một trong những đầu đảng của băng cướp Winchester mà de Mayréna đã quen khi còn ở Hà Nội, và tất nhiên có cả Akon. Riêng Mercurol không đi Hong Kong mà bỏ vào Sài Gòn. Để cho chuyến đi được thêm phần long trọng, chiếc du thuyền bay phấp phới lá cờ của “Vương quốc Sedang” treo ở cột buồm. Trên đường đi, nhiều lần de Mayréna có ý định vứt lão già Akon cho vay nặng lãi xuống biển để lão đi đòi nợ mấy chú cá mập, song sau đó, y nghĩ ra một kế khác. Một hôm, tàu ghé lại đảo Hải Nam, anh em Dalberg có việc cần ghé lại thủ phủ chính là Kiong-Tcheou. Thời đó, Hải Nam có một trong những trại phong (cùi) lớn nhất vùng Viễn Đông, câu chuyện rôm rả xoay quanh trại này. Theo một kế hoạch sắp sẵn, trong lúc anh em Dalberg đi lo việc riêng, Villeroy đánh cuộc với de Mayréna là y không dám vào trại phong, gặp những người bệnh để xin … mồi thuốc hút. Tất nhiên là de Mayréna chấp nhận lời thách thức, song đề nghị cả Akon đi theo y và Villeroy để làm trọng tài. Akon đồng ý ngay vì cũng không dám ở lại tàu một mình. Cả ba lầm lũi đi qua một nghĩa trang rộng lớn đầy mộ của những bệnh nhân phong đã qua đời.
Buổi chiều, mọi người tập hợp lại trên tàu, ai cũng có mặt, trừ … Akon. De Mayréna giải thích với anh em Dalberg là lão này ở lại đảo để thăm người quen, sẽ đi Hong Kong sau. Tuy nhiên, một tháng sau, Akon tái xuất hiện tại Hải Phòng, kể lại chuyện lão ta đã bị de Mayréna và Villeroy trói chặt, bỏ trên một bãi vắng gần trại phong cho chết đói. May sao, sáng hôm sau, một ngư dân địa phương phát hiện ra lão ta, cỡi trói và đưa lão ta đến gặp ông trưởng trại phong rồi được trại tìm cho phương tiện để trở về Hải Phòng. Sự rủi ro không chỉ có thế. Nhà cầm quyền Hải Phòng biết được lão ta từ trại phong về, đã cách ly lão suốt ba tuần lễ để xem trên người lão đã có con vi trùng Hansen nào chưa.
***
Cái gai Akon đã nhổ đi rồi, de Mayréna tự thấy đã có thể tiêu xài thoải mái 30 ngàn quan vay được. Không còn lo về chuyện tiền nong, y nỗ lực vực dậy cái “vương quốc” đã vuột khỏi tầm tay. Khi vừa tới lãnh thổ Hong Kong, y vội vã đến tòa lãnh sự Đức, đề nghị bán cho chính phủ Đức quyền bảo hộ “vương quốc Sedang” cùng những quyền lợi khác. Trong đời làm ngoại giao, đây có lẽ là một trong những tình huống bất ngờ và khó xử nhất của viên lãnh sự Đức. Ông ta liền điện cho chính phủ Đức ở Berlin về nội dung đề nghị của de Mayréna. Hai ngày sau, ông ta nhận được chỉ thị là đừng thỏa thuận gì hết vì “thời cơ chưa chín muồi”. De Mayréna bèn quay sang tòa lãnh sự Anh, song nơi đây xem y chỉ là một anh khùng, không hơn không kém.
Về phần Dalberg, cô nhận thấy con người đang xuống dốc này không còn gì để khai thác nữa, nên bắt đầu lạnh nhạt với y. Trong tình thế đó, de Mayréna thấy chỉ còn có cách trở về Pháp càng sớm càng tốt. Y xuống một chuyến tàu thuộc Hãng Vận tải Đường biển, không kèn không trống, với chiếc vé hạng nhì trong tay. Như một vị quốc vương thứ thiệt đang bí mật vi hành, y khai trong danh sách hành khách đi Pháp với cái tên “Bá tước de Drey” (Drey vốn là tên một buôn của người Sedang)
PHẦN 6 – KHUẤY ĐỘNG CHÂU ÂU
Ngày 23.2.1889, cả Paris chào đón de Mayréna, người đã một thời lê bước chân nhàn hạ trên những con đường xanh ngắt bóng cây. Nhưng với “quốc vương xứ Sedang”, như thế chưa đủ. Y đến Paris để được thỏa mãn hai yêu cầu, một là sự công nhận của chính phủ Pháp đối với vương quốc Sedang, và hai là … tiền. Vì vậy, ngay khi vừa đặt chân lên đất Pháp, y đã nghĩ ngay đến việc tận dụng
cái ưu thế của một xã hội có khá nhiều tay trưởng giả học làm sang. Y thuê một căn phòng sang trọng trong khách sạn Grand Hotel với tên “bá tước de Drey”. Thu xếp đồ đạc xong, y xuống ngay đại lộ Capucines và tìm đến tòa soạn báo Le Gaulois, gặp Robert Mitchell, một trong những sếp cũ của y. Ông này giới thiệu y với chủ bút báo Les Echos, lại cũng là một bạn cũ của y. Mấy ngày sau, tờ báo này đăng tải một cuộc trả lời phỏng vấn lý thú mà ngài “quốc vương xứ Sedang” có nhã ý dành cho “bổn báo”. Trong cuộc phỏng vấn, de Mayréna kể nhiều về lịch sử, địa lý, cư dân và nhiều mỏ vàng chưa được khai thác (!) ở vương quốc Sedang. Bài báo còn bổ sung nhiều chi tiết được y vẽ ra đến mức … không thể tin nổi, như dân Sedang có 2 triệu người (!), vua Asbath III của nước Lào cử đến Sedang một đại sứ, ký với y một thỏa hiệp liên minh và thân hữu, y đã ký cho một công ty Anh được quyền bỏ ra 20 triệu quan khai thác mỏ trong 25 năm v…v…. Y còn thêm rằng y sẽ gặp lại cựu toàn quyền Đông Dương Constans, nhờ ông này giúp thu xếp một cuộc hội kiến với tổng thống Pháp.
Chỉ mấy ngày sau, tờ Les Echos tiến thêm một bước trên con đường …liều, cho đăng bài tường thuật nội dung cuộc hội kiến (chỉ có trong tưởng tượng) giữa “quốc vương xứ Sedang” và tổng thống nước Cộng Hòa Pháp Carnot.
Trong cuộc hội kiến, tổng thống Carnot mở lời trước:
- Tôi sung sướng gặp lại người đồng hương thân thiết của tôi…à này, anh cho phép tôi không phải gọi anh là Bệ hạ nhé, vì điều này sẽ làm tôi cảm thấy khó chịu và tướng Brugère sẽ giận tôi.
De Mayréna trả lời nhũn nhặn:
- Xin hoàn toàn theo ý anh, kể cả việc anh có thể …mày, tao với tôi (!)
- Không ai dễ mến hơn anh được. Anh có một dáng vẻ tuyệt vời, còn tôi thì ….
-Thật vậy, tôi thấy da anh hơi xanh, đôi mắt hơi lờ đờ
- Đó là lỗi của Floquet. Ở đó, anh có cần một chủ tịch hội đồng không? Tôi sẽ gừi Floquet cho anh.
- Cảm ơn nhiều. Tôi đã có một chủ tịch hội đồng xuất sắc.
- Anh không thể cho tôi mượn anh ta được sao?
- Anh ta không muốn thế. Vả lại, tôi không thể xa anh ta được. Đó là người hầu phòng của tôi, anh ta chỉ làm Bộ trưởng những lúc … rảnh rổi.
- Ở đó, anh có báo chí riêng không?
- Tôi là nhà báo duy nhất
- Một dân tộc đáng ngưỡng phục biết bao nhiêu! Có khủng hoảng nội các không?
- Hiếm lắm. Vì tôi chỉ có 2 bộ trưởng, một làm chủ tịch hội đồng kiêm hầu phòng cho tôi, một làm Ngoại trưởng, cả ngày không có việc gì khác ngoài việc …đuổi muỗi cho tôi. Ban đêm,việc này do hoàng hậu xứ Sedang đảm trách.
- Không có Thượng viện? Không có Hạ viện ư?
-Tôi chỉ có một nơi để nằm, và nói đúng ra, còn một căn phòng rất khác với phòng của anh, thưa Tổng thống.
- Xứ của anh xa lắm hả?
- Hơi xa. Tôi chỉ ra đi trong vài tuần lễ
- Hãy quay lại gặp tôi. Ta sẽ trở lại chuyện này
Đăng một bài tường thuật đầy sức tưởng tượng như thế, quả là ông chủ bút báo Les Echos đáng xếp vào hạng đại … liều. Tuy nhiên, vào lúc mà cái xứ sở Sedang mờ mờ ảo ảo như thế chưa được mọi người hình dung đang nằm trong một xó xỉnh nào trên trái đất thì bài tường thuật trên làm lợi cho de Mayréna rất nhiều. Công luận bắt đầu chú ý đến y, không ít người xem y như một “yếu nhân” từng nói chuyện ngang cơ với hàng tổng thống. Tờ báo Gil Blas còn tỏ ra nghiêm túc hơn nữa, bày tỏ sự phẫn nộ về việc chính phủ Pháp đã không dành cho “quốc vương xứ Sedang” sự hỗ trợ cần thiết, có nguy cơ để vuột khỏi tầm tay một vương quốc tráng lệ.
Trong lúc một số người cảm thấy một cái gì đó … không bình thường trong cuộc hội kiến “thượng đỉnh’ được báo Les Echos tường thuật thì không ai nghi ngờ gì về việc de Mayréna có mặt trong Ngoại giao đoàn chứng kiến phiên họp ngày 17.3.1889 của Viện Dân biểu Pháp. Y đặt tòa Đại diện vương quốc Sedang trên đường Grammont, cử một tay lang bang trong đám bạn bè cũ làm quan Chưởng Ấn. Ở đó, mỗi buổi sáng, tòa đại diện nhận được nào là đơn xin việc, nào là thư của quý ông, quý bà mong muốn đặt chân đến cái xứ thiên đàng trong mơ ước. Trong số đó có một bức thư rất đáng chú ý:
“ Tâu bệ hạ,
Tôi có vinh dự kính báo bệ hạ biết là vợ tôi, em vợ tôi và tôi sẽ vô cùng biết ơn và gắn bó một cách trung thành nếu bệ hạ có lòng tốt đưa chúng tôi cùng đến cái vương quốc xinh đẹp của bệ hạ, nơi mà chúng tôi sẽ ra sức phục vụ bệ hạ. Em vợ tôi rất có tài làm bánh ngọt, nhưng cố ấy cũng có khả năng hoàn thành những nhiệm vụ khác bên cạnh bệ hạ.
Tôi kính cẩn phủ phục dưới chân bệ hạ với hi vọng được sớm phúc đáp
X… Phó Phòng Bộ …”
Nhưng trong đống thư từ, cũng có cả thư của các chủ nợ cũ, kính cẩn nhắc nhở bệ hạ về những món tiền mà bệ hạ còn nợ từ năm xửa, năm xưa. Loại thư này được de Mayréna xếp vào một hồ sơ đặc biệt, bên ngoài đề “giao lại cho bộ trưởng Tài chánh”. Lúc này, de Mayréna đang khốn quẫn thực sự. Phòng cấp huân chương không còn nhận được đơn yêu cầu, trong khi khoản tiền 30 ngàn quan tước đoạt của lão Akon cũng tiêu tán dần như băng tan dưới ánh mặt trời. Cố gắng lắm, y mới tiêu thụ được vài cái huân chương trong các hộp đêm như Weber, Café de Paris, nhất là ở Montmartre.
***
Dù gì thì những hành động của de Mayréna ở Hải Phòng, Hong Kong, và Paris cũng làm cho các ông giáo sĩ ở Kon-Tum đâm hoảng, vì họ là những người đầu tiên ủng hộ và hỗ trợ cho sự hình thành cái “vương quốc Sedang” đang được y sử dụng làm cái mồi câu các con cá nhiều tiền và hám danh ở châu Âu. Không thể chịu đựng nổi tình trạng bất an, một bữa nọ, cha Guerlach vội chạy ra Hà Nội để biện minh những việc làm của giáo hội tại cao nguyên với Tổng trú sứ Rheinart. Sau đó, ông viết và gửi đăng mấy bài báo trên tờ Le Courrier d’Haiphong để làm sáng tỏ vấn đề trước công luận. Ít lâu sau, Phó công sứ Qui nhơn là Guiomar cùng đệ nhất Tham tá tòa sứ là Simoni được lệnh đi vào các buôn của người Sedang thu hết những cờ và huy hiệu mà de Mayréna đã để lại trước khi ra đi. Những giới chức này cũng chính thức thông báo cho dân buôn biết là vương quyền của de Mayréna đã vĩnh viễn kết thúc. Tuy nhiên, “tác phẩm” do y sáng tác ra không phải là đã hoàn toàn phá sản. Liên minh Bahnar-Rongao dưới sự lãnh đạo của tù trưởng Krui và sự dẫn dắt của các giáo sĩ tiếp tục tồn tại đến năm 1897, là thời điểm mà vùng cao nguyên miền Trung chính thức được đặt dưới sự bảo hộ của chính quyền thực dân Pháp.
Về phần Tổng trú sứ Rheinart, ông ta cũng cố gắng dàn xếp để hậu quả của chuyện lùm xùm này không lan rộng ra nữa. Ngày 23.2.1889, ông ta gửi cho tù trưởng Krui một lá thư đại ý vạch trần hành động “lừa gạt” người Sedang của de Mayréna và khẳng định chính phủ Pháp không cho phép de Mayréna trở lại vùng cao nguyên Trung phần nữa. Bằng lá thư này, chính quyền thực dân Pháp đã áp dụng chính sách “cạn tàu ráo máng” với một công dân của họ đã từng tận tụy phục vụ mục tiêu do chính họ vạch ra.
Hẳn nhiên, những gì đang diễn ra tại Việt Nam rồi cũng đến tai de Mayréna. Ngày 4.4.1889, y lẳng lặng xuống tàu đi Bruxelles (Bỉ). Tại thủ phủ này, y đến ở tại khách sạn Mengelle, trong một khu phố quý phái nằm trên đại lộ Louise. Từ mấy ngày qua, cái khách sạn cũ kỹ này bỗng trở thành một địa điểm lịch sử, nơi gặp gỡ của nhiều nhân vật lừng danh trong xã hội Bỉ. Trong số những người này, de Mayréna quen được với tướng Boulanger và bà de Bonnemain là một cặp tình nhân nổi tiếng đang từ bỏ nhiều cám dỗ tiền tài và danh vọng để theo đuổi một tình yêu mãnh liệt. Tuy nhiên, không lâu sau, do yêu cầu của chính phủ Pháp, chính phủ Bỉ buộc tướng Boulanger phải rời khỏi Bruxelles. Người ta mất dấu de Mayréna mấy ngày, tưởng y đã đi theo Boulanger sang Luân Đôn, song trên thực tế, y quay lại Paris, tham dự một buổi trình diễn nhạc kịch và một cuộc triển lãm quốc tế. Mánh khóe bán huân chương cho những kẻ háo danh không còn đắc dụng nữa, quan “chưởng ấn” của y cũng đã rời bỏ tòa đại diện vương quốc Sedang tại Paris, mang theo mấy đồng louis còn sót lại trong két sắt.
Rốt cuộc, de Mayréna lại rời Paris, cố tìm vận may tại Bruxelles một lần nữa. Mấy ngày sau, tờ báo Indépendence Belge đăng một bài tường thuật dài với nhiều chi tiết thú vị về nhân thân “quốc vương xứ Sedang” và cái vương quốc tuyệt đẹp của ngài. Trong giới trưởng giả học làm sang tại Bruxelles lúc bấy giờ có một nhân vật nổi bật được mọi người biết đến dưới cái tên Somsy (có tài liệu ghi tắt là S. hay Songié, Somzie), là một kỹ sư giàu có. Nhờ phát minh ra nhiều phương pháp công nghệ mới, ông ta tạo lập được một gia tài khá lớn, cất lên một tòa nhà vô cùng tráng lệ, trang trí bằng những kiệt tác hội họa cổ điển. Ông ta nhiều lần tìm cách tiếp cận quốc vương nước Bỉ Léopold II, song đều bị nhà vua lạnh nhạt, xa lánh. Trong lúc đang hận đời đen bạc, tình cờ Somsy đọc được bài báo trên tờ Indépendence Belge viết về “quốc vương” của xứ Sedang “giàu có và hùng mạnh”. Vui sướng như kẻ đắm tàu vớ được phao, Somsy nhờ một người bạn vận động để được ra mắt ngài. Với nhân vật này thì ông ta không phải thất vọng bẽ bàng nữa. Ngài Marie I khoan dung và nhân hậu sau khi giả vở suy nghĩ mấy ngày, cuối cùng cho phép Somsy được bệ kiến tại khách sạn Grand Hotel. Tới ngày hẹn, Somsy vui như mở cờ trong bụng, nhanh chân đến khách sạn Grand Hotel, ngồi chờ ở phòng khách. Theo lời một người hầu phòng, “quốc vương” đang bận tiếp ngài Đại sứ Anh quốc. Trong lúc Somsy vẫn còn hồi hộp thì “quốc vương” đã xuất hiện. Buổi tiếp kiến diễn ra vui vẻ, thuận lợi ngoài sức mong đợi của ông ta. Cuối cùng, sau những lời khẩn khoản tha thiết của ông ta, và sau một hồi suy nghĩ thật lâu, “quốc vương xứ Sedang” gật đầu nhận lời tham dự bữa tiệc do Somsy khoản đãi.
Ngày hôm đó, tiệc được tổ chức thật long trọng, theo nghi thức hoàng gia mà Somsy vừa được một người bạn tận tình hướng dẫn. Cuối bữa tiệc, de Mayréna ngồi hút xì-gà La Havana, ung dung kể cho Somsy và các nhà công kỹ nghệ nghe nhiều chi tiết hết sức thú vị về “vương quốc Sedang” của y. Y đánh hơi được đây là dịp tốt nhất để tung ra mẻ lưới cuối cùng trong cái xã hội có nhiều anh trưởng giả học làm sang. Và qua những gì y kể, vương quốc Sedang như một thiên đàng trên hạ giới, to lớn gấp … 10 lần nước Bỉ. 8 ngày sau bữa tiệc sơ giao, bằng một “chỉ dụ” ngài “quốc vương” Marie Đệ nhất tưởng thưởng cho Somsy huân chương Sainte-Marguerite và tấn phong ông ta chức Thủ tướng, đổi lại 200 ngàn quan mà Somsy đã vui lòng cung hiến cho ngài. “Chỉ dụ” của “quốc vương xứ Sedang” làm cho Somsy sướng mê hồn, ông ta cứ tơ tưởng mãi cái xứ sở thần tiên có hàng triệu thần dân, nơi ông ta có thể thực hiện bao nhiêu hoài bão của mình….
PHẦN CUỐI: BI KỊCH CUỐI CÙNG CỦA DE MAYRÉNA
Ngày 15.1.1890, người ta thấy một chiếc du thuyền cỡ 600 tonneau neo ở Steen, một bến tàu chính của hải cảng Anvers. Du thuyền mang tên Sachsen, treo một lá cờ màu xanh thêu những bông cúc trắng (của “vương quốc Sedang”) do “Nam tước” Somsy thuê để tham gia một chuyến hải hành dài ngày. Nhiều người Bỉ mặc trang phục du khách, trong đó có cả một vị thầy tu, quây quần ở cầu tàu, lắng nghe một nhóm hát dạo hát bài “quốc ca” của “vương quốc Sedang”. Cuối cùng, nhân vật quan trọng nhất là de Mayréna mới chịu xuất hiện trong bộ đại triều phục lộng lẫy. Trên đường y đi qua, mọi người nghiêng mình, cúi đầu cung kính, de Mayréna chào lại theo kiểu nhà binh.
“Triều đình” của y ngoài “nam tước” de Somsy, còn có vài thanh niên giàu có trong giới thượng lưu Bỉ, lòng khấp khởi vui mừng với triển vọng sắp sửa đặt chân lên một vùng đất hứa. Mấy phút sau, tàu Sachsen nhổ neo hướng về vùng Viễn Đông. Suốt chuyến đi, de Mayréna yêu cầu mọi người chấp hành triệt để mọi nghi thức cung đình, hẳn nhiên trừ trường hợp bất khả kháng do say sóng gây nên. Không rõ vì đâu trong câu chuyện kể, y vẫn kể rằng “hoàng hậu” Ahnaia đang nóng lòng chờ y ở “cung điện” Kon-Djeri. Điều này khiến “Nam tước” de Somsy, với tư cách Thủ tướng sẽ được bổ nhiệm, cảm thấy có bổn phận phải kín đáo gửi đi một bức điện chúc mừng “hoàng hậu”. Bức điện lại đi lạc qua Luân Đôn, lọt vào văn phòng ngoại vụ của triều đình nước Anh và được đệ trình cho Nữ hoàng Anh Victoria (trong ngôn ngữ Anh, Pháp, không có sự phân biệt giữa Nữ hoàng và Hoàng hậu). Bà hoàng khả kính của vương quốc Anh đọc xong bức điện đã được một phen cười nôn ruột.
Ngày 18.4.1890, tàu Sachsen đi vào cảng Singapore. Không ai đoán nổi tâm trạng de Mayréna lúc ấy ra sao. Y đang tiếp tục nghĩ ra những trò lừa ngoạn mục hay lo lắng cho âm mưu của y có thể bị phát hiện?
Chiếc sà-lúp đưa “quốc vương xứ Sedang” và “triều thần” cập bến Tandjonj-Pagar, neo lại giữa đám thuyền đông đảo của người Trung Hoa. Ai cũng trông chờ một niềm vui bất ngờ sẽ đến với họ. Nhưng bất ngờ thì có, còn niềm vui thì không. Vừa đặt chân lên đất Singapore, de Mayréna chạm trán ngay với một viên chức của tòa lãnh sự Pháp tại đây. Ông này cho biết viên lãnh sự muốn gặp y càng sớm càng tốt để thông báo một việc khẩn cấp. Y cố làm ra vẻ bình thản, sắp xếp cho những người đi theo ở trong khách sạn Ralph nằm trên đại lộ Nữ hoàng, rồi một mình đến lãnh sự quán Pháp. Viên lãnh sự tiếp y trong một cung cách lịch sự và thoải mái. Ông ta thông báo là theo lệnh của chính phủ Pháp, y bị truất quyền ở “vương quốc” của mình, và từ nay y không được léo hánh trở lại Đông Dương nữa. De Mayréna lên tiếng phản kháng, song viên lãnh sự cắt ngang, cho biết y đã bị kết tội phản quốc, tốt hơn hết là đừng nên để bị bắt trên các lãnh thổ của Pháp. Y tái mặt, nhưng cố tỏ vẻ bình thản, quay về khách sạn Ralph, triệu tập “quần thần” và phát biểu:
- Tòa lãnh sự Pháp vừa báo cho tôi một biết một biến cố nghiêm trọng đang diễn ra trên vương quốc của chúng ta: thần dân Sedang của tôi đang nổi loạn, cảvương quốc của tôi đang chìm trong lửa máu. Hiện giờ, chúng ta không thể đến đó ngay được. Tôi không muốn để cho các ông đến một nơi nguy hiểm, chết chóc như vậy. Nhưng phần tôi, tôi có trách nhiệm phải dẹp yên bạo loạn.Vì thế, trừ những người muốn quay về Bỉ, các ông có thể ở đây chờ lúc tôi quay lại đón các ông.
Các ông trưởng giả nghe cũng xuôi tai, dù trong chuyến đi, đôi lúc họ nghe qua một số phát ngôn đầy mâu thuẫn của ông vua này, lòng đã hơi nghi ngại, song viễn cảnh những mỏ vàng chưa được khai thác, những chức vị Bộ trưởng, Quốc vụ khanh … đã làm mờ lý trí họ. Một số người muốn liên lạc với lãnh sự quán Pháp để biết rõ thực hư, song bằng lòng trung thành tuyệt đối với “nhà vua”, de Somsy đã ngăn trở họ. Mặt khác, toàn bộ chi phí chuyến đi do nhà cự phú de Somsy đài thọ, giấc mơ khanh tướng và làm giàu của họ dù có tan thành mây khói, họ cũng có dịp nhìn ngắm cảnh non xa xứ lạ mà chẳng tốn một đồng xu nào, kể cũng hời chán. Họ tham gia nhiều thú vui khác tại Singapore rồi sau đó lên tàu Sachsen quay mũi trở về Bỉ. Có điều là lần này, trên cột buồm của tàu không còn phấp phới lá quốc kỳ của “vương quốc Sedang” nữa.
Tình huống bất ngờ tại Singapore đẩy de Mayréna vào tình thế tuyệt vọng, cái chính phủ mà y tận tâm phục vụ trong một sứ mạng hết sức khó khăn đã quay lưng hoàn toàn lại với y, không chừa cho y một lối thoát nào hết. Mấy trăm franc còn sót lại trong túi quá ít ỏi so với cuộc sống cam go trước mắt. Có lúc y nghĩ đến việc quyên sinh, nhưng lại cho rằng giờ phút cuối của đời mình chưa đến. Y lánh mặt những ông trưởng giả người Bỉ cho đến khi chiếc tàu chở họ tách bến ra khơi, quay về châu Âu. Y lang thang trên đường phố Singapore, bữa nọ đang mải mê nhìn ngắm ông thợ hớt tóc lấy ráy tai khách hàng thì một bàn tay lạ đặt lên vai y. Y quay lại nhìn, bắt gặp gương mặt quen thuộc của Villeroy, một tay yêng hùng trong băng Winchesters y đã quen ở Hà Nội, người đã cùng y trói gã Tàu Akon bỏ lại trên đảo Hải Nam. Tay bắt mặt mừng, họ dắt tay nhau vào quán cafe kể lể chuyện đời. Villeroy cho biết sau khi chia tay với de Mayréna, anh ta đến đảo Tioman trong vịnh Thái Lan kiếm sống bằng nghề đi gỡ tổ chim yến bán lại cho thương buôn người Tàu. Thỉnh thoảng anh ta đi Singapore chơi, tiêu pha bằng những đồng tiền kiếm được. Trong tình thế cùng cực, de Mayréna dễ dàng thuận theo đề nghị của Villeroy, theo anh ta đên sinh sống trên đảo Tioman để xây dựng một cuộc sống mới.
Villeroy sống trong làng Péwing nằm ở phía đông đảo Tioman, nơi chỉ có một số túp lều của dân chài ven biển. Ngôn ngữ của người Mã Lai ở đây có những nét tương đồng với ngôn ngữ Djarai nên de Mayréna không khó khăn lắm trong việc sống hòa đồng với họ. Ở chung với Villeroy một thời gian ngắn, y mua túp lều của một ngư dân vừa qua đời để sống riêng. Phát hiện trên đảo có nhiều chim seo cờ (Paradis, còn gọi là chim Thiên đường), lông ban rất cao giá trên thị trường, de Mayréna dẫn chú chó Auguste lặn lội trong rừng sâu tìm chúng. Cuộc sống bình ổn dần, tạo điều kiện cho y có nhiều thời gian để sống với những hồi ức đã qua. Y thường kể cho ngư dân trên đảo rằng y nguyên là một quốc vương, sau một cuộc đảo chánh, đã bị đuổi ra khỏi vương quốc, tạm chấp nhận cuộc đời lang bạt, tìm cơ hội trở về “giải phóng” xứ sở. Những người Mã Lai trên đảo tỏ ra khâm phục y lắm, nên dù cho râu tóc y đã điểm bạc khá nhiều, ông trưởng làng cũng cố nài ép y cho ông ta có được cái vinh dự gả cho y cô ái nữ tên Tun-Tedja vừa tròn … 12 tuổi. Sinh vật bé nhỏ và tội nghiệp đó đã sống với y như với một người bạn vong niên, chiều chiều trước ngôi nhà nhỏ cùng nhau chơi bóng “roga” hoặc chơi “gassing”.
Lâu dần cuộc sống êm đềm trên một hòn đảo yên bình dễ khiến một người hiếu động, ưa phiêu lưu như de Mayréna cảm thấy tù túng. Một lần nữa, hình ảnh núi rừng Tây nguyên lại ám ảnh tâm trí y. Ngựa quen đường cũ, y lại viết những lá thư với niên hiệu đề sẵn: “Marie Ier – Năm thứ ba”. Một ngày nọ, nhân chuyến đi Singapore bán lông chim, y gửi một bức điện cho hoàng đế Guillaume nước Đức, chúc mừng sinh nhật ngài, đồng thời nhắc ngài về việc bảo hộ vương quốc Sedang. Bức điện không sử dụng mật mã nên bị chặn lại ở Sài Gòn và viên toàn quyền Đông Dương xem đây là một vấn đề nghiêm trọng. Ông ta cho đăng trên tất cả các tờ báo phát hành ở Nam kỳ những bài viết nhắc lại tội “phản quốc” của de Mayréna. Bạn bè cũ của y đâm ra hốt hoảng, mang đốt sạch các bằng cấp, huân chương được y cấp trước đấy. Ở Paris, Bộ Ngoại giao Pháp gửi công hàm lưu ý các chính phủ ở châu Âu là những điện tín, thư từ mà de Mayréna có thể sẽ gửi đến họ cần được xem là sản phẩm tưởng tượng của một gã … khùng điên. Đồng thời Bộ này cũng yêu cầu viên Thống đốc Anh ở Pahang đang giữ trách nhiệm bảo hộ đảo Tioman hãy giám sát tên “phản quốc” dùm.
Trong tình thế đó, de Mayréna rơi vào một trạng thái trầm cảm nặng nề. Tính khí y tỏ ra thất thường, nhiều lúc giận dữ vì những chuyện không đâu. Tưởng tượng rằng chính quyền Anh có thể bắt giữ mình để giao cho Pháp bất cứ lúc nào, y củng cố căn lều đang ở, biến thành một pháo đài kiên cố. Y không đi ra ngoài nữa và chĩa súng vào bất cứ ai có ý định đến gần y, kể cả Villeroy và cô vợ trẻ Tun Tedja. Y sống như thế trong hai tháng, người ngày một gầy xọp đi. Ban đêm, y ra bờ biển, lang thang trên bãi cát, hươ tay múa chân, độc thoại với chính mình. Nhiều người trắc ẩn, sợ rằng y không thể kéo dài một cuộc sống như thế lâu hơn. Một ngày nọ, viên sĩ quan Anh tên Owen được Thống đốc Pahang giao nhiệm vụ giám sát y đi tàu đến Tioman. Ông ta đến trước lều của y, nói vọng vào:
- Tâu quốc vương, bệ hạ có vui lòng mở cửa cho hạ thần không?
Giọng nói của con người không quen biết đó trầm ấm, đầy tình cảm khiến de Mayréna xiêu lòng, y mở cửa cho Owen vào nhà. Câu chuyện nổ ra, đầy mối đồng cảm, de Mayréna mời Owen ở lại qua đêm với mình.
Ngày hôm sau, một cơn bão kéo đến Tioman, biển động mạnh, Owen không trở về Pahang được, đành ở lại thêm với de Mayréna. Rạng sáng, cơn bão tan, Owen ở lại nhà chờ, còn y dẫn con chó vào rừng. Hai giờ sau, y trở về nhà, nói với viên sĩ quan Anh bằng giọng nói bình thản:
- Tôi đã bị con rắn tedong-hiar cắn vào chân
Chỉ nghe đến đó, Owen đã nhảy dựng lên. Biết ý, de Mayréna tiếp tục:
- Anh cũng biết đấy, chừng hai tiếng đồng hồ nữa, tôi sẽ chết. Từ giờ đến đó, xin anh đừng bỏ tôi.
Owen cố dằn sự xúc động:
- Có thể dân làng có thuốc giải nọc độc.
- Không có gì giải được nọc độc của rắn tedong-hiar, hãy để định mệnh an bài. Khi tôi yêu cuộc sống, tôi cũng chẳng bao giờ sợ chết.
Owen nói sau một hồi im lặng:
- Anh có giấy tờ gì để lại cho ai không?
De Mayréna do dự một thoáng rồi trả lời:
- Không có gì cả. Tôi đã xé bản di chúc tôi làm hôm qua. Khi một người như tôi qua đời trên đảo Tioman, tôi phải chết trọn vẹn.
Y bắt đầu lạnh hai chân, vội nằm dài trên chiếu, nhờ Owen đắp chăn cho.Viên sĩ quan Anh ngồi trên một chiếc ghế mây, nhìn qua khung cửa sổ. Mặt biển màu vàng lưu huỳnh, báo hiệu một cơn bão sắp kéo đến. Cô bé Tun-Tedja đang vừa hát, vừa thu dọn thóc trước nhà bố mẹ. Trong khi đó, con chó Auguste tru lên một giọng điệu thê thiết. De Mayréna nằm bất động, đôi mắt hướng về một thế giới nào xa lắc, nơi không còn hạnh phúc, khổ đau hay những điều dối trá. Khoảng 10 giờ sáng, y trải qua một cơn co giật. Owen bước lại gần, nắm tay y siết nhẹ. Y không còn nói được nữa vì lưỡi đã cứng đờ. Rời bàn tay Owen, y quay sang một bên, thở hắt lần cuối cùng.
***
Nhiều giả thuyết được xây dựng quanh cái chết của de Mayréna, “quốc vương xứ Sedang”. Người ta đồn là y ngã gục dưới những nhát dao găm lưỡi xoắn của một thanh niên trong làng đang thầm yêu trộm nhớ Tun-Tedja. Cũng có tin là người nấu bếp cho y được tổ chức Thiên Địa Hội của người Trung Hoa thuê đầu độc y để trả thù việc y và Villeroy mưu sát lão già Tàu cho vay nặng lãi Akon. Một bài báo đăng trên tờ Le Petit Journal thì viết rằng de Mayréna tự sát trong một phút điên cuồng sau khi có ý định mưu sát Villeroy. Tuy nhiên, không ai tận mắt chứng kiến cái chết của y ngoài anh sĩ quan cảnh sát Anh, và Owen đã lập một giấy chứng tử đề ngày 11.11.1890 xác nhận y chết vì nọc độc của một con rắn tedong-hiar. Ngày 28.11.1890, Owen gửi một bản dịch giấy chứng tử cho lãnh sự quán Bỉ. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên về điều này vì không thấy Owen gửi bản dịch giấy chứng tử cho lãnh sự quán Pháp, vì de Mayréna có quốc tịch Pháp. Cũng không loại trừ khả năng chính quyền Pháp bí mật nhờ người Anh, mà đại diện là Owen, mượn cớ giám sát de Mayréna để khử y cho khỏi phải bận tâm về những chuyện bốc đồng mà y có thể tiếp tục gây ra.
Dù với lý do nào thì cuộc đời của một con người nửa đáng thương, nửa đáng trách đó cũng đã thật sự kết thúc ở hòn đảo hẻo lánh Tioman. Owen an táng y ở một nghĩa trang nhỏ dành cho kiều dân châu Âu. Lòng đất Tioman mở lòng nhân hậu đón y, kẻ lạc loài đã lê bước chân khắp trời Âu – Á, cuối cùng đành chôn vùi theo mình những ước mơ của một thời phiêu bạt.
HẾT
Nguồn: Quankhoasu
Vua bịp Pháp xưng vương trên cao nguyên đất Việt – Triệu Phong
(Bài phỏng dịch và hình ảnh lấy từ Bulletin Des Amis du Vieux Hué. Đã được đăng trên báo Xuân Người Việt 2014)
Trong khoảng thời gian từ 1888 đến 1890, khi nước ta đang xảy ra các biến cố như vua Hàm Nghi bị Pháp bắt lưu đày sang Algeria thuộc Pháp, Đồng Khánh băng hà và Thành Thái lên thay, một người Pháp nhờ thuyết phục được các bộ lạc dân thiểu số sống rải rác ở vùng cao nguyên, tự xưng làm hoàng đế, lấy vương hiệu là Marie Đệ Nhất. Câu chuyện bấy giờ gây rúng động không những đối với chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam mà còn gây náo động đến cả dư luận bên Âu Châu.
* * *
Con người kỳ lạ này tên thật là David Auguste-Jean-Baptiste-Marie-Charles. Ra đời vào ngày 31 Tháng Giêng năm 1842 tại Toulon, Var, thuộc vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur nước Pháp. Charles là con trai thứ trong gia đình có bốn người con của ông Léon-Jacques-Albert-David, một sĩ quan hải quân và bà Marie-Anne-Marguerite Baptiste Thunot, con gái một đại tá chỉ huy lực lượng phòng vệ quốc gia. Người anh đầu tên Romaric mất năm 1915, hai người em trai kế là Henri và Raymond đều mất lúc còn trẻ. Bốn anh em từ nhỏ đã theo cha lên Paris sinh sống và được giáo dục tại đây.
Năm 1859, Charles gia nhập quân đội, ngành kỵ binh, bốn năm sau làm đội trưởng một đội thiết giáp ở Versailles. Thấy đời sống quân ngũ ở đây không thích hợp với bản tính phiêu lưu của mình, Charles ghi danh vào đoàn kỵ binh Nam Kỳ mới được Đô Đốc Bonnard thành lập. Đại đội này gồm lính kỵ binh Pháp đang đóng trên các thuộc địa. Trong thời gian ở Nam Kỳ, Charles từng tham dự một vài cuộc hành quân rồi trở về Pháp vào năm 1868 và được giải ngũ. Năm sau tại Toulon, ông kết hôn với cô Marie Francisca Avron, con gái của một cựu đại tá. Chiến tranh Pháp Đức bùng nổ, Charles gia nhập một tiểu đoàn lính cơ động ở Var. Nhờ quá trình binh nghiệp trước đây, ông được thăng làm đại úy chỉ huy một trung đoàn cơ động, rồi về bộ tham mưu quân đoàn. Ông được huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh là huy chương cao nhất của Pháp, nhờ chỉ huy một trận đánh ở cầu Conlie vào Tháng Hai, 1871, mà phía ông chỉ có ba lính bị thương. Hết chiến tranh, mặc dù rất muốn lưu lại trong quân đội nhưng ông vẫn bị buộc phải giải ngũ. Không chức tước, không khả năng chuyên môn, Charles không còn chi ngoài cái mã cao ráo, đẹp trai. Cuộc chiến kết thúc cũng chấm dứt luôn cuộc sống phẩm giá và lương thiện. Charles David trở thành một con người khác.
Cuộc đời mới
Sau vài lần vật lộn mưu sinh, năm 1874, ông mở một ngân hàng nhỏ nhưng được một thời gian phải tuyên bố phá sản vì bị kiện tội lừa bịp. Cuối cùng, mặc dù được miễn tố nhưng ông vẫn tìm cách chuồn ra nước ngoài cho chắc ăn. Vào cùng năm, Charles đáp tàu thủy trực chỉ Java, một đảo lớn của Indonesia. Trên tàu, ông gây được niềm tin của một thanh niên người Pháp đang trên đường sang Java tìm gia đình. Ông tả oán rằng ông bị mất sạch hết tiền bạc đem theo. Mủi lòng, khi đến nơi vào Tháng Chín 1883, người thanh niên này dẫn ông đến gặp cha, một công chức hỏa xa ở Probolingo. Tại đây ông được cho lưu trú và mọi chi phí đều do những người đồng hương tốt bụng này đài thọ. Hai tháng sau, chính quyền Java trục xuất Charles David vì có nhiều đụng chạm với cư dân địa phương và bị họ khiếu nại. Ông được bố thí cho một vé tàu thủy hạng ba để trở về cố quốc. Thế là một lần nữa ông lại lang thang trên thành phố Paris.
Vào thời gian này, Âu Châu đang trong giai đoạn cách mạng kỹ nghệ, cần tìm kiếm cao su để khai thác. Đi đâu, gặp ai, Charles cũng khoe mình đã từng trông thấy những cánh rừng có cây cao su. Cuối cùng ông được Bộ Trưởng Bộ Công Cộng Pháp ủy thác cho việc nghiên cứu khoa học tại vương quốc Hồi Atchem trên đảo Sumatra, hòn đảo lớn nhất của Indonesia. Nam Tước Sellière cấp cho ông ngân khoản 2,000 đồng franc. Từ Toulon, ông lên đường cùng với em trai là Henry và ông Vésine-Larue trên một chiếc tàu vận tải. Nửa chừng, Larue tách riêng khỏi đoàn sau khi nghe một số người vạch trần bản chất không tốt của Charles. Lúc tàu dừng ở bến Sài Gòn vào ngày 23 Tháng Năm 1885, hai anh em cũng xuống bến luôn. Từ đây Charles David tự xưng mình là Nam Tước David de Mayréna.
Nam Tước de Mayréna
Vừa xài hết số tiền, Mayréna nghe tin Hội Đồng Thuộc Địa Đông Dương loan báo cấp thưởng nhiều ngàn franc cho kiều dân nào có ý định khai thác loại cây có mủ cao su. Mayréna khai đã từng thử dùng dao rạch lên thân cây và trông thấy thứ mủ này chảy ra tại vùng đất của người Mọi ở Bà Rịa. Thế là ông được giao cho việc hướng dẫn một toán khảo sát gồm 15 tay súng đi đến đó bằng tàu sà lúp, để kiểm tra lại. Dĩ nhiên sau chuyến đi, phái đoàn trở về tay không, vì thực sự có bao giờ Mayréna đã đến nơi này đâu mà tìm cho thấy những cây này. Mayréna mua một mảnh đất ở Thuận Biên, Bà Rịa, đặt tên là đồn điền Sainte-Marguerite. Mayréna gửi thư cho Hội Đồng Thuộc Địa khoe đã gieo trồng được 2,000 hột giống cây cao su và đang tiếp tục tìm kiếm thêm ở vùng đất Mọi, đồng thời phản bác những lời cho là đồn đại nói xấu về ông. Trong khi đó ở Pháp, Bộ Trưởng Bộ Công Cộng ký giấy giải tán đoàn thám hiểm ở Atchem, vì chính quyền Sumatra xác nhận ông Mayréna chưa hề đi đến đây. Tới lúc này người em trai là Henry đã tỏ ra quá chán ngán cái xứ Nam Kỳ nên một mình lên tàu trở về Pháp.
Tháng Năm 1887, tỉnh Bà Rịa gửi giấy thông báo cho lệnh lục soát nhà của Mayréna vì nghi ngờ ông buôn lậu vũ khí. Tại đây toán thanh tra gặp một phụ nữ bản xứ tên Lê Thị Bền, trước đây làm nghề bán hột vịt lộn ở Chợ Cũ, Sài Gòn, đang sống trong căn nhà. Mayréna đi vắng chỉ để lại giấy, dặn bà vợ Việt này phải tuân theo lời của các thanh tra. Kết quả khám xét họ chỉ tịch thu được 12 cây súng và một số đạn. Biên bản ghi, có thể đây là những vũ khí dùng cho cuộc khảo sát trước đây.
Tháng Giêng 1888, Mayréna lại gửi thư cho tân Toàn Quyền Constans lá đơn xin đi khảo sát tại vùng người Mọi sống độc lập ở phía Bắc tỉnh Bình Định, nằm giữa An Nam (tên gọi miền Trung Việt Nam dưới thời nước ta bị Pháp chiếm làm thuộc địa) và sông Mê Kông, khoe rằng đã từng sống hai năm ở trong rừng với người Malaysia. Đơn này nhờ được ông phó toàn quyền chuyển đi nên chấp thuận. Sự việc sở dĩ dễ dàng vì ai ở Nam Kỳ lúc bấy giờ cũng muốn tống khứ ông đi đâu đó cho khuất mắt. Ông được cấp mấy trăm đồng franc và 15 lính mã tà. Ngoài ra cùng đi còn có một kiều dân Pháp tên Alphonse Mercurol, hai phụ nữ Việt (có thể là vợ lẻ của hai ông Tây), cùng bốn nhà buôn người Hoa. Mercurol cũng từng đi lính và đã được giải ngũ, đương sự là một người hung bạo, không việc gì lại không dám làm. Lần này đi theo Mayréna vì chưa xoay xở được cách sinh nhai nào khác. Tháng Ba 1888, đoàn người đáp chiếc Hải Phòng đi ra hướng Bắc. Vận may cho Mayréna, trên tàu có sự hiện diện của ông Toàn Quyền Constans và ông bí thư Klobukowski. Tàu dừng ở vịnh Quy Nhơn vào ngày 16 Tháng Ba. Trước khi xuống tàu, Mayréna được ông Klobukowski trao cho bức thư gửi gấm và giới thiệu. Mayréna biết sẽ làm gì với nó sau này, mặc dù đây chỉ là lá thư tầm thường mà bất kỳ công chức nào cũng có thể tiến cử cho bất kỳ ai để họ đi mạo hiểm vào các rừng già của vùng Mọi vào năm 1888. Xứ Mọi ở dãy Trường Sơn vẫn còn là vùng đất bí ẩn (terra incognita), chỉ mới được các giáo sĩ Pháp khám phá vào năm 1849 và lập nên các vùng đất của người theo đạo Thiên Chúa. Ông E Navelle, quản trị vùng bản địa, đã từng đi xuyên qua vùng Mọi này vào năm 1884 và có viết lại một bài ký sự. Hai năm sau, Trung Úy Metz cũng đi lại theo sơ đồ của ông Navelle. Từ đó trở đi, ngoài các nhà truyền giáo, không người Âu nào khác thám hiểm vào vùng Mọi.
Mayréna được ông Crochet, nhân viên chuyển vận đường biển đón tiếp niềm nở, kể cả ông Charles Lemire, Công Sứ tỉnh Bình Định, người bị tài nói phét của Mayréna đánh lừa. Cũng có thể do ông Lemire thấy được thư giới thiệu của ông Klobukowski nên mới nhiệt tình giúp đỡ cho cuộc thám sát của Mayréna. Với bộ vó cao ráo (1m82), bộ râu bạch kim rất đẹp, hai vai rộng và tài bẻm mép, cùng với mớ thư giới thiệu, đến đâu Mayréna cũng gặp mọi sự dễ dàng. Ngoài Mercurol, Mayréna còn tuyển được ông Paoli và ban cho chức hỏa đầu vụ. Ông này bán hết sản nghiệp gồm một tiệm ăn ở Qui Nhơn để đi theo. Mayréna cũng chiếm được cảm tình của Đức Ông Van Camelbeke khi đến thăm giáo xứ của ngài ở Long Sông và được ngài viết cho một thư giới thiệu đến các cha thuộc Hội Truyền Giáo Người Man Di (Mission des Sauvages). Vũ khí Mayréna có gồm 18 súng trường, 3 cạc bin, 4 súng lục và 2,500 viên đạn. Ngoài ra ông còn xin thêm được một thùng thuốc súng cũ thấy ở nhà một nhân viên quan thuế tại Qui Nhơn.
Ngày 21 Tháng Tư, 1888, đoàn thám hiểm khởi sự lên đường. “Nam Tước de Mayréna” mang súng colt ngồi trên con ngựa Ả Rập to lớn, theo sau là đoàn ngựa của toán kỵ binh gốc Phi Châu, rồi đến Mercurol, Paoli, hai phụ nữ Việt, bốn người Hoa, một thông dịch viên tên Phạm Văn San thuộc Sở Mật Thám Pháp, 18 lính mã tà từ Sài Gòn và 80 người phu khiêng vác hành lý. Mayréna còn được chính phủ thuộc địa cấp bốn trăm đồng franc. Ông Lemire, công sứ Qui Nhơn gửi Mayréna một lá thư cho biết ông vừa viết cho quan tổng đốc thuộc triều đình Huế để giới thiệu về công tác thám hiểm của ông Mayréna, yêu cầu quan tổng đốc ra lệnh cho quan phủ An Nhơn và quan kinh lý cai quản các vùng lãnh thổ khai thác thuộc địa đang trú tại An Khê, giúp ông Mayréna được mọi sự dễ dàng. Số 80 cu li đều do ông Lemire đích thân trưng tập. Đoàn người gặp rắc rối đầu tiên khi đi đến An Khê vào ngày 26 Tháng Tư. Tại đây một thiếu tá người Pháp chỉ huy quân đội, giữ an ninh tỉnh Bình Định không cho phép ông hỏa đầu vụ Paoli đi tiếp vì không có giấy thông hành. Đồng thời đám cu li bỏ mặc đồ khuân vác đi trở về vì bị đối xử tàn bạo và không được trả công. Cuối cùng đoàn người cũng đến được những làng Mọi đầu tiên. Họ tạm tá túc tại làng Kon Jari Tul của tù trưởng Pim. Ông này được sự hợp tác của các nhà truyền giáo và các sĩ quan ở Bình Định đã đi điều đình lập liên minh giữa các bản làng người Bahnar, Rơn Gao, Bahnam và Hadrong. Mục đích để ngăn chặn sự chống đối của người Giarai, vốn đang là vấn đề ở vùng cao nguyên thời bấy giờ.
Vương quốc xứ Mọi Sédang
Tại bản làng này, vì thiếu người khuân vác, “Nam Tước de Mayréna” viết cho cha Guerlach một lá thư xin được hỗ trợ, không quên kèm theo hai thư giới thiệu của Đức Ông Van Camelbeke. Vào lúc này Mayréna bắt đầu treo lên trước túp lều của mình lá cờ hiệu màu xanh có hình các con chuồn, đồng thời vào ngày 28 Tháng Tư, ký với các tù trưởng Hmot và Pim hai hiệp ước liên minh và thân hữu, trong đó ghi rõ người Mọi hoàn toàn tự do sống theo phong tục tập quán và tín ngưỡng của họ. Họ chỉ vâng phục người Pháp chứ không tuân theo người An Nam. Họ không phải nạp thuế gì cho chính phủ An Nam. Bù lại họ sẽ được người Pháp bảo vệ trong mọi trường hợp bị tấn công. Hiệp ước xác nhận có sự chứng kiến của ông Mercurol, thông dịch viên Phạm Văn San, ông Huỳnh Văn Tư, một người An Nam nói được tiếng Mọi tên Gambier. Trước sự kinh ngạc của Cha Guerlach và các nhà truyền giáo khác, Mayréna giải thích việc làm của mình chỉ là giữ danh dự cho nước Pháp. Ông nói ông sẽ tập hợp tất cả dân tộc thiểu số sống độc lập mãi đến tận bờ sông Mê Kông. Khi không có tuyên bố nào của các thế lực Âu Châu, ông sẽ trao quyền lại cho nước Pháp, bù lại ông sẽ đòi quyền thừa hưởng các mỏ vàng. Để Cha Guerlach yên lòng, Mayréna khoe thêm thư giới thiệu của các ông Klobukowski, Lemire, nào là kể về chuyến hải hành trên chiếc Hải Phòng cùng với Toàn Quyền Constans, khoe về số tiền trợ cấp ông nhận được, việc Hội Đồng Thuộc Địa Nam Kỳ đề cử ông đi tìm cây cao su…
Ngày 13 Tháng Năm, đoàn quân đến đất thuộc giáo xứ của Cha Guerlach ở Kon Djéri Kong và nghỉ lại đây 10 ngày. Sau đó đoàn quân tiếp tục đi, lần này có sự tháp tùng của Cha Guerlach và đến giáo xứ của Cha Vialleton ở Kontoum ngày 23 Tháng Năm. Ngày hôm sau đến Kong Trang, thuộc giáo phận của Cha Irigoyen. Cha này vì thấy người đồng hương, quá mừng đến nỗi thưởng cho đoàn một con bò, mà người Mọi ở đây hạ thịt nó và đánh phèn la nhảy múa. Ngày 25, Cha Guerlach cùng Mayréna và đoàn người đến Polé Tebâu, rồi hôm sau thì đến Kon Trang Mené. Tại đây các chức sắc trong hội đồng bản tộc đồng ý bầu Mayréna làm trưởng và ký bản thỏa ước có ký nhận của Cha Guerlach và ông Mercurol. Ngày 28, họ đến Pekô, chi nhánh của sông Bla và được người bản địa đưa qua sông bằng bè, rồi tiếp tục thẳng đến làng Kon Gung Sui. Dân thiểu số ở đây cũng đồng ý ký giấy bầu Mayréna làm “sếp” mới, đồng thời yêu cầu “sếp” bắn những phát súng cạc bin vì họ thích nghe tiếng nổ. Không những vậy, các vỏ đạn được họ dùng làm đồ trang sức. Ngày 3 Tháng Sáu, 1888, Mayréna lập bản “Hiến Pháp của Vương Quốc Sédang,” mà tù trưởng của các làng đều ký tên. Mayréna bắt đầu nghĩ đến việc thành lập một vương quốc. Cuộc khảo sát lần thứ hai được thực hiện vào ngày 15 Tháng Sáu ở vùng đất Hamong Ketou, một làng rộng lớn nằm ở triền sông Pekô, bên dưới làng Kon Gung Jé.
Lên ngôi hoàng đế
Vào ngày 20 Tháng Sáu, tất cả tù trưởng đồng chấp nhận bản hiến pháp và ông Mayréna được công nhận là vua của họ. Mayréna nghiểm nhiên xưng đế lấy vương hiệu là Marie Đệ Nhất của xứ Mọi Sédang. Tháng Sáu 1888, ông lập triều đình Mọi và ký một loạt sắc lịnh, ban chức phẩm cho hoàng gia và các quan, phong bà Lê Thị Bền làm hoàng hậu, Mercurol làm bá tước và được quyền khai thác mỏ vàng, chỉ định kiểu quân phục, cử hai chúa Mọi làm thủ hiến hai nơi, chia nước ra làm 5 tỉnh, mỗi tỉnh có tỉnh trưởng, cấm người ngoại quốc không được vào xứ nếu không có phép của hoàng đế, cấm săn bắn voi vì voi thuộc sở hữu của hoàng đế, ấn định kiểu y phục của vua. Sau cuộc thám sát trở về, Mayréna ngã bệnh nặng nhưng vẫn nhờ Cha Guerlach viết giúp lá thư gửi cho toàn quyền, rồi ông sẽ ký tên. Thư do ông Mercurol mang đi gửi, trong đó có kèm bản sao bản hiến pháp cùng với bản tuyên bố mà báo Le Courrier d’Haiphong cho đăng tải. Lúc này, Cha Guerlach cũng yêu cầu cho mấy người Trung Hoa, người thông dịch và mấy người lính mã tà trở về theo vì không còn cần đến họ, hơn nữa Cha không đủ sức nuôi ăn tất cả trong thời gian quá lâu.
Khi đã hồi phục, Mayréna lại mở cuộc thám sát thứ ba ở vùng đất của người Sédang. Lần này chỉ có Cha Irigoyen đi theo vì Cha Guerlach đang bị sốt. Tại làng Kong Gung, Mayréna sửa đổi hiến pháp bằng cách thêm một số điều khoản và được những người Mọi công nhận, với sự chứng kiến của Cha Irigoyen. Lúc trở về, Mayréna nhờ Cha Guerlach dịch bản hiến pháp ra tiếng Pháp và tiếng Sédang, đồng thời làm hai bản sao, một gửi cho ông toàn quyền và một gửi cho bộ trưởng thuộc địa. Mayréna mang hai bản sao này đi trở xuống Qui Nhơn. Vào lúc này, bà vợ đầm của Mayréna ở Pháp gửi thư qua xin tiền. Ông liền ký đạo dụ tuyên bố ly dị bà Marie Francesca Avron, tôn con trai là Albert lên làm hoàng tử và con gái là Marie Louise làm công chúa nhưng phải ở lại bên Pháp, không được đi sang Sédang. Đạo dụ khác nói nếu bà Bền sinh con trai thì đứa đó sẽ là thái tử. Tuy nhiên bà Bền qua đời vì sốt rét rừng vào Tháng 9, 1888. Cạn túi, ông nghĩ đến việc du hành ra ngoại quốc để vận động người bỏ vốn mở mang kinh tế.
Hoàng thượng đi ra ngoại quốc vận động ngoại giao
Mayréna gửi thư đến tổng thống và thủ tướng Pháp, toàn quyền Đông Dương, khâm sứ các nơi Trung, Bắc Kỳ, Lào, Cao Mên, báo tin ông đã lên ngôi vua xứ Sédang, một nước độc lập liên minh với Pháp. Ông đặt làm nhiều huy chương tại Sài Gòn rồi dùng chúng để ban tặng cho nhiều người, kể cả chức tước. Ở Hồng Kông, Thái, Pháp, Bỉ, Hòa Lan, nhiều người cũng được ông tặng huy chương, và họ cũng mang trên áo để lấy le.
Mayréna có biệt tài là tất cả công việc, như tổ chức quốc gia, quân đội, luật lệ, vẽ bản đồ, đặt cơ quan hành chánh đều do tay ông cả. Ông cũng kiêm nhiệm luôn các chức bộ trưởng, cảnh sát, người thâu thuế heo, trâu, vì người Mọi không hiểu gì về những công việc này. Đến nỗi có nhà báo không ngại gọi ông là “Napoléon xứ Sédang.” Mặc dù không được chính phủ thuộc địa ở Đông Dương công nhận, đến đâu Mayréna cũng vẫn xưng mình là vua. Được cho tiền và huy chương, một số tờ báo ở Sài Gòn viết bài ngợi khen. Báo Le Courrier d’Haiphong ở Hải Phòng, báo L’Avenir du Tonkin ở Hà Nội cũng có bài nhắc đến “Quốc Vương Marie Đệ Nhất. Nhờ đó mà dư luận quốc tế chú ý tới. Một phần vì lúc đó Anh, Đức, Hòa Lan đang ganh tỵ Pháp có thuộc địa ở Đông Dương, họ quay sang chú ý đến vùng cao nguyên. Mayréna ghé đến Qui Nhơn gặp Công Sứ Lemire và nói, nếu nước Pháp công nhận quốc gia Sédang thì ông sẽ ký hiệp ước thân thiện với Pháp và cho đặt một tòa lãnh sự ở xứ Mọi. Bằng không ông sẽ ký kết với Anh hoặc Đức. Ông Lemire vội điện cho ông toàn quyền ở Hà Nội, ông này gửi điện qua Paris chờ chỉ thị. Các báo Pháp đem chuyện này ra bàn tán, tên Marie Đệ Nhất được đăng trang trọng trên trang nhất nhưng với lời lẽ châm biếm. Cũng chính những tờ này sau khi được ban tặng huy chương liền đổi giọng điệu ngay.
Mayréna với tư cách là vua Marie Đệ Nhất đáp tàu của Đan Mạch đi Hồng Kông, ông mặc y phục nhà vua ngực đeo đầy huy chương và cho treo cờ hiệu trên cột cờ tàu. Xuống bến, ông được thống đốc Anh tiếp kiến, các báo đều phỏng vấn và xin hình. Mayréna tổ chức buổi tiếp kiến nhiều nhân vật và nhà tư bản Anh cũng như Tàu tại Hong Kong Hotel để thuyết phục họ bỏ vốn khai khẩn xứ sở của ông. Nhiều người Tàu, Pháp, Nhật, Anh,… được trao tặng huy chương. Lãnh Sự Pháp H Verleye đánh điện cho toàn quyền Đông Dương nói rằng nếu không nhìn nhận Marie Đệ Nhất, thì người Anh sẽ bỏ vốn giúp vua xứ Sédang mở mang biên giới, khai thác mỏ vàng và các rừng cao su, mà ai cũng đồn là có rất nhiều ở vùng rừng núi cao nguyên. Hơn nữa Anh cũng manh tâm muốn hất cẳng Pháp. Ngày hôm sau lãnh sự Pháp cũng mở tiệc mời Mayréna tham dự, năn nỉ ông đừng để nước Anh mua chuộc. Mayréna nói nếu ông không được nhìn nhận là vua xứ Mọi Sédang thì ông sẽ tuyên chiến với Pháp và kéo 10,000 quân xuống đánh tỉnh Bình Định. Toàn Quyền Constans biết rõ thủ đoạn lừa bịp của Mayréna, liền đánh điện cho lãnh sự Pháp và thống đốc Anh ở Hồng Kông biết rõ lai lịch của Mayréna, thêm rằng xứ Mọi Sédang chỉ là đất cao nguyên của vua An Nam do Pháp bảo hộ chứ không hề có quốc gia này. Thống đốc Anh bắt đầu hoài nghi Marie Đệ Nhất. Mayréna xoay qua tiếp xúc với lãnh sự Đức nhưng ông này cũng được lệnh tổng lãnh sự ở Bắc Kinh không được tiếp Mayréna. Dần dần ở Hồng Kông không còn ai tin Mayréna nữa, nhất là từ khi tờ Le Courrier d’Haiphong đăng liên tiếp nhiều kỳ các bức thư của Cha Guerlach, tố cáo Mayréna về những hành vi bịp bợm.
Trong số những người bị Mayréna gạt có một người Hoa Chợ Lớn tên A Kong, ông này bỏ ra nhiều tiền ủng hộ Mayréna với hy vọng được quyền khai thác mỏ vàng. Ông này cho Mayréna mượn tiền, trả chi phí đi tàu đến Hồng Kông, thuê khách sạn, may triều phục, 10,000 bộ quân phục và nhiều thứ lặt vặt khác. Nhờ vậy A Kong được phong làm bộ trưởng tài chánh nhưng chưa hề được vua bồi hoàn cho đồng nào. Khi Mayréna hỏi mượn thêm tiền thì A Kong chán nản bỏ về và kiện Mayréna tại Qui Nhơn. Trong lúc túng thiếu, Mayréna gặp một lái buôn người Pháp tên Henri de la Rousselière, ông vận động người này giúp đỡ tiền bạc, bù lại người này được phong làm thủ tướng. Nhờ xoay xở, Mayréna có tiền mua vé tàu sang Pháp với dự tính thuyết phục Paris công nhận ngôi vua của ông và kiếm thêm tiền trong khi chờ đợi kết quả. Ở Paris, ông được một số người Pháp giúp đỡ tiền bạc và họ đều được ông phong tước và ban tặng huy chương. Mayréna cưới Marie Julie Rose Lyeuté và phong bà này làm hoàng hậu. Sau khi không được tổng thống, bộ trưởng ngoại giao Pháp tiếp kiến, ngay cả xin thuyết trình tại Hàn Lâm Viện Thuộc Địa về vấn đề Sédang cũng bị từ chối, vua Marie Đệ Nhất cùng hoàng hậu và đoàn tùy tùng đi qua nước Bỉ vào ngày 20 Tháng Bảy, 1889. Tại Brussels, Mayréna lập triều đình, ký sắc lệnh cho hoàng hậu được quyền hạn ngang hàng với các bà hoàng ở Âu Châu. Ông cũng cho phát hành tem thư, đặt trụ sở tổng giám đốc bưu chính và một văn phòng lãnh sự ở đây nhưng tất cả đều từ tiền vay mượn hoặc thiếu chịu. Cuối cùng hoàng hậu bị bỏ rơi. Trước khi ra đi, hoàng hậu được tặng một hộp nữ trang mà liền sau đó bà mới biết là toàn đồ giả.
Giữa lúc nguy khốn, Mayréna được một triệu phú tên Somsy ở Brussels, vì ham danh vọng nên tình nguyện giúp ông về “nước” mở mang bờ cõi. Lập tức Somsy được Mayréna ký sắc lệnh phong làm quận công xứ Mọi Sédang. Quận công Somsy còn mộ thêm được năm sĩ quan toàn là người Bỉ đi theo. Cả năm, người thì được phong đại tướng, người thì thiếu tướng hoặc đại tá. Mọi người xuống tàu vào ngày 13 Tháng Giêng 1890. Tám ngày sau tàu cập bến ở Port Said, Ai Cập. Tại đây Mayréna mở một buổi tiệc vương giả, có sự tham dự của 23 nhân vật chức sắc địa phương, đồng thời cử người mở văn phòng lãnh sự. Ngày 2 Tháng Hai, tàu ghé bến Singapore, Mayréna đòi toàn quyền Anh cho nổ 21 phát súng đại bác chào đón ông theo nghi lễ một quốc vương nhưng bị từ chối. Lãnh sự Pháp tại đây báo tin cho toàn quyền Pháp ở Sài Gòn biết việc Mayréna đang trên đường trở về Đông Dương, dẫn theo đạo quân trong đó có ba trung tướng và hai đại tá, dự tính đổ bộ xuống Qui Nhơn. Ông toàn quyền liền cử một tàu chiến và nhiều tàu nhỏ đến Qui Nhơn sẵn sàng ngăn chận không cho tàu của Mayréna vào bến. Thấy vậy Mayréna thong thả sống cuộc đời đế vương ở Singapore rồi cưới một phụ nữ bản xứ tên Aisa và ký lệnh phong làm hoàng hậu. Mayréna gửi thư cho vua Xiêm xin mượn đường để về xứ Mọi, đồng thời đề nghị làm chư hầu của Xiêm để chống lại Pháp ở Đông Dương nhưng vua Xiêm không trả lời. Ở được ba tháng, tiền hết mà kết quả thì chưa thấy gì, hoàng hậu bỏ trốn đi, lần lượt đoàn tùy tùng ai nấy mỗi người đi mỗi ngã, chỉ còn một người tên Harold Scott chịu ở lại theo hầu và được phong làm bộ trưởng hải quân. Cả hai đáp tàu ra Pulau Tioman, một hòn đảo nhỏ xíu với vài trăm cây dừa và vài túp lều lá của ngư dân Mã Lai.
Ngày 11 Tháng Mười Một, 1890, vào lúc ba giờ chiều, trong lúc Mayréna vào rừng bắn chim không may bị một con rắn độc cắn. Ông cố trở về đến lều thì qua đời. Bộ trưởng hải quân của Mayréna gửi thư về Singapore báo tin. Tờ báo Daily Press phát hành ở Singapore, số ra ngày 28 Tháng Mười Một, có loan mấy dòng: “Một người Pháp tên Marie de Mayréna cư ngụ ở cù lao Tioman vừa bị rắn cắn chết trong Tháng Mười Một.”
Nguồn: Thantrinhomhue