Dian H Murray
Ngô Bắc dịch
Trong những năm sau năm 1790, điều mà trong nhiều thế kỷ vốn chỉ là một sự việc nhỏ nhặt đã đột nhiên bộc phát quá tầm kiểm soát. Bởi tiềm năng phát trỉển đã hiện hữu từ lâu trong một thế giới ít được đụng chạm tới từ giới chức cầm quyền, tại sao phải mãi đến khi đó nạn hải tặc mới gia tăng một cách quá ngoạn mục như thế? Câu trả lời không nằm ở nơi áp lực dân số gia tăng và các cơ hội mậu dịch của thời kỳ đó, mặc dù chắc chắn chúng cũng có góp phần nào vào đó, mà ở các sự thay đổi chính trị đã làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực, trước tiên tại Việt Nam và sau đó tại Trung Hoa, và từ đó đã cho phép các kẻ quấy rối hải hành chuyển từ các hoạt động ngắn hạn, bừa bãi thành một tổ chức hải tặc chuyên nghiệp quy mô.
Trong suốt thế kỷ thứ mười tám, Việt Nam bị tàn phá bởi điều được gọi là Cuộc Nổi Dậy của Tây Sơn, lấy danh hiệu từ ngôi làng sinh quán của ba nhà lãnh đạo khởi nghĩa, ba anh em Nguyễn văn Lữ, Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ. Anh em nhà họ Nguyễn, các người buôn bán trầu cau với dân tộc vùng núi đồi của tỉnh Bình Định, đã chiêu tập một nhóm các đệ tử, và trong năm 1773 quân nổi dậy đã thành công trong việc chiếm giữ tỉnh lỵ Qui Nhơn (xem Bản Đồ 3) (1)
Biến cố này, chụp lên đầu nhiều thập niên biến động tại Việt Nam, đã là một trong các sự kiện quan trọng trong lịch sử Đông Nam Á thời thế kỷ thứ mười tám. Nó dẫn đến một chương trình yểu tử của cuộc thử nghiệm văn hóa trong đó chứng kiến, trong số các sự việc khác, chữ Hán cổ điển bị thay thế như ngôn ngữ chính thức bởi chữ nôm [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] bản xứ (một hệ thống chữ viết được phát triển bởi người Việt Nam dùng làm văn tự cho các từ không phải là chữ Hán). (2) Quan trọng hơn, nó làm biến đổi trật tự của thế giới sông biển bởi việc thống nhất một xứ sở đã bị chia cắt trong gần hai thế kỷ, nhưng đồng thời mở ngỏ cửa cho sự can thiệp của ngoại quốc vào trong công việc nội bộ của nó khi mà cả các kẻ phiêu lưu quân sự Trung Hoa và các kẻ Âu Châu hay can thiệp mưu toan tái lập các vương quyền đã bị lật đổ.
Kể từ thế kỷ thứ mười sáu, Việt Nam trên danh nghĩa nằm dưới quyền cai trị của triều đình nhà Lê, nhưng xứ sở trong thực tế được điều hành bởi hai gia đình cạnh tranh với nhau: họ Trịnh ở miền Bắc, tại Hà Nội, và họ Nguyễn ở miền Nam, tại Huế. * Khi cuộc Nổi Dậy Tây Sơn lan truyền đi từ Bình Định, nó tập trung trước tiên tại phần đất phía nam truyền thừa bởi họ Nguyễn. Vào cuối năm 1793 quân nổi dậy chiến thắng tại các tỉnh Quảng Ngãi và Bình Thuận. Các nhà lãnh đạo họ Trịnh, lợi dụng tình trạng hỗn loạn, khi đó đã phái một đội quân vào đánh đối thủ của họ. Trong năm 1775, họ Trịnh đã đuổi họ Nguyễn ra khỏi kinh thành của mình tại Huế và cưỡng bách họ Nguyễn phải chạy trốn xuống Sàigòn. Nhưng nơi đó cho thấy chỉ là một chỗ trú náu bấp bênh, bởi quân nổi dậy Tây Sơn khi đó lại chuyển hướng ngắm nhìn tới nơi đó trong một nỗ lực truy diệt họ Nguyễn.
Vào năm 1778 quân Tây Sơn đã thành công trong việc cưỡng bách người thừa kế hiển nhiên họ Nguyễn, Nguyễn Phúc Ánh, phải tìm nơi nương náu tạm thời tại một hòn đảo trong vịnh Thái Lan. Trong sáu năm kế tiếp, giao tranh giữa các lực lượng họ Nguyễn và Tây Sơn tiếp diễn tại miền nam, và Sàigòn đã đổi chủ bảy lần. Sau cùng, Tây Sơn dành đuợc chiến thắng. Sau cuộc thất trận tai họa tại Mỹ Tho hồi đầu năm 1785, Nguyễn Phúc Ánh một lần nữa đã bị bắt buộc phải trốn náu tại các hòn đảo gần Vọng Các. (3)
Bản đồ các khu vực hoạt động của hải tặc Trung Hoa tại Việt Nam dưới thời Tây Sơn
Với sự nắm giữ tạm thời miền nam, Tây Sơn lập tức hướng sự chú ý của họ đến phương bắc. Trong năm 1785 họ đuổi quân Trịnh khỏi Huế, sau đó tiến tới Hà Nội, nơi mà họ đã xâm nhập trong năm sau đó. Vào thời điểm này Hoàng Đế nhà Lê đã thỉnh cầu sự trợ giúp từ Trung Hoa, và trong năm 1788 ba đội quân nhà Thanh đã xâm lăng Việt Nam để phục hồi ngai vua cho ông ta. (4) Cùng lúc, Nguyễn Phúc Ánh và các bầy tôi khởi sự phóng ra một cuộc phân công bằng cách tiến đánh Tây Sơn tại miền nam.
Trong giai đoạn nghiêm trọng này, quyền lực quân sự của Tây Sơn lên đến cực điểm của nó. Quân nổi dậy đã đương đầu với sự thách đố của Trung Hoa bằng việc tuyên cáo vị lãnh đạo có khả năng nhất của họ, Nguyễn Văn Huệ, làm Hoàng Đế Việt Nam và đã đánh đuổi toàn thể đoàn quân viễn chinh nhà Thanh. Hòang Đế Càn Long, nhận thức rằng Tây Sơn đã làm chủ xứ sở của họ, mau chóng hợp thức hóa sự cai trị của họ bằng cách chính thức tấn phong Nguyễn Văn Huệ, Hoàng Đế Quang Trung của phe Tây Sơn, làm An Nam Quốc Vương (An-nam kuo wang). (5) Với sự kiện này, giai đoạn đầu tiên của cuộc nổi dậy được kết thúc.
Hải Tặc Trung Hoa Trong Các Lực Lượng Của Tây Sơn
Các người thuộc giai cấp thượng lưu không phải là các người duy nhất bị ảnh hưởng bởi cuộc khởi nghĩa. Nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của quân hải tặc. Là các kẻ theo thời cơ chủ nghĩa, luôn luôn hăng hái dành thế tiên phong bằng bất kỳ phương cách nào có thể làm được, họ sớm nhận thấy nhu cầu về các tài nguyên của Tây Sơn đã mang lại các cơ hội cho sự tiến thân riêng của chính họ. Kết quả là một sự hợp tư trong đó khá đông hải tặc Trung Hoa đã phục vụ nhà Tây Sơn trong tư cách các tàu tư nhân được đặc cấp quyền chiến tranh (privateers). (6)
Hai trong số các đồng minh sớm nhất của Tây Sơn, Chi T’ing (Tập Đình) và Li Ts’ai (Lý Tài), các thương nhân Trung Hoa biến thành hải tặc, đã liên kết lực lượng với Tây Sơn hồi cuối năm 1773.(7) Sau khi cuộc nổi dậy bùng nổ, Lý Tài đã chiêu mộ một nhóm các tình nguyện viên Trung Hoa ủng hộ Tây Sơn, một nhóm sau này được gọi là đội Hòa Nghĩa Quân [?] (Harmony Army); một nhóm khác, được chỉ huy bởi Tập Đình, tạo thành đội Trung Nghĩa Quân [?] (Loyal Army).
Trong tháng Một 1774, trong diễn tiến cuộc tiến quân của Tây Sơn ở Bình Định, đội quân Trung Hoa đã phục kích và hạ sát nhiều địch quân, giúp cho Tây Sơn chiếm được Quảng Ngãi. Trong năm kế tiếp, chúng được điều động để đánh nhau với binh sĩ của Nguyễn Cửu Dật, người phụ trách việc phòng vệ Huế. Nhưng không lâu sau đó đội Trung Nghĩa Quân bị đánh đuổi trong mưu toan của nó muốn tái chiếm Huế từ tay họ Trịnh, và Hòa Nghĩa Quân bỏ chạy về Bình Định. Sau cuộc thất trận của Trung Nghĩa Quân, Tập Đình tìm đường quay về Quảng Đông, nơi mà sau này ông ta bị bắt và bị hành quyết bởi viên tổng đốc. Lý Tài cũng không may mắn gì hơn. Trong mùa xuân năm 1776, đương ở Huế, ông liên kết với một cựu đồng minh của Tây Sơn, Đông Cung[Nguyễn Phúc] Dương, trong việc phóng ra một cuộc đảo chính chống lại Tây Sơn và chiếm giữ Sàigòn. Một cuộc đụng độ đẫm máu giữa các kẻ nguyên là đồng minh với nhau đưa đến sự thất bại của cuộc đảo chính và cái chết của Đông Cung Dương. Để trả thù cho sự phản bội, quân Tây Sơn đã tàn sát mọi người Trung Hoa mà họ gặp tại Sàigòn. Hơn 10,000 người đã bị giết và xác của họ bị ném trôi sông. Sự cộng tác giữa các hải tặc Trung Hoa và quân nổi dậy Việt Nam xem ra sẽ bị chấm dút.
Một thời kỳ hợp tác thứ nhì, hiệu quả hơn, tuy thế, đã tiếp diễn. Ở vào tình trạng kiệt quệ về nhân lực, Tây Sơn không nản lòng trong nỗ lực chiêu dụ các đồng minh. Sự bắt giữ trắng trợn đã mang vào quân đội của họ một hải tặc khác, Trần Thiên Bảo (Ch’en T’ien-pao), kẻ đã chứng tỏ là một viên chỉ huy có năng lực khác thường. (8)
Vốn là một ngư phủ, Trần (Ch’en) thường đánh cá tại hải phận huyện Liên Châu (Lien-chou), Quảng Đông, cùng với vợ và hai con trai. Nhưng, trong tháng Mười năm 1780, khi tàu của ông ta bị thổi giạt đến Việt Nam vì một trận bão, ông ta đã ở lại đó, đánh cá ở khu vực quanh Hà Nội. Trong năm 1783, quân Tây Sơn bắt giữ tòan thể gia đình ông ta, phong cho ông làm tổng binh (tsung-ping: cấp tướng chỉ huy lữ đoàn: brigade general), và cưỡng ép ông ta (hay như ông tuyên bố như thế sau này) tham dự vào các chiến dịch chống lại chúa Trịnh. Trần (Ch’en) đã được hợp lực bởi người lái thuyền trước đây của ông ta, Liang Kuei-hsing. Cả hai một lần nữa chiến đấu bên phe Tây Sơn trong năm 1785 và đã tham gia trong chiến dịch đánh đuổi họ Trịnh ra khỏi Huế. Nhờ công lao, Liang Kuei-hsing được phong tước Hiệp Đức Hầu (Ho-te-hou: Total Virtuous Marquis) và được ban cho một chiếc ấn có khắc các chữ “được phép để tóc dài: hsu-yu t’ou-fa.” (a)
Tuy nhiên, chính cuộc xâm lăng Việt Nam của Trung Hoa từ phương bắc, đồng thời của Nguyễn Phúc Ánh từ phương nam đã thúc đẩy sự thăng tiến của Trần Thiên Bảo (Ch’en Tien-pao) lên vị thế kẻ đứng đầu trong số những người ngang nhau (primus inter pares) trong các hải tặc phục vụ quân đội Tây Sơn. Bị bao vây từ mọi phía, họ đã hướng đến Trần (Ch’en), phong ông ta làm hầu tước, và ban cho ông một “di chiếu: barbarian permit” (i-chao), cho phép ông được tuyển mộ các hải tặc khác. Giờ đây, với đầy đủ tước vị là Tổng Binh Bảo, Báu Đức Hầu: Tsung-pinh Pao Te-hou, (General Pao, Virtuous Marquis), ông được giao chỉ huy sáu thuyền buồm vũ trang và 200 binh sĩ Việt Nam.
Trần (Ch’en) tức thời bắt tay làm việc và trong vài ít tháng sau đó đã tuyển mộ tất cả những kẻ sẽ xuất hiện như các thủ lĩnh hải tặc nhiều uy quyền dưới trướng Tây Sơn. Trong số họ gồm Lương Văn Canh (Liang Wen-keng) và Phan Văn Tài (Fan Wen-ts’ai). Lương, một ngư phủ từ vùng Hsin-hui, đã sẵn gia nhập nhóm hải tặc bắt giữ ông ta hồi năm 1786. Trần (Ch’en) phong ông ta làm phó tướng (thiện tổng: ch’ien tsung). Phan, một ngư phủ vùng Lu-shui, Quảng Đông, cũng đã từng là hải tặc từ năm 1786, được phong làm chỉ huy (chih-hui).
Sau này trong năm 1788, khi tình cảnh Tây Sơn trở nên nguy kịch hơn nữa, họ giao cho Trần (Ch’en) thêm 16 chiếc thuyền buồm và một văn kiện thứ nhì, cho phép ông ta tuyển mộ nhiều hải tặc hơn nữa. Để đáp ứng, Trần (Ch’en) đã tuyển mộ Mạc Quan Phù (Mo Kuan-fu) và Trịnh Thất (Cheng Ch’i) vào hàng ngũ Tây Sơn. Mạc, người quê quán tại huyện Sui-ch’i, đã gia nhập hải tặc trong năm 1787, sau khi bị bắt giữ lúc đang chặt củi. Năm kế đó, ông ta cộng tác với một hải tặc khác, Trịnh Thất (Cheng Ch’i). Cả hai được tiếp xúc bởi họ Trần (Ch’en), người đã phong họ quân hàm tướng lĩnh. Từ đó về sau, ông Trần (Ch’en) hồi tưởng, “Họ ra ngoài bỉển, và chiến đấu vài trận, và sau đó trở về Việt Nam và trình cho tôi quần áo bằng lụa, bông vải, và ngân bài (bạc) ngoại quốc.”
Sự phục vụ của hải tặc cho nhà Tây Sơn không chấm dứt với sự chiến thắng vào các năm 1788-89 vốn đã biến các người đỡ đầu của chúng từ các kẻ nổi dậy thành kẻ cầm quyền. Bởi với biến cố này, cuộc khởi nghĩa mới bước vào giai đọan thứ nhì của nó. Vị tân Hoàng Đế, bị vây quanh bởi khó khăn từ khắp mọi mặt, đã không có thì giờ để ngơi tay hay hưởng thụ quyền hành. Trên mặt trận quân sự, ông ta tiếp tục bị quấy rối ở cả phương bắc lẫn phương nam bởi những bầy tôi vẫn còn trung thành với vua Lê và chúa Nguyễn. Trên mặt trận quốc nội, chương trình thử nghiệm văn hóa của ông chỉ mang lại ít sự cứu giúp cho người nông dân, giới mà sự ủng hộ cho phong trào bị giao động. (9)
Tuy nhiên, các vấn đề khẩn cấp nhất mà vị tân Hòang Đế đối điện là các vấn đề tài chính. Các năm dài chiến tranh và quân phí làm kiệt quệ công quỹ. Những giải đất canh nông rộng lớn và hàng trăm ngôi làng đã bị bỏ hoang khi các nông dân chạy trốn chiến cuộc, đã đẩy toàn thể cơ cấu thuế khóa vào sự hỗn loạn. Sau cuộc tàn sát ở Sàigòn, các thương gia Trung Hoa tại miền bắc đã từng tài trợ cho cuộc cách mạng dần dà rút lại sự đóng góp của họ. Bởi vì phần lớn các người Trung Hoa tại miền nam hãy còn cương quyết giữ lòng trung thành với chúa Nguyễn, sự bất mãn này chỉ làm gia tăng sự nghi ngờ của nhà Tây Sơn đối với mọi người Trung Hoa. Lợi tức về thuế quan trong thực tế không có khi mà các chính sách thuế khóa hỗn loạn tại các hải cảng đã ngăn cản các thuyền tàu đến giao dịch trước tiên ở Huế cũng như sau này tại các cảng còn lại dọc bờ biển. (10)
Trong năm 1792, với tình trạng ngày càng trở nên nguy kịch, Hoàng Đế Quang Trung đã phái hải quân của ông sang Trung Hoa. Hạm đội của ông, gồm 100 chiếc thuyền buồm, được tổ chức thành ba chi đoàn, mỗi chi đoàn được đứng đầu bởi bốn viên tổng binh do ông đích thân cử nhiệm. Mặc dù mục đích bên ngoài của công tác là thu các sắc thuế cho chiến tranh, mục đích thực sự của nó là tuyển mộ các chiến thuyền tư nhân được phép đánh cướp thuyền địch từ “giới giang hồ tứ chiếng” vùng duyên hải. Trong tháng Sáu và tháng Bẩy, vị Hoàng Đế đã ủy nhiệm cho 40 thuyền buồm hải tặc Trung Hoa thực hiện cuộc viễn chinh dọc theo bờ biển các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, và Triết Giang. (b) Kẻ từ đó trở đi, các hải tặc Trung Hoa đã tham dự trong mọi cuộc hải chiến quan trọng của Tây Sơn. (11)
Giữa các năm 1792 và 1799, hoạt động quân sự được ấn định bởi các cuộc viễn chinh của chúa Nguyễn có thời biểu theo gió mùa. Mỗi năm trong tháng Sáu khi luồng gió thuận lợi, một hải đội của chúa Nguyễn sẽ rời Sàigòn và một đoàn lục quân được tiếp liệu đầy đủ sẽ lên đường trên đất liền. Tụ họp tại một địa điểm đã được chỉ định, hai lực lượng sẽ giao chiến với quân Tây Sơn, chiếm giữ lãnh thổ, đóng quân tại những địa điểm dễ phòng thủ nhất, và sau đó, khi bắt đầu có luồng gió bất lợi, lại quay về căn cứ của chúng tại miền nam. Phe Tây Sơn đáp ứng bởi việc sử dụng các luồng gió đổi chiều để phóng ra các cuộc viễn chinh của mình vào lãnh thổ chúa Nguyễn, đến nỗi vào khoảng giữa thập niên 1790, một điệp khúc đã được thiết lập: gió mùa tây nam cho thấy sự tiến quân của chúa Nguyễn và sự triệt thoái của phe Tây Sơn; gió mùa đông bắc chứng kiến sự tiến quân của phe Tây Sơn và sự ra đi của quân chúa Nguyễn. Các chiến trường chính yếu nằm ở đàng trong, và dù thế các chiến dịch theo mùa [campagnes de saison, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] đã không lập lại đều đặn mỗi năm, điều này có nghĩa Nguyễn Phúc Ánh dần dần mở rộng cơ sở quyền lực của ông lên phía bắc. (12)
Chiến dịch gió mùa đầu tiên, trong năm 1792, đưa đến một sự triệt hạ gần như hoàn toàn hải quân của Tây Sơn tại Thị Nại, hải cảng ở Qui Nhơn. Tại đó người anh của Hoàng Đế, Nguyễn Văn Nhạc, đã thả neo một hạm đội các chiến thuyền vừa mới xây dựng xong để chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng xuống miền nam. Khi tin tức về chiến dịch chủ định của họ đến tai Nguyễn Phúc Ánh, ông ta đã phát động một cuộc viễn chinh của chính mình dưới sự chỉ huy của hai người Pháp. Với chiều gió thuận lợi cho nó, lực lượng này đã mau chóng tiến tới cửa Thị Nại, nhận thấy các chiến thuyền Tây Sơn đậu kín tại hải cảng, và đã tiến vào bến tàu, nơi binh sĩ tức thì đổ bộ và chiếm giữ các đồn lũy. Viên tướng Tây Sơn và lực lượng của ông ta đã bỏ chạy, để lại đàng sau các chiến thuyền và vũ khí của mình. Trong số các thuyền tham dự trận đánh này có 40 chiếc thuyền hải tặc được tuyển mộ bởi Hoàng Đế Quang Trung. Ba trong số các thuyền này bị bắt giữ bởi phe chúa Nguyễn, cùng với 75 chiến thuyền khác từ hạm đội mới của người anh ông Hoàng Đế.
Đối với phe Tây Sơn, sự thất trận đã là một tai họa: chỉ có chin chiếc thuyền sàn bằng, boong thấp, chèo tay (galleys) trong hạm đội mới của họ là còn nguyên vẹn. Tai họa lớn hơn đã xảy ra cho họ không lâu sau đó, vì vị Hoàng Đế đã băng hà vào tháng Mười Một năm đó. Đứa con trai mười tuổi của Quang Trung được tôn lên làm Hoàng Đế, Quang Toản, nhưng phe Tây Sơn đã mất đi nhà lãnh đạo có khả năng nhất của họ. Từ đó về sau, quyền lực của họ ngày càng suy sụp tại miền nam, nơi họ tiếp tục mất đi sự ủng hộ của quần chúng. (13).
Tuy nhiên, các hải tặc vẫn kiên thủ lòng trung thành của họ với nhà Tây Sơn. Trong năm 1794 họ đã tuyển mộ T’ang Te, người huyện Wu-ch’uan (Ngô Xuyên), vào lực lượng của họ. Trong năm sau Trần Thiên Bảo (Ch’en T’ien-pao) lại được thăng chức, đảm nhận cấp bậc Đô Đốc (tu-tu: Military Governor). (14) Hai năm sau đó, vào năm 1797, họ ở bên Tây Sơn khi Nguyễn Phúc Ánh gia tăng mối đe dọa mới. Phúc Ánh, với một hạm đội gần 600 chiến thuyền, đã nhổ neo vào ngày 25 tháng Tư nhằm xâm chiếm Qui Nhơn. Tuy nhiên, trên đường đi ông ta đã thay đổi ý kiến và thay vào đó tiến đến Đà Nẵng (Tourane), nơi ông ta đã lưu ngụ trong vài tháng. Trong thời kỳ này ông đã có nhiều trận chạm trán với quân Tây Sơn và các đồng minh hải tặc của họ. Trong tháng Sáu các lực lượng của ông, dưới sự chỉ huy của một thuộc cấp, Vũ Tiểu Sanh, phát xuất từ một đồn quân sự tại Đại Chiêm, và bị tấn công bởi một đoàn tàu hải tặc được điều khiển bởi Đô Đốc Nguyễn Văn Ngữ. Vũ Tiểu Sanh đã đánh bại quân hải tặc và bắt giữ được 30 chiếc thuyền buồm của chúng. Ba trong số các hải tặc liên hệ, Ch’en Kuan-hsiang, Cheng Ya-pao, và Tsung Chin, sau này có thú nhận rằng họ đã rời Huế hồi tháng Hai để nhận đặc nhiệm tiến đánh quân chúa Nguyễn và đã không quay trở về cho mãi đến tháng Bảy. (15)
Trong tháng Năm Trần Thiên Bảo (Ch’en T’ien-pao), chưa nhận được một sự phong tước khác từ các người đỡ đầu, đã được cấp cho một con dao ngắn và một ấn tín có khắc hàng chữ “đại đô đốc kiểm soát (từng) ngành của đơn vị sơn tàu [?: shan ts’ao] (t’ung-shan-ts’ao-tao ko-chih ta-tsung-tu) * Ông ta cũng được quyền cưỡng bách phục vụ bất kỳ hải tặc nào mà nhiệt tình đối với chiến dịch bị sút giảm. (16) Điều này xem ra đã làm nảy sinh sự hệ thống hóa hơn nữa trong hàng ngũ hải tặc thuộc phe Tây Sơn, bởi mỗi đầu lĩnh hải tặc (lão bản: lao-pan) giờ đây được phong chức “Tướng Chỉ Huy Thuyền Buồm Đen (ô tào tổng binh: wu-ts’ao tsung-ping: General of the Black Junks) và được đặt dưới quyền của Trần Thiên Bảo (Ch’en). (Wu-ts’ao, sát nghĩa “thuyền màu đen” [tiếng Việt gọi là tàu ô, chú của người dịch], là một từ ngữ phổ thông để chi các thuyền cướp biển Việt Nam). Theo con nuôi của Trần Thiên Bảo (Ch’en T’ien-pao), Chang Kuan-hsing, vào thời điểm này, tất cả các nhóm hải tặc tại Việt Nam đều nằm dưới sự kiểm soát của Trần Thiên Bảo. (18)
Chính Trần Thiên Bảo đã cầm đầu cuộc tiến quân vào bờ biển tỉnh Khánh Hòa hồi tháng Bẩy năm 1797. Phe chúa Nguyễn đối đầu bằng cách rải quân dọc theo bờ biển, sử dụng các thuyền buồm để bao vây một trong các hải cảng, và phóng ra một cuộc tấn công cả trên đất liền lẫn từ ngoài biển, trong đó họ đã hạ sát được nhiều địch quân. Trong năm 1798, các thuyền buồm hải tặc Trung Hoa một lần nữa được ghi nhận xuất hiện bên ngoài hải phận tỉnh Khánh Hòa. Khi vị chỉ huy của đồn quân gần đó, tại Dinh [Diên?] Khánh nghe thấy sự xuất hiện của chúng, ông ta đã phóng ra một cuộc truy kích và bắt giữ được hai trong số các thuyền buồm của chúng. (19)
Trong năm 1799 chiến sự tập trung quanh Qui Nhơn, nơi một lần nữa hải tặc Trung Hoa cố phòng thủ. Giai đoạn đầu của chiến dịch đã xảy ra ở Huế, nơi mà một đội tiên phong của chúa Nguyễn bao gồm lục quân, pháo binh và các thớt voi, dưới sự chỉ huy của Tướng Tống Phúc Lương, đã bị đối đầu bởi Phan Văn Tài (vào lúc này cũng là một “tướng lãnh”). Cuộc chiến xảy ra dữ dội, nhưng chung cuộc các lực lượng của họ Phan cho thấy không phải là đối thủ của quân chúa Nguyễn. Sau đó kẻ chiến thắng Tống Phúc Lương quay về Qui Nhơn, nơi ông và Nguyễn Phúc Ánh đã mở đường tiến vào hải cảng trước sự chống đối của các hải tặc. Hai cuộc thất trận này, cùng với bước thoái lui trước đây tại Khánh Hòa, đã làm suy yếu một cách đáng kể sức mạnh của quân hải tặc và đưa đến nhiều sự đào ngũ. (20)
Cuộc thất trận tệ hại nhất vẫn chưa xảy ra. Trong tháng Bẩy, các lực lượng phe chúa Nguyễn, sau khi dành được lối tiếp cận với tòa thành, đã chinh phục được Qui Nhơn, nơi họ đặt tên lại là Bình Định. Họ ở lại đó cho đến tháng Mười Một năm 1799, khi mà sự từ trần của vị cố vấn quân sự từ lâu của Nguyễn Phúc Ánh, đức giám mục Adran, Pigneau de Behaine, đã buộc họ phải gửi lực lượng chủ yếu về lại miền nam. Một hạm đội dưới quyền Tổng Binh Võ Tánh đã được lưu lại phòng vệ hải cảng ở đó, cửa Thị Nại, để chống lại hải tặc. (21)
Không chùn bước trước sự bại trận, quân Tây Sơn đã mở lại cuộc chiến tái chiếm Qui Nhơn (Bình Định) hồi đầu năm kế tiếp bằng việc phái một hạm đội khổng lồ đến Thị Nại. Chí có ít tin tức về nguồn gốc của nó, nhưng phần lớn các chiến thuyền có vẻ như của quân hải tặc, bởi Tổng Đốc Lưỡng Quảng đã báo cáo rằng hơn 100 chiếc thuyền buồm hải tặc từ Quảng Đông khi đó có mặt tại Việt Nam. (22) Để đương đầu với sự thách đố này, Nguyễn Phúc Ánh đã tập hợp một lực lượng khoảng 1,000 chiến thuyền và 80,000 thủy quân. Với bốn chiếc tàu của Âu Châu, 40 chiến thuyền buồm loại lớn, và hơn 300 thuyền đáy bằng (galleys), đó là một lực lượng hải quân đáng sợ nhất chưa từng thấy trong khu vực. (23) Quân Tây Sơn bao vây thành Qui Nhơn đến gần một năm. Mặc dù họ không bao giờ tái chiếm lại được thành phố này, họ đã thành công trong việc chiếm đóng thị trấn gần đó, Phú Yên, và nhờ đó, đã có thể thiết lập 48 đồn kiên cố và tuyển mộ nhân lực tại địa phương. Tuy thế, sự kiểm soát của họ tại Phú Yên chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Nhờ sự phản bội của một viên chức Tây Sơn cũ, thị trấn này sớm bị mất lại về tay phe chúa Nguyễn.
Như một bộ phận trong cuộc tấn kích này của Tây Sơn, 12 thuyền buồm hải tặc Trung Hoa đã được phái xuống phía nam để xâm lấn vịnh Yên Cương Úc (Vịnh Mây Nước; cũng còn được gọi là vịnh Vân Phong hay Hòn Khói), nhưng công tác của chúng bị bóp nghẹt khi quân sĩ của chúa Nguyễn đã chặn đứng không cho chúng đổ bộ. Trong tháng Bẩy, quân hải tặc bắt giữ một số các thương thuyền và các thuyền buồm chở muối, bao gồm cả một chiếc thuyền chuyên chở đạn dược và đồ tiếp liệu của phe chúa Nguyễn. Khi tin tức về các biến cố này đến tai Nguyễn Phúc Ánh, ông đã tức thời ra lệnh cho Nguyễn văn Trương và hạm đội gồm 50 chiến thuyền của ông ta phát xuất đi truy kích. Ít tháng sau, 11 chiếc thuyền buồm hải tặc, bị thổi ra biển bởi một cơn bão, đã bị triệt hạ bởi các tàu vũ trang. (24)
Các Nỗ Lực Trấn Áp Của Trung Hoa
Sự tham gia trong chiến dịch theo mùa (campagnes de saison)chỉ là một trong các công tác của quân hải tặc phục vụ cho nhà Tây Sơn. Không kém quan trọng là các cuộc đột kích của chúng vào Trung Hoa để thu đoạt lợi tức dưới hình thức chiến lợi phẩm. Các cuộc đột kích này có tính các thiết yếu đối với nhà Tây Sơn ngay từ lúc bắt đầu cuộc nổi dậy. Chính vì lý do này mà Hoàng Đế Quang Trung đã cung cấp cho các thủ lĩnh hải tặc các chiếc thuyền và vũ khí, cho phép họ được ban phong quân hàm và tước hiệu trong các chiến dịch tuyển mộ của chúng, và hợp thức hóa các hoạt động của chúng với một loạt các giấy thông hành, chiếu chỉ và ấn tín. Sau khi thực hiện các họat động tại Trung Quốc, các hải tặc quay về Việt Nam và trình nạp các chiến lợi phẩm của chúng lên Hoàng Đế. Đổi lại chúng nhận được nơi ẩn náu an toàn và một phần chia theo bách phân từ số thu lợi.
Hai sự mô tả hệ thống này được lưu giữ trong các nguồn tài liệu của Trung Hoa. Tài liệu đầu tiên là lời chứng của hai kẻ nguyên là hải tặc, Ch’en Kang và Ts’ai Shih-chueh, các kẻ đã đầu hàng chính phủ Trung Hoa và gia nhập quân đội. Theo họ, khi Nguyễn Văn Huệ, Hoàng Đế Quang Trung trong tương lai, đang âm mưu chống lại triều Lê, các nhân viên mà ông ta nhờ cậy nhiều nhất là các thủ lĩnh hải tặc Mạc Quan Phù (Mo Kuan-fu) và Trịnh Thất (Cheng Ch’i). Ông đã ban cho họ tước hiệu, các chiến thuyền, và các vũ khí, và đã gọi họ là tào trưởng [? ts’ao-chang: junk captains). Mỗi năm, họ cùng các thủ lĩnh hải tặc khác kêu gọi tập trung băng đảng của chúng vào tháng ba hay tháng tư âm lịch và đi về hướng đông để cướp phá Trung Hoa cho đến tháng chín hay tháng mười, khi chúng quay trở lại Việt nam. Đối với các hải tặc lặt vặt tại Quảng Đông, Phúc Kiến, Triết Giang, và Giang Tô, Nguyễn Văn Huệ là “Đại Thủ Lĩnh Việt Nam: Việt Nam Đại Lão bản: Yueh-nam ta-lao-pan), người đem bán chiến lợi phẩm của chúng và chia cho chúng từ 20 đến 40 phần trăm số lợi nhuận. Các nhóm hải tặc lớn cũng hưởng lợi từ nguyên tắc của Hoàng Đế, bởi ông không chỉ cho phép chúng thả neo tại vùng biên giới để tập hợp các quân tuyển mộ và lấy trộm lương thực, mà còn cho chúng sử dụng Việt Nam như một “ hang ổ [an toàn]” mà chúng có thể lui về ẩn náu. Các hải tặc này đã chấp nhận vị Hoàng Đế như chủ nhân của chúng bởi dưới thẩm quyền của ông ta, chúng đã có thể thu gặt được các lợi lộc to lớn từ biển cả. (25).
Tài liệu thứ nhì được viết bởi Wei Yuan (Ngụy Nguyên), một sử gia và địa lý gia Trung Hoa nổi tiếng thời giữa thế kỷ thứ mười chín. Theo ông, sau khi Nguyễn Văn Huệ đã chiếm được ngôi vua, cả binh sĩ lẫn công khố của ông đều mau chóng bị kiệt quệ. Bởi thế ông đã tuyển mộ “giới giang hồ tứ chiếng dọc bờ biển” và cấp cho chúng các chiến thuyền và chức tước chính thức. Để giúp vào việc trả lương cho các kẻ được tuyển mộ, ông ra lệnh cho chúng đánh cướp các thương thuyền tại Trung Hoa. Quân hải tặc thường đến Quảng Đông trong mùa hè và quay về Việt Nam trong mùa thu, nhưng thời điểm đi và về chính xác của chúng không được ấn định. Chúng gây ra tai họa lớn lao tại Quảng Đông và từ đó chúng thâm nhập vào các tỉnh Phúc Kiến và Triết Giang, nơi chúng hợp tác với các thổ phỉ địa phương (t’u-tao: thổ đạo?). 26
Khi hoạt động quân sự của hải tặc tại Việt Nam đã suy tàn, sự thành công của chúng trong việc đánh phá Trung Hoa lại gia tăng. Từng chuyến đánh cướp theo nhau diễn ra nhắm vào các tàu chở hàng mang nhiều các sản vật rất cần thiết. Chúng đã có thể lẩn thoát được với hành vi như thế phần lớn nhờ ở tầm cao cấp trong sự bảo trợ từ Việt Nam, xẩy ra vào lúc mà khả năng của chính quyền nhà Thanh đối phó với chúng lại ở vào mức độ yếu kém. Giống như cán cân quyền lực thay đổi phát sinh từ Cuộc Khởi Nghĩa của Tây Sơn đã khiến cho tình trạng hải tặc gia tăng bên phía biên giới Việt nam, một loạt các cuộc nổi dậy nội bộ như thế tại Trung Hoa đã cho phép nó được nẩy nở ở đó.
Biến cố đầu tiên trong các cuộc nổi dậy này đã xảy ra hồi đầu năm 1795, khi các bộ lạc người Mèo sống tại các miền núi ở biên giới của các tỉnh Quí Châu, Hồ Bắc và Tứ Xuyên nổi loạn. Chúng chiếm giữ một vài thị trận nhỏ, đánh đuổi các quan chức địa phương, và hạ sát một số người Trung Hoa. Phúc Khang An, Tổng Đốc Vân Nam và Quí Châu, được phái đi để đánh dẹp cuộc rối loạn, và chiến dịch theo đó đã kéo dài trong vài năm. (27)
Với các hậu quả nghiêm trọng hơn, một nhóm chống đối được mệnh danh là Bạch Liên Giáo (Pai-lien-chiao) đã nổi dậy hồi cuối năm 1795, và trong vòng ít tháng đã làm bộc phát một cuộc khởi nghĩa lan tràn từ tỉnh Hồ Bắc đến Hà Nam và Tứ Xuyên. Cuộc nổi dậy này kéo dài hơn chín năm và trước khi kết thúc, đã dàn trải nhiều phần của tỉnh Thiểm tây, cũng như Hà nam và Tứ Xuyên. (28) Xa hơn về phía nam một cuộc khởi nghĩa của Hội Tam Hợp (Triad Society) tại huyện Po-lo, tỉnh Quảng Đông, đã khiến cho các giới chức thẩm quyền địa phương phải bận bịu trong nhiều tháng của năm 1802. (29)
Điều trông không có sự khác biệt trong các hoạt động quấy rối tương tự với nhau nơi bờ biển phía nam không khó khăn để giải thích. Trong thực tế, nhà Mãn Thanh, đặc biệt khi nhìn theo các kinh nghiệm của họ trong nỗ lực bình định các miền không phải là người Hán trong thế kỷ thứ mười bẩy, đã xem miền duyên hải như một khu vực nơi mà các sự xáo trộn có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Nhưng họ còn nhậy cảm hơn về các cuộc nổi dậy trên đất liền có thể đe dọa đến kinh đô. Khi đó, điều có thể tiên liệu được là triều đình nhà Thanh sẽ đáp ứng với sự quan tâm nhiều hơn đến sự lan truyền khả hữu của các phong trào chống đối như của Bạch Liên Giáo so với các hải tặc tại Quảng Đông, các kẻ vẫn còn xa xôi đối với các mạch sống của Bắc Kinh.
Văn thư trao đổi dưới đây giữa tổng đốc Lưỡng Quảng và Hoàng Đế Gia Khánh (Chia-ch’ing) phản ảnh các ưu tiên của Bắc Kinh. (30) Trong năm 1800, Chi-ch’ing, người chịu trách nhiệm chống trả quân hải tặc tại Quảng Đông, đã dâng sớ lên Hoàng Đế xin phép sử dụng 216,000 lượng từ số thuế muối chưa dùng đến để đóng 80 chiến thuyền và nêu ra rằng các giới chức thẩm quyền tại Quảng Đông khi đó chỉ có thể tập hợp được 80 chiếc thuyền cho sự phòng vệ tỉnh. Câu trả lời của Hoàng Đế trước một dự án với kích thước như thế là một sự phủ quyết mạnh mẽ, “Không.” Bởi vì tỉnh Quảng Đông đã sẵn có điều có vẻ đối với ông là một số lượng tàu thuyền đông đảo, ông đã cho phép Chi-ch’ing không đuợc sử dụng nhiều hơn 86,000 lượng để đóng thêm 26 chiếc thuyền bổ túc. Tệ hơn nữa, từ quan điểm của Chi-ch’ing, Hoàng Đế đã nhắc nhở ông ta về phí tổn nặng nề trong việc trấn áp sự nổi dậy tại các tỉnh Tứ Xuyên, Hồ Bắc, và Thiểm Tây, và ra lệnh cho ông phải chuyển phần còn lại trong lợi tức thặng dư của tỉnh Quảng Đông, từ phần lớn ngân khoản có thể dùng vào việc trấn áp hải tặc, sang cho sự sử dụng tại miền tây nam. (31) Chính vì thế, khi mà các phong trào hội kín, dân tộc thiểu số, hay tôn giáo mới xuất hiện thách đố trật tự chính trị tại miền trọng địa trong Trung Hoa, các hải tặc dọc bờ biển đã có thể khai thác khoảng trống chính trị cho lợi thế của chính chúng.
Sự đáp ứng chậm chạp của chính quyền còn được bồi tiếp bởi một sự cứu xét khác: bản chất tế nhị trong các quan hệ Trung-Việt. Mặc dù rõ ràng đối với Trung Hoa, nguyên ủy của vấn đề hải tặc nằm nơi phía Việt Nam, họ đã cực kỳ miễn cưỡng để yêu cầu sự hợp tác của Tây Sơn để chống lại chúng. Trong thực tế, sự nhạy cảm với tình hình quốc tế và nỗi lo sợ Việt Nam đã giới hạn các hành động của họ kể từ khi có sự thất trận của đoàn quân viễn chinh sang trợ giúp Hoàng Đế họ Lê năm 1789. Một phần, tình trạng này là hậu quả của mối quan hệ đặc biệt giữa hai xứ sở: trừ một số thời kỳ nào đó, Việt Nam đã là một chư hầu triều cống Trung Hoa từ thế kỷ thứ mười.
Cần hiểu rõ rằng, vào lúc có cuộc Khởi Nghĩa Tây Sơn, các quan hệ của Trung Hoa với các quốc gia chư hầu của nó phần lớn chỉ có tính cách nghi lễ, như việc các nước triều cống bày tỏ sự tôn trọng Trung Hoa bằng cách gửi các sứ bộ, thỉnh cầu sự tấn phong các Quốc Vương của chúng, và chấp nhận niên lịch của Trung Hoa. (32) Tuy thế, điều này khiến cho tình trạng đối với Tây Sơn trở nên đặc biệt tế nhị bởi các hải tặc – kẻ thù của Trung Hoa – không chỉ được bảo vệ bởi vương quốc chư hầu Việt Nam, mà còn chính thức phục vụ trong hải quân của quốc gia này.
Dưới các tình huống này, các viên chức nhà Thanh lấy làm ngập ngừng để yêu cầu sự trợ giúp của Việt Nam trong việc giải quyết các hải tặc, mà còn xem việc đối thoại với nhà Tây Sơn như việc “cực chẳng đã mới phải làm (a last resort).” (33) Nhưng sự miễn cưỡng của họ ít nhất vì có sự lo sợ việc khêu gợi một sự tranh chấp hay có thể cả một cuộc chiến tranh với nhà Tây Sơn. Hồi ức của năm 1789 hãy còn sống động, và giờ đây họ đã có một lý do để cảnh giác về chủ trương đòi lại lãnh thổ xưa của Việt Nam, bởi có bằng chứng cho thấy rằng vua Quang Trung đã mong muốn tái lập vương quốc cổ xưa của Bách Việt hay “Trăm Việt: Hundred Yueh”, nước mà trước năm 221 trước Công Nguyên, đã trải dài từ Sông Hồng lên đến tỉnh Triết Giang, và đang trong tiến trình xây dựng một hạm đội cho mục đích này vào lúc ông từ trần. (c)
Nhưng vào khoảng năm 1796 các viên chức Trung Hoa không còn có thể nhắm mắt trước nạn hải tặc nữa. Tại Việt Nam, tình hình chiến sự lắng dịu cho phép nhà Tây Sơn điều động “hải quân” của họ vượt qua biên giới; hay theo cách nói của một kẻ tham dự, “Các tàu ô (wu-ts’ao: thuyền màu đen) được phái đi đánh cướp.” (34) Bằng cớ gia tăng của các ấn tín và bằng sắc nơi các hải tặc bị bắt giữ làm chứng cho sự bảo trợ của Tây Sơn sau hết đã thúc đẩy phía Trung Hoa phải hành động. (35) Việc bắt giữ Lo A-i, một người Trung Hoa gốc Phúc Kiến ăn mặc như một người Việt Nam (một man di: barbarian) và có mang trong người ba ấn tín như thế, đã mang lại chất xúc tác tức thời. (36) Bằng cớ về các sự xúi dục của Việt Nam đối với các hải tặc Trung Hoa thì không thể bác bỏ được. Quyết định đó là lúc phải tỏ rõ lập trường, Hoàng Đế Trung Hoa đã ra lệnh cho Đại Hội Đồng (Nội Các) thảo một sắc dụ nêu rõ rằng các hải tặc đang tàn phá các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến và Triết Giang như hậu quả của thái độ không sẵn lòng kiềm chế chúng của chính quyền Việt Nam. Từ nay trở đi, Hoàng Đế loan báo rằng bất kỳ hải tặc Việt Nam nào bị bắt giữ tại Trung Hoa sẽ tức thời bị xử tử và chỉ thị cho hội đồng nội các hãy tìm kiếm sự trợ lực của Việt Nam trong việc triệt hạ “các nơi tụ tập” của hải tặc. (37)
Nhà Tây Son bị bắt buộc phóng ra một cuộc tấn công các hải tặc, và trong một số cuộc chạm trán, đã bắt giữ 63 người trong chúng. Cùng lúc, họ ra lệnh cho một sĩ quan hải quân phá hủy sào huyệt của chúng tại Giang Bình (Chiang-p’ing). Sau khi đốt cháy hơn 100 ngôi nhà ở, vị sĩ quan đã để lại một đội tảo thanh gồm bốn chiếc thuyền buồm và 200 binh sĩ. Kết quả, vào lúc một đoàn thanh tra Trung Hoa đến biên giới ngày 10 tháng Tư, 1797, để gặp gỡ với một đại diện của Tây Sơn, ông ta đã có thể thông báo với các thành viên đoàn thanh tra rằng Hoàng Đế Việt Nam, chịu ảnh hưởng bởi quyền lực tinh thần của Trung Hoa, đã sẵn ra lệnh cho thuộc hạ của mình tấn công các hải tặc. Lấy làm thỏa mãn, các thanh tra Trung Hoa đã tổ chức một bữa tiệc khỏan đãi đại diện Tây Sơn và thưởng cho họ 1,000 chuỗi hiện kim, 30,000 cân [catties: có gốc từ tiếng Mã Lai là ka ti, đơn vị đo lường ở một số nước Á Châu, tương đương khoảng 600 gram, chú của người dịch] gạo, và nhiều loại tơ lụa khác nhau, giấy viết, trâu bò, heo và trừu. 63 hải tặc bị bắt giữ, cùng với thuyền, vũ khí và cờ quạt của chúng, được giao nạp cho phía Trung Hoa. Vào tháng Sáu, phái đoàn thanh tra quay trở về thành phố Quảng Châu, dẫn theo chuỗi các hải tặc bị bắt giữ. Ở đó, chúng bị hỏi cung bởi quan tổng đốc, kẻ đã nhận được chỉ thị phải giải giao tất cả các thủ lĩnh quan trọng về Bắc Kinh. Tuy nhiên, như sự việc đã diễn ra, các hải tặc đều là quân cướp biển lặt vặt từ Phúc Kiến, và đã được xét xử tại chỗ. (38)
Nỗ lực này có thể được xem là nhiều hơn sự bày tỏ biểu trưng một chút sự hợp tác của Việt Nam. Mối quan hệ chính thức và có tính cách nghi lễ giữa hai quốc gia không cách gì ngăn cấm nhà Tây Sơn cùng một lúc theo đuổi các chính sách khác (chẳng hạn như bảo trợ cho các hải tặc Trung Hoa) vì quyền lợi riêng của nó, cho dù có gặp phải đối nghịch với Trung Hoa. (39) Trong bất kỳ trường hợp nào các ảnh hưởng của vụ đột kích của Tây Sơn tại Giang Bình có tính cách đoản kỳ. Trong vòng vài tuần lễ, các hải tặc đã di chuyển đến các nơi cư ngụ mới và tái lập các họat động của chúng. Nếu có điều gì xảy ra, đó là việc nạn hải tặc càng phát triển mạnh mẽ hơn trước. Các thủ lĩnh uy quyền nhất, Trần Thiên Bảo, Trịnh Thất (Cheng Ch’i), và Mạc Quan Phù vẫn không bị động chạm tới, các băng đảng của họ vẫn nguyên vẹn.
Chỉ hai tháng sau trận đột kích các quan chức Trung Hoa đã báo cáo rằng Tây Sơn một lần nữa lại sử dụng các hải tặc để chiến đấu cho họ. Người báo cáo đầu tiên như thế là Tổng Đốc Lưỡng Quảng, kẻ đã gửi một sớ lên ngai vàng vào ngày 1 tháng 7 năm 1797, phàn nàn rằng bất kể đã mở chiến dịch, các hải tặc đáng sợ nhất vẫn còn ở Việt Nam, tụ tập ở Giang Bình và tự liên kết với các cư dân duyên hải. (40) Sự chứng thực khác cho sự thất bại của phái bộ diễn ra ít tuần sau đó, khi viên tư lịnh ở tỉnh, Sun Ch’uan-mou, được phái đi cùng với một đội thuyền vũ trang để tuần thám gần Giang Bình. Báo cáo từ hải giới, họ Sun xác nhận rằng các hải tặc đã không thực sự bị phân tán, và rằng các thủ lĩnh uy quyền nhất của chúng vẫn còn ung dung tự tại. (41)
Đến lúc này Hoàng Đế [Trung Hoa] đã quyết định một đường lối hành động mới. Phủ quyết sự tán thành của các viên chức của mình nghiêng về “sự phòng thủ bờ biển” (hai-fang: hải phòng), ông đã kêu gọi thay vào đó chính sách “hải chiến” (hai-chan) và đã phát động một chiến dịch diệt trừ mãnh liệt từ phía biên giới Trung Hoa. (42) Chính sách này, đặt trên sự giả định rằng các khuôn phép được lập lại nhiều lần về sự nghiêm trị của nhà Thanh chung cuộc sẽ làm ngã lòng quân hải tặc trong việc tiến sang đất nước này, đòi hỏi các cuộc tấn công mạnh mẽ vùng đất biên giới và các sự đối đầu trực tiếp tại ngoài biển. Các viên chức quân sự Trung Hoa bị ngăn cấm không được truy kích các hải tặc trong lãnh thổ Việt Nam nhưng được cảnh báo hãy triệt hạ chúng ngay khi chúng lái thuyền vào hải phận Trung Hoa. Một khi bị bắt giữ tại Trung Hoa, các hải tặc sẽ bị xét xử một cách mau chóng. Những hải tặc gốc Việt Nam sẽ bị giam giữ và hành quyết, chứ không cho hồi hương, và hải tặc Trung Hoa tự giả trang thành người Việt Nam sẽ bị xem là kẻ làm loạn và bị kết án tử hình bằng cách tùng xẻo (slicing) (một sự trừng phạt gây đau đớn dành cho kẻ phản quốc và các tội phạm nghiêm trọng khác). Người gốc Trung Hoa nhận lãnh sự tấn phong từ phía Việt Nam cũng bị xem là quân phản loạn và bị kết tội tử hình bằng cách tùng xẻo. (43)
Theo Hoàng Đế, các vụ án hải tặc quá nghiêm trọng khiến không nên để cho sự trừng phạt bị trì hoãn bởi thủ tục pháp lý kéo dài hay bởi việc gửi từng tội nhân đến Bắc Kinh. Khi bị bắt giữ, các hải tặc sẽ bị thẩm vấn, xét xử, và hành quyết một cách vắn tắt, trước khi chúng có cơ hội trốn thoát hay gây ra bất kỳ sự rắc rối nào. Điều đã trở thành thủ tục tiêu chuẩn là sau khi điều tra một vụ án và thẩm vấn các phạm nhân, tổng đốc và các quan chức liên quan khác sẽ báo cáo các phán quyết của họ lên Hoàng Đế và cùng lúc viện dẫn uy lực của thẩm quyền vương triều (vương mệnh: wang-ming) cho phép họ được thực hiện các sự hành quyết mà không cần phải chờ đợi các chỉ thị hoặc từ Tòa Phúc Thẩm (Court of Revision) hay từ Thiên Tử. Nhưng các đầu lĩnh quan trọng, lúc nào cũng thế, tức thời bị giải về Bắc Kinh. (44)
Để thi hành chính sách hải chiến mới, các đội tàu vũ trang được chỉ huy bởi các chiến sĩ kinh nghiệm như Tổng Binh (tsung-ping) Huang Piao và Lin Kuo-liang (Lâm Quốc-Lương?), Đại Tá (fu-chiang) Ch’ien Meng-hu, và các Đại Úy Hạng Nhất (tu-szu) Wei Ta-pin, Ho Ying, và Hsu T’ing-kwei đã nhiều lần được phái đi trong các hải vụ tấn công. Nhưng chung cuộc họ chỉ hoàn thàn được ít điều, bởi nạn hải tặc vẫn không kiểm soát được ở cả Trung Hoa lẫn Việt Nam. Sức mạnh và vẻ liều lĩnh của hải tặc đã ảnh hưởng nhiều đến sự không thành công này. Các quan chức thất vọng ngày càng than phiền rằng các binh sĩ, lo sợ đám hải tặc, kiềm hãm việc bắt giữ chúng. Trong một cuộc tuần thám hay thanh sát, nếu một hay hai tàu vũ trang đột nhiên chạm trán với vài chiếc thuyền hải tặc cùng đi với nhau, các binh sĩ chỉ đơn giản bắn đại pháo như một cách báo động cho quân hải tặc hãy tìm đường chạy trốn. (45)
Vào năm 1799 các hải tặc đã thành công trong việc chặn đứng mọi nỗ lực nhằm triệt hạ chúng đến nỗi các quan chức cấp tỉnh đã kêu gọi sự thay thế chính sách triệt tiêu (chiao-fu) bằng một chính sách xá tội và bình định (chiêu an, chiêu phục: chao-an, chao-fu), trong lịch sử vẫn được áp dụng bởi người Trung Hoa để trấn áp các cuộc nổi dậy. (46) Bình định và xá tội tập trung vào việc làm suy yếu một phong trào chống đối bằng cách gây phân hóa trong hàng ngũ của nó, đẩy kẻ gây rối chống lại kẻ gây rối khác thay vì để kẻ gây rối chống lại binh sĩ, và cô lập các thủ lĩnh ra khỏi thuộc hạ của chúng. Một phương pháp thông dụng là cho phép các thuộc hạ, chứ không phải các lãnh tụ của một phong trào, được đầu hàng các giới chức thẩm quyền mà không bị trừng phạt. Tuy nhiên, đôi khi các thuộc hạ bị bắt buộc phải chứng minh “sự thành thật” của mình bằng việc xuất trình lên các quan chức chính phủ thủ cấp các đầu lĩnh trước đây của chúng. (47)
Việc áp dụng “chính sách bình định” đối với các hải tặc được đề nghị trước tiên bởi Tổng Đốc Ch’ang-lin. Khi đảm nhiệm chức vụ vào năm 1794, ông đã đề nghị ân xá cho các kẻ bị bắt giữ làm hải tặc tìm cách trốn thoát và tự mình ra trình diện. Ông còn đề nghị xa hơn là treo giải thưởng bằng các lượng bạc cho những người có thể bắt giữ các hải tặc khác hay có thể chỉ điểm các nơi tụ tập của chúng. Các sự phản đối đề nghị này đã tức thời được nêu lên bởi Đại Bí Thư A-kuei, kẻ đã tranh luận rằng, không những không kiềm chế được nạn hải tặc, chương trình này còn khích lệ nó bởi cho phép các quan chức trở nên lơ là và do đó dẫn đến các sự xáo trộn mới. Bị kết luận là một chính sách “không giá trị”, sự bình định đã không được thử nghiệm lúc bấy giờ. (48) Tuy nhiên, vào năm 1799, đối diện với sự suy giảm hiệu năng quân sự, các quan chức nhà Thanh ít có sự lựa chọn ngoài việc quay về phương lược cổ điển này và tuyên cáo một sự đại ân xá cho những kẻ sẵn lòng “trở về với chính quyền.”
Như diễn tiến khi áp dụng, từng hải tặc tự mình trình diện được khảo sát để xác định sự thành thực trong ý định của kẻ đó. Nếu trường hợp anh ta đủ sức thuyết phục, khi đó anh ta được phép lựa chọn hoặc gia nhập quân đội, trở về làng cũ dưới sự giám hộ của một thân nhân, hay được định cư nơi vùng sâu trong nội địa. Anh ta cũng được thưởng mười lạng bạc để giúp anh khởi sự một cuộc đời mới.
Để dụ dỗ điềm chỉ viên, các thủ lĩnh hải tặc đồng ý gia nhập quân đội thường được phong cấp bực trung sĩ (e-wai wai wei), chuẩn úy (wai-wei ch’ien-tsung), hay thiếu úy (pa-tsung), và được gắn lon tương ứng. Các hải tặc “quy chánh” thông thường hay gia nhập quân đội và được gửi đến các tiểu đoàn cách xa bờ biển, nơi hy vọng rằng dưới kỷ luật nghiêm ngặt, họ sẽ không còn gây rắc rối lại lần nữa. Để biểu lộ sự thành thực của mình, các kẻ có ý định đầu hàng được khuyến khích bắt giữ hay hạ sát các thành viên thuộc băng đảng cũ của chúng; khi xuất trình tai hay thủ cấp bị cắt lìa lúc đầu hàng, chúng được thưởng tiền hay cấp bậc. Các cựu hải tặc được cảnh cáo rằng họ không thể mong đợi lần nữa sự khoan dung như thế từ nhà nước, và rằng với sự manh động nhỏ nhặt nhất trong tương lai chúng sẽ bị trừng phạt nặng nề. Theo chính sách mới này, hải tặc gốc Việt Nam giờ đây sẽ tức thời bị trả về quê hương. (49)
Nhưng các sự kỳ vọng của nhà Thanh một lần nữa lại bị tiêu tán, bởi các hải tặc ngày càng có khả năng vận dụng chính sách mới để thủ lợi cho chính chúng. Cuối cùng thủ tục trở nên không khác gì một mánh lới xuyên qua đó các kẻ táo tợn hơn trong chúng tự làm giàu bằng chi phí của nhà nước. Một trong những phương pháp thông dụng để khai thác tiến trình là đầu thú nhiều hơn một lần với các quan chức nhà nước. (50) Không bao lâu, ngay cả các thủ lĩnh hải tặc cũng nắm lấy chính sách bình định như một cơ hội để đạt được cấp bậc chính thức, và vào năm 1800 quá nhiều hải tặc về đầu thú đến nỗi đã có sự khó khăn trong việc định cư chúng ở những địa điểm phân tán rộng rãi. (51) Mặc dù hơn 1,700 hải tặc đã tự mình về trình diện, chính sách xem ra chỉ có ít ảnh hưởng trong việc làm giảm bớt nhân số tổng cộng của chúng, bởi vào ngày 16 tháng Bẩy 1800, vị Hoàng Đế thất vọng đã thú nhận một cách miễn cưỡng rằng nạn hải tặc tại tỉnh Quảng Đông hãy còn đang gia tăng. (52)
Sau chót, không phải các chính sách ở Trung Hoa mà chính là tình hình quân sự ở Việt Nam đã làm thay đổi một cách chủ yếu các tình huống của quân hải tặc. Số phận của chúng bị nối buộc một cách không tách rời được với số phận của nhà Tây Sơn, và vào năm 1800, triều sóng chiến trận đã từ từ trở nên bất lợi cho hải tặc cùng người bảo trợ chúng. Lần đầu tiên Nguyễn Phúc Ánh, thay vì trở về miền nam, đã ở lại Qui Nhơn, khi đó đang dưới sự bao vây. Sau gần một năm không có các kết quả quyết định, ông ta lựa chọn việc chuyển hướng tấn công vào Huế. Tuy nhiên, trước tiên ông ta phải triệt hạ lực lượng hải quân của Tây Sơn tại cửa Thị Nại. Kết quả một trận chiến vô cùng hao tổn xương máu xảy ra vào ngày 21 tháng Hai, 1801. Theo một kẻ tham dự người Pháp, J.B. Chaigneau, “chiến dịch là một cuộc giao tranh đẫm máu nhất mà người dân miền Nam (cochinchinese) chưa từng biết đến.” (53) Quân Tây Sơn chịu tổn thất nặng nề, mất khỏang 50,000 người, phần lớn hạm đội của mình, và 6,000 khẩu đại bác, và các hải tặc bị tan tác khi ba trong các thủ lĩnh đáng sợ nhất của chúng – Mạc Quan Phù, Phan Văn Tài, và Lương Văn Canh – bị bắt giữ. (54)
Với sự làm suy yếu hải quân Tây Sơn và sự cắt giảm số hải tặc yểm trợ cho nó, Nguyễn Phúc Ánh đã có thể phóng ra một cuộc bắc tiến sau rốt mang lại cho ông sự kiểm soát phần lớn xứ sở. Vào ngày 5 tháng Sáu, 1801, các thuyền buồm của ông rời cảng Qui Nhơn, và mười ngày sau đó ông chiếm được Huế. Vị Hoàng Đế Tây Sơn trẻ tuổi, Quang Toản, bỏ chạy ra Hà Nội, để lại sau lưng ấn tín và bằng sắc tấn phong của Trung Hoa. Bám sát theo gót ông ta trên đường chạy trốn là các hải tặc đi tìm nơi ẩn náu tại các đầm vịnh dọc bờ biển. Vài tuần sau đó, hồi đầu tháng Bẩy 1801, 50 thuyền buồm đột nhiên xuất hiện tại Quảng Dông, nơi mà các viên chức nhà Thanh ức đoán rằng sự thất trận, làm cho quân hải tặc không còn một hải cảng an tòan, khiến chúng lẻn vào Trung Hoa. (55)
Tại Hà Nội vị Hoàng Đế Tây Sơn bắt đầu lập kế hoạch để tập hợp một hạm đội khác và tái chiếm Huế. Tuy nhiên, vào lúc này, nhiệt tình của hải tặc Trung Hoa để chiến đấu cho một bên thua cuộc đã tàn lụi. Trịnh Thất đã bày tỏ ít sự quan tâm đến việc quay trở lại Việt Nam, nhưng đã bị thuyết phục bởi Trần Thiên Bảo để làm như thế, ông ta đã đến Hà Nội hồi đầu năm 1802. Một cách miễn cưỡng, ông đã trình diện 200 chiếc thuyền buồm với nhà Tây Sơn và đã nhận chức Đại Ty [hay Tư?] Mã (Ta-szu-ma: master of the Horses). (56) Trong khi đó, người đã vận động sự phục vụ của ông, Trần Thiên Bảo, đã lựa chọn việc hưu chiến bằng cách đầu hàng, cùng với gia đình ông ta và 30 bộ hạ, với các giới chức thẩm quyền Trung Hoa hồi cuối tháng Mười Một năm 1801. (57)
Không lâu sau khi Trịnh Thất đến nơi, Hoàng Đế Tây Sơn đã phát động chiến dịch của ông. Chia quân đội thành hai cánh, ông đã phái một cánh sang Trấn Ninh và cánh kia đến Dau Mau [?] và rồi phái hải quân đến cửa sông Gianh (Spirit [?] River). Hơn 100 [thuyền] hải tặc được bố trí tại cửa Nhật Lệ, một hải cảng gần Đồng Hới. Quân chúa Nguyễn chiếm đóng Đồng Hới và giao chiến với các hải tặc trong trận đánh ngày 3 tháng Hai, 1802. Một trận gió đột nhiên thổi theo hướng đông bắc đã giúp cho phe chúa Nguyễn bắt giữ được hơn 20 chiến thuyền địch, mà một lần nữa chiến dịch đã kết thúc với tai họa dành cho các hải tặc, các kẻ chạy trốn về Tiên Cốc [?] thuộc tỉnh Quảng Bình, để lại chỉ bị tấn công thêm một lần nữa.
Vào lúc này nhà Tây Sơn gần như sắp kết liễu. Trận đánh cuối cùng của họ diễn ra tại Hà Nội năm 1802, và một lần nữa, quân hải tặc Trung Hoa đứng về phe họ. Trong trận đánh này, khoảng 40 chiếc thuyền buồm của Trịnh Thất được khiển dụng để phòng vệ hải cảng, nhưng biện pháp này cũng không có hiệu quả gì. Hồi kết cuộc xảy ra mau lẹ và đột ngột: các lực lượng của chúa Nguyễn tấn công Hà Nội vào ngày 13 tháng Bẩy, hải quân chúa Nguyễn tiến tới Sơn Nam hôm 16 tháng Bẩy; và một Nguyễn Phúc Ánh chiến thắng đã tiến vào Hà Nội hôm 20 tháng Bẩy. (58) Đối thủ bị khuất phục của ông, Hoàng Đế Quang Toản, đã bị bắt giữ, cầm tù, và mang diễu khắp thành phố trong một chiếc cũi. Với hành vi này, cuộc nổi dậy ôm ghì lấy Việt Nam trong 30 năm đã đi đến hồi kết cuộc.
Khi chiến thắng có vẻ gần kề, kẻ chiến thắng Nguyễn Phúc Ánh đã phái sứ bộ triều cống đầu tiên của ông sang Trung Hoa. Phẩm vật “triều cống’ của ông gồm cả ba thủ lĩnh hải tặc Mạc Quan phù, Lương Văn Canh, và Phan Văn Tài (đều bị bắt giừ từ năm trước), các kẻ đã được giao nạp như bằng chứng sống rằng một kỷ nguyên mới đã hé mở và rằng sự hiện diện của hải tặc Trung Hoa sẽ không còn được dung chấp tại Việt Nam nữa. (59) Giờ đây, với danh hiệu Hoàng Đế Gia Long, một trong những hành vi đầu tiên của ông là tấn công các căn cứ địa của hải tặc tại tỉnh An Quảng [Quảng Ninh ngày nay?]. Sáu tuần sau đó các quan chức của ông đã giáng cho quân hải tặc một đòn sững sờ khác bởi việc bắt giữ và chém đầu thủ lĩnh đáng sợ nhất của chúng, Trịnh Thất, và triệt hủy căn cứ tại Giang Bình. Kết quả là một cuộc di tản tức thời của các kẻ còn sống sót băng qua biên giới về Trung Hoa và một sự lắng dịu tạm thời khi quân hải tặc tái kết tập.* (* Mặc dù sự thất trận của Tây Sơn đã đưa đến một sự kết thúc hoạt động hải tặc chính yếu tại Việt Nam, điều này không có nghĩa đã giảm trừ được hoàn toàn, bởi mỗi năm, trong thời khoảng giữa năm 1803 đến 1808, hải tặc Trung hoa vẫn tiếp tục hoặc đánh phá các con tàu dọc theo bờ biển Việt Nam hay liên kết cùng dư đảng của nhà Lê và nhà Tây Sơn trong việc xúi dục các cuộc nổi dậy trong nước.)
Sự Phát Triển Của Hải Tặc Dưới Sự Bảo Trợ Của Tây Sơn
Bất kể đến sự thất bại chung cuộc của cuộc khởi nghĩa và các nỗ lực của hải tặc nhân danh nó, sự bảo trợ của Tây Sơn đã là một ân sủng lớn lao cho giới hải tặc. (d) Các chiếc tàu Việt Nam, với các cột buồm cao hơn 80 bộ Anh (feet) và các cạnh sườn được bảo bọc bằng các lớp da bò và lưới, thì lớn hơn và bền chắc hơn bất cứ chiếc thuyền nào mà hải tặc có thể tự mình kiếm được. Với đại bác cân nặng tới 4.000 cân Á Châu (catties), chúng cũng được vũ trang mạnh hơn nhiều. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất trên mọi thứ là nơi ẩn náu mà chúng có được từ nhà Tây Sơn. Các tổng hành dinh an toàn và các căn cứ hoạt động được bảo vệ giúp cho tình trạng hải tặc được nẩy nở cả ở Việt Nam lẫn Trung Hoa.
Không còn bị bắt buộc phải hao phí quá nhiều năng lực vào sự tồn tại, các hải tặc giờ đây có thể hướng một số nỗ lực vào việc tổ chức, bởi một khi một số người trong chúng nhận được sự chấp thuận để tuyển mộ băng đảng và tự do cướp phá, chẳng bao lâu các băng đảng của chúng đã được bành trướng và các thủ lĩnh mới xuất hiện. Đa số các kẻ này là những người có tham vọng và tàn nhẫn có các hành động vốn được vun trồng một cách chủ ý bởi các quan chức Tây Sơn. Không mấy ngạc nhiên, nhiều người trong chúng, giống như các kẻ đi truớc tại Giang Bình, đã kết thành nhóm đặt trên căn bản thân thích và quan hệ gia đình. Thí dụ, Trịnh Thất (Cheng Ch’i), như một hâu duệ nổi bật nhất của một gia tộc từng tham dự vào việc cướp biển trong hơn một thế kỷ, đã có một số thân thuộc, dù tự họ không phải là các hải tặc, sẵn lòng trợ giúp anh ta. Trong số các người đáng lưu ý nhất là cháu trai của anh ta, Chang Lien-k’o [Trương Liên Khoa?], kẻ đóng vai người bán cá trong khi do thám các nạn nhân khả dĩ. (60)
Nhưng các băng nhóm hải tặc sau rốt đã tăng trưởng quá lớn đến nỗi ngay các gia tộc lớn nhất cũng không thể cung cấp toàn thể số người điều hành. Đến mức độ đó, các quan hệ chủ-tớ (patron-client) trở nên phương cách theo đó các kẻ mới gia nhập không có liên hệ thân thích được thâu nhận vào trong nhóm.
Các ràng buộc về nơi sinh đẻ thường được dùng như nền tảng trên đó các mối quan hệ chủ-tớ mật thiết được xây dựng. Một hải tặc đã áp dụng chiến lược này để gây thanh thế cho mình là “Vua Hải Tặc” Mạc Quan Phù (Mo Kuan-fu), người vùng Sui-ch’i, tỉnh Quảng Đông. Vào năm 1794, khi Mạc và ba người bạn khác từ Sui-ch’i quyết định trở thành hải tặc, họ đã tức thời tăng quân bằng cách gom góp các kẻ tòng phục từ bản quán của họ. (61) Mạc đã tìm cách tuyển mộ được bảy người quen biết. Và các đồng sự của anh ta tập hợp được tám người. Hai ngày sau đó, nhóm 19 người đã khởi sự ra biển.
Một hình thức cá nhân hóa hơn của mối quan hệ chủ-tớ được thiết lập xuyên qua quan hệ gia tộc tưởng tượng. Điều không phải là khác thường để các thủ lĩnh hải tặc thừa nhận các thành viên trong nhóm trẻ tuổi làm con nuôi. Chẳng hạn như trường hợp của Chang Kuan-hsing, kẻ đã gia nhập nhóm của họ Trần vào năm 1789. Với thời gian, Trần Thiên Bảo dần có tình cảm với Chang và nhận anh ta làm con. (62) Trong các dịp khác, các hải tặc đã cố tăng cường ràng buộc chuyên nghiệp với các quan hệ gia đình bằng cách gả vợ cho các thuộc hạ. Trong năm 1789, Lý Á Hưng (Li Ya-hsing) gia nhập vào nhóm của Mạc Quan Phù, người kế đó đã đặt anh ta làm chỉ huy một chiếc thuyền buồm trộm được và gả cho anh ta một cô dâu là cô Kuo đang bị bắt giữ. Tương tự, trong năm 1795, Trịnh Thất bắt được Ho-Sung, một thanh niên 19 tuổi, là kẻ trước tiên làm con nuôi và sau đó đã cử nhiệm làm phụ tá (hsien-feng). Sau này, khi ông cần đến sự trợ giúp của họ Hà (Ho-Sung) tại Phúc Kiến, Trịnh Thất đã tín thác anh ta 7,000 lượng bạc để thu phục sự hỗ trợ ở đó và đã gả một người đàn bà bị bắt giữ cho anh ta cưới làm vợ. (63)
Các mối liên kết chủ-tớ giữa các người có vị thế và tài nguyên không ngang bằng chỉ còn tác dụng chừng nào cả hai bên còn có điều gì đó để cung cấp cho nhau và chỉ tồn tại chừng nào mà người chủ hay thủ lĩnh còn có thể thỏa mãn được đòi hỏi xin thưởng công của người tớ. Trong trường hợp các hải tặc, sự tiếp xúc cá nhân trực tiếp giữa các thủ lĩnh và thuộc viên có tầm quan trọng thiết yếu để duy trì các mối quan hệ này. (64)
Khi nhu cầu tuyển mộ vượt quá con số có thể thu dụng được từ các kẻ tình nguyện, các thủ lĩnh hải tặc thường bổ sung nhóm của chúng bằng các kẻ bị bắt giữ. Nhiều người trong chúng bị khuyến dụ hay cưỡng bách gia nhập vào “gia đình” hải tặc xuyên qua các sự cưỡng bức tình dục. Chúng ta đã sẵn biết điều này qua trường hợp của hải tặc Ch’en A-ch’ang [Trần Hà (?) Trường], là kẻ, khi bắt được Li Sheng-k’o [Lý Tiên Khả?], đã ép buộc họ Lý tham gia vào trò kê gian (sodomy). Một thủ lĩnh hải tặc khác, Ch’en A-hsia, đã cưỡng bách tình dục ngư phủ I A-yu; và một còn một thủ lĩnh khác, Ya-tsung [Á Tống?] đã đem ba nam nhân bị bắt giữ gia nhập hải tặc bằng phương cách này. (65) Các thủ lĩnh hải tặc cũng biến các thiếu niên đẹp trai thành các đĩ đực, chẳng hạn như thanh niên bị bắt giữ tên Su Ya-pao, kẻ lọt vào mắt của Ch’en Ya-t’ien. (66)
Khó có thể nói đến mức độ nào các thủ lĩnh hải tặc đã cưỡng bức luyến ái đồng tính trên kẻ khác như một phương cách để khởi dẫn chúng gia nhập vào băng đảng, và đến mức độ nào có sự tham gia tự nguyện của cả hai bên. Cần phải ghi nhớ rằng tin tức về cách thức này đến từ các lời khai của các người bị xét xử về tội cướp biển, và rằng theo luật nhà Thanh, hình phạt cho tội đồng tính luyến ái là bị đánh 100 trượng bằng tre (nhưng trong thực tế chỉ bị 40 trượng) cùng với ba năm khổ sai (t’u), trong khi hình phạt cho tội cướp biển là bị chém đầu. Trong một vụ xử án, một cá nhân hiển nhiên là sẽ có nhiều cơ may hơn bằng cách khai nhận rằng anh ta đã bị cưỡng hiếp và bắt giam trái với ý muốn của anh ta, thay vì thú tội rằng mình đã tự nguyện trở thành một tên hải tặc. Trong bất kỳ trường hợp nào, đồng tính luyến ái có vẻ là một thói tục thong thường trong các nhóm hải tặc. Hai mươi hai văn thư đệ trình từ Quảng Đông giữa các năm 1796 và 1800 liệt dẫn 50 trường hợp của hành động như thế. (67)
Các thủ lĩnh hải tặc cũng dùng quà tặng bằng tiền và vũ khí để khuyến dụ các kẻ được tuyển mộ gia nhập với chúng. Một quan sát viên báo cáo rằng các hải tặc đã cung cấp cho các thanh niên dọc bờ biển “tiền bạc để trợ giúp gia đình họ” (an-chia-yin: an gia ngân?) và theo cách này đã quyến rũ chúng ra biển. Trong năm 1797, Đầu Lĩnh Mai Ying-pu đã trao cho Liu Ya-chiu (Lưu Á Cửu) bốn quan tiền (yuan)bằng bạc ngoại quốc để gia nhập với ông ta, và Lưu Á Cửu đã trả cho Fu Pang-chinh ba đồng nguyên (yuan). Mạc Quan Phù đã cố gắng không thành công trong việc tuyển mộ đứa em trai của anh ta với lời hứa trả 100 quan tiền (yuan) bằng bạc ngoại quốc. (68) Chính xuyên qua các khoản tặng dữ như thế mà các thuộc hạ của Lin Shuang-wen, kẻ cầm đầu cuộc nổi dậy ở Đài Loan bị trấn áp vào mùa xuân năm 1788, đã gia nhập vào các tổ chức hải tặc sau khi chúng bỏ trốn sang Việt Nam. (69)
Sự liên kết với Tây Sơn đã đem lại cho các thủ lĩnh hải tặc các phương tiện khác để thu nhận kẻ bên ngoài vào các tổ chức của họ. Thẩm quyền ban cấp địa vị xuyên qua sự chuẩn cấp các tước hiệu được thừa nhận bởi chính quyền đã là một công cụ tuyển mộ quan trọng, và là một khí cụ trợ lực một cách lớn lao cho sự tiến triển của giới hải tặc khắp thế giới biển cả. Cách thức này khởi đầu trong một lối đi nhỏ, với Trần Thiên Bảo.
Như kẻ đứng đầu trong số những người ngang nhau (primus inter pares trong nguyên bản, chú của người dịch] giữa các thủ lĩnh hải tặc, ông ta được ủy quyền để tuyển mộ các đầu lĩnh khác, và trong cách đã sẵn được mô tả, đã khuyến dụ Lương Văn Canh, Phan Văn Tài, Mạc Quan Phù, Trịnh Thất gia nhập nhà Tây Sơn. Vào khoảng thập niên 1790, các thủ lĩnh hải tặc tương lai đã tự mình tiếp xúc với họ Trần, tìm kiếm sự chấp thuận của ông để tạo lập các nhóm. Các thủ lĩnh hải tặc nhiều khát vọng đã sử dụng sự cho phép như thế đề đạt được tư cách hợp pháp cho chính họ và sự thừa nhận cho tố chức của họ. Một thí dụ được nêu ra, trong tháng Ba năm 1796, bốn người đang làm việc như những thợ làm thuê tại Giang Bình đã tiếp xúc với họ Trần, người trao cho chúng một “di chiếu: chiếu chỉ của giống man di” [“barbarian permit: i-chao”, tiếng Anh và Hoa ngữ trong nguyên bản, chú của người dịch] đủ khiến chúng trở thành các thủ lĩnh, đóng thuyền, và tuyển mộ các đồng bọn. Tháng kế đó, chúng ra khơi với 109 người và tám chiếc thuyền. (70) Tương tự, khi Feng Ya-szu, người gốc huyện Ngô Xuyên (Wu-ch’uan), tỉnh Quảng Đông, đánh cá tại Giang Bình, muốn trở thành một hải tặc, anh ta đến gặp Trần Thiên Bảo và được giao cho hai văn kiện cho phép anh ta được gia nhập với thủ lĩnh Fan Kuang-shan. (71)
Giống như nhà Tây Sơn sau này đã mở rộng cách thức này và ngày càng ban cấp thường xuyên hơn các tước hiệu, quân hàm, và “giấy phép họat động” cho các kẻ cộng tác đáng tin cậy nhất của họ, các thủ lĩnh hải tặc cũng bắt đầu làm theo sự dẫn dắt của họ bởi việc cấp phát cho thuộc hạ các văn kiện thừa nhận. Các kẻ tiếp nhận may mắn dành được uy tín gia tăng cho chính mình và sự phê chuẩn chính thức cho các tổ chức mà họ thành lập. Thí dụ, Mạc Quan Phù, sau khi thành công trong việc tấn công hải tặc Phúc Kiến tên Huang Sheng-chang và hạ sát 600 bộ hạ của y, đã được phong bởi nhà Tây Sơn tước Đông Hải Vương: Vua Biển Đông (“Tung-hai-wang: King of the Eastern Seas”) . (72) Việc này hiển nhiên chuyên chở cùng với nó thẩm quyền ban cấp chức tước cho thuộc hạ, bởi khi Trương Á Lục (Chang Ya-liu) và mười bạn của anh ta bị bắt giữ bởi ông Mạc và đồng ý gia nhập lực lượng của ông ta, họ Mạc trước tiên phong cho anh ta làm “đầu mục” hay thuyền trưởng (t’ou-mu), và sau này làm “chủ tầu: boss” (lao-pan: lão bản) (73)
Do đó, một kết quả của sự bảo trợ của Tây Sơn đã tạo ra một nhóm hải tặc với sự phức tạp lớn hơn rất nhiều. Trong khi những băng nhóm trước đây được động viên cho các mục đích của cuộc cướp phá tạm thời trên căn bản “một thủ lĩnh, một phe nhóm,” các thủ lãnh hải tặc có khả năng nhất (tao-shou hayta-tao-shou) giờ đây bắt đầu có được sự kiểm soát trên các ông chủ thấp hơn (hay thuyền trưởng, t’ou-mu) và chủ tầu (boss) (hay người chủ chiếc tàu, lão bản: lao-pan), kẻ kế đó tuyển mộ băng đảng của riêng mình.
Người xây dựng thành công nhất thành công nhất trong số các kẻ kiến thiết tổ chức mới này là thủ lĩnh hải tặc Trịnh Thất. Ngay từ năm 1795, anh ta và các phụ tá là Huang Ta-hsing (Hoàng Đại Hưng) và Ch’en Ch’ang-fa (Trần Trường Phát) đã thành lập một nhóm hoạt động bên ngoài Giang Bình, và đã tích cực ở cả Việt nam lẫn tỉnh Quảng Đông. (74) Từ đó, anh ta đã vươn ra nhiều hướng, cho đến khi lên đến cực điểm, anh ta có ít nhất chin nhóm khác nhau nằm dưới sự chỉ huy của anh ta. Đồng nghiệp của anh ta, Mạc Quan Phù cũng thành công không kém, đã xây dựng một lực lượng gồm 17 chiếc thuyền và 1,000 người vào năm 1796.
Song, tổ chức của Trịnh Thất, được trình bày nơi Hình 1, bao gồm các đơn vị bí mật, mỗi đơn vị trong chúng nối kết trực tiếp với anh ta xuyên qua sự gắn bó của lòng tin tưởng cá nhân. Các đơn vị như thế lần lượt có khuynh hướng được tổ chức theo hàng dọc, với thẩm quyền chạy từ trên thượng tầng xuống và lòng trung thành từ dưới cùng đi lên. Các sự liên hệ hàng ngang liên kết các nhóm cho hoạt động hợp tác thì nhỏ hẹp và khó phát triển. Mỗi nhóm giao tiếp với thủ lĩnh của nó trên căn bản một-đối-một, và ít có nỗ lực để nối các nhóm trong thực chất hãy còn độc lập vào thành các đơn vị liên kết theo hàng ngang, tinh vi hơn. Ở giai đoạn này các băng nhóm hải tặc, dù có to lớn, vẫn còn mang dáng vẻ gần giống như các nhóm nhỏ mà từ đó chúng đã khởi sinh.
Duy trì các sự liên kết này lại với nhau đòi hỏi các thủ lĩnh lôi cuốn và hiểu biết có khả năng gìn giữ thuộc hạ. Bởi vì các sợi dây ràng buộc thủ lĩnh và các bộ hạ được đặt trên các sự liên minh cá nhân trực tiếp, và sự gắn bó của nhóm bắt nguồn từ thượng tầng, mối bận tâm chính của mọi thủ lĩnh là thu đạt được lòng trung thành xuyên qua sự tạo lập các mối tương quan cá nhân, hay điều mà người Trung Hoa gọi là quan hệ: kuan-shi.
Bảng 1
Hơn nữa, dưới sự bảo trợ của Tây Sơn, các thủ lĩnh này đã có thể mở sự tiếp xúc với nhóm khác và trở nên quen thuộc với việc hợp tác trong các công cuộc chung. Trong tháng Chín năm 1801, thí dụ, Trịnh Thất và Mạc Quan Phù đã mạnh bạo liên kết lực lượng để phóng ra một cuộc tấn công bất ngờ vào m(ột đồn quân tại huyện Ngô Xuyên (Wu-ch’uan), suýt dẫn đến sự đầu hàng của đồn này. Một thiếu úy (pa-tsung) đảm trách việc phòng thủ đồn mang đại bác xuống bờ biển, xây dựng một công sự và làm thành một phòng tuyến đương cự hải tặc. Mặc dù binh sĩ của ông ta muốn bỏ chạy, chúng đã chống trả trước đợt tấn công kịch liệt nhất của hải tặc, là các kẻ sau hết đã rút lui. Tức giận nhưng không sờn lòng, các hải tặc sau đó đã tự cải trang thành các dân làng và bò đến phía sau đồn. Trong trận đánh kế tiếp, chúng đã hạ sát viên thiếu úy và đem bêu xác anh ta. (75)
Hai ngày sau đó, Trịnh Thất liên kết lực lượng của anh ta với ba thủ lĩnh khác, Wu-shih Erh, Trịnh Nhất (Cheng I) và Mạc Quan Phù, để chiếm đoạt toàn thể hạm đội 18 chiếc thuyền chở muối từ hải cảng Shui-tung (Thủy Đông), huyện Tien-pai, tỉnh Quảng Đông. Tương tự, vào tháng Mười Hai năm 1801, một lực lượng gồm 30 chiếc thuyền buồm dưới sự chỉ huy của Trịnh Thất và các thủ lĩnh hải tặc khác đã phong tỏa hải cảng Shan-mei (Sơn Mỹ), huyện Hai-feng. Sau khi khuất phục được sự kháng cự của nhóm lính đánh thuê (hsiang-yung: braves *) của quan chức phụ trách muối [diêm quan?] (* hsiang-yung: đơn vị nhỏ các lính đánh thuê đặc nhiệm, được triệu tập để đối phó với tình trạng khẩn cấp ở địa phương. Họ thường được tuyển dụng bởi quan án sát huyện, mặc dù trong các thời kỳ thúc bách lớn lao, họ cũng có thể được thuê mướn bởi giới thân hào địa phương. Sự thuê mướn các đơn vị như thế thường chỉ được áp dụng nhiều nhất khi mà các lực lượng chính quy bị chứng tỏ là không thể đáp ứng được một tình hình hay cơn khủng hoảng nào đó), chúng cũng đã tịch thu 18 chiếc thuyền muối, cùng với năm chiếc thuyền đánh cá đi kèm với các thuyền này. (76)
Sự bảo trợ của Tây Sơn đã nâng cấp một cách ngoạn mục các kỹ năng chiến đấu của hải tặc đã tham gia chiến trận. Nơi đó chúng đã thu hoạch được các kinh nghiệm quý báu khi đương đầu với một đối thủ trực diện, phát triển một mức độ kỷ luật, và học cách sử dụng vũ khí và kháng cự trên biển. (77) Chúng không còn là các kẻ ngoài vòng pháp luật chuyên đánh phá cướp bóc nữa. Sự bảo trợ của Tây Sơn đã tạo ra các hải tặc với kế hoạch, các hải tặc học cách lien kết các lực lượng và lái thuyền mỗi mùa xuân sang Quảng Đông và trở về Việt nam vào mỗi mùa thu. Hơn nữa, giờ đây hoạt động với một thời khóa biểu ít nhiều cố định, chúng cũng đã có thể hợp tác với các thổ phỉ trên bờ. Như viên chức nhà Thanh, Wei Yuan [Ngụy Nguyên], than phiền sau này, “Khi chúng ta đánh nhau với hải tặc, khi đó quân thổ phỉ địa phương cướp bóc một cách thản nhiên; và khi chúng ta đánh nhau với quân thổ phỉ, các hải tặc đến trợ giúp chúng.” (78)
Có lẽ đặc ân lớn lao nhất trong tất cả mọi điều là, trong khi cấp quyền chiến tranh cho các tư nhân, nhà Tây Sơn đã hợp thức hóa tình trạng hải tặc, và từ đó đã biến đổi một cách triệt để vị thế của các kẻ hoạt động trong thế giới tội phạm, nâng cấp chúng từ “tầng lớp cặn bã của biển cả” thành “các thủy thủ trong hải quân của một Quốc Vương.” Đột nhiên, các vụ cướp phá trắng trợn nhất, bởi chúng được tiến hành nhân danh Hoàng Đế Việt Nam, đã trở thành các công tác hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền. Hậu quả, giới hải tặc giờ đây thu hút các kẻ khác từ thế giới biển cả, những người nhìn nó như một cách tiến thân, không chỉ về mặt kinh tế, mà cả về mặt vị thế, quyền hành và uy tín. Đối với những kẻ đã trở thành hải tặc, sự gia nhập vào tầng lớp thượng lưu của xã hội nằm quá lãnh vực khả hữu; chúng có thể mong đợi sống một cuộc đời của những kẻ “không là gì hết”, bị dằn vặt bởi các nhu cầu và sự bóc lột của các thượng cấp. Nhưng trong tình đồng đạo hải tặc, tầng lớp hạ lưu này đã có một cơ hội thăng tiến xã hôi. Xuyên qua các nỗ lực của riêng mình và chiến công quân sự, chúng có thể trở thành “một kẻ nào đó”. Chúng có thể nhận được cấp bậc, danh dự, và sự thừa nhận, và dành đạt được uy tín đã từ khước chúng ở trên bờ. (79)
Vì lý do này, sự ban cấp tước vị đã là một phần liên hợp của sự hấp dẫn của Tây Sơn đối với các hải tặc tuyển mộ. Từ quan điểm của Tây Sơn, điều đó thì hấp dẫn như là một phương cách không tốn kém để tưởng thưởng cho hoạt động. Nó cũng có thể được dùng như một cách để chỉ định loại công việc mà các hải tặc có thể làm ở nơi nào đó, như trong bản khắc ấn tín mà Lo Ya-san nhận được, mang các chữ “Quản Thủ Quế Bì Sơn: Kuan-shou kuei-p’i shan” (Control and Defend Cassia Bark Mountain) (80) Nên nhớ rằng tước hiệu của Trần Thiên Bảo qui định cụ thể rằng ông là tổng binh của đơn vị Shan-ts’ao.
Các tước vị của Tây Sơn xem ra có hai loại – loại phong tước và loại phong cấp bực quân sự -- và nhiều hải tặc sau hết có được tước vị của cả hai loại. Trần Thiên Bảo vừa là một tổng binh vừa là một hầu tước, và Mạc Quan Phù vừa là một tướng quân, vừa mang tước Đông Hải Vương.
Các tước phong vị thế thường được ban cấp nhiều nhất là tước Vương và Hầu Tước, thường có các mỹ tự hào nhoáng kèm thêm. Chính vì thế, T’an A-chao là “Vua Làm Êm Sóng Biển: Bình Ba Vương: (P’ing-po wang), và Liang Kuei-hsing là Hầu tước Với Đức Độ Toàn Vẹn: Marquis of Total Virtue.” (81) Các chức vị quân đội cao cấp là Đô Đốc và Đại Ty [Tư?] Mã (master of the horses). Ngoài cấp bực tướng lữ đoàn (tổng binh: tsung-ping), các cấp bậc chỉ huy khác là đại nguyên soái (ta yuan-shuai: generalissimo), phó đại nguyên soái (phục đại nguyên soái: Fu ta-yuan-shuai) và phó tướng. Wu-shih Erh là “Phó Tướng Bình Định Biển Cả: Ninh hải phục tướng quân” (Ning-hai fu-chiang-chun), và Cheng Liu-t’ang giữ tước hàm “Binh Bộ Thượng Thư [?]: Military Minister.” (82) Lương Văn Canh và Phan Văn Tài gia nhập Tây Sơn lần lượt với cấp phó tướng (thiện tổng: ch’ien tsung) và chỉ huy (chih-hui). Các băng đảng cá biệt được lãnh đạo bởi “đầu mục”, “trưởng thuyền” (boss) hay “chủ tàu: lão bản” (lao-pan) (skipper). Nên nhớ nỗ lực của Ta6y Sơn để chuyển các lão bản hải tặc thành các “tướng chỉ huy thuyền buồm đen” (ô tào tổng binh: wu-ts’ao tsung-ping).
Khó có khảo chứng hơn về tầm mức ý thức hệ theo đó các hải tặc đã giao kết với lý tưởng của Tây Sơn. Là các kẻ cướp bóc của Giang Bình trở thành thủy thủ của Bắc Việt [Đông Kinh trong nguyên bản, chú của người dịch], có thể là một số người trong chúng đã nhìn mục tiêu của Tây Sơn muốn chinh phục miền Nam nước Trung Hoa và tái lập lãnh thổ của Bách Việt trước đây cũng phù hợp với các quyền lợi tốt nhất của chúng. Như chúng ta chứng kiến, vị Hoàng Đế Tây Sơn đầu tiên, Quang Trung, có vẻ như đã tiến hành việc tái lập vương quốc cổ xưa này và được biết đã khởi sự việc đóng “các chiến thuyền buồm vĩ đại để vận chuyển các con voi chiến Việt Nam đến thành phố Quảng châu, như bước đầu tiên tiến đến sự tái chinh phục cần thiết các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây”. (83) Ông được nói đã trợ giúp cho Thiên Địa Hội (T’ien-ti-hui) nổi dậy tại tỉnh Quảng Tây với mục đích này trong tâm tưởng. (84) Vị Hoàng Đế đã băng hà trước khi các thớt voi của ông có thể đến được thành phố Quảng Châu, và sự tái sáp nhập miền Hoa Nam trong bất kỳ trường hợp nào đã chỉ là một giấc mộng tan thành mây khói. Nhưng giả định rằng kế hoạch này được truyền tới tai hải tặc, nó có thể mang lại một duyên cớ để tập hợp.
Trong sự thiếu sót của các nhật ký hay các bản tường thuật khác được viết bởi chính các hải tặc, gần như không thể chứng thực được động lực của chúng trong bất kỳ sự việc nào. Song có vẻ như sự gia nhập Tây Sơn đã có một ảnh hưởng đến việc mở rộng khuôn khổ của hải tặc từ một phương cách sinh tồn tạm thời sang một loại sách lược lưu động [xã hội] đối với các kẻ nhiều tham vọng hơn trong số người bị đóng cửa khỏi các chức nghiệp uy tín trên đất liền. Đối với đa số, chắc chắn động lực vẫn là kinh tế như muôn thủa, nhưng một số kẻ, đặc biệt những người sau này trở thành các lãnh tụ, hẳn đã bị lôi cuốn bởi các cơ hội mang lại địa vị, và một số ít còn có thể đã hứng khởi bởi cơ hội chiến đấu cho một chính nghĩa cao cả.
Trong việc cung cấp một kinh nghiệm theo đó chúng có tể rút ra để tạo lập các hiệp hội lớn hơn và phức tạp hơn, nhà Tây Sơn đã giúp cho các ngư phủ-hải tặc bước được một bước tiến quan trọng trong sự biến thể của chúng. Mặc dù thời hạn của hải tặc lặt vặt, cá nhân, độc lập không có cách chi bị chấm dứt, vào khoảng giữa thập niên 1790, các kẻ hoạt động bán thời gian ngày càng bị che phủ bởi các người chuyên nghiệp, những kẻ mà hoat động cướp biển đã thành một chức nghiệp toàn thời gian. Không có cuộc khởi nghĩa ở Việt Nam, các quân cướp biển lặt vặt có lẽ vẫn không gì khác hơn các “quân cướp vất vưởng” tại những hòn đảo ngoài khơi. Ngay chính các viên chức nhà Thanh cũng phải đi đến việc thừa nhận rằng chính sự bảo trợ của nhà Tây Sơn, hơn bất cứ yếu tố nào khác, đã cho phép hải tặc vươn lên đến quy mô mà chúng đã đạt được hồi cuối thế kỷ thứ mười tám và đầu thế kỷ thứ mười chín.
Kết quả là một hệ thống hải tặc đã được thiết lập vững chắc trong thế giới biển cả đến nỗi ngay cả sự thất trận của Tây Sơn cũng không tiêu trừ được nó. Các hải tặc một cách đơn giản, đã được tố chức quá hoàn chỉnh để có thể tan biến một cách vô hình vào lại trong xã hội mà từ đó họ đã ra đi. Chính vì thế, sự thất trận của Tây Sơn, giống như sự thăng tiến của nó, hiển hiện như một khúc rẽ quan trọng trong sự tiến hóa của hải tặc Trung Hoa. Bởi, bị tước đoạt nơi trú náu ở Việt Nam, phương sách duy nhất của hải tặc là quay trở về nhà. Một khi vượt qua biên giới trở lại Trung Hoa, sự sống còn của chúng như các đối thủ của nhà nước trong một môi trường ngày càng thù nghịch sẽ tùy thuộc hầu như hòan toàn ở khả năng của chúng để phát triển các hình thức mới cho sự lãnh đạo và tổ chức. Nhưng vào năm 1802, với sự mất mát các tổng hành dinh chính yếu và ba trong số các thủ lĩnh quan trọng nất, viễn ảnh của chúng xem ra không có gì là quá tốt đẹp./-
____
Về các niên hiệu Trung Hoa và các nguồn tài liệu:
Các sự trích dẫn từ các sưu tập tài liệu được theo sau bởi một nhật kỳ gồm năm trị vì, tháng và ngày âm lịch theo lịch Trung Hoa. Thời trị vì của vua Càn Long (Ch’ien-lung 1736-95) được viết tắt là CL. Thời trị vì của vua Gia Khánh (Chia-ch’ing, 1796-1820) được viết tắt là CC; và thời trị vì của vua Đạo Quang (Tao-kuang, 1821-50) được viết tắt là TK. “CL 58 viii 11” vì thế sẽ được đọc là thời Càn Long, năm thứ 58, tháng 8, ngày 11. Dấu hoa thị (*) bên cạnh tháng để chỉ có tháng nhuận tiếp theo sau nó. Chữ “E” để chỉ một văn bản được đính kèm theo tài liệu gốc. Về các tác phẩm chỉ được trích dẫn một lần, thông tin liên hệ đầy đủ được gồm trong chú thích. Các tác phẩm khác được trích dẫn theo thể rút gọn. Về đầy đủ danh tính tác giả, nhan đề, và các dữ kiện ngày và nơi xuất bản các tác phẩm đó, xin xem nơi Tài Liệu Tham Chiếu Đã Trích Dẫn (Peferences Cited), các trang 220-26 [trong nguyên bản]. Các chữ viết tắt khác dùng trong các Chú Thích này được liệt kê như sau:
“CanCon” [Canton] Consultations and Transactions of the Select Committee of Resident Supercargoes Appointed by the Honourable Court of Directors of the United East India Company to Manage Their Affairs in China Together with the Letters Written and Occurrences.” Factory Records G/12/100 – G/12/174, March 1791 to January 1811, India Office, London.
CHFC Yuan Yung-lun, Ching hai-fen chi (Tài liệu về sự bình định các hải tặc), 2 chuan (quyển), Canton, 1830.
CP Chu-p’i tsou-che (Sưu tập các sắc dụ), First Historical Archives, Bắc Kinh
CSK Ch’ing-shih kao (Thanh Sử Cảo: Bản thảo lịch sử triều Thanh), biên soạn bởi Chao Erh-Hsun, 536 chuan, Bắc Kinh, 1927-28.
CSL Ta Ch’ing li-ch’ao shih-lu: Đại Thanh Lịch Triều Thực Lục (Tài liệu xác thực về
các thời trị vì liên tiếp của nhà Thanh): Muken, 1937. 4,485 chuan, Taipei, 1964.
CSLC Ch’ing-shih lieh-ch’uan: Thanh Sử Liệt Truyện, So chuan, Shanghai, 1928.
ĐNCB Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện Nhà Tây Sơn, Saigon, 1970. (Một ấn bản in lại các liệt truyện thời Tây Sơn từ bộ Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, với chữ Việt và chữ Hoa trên các trang đối chiếu nhau.)
ĐNTL Đai Nam Thực Lục, 20 quyển, Tokyo, 1961. (Ấn bản bìa cứng này bao gồm cả Đại Nam Thực Lục Chính Biên và Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện.) Các vi phim của nguyên bản có trữ tại thư viện Trường Viễn Đông Bác Cổ, ký số A27, số 73, và A 35, số 94.
HSHC (1) Hsiang-shan hsien-chih (Hsiang-shan huyện chí), biên soạn bởi Chu Huai, 8 chuan, 1827.
HSHC (2) Hsiang-shan hsien-chih, biên soạn bởi T’ien Ming-yao, 22 chuan, 1879.
KCFC Kuang-chou fu-chih (Địa phương chí thành phố Quảng Châu), 1879, biên soạn bởi Tai Chao-ch’en, 163 chuan, Taipei, 1966.
KCT Kung-chung tang (Văn Khố Ngoại Giao Cung Điện Nhà Vua). Bảo Tàng Viện Cung Điện Quốc Gia (National Palace Museum), Taipei. Chữ “E” theo sau số văn thư chỉ là phần đính kèm theo văn thư đó.
KTHF Kuang-tung hai-fang hui-lan (Khảo sát sự phòng thủ biển tỉnh Quảng Đông), biên soạn bởi Ku K’un và Ch’eng Hung-ch’ih, 42 chuan, không ghi năm xuất bản.
KTTC Kuang-tung t’ung-chih (Quảng Đông tổng chí: Bách khoa từ điển tỉnh Quảng Đông), biên soạn Juan Yuan, 334 chuan, 1822.
LF Chun-ch’i-ch’u tsou-che lu-fu (hồ sơ tham khảo Đại Hội Đồng Nội Các), First Historical Archives, Văn Khố Lịch Sử Thứ Nhất, Bắc Kinh.
NHHC Nan-hai hsien-chih (Nam Hải huyện chí), 1872, biên soạn bởi Cheng Meng-yu, 26 chuan, Taipei, 1971.
NYC Na-yen-ch’eng, Na-wen i-kung tsou-i (Tuyển tập tưởng nhớ Na-yen-ch’eng), 1834. Taipei, 1968.
STHC (1) Shun-te hsien-chih (Shun-te huyện chí, 1853), biên soạn bởi Kuo Ju-ch’eng, 32 chuan. Taipei, 1974.
STHC (2) Shun-te hsien-chih (Shun-te huyện chí, 1929, biên soạn bởi Ho Tsao-hsiang, 24 chuan. Taipei, 1966.
SYT Shang-yu-tang fang-pen (Sổ ghi chép sắc dụ triều đình, mẫu dài). National Palace Museum, Taipei.
TKHC Tung-kuan hsien-chih (Đông Quan huyện chí, 1921), biên sọan bởi Yeh Chueh-mai, 102 chuan. Taipei, 1969.
CHÚ THÍCH:
- Maybon, các trang 183-85.
- Woodside, các trang 3, 52, 57.
- Lê Thành Khôi, các trang 288-302.
- Maybon, các trang 290-93; 297-98.
- Woodside, các trang 2-3; Maybon, các trang 297-99. Các bài viết chi tiết về cuộc viễn chinh của Trung Hoa sang Việt nam trong các năm 1788-89, xin xem Trương Bửu Lâm, các trang 165-79; và Suzuki, “Kenryn Annan,” trang 102.
- Giống như nhà Tây Sơn, phe chúa Nguyễn cũng tuyển mộ hải tặc Trung Hoa làm kẻ được cấp quyền chiến tranh, nhưng sự bảo trợ của họ có vẻ hoặc không quá sâu rộng hay quá quan trọng như Nhà Tây Sơn. Một thí dụ về sự bảo trợ của chúa Nguyễn cho các hải tặc Trung Hoa xảy ra khi Nguyễn Phúc Ánh, trở về Việt Nam sau lần lưu vong thứ nhì tại Xiêm La, đã được trợ giúp bởi Hà Hỉ Văn (Ho His-wen), “hải tặc tai tiếng sinh quán ở Tứ Xuyên, và là hội viên của Thiên Địa Hội.” Woodside, trang 17. Hà Hỉ Văn đã đến tiếp xúc trước với Phúc Ánh khi hạm đội của ông thả neo ngoài khơi đảo Côn Sơn (Poulo Condore Island) và Nguyễn Phúc Ánh đã chấp nhận sự bảo vệ của ông ta. Vào tối hôm 13 tháng Tám năm 1787, ủy thác mạng mình cho sự trong nom của hải tặc đỡ đầu, Phúc Ánh đã xuống tàu đi về Long Xuyên. Tại đó ông khởi sự tập hợp binh sĩ để phát động sự trở về của ông và trong tiến trình có tuyển dụng một vài thủ lĩnh hải tặc khác cùng thuộc hạ của họ vào phe của ông. Maybon, trang 223. Tiểu sử chính thức của Hà Hỉ Văn được ghi trong Đại Nam Chính Biên, 28; 7ff. Các bằng cớ khác cho thấy chúa Nguyễn đã bảo trợ cho các hải tặc, và còn bắt chước Tây Sơn trong việc cấp phát ấn tín và bằng sắc, được cung cấp bởi các nguồn tài liệu Trung Hoa. Một số hải tặc bị bắt giữ tại các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến trong năm 1796 và 1797 có mang trong mình các ấn tín khắc các chữ “được cấp bởi Gia Hưng Vương (Chia-hsing-wang) và Chiêu-Quảng Vương (Chao-kuang wang).” KCT 002012, C2 ii 14. Theo lời khai của các hải tặc bị bắt giữ này, hai ông “Vua” là những “thủ lĩnh thổ phỉ phe chúa Nguyễn” tại Đồng Nai và Trấn Ninh, là các người đã cấp các văn kiện này cho chúng. KCT 001848, CC2 I 16; KCT 002051, CC2 ii 20.
- Sự tường thuật về Tập Đình (Chi T’ing) và Lý Tài (Li Tsai) phục vụ trong quân đội Tây Sơn được rút ra từ Maybon, các trang 185, 186, 189; và ĐNCB 30: 4, 4b, 5b, 6b, 8, 9-10b.
- Phần tường thuật theo sau dựa trên lời cung khai của Trần Thiên Bảo và Liang Kuei-hsing, LF 3855, LF 3857; và KCT 008517, CC7 vii 14.
- Woodside, trang 3; Lê Thành Khôi, trang 311.
- Lê Thành Khôi, các trang 309, 311; Deveria, trang 48.
- Deveria, trang 48; Wei Yuan, 8: 24b-25; TKHC 26: 5b; TKHC 33: 21b-22; ĐNTL 6: 5b.
- Maybon, các trang 308, 319.
- Cùng nơi dẫn trên, các trang 310-12; ĐNTL 6: 5b, 7; Wei Yuan, 8: 24b-25; TKHC 33: 21b-22. Ngoài việc có một hải cảng tuyệt hảo, Qui Nhơn có một tầm quan trọng biểu trưng, bởi nó là địa điểm của kinh đô nước Chàm cổ, Phật Thệ (Vijaya). Nó cũng được gọi là Xà Bàn hay Chà Bàn trong tiếng Việt. Qui Nhơn cũng là kinh đô biểu trưng của nhà Tây Sơn, bởi nó là nơi đặt tổng hành dinh của nhà lãnh đạo có khả năng nhất của nhóm, Nguyễn văn Nhạc. Văn Nhạc, anh cả trong ba anh em nổi dậy, thiết lập quyền cai trị của ông trên các tỉnh từ Quảng Nam tới Bình Định. Ông tư xưng danh là “Trung Ương Hoàng Đế” (Emperor of the Center) và ở lại Qui Nhơn cho đến khi từ trần năm 1792. Maybon, trang 313; Lamb, trang 145.
- Theo các lời cung khai của T’ang Te và Trần Thiên Bảo, LF 3855, LF 3857.
- ĐNTL 9: 20b-21; KCT 003611, CC3 I 13.
- Cung khai của Trần Thiên Bảo, LF 3855.
- Cung khai của Lo Ya-san, LF 3854.
- KCT 005050, CC5 ii 15.
- ĐNTL 10: 3b.
- ĐNTL 10, 38b; Maybon, các trang 324-25. Trong số các kẻ bỏ trốn khỏi phe Tây Sơn tiếp theo sau sự thất trận này có một số các hải tặc Trung Hoa, các kẻ đã lợi dụng lời tuyên bố ân xá, ra đầu thú với các quan chức nhà Thanh và được tha tội và cho đi tái định cư. Về tin tức liên quan đến Phan Văn Tài, xem KCT 008517, CC7 vii 14; và ĐNTL 13: 22b.
- Maybon, các trang 325-28; ĐNTL 10: 39b; ĐNTL 11: 16-16b.
- KCT 004980, CC5 ii 6.
- Maybon, các trang 329-31; Barrow, Voyage, trang 274.
- ĐNTL 12: 10b, 20, 27.
- NYC 13: 66b, CC10 xi 22.
- Wei Yuan, 8: 25b.
- Hummel, trang 255.
- Cùng nơi dẫn trên, trang 233. Muốn biết them về Bạch Liên Giáo, xem Daniel L. Overmyer. Folk Buddhist Religion: Dissenting Sects in Late Traditional China (Cambridge, Mass., 1976).
- NYC 6: 1-79b, CC8 n.d. [không ghi nhật kỳ].
- KCT 004790, CC5 I 20. Chi-Ch’ing là người Mãn Châu thuộc dòng họ Goro được phái xuống Quảng Đông năm 1796 để thay thế cho Tổng Đốc Lưỡng Quảng bị giáng chức, Chu Kuei. Ông đã ở lại đó để đánh nhau với quân hải tặc cho đến lúc từ trần khỏang sáu năm sau đó. (Vào ngày 14 tháng Mười Hai, 1802, ông tự tử bằng cách ấn chai thuốc hít xuống cổ họng của ông trước sự hiện diện của quan tuần vũ của tỉnh). Hummel, trang 584; Morse, 2: 396.
- KCT 005244, CC5 ii 11. Về sự phê bình chính sách này, xem Wei Yuan, 8: 25b.
- Về các sự mô tả sự điều hành hệ thống triều cống, xem John K. Fairbank, chủ biên, The Chinese World Order (Cambridge, Mass., 1968); và Immanuel C.Y. Hsu, The Rise of Modern China (New York, 1970), các trang 174-78.
- KCT 000385, CC1 iv 2.
- Cung khai của Lo Ya-san, LF 3854; Maybon, trang 321.
- Trong số các bản khắc thường xuất hiện nhất trên các sắc phong hải tặc là các chữ “Cảnh Thịnh Tứ Niên” (Cảnh Thịnh Reign Fourth Year). Theo sự điều tra, phía Trung Hoa hay rằng Cảnh Thịnh là niên hiệu trị vì của Hoàng Đế Tây Sơn Quang Toản, lên ngôi năm 1793, và rằng năm thứ tư thời trị vì của ông tức là năm 1796, hay năm thứ nhất của thời trị vì của Hoàng Đế Trung Hoa, Gia Khánh. KCT 002012, CC2 ii 14.
- Annam-tang, trang 23, CC1 viii 3 chiếu chỉ. Trong lời cung khai của mình, Lo Ai-i xác nhận rằng giấy phép của anh ta đến từ Wang Hsin-chang, một hải tặc gốc Quảng Đông đã có đủ quyền lực để tự mình cấp phát ấn tín tại An Nam. KCT 001212, CC1 ix 29; KCT 002636E, CC2 vi 17.
- Annam-tang, các trang 24-28, CC1 viii chiếu chỉ.
- KCT 002334, CC2 iv 16; KCT 002368, CC2 iv 24; CSL 17: 1b-2, CC2 v 1. Về sự tường thuật chi tiết, bao gồm cả lời chứng và lời cung khai của 63 hải tặc, xem KCT 002481, CC2, v 16.
- Trương Bửu Lâm, các trang 165-79.
- KCT 002636E, CC2 vi 17.
- KCT 002767, CC2 v* 16.
- Bỏi vì các nhà cai trị Trung Hoa không thể thực hiện các hoạt động hải quân khả chấp tại các biển dọc duyên hải, họ thường chọn chính sách “hải phòng” (hai-feng) hơn là “hải chiến” (hai-chan) làm trụ cột trong chính sách phòng thủ hải hành. Một lập luận được nêu lên để chống lại một chính sách phòng thủ duyên hải trường kỳ nghiêng về “công’ chứ không phải về “thủ” cho rằng “hải chiến” thì quá tốn kém, cần có các tàu đặc chế vốn đòi hỏi sự tu dưỡng liên tục và các thuyền trưởng có kiến thức và các người lái tàu. Ngoài ra, còn gặp nhiều khó khăn về tiếp vận và sự điều động. Một chiếc thuyền không thể đi khắp mọi nơi. Phần lớn các thuyền chạy trên sông hay ven biển không có khả năng đi biển; các tàu đi biển không thích hợp với vùng nước cạn. Một khi trên biển, thường rất khó để chấm định được nơi có đối thủ hay bố trí hạm đội để giao chiến. Ngay dù khi một đối thủ đã được tìm thấy, phe địch cũng không thể bị giao chiến dưới thời tiết bất lợi. Tính chất phức tạp của địa đư và biển cả mênh mông thường gây khó khăn cho việc gửi quân tăng phái đến. Với sự dễ dàng mà các đối thủ có thể lợi dụng một luồng gió thuận lợi để chuồn mất, các quan chức Trung Hoa tin rằng các trận hải chiến hiếm khi nào được kết thúc rõ ràng. KTHF 25: 7; Ch’eng Han-chang, trang 37b. Thay vào đó, điều đã xuất hiện là một chiến lược tập trung vào các sự phòng thủ và các hang rào cố định (tịnh) để liên lạc, sao cho đối với các thủy lộ nội địa, các đồn lính’, chứ không phải các tàu vũ trang, trở thành các pháo đài trong sự phòng thủ của Trung Hoa.
- Annam-tang, các trang 13 (CC1 ii 1), 23-24 (CC1 viii 3 chiếu chỉ), 37 (CC1 ix 18 chiếu chỉ); KTHF 25: 23b, CL60 xii 20.
- Trong khía cạnh này các vụ án liên can đến các thổ phỉ và quân nổi dậy (và hải tặc) là ngoại lệ. Không có các tôi phạm nào khác lại có thể bị xét xử và hành quyết tại chỗ mà không có sự tham khảo với Bắc Kinh. Derk Bodde, Law in Imperial China (Cambridge, Mass., 1967), các trang 134, 142; Annam-tang, trang 37, CC1 ix 18 chiếu chỉ.
- KTHF 26: 3-4, CC4 ix 5.
- Về sự thảo luận trên chính sách bình định như được áp dụng để đối phó với sự thách đố của hải khấu Wako [gốc Nhật Bản?] hồi thế kỷ thứ 16, xem Charles Hucker, “Hu Tsung-hsiéns Campaign Against Hsu Hai, 1556,” trong tuyển tập Chinese Ways in Warfare (Cambridge, Mass., 1974) do Frank A. Kierman Jr., và John K. Fairbank làm chủ biên, các trang 282-83. Về sự áp dụng chính sách đối đầu với hải tặc Wang Chih, xem Kuan-wai So, Japanese Piracy in Ming China During the 16th Century (East Lansing, Mịch, 1975) các trang 297-304.
- Lập luận cho “sự tha thứ và bình định” được thảo luận một cách có hệ thống trong tác phẩm của Ch’eng Han-chang, các trang 47b-48.
- KTHF 25: 21-22b, CL59 ii 5. Ch’ang-lin, một người Mãn Châu thuộc hoàng tộc, một hậu duệ thuộc bàng hệ của người cha kẻ sáng lập ra triều đình nhà Thanh, Nurhachi. Đầu năm 1793 ông được bổ nhiệm làm tổng đốc Phúc Kiến và Triết Giang, và trong tháng Chín ông được thăng chức làm tổng đốc Quảng Tây và Quảng Đông. Tháng Tám năm 1795 ông bị thuyên chuyển về lại Phúc Kiến và Triết Giang. Ông mất năm 1811. J.L. Cranmer-Byng, chủ biên, An Embassy to China; Being the Journal Kept by Lord Macartney During His Embassy to the Emperor Ch’ien-Lung, 1793-1794 (Hamden, Conn., 1963), các trang 51, 373.
- KCT 004963, CC5 ii 5; KCT 004980, CC5 ii 6.
- KCT 004980, CC5 ii 6; Von Krusenstern, 2: 306-7.
- KCT 005230, CC5 ii 27 chiếu chỉ; CSL 60: 28-28b, CC5 ii 27 chiếu chỉ.
- CSL 68: 22b, CC5 v 25.
- Maybon, trang 336.
- Cùng nơi dẫn trên; ĐNTL 13: 21b; KCT 008517, CC7 vii 14.
- ĐNTL 14: 34b; KCT 005965E, CC6 viii 28.
- CHFC 1: 1b-2b; KCT 007451, CC7 ii 21. Danh từ Szu-ma (tư mã), hay vexillary (người thủ, cầm, giữ hiệu kỳ) như được phiên dịch bởi W.H. Medhurst, bắt nguồn từ Chou-li [?]. Theo S.Y. Teng, trang 88, liang-szu-ma (lương tư mã) phục vụ như một loại tuyên úy, thày giáo hay phán quan trong quân đội, và các viên chức như thế được sử dụng trong phong trào Thái Bình Thiên Quốc cũng như trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Trên danh sách dài liệt kê các phẩm trật của Tây Sơn ghi trong ĐNCB 31: 40b, chức szu-ma (tư mã) được xếp hàng quan tứ phẩm.
- KCT 006453, CC6 x 22; KCT 006211E, CC6 ix 23; SYT 129, CC6 x 8.
- ĐNTL 16: 1-1b; Thư của Laurent de Barisy gửi Công Ty Đông Ấn của Anh Cát Lợi, CanCon, July 31, 1802. ĐNTL nói rằng 100 chiếc thuyền hải tặc Trung Hoa đã tham dự trận đánh này.
- Về sự tường thuật liên quan đến sứ bộ này, xem Trịnh Hoài Đức, Cấn Trai thi tập (Tuyển tập thơ của Cấn Trai, Hongkong, 1962), các trang 129-31. Trịnh Hoài Đức, một hậu duệ của một gia định Trung Hoa di dân từ Phúc Châu, phục vụ nhà Nguyễn với tư cách Thượng Thư Bộ Hộ và đã được ủy nhiệm công tác ngoại giao tại triều đình nhà Thanh trong các năm 1802-3. Cũng xem ĐNTL 18: 5, trong đó có cho biết rằng Trịnh Thất bị chém đầu; và KCT 008978, CC7 x 11.
- KCT 006211E, CC6 ix 23; KCT 006793, CC6 xi 28.
- KCT 000827, CC1 vi 25.
- KCT 005050, CC5 ii 15. Cách thức áp dụng quan hệ thân thuộc giả tưởng không phải là có tính cách chuyên độc của giới hải tặc. Trong thế kỷ thứ 18, Wang Lun, một thủ lĩnh nổi dậy tại Sơn Đông (Shantung), đã sử dụng mạng lưới các giáo phái Bạch Liên Giáo để tạo lập các sự ràng buộc thân thích giả tưởng. Giống như các hải tậc đã kết nạp các thành viên băng đảng mới bằng sự thừa nhận, ông Wang cũng đã biến các đệ tử mới thành “con trai, con gái đỡ đầu” của ông ta, sau rốt đã tạo ra khoảng 20 con cái giả tưởng. Naquin, Shantung Rebellion, các trang 40, 44, 58. Các thành viên của các nhóm thổ phỉ không có liên hệ thực sự thường tuyên thệ kết nghĩa anh em và sau đó xưng hô với nhau như các thân nhân. Một đầu lĩnh thổ phỉ, Wu Ju-wen thuộc vùng biên giới An Huy – Giang Tô, khoe khoang có hơn 100 đứa con trai nuôi. Perry, Rebels, trang 69.
- KCT 005050, CC5 ii 15; KCT008052, CC7 v 12. Việc gả các phụ nữ bắt giữ được cho các thuộc hạ cũng được thi hành bởi các nhóm phi pháp khác. Lãnh tụ nổi dậy trong thế kỷ thứ 18 Wang Lun, thí dụ, khi được đệ trình chiến lợi phẩm là các phụ nữ duyên dáng, có thói quen ban họ cho các thuộc cấp làm các phần thưởng. Naquin, Shantung Rebellion, trang 106.
- James S. Scott, “Patron-Client Politics and Political Change in Southeast Asia,” do Steffen W. Schmidt và các tác giả khác đồng chủ biên, trong quyển Friends, Followers, and Faction: A Reader in Political Clientelism (Berkeley, Calif., 1977), trang 126.
- KCT 000066, CC1 I 21; KCT 001496, CC1 xi 18; KCT 000857, CC1 vii 5.
- KCT 001091, CC1 viii 30.
- Về 22 văn thư bao hàm các sự việc về tình trạng đồng tính luyến ái, xem bảng dưới đây. Mặc dù các tài liệu không xác định động lực cụ thể trong mọi trường hợp, điều đáng ghi nhớ rằng khổ sai thay vì chém đầu là hình phạt được đưa ra cho những kẻ chỉ là nạn nhân. Theo tác giả Withers, trang 224, nạn đồng tính luyến ái cũng phổ biến trong đám quân nổi loạn Thái Bình Thiên Quốc.
Bảng kèm theo Chú Thích số 67
50 Trường Hợp Có Tài liệu về Tình Trạng Đồng Tính Luyến Ái Trong Đám Hải Tặc
Văn Thư trong KCT Số bị truy tố Văn Thư trong KCT Số bị truy tố
000066, CC1 i 21 1 002531, CC2 v 29 1
000137, CC1 ii 9 1 002637, CC2 vi 17 6
000827, CC1 vi 25 2 002723, CC2 vi* 7 2
000857, CC1 vii 5 4 002845, CC2 vii 6 3
001047, CC1 viii 19 3 003347, CC2 xi 2 1
001091, CC1 viii 30 1 003459, CC2 xii 1 1
001092, CC1 xi 1 2 003728, CC3 ii 19 2
001392, CC1 xi 10 2 003749, CC3 ii 29 1
001448, CC1 xi 10 6 004578, CC4 v 10 1
001496, CC1 xi 18 2 004725, CC5 i 11 4
002481, CC2 v 16 3 005050, CC5 ii 15 1
- KCT 001427, CC1 xi 6; KCT 003728, CC3 ii 19; KCT 003749, CC3 ii 29; KCT 008517, CC7 vii 14; KTHF 26: 4, CC7.
- Wen Hsiung-fei, Nan-yang hua-ch’iao t’ung-shih (Nam Dương Hoa Kiều Tổng Sử: Complete history of overseas Chinese: Shanghai, 1929), trang 146. Bản văn của Wen dựa trên tác phẩm Sheng-wu-chi: Thánh Vũ Ký của Ngụy Nguyên (Wei Yuan).
- KCT 002637, CC2 vi 17; lời cung khai của Wu-ya Erh, LF 3854.
- KCT 001804, CC2 i 8; KCT 002637, CC2 vi 17.
- KCT 008715, CC7 vii 14.
- KCT 008978, CC7 x 11.
- KCT 001448, CC1 xi 10.
- Kao-chou fu-chih (Địa phương chí thị trấn Cao Châu), biên soạn bởi Huang An-t’ao (1827), 11: 33b-34; Wu-ch’uan hsien-chih (Ngô Xuyên huyện chí), biên soạn bởi Li Kao-k’uei (1825), 9: 28. Câu chuyện trình bày trong bài này được biên sọan từ các đề mục trong các địa phương chí. Văn thư gửi lên Hoàng Đế liên quan đến sự việc này được viết bởi Tổng Đốc Lưỡng Quảng Chi-ch’ing và khác biệt đáng kể. Theo ông ta, viên thiếu úy, từ đồn nhìn ra ngoài, thấy xa xa vài thuyền hải tặc đang quấy rối các thương thuyền. Vì thế, anh ta cùng bộ hạ ra tìm bắt chúng. Khi các thuyền chèo tay của họ tiến đến gần, binh sĩ đã khai hỏa và hạ sát một vài hải tặc. Các hải tặc mưu toan đỏ bộ lên thuyền chèo của viên thiếu úy, nhưng lại run sợ và bị buộc phải rút lui. Tuy nhiên, chúng vẫn tiếp tục kháng cự sự bắt giữ, và trong khi giao chiến, viên thiếu úy và một binh sĩ bị chết. KCT 005965, CC6 viii 28. Vấn đề được nêu ra là cuộc giao tranh đã xảy ra trên đất liền hay trên biển. Nhiều phần nó đã xảy ra trên đất liền, và câu chuyện thực bị dấu nhẹm trước Hoàng Đế bởi các quan chức ở tỉnh, có thể bị khiển trách khi các biến cố như thế đã diễn ra trong quản hạt thẩm quyền của họ.
- KCT 006111, CC6 ix 23. Hai-feng hsien-chih (Hải Phòng huyện chí), biên soạn bởi Ts’ai Feng-en (1873), 2: 33b.
- Thí dụ, xem KCT 004516, CC4 vi 21; và KCT 003611, CC3 i 13.
- Wei Yuan, 8: 25b.
- Việc ban cấp quân hàm và tước vị được áp dụng một cách rộng rãi bởi các thủ lĩnh thổ phỉ và nổi lọan như một phần trong các nỗ lực tuyển mộ của chúng trên đất liền. Trong năm 1774 thủ lĩnh nổi loạn Wang Lun tại Sơn Đông đã lập ra một hệ thống cấp bậc và tước hiệu để ban cấp các chức vị với quyền lực và uy tín vượt quá tầm tay của các thuộc hạ của ông. Naquin, Shantung Rebellion, trang 58. Phong trào Thái Bình Thiên Quốc (1850-64) áp dụng các phương thức tương tự để ban cấp chức vị trong hàng ngũ riêng của họ, trong đó tước “Vương” (Wang hay King) được dùng để chỉ năm vị lãnh đạo chính của phong trào. Jen We-wen, các trang 80, 102. Về phương thức của Thái Bình Thiên Quốc, cũng xem Winters, các trang 167-68. Rất gần với cung cách mà nhà Tây Sơn đã ban phong cấp bậc cho các hải tặc, Thái Bình Thiên Quốc đã chuẩn cấp các tước vị cho các thủ lãnh dân tộc Niêm (Nien) trong các năm 1860-61. Perry, Rebels, trang 120; S.Y. Teng, các trang 86-89.
- Lời thú nhận của Lo Ya-san, LF 3854.
- CP 1121/03, CC12 i 13; lời cung khai của Liang Kuei-hsing, LF 3857.
- CP 1120/01, CC14 x 29; CP 1121/17, CC15 vii 12; CP 1140/22, CC10.
- Alexander B. Woodside, “The Tay-son Revolution in Southeast Asian History” (Bản sao chụp bài viết cập nhật hóa trong Sưu Tập Watson Collection, Olin Library, Cornell University), các trang 5-6.
- Trương Bửu Lâm, trang 177; ĐNCB 30: 41.
- Trong thực tế phía Trung Hoa đã quy kết hiện tượng này cho hai nguyên ủy: sự bảo trợ của nhà Tây Sơn cho những hoạt động như thế và sự khuyến khích tìm kiếm lợi lộc của Trung Hoa đối với các hải tặc do Việt Nam hậu thuẫn khi, sau năm 1791, chúng hoạt động tại khu vực giữa Giang Bình và Quảng Đông
- Về các thí dụ, xem KCT 001212, CC11 ix 29; KCT 001334, CC11 x 19; KTHF 25: 23, 24; CL60 xii 20; KTHF 26: 1, 5b, CC14 ix 5; Ch’eng han-chang, trang 37; và Wang Chih-I, trang 34.
Các Tác Phẩm Tham Chiếu (References Cited) Trong Chương 3 (bài dịch) này:
Ch’eng Han-chang, “Shang Pai chih-chun teng pan hai-fei shu” (On the handling of pirates by Governor-general P’ai Ling and others), in Ho Ch’ang-ling, ed., cited below, ch. 85: 37-48b.
Deveria, Gabriel, Histoire des relations de la Chine avec l’Annam – Vietnam du XVIe au XIXe siècle, Paris, 1880.
Hummel, Arthur, ed., Eminent Chinese of the Ch’ing Period, 1644-1912. Washington D.C., 1943-44.
Lê Thành Khôi, Le Vietnam, histoire et civilization, Paris, 1955.
Trương Bửu Lâm, “Intervention Versus Tribute in Sino-Vietnamese Relations, 1788-1790,” in John K. Fairbank, ed., The Chinese World Order, các trang 165-79, Cambridge, Mass., 1968.
Lamb, Alastair, The Mandarin Road to Old Hue: Narratives of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the 17th Century to the Eve of the French Conquest, Hamden, Conn., 1970.
Maybon, Charles B., Histoire moderne du pays d’Annam, 1592-1820, Paris, 1919.
Morse, Hosea Ballou, The Chronicles of the East India Company Trading to China, 1635-1834, 5 vols., Cambridge, Mass., 1926-29.
Naquin, Susan, Shantung Rebellion: The Wang Lun Uprising of 1774, New Haven, Conn., 1981.
Perry, Elizabeth J., Rebels and Revolutionaries in North China, 1845-1945, Stanford, Calif.,1980.
Teng, S.Y., The Nien Army and Their Guerrilla Warfare, 1857-68, Paris, 1961.
Von Krusenstern, Adam Johann, Voyage Round the World in the Years 1803, 1804, 1805, and 1806 by Order of His Imperial Majesty Alexander the First, on Board the Ships Nadeshda and Neva, tr. A. B. Hoppner, 2 vols., London, 1813.
Wang Chih-I, “I hai-k’ou ch’ing-hsing shu” (Discusssion of the seaport situation), in Ho Ch’ang-ling, ed., cited above, ch. 85: 33-36b.
Wei Yuan, Sheng-wu-chi (Thánh Vũ Ký), 1846), 14 chuan, 1849.
Woodside, Alexander B., Vietnam and the Chinese Model: A Comparative Study of Nguyễn and Ch’ing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century, Cambridge, Mass., 1971.
PHỤ CHÚ CỦA NGƯỜI DỊCH:
(a): “Được phép để tóc dài,” như văn từ khắc trên sắc ấn, rõ ràng bày tỏ sự khích lệ việc chống đối tục lệ của nhà Thanh, vốn là dân Mãn Châu du mục, nên bắt đàn ông phải cạo đầu phía trước và thắt bím phía sau, hầu dễ dàng khi cưỡi ngựa bắn tên. Lính Mãn Châu vì thế còn được gọi là “liên tử quân: quân thắt bím.” Đây là một biện pháp tâm lý để động viên tinh thần “bài Thanh phục Minh” trong dân chúng Trung Hoa.
(b): Nhìn toàn cảnh, phối hợp với sứ bộ ngoại giao của Vũ Văn Dũng, trong cùng thời gian đó (giữa năm 1792), đương sang Trung Hoa xin cầu hôn và cấp đất đóng kinh đô, chiến dịch sử dụng hải tặc Trung Hoa để đánh phá các tỉnh phía đông nam Trung Hoa này nhiều phần là một biện pháp dùng áp lực quân sự hỗ trợ cho các yêu sách về ngoại giao. Vì thế đây là một chiến dịch phối hợp quân sự – ngoại giao có tầm quan trọng lớn lao của vua Quang Trung, cần đến một sự nghiên cứu thâm sâu sau này. Về sứ bộ của Vũ Văn Dũng, xin xem phụ chú (c) dưới đây.
(c): Về sứ bộ sang Trung Hoa năm 1792 do Vũ Văn Dũng cầm đầu:
Theo tác giả Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, trong quyển Quang Trung Nguyễn Huệ, Anh Hùng Dân Tộc, 1788-1792, do nhà xuất bản Tri tân ấn hành lần đầu năm 1944 tại Hà Nôi, lần thứ nhì năm 1950, và Đại Nam tái bản ở Hoa Kỳ, không ghi nhật kỳ, các chi tiết về sứ bộ này được ghi lại, nơi các trang 329-331, như sau:
“Mà Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập, quyển 30, tờ 41b, cũng chép: “Năm Nhâm Tí (1792), Huệ sai làm biểu sang nhà Thanh, cầu hôn để dò ý vua Thanh, cũng muốn mượn chuyện ấy làm mối khởi binh; nhưng rồi bị bệnh nên không làm trọn được.” Đó là thuyết thứ nhất.
Còn thuyết thứ hai như có chép trong gia phả họ Vũ do Vũ Vĩnh Thứ, cháu ba đời của Vũ Văn Dũng, soạn năm bính ngọ, niên hiệu Tự Đức thứ hai mươi hai (1870) thì đại khái như thế này (1):
Nguyên từ ngày rằm tháng tư năm Quang-trung thứ tư (1791) nhà vua có phái trung-sứ đi từ Phụng-hòang trung-đô (Nghệ An) đem sắc mệnh này cho đại đô đốc Vũ quốc công Vũ Văn Dũng trong khi đang nghỉ giả hạn ở nhà:
[Có nguyên văn bằng chữ Hán và dịch âm, cùng phần dịch nghĩa như sau trong nguyên bản, chú của người dịch]
“Sắc sai Hải Dương Chiêu-viễn Đại Đô Đốc Đại Tướng dực-vận công thần Vũ quốc công được tiến phong chức chính sứ đi sứ nước Bắc kiêm toàn quyền trong việc tâu thừa xin lại hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây để dò ý, cầu hôn một công chúa để chọc giận. Cẩn thận đấy! Cẩn thận đấy! Hình thế dụng binh ở chuyến đi này cả. Ngày khác làm tiên phong chính là khanh đấy. Kính thay lời sắc sai này!
“Ngày rằm tháng tư, năm Quang-trung thứ tư (1791).”
… Nhưng kết cuộc việc Dũng đi ấy ra sao?
Cứ theo như gia phả họ Vũ đã thuật ấy, thì khi vào bệ kiến vua Thanh Kiền [Càn] Long, Vũ văn Dũng có tâu xin hai việc:
Việc thứ nhất là cầu hôn, vì phối sắt là việc quan trọng, Quốc Vương hiện nay đã lớn tuổi, mà hôn nhân chưa định xong bởi chưng trong nước thì toàn là hạng thần tử, các phiên phong láng giềng thì không được quốc vương ưa thích, nên muốn vua Thanh xét tình cho.
Việc thứ hai là xin đất đóng đô, vì lấy cớ rằng Quốc Vương ở một nước hẻo lánh, thủy bộ không tiện mà vượng khí trong nội địa thì hết mất rồi!
Hai việc ấy tâu lên, vua Thanh châu phê giao cho đình nghị.
Nhưng trong khi đình thần nhà Thanh chưa kịp bàn xét thì liền hôm sau, bọn Vũ Văn Dũng nhân được bệ kiến ở Ỷ-lương các, lại dâng tấu chương thứ hai xin vua Thanh ban cho hai tỉnh Quảng đông, Quảng tây làm đất đóng đô và gả một vị công chúa để gây cho nước biên thùy cái phong hóa của Trung quốc.
Hai việc ấy tuy được chuẩn y cả. Nhưng vua Thanh chỉ ưng cho một tỉnh Quảng tây để làm đất đóng đô thôi….
Nhưng sau đó mấy hôm, Vũ Văn Dũng nhận ngay được tin chẳng lành: Vua Quang-trung mất! …” [hết trích]
(d) Về sự bảo trợ của Tây Sơn cho hải tặc Trung Hoa:
1. Cùng trong sách dẫn trên của Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, nơi trang 318, có ghi:
“ Trong Vạn quốc sử ký, quyển IV, trang 8, tác giả Cương bản Giám-phụ có chép:
… “Khi Nguyễn Quang Bình (một tên khác của vua Quang-trung) đã lấy binh lực đoạt được nước rồi, tiêu nhiều, của hết, bèn sai hơn trăm chiếc tàu ô và mười hai viên tổng binh mượn tiếng đi làm lương thực cho quân gia, nhưng thực ra dùng nhiều bọn giặc biển khách làm kẻ đưa đường, cướp bóc những miền Mân (Phúc Kiến), Việt (Quảng Đông, Quảng Tây), Giang (Giang Tô), Triết (Triết Giang), Mãn thanh náo động! các tỉnh tâu trình rằng bắt được giặc biển thấy có những con ấn binh tướng và tổng binh do nước An-nam phong cho. Nhà Thanh có tư việc đó sang hỏi bên An nam: Nhưng nào có hay chính họ Nguyễn (chỉ vua Quang-trung) có dính dáng và biết thừa việc đó!” (dịch).” [hết trích]
2. Trong quyển Một Vài Sử Liệu Về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệbiên soạn bởi Một Nhóm Học Giả, do nhà xuất bản Đại Nam sưu tập từ Tập San Sử Địa và ấn hành tại Hoa Kỳ năm 1992, tác giả Hoàng Xuân Hãn trong bài viết nhan đề Việt Thanh chiến sử, từ trang 129 đến 160, có dịch nguyên văn thiên Càn Long Chinh Vũ An Nam Kí (Bàn ghi việc đánh dẹp An Nam đời Càn Long), tác giả Ngụy Nguyên, trích từ sách Thánh Vũ Kí, quyển thứ sáu, từ trang 45), trong đó có các đoạn nói về sự bảo trợ của nhà Tây Sơn cho quân hải tặc Trung Hoa như sau:
… CƯỚC CHÚ PHẦN DỊCH
(3) Gia Khánh đông nam Tĩnh Hải kí (bài kí chuyện ở bể Tĩnh Hải phương đông nam, đời Gia Khánh (quyển 8, trang 36)
Nước nhà từ đời Khang Hi thứ 22 (1683) đánh Đài Loan dẹp họ Trịnh, rồi năm thứ 24 (1685) mở rộng tuần phòng trên bể thì vùng Mân, Việt, Chiết, Ngô trên vạn dặm bể trời, kình nghê không bóng sóng. Đến đầu đời Gia Khánh (1796), mới có cướp thuyền (Đĩnh đạo) quấy rối. Cướp thuyền này bắt đầu từ khi cha con Nguyễn Quang Bình ở An Nam cướp nước, rồi quân mỏi của hết, bèn vời tụi vong mạng dọc bể, cấp cho binh thuyền, nhử bằng quan tước, sai cướp các thuyền buôn ở gần bể để biện lương thực. Mùa hè tới, mùa thu về, tung tích không lường, làm họa lớn cho đất Quảng Đông.
Sau lại có bọn cướp đất ở bang Phượng Vĩ, bang Thủy Áo cũng phụ vào. Chúng bèn vào sâu trong vùng Mân, Chiết. Cướp đất dựa vào thuyền rợ (; An Nam) làm thanh thế, thuyền rợ cậy cướp đất làm hướng đạo. Trên vài nghìn dặm trên mặt bể ba tỉnh, nếu ta lên bắc thì chúng xuống nam, nếu ta xuống nam thì chúng lên bắc. Nếu ta chống với thuyền, thì tụi cướp đất tung ra cướp, nếu ta đương đầu với cướp đất thì thuyền tới cứu. Vả chăng thuyền rợ cao, to, nhiều súng; có gặp cũng chưa chắc gặp chúng [câu này dịch không rõ nghĩa, chú của người dịch]. Cướp đất giảo quyệt lại có nội ứng; mỗi lúc tạm trốn rồi quay nhóm lại. Mà bấy giờ tụi giáo phỉ ở Xuyên Thiểm vừa dấy. Triều đình vừa chú ý đến tây chính, chưa rảnh để tính việc về hòn đảo. Cho nên thế giặc càng ác liệt.
Đầu đời Gia Khánh (1796), tướng quân Phúc Châu là Khôi Luân, tổng đốc Lưỡng Quảng là Cát Khánh trước sau tâu rằng: “Bắt được giặc bể tàu ô bọn Trần Thiên Bảo, có ấn sắc An Nam tổng binh và Báu ngọc hầu.” Sắc cho An Nam quốc vương Nguyễn Quang Toản tra rồi tâu. Chúng còn bảo rằng quốc vương không biết chuyện.
Năm Gia Khánh thứ tư (1799), vua Nguyễn cũ ở Nông Nại cùng Nguyễn mới giao binh, bắt và đưa đến giặc bể là bọn Mạc Phù Quan. Đều là gian dân nội địa, đã từng chịu An Nam nguy phong tước Đông Hải vương và chức tổng binh. Triều đình mới biết rằng An Nam mắc tội nhóm gian nhả trộm.
Tháng 6, năm thứ 5 (1800), hơn ba mươi chiếc tàu rợ, sáu bảy chục chiếc tàu Thủy Áo và Phượng Vĩ đều nhóm ở vùng Chiết Giang, dọa Đài Châu, chực đổ bộ. Tuần vũ Nguyễn Nguyên, đề đốc Thương Bảo tâu lên. Bèn lấy tổng binh Định Hải trấn là Lý Trường Canh, tổng thống thủy quân ba trấn. Giặc dừng ở Long Vương đường, dưới núi Tùng Môn. Gió bão sấm mưa phát lớn. Thuyền giặc va nhau bị vỡ, bị lật, chúng chết đuối gần hết, chỉ còn một hai thuyền trôi ra ngoài bể. Những đứa lên bờ hoặc bám vào thuyền đắm đều bị quan quân thủy lục bắt. Tụi chịu tước hầu của An nam Luân Quý Lợi và bốn tổng binh đều bị chém. Đem sắc ấn ném trả cho nước nó.
Tàu ô An Nam có hơn một trăm hiệu, tổng binh mười hai người, chia làm ba chi: tiền trung hậu. Mỗi chi có bốn tổng binh. [Các câu này giống y như ở đoạn nói về chiến dịch năm 1792 mà vua Quang Trung đã phái tàu đi sang Trung Hoa tìm quân lương và tuyển mộ thêm “hải tặc” trong bài viết được dịch ở trên, chú của người dịch]. Bọn Luân Quý Lợi là chi hâu. Gặp lúc nước An Nam bị vua Nông Nại Nguyễn Phúc Ánh diệt, chịu phong tước mới, bèn chịu thúc ước của triều đình, đuổi hết tụi gian phỉ trong nước. Từ đó giặc không sào huyệt. Còn tụi ở Mân, thì bị tên cướp Chương là Thái Khiên thu tóm … Sau khi Khiên được thuyền rợ, súng rợ, thì tất cả dư đảng Thủy Áo và Phượng Vĩ đều theo …” [hết trích] . /-
_____
Nguồn: Dian H. Murray, Pirates of The South China Coast, 1790-1810, Chapter 3: The Effects of The Vietnam Rebellion, Stanford, CA.: Stanford University Press, 1987, các trang 33-56.
Các bản dịch khác của Ngô Bắc trên gio-o
© 2007 gio-o
Nguồn: Gio-o