Súng thần cơ của Hồ Nguyên Trừng (Ảnh minh họa: Internet)
Thuốc súng là một trong tứ đại phát minh được Trung Quốc sử dụng cho nhiều loại vũ khí khác nhau. Nhưng người đưa súng lên một tầm cao mới để trở thành thứ vũ khí thần kỳ “đệ nhất thiên hạ” lại không phải là người Trung Hoa, mà là một người An Nam tên là Hồ Nguyên Trừng.
Hồ
Nguyên Trừng (còn gọi là Lê Trừng khi ông sống ở Trung Quốc) là con
trai cả của vua Hồ Quý Ly và từng giữ chức Tả tướng quốc dưới triều nhà
Hồ. Nhắc đến ông là nhắc đến một công trình sư lỗi lạc, một thiên tài
quân sự kiệt xuất, và một nhà văn lưu vong luôn hướng về cố quốc phương
Nam.
Khó
có thể miêu tả cho thấu đáo về Hồ Nguyên Trừng chỉ với vài dòng ngắn
ngủi. Này đây thành Tây Đô – thành lũy bằng đá độc đáo và đồ sộ từng
được ông chỉ huy xây dựng; này đây cổ lâu thuyền – loại thuyền chiến lớn
có hai tầng do ông chế tạo để nghênh chiến với quân giặc xâm lăng; này
đây phòng tuyến chống giặc dài 400 km – từ yếu huyệt Đa Bang (Ba Vì) tới
sông Đà, sông Hồng, đến sông Ninh, sông Luộc, cho đến sông Thái Bình và
rồi kết thúc ở Bình Than; và này đây những dây xích lớn chăng qua nhiều
khúc sông hiểm trở để mai phục quân địch, khiến cho thủy binh ngoại
bang phải nhiều phen khiếp đảm… Đó chỉ là một vài ví dụ cho thấy tài
năng lỗi lạc của vị tướng Lê Trừng.
Và tất nhiên, bấy nhiêu đó vẫn chưa phải là tất cả.
Trong bộ bách khoa “Vân đài loại ngữ”, Lê Quý Đôn từng nhắc đến một tình tiết, rằng: “quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng”. Chi tiết này cũng được nhà sử học Trương Tú Dân khẳng định khi ông nghiên cứu các sách sử đời Minh.
Vậy, tại sao quân Minh của đất nước Trung Quốc hùng mạnh khi đó lại phải làm lễ tế Lê Trừng – một người An Nam?
Hồ Nguyên Trừng và Thần cơ thương pháo
Trước
hết, phải nói rằng thành tựu lớn nhất và được người đời nhắc đến nhiều
nhất của Hồ Nguyên Trừng chính là súng thần cơ, còn được biết đến là
“Thần cơ thương pháo”.
Súng
thần cơ được trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử Quân đội, Hà Nội (Ảnh
đăng lại từ Cục văn thư và lưu trữ nhà nước -archives.gov.vn)
Ngay
từ khi còn là vị tướng dưới triều nhà Hồ vào đầu thế kỷ 15, phải đối
mặt với hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc, Hồ Nguyên Trừng đã gấp rút tổ
chức các xưởng đúc súng lớn. Ông đúc kết từ những kinh nghiệm cổ truyền,
và bằng một trí tuệ phi thường, ông đã nghiên cứu, cải tiến, và rồi chế
tạo ra nhiều loại súng có sức công phá sấm sét, trong đó nổi bật nhất
chính là Thần cơ thương pháo.
Mặc
dù Đại Việt sử ký toàn thư không ghi chép nhiều về súng thần cơ của Hồ
Nguyên Trừng, nhưng phát minh kiệt xuất này đều được các sách sử thời
Minh ca ngợi là “súng thần”, “pháo thần”, và tôn vinh đó là thứ vũ khí
“nhất thiên hạ” mà Trung Quốc xưa nay “chưa từng có”.
Ảnh
trái: Ngự Lâm Quân của nhà Minh với những khẩu súng hỏa mai từ khoảng
thế kỷ 14; Ảnh phải: Một loại súng của nhà Minh vào thế kỷ 14, trước
thời Hồ Nguyên Trừng. Khi đó, súng bắn là hỗn hợp lửa và than củi cháy
dở (Ảnh: Wikipedia)
Có
thể nói, súng thần cơ của Hồ Nguyên Trừng là vượt trội hơn hẳn so với
các loại hỏa khí của nhà Minh khi đó. Trong giới hạn bài viết này, xin
phép không đi sâu mô tả và so sánh từng loại vũ khí trước thời Hồ Nguyên
Trừng, mà chỉ tập trung vào súng thần cơ – vốn là phát minh vĩ đại mà
tướng Trừng để lại cho hậu thế tới ngày hôm nay.
Sau
thất bại của cuộc chiến Minh-Đại Ngu (1406-1407), nước Việt bị nhà Minh
cai trị. Cả Hồ Nguyên Trừng cùng với cha là Hồ Quý Ly và em trai là vua
Hồ Hán Thương, cũng như rất nhiều nhân tài đất Việt khác, đều bị bắt
đưa về Kim Lăng (Nam Kinh, Trung Quốc).
Quân
Minh thu được nhiều súng thần cơ – thứ vũ khí ưu việt hơn hẳn súng nhà
Minh, khiến quân lính phải nhiều phen kinh hoàng, khiếp đảm – lại bắt
được cả nhà sáng chế, bèn tìm cách buộc Hồ Nguyên Trừng phải phục vụ
triều đình trong việc chế tạo loại súng này.
“Quân Minh khi làm lễ tế súng đều phải tế Trừng”
Lịch
sử nhà Minh đã ghi lại nhiều cuộc thử nghiệm của Hồ Nguyên Trừng về các
loại súng đạn. Công lao lớn nhất của ông là biến súng trở thành thứ vũ
khí có sức công phá mạnh, trở thành “quả đấm công thành”, lại dễ di
chuyển và dễ dàng sử dụng. Ban đầu ông chỉ huy việc chế tạo và đúc súng
mới, sau đó, các công nghệ chế tác của ông được nhà Minh tập hợp thành
binh thư “Thần cơ thương pháo pháp”, coi đó như một tác phẩm kinh điển
về súng.
Một
khẩu pháo giống với Thần cơ thương pháo. Trong ảnh là Thần công bằng
đồng ở Bảo tàng Musée de l’Armée, Pháo chế tạo thời Trung Cổ (Ảnh: Rama,
Wikipedia)
Sách “Việt kiệu thư” của Lý Văn Phượng đời Minh viết: “Súng
thần cơ có được gần đây, dùng sắt làm tên, bắn đi bằng lửa, đi xa ngoài
trăm bước, nhanh chóng kỳ diệu như thần, nghe thấy tiếng là lửa đã đến.
Thời Vĩnh Lạc (1403-1424) khi bình Giao Chỉ, thứ mà người Giao Chỉ chế
tạo càng tinh xảo” (Giao Chỉ là tên gọi mà người Trung Quốc dùng để chỉ nước Việt ta ngày xưa. Người Giao Chỉ cũng được gọi là người An Nam).
Súng
thần cơ của Lê Trừng nhanh chóng trở thành vũ khí chiến lược, giúp nhà
Minh bảo vệ bờ cõi. “Trấn trạch ký văn” của Vương Ngao ghi chép rằng: “Khi
Thành Tổ thân chinh Mạc Bắc (chỉ Mông Cổ) dùng súng thần An Nam vừa bắt
được, kẻ địch một người tiến lên, lại hai người nữa chết theo, đều
trúng súng (đạn) mà chết”; còn theo “Minh Hiến Tông thực lục” thì
“đánh thắng địch là dựa vào súng thần, phép lấy được thời Vĩnh Lạc,
Tuyên Đức (1426-1435), thứ mà kẻ địch sợ nhất”. “Việt quốc đại vương”
của Thẩm Đức Phù cũng từng viết rằng: “Triều ta dùng hoả khí chống
địch là loại chiến cụ hàng đầu xưa nay mà sự nhẹ nhàng thần diệu của nó
thực là mới lấy được khi Văn Hoàng đế bình Giao Chỉ, tức dùng Lê Trừng,
con vua nước Việt, tướng quốc ngụy làm quan bộ Công chuyên trách đôn đốc
chế tạo, truyền hết tài năng”.
Dù
phát minh từ thế kỷ 15, nhưng các loại vũ khí của tướng Trừng vẫn được
trọng dụng mãi cho đến nhiều thế kỷ sau đó. Đời Thiên Khải (1621-1627),
trận đồ kỷ yếu do Tào Phi vẽ đã ca ngợi như sau: “Đây là thứ lấy được
khi bình An Nam, dưới tiễn có nẩy gỗ, và đặt các thứ đạn chì, chỗ kỳ
diệu là dùng gỗ thiết mộc, nặng mà mạnh, một phát đi xa ba trăm bước”.
Nhờ
những đóng góp đó mà sau khi qua đời, Hồ Nguyên Trừng được triều đình
nhà Minh tôn vinh là “thần hỏa khí”, coi trọng ông như một trong những
sứ giả thánh thần của binh pháp. Sau này, trong các ngày lễ tế hoặc
trước khi bắn đại bác, quân Minh đều phải cúng tế Thần Công, và sau nghi
thức ấy là lễ tế sứ giả của thần thánh, tức chính là lễ tế Hồ Nguyên
Trừng.
Nếu
xét rằng súng thần cơ của Hồ Nguyên Trừng ra đời giữa lúc thế giới vẫn
còn thai nghén về súng đại bác thì đây quả thật là một sáng chế vĩ đại.
Tuy nhiên, có thể có người cho rằng phục vụ ngoại bang là một việc làm
đáng hổ thẹn, từ đó mà chê trách Lê Trừng; cũng có người ngẫm nghĩ đến
cái phận xa xứ và áp lực phải bảo vệ cha và em trai đang nằm trong tay
vua Minh, mà thấy cảm thương cho một tài năng đành bất lực; lại cũng có
người tìm đến tác phẩm “Nam Ông mộng lục” của Hồ Nguyên Trừng mà tin
tưởng vào lòng yêu nước và hướng về cội nguồn của một “vị quan bất đắc
dĩ” dưới triều nhà Minh, v.v.
Dẫu
sao, lịch sử vẫn là lịch sử, chúng ta tôn trọng quá khứ, tôn trọng
những gì đã qua với một cái nhìn khách quan, không phán xét. Cũng giống
như sân khấu có vai chính thì cũng có vai phụ, thời thế có lúc thuận thì
cũng có lúc nghịch, triều đại có lúc cực thịnh thì cũng có lúc suy tàn,
và đời người có lúc uy danh lừng lẫy thì lại cũng có lúc “ba chìm bảy
nổi chín lênh đênh”… Tất cả cái đã qua đều như sự vần xoay của tạo hóa,
khó có thể đánh giá một quốc gia nào đó hay một nhân vật lịch sử nào đó
sao cho được đạt lý, thấu tình. Vì vậy, trong hiểu biết hạn hẹp của
người viết, chỉ xin kể đôi lời về một danh nhân người Việt – dẫu không
thể cống hiến cho tổ quốc ở nửa cuối cuộc đời, thì vẫn để lại tiếng thơm
nơi xứ người…
Hồng Liên
(Đại Kỷ Nguyên VN)