Tim thông tin blog này:

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

Chuyện tôi học tiếng Kh'mer và tiếng Lào.

Trong số ít người, khác với nhiều đồng đội là tôi học tiếng rất sớm và hoàn toàn tự học. Làm nhiệm vụ ở Campuchia nhưng học tiếng Lào trước sau mới đến Kh'mer.

Tháng 10/1978, từ trường HSQ quân khu 5 tôi được điều về Đoàn 578 làm trợ giáo huấn luyện cho tiểu đoàn CPC. Họ là những người từ huyện Vươn Say tỉnh Ratanakiri chạy sang VN lánh nạn sớm nhất từ năm 1975, tất cả là người dân tộc thiểu số như Brâu, Tămpuôn... Ngoài tiếng DT của họ thì hầu hết đều biết tiếng Lào vì ngày xưa tỉnh Stung Treng, Ratanakiri có thời thuộc vể đất nước Lào. Qua công việc cũng như lúc giao tiếp đời thường, tôi học từ họ. Người truyền cảm hứng chính là Thủ trưởng Trần Quảng (bí danh) ngày xưa hoạt động tình báo ở Lào thời đánh Mỹ. Tiếng Lào rất dễ học vì đơn âm và đặt câu na ná như tiếng Việt, nói thế nào cũng hiểu được. Học từng từ rồi ráp thành câu, tôi nhớ mãi là học tiếng đầu: "pho me, ải nọn" - bố mẹ, anh em, câu đầu tiên là "pho me ợi mi khậu niêu hậy lục kinh" - bố mẹ ơi có cơm nếp cho con ăn... Đâu được 3 tháng thì quân Việt Nam mở chiến dịch tổng phản công, thế là xếp lại...
Cuối tháng 12/1979, đơn vị qua đất CPC. Đoàn T2 sau là 5503 đứng chân ở tỉnh Stung Treng. Hết nhiệm vụ trợ giáo, cấp trên bố trí làm thống kê phòng chính trị, tôi từ chối nên bắt làm lính quay viên phục vụ cho thông tin 15w. Chịu đựng 2 tháng, tôi quậy chỉ huy không chịu làm thì cấp trên lại điều tiếp làm việc trái khoáy nữa là cần vụ cho Bộ chỉ huy đoàn. Thời gian rảnh rổi, tôi bắt đầu học tiếng Kh'mer. Dựa theo cuốn cẩm nang nhỏ mà quân đội phát cho lính, những tiếng đơn giản dành cho bộ đội khi tiếp xúc với dân và gọi địch ra hàng. Tôi thực hành bằng cách lân la tiếp xúc với dân và tập nói chuyện với em yêu Sary, phục vụ cho lãnh đạo Bạn. Rồi bắt đầu học thêm chữ KM...
Chán, tôi phản đối kiến nghị tiếp, thế là cấp trên điều xuống tiểu đoàn, phong cho cái chức trung đội phó. Đại đội đóng quân kề bên một bản thì dân ở đó nói tiếng Lào là chính. Ngoài nhiệm vụ truy quét địch, mỗi khi ban chỉ huy cần quan hệ... hay làm công tác phong trào vận động dân, thường phân công tôi. Thế là xài lại tiếng Lào và học tiếp...
6 tháng sau, cấp trên gọi đi tập huấn một tuần về công tác giúp Bạn. Xong, phân công đi huyện khác với quyết định: đội trưởng đội công tác xã. Ở cái xã mới thì dân đa số nói tiếng KM, có 2 phum (thôn làng) là dân tộc Kuôi. Vốn tiếng KM của tôi thì mới biết sơ sơ từ năm trước. Tiếng tăm chưa rành mà xã thì rộng, địch ngoài rừng, địch ngầm trong dân, không biết đường nào mà lần! Khi đại đội ta rút đi khỏi địa bàn, tôi vô cùng lo lắng trước nguy cơ đội có thể bị tấn công xoá sổ. Địch tuyên truyền kích động làm không khí trong xã nặng nề, dân sợ hãi ngờ vực, con gái thì xa lánh... Công việc giúp bạn thì nhiều việc, nào là xây dựng chính quyền đoàn thể, dân quân phum xã làm chỗ dựa...
Để nhanh chóng tiếp cận cán bộ và nhân dân, bắt buột tôi phải ra sức học tiếng KM. Khi có dịp về lại Đoàn bộ, tôi xin được 2 cuốn từ điển KM-Việt và Việt-KM dày cộp của Hoàng Học, lúc về nước tặng lại cho đồng đội nào đó. Phương pháp học của tôi là kết hợp giữa học từ sách với học từ dân. Được chữ nào, câu nào là tôi về ghi lại vào sổ tay bằng chữ việt lẫn chữ KM. Hai năm công tác ở xã này là thời gian tôi học nhiều nhất, sau này chuyển công tác qua mấy xã khác và về cơ quan vẫn tiếp tục tự học nhưng ít dần...
Một lần đi công tác một xã giáp Lào thì dân ở đó nói tiếng Lào, tôi lại học tiếp và thêm học chữ. Ghi chép chữ Lào ra Việt, có khi ghi song ngữ CPC - Lào, dợt luôn hai thứ tiếng. Thấy tiếng Thái giống tiếng Lào nên tôi mon men học tiếng và chữ Thái nhưng chỉ ít thôi coi như dự phòng, biết đâu... Vì công việc không liên quan tới Thái nên tạm dừng chỉ vậy thôi...
Nhớ ngày xưa, thời học tiếng Anh ở bậc phổ thông là môn tôi đầu tư thời gian nhiều nhất. Thôi học thì chữ nghĩa trả lại cho thầy nhưng cái đọng lại là nó tạo nền cho mình dễ tiếp cận ngoại ngữ khác. Và rồi nghiệm ra rằng: biết một ngôn ngữ nào trong khu vực có cùng phông văn hoá thì học sang tiếng thứ hai, thứ ba là chuyện dễ dàng. Biết đến độ tự dưng mình lẩm nhẩm suy nghĩ gì trong bụng không còn là tiếng mẹ đẻ nữa thì biết đã nhiễm sâu tiếng CPC. Cái mà tôi tự hào nhất là dần biết sử dụng thành ngữ dân gian, đỉnh cao ngôn ngữ văn hoá của một dân tộc.
Tự đánh giá 6 năm rưỡi ở CPC, mức đạt được về tiếng KM là có thể nói với cán bộ, dân quân và với dân bất kỳ chuyện gì. Có thể chuyện trò đừa cợt tán dóc với họ trong sinh hoạt đời thường. Có thể đứng nói chuyện với đám đông dân chúng cả giờ liền để tuyên truyền về âm mưu thủ đoạn của ba phái Kh'mer đang chống lại chính phủ CPC và quân VN. v.v... Về chữ, chủ yếu là học để xem tài liệu thu được của địch, ít viết nên khi viết dễ bị sai chính tả. Không đọc được tất cả, nhất là chữ in rất khó xem nhưng đoán được cơ bản trong đó nói gì. Để khuyến khích cán bộ học nên quân đội có phụ cấp một ít tiền Riel tiêu vặt cho người tiếng tiếng, tôi được hưởng mức 2 cao nhất. Còn tiếng và chữ Lào chỉ biết ở mức giao tiếp thông dụng.
Nông nổi tự tin khả năng quá đáng và khinh địchmà tôi xém mất mạng. Có lần, cơ sở mật báo xã bên của tỉnh Kompuong Thom giáp xã tôi có nhiều địch. Tôi báo lên cấp trên và đề xuất cho phép tôi trà trộn với dân trong nhóm người đi về quê cũ để tìm hiểu địch ở đấy. Sau này nghĩ lại ý định thật hoang tưởng vì ai biết tiếng cỡ nào, sống ở CPC bao lâu đi nữa thì không bao giờ nói y như tiếng mẹ đẻ của họ. Địch phát hiện cắt cổ ngay, còn liên luỵ tới dân nữa. May mà cấp trên không duyệt kế hoạch điên rồ ấy..
Trong số anh em chuyên gia giúp Bạn ở tỉnh Sung Treng, theo chủ quan có lẽ tôi và Nguyễn Thanh Sáu là hai người giỏi tiếng KM nhất. Sáu nói lưu loát trong giao tiếp, đúng âm điệu tiếng dân còn tôi không bằng nhưng thành thạo hơn về từ chính trị và chữ. Sáu về nước làm chủ tịch tổ chức hữu nghị các nước ASEAN của Đà Nẵng, nay đã hưu. Còn tôi về nước, không có điều kiện dùng lại nên nay quên gần hết. Cũng tiếc cho cái công sức mày mò bỏ ra của một thời!...












Nhờ học tiếng Thái mà một anh chàng Mỹ khỏi bị rục xương trong nhà tù Thái.

Tóm tắt câu chuyện, tôi được xem qua TV thế này:

Phim tài liệu có thật về anh chàng người Mỹ thích ăn chơi mà sa vào con đường buôn bán ma tuý tổng hợp. Nằm trong đường dây phân phối thuốc lắc ở Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan. Thế rồi, qua mạng Interpol, anh ta bị cảnh sát Thái lần ra tóm được bỏ tù, kết án tử hình.
Anh ta viết đơn gửi cầu cứu đại sứ quán Mỹ can thiệp để khỏi bị tù ở Thái với đời sống khắc nghiệt, phức tạp, có thể chết dần chết mòn trong tù. Nhưng bặt tin, ĐSQ Mỹ làm ngơ. Trong thời gian ngồi tù, anh chơi thân với một bạn tù người Thái biết tiếng Anh hay giúp đỡ nhau. Rồi người bạn đó bị băng tù nhân khác đánh chết, anh ta ray rứt thương cảm bạn mình.
Đến năm thứ 2, ĐSQ cử nhân viên người Thái vào tù để tiếp xúc thì anh ta nóng giận chửi bới anh kia vuốt mặt không kịp, cớ sao ĐSQ bỏ rơi công dân Mỹ. Nhân viên ĐSQ bỏ về, coi như anh tự chặt dứt sợi dây hy vọng. Khi bình tâm lại, anh nhận ra mình sai hoàn toàn. Thế là ảnh nhờ bạn trong tù dạy tiếng và chữ Thái. Tháng nào, ảnh cũng gửi một lá thư bằng tiếng Thái, xin lỗi anh kia. Ban đầu anh chàng Mỹ chỉ viết được 1. 2 dòng chữ như cua bò, sau cứ thế mà thư càng nhiều chữ và đẹp hơn. Anh nhân viên ĐSQ vì giận quá không hồi âm.
Nhưng nhờ kiên trì viết thư đều đặn với lòng chân thành mà một ngày nọ anh nhân viên ĐSQ đến gặp. Từ chỗ hiểu lầm nhau, qua lại dần dần hai người thành bạn. Nhờ vậy, một thời gian sau được toà xem xét giảm xuống còn chung thân. Tiếp nữa anh ta được nước Mỹ can thiệp bằng đường ngoại giao Mỹ-Thái Lan, anh ta được chuyển về ở tù bên nước mình, sau khi đã ở tù bên Thái đã 5 năm.
May mắn hơn nữa là Mỹ tính cứ ở tù những nước chậm tiến, có bạo lực, điều kiện sống tệ hại thì cứ tù 1 năm nước đó bằng 5 năm ở Mỹ. Và nhờ luật pháp Mỹ gia giảm gì đó nữa, thế là anh ta chỉ tù thêm 1 năm là mãn hạn. Nhờ biết tiếng Thái cộng may mắn mà anh ta thoát tù đày lập lại cuộc đời rồi kể lại câu chuyện nói trên.
Ngoài đời, tôi nghĩ lại một người khác mà mình quen là anh chàng người Đức. Trẻ thôi tầm 30 tuổi, đi làm bên nước Đức để dành tiền, năm nào cũng sang Sài Gòn tránh đông 3 tháng. Anh ta đi phượt nhiều nơi, qua nhiều quốc gia. Anh cặp bồ với cô người Việt, hai người nói với nhau bằng tiếng Anh. Mấy năm mà không hề biết tiếng Việt, chỉ chào nói vài tiếng thế thôi. Làm cho tôi không khỏi nghĩ: phải chăng chú người Đức kia quá tự hào về dân tộc Đức đẳng cấp của mình mà không thèm học tiếng nước khác...

Đến thời thế hệ lính chiến trường K đã thay đổi cách viết cũng như xuất bản.

Mục đích chính không nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống theo lối mòn cũ kỹ. Khác xa cái thời ta thắng địch thua, ta dũng cảm địch hèn nhát..., khác xa "Mẫn và Tôi" của Phan Tứ. Cái giá trị là đọc xong nó đọng lại gì trong đó. Lính viết lính xem, ngoài ra là người thân quen và độc giả yêu mến đời lính. Hầu hết những người viết đều xuất thân là lính lác, sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước trở lại làm dân. Viết vì nhớ một thời máu lửa đau thương khổ cực đã qua, nhớ đồng đội xưa. Ai có máu viết lách tí đỉnh, thế là rèn bút trở thành nhà văn nghiệp dư. Họ chả qua trường văn trận bút.

Quay ngược thời gian, tìm lại ký ức rồi như con tằm nhả tơ. Họ thường kể lại theo trình tự thời gian hoạt động của đơn vị, những diễn biến xung quanh mình và đồng đội đã trải qua. Họ viết theo lối nói bỗ bã tếu táo của lính, đời thường hơn thế hệ trước. Có buồn có vui, có thế nào kể thế ấy. Trọng nội dung hơn hình thức diễn tả, ít mơ mộng hoa lá cành. Có hơi hướm văn vẻ, hư cấu chút ít cho nó sinh động thi vị hơn nhưng không ngoài sự thật.
Trí nhớ mai một thì thời gian, không gian, đơn vị, nhân vật... khó lòng chuẩn xác. Nhưng nếu anh nào viết không đúng, tô hồng hoặc bôi đen nhân vật sự kiện, dễ bị đồng đội phản ứng. Thường người viết đã đăng rải rác trên mạng rồi tập hợp biên tập lại in thành sách. Chính vì vậy mà người từng cầm súng khi xem, mường tượng như có mình ở mặt này mặt khác trong câu chuyện đó..

Thương lắm người dân quê xứ Quảng!

Đồ sứ chén bát dĩa ngày nay đẹp và rẻ nhưng có gia đình vẫn còn xài đồ sành cũ còn lại từ thời bao cấp.

(Ảnh từ
Châu Trà
)







"Tôi thường đi đái đêm, mỗi đêm ba bốn lần..."

Bạn Khiem Nguyen có cái tít vui như trên, dựa theo bài hát "Trên bốn vùng chiến thuật" trong Stt này:

Bình luận mà tôi ưng ý nhất:
"Các bài hát trong những giai đoạn lịch sử thương đau, không chỉ cần dỡ bỏ cấm đoán, mà còn nên trân trọng nó như những chứng nhân của lịch sử. Chối bỏ nó cũng là chối bỏ lịch sử."
Từng là bộ đội lớp sau, tôi nghĩ:
Lính bên nào cũng vậy, ngoài trách nhiệm của công dân còn có tình thương với gia đình, bà con, bạn bè... Chiến tranh đã qua rồi thì ai cũng như ai, đều là những thân phận con người trong cuộc chiến. Như bọn tôi thời ở CPC vẫn thường nghêu ngao ca những bài cũ viết về lính VNCH, những lúc vui chơi, những lúc nằm khèo trên võng. Đơn giản chỉ là sự đồng cảm với người cầm súng cùng cảnh ngộ... Chẳng qua là sĩ quan hay người ngoài cuộc đề cao tính chính trị nên quan trọng hoá vấn đề. Chứ lính khi hát chả ai quan tâm đến lý tưởng, đến ai đánh ai, theo cảm xúc và tâm trạng mà ca thôi.
Thời VNCH, khá tự do về tư tưởng, chẳng phải cứ nhạc lính là công cụ tâm lý chiến nhằm hướng người lính xông pha trận mạc mà đa số là sáng tác theo lối tự sự, buồn nhiều hơn vui, có thể làm người ta ngã lòng không muốn chiến đấu. Ở khía cạnh này, phía VC còn cảm ơn nữa chứ vì nó làm lung lạc tinh thần người lính VNCH. Nội dung liên quan tới lính thì dĩ nhiên có đánh nhau, có sôi máu, chả có địch có ta trong đó là gì.
Đó là nói anh em đồng đội, riêng tôi thỉnh thoảng chỉ nghe qua radio. Không mê những bài hát có tính uỷ mị của nhạc vàng nhưng nhạc lính thì thích. Bỏ qua chính trị thì không ít bản nhạc chiến tranh thời VNCH có giá nhất định. Trong đó mình và đồng đội, ai cũng thích hát bài "Xuân này con không về", nhất là mỗi dịp Tết đến, xa nhà. Nhạc cách mạng có đáp ứng nhu cầu tình cảm của con người như thế không.
Nhớ tâm lý con người cũng khá lạ. Bọn tôi trước và trong khi nổ súng thì căm thù địch nhưng đứng trước xác chết thì hận thù tan biến. Đứng trước tù hàng binh mà trước đó mình căm giận thì thấy bình thường, thậm chí có khi lòng chùng xuống khi nó sợ bị giết, van xin năn nỉ...
Hình minh hoạ, một lính Kh'mer Đỏ ở biên giới CPC-TL



"Trời ạ. quyên góp nuôi bộ đội bằng sắn khoai, sống sao nổi!"

Nói đùa thôi. rất cảm động với tấm lòng người dân xứ Quảng, có gì góp nấy, đong bằng lon... Những tờ giấy đã hoen mờ, chứng tích cực kỳ quý hiếm thấm đẫm tình dân hơn vạn lời ca tụng sáo rỗng.

Châu Trà
- người sưu tầm, cho biết:
Đó là danh sách các mẹ, các chị phụ nữ Quảng Nam - Đà Nẵng đóng góp vào những năm 1979 - 80 trong phong trào góp gạo nuôi quân.
Làm mình nhớ lại 1978, lúc học trường HSQ ở Quế Sơn. Một bà mẹ đi thăm con với một bao cát của Mỹ, trong là khoai chà ngào đường. Quê ở Phú Yên chưa đến nỗi vậy nên cảm thấy rất lạ. Thế mà tối tối, anh em nào trong tiểu đội ăn cơm chưa no, xúc một hai muỗng tọng vào họng, uống nước cành hông rồi đi ngủ. Kéo dài được cả tháng.







"Con cốt khỉ bì trâu, lớn lên làm quận trưởng".

Hồi nhỏ, bà dì chị má tui không phải là người coi tướng số. Không hiểu sao, biết tuổi đã đành, sờ tay chân, nhìn tướng rồi nói khơi khơi như trên.

Cốt khỉ thì đã rõ: con khỉ hay chạy nhảy leo trèo. Sách tướng trên mạng bảo:
"Người cốt khỉ khó ở yên một chỗ, ưa đi chơi.... nhưng không có sự dè dặt, ít đề phòng người khác".
Cơ bản là đúng với đời tui. Từ bé đã di chuyển chỗ này chỗ nọ, lớn lên sống không biết bao nhiêu nơi mà cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ. Xem lại clip bạn bè quay, cái đầu quay qua quay lại liên tục, thấy mắc cười. Đó không phải khỉ là gì.
Bì trâu thì không thấy sách nói tới. Nhưng tui quay lại coi cốt trâu thì cũng trùng với mình: "Người cốt trâu tính ngay thẳng với người, đi xa hay gặp được anh em bạn bè tử tế..."
Chắc bã sờ tay chân săn chắc nên nói vậy hay có ý gì? Bản thân thì cảm nhận qua cuộc đời, bì trâu là lỳ như trâu. Chuyện gì cũng bình chân như vại bị vơ lo hoài. Từ nhỏ đến lớn chỉ bị bênh vớ vẩn trừ sốt ét do môi trường lính tráng ở Campuchia không nói. Không dưới năm bảy xém chết, tử thần gọi tên mà đếch chịu trình diện.
Còn câu "lớn lên làm quận trưởng" thì đoán là do bã thấy tui nhỏ con mà đi chân khuỳnh khuỳnh, tướng ngã ra sau nên nói vậy. Mà cũng gần tới vì mình đã làm chuyên gia thị đội phó CPC. Tại ngôi sao nào đó chiếu mệnh hãm tài chớ không tui leo tới tổng thống cũng không chừng! hehe.
Không nói phét, Bạn coi lính lác mà như tư lệnh đây nè. Í lộn: chuẩn tướng Trần Văn Cạo đang uỷ lạo các chiến sĩ.



Nhớ ngọn đèn mù u

Trung Công

Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, quê tôi chưa có điện sáng như bây giờ. Trong xóm, dù nghèo hay giàu thì mọi nhà đều dùng cây đèn mù u, hoặc đèn dầu hỏa,… để thắp sáng. Chỉ khi nhà có đám hay tiệc tùng, người ta mới dám dùng đến cây đèn cầy, đèn măng-xông, đèn sạc bình vì nó quá đắt đỏ.
Thời đó kinh tế khó khăn, để thắp được đèn dầu hỏa vào mỗi tối là cả một vấn đề. Nhà nào cũng chỉ dùng một hoặc hai ngọn đèn dầu hỏa và nó sẽ được thổi tắt khi cả nhà đều đi ngủ (tầm 9 giờ tối). Tuy lâu tàn nhưng đèn dầu hỏa bất tiện ở chỗ là khói của nó bay lên xung quanh vùng sáng và ám đen ở đó. Nếu để gần quần áo, mà lại là những bộ đồ màu sáng thì xem như ngày hôm sau sẽ đen như lọ nồi. Chính vì thế mà nhiều người chuộng cây đèn mù u hơn, vì nó vừa không mất tiền mua, lại cháy rất sáng.
Ở quê tôi, đâu đâu cũng rợp bóng mù u, nó mọc hai bên đường làng, trước sân nhà, sau hè và cả ven những con sông đục ngầu phù sa. Nhớ ngày đó, cứ mỗi trưa đi học về, tôi và lũ bạn mang theo giỏ để nhặt những trái mù u chín. Quả chín sau khi mang về nhà, lũ trẻ chúng tôi phải dùng đá đập vỡ vỏ ra và lấy ruột vàng bên trong. Sau đó dùng dao xắt lát từng khoanh tròn xỏ xâu vào dây kẽm, que lá dừa, que tre rồi đem đi phơi. Độ chừng bốn ngày nắng tốt, xâu mù u sẽ ngả màu nâu nhạt, lúc đó là sử dụng được rồi.
Nếu phơi càng lâu, càng khô thì mù u bén lửa càng nhanh, nhưng như thế sẽ làm cho cây đèn mù u mau tắt, không sử dụng được lâu. Còn những quả thối có chất dầu rất cao, trẻ con chúng tôi chỉ việc lấy ruột, trộn với bông gòn và se thành từng cây như que kem mà đốt, không cần phải đem phơi. Hoặc cứ việc bỏ sáp vào lon sửa bò thật đầy, đặt một cái tim ngay giữa và đốt như là đèn cầy vậy. Tuy đèn mù u tiện lợi, nhưng sự nguy hiểm cũng khôn lường. Nếu không ai quản lý, nó rất dễ xảy ra hỏa hoạn. Vả lại đèn mù u rất khó di chuyển, mà chỉ đặt một nơi cố định vì dễ bị bỏng trên da người. Chính vì lẽ đó mà nó chỉ được cắm trước nhà cho sáng sủa, hoặc ở những nơi nhất định dễ trông chừng. Khi khách đến nhà vào ban đêm, người ta sẽ mang một lon sữa bò có sáp mù u ra đốt, khi khách về thì đèn được thổi đi để dùng lần sau.
Nhớ đêm rằm trung thu, ngoài những chiếc lồng đèn xinh xắn có đặt đèn cây bên trong, người lớn còn cắm những ngọn đèn mù xung quanh một khoảng đất rộng cho trẻ em thỏa thích vui đùa. Đèn mù u như những ngọn đuốc hoa, sáng rợp cả một vùng, gây sự chú ý cho cả xóm, khiến trẻ nhỏ kéo đến chơi đông đúc hơn.
Những năm sau đó, điện về làng, cả xã mừng như mở hội. Người lớn quẳng hết tất cả những xâu mù u mà trẻ con chúng tôi từng cực công thu nhặt. Rồi chúng tôi cũng quên dần với những tháng ngày tươi đẹp đó, mà mải vui sướng vì trong nhà lúc nào cũng sáng choang như có ánh trăng rọi vào. Từ đó, trẻ con chẳng có thói quen nhặt trái mù u chín mỗi khi đi học về.
Bây giờ, mỗi khi về quê, trò chuyện cùng bạn bè thuở nhỏ, tôi lại nhớ về những hàng mù u xanh rợp đường làng và những đêm đông học bài nhờ ánh sáng của cây đèn mù u. Bất giác tôi chạy xe đạp lang thang như kẻ điên trong những ngõ ngách làng quê để tìm cho mình một ký ức tuổi thơ tươi đẹp.
Nguồn: Danviet
Hình ảnh báo và từ internet.








Hai tờ giấy bạc cuối cùng của VNCH chưa kịp phát hành.

Nó có mệnh giá rất cao, gấp 10 và 20 lần so với tờ 500 đồng (Trần Hưng Đạo). Mặt trước là Dinh Độc lập, mặt sau là hình Trâu rừng và Con beo.

Những tờ tiền Sài Gòn này được đánh giá rất đẹp, có kỹ thuật chống giả cao với cách in hình lộng, băng huỳnh quang, chấm huỳnh quang, in chồng hai mặt...
Do lạm phát nghiêm trọng, trước tháng 4/1975 Chính phủ VNCH cho in tiền mới nhưng chưa kịp thực hiện. Tiền trước đó do công ty Thomas Delarue (Anh Quốc) in. Trước đây, nguồn tiền này được in tại các công ty Mỹ như ABC (American Banknote Company), SBC (Security Banknote Company). Về sau, chúng được in tại công ty Anh Thomas Delarue.
Năm 1974, giai đoạn 1 của dự án xây dựng nhà máy in bạc tại Sài Gòn đã tạm hoàn tất. Các máy móc, thiết bị in nhập từ Công ty Thomas Delarue đang được lắp đặt thì diễn ra bước ngoặt lịch sử tháng 4-1975. Dự án quốc gia chủ động in tiền riêng của Việt Nam cộng hòa bị ngưng hoàn toàn.
Hình sưu tầm, thông tin chính từ báo Tuoitre.



Nước Lào thời Pháp thuộc từng có đoạn đường xe lửa rất kỳ lạ!

Trên sông Mê Kông có thác Khôn hùng vĩ lớn nhất Đông Nam Á, ở khu vực tiếp giáp giữa Lào và CPC. Hàng ngàn đảo lớn nhỏ xen lẫn với vô số thác, vậy mà người Pháp xây đường sắt trên đảo để làm gì, vận hành cách nào. Bạn thử đoán.

Hình st từ nhiều nguồn trên internet.












Tìm kiếm Blog này