Tim thông tin blog này:

Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Cạo cắn linh tinh... 25










 

Nhiều chuyện, gần đây là "bom hàng"...

Theo tôi:
Khi hiện tượng không phổ biến mà gây thành to chuyện thì ẩn dưới nó là một sự ngụỵ biện, có thể bao biện cho khâu tổ chức yếu kém, có chể đánh lạc hướng vấn đề nào đó... Hoặc nói: các lực lượng ngày đêm vất vả hy sinh phòng chống dịch, bạn đã làm gì cho cộng đồng, ngồi một chỗ ở đấy mà "anh hùng bàn phím" - cũng là một ví dụ.
Xin lỗi, trừ những người thiện nguyện, không lương, không phụ cấp, vượt bao khó khăn ra sức cứu người.

Bộ đội đi chợ còn sang.

Hồi ở K, đơn vị bắt tui và lính làm cầu tiêu cho dân Campuchia chuyên ỉa đồng, ỉa rừng nữa cơ. Có Đại đội trường Trần Đình Phú và Trung đội trưởng Đặng Ngọc Nga làm chứng và chịu trách nhiệm chuyện này.
Tui tui đào hầm, lót ván, thưng vách bằng lá dừa cho chị em ỉa khỏi mắc cỡ. Bà con và con nít xúm lại coi, tưởng bộ đội VN đào hầm phòng thủ. Rốt cục chả có ma nào vào khai trương cái công trình văn minh của VN cả, tủi thân ghê!
Nhờ vậy, Cấp trên thương đề bạt thằng tui lên làm ông cố vấn xã chà bá lửa. haha.

5K, tôi tha thiết mong nhà nước và cộng đồng thấu hiểu.

Thực hiện nghiêm túc 5K sẽ chặn được dịch lây nhiễm rộng?
Cần thiết phải vậy, ngoài vaccine ra, khỏi bàn cãi. Nhưng, đó là điều gần như không tưởng ở khu dân cư nghèo và khu nhà trọ công nhân. Một phòng (nhà nhỏ cũng na ná) có 3-5 người cùng chung sống, phòng cách phòng 1,5-2 mét.
Hàng triệu con virus lẩn quẩn trong môi trường bịt bùng chật hẹp, thông khí kém ấy. Liệu giãn cách kiểu gì? khẩu trang có bảo vệ mình và những người xung quanh được chăng?
Lưu ý: người nhập cư tạm trú chiếm chừng 55% tổng dân số.
Cự ly và tỉ lệ cá nhân tôi phỏng đoán chung chung.
Vì vậy, tôi mong nhà nước sớm có phương án sống chung với dịch.

Xe máy không nổ, bạn làm gì?

Đang phong toả dịch nên ai ở đâu yên ở đấy thành ra xe nằm chết dí một chỗ. Nhưng hữu sự, không đơn giản vậy đâu. Ngay lúc này, biết đâu bạn sẽ cần nó đấy như chở người thân đi bệnh viện cấp cứu, xách xe đi mua thuốc v.v...
Xe không hoạt động, sẽ chết máy, đề hay đạp đều khó nổ. Do xăng lâu ngày bị đóng cặn làm tắt các đường thông, còn bình ắc qui tự động xả hết điện.
Cho nên bạn nên nhớ 3-5 ngày, khởi động máy một lần, chừng 10, 15 phút (chứ rảnh ở không làm gì).
Nếu bạn không biết hoặc lỡ quên thì cách này hy vọng cứu được:
- Trước hết, đóng e gió xe để ưu tiên hút xăng cho bugi đánh lửa.
- Đề 2-3 cái không nổ thì ráng chỉ hại thêm, một ít điện bình sẽ mất luôn. Rốt cục đạp cũng không nổ, thì:
- Nếu là xe tay ga rất nặng đạp thì bạn cần vừa đề vừa đạp cho nhẹ bớt.
- Chiêu gần cuối: người ngồi người đẩy, chừng nào xì khói thì thôi.
- Cuối cùng không nổ, người rành thì sẽ tự sửa xe. Không rành, đường xa ngại dắt xe đi sửa thì tháo bình ắc quy nhờ xe khác đem đi cho thợ sạc vào, mang về ráp lại, tiếp tục đề đạp như trên...

Hú hồn! lão đã được đóng 1 phát Pfizer.

Tai nghe mắt thấy, mình ghi nhận như vầy:
Xe của Phường thông báo, 1 giờ 30 chiều bắt đầu chích. Sợ đông nên 1 giờ, mình đã phi đến điểm chích. Địa điểm là một trường mẫu giáo. Tới nơi, nghe loa phổ biến chi tiết: Đối tượng tuổi từ 12 đến 18 - điều kiện có bệnh nền và tuổi từ 40 đến 80. Vậy là không cần giấy mời chích ngừa như thông lệ và đợt này đối tượng vẫn còn sàng lọc do thuốc còn hạn chế. Yêu cầu mang theo hộ khẩu, tạm trú và CMND, ai đó bệnh nền mang theo bệnh án.
Xếp thành 3 hàng, dài mút chỉ. Người có lúc cách nhau chừng 5 tất, nhiều lúc dồn người gần như khít nhau, cựa là đụng. Mấy chú Thanh niên Xung phong đi tới đi lui yêu cầu bà con giãn cách, rồi đâu vẫn vào đó (sợ mất phần). Thấy có một ít công an, dân quân, TNXP dẫn người quen chen ngang vào thẳng luôn, không xếp hàng. Dù biết môi trường như vậy, chắc thế nào cũng nhiễm một số con virus vào người, lão đành bấm bụng, người ta sao mình vậy.
Sau 1 giờ 30 xếp hàng phơi nắng, rồi cũng tới cổng trình giấy tờ. Ngồi ghế chờ, đi nối đuôi nhau từ bàn nọ qua bàn kia. Một thủ tục cho có lệ, người đăng ký chích ngừa đã đánh dấu thông tin vào ô trống, họ hỏi lại, đo huyết áp rồi chích là xong. Thời gian xếp hàng vất vả khá lâu chỉ ở ngoài cổng còn vào bên trong thì trật tự, thông thoáng. Cuối cùng chờ kêu tên lấy giấy xác nhận đã tiêm vaccine là đi về. Rời khỏi nơi tiêm, mình và có lẽ nhiều người cảm thấy thanh thản, nhẹ gánh. Tới nhà, thay trang phục, tắm rửa, rồi lão lên mạng gõ lại chia sẻ như các bạn thấy.
Có lẽ Pfizer lần này nằm trong số 500.000 liều dành cho phía Nam mà Mỹ viện trợ khẩn cấp vừa rồi. Hiểu ra là việc đối tượng được tiêm vaccine vừa khó vừa dễ..., qua cái cổng dân quân kiểm tra là xong, bên trong nhân viên y tế cứ thế mà làm. Việc chọn vaccine nào, chỉ phổ biến trên mạng méo thôi, thực tế nhà nghèo, dân lao động không mấy quan tâm. Mình để ý dân chả ai hỏi nhau sẽ chích vaccine nào, chích rồi có người cũng chả biết đã chích gì luôn. Mình đoán hầu như những người thừa hành nhiệm vụ phòng chống dịch và người gia đình khá giả... đã chích khá lâu, có thể là 2 mũi rồi. Đợt mình chích lần này, coi như đa số tầng lớp bình dân. Khi mình về, ngó lại đoàn người rồng rắn xếp hàng, có thể phân nữa nữa là tối, hết chích. Qua ngày hôm sau là chuyện khác và họ không biết bao giờ sẽ được chích...
Cảm ơn chính phủ Mỹ đã quăng cái phao cứu sinh chỗ mình lúc này!

TÍNH CHẤT QUAN TRỌNG CỦA TĐ 1022

Tôi xin nhắc lại các bạn ở vùng dịch cần cấp cứu và hổ trợ đặc biệt khó khăn, hãy nhớ số Tổng đài này. Đây là kênh liên lạc mà tôi đã gọi 2 lần, ghi nhận rất tốt và cho rằng nó hiệu quả nhất.
Ví dụ:
Sáng nay, tôi hay biết khá muộn ở khu phòng trọ. một phòng hoàn cảnh rất nghèo. Có một bà cụ 70 tuổi nằm liệt giường 3 ngày - triệu chứng như mắc covid-19 (người con trai của bà bị trước, nay đã khoẻ dần). Có người gọi điện thoại cho trạm y tế phường, không nghe máy (không rõ lý do). Nghe vậy, tôi mới xáp vô gọi số ĐT 0274.1022 - phiếm 2. Người ta bốc máy nghe liền, một chú trực tổng đài hỏi căn kẽ, lắng nghe và ghi nhận ý kiến về trường hợp mình phản ánh. Chú ấy còn dặn thêm: nhờ tôi theo dõi, nếu 2 giờ đồng hồ nữa mà không ai liên hệ thì phản ánh tiếp cho TĐ.
Ai chưa biết cách liên lạc, xem lại ở đây:
https://www.facebook.com/Thocao09/posts/4636476999718774

Xem cái Thông báo chịu đời hết thấu của bà tổ trưởng.

Rất mắc cười nhưng đáng ngẫm, mình hoàn toàn đồng cảm.
Loại "đầu đất toàn phân", ở đâu không biết chứ vùng đỏ dân tụi tui được cho gì lấy nấy và cảm ơn. Mình thấy từ cấp khu phố trở xuống: từ cán bộ đến dân phòng, đoàn thể, tình nguyện viên, họ vất vả ngày đêm lo cái ăn cho người dân. Hết chỉ thị này đến chị thị nọ từ trên dội xuống, lo mà chạy, riết cũng đuối. Hy sinh thế là cùng, mà chả biết khi nào kết thúc.



Theo dõi kế hoạch tiêm chủng vaccine ở vài nơi đến ngày 05/9/2021.

 


"Biên niên sử Covid" ở khu nhà trọ chỗ tôi.

Tính tôi ít khi để ý đến tiểu tiết, nhưng trong sự kiện lớn cần ghi nhận sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và những người thiện nguyện đem cho. Người ta nói "của một đồng công một lượng" há chẳng vậy sao.
Tôi nhớ và ghi lại (có thể thiếu sót chút ít):
Con người ở đây.
Khu nhà trọ có 6 kiot mặt tiền và hai dãy phòng trọ có 54 phòng, tổng cộng 60 gồm 132 người. Trong đó có 1 phòng về quê giữa lúc dịch, 6 phòng có người vào Khu công nghiệp sản xuất 3 tại chỗ.
Nhà chủ bề thế ở kế bên, khi cao điểm phong toả thì bà chủ không dám ra vào khu phòng trọ nữa, công nhân 1 người đại diện tiếp nhận lương thực thực phẩm hổ trợ, các gia đình nhận và tự phân phối chia sẻ lẫn nhau.
Thời gian diễn ra.
Chỗ Tổ dân phố tôi ở bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 21/6/2021, sau đó là CT-16 tăng cường, đến 22/8 xếp vào diện vùng đỏ đậm đặc “đông cứng, khóa chặt”. Vậy là đến nay đã trải qua 78 ngày.
Dịch, xét nghiệm và chích ngừa.
Cuối tháng 7, y tế nhà nước tổ chức xét nghiệm nhanh 1 lần duy nhất.
Ngày 0/9, tiêm ngừa mũi 1 vaccine. Chỉ 2-3 phòng được chính, đại đa số trong độ tuổi 18 đến 40 thì không.
Khoảng chừng giữa tháng 8 có 1 kiot tự thuê dịch vụ xét nhanh - dương tính 3 mẹ con. 10 ngày sau thì bị tiếp 1 phòng bên trong, chú công nhân mắc bệnh một tuần đã đỡ thì tới bà mẹ già 70 tuổi bị tiếp. Sau đó có 2 quân y của tổ y tế lưu động đến xét nghiệm nhanh - dương tính, cho thuốc uống. Cả hai trường hợp trên không thấy chính quyền không dăng dây cách ly. Nghe bảo sâu bên trong nữa có 3 cô gái cùng phòng cũng bị, không nghe ồn ào gì.
Do không ai đến xét nghiệm cộng đồng nên không thể khẳng định F0 nhưng mọi người đều có triệu chứng phổ biến của virus Covid-19. Dân ở đây kháo nhau khu phòng trọ này mà nếu xét nghiệm có lẽ lòi ra một mớ vài chục người. Người ta chịu đựng, lo thì lo tuy nhiên mọi sinh hoạt êm ả bình thường...
Hỗ trợ tiền mặt.
Đến nay chưa nhận bất kỳ khoản nào mà chính quyền Bình Dương đã tuyên bố hứa hẹn, như: 1,5 triệu đồng - tiền hỗ trợ mất việc làm. 300 ngàn - tiền hỗ trợ nhà trọ. 500 ngàn - tiền hỗ trợ lương thực thực phẩm (có thể chính quyền trừ vào hiện vật phân phát chăng?).
Hỗ trợ lương thực thực phẩm.
Ghi nhận theo một gia đình có 3 người:
Tháng 6-7 không có hoạt động hỗ trợ nào.
Tháng 8 hỗ trợ rải rác, cuối tháng 8 nhiều hơn từ Khu phố, vắng bóng dân thiện nguyện. Một lần duy nhất được 12 kg gạo. Có ghi ở đây:
https://www.facebook.com/Thocao09/posts/4667923739907433
Đợt mới đầu tháng 9, xe của Khu phố đưa thực phẩm dồn dập đến như sau:
01/9 - 1 bắp cải, 1 bí đỏ, 10 củ khoai tây
03/9 - 2 cải bắp nhỏ, 10 củ khoai tây, 10 củ dền đỏ.
03/9 - 3 lốc sữa, 30 trứng gà.
04/9 - 2 trái bắp cải, 10 trái su su, 1,5 con gà đông lạnh (chia nhau).
05/9 - 1,5 chai dầu, 1,5 chai nước mắm, 1,5 chai xì dầu, 1,5 bịch bột nêm nhỏ, 1,5 bịch xúc xích (6 cái), 7-8 gói mì tôm.
(Những thực phẩm trên không rõ từ nguồn nào khi chuyển đến Khu phố).
Ngoài ra ngày 04-5/9, bạn học cũ của tôi thay mặt nhóm thiện nguyện ở Mỹ uỷ nhiệm cho tôi trao 60 xuất gạo ngon, mỗi phòng 10 kg và biếu bà cụ nghèo bị covid 1 triệu đồng.
.....









Tìm kiếm Blog này