Tim thông tin blog này:

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Bình Dương ứng xử với dân, khác với Sài Gòn và các tỉnh.

Lưu ý chỉ là nơi mình biết vào sáng nay khi qua các chốt kiểm soát trong tâm vùng dịch BD.
Cách một ngày trước, Tỉnh BD chỉ đạo cách ly 3 thành phố và 1 thị xã, hạn chế người di chuyển ra vào giữa các khu vực. Mình có việc cần gấp nên xách xe máy đi, mang theo giấy tờ cá nhân và giấy giới thiệu của công ty.
Nhìn phố xá vắng tanh, ngoài đường xe lớn, xe nhỏ chạy không nhiều. Các chốt kiểm sát bố trí nhiều hơn gấp mấy lần so với thời gian đầu thực hiện CT 16. Hầu như đường nào cũng có chốt, cái thì chặn chính người vô, cái thì chặn người ra. Thấy không có tình trạng xe xếp hàng nối đuôi, người dừng trước chốt chừng 5, 7 người để trình bày lý do đi lại. Nhìn dáng vẻ, hầu hết đi vì công chuyện là chính. Hợp lý thì chốt cho qua, không thì phải quay đầu xe (đoán có người đi về luôn nhưng cũng có người tìm đường khác mà lách).

Mình ba lượt chạy xe qua lại mấy tuyến đường và chục lần qua chốt kiểm soát trong khu vực giữa hai thành phố. Có chốt thì yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính còn đa phần không đòi hỏi (vì coi như đi trong nội bộ khu vực cách ly). Không thấy có chốt nào tập trung đông người, không nghe lớn tiếng năn nỉ, cải cọ. Không dừng lại lâu, chỉ đoán thôi - không có chuyện phạt nên mới thế. Trước tình hình dịch rất căng nhưng Bình Dương ứng xử dễ chịu với dân (ít nhất là nơi mình chứng kiến). Ai thì không biết, riêng mình kể từ khi dịch bùng phát đợt bốn tới giờ, chả gặp khó khăn gì lớn gây ức chế tâm lý.

Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy xưa và nay?

Cho đến thời TC là lớp kế thừa đi bộ đội còn chứng kiến.
Đa phần lãnh đạo, chỉ huy học vấn tuy thấp nhưng họ chịu khó học hỏi, rèn luyện ở trường đời nên đa phần chữ viết tay, nhìn đẹp và cứng cáp. Họp hành thì có khi bàn cãi gay gắt nhưng đã thống nhất rồi thì phải chấp hành nghiêm túc Lối sống sinh hoạt thực lòng gương mẫu để cấp dưới noi gương. Khác với ngày nay, cấp trên sống xa hoa thì cấp dưới bắt chước theo, trách ai. Chỉ huy thời ấy ra lệnh lạc ngắn gọn, nói ít làm nhiều. Ra một chỉ lệnh hay văn bản, không dài, ý tứ chọn lọc kỹ càng. Còn ngày nay, nói nhiều làm ít. Hầu hết văn bản dài dòng, lôm côm, dễ hiểu nhầm sang khác ý, chưa nói đến quy tắc, lỗi chính tả. Bị người ngoài trên mạng có am hiểu chê cười. Ngày xưa các sếp chọn trợ lý hầu hết giỏi về lãnh vực của mình, tham mưu ra tham mưu, chính trị ra chính trị, là chỗ dựa tin cậy cho lãnh đạo chỉ huy.
Lãnh đạo chỉ huy ngày nay có xu hướng sính dùng những từ hoa mỹ, đao to búa lớn. Quản trị xã hội thời hiện đại nhưng thích vận dụng phương pháp trong chiến tranh và dùng thuật ngữ quân sự để lên gân. Trong khi bản thân chưa biết mùi thuốc súng và cái giá phải trả cho nó là gì.
Ngày xưa, ngay cả khi chiến thắng, mình cũng chưa thấy chỉ huy nào tự mãn, ngạo nghễ kiêu căng như ngày nay.
Thế còn thời VNCH thì sao?
Ai có xem clip chỉ hơn 1 giờ đồng hồ của TT Nguyễn văn Thiệu trả lời trước truy vấn của những "chiến hữu" kết án ông về việc "Di tản chiến thuật" và bỏ nước ra đi. Không bàn nội dung đúng sai, chỉ nói ông đã trả lời điềm tỉnh, ngắn gọn mạch lạc rất xứng danh một Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh QĐ.
Dẫn lại Stt đã đăng về cảm nhận của TC qua thư viết tay (không qua phụ tá) của cựu và đương kiêm tổng thống VNCH thời điểm 25.4.1975.
Trao đổi qua lại giữa hai ông thực chất nó là một sự dàn xếp để ông Nguyễn Văn Thiệu ra đi với danh chính ngôn thuận. Tuy trong lúc dầu sôi lửa bỏng nhưng hai ông vẫn tuân thủ pháp quyền và hành xử đâu ra đó, lịch sự lễ phép của người có học với nhau. Một chi tiết đáng lưu ý là cách dùng từ "cựu" và "nguyên" rất hay của TT Trần Văn Hương.
Nội dung:
Kính trình Tổng thống Trần Văn Hương,
Thưa Cụ,
Ðể thực hiện công tác cụ giao phó, tôi kính xin cụ chấp thuận cho những sĩ quan sau đây gọi là thành phần tối thiểu cần thiết để giúp tôi, đi theo tôi trong suốt thời gian công du:
1. Ðại tá Võ Văn Cầm
2. Ðại tá Nguyễn Văn Ðức
3. Ðại tá Nhan Văn Thiệt
4. Ðại tá Trần Thanh Ðiền
5.Trung tá Tôn Thất Ái Chiêu
6. Bs Thiếu tá Hồ Vương Minh
7. Ðại úy Nguyễn Phú Hải (giờ chót không có mặt)
8. Phục dịch viên Nghị (giờ chót không có mặt)
Ngoài ra, Cựu Thủ tướng Ðại tướng Trần Thiện Khiêm cũng cần đem theo những sĩ quan và dân sự sau đây:
1. Trung tá Ðặng Văn Châu
2. Thiếu tá Ðinh Sơn Thông
3. Thiếu tá Nguyễn Tấn Phận
4. Ông Ðặng Vũ (giờ chót không có mặt)
Ðại tướng Trần Thiện Khiêm nhờ tôi trình cụ chấp thuận ./.
Kính chào Tổng thống
(ký tên Thiệu)
Tổng thống Trần Văn Hương phê thuận,
Ðề ngày 25/4/75
Và ký tên Trần Văn Hương
*******
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương
Quyết định
1 – Nay đề cử cựu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu Thủ tướng Trần Thiện Khiêm đại diện Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đến Ðài Bắc để phân ưu cùng Chánh phủ và Nhân dân Trung Hoa dân quốc nhân dịp Tổng thống Tưởng Giới Thạch tạ thế.
2 – Sau đó hai vị trên được đề cử tiếp tục viếng thăm các quốc gia trên thế giới xét cần thiết trong vòng 6 tháng để làm sáng tỏ thiện chí hòa bình của Việt Nam Cộng Hòa đồng thời vận động các Chánh phủ và nhân dân các quốc gia đó hỗ trợ lập trường hòa bình của Chánh phủ và nhân dân ta.
Chương trình thăm viếng sẽ do hai vị tùy nghi quyết định thể theo sự thuận lợi của tình hình đối với các quốc gia đó.
3 – Yêu cầu Bộ Ngoại giao chỉ thị các Tòa Ðại sứ Việt Nam Cộng Hòa yểm trợ cần thiết để nguyên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và nguyên Thủ tướng Trần Thiện Khiêm cùng phái đoàn chu toàn nhiệm vụ giao phó.
4 – Chi phí công tác do Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng đài thọ trong khuôn khổ được luật lệ ấn định. (Tổng thống Hương viết thêm hàng chữ: trong khuôn khổ được luật lệ ấn định).
Sài-gòn, ngày 25 tháng 04, 1975
(ký tên Hương)
Nguồn: Namrom64




TQ dập dịch cách nào, sao VN chưa thành công?

Không ít người quan tâm thắc mắc, bạn Hà Vũ Hiển đặt vấn đề:

"Các phương tiện truyền thông đang đưa tin số người mắc Cúm Tàu nhất là biến chủng Delta tăng vùn vụt trên khắp thế giới nhưng lại không thấy số liệu của Trung Quốc? Hay là Trung Quốc đã miễn dịch?Sau giai đoạn đầu, TQ đã chặn dịch sớm và nhanh, đáng để ta suy nghĩ. Khi chưa có TT thì tạm theo thuyết âm mịu. Anh nghi nghi TQ có cách chặn dịch mà không công bố, kể cả đàn em VN để mặc cả và làm cái thang leo ngôi bá chủ. Còn Phương Tây thì kiêu hảnh chẳng hạ mình. Chờ xem.".
Tôi nghĩ thời gian đầu có thể TQ che dấu dịch Covid-19 nhưng sau đó họ chặn được không cần chia sẻ số liệu với thế giới. TQ đã dập được dịch ở một đất nước rộng với 1,4 tỷ dân, thật đáng nể. Nhưng cái trịch thương, muốn chứng tỏ ta đây là cường quốc số 1 thế giới, đáng chê trách. Có bí quyết gì chăng, thuốc điều trị, vaccine chất lượng cao hay biện pháp phòng chống dịch? Tôi nghĩ không, vì có gì bí mật khi phải triển khai thuốc men và biện pháp đến số dân đông như vậy. Ở TQ vẫn có cơ quan đại diện của các quốc gia khác, vẫn có hàng triệu người mang các quốc tịch khác nhau ở đó. Không lý giải được thì dựa vào thuyết âm mưu trên trời dưới biển, chỉ đi vào ngõ cụt.
Tôi không biết VN có học TQ không? Nhưng coi người nhiễm như là bệnh nhân là đã sai từ gốc. Từ đó triển khai biện pháp cách ly đại trà là thiếu thực tế, TQ thì có đủ tài lực để làm việc đó. Ngoài cái chung thì mỗi nước có hoàn cảnh, đặc thù riêng, nước nghèo không thể ôm đồm bao căn. Gần đây, chính phủ có chủ trương đưa người các tỉnh có nguyện vọng về quê, mình coi đây là một sáng kiến rất đúng và kịp thời trước khi quá muộn. Bài học thương đau đã có. Để dịch lây nhiễm rộng ra cộng đồng là hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương. Dành 21 ngày để sàng lọc, nếu không làm được, tôi mà là thủ tướng thì cách chức ngay chủ tịch nơi đó mà không cần phải xem xét...

Một trong những người thảnh thơi nhất lúc này

là Đại úy Nguyễn Văn Minh, đang chỉ huy 3.000 lính vịt đẻ tại mặt trận sông nước Long An.
Cùng quê, mình ở Hòa Quang, bạn ở Hòa Trị - Tuy Hòa, cả hai đi bộ đội cùng ngày, cùng sang CPC, khi về cùng cấp. Bạn ra quân về chở vợ đi bán cá nuôi con, rồi chuyển sang chăn vịt thuê khắp nơi, chủ điều đâu đi đó.
Mới đây, giữa dịch người, đàn vịt chuyển từ Lâm Đồng xuống Vĩnh Hưng - LA. Mình hỏi thăm mua trứng, bạn bảo thiếu gì, tao nói chủ một tiếng thì năm ba chục trứng, đâu là gì. Qua dịch xuống chơi nghen, ngủ giữa đồng, hai đứa bắt con vịt nhậu lai rai tâm sự.
Dứt phát, mình sẽ đi để biết cái thú giữa đồng không mông quạnh là thế nào.



Bài thông chốt của lão giả nai.

Biết tình hình là không nói nhiều, SG thì phạt, BD thì hốt. Mấy con ngựa non háu đá gặp thiên lôi thì kể như xong phim.
Lệ thường lão hay lý sự cùn, nay lễ phép phải biết ca bài ca con cá lóc.!
Này nhé:
Thay chiếc wave Tầu bằng chiếc tay ga. Chạy còn cách chốt 5 mét, lịch sự dừng lại, tắt máy xuống xe, bỏ kính đen ra, rút mấy lá bùa chuẩn bị. Chững chạc đàng hoàng như cán bộ í chứ không nó bắt nọn, bảo đi trộm gà thì bỏ mẹ.
Bước tới.
Bác đi đâu?
- Dạ. Đi mua đồ cho xưởng SX 3 tại chỗ, anh em tự cách ly hết, chỉ mỗi tui chạy vòng ngoài hổ trợ.
Rút túi ra thêm mớ giấy nữa, chứng minh là người đi vì công chuyện chứ không giả danh.
Chú gác lật tới lật lui, coi không biết đâu mà lần, hỏi tiếp:
Phiếu xét nghiệm đâu?
- Dạ. Xét nghiệm âm tính ngon lành nhưng khu phố đâu có đưa giấy đâu mà trình mấy chú.
Bên thành phố này dịch nhiều, nguy hiểm hơn bên thành phố kia, không giấy không vô được.
- Dạ. Bên nào cũng cách ly như nhau mà (lại ngứa mỏ).
Không nói nhiều, không giấy thì quay lại.
- Dạ. Tui già cũng sợ chết thấy pà, trách nhiệm cũng như mấy chú. Vì miếng cơm chứ ai muốn đi giờ này, xét nghiệm thì tốn 300 chủ đâu có chịu.
Rút kinh nghiệm, phải đủ giấy tờ nghen, thôi bác đi.
- Dạ. dạ. Cảm ơn mấy chú thông cảm.
Chuyện cách đây một tuần, giờ 16++ mà phải đi nữa thì có xâm mình, uống mật gấu cũng mếu như thường. Công ty phải trả tiền bảo hiểm nhân thọ cho lão, hoạ may.
P/S gõ thêm ít dòng cho trọn chiện thông chốt.
Thật ra, lão từ chối không đi cũng không sao vì địa phương đang phong toả gắt. Nhưng do máu bộ đội vẫn còn, bất kỳ việc gì trên giao cũng ráng hoàn thành. Mặt khác tính lão hay tò mò, thử thách bản thân để biết: cách gì mà tụi ship hàng (không chuyên) đi được trong khi đa số không có giấy xét nghiệm.
Từ nơi ở đến chỗ giao dịch, rồi đến công ty. Đoạn đường thẳng rồi quẹo qua quẹo lại chừng 8 cây số nhưng phải qua 4 chốt, nơi này hơi dễ thì nơi khác khó. Có chốt dứt khoát không cho qua, thì biết năn nỉ vô ích nên quay đầu xe tìm hẻm nhỏ mà vòng lách. Biết chắc lực lượng kiểm soát không thể bít hết được mọi ngã đường, không thể dăng dây tất cả mọi nơi. Người ta nói "không gì là không thể", vấn đề là cái giá phải trả mà thôi.
Từ mình mà đoán ra đám shipper: họ để ý chiều nào chốt chặn là chính nên đi đường này thì về đường khác hoặc chịu khó đi vòng vèo. Các chốt dân quân, dân phòng dễ qua hơn có CSGT, 113. Trên xe có hàng hoá cồng kềnh càng dễ thông hơn xe chạy không. Đặt mình vào vị trí của nhân viên thừa hành công vụ thì đỡ ức chế tâm lý (nếu mình cho là họ bắt sai). Họ như con cháu mình, hầu hết gốc gác là con em lao động nên ít nhiều dễ thông cảm nhau.

"Bắn , không bắn".

Vũ Trung

- Tại đây nơi ngã ba Chhaeb ( Chép ) tháng 3.84 Trung đoàn 143 hành quân từ Tha La đi tham gia chiến dịch M1
- đ/đ c13 Ngô Đình Minh của tôi đã hy sinh tại đây vào đêm trời trăng sáng , khoảng hơn 22h sau trận tập kích bất ngờ vội vã của địch bằng hơn 30 quả cối 60 ly rất chính xác nổ trước mỗi căn nhà chúng tôi ở 2 quả , toàn trung đoàn bộ và đoàn 5504 ở Chép không trở tay kịp . Đêm đó vì tính nhân văn bằng tình người , người dân hay địch trỗi dậy trong tầm suy nghĩ của tôi " Bắn , không bắn " , tôi đã quyết định không nã cối 82 vào làng Chép , tối đó làng Chép có lễ hội đang ramvong , khi địch tập kích tiếng trống ramvong càng nỗi lớn , lớn hơn như vui mừng khi biết chúng tôi bị tập kích , lúc này vì chưa kịp biết đ/đ Minh hy sinh và anh Tình đại đôi trưởng bị thương , rất tiếc và thật may mắn nếu đêm đó chúng tôi bắn cấp tập vào làng thì.... ? Đây là câu chuyện rất thật trong đời lính của tôi.
- Đêm đó và giờ đây tôi đã hiểu nhiều hơn may mắn mình là người có quyết định chính xác không bắn vào làng . 4h sáng hôm sau Ngô Đình Minh mất trong lòng vòng tay của đ/đ trung đội trưởng Nguyễn Vinh . Lòng uất hận sao lúc đó mình không bắn , ảnh mất tội nghiệp quá gói hàng bên nước của vợ con gởi vừa nhận hôm qua chưa kip ....! 7h sáng đoàn quân vẫn bước tiến.
- Sau 34 năm tìm về lại nơi dừng quân của ngày đó , thay mặt đ/đ một điếu thuốc một nén nhang cho anh.



Ngẫm chiện bố trí quân ở Đông Bắc CPC.

Quân từng tỉnh đội VN đưa sang đứng chân mỗi tỉnh bên í, mờ sao chọn trấn ở tỉnh này mà không phải tỉnh nọ? - Tám chơi, biết đâu là thật.
- Đoàn 5501 Nghĩa Bình bình địa ở Ratanakiri giữ con đường huyết mạch, tiền tuyến với hậu phương.
- Đoàn 5502 Phú Khánh kệ nẫu thủ thân nên cho ở Mondolkiri, biệt lâp chả cần phải đào ngũ làm gì..
- Đoàn 5503 QN-ĐN hay cãi nhưng chấp hành nghiêm, ở tỉnh Stung Treng bảo vệ não bộ Tiền phương QK5.
- Đoàn 5504 Thuận Hải Chăm lỳ đòn, đẩy lên trấn ải tuốt Preah Vihear biên giới, bể mình cũng hết đường đào ngũ.
Hổng biết trúng ý không nhưng mấy ông Trên tầm nhìn xa trăm dặm, cân nhắc kỹ lắm đấy.



Ngày 27/7, tôi nghĩ gì.

Giữa thời bình, chưa biết cái giá của mùi thuốc súng nhưng người ta thích chém gió, thích dùng thuật ngũ quân sự đao to búa lớn. Họ có biết phía sau ngày 27/7 là ký ức đau thương, kinh khủng, không bao giờ quên của người lính ở chiến trường K.
Có khi hành quân truy quét, trong lúc đánh nhau hay bị mìn, có đồng đội hy sinh. Để lại lấp dọc đường thì sợ sau này không tìm lại nơi chôn tạm. Cho nên phân đội thay nhau võng xác chết đi cùng. Qua bụi rậm, leo đồi vượt suối, tuột lên tuột xuống. Xác chết phân huỷ dần, đụng vào võng, giòi bọ rơi lã chả. Mùi hôi thúi bốc lên kinh khủng, nôn thốc nôn tháo. Ngày này qua ngày khác theo bước hành quân...
Có trường hợp phải buột dây vào chân tử sĩ mà lôi ra nơi an toàn vì sợ địch gài mìn bên dưới. Không bỏ nhau dù sống hay chết nên có có khi kéo theo thương vong tiếp, cái giá phải trả vô cùng đắc. Cõng gạo, dận dược lên tuyến trước thì võng thương binh, tử sĩ về tuyến sau...
Về đến đơn vị, bới bát cơm, thắp cây nhang, lẩm rẩm khấn: mày sống khôn thác thiêng... Để xác chết xa chỗ ngủ, cho đỡ bớt mùi khẳm thúi. Cắt người canh gác để chó sói không vào ăn thịt thi thể. Ngồi một mình bên cạnh đồng đôi thân yêu ngày nào mà lạnh xương sống, nuôi hy vọng: lỡ mình có bị cũng được anh em đối xử như vậy...
Có trường hợp phải chôn tạm tại chỗ ở nghĩa trang đơn vị, có trường đưa xác về đất mẹ. Người sống cần đi công tác hay về nước phải quá giang người chết. Người sống và người chết cùng một chuyến xe. Trệu trạo nuốt miếng cơm đỡ đói, bịt mũi ngồi vật vạ trông mau đến chỗ...
Cái chết, đeo đuổi tới cùng. Về làm dân, bỏ lại súng đạn sau lưng nhưng chiến tranh vẫn còn hiện hữu trong giấc ngủ. Súng nổ, trúng mìn, đồng đội chết. Tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa. Sờ tay chân nguyên vẹn, mừng quá, hoá ra mình còn sống. Lại nhớ thằng nọ, thằng kia...







Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Từ phủ lỵ Tuy Hòa đến TP Tuy Hòa

 Năm 1471, vua Lê Thánh Tôn thân chinh mở đất về phương Nam, lấy núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) phân định ranh giới Việt - Chiêm.

 

Trên thực tế, vua Lê Thánh Tôn chỉ đặt phủ huyện và bộ máy quản lý ở phía bắc đèo Cù Mông. Từ Cù Mông đến Đá Bia là vùng đấtki-mi (ràng buộc lỏng lẻo), được nhà vua đặt một tiểu quốc vùng phên dậu gọi là Hoa Anh quốc do cư dân bản địa tự cai quản.

 

Năm Mậu Dần (1578), chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh làm trấn biên quan, chiêu mộ lưu dân (người nghèo không sản nghiệp) khai hoang lập ấp từ chân đèo Cù Mông đến châu thổ sông Đà Rằng.

 

Sau 33 năm khai khẩn vùng đất mới, hình thành làng mạc, vùng đất từ đèo Cù Mông đến Đá Bia đủ điều kiện hình thành một đơn vị hành chính mới. Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên (trực thuộc thừa tuyên Quảng Nam, đơn vị hành chính cấp tỉnh; cả nước lúc ấy có 13 thừa tuyên) gồm hai huyện Đồng Xuân (từ đèo Cù Mông đến phía bắc sông Đà Rằng) và Tuy Hòa (từ phía nam sông Đà Rằng đến núi Đá Bia).

 

Năm 1629, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên (đơn vị hành chính cấp tỉnh). Thời điểm ấy, cả xứ Đàng Trong thuộc quyền quản lý của chúa Nguyễn từ Hoành Sơn (đèo Ngang) đến Thạch Bi Sơn (núi Đá Bia) có 7 dinh. Năm 1899 (năm Thành Thái 11), huyện Tuy Hòa được nâng lên thành phủ Tuy Hòa gồm tổng Hòa Bình (phía bắc sông Đà Rằng, được tách ra từ huyện Đồng Xuân) và các tổng phía nam sông Đà Rằng là Hòa Đa, Hòa Mỹ, Hòa Lạc.

 

Năm 1900, 12 làng của tổng Sơn Tường thuộc huyện Sơn Hòa được sáp nhập vào phủ Tuy Hòa có tên là tổng Hòa Tường. Năm 1908, phủ Tuy Hòa lập thêm hai tổng mới phía nam sông Đà Rằng là tổng Hòa Đồng và tổng Hòa Lạc.

 

Phủ lỵ Tuy Hòa lúc đầu đóng ở làng Phú Thứ (nay là thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa). Năm 1841, phủ lỵ Tuy Hòa dời đến làng Đông Phước (ngày nay thuộc xã Hòa An, huyện Phú Hòa).

 

Năm 1951, phủ lỵ Tuy Hòa chuyển về làng Năng Tịnh (ngày nay là các phường 1, 2, 3, TP Tuy Hòa). Chỉ một thời gian ngắn, phủ lỵ Tuy Hòa được mở rộng ra các làng Bình An, An Tịnh, Bình Mỹ, Phú Câu, Ngọc Lãng.

 

Phủ lỵ Tuy Hòa được gọi là Dinh. Con sông cũ chạy trong lòng phủ lỵ (nay đã bị bồi lấp hoàn toàn) gọi là sông Dinh, chợ ở phủ lỵ Tuy Hòa gọi là chợ Dinh.

 

Trước Cách mạng Tháng Tám, phủ lỵ Tuy Hòa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa phía nam tỉnh. Ngoài bộ máy cai trị của Nam triều (triều đình Huế), thực dân Pháp có đồn cảnh sát quản lý trật tự đô thị. Thực dân Pháp còn xây dựng nhà máy đèn (nhà máy điện), băng-ga-lô, xưởng rượu và một số công trình khác.

 

Cách mạng Tháng Tám thành công. Cuối năm 1945, chính quyền cách mạng Phú Yên chuyển tỉnh lỵ từ Sông Cầu vào Tuy Hòa. Trong kháng chiến chống Pháp, có lúc TX Tuy Hòa được đặt tên là xã Hòa An trực thuộc huyện Tuy Hòa.

 

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chính quyền Sài Gòn tiếp tục chọn TX Tuy Hòa là tỉnh lỵ với tên gọi là xã Châu Thành gồm các ấp Bình Nhạn (nay là phường 1), Bình Tịnh (nay là phường 2, phường 8), Bình An (nay là phường 3), Bình Mỹ (nay là phường 4), Bình Hòa (nay là phường 5, phường 7), Bình Lợi (nay là phường 6).

 

Trước giải phóng, TX Tuy Hòa (xã Châu Thành) chỉ có 6 con đường trục dọc là Tản Đà, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Lý Thường Kiệt (có tên trong quy hoạch, chưa hình thành trên thực tế), Nguyễn Huệ. Người dân quen gọi đường Nguyễn Huệ là đường số 6. Chế độ cũ xây dựng 3 khu công chức ở đường Nguyễn Huệ (phía đông đường Phan Đình Phùng), khu vực Trường Nguyễn Huệ (các đường Lê Quý Đôn, Trần Cao Vân, Hoàng Diệu…) và nhà 18 gian ở quốc lộ 1 (nay là phường 2, đoạn phía nam Trường Thánh Giu-Se). TX Tuy Hòa chỉ có nhà máy đèn, không có hệ thống cấp thoát nước.

 

Về phía chính quyền cách mạng, cuối năm 1956, Tỉnh ủy Phú Yên thành lập huyện Tuy Hòa 2 (tương ứng với huyện Phú Hòa và TP Tuy Hòa ngày nay).

 

Tháng 3/1965, Tỉnh ủy thành lập C6 - đơn vị tiền thân của Thị ủy Tuy Hòa. Ngày 6/8/1965, Tỉnh ủy thành lập Thị ủy Tuy Hòa chỉ đạo 6 phường nội thị và các xã Bình Phú A, Bình Phú B, Bình Phú C (nay là phường 9 và xã Bình Kiến).

 

Sau ngày giải phóng, chính quyền cách mạng chọn TX Tuy Hòa là tỉnh lỵ gồm các phường 1, 2, 3, 4, 5, 6 và hai xã Bình Phú, Bình Ngọc.


Ngày 3/11/1975, Phú Yên sáp nhập với Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh. Ngày 10/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 49CP hợp nhất huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa thành huyện Tuy Hòa. Xã Bình Phú sáp nhập với xã Hòa Kiến thành xã Bình Kiến. Ngày 22/9/1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 241/CP tách huyện Tuy Hòa thành hai huyện Tuy Hòa và TX Tuy Hòa. TX Tuy Hòa gồm 6 phường nội thị và hai xã Bình Kiến, Bình Ngọc.

 

Ngày 5/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) ban hành Quyết định 487/HĐBT sáp nhập các xã phía bắc sông Đà Rằng thuộc huyện Tuy Hòa (Hòa Trị, Hòa An, Hòa Thắng, Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Hội) trực thuộc TX Tuy Hòa.

 

Sau ngày tái lập tỉnh (1/7/1989), TX Tuy Hòa là thủ phủ tỉnh lỵ Phú Yên. Ngày 30/9/1991, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 100/HĐBT chia xã Bình Kiến thành hai xã Bình Kiến và Hòa Kiến.

 

Ngày 28/4/1999, Chính phủ ban hành Nghị định 31/1999/NĐ-CP chia phường 2, TX Tuy Hòa thành phường 2 và phường 8, chia phường 5 thành phường 5 và phường 7.

 

Ngày 31/1/2002, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2002/NĐ-CP chia TX Tuy Hòa thành hai đơn vị hành chính là TX Tuy Hòa và huyện Phú Hòa. TX Tuy Hòa có 8 phường và 3 xã Bình Ngọc, Bình Kiến và Hòa Kiến.

 

Ngày 20/8/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 95/2003/CP thành lập phường 9, TX Tuy Hòa (tách ra từ xã Bình Kiến).

 

Ngày 5/1/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 03/2005/NĐ-CP thành lập TP Tuy Hòa, sáp nhập thị trấn Phú Lâm (thuộc huyện Tuy Hòa) và xã An Phú (thuộc huyện Tuy An) vào TP Tuy Hòa. Sau đó, Chính phủ có Nghị định 175/NĐ-CP ngày 3/12/2007 chia thị trấn Phú Lâm thành 3 phường Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông.

 

Hiện nay, TP Tuy Hòa là đô thị loại 2 có 12 phường (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông) và 4 xã (Bình Kiến, Hòa Kiến, Bình Ngọc, An Phú).

 

PHAN THANH

Baophuyen

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

KONTUM - NHỮNG NGÀY THÁNG KHÔNG QUÊN

 -------------------------------------------------------

Tháng 5 năm 1974, Cộng quân bắt đầu mở các cuộc tấn công gặm nhấm, trước hết là tràn ngập chi khu Đak Pek, Thiếu tá Vương Thế Cận, Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng mất tích. Sau đó lần lượt các chi khu Mang Buk, Tou mơ Rông và cuối cùng ngày 3 tháng 10 năm 1974 là chi khu Chương Nghĩa lọt vào tay Cộng sản. Tất cả các sĩ quan Chi khu trưởng đều mất tích, trừ Thiếu tá Thạch Lợi thoát hiểm về tới Tiểu khu Kontum.
Trước tình hình chiến sự sôi động, tất cả các đơn vị địa phương quân ở vùng phía Bắc tỉnh Kontum đã tan rã và nguyên một vùng rộng lớn hơn 2/3 lãnh thổ hoàn toàn đã mất về tay địch, Trung tá Mai Xuân Hậu cho xúc tiến và khánh thành tượng đài “Tổ Quốc Ghi Công” tại ngã ba bên nầy cầu Dak Bla, đường về thị xã Kontum để an dân. Phía dưới tượng đài có gắn bảng đồng nhỏ ghi:
“Nắng về én lượn chim tung cánh
Ghi dấu muôn đời vạn sử xanh”
Trung Tá Mai Xuân Hậu
Cuối tháng 10 năm 1974, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu và phái đoàn chính phủ VNCH sau khi kinh lý Quân đoàn II, Quân khu II đã đến thăm tỉnh lỵ Kontum vào buổi xế trưa. Quân Cán Chính tỉnh Kontum đã tiếp đón phái đoàn tại Cơ Quan Chính Quyền Tỉnh (Tòa Hành Chánh). Sau các thủ tục lễ nghi tiếp đón, duyệt dàn chào quân nhân công chức trước cổng, TT. Thiệu cùng phái đoàn gồm Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao văn Viên, Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã và một số các Tổng Bộ Trưởng đã có một buổi nói chuyện về tình hình đất nước tại hội trường Cơ Quan Chính Quyền Tỉnh.
Mở đầu buổi nói chuyện, Trung tá Mai Xuân Hậu, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Kontum đã chào mừng phái đoàn và trình bày những điểm nói chung về tình hình quân sự cũng như dân sự của tỉnh. Về mặt quân sự, thì đầu năm 1974 đến nay công việc phòng thủ diện địa rất là khó khăn hạn chế. Lãnh thổ tỉnh về phía Bắc đã hoàn toàn lọt vào tay địch, cho nên thực tế chỉ còn lại hai quận, trong đó Dakto là quận di tản nằm trên lãnh thổ của quận Châu Thành. Lực lượng nghĩa quân và địa phương quân không được yểm trợ để hoạt động tầm xa mà chỉ thu gọn cố thủ trong các ngọn đồi chung quanh quận ly. Tình hình quân sự tỉnh chỉ còn là phòng thủ Thị xã.
Về dân sự, đặc biệt là kho dự trữ gạo và nhu yếu phẩm tại tỉnh ở mức rất thấp và theo kinh nghiệm năm 1972 khi Cộng quân cắt đứt quốc lộ 14 tại đèo Chu Pao, trong vòng một tháng thì tình hình lương thực trong tỉnh đã thiếu thốn trầm trọng đến mức cạn kiệt.
Kết thúc phần trình bày, Trung tá Hậu nêu rõ những khó khăn hiện nay của tỉnh, cũng như tình hình quân sự, áp lực của địch rất nặng nề.
Tổng thống Nguyễn văn Thiệu chủ tọa buổi nói chuyện thật sinh động và đề ra các biện pháp sẽ giúp tỉnh vượt qua được các khó khăn. Tổng thống nói rằng các khó khăn của tỉnh Kontum về vấn đề lãnh thổ, cũng như tiếp liệu, cũng giống như các địa phương khác trên toàn quốc trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, Kontum luôn là địa điểm mà Cộng quân thường khởi động chiến tranh trước nhất nên sẽ được ưu tiên yểm trợ. Tổng thống hỏi kho gạo an toàn của Tỉnh có sức chứa là bao nhiêu. Trả lời: 100 tấn. Tổng thống hứa sẽ chỉ thị cho Tổng Cuộc Thực phẩm Quốc gia tăng cường 300 tấn và tỉnh cố gắng huy động mở rộng các kho chứa.
Về phương diện tiếp liệu, tỉnh phải cố gắng sử dụng tiết kiệm tối đa, ngay cả đạn dược và nhiên liệu cũng vậy vì tình hình viện trợ đã thay đổi. Tổng thống còn nói rõ là Cộng quân sẽ tấn công vào lãnh thổ do chúng ta kiểm soát vào đầu mùa khô năm tới, cho nên tất cả đều phải chuẩn bị. “Nếu chúng ta đứng vững trong cuộc tấn công sắp tới thì tình hình chính trị thế giới sẽ có chiều hướng thuận lợi cho chúng ta hơn và buộc Cộng Sản phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Paris.”
Kết thúc buổi nói chuyện, ông Võ văn Muồi Chủ tịch Hội đồng tỉnh, đại diện quân cán chính và đồng bào tỉnh Kontum đã ngỏ lời cám ơn Tổng thống và phái đoàn chính phủ đã quan tâm giúp đỡ tỉnh nhà có đủ điều kiện để chiến đấu và chiến thắng như trong chiến cuộc “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972. Ông Chủ tịch đã hứa với Tổng thống là toàn thể dân quân cán chính tỉnh Kontum sẽ quyết tâm “tử thủ” để giữ vững tuyến đầu lãnh thổ VNCH, nếu bị địch tấn công.
Trung tuần tháng 11 năm 1974, Quân đoàn II cử Đại Tá Phan Đình Hùng lên Kontum đảm nhận chức vụ Tiểu khu trưởng Tiểu khu Kontum.
Tháng 12 năm 1974, Chuẩn tướng Phan Đình Niệm, Tư lệnh Sư đoàn 22 Bộ binh, đại diện Quân đoàn II tổ chức lễ bàn giao Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Kontum rất gọn nhẹ và nhanh chóng, không có hiệu lệnh lễ nghi quân cách, không có các nghi thức đọc diễn văn hay ban huấn từ. Đại tá Phan Đình Hùng là sĩ quan chiến đấu nhiều năm ở vùng Tây nguyên, hiện là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 42 và nguyên là Trung đoàn phó bị thương trong mặt trận Tân Cảnh năm 1972 được tản thương kịp thời trước khi Cộng quân tràn ngập Dakto, Tân Cành.
Trong thời gian trước Giáng Sinh năm 1974, Quân đoàn II đưa ra kế hoạch phối hợp các Liên đoàn Biệt động quân với các đơn vị Địa phương quân, Nghĩa quân thuộc Tiểu khu Kontum thành lập một Bộ Tư Lệnh chiến trường Kontum mà Đại tá Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng Biệt động quân Quân đoàn II là Tư lệnh và Đại tá Phan Đình Hùng, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng là Tư lệnh phó chịu trách nhiệm vùng lãnh thổ Kontum. Bộ Tư Lệnh đặt bản doanh ở Pleisar, cách thị xã Kontum về phía tây chừng 20Km.
Tình hình chiến sự rất yên ắng chỉ đụng độ lẻ tẻ ở xa không đáng kể, mặc dầu tin tức tình báo hằng ngày ở Tiểu khu Kontum cho biết là địch đang di chuyển và tập trung các đơn vị lớn dọc theo các hành lang biên giới. Bộ tư lệnh chiến trường Kontum dàn quân thành một vành đai rộng lớn phía tây bắc Thị xã Kontum.
So với chiến cuộc năm 1972 thì lần nầy với quân số hiện hữu cùng với sự chuẩn bị có thể nói là chu đáo và vững chắc. Lực lượng Biệt động quân là lực lượng trước đây thường trấn đóng ở các trại biên phòng cao nguyên với cấp số Tiểu đoàn (như Tiểu đoàn Biệt động quân biên phòng ở Dak Pek), sau khi giải tán các trại biên phòng, các tiểu đoàn Biệt động quân được sát nhập thành những Liên đoàn và là những lực lượng diện địa thiện chiến. Lực lượng Nhảy dù và Thủy quân lục chiến là các đơn vị trừ bị cơ động và thiện chiến trên các chiến truờng qui ước rộng lớn.
Tháng 1 năm 1975, Giáp Tết âm lịch năm Ất Mão 1975 một phái đoàn đại diện Dân Quân Cán Chính tỉnh Kontum do Đại tá Phan Đình Hùng, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng hướng dẫn đã đến Bộ Tư Lệnh Quân đoàn II ở Pleiku để chúc tết Thiếu tướng Tư lệnh Phạm văn Phú và các sĩ quan tham mưu của Quân đoàn. Nói chuyện với phái đoàn, Thiếu tướng Tư lệnh cho biết là tình hình Kontum vẫn còn yên tĩnh và hiện nay tuy địch quân đang tấn công mạnh vào các đơn vị ở phía tây Pleiku (Thanh An), nhưng cũng chưa có yếu tố rõ rệt là địch sẽ tấn công chính diện ở đâu và vào lúc nào.
“Có thể địch quân sẽ tấn công chính diện vào mặt trận Kontum trước và chúng ta cũng đã chuẩn bị sẵn sàng.” Thiếu tướng nói. Trong cuôc chiến tranh giữ gìn lãnh thổ hiện nay, địch có thể tấn công bất cứ nơi nào với mức độ tập trung quân rất lớn nên có thể đè bẹp và chiếm giữ vị trí của ta, nhưng với sự cơ động nhanh và lực lượng tăng viện kịp thời ta sẽ giành lại các vị trí bị chiếm đóng và thường thì các trận đánh phản công có hiệu quả sẽ làm cho tinh thần của binh sĩ lên cao và sau đó sẽ là những trận thắng lớn vì đã bẻ gãy được các kế hoạch chiến lược của địch. Nói chung, Thiếu tướng Tư lệnh cho biết Quân đoàn sẽ có các kế hoạch cơ động để yểm trợ cho các chiến trường khi cần thiết, Kontum sẽ là vành đai thép ở phía Bắc.
Sau khi ở Bộ Tư Lệnh Quân đoàn ra, phái đoàn được giới thiệu đi đến căn cứ Hàm Rồng, nơi đặt Bộ Tư Lệnh Tiền phương Sư đoàn 23 Bộ Binh và được Chuẩn tướng Tư lệnh Lê Trung Tường tiếp đón, đồng thời dự thuyết trình về tình hình quân sự. Nói chung, mặc dù địch pháo kích dữ dội vào quận lỵ Thanh An và đang tập trung quân đông đảo dọc theo hành lang biên giới phía tây để tấn công, nhưng các lực lượng của ta đã chống trả hữu hiệu và tiêu diệt địch hoàn toàn. Phần thăm viếng căn cứ chỉ có mục đích xã giao và tạo thêm tinh thần cho phái đoàn tin rằng địch có thể sẽ mở cuộc tấn công ở nơi khác chứ không phải Kontum.
Tháng 2 năm 1975, Tổng Cuộc Thực phẩm điện cho tỉnh Kontum chuẩn bị tiếp nhận 200 tấn gạo tiếp tế được chuyển vận từ Cuộc Thực phẩm Qui Nhơn và Nha Trang. Từng đoàn xe dài, mui trần phủ vải bạt liên tiếp chở gạo lên thị xã, không khí rất là nhộn nhịp. Sau khi trưng dụng hết các kho bãi, tỉnh cấp tốc trưng dụng Hội trường của trường Trung Học Hoàng Đạo Kontum để làm kho chứa gạo an toàn.
Tâm lý dân chúng đã trải qua bao nhiêu cuộc tấn công của Cộng sản, bắt đầu từ năm 1965, 1968, 1972 đến nay mới thấy yên tâm hơn bao giờ hết với lực lượng quân đội sẵn sàng đủ sức chống trả địch quân tại địa phương, cùng với các phương tiện tiếp liệu dồi dào, gạo thóc đầy đủ. Tỉnh bắt đầu phân phối gạo cho dân chúng với giá tiếp tế và hầu như chưa có ai nghỉ đến việc di tản về Pleiku hay các tỉnh duyên hải như các lần tấn công trước đây của Cộng quân. Trung tá Biệt động quân Huỳnh văn Lộc được cử giữ chức vụ Quận trưởng kiêm Chi khu trưởng chi khu Kontum (quận Châu Thành).
Dân biểu Nguyễn văn Thống (nguyên Tổng Thơ Ký Hạ Viện) đơn vị Kontum đã có buổi nói chuyện với toàn thể Quân Cán Chính tỉnh Kontum về “Tình Hình Đất Nước” ở rạp hát Thanh Bình. Sau phần trình bày những khó khăn, không thuận lợi của chính phủ VNCH trong vấn đề viện trợ Mỹ cũng như tình hình chung trên toàn quốc, Dân biểu Thống bắt đầu cuộc thảo luận về những vấn đề tại địa phương Kontum. Nói chung, các phát biểu của các hội thảo viên xoay quanh vấn đề chiến sự tại địa phương, trong đó có một câu hỏi của một giáo chức là trong trường hợp chiến sự xảy ra ác liệt như năm 1972 thì chính quyền địa phương đã có kế hoạch di tản dân chúng về các khu vực an toàn hay chưa?
Cuối tháng 2 năm 1975, một phái đoàn 5 người do Đại tá Sánh (Oánh?) hướng dẫn thuộc Phủ PTT. Đặc trách Khẩn Hoang Lập Ấp ghé tỉnh Kontum bằng Phi cơ đặc biệt VO2, phái đoàn có đến Cơ Quan Chính Quyền để thảo luận về kế hoạch KHLA của tỉnh. Sau đó, Đại tá Sánh nói sẽ duyệt xét toàn bộ chương trình tại Sài gòn và đề nghị tỉnh cử một phái đoàn gồm các cơ quan chuyên ngành có liên quan về Phủ để họp thông qua kế hoạch.
Tháng 3 năm 1975, tình hình chiến sự vẫn yên tĩnh, Cộng quân pháo kích rải rác vòng ngoài Thị xã. Ngày 5 tháng 3 địch pháo kích 2 hỏa tiễn 122 ly vào trung tâm Thị xã gần Bộ chỉ huy Tiểu khu, nhưng không có thiệt hại nhân sự và không có giao chiến trên toàn vùng lãnh thổ.
Ngày 8 tháng 3 năm 1975. Phi trường Kontum vẫn hoạt động bình thường. Đoạn đường 40km nối liền Kontum-Pleiku thông suốt (chưa có dấu hiệu xuất hiện đóng chốt của địch).
Ngày 10 tháng 3 năm 1975. Tin Cộng quân tấn chiếm Ban Mê Thuột làm dao động, xôn xao trong toàn tỉnh Kontum. Tiểu khu Kontum ra lệnh giới nghiêm. Quân nhân, công chức cấm trại 100%.
Ngày 11 tháng 3 năm 1975. Các đơn vị Biệt động quân bắt đầu di chuyển nhanh chóng về Pleiku.
Ngày 13 tháng 3 năm 1975. Tất cả lực lượng BĐQ rút khỏi Kontum an toàn, không có một trận giao tranh nào xảy ra trên tuyến đường rút quân Kontum-Pleiku cũng như trên toàn lãnh thổ Kontum.
Ngày 14 tháng 3 năm 1975. Thăng Chuẩn tướng Phạm Duy Tất.
Ngày 15 tháng 3 năm 1975. Tiểu khu Kontum không liên lạc được với Bộ tư lệnh Quân đoàn II. Quân nhân, công chức và dân chúng được tin Pleiku và Quân đoàn II chuẩn bị di tản.
Ngày 16 tháng 3 năm 1975. Cuộc di tản ở Kontum bắt đầu, quân nhân, công chức và dân chúng lũ lượt rời thị xã Kontum hướng về Pleiku. Đoàn xe Bộ chỉ huy Tiểu khu bị phục kích tại đèo Chu Pao. Đại tá Phan Đình Hùng bị trọng thương và mất tích.
Ngày 17 tháng 3 năm 1975. Thị xã Kontum hoàn toàn bỏ trống. Không một tiếng súng nổ. Cộng quân bất ngờ làm chủ tình hình trên toàn lãnh thổ Tỉnh Kontum.
Đoàn quân “di tản chiến thuật” vượt qua cầu Dak Bla xuôi Nam chiều tối ngày 16 tháng 3 năm 1975 là đoàn quân ra đi không bao giờ trở lại. Còn đâu khúc khải hoàn ca bi tráng “Kontum Kiêu Hùng”(*)
“Chu Pao ai oán hờn trong gió
Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường.”
________________________________________
(*) Về chiến trường Kontum năm 1972, địch đã tràn ngập Dakto, Tân Cảnh và trong vòng một tháng Cộng quân đã tiến quân ồ ạt về Kontum và chiếm được phân nửa Thị xã về phía Bắc. Quân ta lui về phía Nam dựa vào bờ sông Dak Bla cố thủ, chờ quân tăng viện từ Pleiku đến phản công. Ngày 31 tháng 5 năm 1972 quân ta toàn thắng, chiếm lại hoàn toàn lãnh thổ phía Bắc và tiêu diệt hoàn toàn lực lượng chiếm đóng, buộc địch phải rút lui để lại vô số thương vong và nhiều vũ khí, đạn dược. Vinh thăng tại mặt trận Chuẩn tướng Lý Tòng Bá. “Kontum Kiêu Hùng” được xướng danh từ đó.
Trần Bạch Thu
https://www.facebook.com/thu.tran.1232760/posts/3770333846335539

Tìm kiếm Blog này