Thứ Năm, ngày 21 tháng 1 năm 2016
Nhân có ý kiến của một bạn về sự vĩ đại của người Nga và về sự nhược tiểu của người Việt Nam. Anh Lãng có ý kiến trả lời và thấy rằng nó cũng đáng được copy riêng ra như một quan niệm độc lập:
Về cơ bản thì anh Lãng tôn trọng quyền phát biểu của bất cứ ai. Ý kiến nào cũng đều có quyền ngang nhau khi phát ngôn, khác biệt có chăng nằm ở nội hàm giá trị. Một số người Việt vẫn còn sống lạc trong quá khứ và chịu sự chi phối cảm xúc từ những quan niệm không còn hợp thời, dù tính đúng sai của những tình cảm ấy cũng là một chuyện cần bàn. Ví dụ những người từng phải dong thuyền vượt biên, chịu sóng gió, chịu cướp bóc, chịu hãm hiếp và chết chóc trên biển thì vĩnh viễn Nga, Tàu, Cộng sản là đại diện của quỷ satan. Còn những người từng sống thời tem phiếu xếp hàng với đồ viện trợ Nga thì đây vẫn luôn là một ông anh lớn. Nói chung, anh tôn trọng mọi ý kiến, nhưng để đảm bảo giá trị đúng sai, có hai vấn đề anh sẽ làm rõ. Thứ nhất, anh đồng ý rằng dân Nga vĩ đại theo cách của họ. Sự vĩ đại của người Nga cũng giống người Đức, người Pháp, người Anh hay thậm chí cả người Việt Nam. Bât cứ dân tộc nào nay còn góp mặt được trên bản đồ thế giới sau các thăng trầm lịch sử thì đều vĩ đại cả. Tuy nhiên nếu xét về các đóng góp cho nền văn minh nhân loại, các thành tựu khoa học, văn hóa, thống kê các giải noben, thì Nga chỉ ở mức trung bình, thua xa Đức và thua Mỹ tít tắp. Nếu xét các công trình khoa học tính trên sắc tộc, thì dân Do Thái là dân tộc vĩ đại nhất. Thứ hai, là anh không đồng ý với ý nghĩ Việt Nam là dân tộc nhược tiểu. Nhược tiểu có chăng, thì nằm trong suy nghĩ của những cá nhân cấu thành cái dân tộc ấy. Bất cứ dân tộc nào cũng có những giai đoạn huy hoàng và suy thoái. Vào lúc mà người Nga bị dày xéo dưới gót sắt Mông Cổ và mất độc lập tới 200 năm, thì Việt Nam 3 lần đánh tan tác các đạo quân của đế quốc Nguyên Mông khét tiếng(*). Nga từng nhiều lần bị dày xéo bởi người Balan, thậm chí là người Thụy Điển, còn Việt Nam không phải không có những lúc huy hoàng. Năm 1900, theo nghiên cứu của Jean-Pascal Bassino, GDP bình quân đầu người của Việt Nam (An Nam thuộc Pháp) bám sát Nhật Bản. Cũng vào năm 1900, công nhân Việt Nam và các kỹ sư Pháp, đủ khả năng để xây lên một cây cầu cực khó so với trình độ kỹ thuật thời bấy giờ, trên một con sông cực kỳ hung dữ vào mùa lũ vào lúc đó - Cầu Doumer, nay là cầu Long Biên, thuộc loại lớn nhất thế giới vào lúc nó được xây dựng. Năm 1938, kinh tế xứ An Nam đứng đầu Đông Nam Á, vượt xa Singapore, Miến Điện, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philipin, Đài Loan và cả Triều Tiên. Paul Doumer, người sau này thành Tổng Thống Pháp từng nhận xét người An Nam không có đối thủ trong khu vực, và gần như sánh ngang Nhật Bản. Vì vậy thưa với bạn, bạn nên rút lại lời nhận xét về sự nhược tiểu của dân tộc Việt Nam, vì đó là sự xỉ nhục cả với ông cha bạn và cả với con cháu bạn sau này.
Cùng dân tộc, cùng nguồn gen di truyền, người Nam Triều Tiên ngày nay ngẩng cao đầu trong danh sách những quốc gia dẫn đầu thế giới, còn người Bắc Triều Tiên chìm trong đói khát và ngu muội trong vầng hào quang của các lãnh tụ vĩ đại họ Kim. Nhược tiểu hay vĩ đại, nó không phải là một định đề bạn ạ.
Nước Nga ngày nay, về vai trò với Việt nam chỉ còn là một đối tác thương mại khiêm tốn. Nga bán cho Việt Nam vũ khí và sẵn sàng bán thứ tương tự cho bất cứ nước nào miễn là trả tiền tươi. Thậm chí, ngày nay Nga đang chào bán nhiều thứ hiện đại gấp bội cho Tàu, từ máy bay Su35, cho đến tàu ngầm API thế hệ mới. Vậy nên, việc yêu quý nước Nga thì không có gì sai nhưng sỉ nhục dân tộc mình là nhược tiểu, tự thân nó đã là một nỗi hổ thẹn.
P/S để tránh các tranh luận về số liệu kinh tế, do các con số phần lớn chỉ mang tính ước đoán do thời kỳ cách đây hơn 100 năm, vào lúc chưa có các chuẩn mực chung. Số liệu kinh tế và các nhận định so sánh giữa Việt Nam, Nhật, Hàn, Đài Loan giai đoạn 1900 - 1945 được lấy theo công trình nghiên cứu của Jean-Pascal Bassino, nguồn ở đây:
http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacBassino4Nuoc.htm (*) Chú thích: Anh thấy nhiều câu hỏi của nhiều bạn về 3 lần đánh quân Nguyên Mông của nhà Trần hồi thế kỷ 13. Bổ sung thông tin về câu chuyện này để chấm dứt tranh cãi về một vấn đề đã quá rõ ràng.
Cách đây 10 năm, anh từng đọc một khảo cứu lịch sử rất công phu của hai nhà nghiên cứu lịch sử người Việt Nam, Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm, sách tiêu đề là "Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỉ XIII". Trong tác phẩm nghiên cứu rất công phu này, hai tác giả đã bỏ công đối chiếu các bộ sử của Việt Nam, từ Đại Việt Sử Ký toàn thư và nhiều bộ sử khác do các tác giả Việt Nam viết sau này để tìm kiếm lại các dữ liệu lịch sử. Đặc biệt, các tác giả đã đối chiếu dữ liệu công phu với các bộ sử chính thức của Trung Quốc, gồm "Nguyên sử" (Bộ sử do các sử thần triều Nguyên Mông ghi lại chính thức", "Minh sử" để làm sáng tỏ các dữ kiện. Dù nhà Nguyên Mông là một triều đại xâm lược từ bên ngoài vào Trung Quốc, nhưng Nguyên Sử vẫn được coi là một bộ sử liệu chính thức cấp nhà nước được liệt kê trong "Tứ khố toàn thư" biên soạn dưới thời Càn Long nhà Thanh. Các dữ kiện lịch sử trong các bộ sử liệu của Trung Quốc do chính các sử gia thời bấy giờ đều xác nhận về các sự kiện mang quân sang đánh Việt Nam của triều Nguyên. Sự khác biệt duy nhất giữa sử Việt và sử Trung Quốc là phần ghi chép về "số lượng quân" mà nhà Nguyên mang sang đánh Việt Nam, thường sử Việt chép số lượng nhiều hơn còn sử Nguyên thì chép số lượng ít hơn. Tuy nhiên, việc các danh tướng hàng đầu của nhà Nguyên như Ô Mã Nhi, Toa Đô tham chiến và bị diệt ở Việt Nam thì đều được chép thống nhất ở cả hai phía.
Để làm sáng tỏ thêm các thông tin, anh cũng đã lét mắt đọc lại quyển "An Nam Chí Lược", một bộ sử được soạn bởi Lê Tắc, cũng được coi là một tác phẩm chính thức cấp nhà nước được liệt kê trong "Tứ Khố Toàn Thư" của Trung Quốc. Đây là một người gốc Việt Nam có tư cách nhất khi viết về các sự kiện trong thời Trần. Lê Tắc là quan Thị Lang triều Trần, được phái sang giúp việc cho Chương Hiến Hầu Trần Kiện. Năm 1285, khi quân Nguyên sang đánh Việt Nam lần thứ hai, Trần Kiện được giao trấn thủ Thanh Hóa, chống cự Toa Đô. Trần Kiện đã đem quân về hàng Thoát Hoan và được Thoát Hoan cho về ra mắt vua Nguyên. Khi đến ải Chi Lăng bị quân Trần chặn đánh. Trần Kiện bị giết, Lê Tắc ôm xác Trần Kiện bỏ chạy sang Khâu Ôn (Lạng Sơn) rồi thoát về Trung Quốc. Lê Tắc về sau được nhà Nguyên phong làm Tòng Thị Lang, giữ chức Đồng Tri châu An Tiêm vào năm 1292, làm quan bên Trung Quốc, sau dưỡng lão và soạn ra bộ An Nam Chí Lược.
Lê Tắc soạn bộ An Nam Chí Lược, liệt kê các sự kiện lịch sử cùng thời, gồm các lần đánh Việt Nam của nhà Nguyên. Loại bỏ các góc nhìn của một phản thần bỏ nước, thì giá trị của các sự kiện lịch sử Lê Tắc chép lại rất đáng ghi nhận. Do sách sử Việt Nam bị đốt phá nhiều dưới thời nhà Minh sang xâm lược cuối triều Trần, giá trị những bộ sách như An Nam Chí Lược trong việc nghiên cứu lịch sử trở thành đắt giá.
Nhân nhắc đến Lê Tắc, cũng cần bàn một chút về nhân vật lịch sử này. Mặc dù ông ta theo Trần Kiện hàng giặc, bị coi là một phản thần, nhưng nhân cách cá nhân của Lê Tắc rất đáng coi trọng. Khi Trần Kiện bị phục kích giết chết, Lê Tắc một mình ôm thây Trần Kiện đào thoát rồi lo mai táng, chứ không bỏ xác chủ chạy một mình. Đặc biệt khi bỏ chạy cùng Thoát Hoan, trong nhóm bại binh có một người tên Lê Yến hơn Tắc 7 tuổi. Lúc chạy trốn ngựa của Lê Yến bị đau, Lê Tắc đã nhường ngựa của mình cho Lê Yến cưỡi, chấp nhận rủi ro có thể bị giết. Sau này chạy thoát về Tàu, dù hơn tuổi nhưng Lê Yến đem vàng bạc, đồ lễ đến tạ và nhận Lê Tắc làm cha. Qua đó có thể thấy Lê Tắc có thừa can trường, nhưng vì trung với chủ (Trần Kiện), cuối cùng thành phản thần hàng giặc.
Tiện thể anh trích An Nam Chí Lược của Lê Tắc viết về các sự kiện quân Nguyên sang Việt Nam, thắng thua thế nào tự các bạn nghĩ. Lưu ý là lúc này Lê Tắc đang làm quan bên Tàu:
Trích An Nam Chí Lược: "Năm thứ 19 (lịch Nguyên Triều, tức năm 1282), lại khiến sứ dụ Thế Tử (Trần Thánh Tông) vào triều kiến và mượn đường tiến binh đánh Chiêm Thành, khiến An Nam phải giúp quân, cung cấp lương. Thế Tử từ chối, nói đau lâu ngày, không thể vào chầu và nước nhỏ không có quân để giúp. Mùa đông tháng 12 năm thứ 21 (1284) đại quân của Trấn Nam Vương áp đến biên cảnh. Thế Tử đem cả nước nghênh địch, đánh thua, bèn bỏ thành trốn, cận thần là bọn Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Tú Viên, Trần Văn Lộng đều đầu hàng. Tháng 4 năm sau (1285) quốc dân (quân Trần) thừa lúc viêm nhiệt, đánh thâu phục La Thành. Tháng 5, Trấn Nam Vương vì cớ nước lụt, rút quân về. Năm thứ 21 (1284) Thế Tử dâng biểu tạ tội. Triều đình (Nguyên triều) giam sứ thần lại và khiến Trấn Nam Vương đem quân qua đánh một lần nữa. Tháng 12 đại binh đến, Thế Tử đánh thua, chạy trốn ra hải đảo, sau lại thừa tiện trở về tập kích. Tháng 3 năm sau Trấn Nam Vương vì cớ trời nắng, ẩm thấp, rút quân về..."
Nói chung là sách sử Tàu khi chép về các lần mang quân sang Việt Nam, cơ bản thì không có chuyện thua, mà toàn do nước lụt hoặc do trời nắng, ẩm thấp nên phải rút quân về
smile emoticon Chuyện thế nào anh để các bạn tự mình đánh giá.
Những tư liệu lịch sử trên, do các sử gia Trung Quốc và các nhân vật lịch sử sống trong thời Trần - Nguyên chép lại, được lưu trong "Tứ Khố Toàn Tư", bộ bách khoa đồ sộ chính thức của Trung Quốc, đã là đủ để trả lời về tính xác thực của các sự kiện lịch sử 3 lần đánh Nguyên Mông của triều Trần. Hy vọng anh không cần phải quay lại câu chuyện này thêm một lần nào nữa.
Tiện đây anh chép tặng lại các bạn bài Giao Châu Sứ Hoàn Cảm Sự của Trần Phu, sứ thần nhà Nguyên đi sứ An Nam dưới thời vua Trần Nhân Tôn sau 3 lần đại bại tại Việt Nam. Khi sang Việt Nam, nghe tiếng trống đồng mà sứ thần triều Nguyên sợ bạc cả tóc, về đến nước rồi mới mừng còn mạnh khỏe, khi mộng lại vẫn còn thấy sợ kinh hồn:
Giao Châu Sứ Hoàn Cảm Sự
Thiếu niên ngẫu thử thỉnh trường anh
Mệnh lạc Nam châu nhất vũ khinh
Vạn lý Thượng Lâm vô nhạn đáo
Tam canh Hàm Cốc hữu kê minh
Kim qua ảnh lý đan tâm khổ
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh
Dĩ hạnh qui lai thân kiện ( phúc ) tại
Mộng hồi do giác chướng hồn kinh
Trần Phu
Giải Nghĩa:
Lúc còn trai trẻ chợt xin được giải mũ dài (trường anh),tức được ra làm quan
Phải đi Sứ phuơng Nam, mệnh giống như lông chim bị đẩy trong gió
Xa Thượng Lâm vạn lý (Thượng uyển),kinh đô, mà tin nhạn bặt tăm (ko tin nhà
Canh ba Ải Hàm Cốc nghe tiếng gà gáy (nhắc tích Mạnh Thường Quân sứ sang Tần,đêm lẻn về qua Hàm Cốc (hung hiêm thoát chết)
Ngày thấy lập lòe giáo sắt, trong lòng đau khổ
Nghe tiếng trống đồng mà bạc cả tóc.
May mắn được trở về thân vẫn khỏe mạnh
Khi nằm mộng lại vẫn còn thấy sợ kinh hồn.
(Trần Phu lúc này mới chỉ 35 tuổi, đi sứ về tóc bạc quá nửa đầu)
Cha ông ngày xưa anh hùng kiệt hiệt, sứ tàu sợ mất vía. Vậy mà...
Anh edit bài viết chính, bổ sung phần dữ liệu lịch sử về 3 lần đánh quân Nguyên của nhà Trần. Không rõ các bạn tiếp cận các tài liệu lung tung trên net ra sao mà lại có nhiều ý kiến nghi ngờ về các dữ kiện lịch sử này. Gặp một ý kiến thắc mắc anh bỏ qua, thêm ý kiến nữa anh thấy buồn cười, đến lúc đếm được 6 ý kiến trong chủ đề này về cùng vấn đề thì anh thấy ngớ người. Giáo dục Việt Nam quả thật tệ hại, khi ngay chính lịch sử đất nước không dạy được cho ra hồn, toàn chép ngày tháng lịch sử đảng bắt trẻ con học, thứ mà đến anh Lãng cũng đéo thèm nhớ. Thật rất vớ vẩn. Một đất nước không có lịch sử thì dân khí hưng thịnh thế nào được?
Khi đi trên vịnh Marina, cái làng chài bé tí có lịch sử chưa đến vài trăm năm, nhưng đến góc nào anh cũng thấy bọn Sing làm một đoạn clip giới thiệu về lịch sử của góc đó, khiến người khác thấy hình như bề dày lịch sử và văn hóa của Sing cực kỳ sâu dày, và thêm ấn tượng với đất nước ấy. Sử Việt nam, chỉ tính từ thời Ngô Vương lập quốc năm 938, sau 11 thế kỷ Cự Bắc Bình Nam, thực ra vô cùng kiệt hiệt, được truyền dạy tốt sẽ tạo nền tảng tự tin dân khí ghê gớm cho giới trẻ về tiềm lực cha ông so với các quốc gia lân cận. Thế mà không hiểu dạy dỗ thế nào càng ngày càng thấy bọn nhóc con ngày nay mù về lịch sử dân tộc. Thậm chí đến người đọc Lãng luận cũng thấy mù sử. Thái Lan, Malaysia, Indonesia kém xa lắc Đại Việt mà giờ đi trước Việt Nam tới 40 - 50 năm. Lỗi ngày hôm nay không phải do dân tộc nhược tiểu, không phải do người Việt yếu hèn, mà cũng giống dân Bắc Triều Tiên, bị một thể chế sai lầm làm thui chột. Chẳng có lý do gì để không phấn đấu được khi thức tỉnh.
Langlanhtu