Tim thông tin blog này:

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Lịch sử cầu Đăk Bla

Cọc gỗ làm trụ cầu trên sông ĐắkB'la thời kỳ Pháp thuộc

Thứ hai - 03/04/2017 08:54
Tháng 3/2016, trong quá trình thi công nạo vét đất bồi phía bờ Tây nam sông Đăk B’la (cách cầu Đăk Bla khoảng 500m), để đắp mặt bằng cho Dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla thuộc Ban quản lý các Dự án 98 tỉnh Kon Tum, công nhân lái máy múc công ty Trách nhiệm hữu hạn Trường Long Kon Tum đã phát hiện những cọc gỗ này.
Cọc gỗ được vùi sâu trong lớp đất cát khoảng 3 - 4m. Ngay sau khi phát hiện, người công nhân lái máy múc nghĩ là gỗ quý nên đã kéo cọc gỗ lên và chuyển về lán trại của Ban quản lý các Dự án 98 tại công trường. Sau khi có thông tin phản ánh về các cọc gỗ trên, nhận thấy đây có thể là những cọc gỗ được sử dụng làm trụ cầu bắc qua sông Đăk Bla thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng Kon Tum, nên Ban giám đốc Bảo tàng đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp đến khảo sát về 2 cọc gỗ này. Sau khi có kết quả, Bảo tàng tỉnh đã báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý các Dự án 98 bàn giao lại 2 cọc gỗ cho Bảo tàng tỉnh tiếp nhận bảo quản, nghiên cứu phục vụ công tác trưng bày.  
 
Cọc gỗ được tập kết tại lán trại Ban quản lý các Dự án 98

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, cọc được làm từ gỗ Cà chít, chủ yếu là phần lõi cây, không có giác. Gỗ cà chít là tên gọi khác của sến đỏ hay sến mủ, sến cát, tất cả chúng là một. Về mặt khoa học chúng có danh pháp hai phần là Shorea roxburghii C. Don (tên khác S. harmandii Pierre, S. cochinchinensis Pierre), là một loài cây thuộc họ Dầu (hay họ Sao dầu, Dipterocarpaceae).
Về mặt sinh học thì gỗ cà chít là loại cây gỗ lớn, cao đến 30m. Lá hình bầu dục hay thuôn, dài 8–15 cm, rộng 4–6 cm, màu tía. Hoa có cấu tạo thành chùm hay chuỳ, dài 7–8 cm, ở nách các lá đã rụng, cánh hoa màu vàng. Quả hình thuôn, có mùi, dài tầm 2 cm. Cây thường ra hoa khoảng tháng 1 đến tháng 2 và có quả tháng từ tháng 3 đến tháng 5.
Gỗ cà chít phân bố ở Campuchia, Ấn Độ, Lào, Malaysia, Myanma, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam, cây mọc trong rừng kín thường rất xanh tươi nhất là ở những nơi mưa ẩm nhiệt đới, rừng nửa rụng lá ở độ cao dưới 1300m, chủ yếu từ Thừa Thiên – Huế đến Kiên Giang, tập trung nhiều ở rừng Tây Nguyên.
Cọc được chế tác thủ công, có màu đen xỉn, do được ngâm ở dưới lòng sông (nước, bùn) lâu ngày. Cọc thứ nhất dài: 472cm, chu vi: 84 cm; Cọc thứ hai dài : 512cm, chu vi: 100cm. Một đầu  được đẽo nhọn (dài khoảng 60 cm) để cắm xuống lòng sông, một đầu được cắt thành ngàm dài 25 cm, vuông góc với thân cọc và khoan một lỗ tròn ở giữa để gác đà ngang và đóng con xỏ để chốt giữ cọc với đà ngang làm mặt sàn cầu.  
Gỗ Cà chít có đặc điểm khá cứng, tỷ trọng độ nén và tỷ trọng độ nặng rất cao (khoảng 1.600kg/m3), không co ngót, không bị mối mọt, chịu được nước. Chính vì đặc điểm này, một số dân tộc thiểu số ở Kon Tum cũng như người Kinh khi lên Kon Tum lập nghiệp đều thường sử dụng loại gỗ này để làm nhà.
Đây là 2 hiện vật lịch sử thuộc giai đoạn thực dân Pháp chiếm đóng Kon Tum, có niên đại khoảng từ năm 1935 – 1952, dùng làm trụ cầu bắc qua sông Đăk B’la phục vụ việc đi lại của chính quyền thực dân và nhân dân thị xã Kon Tum lúc bấy giờ.
- Ông Trần Văn Tắc, Sinh năm 1930, Đường Bà Triệu, thành phố Kon Tum cho biết: Cầu Đăk B’la do Lục Bộ Công chánh Pháp làm trước những năm 1945, đây là cây cầu gỗ có 2 nhịp, một nhịp bắc từ bờ sông bên này (bờ Bắc) tới một bãi bồi ở giữa, nhịp thứ 2 bắt đầu từ bãi bồi này bắc qua bên kia bờ sông (bờ Nam). Vào những năm 1950-1952, ông đã được cha dẫn đi lại trên cầu và đã từng tắm ở khu vực cầu trong những ngày nóng bức.
   - Ông Đặng Viện, Sinh năm 1932, Số nhà 111, Đường Mạc Đĩnh Chi, thành phố Kon Tum cho biết: Cọc gỗ này là của cây cầu tràn bằng gỗ bắc qua sông Đăk B’la, cửa ngõ vào thị xã Kon Tum thời kỳ Pháp thuộc. Cầu do Ti Công chánh Pháp tại thị xã Kon Tum thực hiện và được một người An Nam tên là Đoàn Nguyên Quán là nhân viên Ti Công Chánh chỉ huy và làm quản đốc giám sát các đội nhân công người dân tộc Ba Na thực hiện.
   - Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Sinh năm 1933, Số nhà 323, Đường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum cho biết:  Cọc gỗ này đúng là của cây cầu tràn bằng gỗ do Pháp làm trên sông Đăk B’la. Khi mùa nước cạn lòng sông thu hẹp, có thể nhìn thấy hàng cọc gỗ đứng sừng sững và có chỗ còn nhìn thấy cả phần chân móng cọc đóng xuống lòng sông. Trụ cầu tràn lúc đó được làm từ rất nhiều cọc gỗ lớn xếp thành ngang cách đều nhau. Cây cầu tràn bắc một nhịp ở bờ phía Bắc qua một bãi đất bồi ở giữa sông và từ đó lại có một nhịp kế tiếp bắc qua bờ phía Nam sông Đăk B’la. Vào mùa nước lũ, nước ở thượng nguồn đổ về cầu bị ngập hết không sao đi lại được, phải đi bằng xà lan. Cây cầu gỗ này được làm lại nhiều lần do thời gian hư hỏng và bị ảnh hưởng bảo lũ làm hư hỏng. Cây cầu đầu tiên tôi nhìn thấy năm 1932, nó nằm trệch đường số 14 một đoạn, cầu nằm tại một vị trí thuận lợi về phía Tây (gần lò mổ gia xúc của Pháp năm 1930 được cải tạo lại thành nhà lao ngoài để giam giữ tù chính trị) để tránh lực nước mạnh đổ về làm trôi cầu trong mùa nước lũ.
Theo tài liệu của thạc sĩ Hồ Thành Tâm (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) với tựa đề “Phác thảo diện mạo thành phố Kon Tum 100 năm trước” về cây cầu Đăk Bla, thì phải đến tháng 7/1932 mới có cây cầu đầu tiên bắc qua sông Đăk B’la.
Tuy nhiên theo ông Lê Minh Sơn, hiện cư trú ở số 50, Đường Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum - Người sinh ra và lớn lên bên dòng Đăk B’la, cho biết: Cây cầu đầu tiên vượt sông Đăk B’la được làm từ năm 1880. Để chứng minh cho khẳng định của mình anh đã giành nhiều thời gian lục tìm tư liệu còn lưu giữ tại Chủng viện Kon Tum và tìm thấy trong cuốn sách “Mở đạo Kon Tum” của linh mục Ban và linh mục Thiệt, nhà in Quy Nhơn xuất bản vào tháng 5/1953. Trong đó có ghi lại “Từ cuối thế kỷ 19, đã có một cầu gỗ dân sinh bắc qua sông Đăk B’la, xe bò kéo lúa cũng đi qua được. Năm 1880, có vị giám mục ở Quy Nhơn lên thăm vùng đất cao nguyên khen cầu gỗ đẹp và chắc chắn”.
Sau khi ý định bắt tù chính trị giam giữ tại nhà ngục Kon Tum lao động khổ sai làm cầu vượt sông Đăk B’la trong suốt mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10/1931, bất thành. Trong cuốn Hồi ký “Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum” của đồng chí Ngô Đức Đệ viết “…Bộ phận gánh đất đắp khúc đường giáp thổ, nơi dự định bắc cầu qua sông Đăk B’la, cách Lao ngoài độ 100 m, Tr.102(ngày nay “Đường giáp thổ” này là ụ đất đắp còn dang dở là một điểm di tích của di tích lịch sử cách mạng Ngục Kon Tum). Tháng 7/1932, chiếc cầu thứ 2 được xây dựng nhưng bị lũ cuốn trôi sau ít tháng. Phải đến năm 1935, cây cầu thứ 3 bằng gỗ, được thực dân Pháp làm xong và đặt tên là cầu Molini-Tên của người kỹ sư Pháp thiết kế xây dựng cây cầu. Cầu Molini được xây dựng theo hình vòng cung, được chia làm 2 đoạn bởi cồn cát (cù lao) ở giữa sông.
Theo tư liệu trong phim Kon Tum xưa – Một bộ phim do ông Simonnet, Hội Thừa sai Paris (Mep) thực hiện khoảng năm 1947 - 1948, có hình ảnh và nội dung lời bình về cầu gỗ bắc qua sông Đăk Bla “Trước khi vào Kon Tum thử thách cuối cùng là đi qua cầu sông Đăk B’la. Mỗi ngày biết bao xe cộ và đủ loại người phải đi qua đó. Vào đầu mùa hè nước dâng lên ngập ngang mặt cầu, báo tin vui cho các bà, các cô ra sông giặt dũ. Tuy nhiên vào mùa mưa, sông Đăk Bla nổi cơn thịnh nộ, làm ngập hết toàn bộ mặt cầu. Đây là cơn ác mộng cho cánh lái xe ô tô đi ngang qua bị nước sông chảy siết cuốn trôi xe…” 
Phụ nữ giặt quần áo trên cầu Đăk Bla năm 1947 (Ảnh tư liệu)
                                            

Xe bò đi lại trên cầu Đăk Bla năm 1947 (Ảnh tư liệu)
Nước lũ đổ về làm ngập cầu Đăk Bla năm 1947 (Ảnh tư liệu)


Xe và hàng hóa bị nước lũ cuốn trôi khi đi qua cầu Đăk B’la (Ảnh tư liệu)
                                                                                    
Không chỉ được thấy trong phim tài liệu Kon Tum xưa, Cầu Đăk B’la còn được nhắc đến trong truyện ngắn “Anh hùng thảo dã” của tác giả Trần Duy Phiên, viết năm 1949, như sau: “Mấy hôm sau, vào khoảng xế trưa, một chiếc xe bọc sắt loại Scout – car dừng lại ở bên bờ Nam sông Đăk B’la. Cầu tràn lúc bấy giờ ở dạng thô sơ, sộc xệch, xe nặng không qua được…” Tr.309.
Vào năm 1952 cơn lũ quét lớn đã nhấn chìm, cuốn trôi cầu Molini. Sau năm 1952, việc đi lại trên sông Đăk Bla chỉ được thực hiện bằng đò ngang và phà trong suốt một thời gian dài.

Cầu tràn bắc qua sông Đắk Bla năm 1952 (Ảnh tư liệu)
                                                                                                
 
Người dân thị xã Kon Tum đi lại nhộn nhịp
 trên cầu Đăk B’la năm 1952 (Ảnh tư liệu)

Mãi đến cuối thập niên 50 của thế kỉ XX, chiếc cầu làm bằng sắt kiên cố đầu tiên mới được xây dựng bắc qua sông Đăk Bla để phục vụ cho việc đi lại và hoạt động quân sự của chế độ Mỹ - Ngụy tại Kon Tum, người dân thị xã Kon Tum thường gọi là cầu sắt. Cây cầu này gắn bó với đất và người Kon Tum cho đến ngày Kon Tum được tái thành lập (tháng 8/1991). 

Cầu sắt trên Sông ĐăkBla năm 1972 (Ảnh tư liệu)

Sau ngày tái thành lập tỉnh (12/8/1991), một cây cầu mới đã được xây dựng bằng bê tông, cốt thép thay thế Cầu sắt. Cầu được khởi công xây dựng ngày 02/11/1991 và hoàn thành vào ngày 02/9/1992. Cầu dài 174,45m, với hai làn xe chạy, dọc lan can cầu được trang trí hình ảnh cồng chiêng, gợi lên sắc thái Tây Nguyên, như lúc nào cũng sẵn sàng tấu lên một điệu nhạc rộn rã thay cho lời chào mừng khách phương xa đến với thành phố trẻ.

Lễ khánh thành cầu Đăk B’la năm 1992 (Ảnh tư liệu)                            

Có thể nói, qua bao thăng trầm của lịch sử, những cây cầu được xây dựng trên dòng sông Đăk B’la (cửa ngõ phía Nam thành phố Kon Tum hiện nay), không chỉ là “cung đường”, “cầu nối” đôi bờ sông Đăk B’la mà nó còn là minh chứng ghi lại những dấu ấn lịch sử trong tiến trình hình thành và phát triển của tỉnh Kon Tum, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ.  
Những cây cầu “xưa và nay” dù hiện hữu hay không hiện hữu, nhưng nó mãi vẫn tồn tại trong những trang sử hào hùng và trong ký ức của người dân Kon Tum, nhất là những thế hệ đã song hành với những cái cầu ấy. Đặc biệt là sự tồn tại của những cọc gỗ làm trụ cầu này, đó là những “nhân chứng sống” cho một giai đoạn lịch sử trên dòng Đăk B’la. Những nhịp cầu ấy đã và đang góp phần vào tiến trình lịch sử, sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội và an ninh, quốc phòng của Thành phố nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung./.

Bài: Nguyễn Văn Quang
Ảnh: tư liệu
Nguồn: Baotangkontum

Tìm kiếm Blog này